EU: Biến động dân số; UBS giải cứu Credit Suisse; Sản xuất QP gặp khó; Tìm cách giảm phụ thuộc TQ; Thách thức chờ Macron

Biến động dân số ở châu Âu: Tỉ lệ sinh cao nhất ở Pháp, Malta thấp nhất

(Ảnh minh họa).

Hơn 4 triệu trẻ em đã được sinh ra ở Liên minh châu Âu (EU) mỗi năm trong 3 thập kỷ qua, nhưng những con số này đang có xu hướng giảm.

Năm 2021, 4,09 triệu trẻ em được sinh ra ở EU. Đây là con số thấp thứ 2 kể từ năm 1960. Con số thấp nhất được ghi nhận năm 2020, thời điểm có 4,07 triệu trẻ em chào đời.

Tỉ lệ sinh - phản ánh số ca sinh/phụ nữ - đã thay đổi đáng kể ở các nước châu Âu trong 20 năm qua. Tỉ lệ sinh đã giảm ở 11 trong số 27 quốc gia thành viên EU từ năm 2001 đến 2021, theo Euronews.

Những quốc gia nào có tỉ lệ sinh cao nhất và thấp nhất ở châu Âu? Mức sinh đã thay đổi như thế nào trên khắp châu Âu trong 2 thập kỷ qua?

Theo Eurostat, cơ quan thống kê của EU, năm 2021, Pháp có tỉ lệ sinh cao nhất trong số các quốc gia thành viên EU với 1,84 trẻ chào đời/phụ nữ. Malta có tỉ lệ sinh thấp nhất là 1,13. Mức trung bình cho toàn EU trong năm này là 1,53.

Tiếp sau Pháp, các quốc gia có tỉ lệ sinh cao lần lượt là Cộng hòa Czech (1,83), Iceland (1,82) và Romania (1,81).

Euronews lưu ý, trong khi tỉ lệ sinh cao nhất được ghi nhận ở một quốc gia ở khu vực Địa Trung Hải là Pháp, thì các quốc gia Địa Trung Hải khác lại có tỉ lệ sinh ở chiều ngược lại, thấp hơn đáng kể như: Malta (1,13), Tây Ban Nha (1,19), Italia (1,25), Síp (1,39) và Hy Lạp (1,43).

Tỉ lệ sinh ở các quốc gia khác là: 1,72 ở Đan Mạch; 1,7 ở Thổ Nhĩ Kỳ; 1,61 ở Anh; 1,58 ở Đức và 1,35 ở Bồ Đào Nha.

Về số trẻ em sinh ra ở EU, con số thấp nhất được ghi nhận năm 2020 là 4,07 triệu. Xu hướng giảm số ca sinh ở EU bắt đầu từ năm 2008, thời điểm có 4,68 triệu trẻ em chào đời.

Tỉ suất sinh ở EU đã tăng 8% ở EU trong giai đoạn từ năm 2001 (1,43 ca sinh/phụ nữ) đến năm 2021 (1,53 ca sinh/phụ nữ). Trong giai đoạn này, mức tăng cao nhất được ghi nhận ở Cộng hòa Czech với 59%, tiếp theo là Romania (43%) và Slovakia và Slovenia (đều 36%).

Thổ Nhĩ Kỳ, một trong những quốc gia đông dân nhất ở châu Âu, đã giảm tỉ lệ sinh lớn nhất trong giai đoạn này: Giảm từ 2,38 vào năm 2001 xuống còn 1,7 vào năm 2021, tương ứng với mức giảm 29%. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đứng thứ 8 trong số 37 quốc gia có tỉ lệ sinh cao nhất.

Tỉ lệ sinh cũng giảm 24% ở Malta, 16% ở Phần Lan, 7% ở Bồ Đào Nha và 5% ở Hà Lan. Việc giảm tỉ lệ sinh hạn chế hơn ở Tây Ban Nha và Pháp (đều 3%), và ở Anh là 1%.

Năm 2021, độ tuổi trung bình của phụ nữ sinh con đầu lòng ở EU là 29,7 tuổi. Độ tuổi này đã tăng đều đặn trong những năm qua, từ mức 28,8 tuổi năm 2013.

Năm 2021, tuổi trung bình của phụ nữ khi sinh con đầu lòng cao nhất ở Italia và Tây Ban Nha, đều là 31,6 tuổi. Độ tuổi phụ nữ khi sinh con đầu lòng thấp nhất ở Bulgaria là 26,5 tuổi, tiếp đến là Albania (26,6 tuổi) và Thổ Nhĩ Kỳ (26,7 tuổi).

Độ tuổi trung bình của phụ nữ khi sinh con đầu lòng ở các quốc gia khác là: 31,2 tuổi ở Ireland, 31 tuổi ở Hy Lạp, 30,9 tuổi ở Anh và xứ Wales, 30,1 tuổi ở Đức và 29,1 tuổi ở Pháp.

Tỉ lệ sinh con của các bà mẹ người bản xứ và các bà mẹ nước ngoài khác nhau đáng kể trên khắp châu Âu. Con cái của các bà mẹ nước ngoài dao động từ 1% ở Serbia đến 65% ở Luxembourg.

Năm 2021, tỉ lệ sinh con của các bà mẹ nước ngoài là 29% ở Đức, Anh và Thụy Điển, trong khi Pháp là 23%.

Ngoài Serbia, tỉ lệ sinh con của các bà mẹ nước ngoài là 3% hoặc ít hơn ở Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Litva, Slovakia và Bulgaria.

Tỉ lệ sinh của các bà mẹ nước ngoài đã tăng ở hầu hết các nước EU từ năm 2013 đến năm 2021. Malta có mức tăng cao nhất là 22%, tiếp theo là Hy Lạp (6%) và Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Romania (đều 5%).

(Nguồn: Lao Động)

UBS đồng ý 'giải cứu khẩn cấp' Credit Suisse

Ngân hàng gặp khó khăn Credit Suisse đã được giải cứu bởi đối thủ UBS trong một thỏa thuận được chính phủ Thụy Sĩ hậu thuẫn.

Thông báo vào tối Chủ nhật được đưa ra sau một cuộc đàm phán khẩn cấp vào cuối tuần ở Thụy Sĩ giữa hai ngân hàng và cơ quan quản lý tài chính của Thụy Sĩ.

Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ, hay ngân hàng trung ương, cho biết thỏa thuận này là cách tốt nhất để khôi phục niềm tin của thị trường tài chính và quản lý rủi ro cho nền kinh tế.

Ngân hàng Trung ương Anh cho biết họ hoan nghênh "những hành động toàn diện".

Các cổ đông của Credit Suisse đã bị tước quyền bỏ phiếu trong thỏa thuận và sẽ nhận được một cổ phần trong UBS cho mỗi 22,48 cổ phiếu mà họ sở hữu, theo đó định giá ngân hàng Credit Suisse ở mức 3,15 tỷ đô la.

Khi kết thúc hoạt động kinh doanh vào thứ Sáu, Credit Suisse được định giá khoảng 8 tỷ đô la.

Nhưng thỏa thuận đã đạt được những gì các nhà quản lý dự trù theo đó đảm bảo có được kết quả trước khi thị trường tài chính mở cửa vào thứ Hai.

Trong một tuyên bố, ngân hàng trung ương Thụy Sĩ cho biết "đã tìm ra giải pháp để đảm bảo ổn định tài chính và bảo vệ nền kinh tế Thụy Sĩ trong tình huống đặc biệt này".

Chính phủ liên bang cho biết để giảm thiểu mọi rủi ro cho UBS, họ sẽ cấp một khoản bảo đảm đối với các khoản lỗ tiềm ẩn trị giá 9,6 tỷ đô la.

Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ cũng đã cung cấp hỗ trợ thanh khoản lên tới 110 tỷ đô la.

Các tổ chức tài chính toàn cầu đã nhanh chóng ca ngợi thỏa thuận này.

Ngân hàng Trung ương Anh cho biết họ hoan nghênh "các hành động toàn diện" do chính quyền Thụy Sĩ đề ra.

"Chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế trong suốt quá trình chuẩn bị cho thông báo ngày hôm nay và sẽ tiếp tục hỗ trợ việc thực hiện này."

Ngân hàng Trung ương Anh cho biết hệ thống ngân hàng của Vương quốc Anh "được vốn hóa và tài trợ tốt, và vẫn an toàn và lành mạnh".

Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, cho biết bà hoan nghênh "hành động nhanh chóng" của chính quyền Thụy Sĩ.

Các bình luận từ Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu đã được chia sẻ tương tự ở Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell đều cho biết thông báo của chính quyền Thụy Sĩ hỗ trợ "sự ổn định tài chính".

Họ nói rằng "Thực trạng vốn và thanh khoản của hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ rất mạnh và hệ thống tài chính Hoa Kỳ có khả năng phục hồi".

Credit Suisse, được thành lập vào năm 1856, đã phải đối mặt với một loạt vụ bê bối trong những năm gần đây, bao gồm cả cáo buộc rửa tiền.

Credit Suisse đã báo cáo khoản lỗ 7,3 tỷ franc Thụy Sĩ (7,9 tỷ đô la) vào năm 2022 - năm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - và đã cảnh báo rằng họ sẽ không có lãi cho đến năm 2024.

Tuy nhiên, UBS đã kiếm được lợi nhuận 7,6 tỷ đô la vào năm 2022.

Không chỉ là một ngân hàng nội địa với 95 chi nhánh, Credit Suisse còn có hoạt động ngân hàng đầu tư toàn cầu và quản lý tài sản của các khách hàng giàu có.

Vào cuối năm ngoái, Credit Suisse có 50.480 nhân viên toàn cầu bao gồm 16.700 người ở Thụy Sĩ, mặc dù ngân hàng đã cắt giảm 9.000 việc làm, đài truyền hình SRF của Thụy Sĩ đưa tin.

(Nguồn: BBC)

Ngành sản xuất quốc phòng của châu Âu gặp khó

(Ảnh minh họa).

Các nhà máy quốc phòng của châu Âu đang phải đối mặt với thách thức về nguồn cung đầu vào để đáp ứng nhu cầu vũ khí của Ukraine.

Financial Times ngày 19/3 dẫn nguồn thạo tin cho biết, một số quan chức nhà sản xuất vũ khí của châu Âu nói rằng, các nhà máy quốc phòng ở khu vực đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung vật liệu như thuốc súng, thuốc nổ TNT. Điều này có thể làm chậm kế hoạch tăng sản lượng đạn pháo khoảng 3 năm.

Theo nguồn tin, điều này có nghĩa là ngành quốc phòng của châu Âu khó có thể đáp ứng nhu cầu đạn dược ngày càng tăng do chiến sự ở Ukraine kể cả khi đổ nguồn tiền lớn vào đây.

"Vấn đề cơ bản là ngành quốc phòng châu Âu không được chuẩn bị cho kịch bản chiến sự quy mô lớn", một quan chức Đức tiết lộ.

Jiri Hynek, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp An ninh và Quốc phòng Séc, cho hay xây dựng một nhà máy rất dễ nhưng không thể sản xuất đạn pháo nếu không có nguyên liệu thô. Quan chức này cũng chỉ ra, không thể tăng mạnh sản lượng thuốc súng trong thời gian ngắn. "Muốn tăng sản lượng thuốc súng, chúng ta cần khoảng 3 năm", ông Hynek nói.

Gianclaudio Torlizzi, một quan chức quốc phòng Italy, cho rằng để khắc phục tình hình, Liên minh châu Âu (EU) cần tìm kiếm các nguồn cung mới. Theo ông, EU cần tiếp cận các quốc gia mà họ vốn coi là nguồn cung "phi truyền thống".

Giới chức EU nhiều lần bày tỏ lo ngại về tình trạng cạn kiệt kho dự trữ quốc phòng sau một thời gian dài viện trợ quân sự cho Ukraine. Tháng 12 năm ngoái, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell thừa nhận, đầu tư hạn chế trong thời gian dài khiến kho dự trữ khí tài của khối cạn kiệt nhanh chóng. Trước tình hình này, một số lãnh đạo khu vực đã đề nghị khối chuyển sang cơ chế nền kinh tế thời chiến.

(Nguồn: Dân Trí)

Thấm thía bài học từ dầu Nga, châu Âu dấn thân vào cuộc đua mới nhằm giảm phụ thuộc với Trung Quốc

Bài học từ khí đốt Nga khiến châu Âu phải nỗ lực tìm cách khôi phục ngành công nghiệp đang lụi tàn.

Ít ai biết rằng, bên dưới vùng quê yên bình, những cánh đồng nho và những ngọn đồi gần sông Rhine, miền Tây nước Đức lại có đủ lithium để sản xuất ra hàng triệu khối pin xe điện.

Gần đây, ông ty khai khoáng Vulcan Energy Resource đã bắt đầu khai thác lithium từ hỗn hợp nước khoáng nóng ở độ sâu khoảng 2 dặm dưới lòng đất. Đây cũng chính là dòng nước nóng mà Vulcan đã mua để phục vụ cho nhà máy điện địa nhiệt suốt nhiều năm trời.

Hiện Vulcan đang có kế hoạch lớn nhằm mở rộng quy mô ở thung lũng với sự hậu thuẫn từ các hợp đồng cung cấp cho ngành công nghiệp xe hơi.

Các dự án như của Vulcan có thể là một nước đi lớn đối với châu Âu, lục địa duy nhất nơi công tác khai thác khoáng sản và kim loại sụt giảm trong 2 thập kỷ đầu của thế kỷ này – theo 1 báo cáo của chính phủ Áo.

Bài học từ khí đốt Nga

Việc khai thác lithium, đồng và các nguyên tố đất hiếm (vốn được sử dụng để sản xuất pin xe điện, laptop, điện thoại di động và hạ tầng năng lượng tái tạo như các tuốc-bin điện gió) đã trở nên cấp thiết đối với châu Âu sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra.

Việc Moscow cắt nguồn cung khí đốt tự nhiên cho các quốc gia châu Âu đã để lộ ra điểm yếu của châu Âu, cho thấy mức độ phụ thuộc của khối này đối với việc nhập khẩu các nguyên liệu thô quan trọng.

"Nếu không chủ động tự cung tự cấp hơn đối với khoáng sản và kim loại, có thể châu Âu sẽ sớm rơi vào tình huống không thể tự bảo vệ mình trước các chính phủ nước ngoài, như những gì đã xảy ra với khí đốt Nga ", phó giám đốc điều hành Vulcan – Cris Moreno – nhấn mạnh.

Viễn cảnh này buộc liên minh châu Âu phải tái khởi động lĩnh vực khai khoáng trong bối cảnh nhu cầu dự kiến tăng cao đối với các khoáng sản, kim loại trọng yếu khi các nền kinh tế lớn của thế giới xây dựng các nhà máy pin xe điện và hạ tầng năng lượng tái tạo.

Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất các quy định mới nhằm đẩy nhanh quá trình cấp phép cho các mỏ mới và thiết lập một cơ quan nhằm tập trung thu mua các khoáng sản chủ chốt của EU. Các nước thành viên EU sẽ phải thông qua đề xuất này.

Hàng loạt trở ngại

Tác động mà khai thác mỏ gây ra đối với môi trường từ lâu đã trở thành trở ngại lớn nhất trong ngành công nghiệp của châu Âu.

Năm ngoái, các cuộc biểu tình đã buộc Serbia phải thu hồi giấy phép cho dự án khai thác lithium lớn của Rio Tinto PLC, một trong công ty khai khoáng lớn nhất thế giới. Tại Bồ Đào Nha, nơi có kho dự trữ lithium lớn nhất châu Âu, công ty khai khoáng Savannah Resources PLC đang bị một nhóm cộng đồng kiện với cáo buộc chiếm đoạt đất đai.

Theo WSJ, hầu như các kỹ thuật dùng để khai thác lithium đều có tác động đáng kể với môi trường. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết, tại Australia, nơi sản xuất gần một nửa lượng lithium cho thế giới, các công ty khai thác mỏ lộ thiên làm biến dạng cảnh quan, đòi hỏi rất nhiều nhiên liệu hóa thạch và có thể làm ô nhiễm nguồn nước.

Trong khi đó, tại Chile, nhà sản xuất lithium đứng thứ 2 thế giới, lượng nước nóng giàu lithium khổng lồ được bơm khỏi lòng đất và đưa vào những bể chưa lớn. Nước sau đó bốc hơi, để lại lithium. Quá trình này làm cạn kiệt mạch nước ngầm ở những vùng đất vốn đã khô cằn.

Về phần mình, Vulcan cho biết, công ty này sử dụng một kỹ thuật khá mới để khai thác lithium trong khi giảm thiểu tác hại đối với môi trường. Vulcan sẽ bơm nước nóng ngược trở lại mạch ngầm sau khi phân tách lithium và sử dụng chính nguồn nước nóng để tạo ra điện phục vụ cho quá trình sản xuất, cũng như cư dân địa phương.

Nhiều công ty khác khắp châu Âu cũng đang thử nghiệm kỹ thuật tương tự.

Dù vậy, nỗ lực thoát phụ thuộc đối với nguồn nhập khẩu vẫn rất khó khăn, thậm chí đối với những dự án lithium mới nhất của châu lục.

Kỹ thuật khai thác lithium mà Vulcan đang áp dụng rất triển vọng nhưng các loại dung môi công nghiệp dùng để phân tách lithium khỏi nguồn nước nóng địa nhiệt chủ yếu được sản xuất từ Trung Quốc. Hiện Vulcan đang nỗ lực phát triển loại dung môi của riêng mình.

Vulcan đặt mục tiêu trở thành đơn vị khai thác lớn nhất trong khu vực và dự kiến tới năm 2027, công ty sẽ khai thác đủ lượng lithium để tạo ra 1 triệu khối pin xe điện mỗi năm.

Tuy nhiên, Vulcan vẫn còn phải hoàn thành quá trình cấp phép ở hầu hết các địa điểm mới, nơi công ty này sẽ tiến hành sản xuất năng lượng địa nhiệt và khai thác lithium.

Theo nghiên cứu của ĐH KU Leuven (Bỉ), nếu tất cả các dự án lithium đang được cân nhắc của châu Âu được cấp phép thông qua thì phân nửa nhu cầu của châu lục này từ nay cho tới năm 2030 sẽ được đảm bảo.

Tuy nhiên, việc châu Âu đi xa được tới đâu trên con đường sản xuất nhằm thay thế việc nhập khẩu các nguyên liệu quan trọng vẫn có giới hạn – Sabrin Chowdhury, người đứng đầu nghiên cứu tại Fitch Solutions khẳng định.

Ngành khai thác mỏ ở châu Âu lụi tàn trong những năm gần đây một phần là do nhập khẩu rẻ hơn nhiều. Mỏ magie cuối cùng của châu Âu đã đóng cửa hồi đầu thế kỷ vì không thể cạnh tranh nổi với các đối thủ Trung Quốc. Hầu như toàn bộ lượng magie được sử dụng ở châu Âu hiện tại đến từ Trung Quốc.

Ngoài ra, quá trình cấp phép chậm chạp cũng là một trong những yếu tố kéo lùi ngành công nghiệp – Rolf Kuby, Tổng giám đốc Euromines cho biết.

Hồi đầu năm nay, Thụy Điển phát hiện trữ lượng đất hiếm lớn nhưng có thể phải mất 15 năm mỏ này mới có thể được đưa vào khai thác thương mại. Theo các nhà phân tích, Mỹ cũng có quá trình phép tương đối phiền hà nhưng vẫn ngắn hơn châu Âu.

"Chúng ta cần nghiên cứu về tác động môi trường nhưng cần phải thực hiện nhanh hơn nữa. Các dự án quan trọng nên được tăng tốc", ông Kuby nói.

(Nguồn: Soha)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đối mặt thách thức lớn nhất

(Ảnh minh họa).

Động thái của ông Macron nhằm thông qua dự luật cải cách hưu trí mà không cần các nhà lập pháp bỏ phiếu khiến làn sóng biểu tình ở Pháp càng thêm dậy sóng.

Việc chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron viện dẫn một quyền hành pháp gây tranh cãi để buộc thông qua một dự luật bằng sắc lệnh – vốn hợp pháp theo hiến pháp Pháp – đã gây ra sự phẫn nộ trong tầng lớp chính trị cũng như các cuộc biểu tình giận dữ trên đường phố.

Giờ đây nhà lãnh đạo 45 tuổi đang phải đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất khi chưa đầy một năm kể từ nhiệm kỳ thứ hai và cũng là nhiệm kỳ cuối cùng của ông.

Ông Macron đã hy vọng nỗ lực tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 sẽ củng cố di sản của ông với tư cách là vị Tổng thống đã chuyển đổi nền kinh tế Pháp trong thế kỷ 21. Trên thực tế, ông thấy quyền lực lãnh đạo của mình bị thách thức, cả trong quốc hội Pháp và trên đường phố của các thành phố lớn.

Động thái ông Macron chọn sử dụng quyền lực hiến định của chính phủ hôm 16/3 nhằm thông qua dự luật cải cách hưu trí mà không cần các nhà lập pháp bỏ phiếu đã khiến phe đối lập chính trị tức giận và có thể cản trở khả năng chính phủ của ông thông qua luật trong 4 năm còn lại của nhiệm kỳ.

Nhà lãnh đạo Pháp đã giữ im lặng về chủ đề này kể từ đó. Tuy nhiên, một nguồn tin thân cận của Tổng thống Pháp nói với AFP vào tối 18/3 rằng ông đang “theo dõi các diễn biến”.

Độ tín nhiệm lao dốc

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Pháp nổ ra xung quanh kế hoạch cải cách hưu trí của chính phủ đã được phản ánh qua tỉ lệ tín nhiệm ngày càng giảm đối với Tổng thống Macron, theo một cuộc thăm dò mới được công bố hôm 19/3.

Theo cuộc thăm dò hàng tháng của viện thăm dò ý kiến Ifop, độ tín nhiệm của ông Macron đã giảm xuống mức chưa từng thấy kể từ đầu năm 2019, thời điểm kết thúc các cuộc biểu tình Áo vàng.

Cuộc thăm dò, được tiến hành từ ngày 9-16/3, cho thấy chỉ có 28% số người được hỏi hài lòng với chính quyền của ông Macron, ít hơn 4% so với tháng trước, trong khi 70% không hài lòng.

Mức độ được yêu mến của ông Macron đã giảm 13% kể từ khi ông tái đắc cử vào tháng 5/2022. Tỉ lệ này đã đạt mức thấp nhất là 23% vào tháng 12/2018, đỉnh điểm của cuộc biểu tình Áo vàng.

Kể từ khi trở thành Tổng thống Pháp vào năm 2017, ông Macron thường bị cho là kiêu ngạo và xa cách. Được coi là “Tổng thống của những người giàu có”, ông đã gây phẫn nộ khi nói với một người đàn ông thất nghiệp rằng ông ấy chỉ cần “sang đường” để tìm việc làm, và ám chỉ rằng một số công nhân Pháp là “lười biếng”.

Giờ đây, chính phủ của ông Macron đã càng thêm xa cách với người dân thường khi sử dụng thẩm quyền đặc biệt mà họ có theo Điều 49.3 của Hiến pháp Pháp để áp đặt một thay đổi không được lòng công chúng, ông Brice Teinturier, phó tổng giám đốc viện thăm dò ý kiến Ipsos, cho biết.

Những người chiến thắng duy nhất trong tình huống này là nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen và đảng Tập hợp Quốc gia (NR) của bà, và các liên đoàn lao động của Pháp, ông Teinturier cho biết. Bà Le Pen đã thua ông Macron trong vòng nước rút của 2 cuộc bầu cử Tổng thống gần đây nhất của đất nước.

Khi những đống rác ngày càng lớn và mùi hôi bốc ra càng nặng hơn, nhiều người ở Paris đã đổ lỗi cho chính phủ về tình trạng này chứ không phải những công nhân đang đình công.

Ông Macron nhiều lần nói ông tin rằng hệ thống hưu trí của Pháp cần sửa đổi để duy trì nguồn tài chính. Ông nói rằng các lựa chọn được đề xuất khác, như tăng gánh nặng thuế vốn đã nặng nề, sẽ đẩy các khoản đầu tư ra xa và việc giảm lương hưu của những người về hưu hiện tại không phải là một giải pháp thay thế thực tế.

Việc công chúng thể hiện sự không hài lòng có thể ảnh hưởng nặng nề đến các quyết định trong tương lai của ông. Các cuộc biểu tình tự phát, đôi khi biến thành bạo lực, đã nổ ra ở Paris và trên khắp đất nước trong những ngày gần đây – trái ngược với các cuộc biểu tình và đình công chủ yếu là ôn hòa do các công đoàn lớn của Pháp tổ chức trước đây.

Những lựa chọn trong tay

Việc ông Macron tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 4 năm ngoái đã củng cố vị thế của ông với tư cách là một nhà lãnh đạo chủ chốt ở châu Âu. Ông đã vận động theo một chương trình nghị sự ủng hộ doanh nghiệp, cam kết giải quyết vấn đề hưu trí và nói rằng người Pháp phải “làm việc lâu hơn”.

Vào tháng 6 năm ngoái, liên minh trung dung của ông Macron đã mất thế đa số trong Quốc hội Pháp, mặc dù họ vẫn giữ nhiều ghế hơn các đảng chính trị khác. Vào thời điểm đó, ông nói rằng chính phủ của ông muốn “lập pháp theo một cách khác,” dựa trên sự thỏa hiệp với một loạt các nhóm chính trị.

Kể từ đó, các nhà lập pháp bảo thủ đã đồng ý ủng hộ một số dự luật phù hợp với chính sách của họ. Nhưng những căng thẳng về kế hoạch hưu trí và sự thiếu tin tưởng lan rộng giữa các đảng đa dạng về ý thức hệ, có thể chấm dứt nỗ lực tìm kiếm sự thỏa hiệp.

Các đối thủ chính trị của ông Macron tại Quốc hội Pháp hôm 17/3 đã đệ trình 2 kiến nghị bất tín nhiệm chống lại chính phủ của Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne. Các quan chức chính phủ đang hy vọng “sống sót” sau cuộc bỏ phiếu về các kiến nghị được ấn định vào ngày 20/3 trong bối cảnh phe đối lập bị chia rẽ.

Tuy nhiên, nếu kiến nghị được thông qua, đó sẽ là một đòn giáng mạnh đối với ông Macron: Dự luật hưu trí sẽ bị bác bỏ và Nội các của ông sẽ phải từ chức. Trong trường hợp đó, Tổng thống Pháp sẽ cần bổ nhiệm một Nội các mới và sẽ thấy khả năng thông qua luật của mình bị suy yếu.

Nếu các kiến nghị bất tín nhiệm thất bại, ông Macron có thể ban hành luật quy định tuổi nghỉ hưu cao hơn, đồng thời cố gắng xoa dịu những người chỉ trích ông bằng một cuộc cải tổ chính phủ. Điều đó khiến tương lai của Thủ tướng Pháp trở nên bất định.

Một lựa chọn khác trong tay Tổng thống Macron là giải tán Quốc hội Pháp và kêu gọi bầu cử sớm.

Kịch bản đó dường như khó xảy ra vào lúc này, vì kế hoạch hưu trí không được lòng dân có nghĩa là liên minh của ông Macron khó có thể giành được đa số ghế. Và nếu một đảng khác giành chiến thắng, ông Macron sẽ phải bổ nhiệm một Thủ tướng từ phe đa số, trao quyền cho chính phủ thực hiện các chính sách khác với các ưu tiên của Tổng thống

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang