EU: Cấm cửa Southwind Airlines; Nghị sĩ khai tài sản; Thử nghiệm Hyperloop; Dự luật chuỗi cung ứng; Tham vọng Macron gặp khó

SOUTHWIND AIRLINES LIÊN HỆ VỚI NGA, BỊ EU "CẤM CỬA"

Liên minh châu Âu (EU) đóng cửa không phận với hãng hàng không Southwind Airlines của Thổ Nhĩ Kỳ vì cho rằng hãng này có mối liên hệ với Nga.

RT đưa tin, hôm 25/3, Bộ Giao thông Vận tải Phần Lan đã cấm máy bay của hãng Southwind Airlines bay qua không phận nước này.

Phần Lan cho biết, quyết định này là bởi một cuộc điều tra cho thấy "phần lớn quyền sở hữu và kiểm soát" của hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ thuộc về các bên liên quan đến Nga. Do vậy, theo lệnh trừng phạt EU áp lên Nga, Southwind Airlines không được phép hoạt động ở không phận của liên minh.

Ngày 28/3, EU đã thông báo cho các quốc gia thành viên rằng Southwind Airlines phải chịu lệnh cấm cất cánh, bay qua, hạ cánh, tiếp cận không phận EU. Biện pháp này sẽ có hiệu lực ngay lập tức.

Hiệp hội các nhà điều hành tour du lịch Nga (ATOR) hôm 29/3 đã hủy các chuyến bay Southwind Air giữa Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ) và Kaliningrad (Nga).

Những nghi vấn liên quan đến Southwind Airlines xuất hiện từ cuối năm ngoái. Báo Bild của Đức khi đó nói rằng, hãng hàng không này được thành lập bởi các nhà đầu tư Nga. Hãng đã thuê phần lớn nhân viên cũng như đội bay của mình từ Nordwind Airlines, một hãng hàng không của Nga bị EU cấm.

Tuy nhiên, Safa Oruc, người đứng đầu bộ phận an toàn hàng không tại Southwind Airlines, khẳng định hãng thuộc sở hữu của một công dân Thổ Nhĩ Kỳ và được đăng ký tại Thổ Nhĩ Kỳ.

EU đã đóng cửa không phận với các hãng hàng không Nga theo lệnh trừng phạt áp đặt kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine năm 2022. Nga đã áp đặt lệnh cấm tương tự đối với các hãng hàng không từ những quốc gia đó.

Vào tháng 2, EU và Mỹ đã đưa ra một loạt biện pháp trừng phạt khác chống lại Nga nhằm vào nhiều thực thể ở một số quốc gia, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng cộng 16 công ty Thổ Nhĩ Kỳ đã bị trừng phạt vì bị cáo buộc tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa mà Moscow có thể sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự.

Washington cũng cảnh báo Ankara rằng các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều công ty khác có thể bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt thứ cấp vì làm ăn với các doanh nghiệp, tổ chức Nga.

LUẬT QUỐC GIA YÊU CẦU CÁC NGHỊ SĨ EU KÊ KHAI TÀI SẢN

Theo luật pháp quốc gia của một số thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU), các nghị sĩ châu Âu được bầu ở các quốc gia đó phải tuân thủ nghĩa vụ kê khai tài sản và nợ (lợi ích tài chính) để bảo đảm nhiệm vụ của họ tại Nghị viện châu Âu được thực hiện minh bạch và liêm chính.

Bỉ: Kê khai tài sản được thực hiện khi trở thành nghị sĩ châu Âu

Luật Về nghĩa vụ nộp danh sách các nhiệm vụ, chức vụ, nghề nghiệp và báo cáo tài sản, được ban hành vào ngày 2.5.1995, và một số luật khác được áp dụng cho các nghị sĩ của Nghị viện châu Âu (MEP) được bầu ở Bỉ. Theo đó, các nghị sĩ trúng cử phải nộp một bản kê khai bao gồm chức vụ ở cơ quan công quyền khác, hoạt động quản lý và nghề nghiệp mà họ thực hiện trong khi giữ chức vụ lập pháp của mình, kèm theo bản báo cáo về tài sản và nợ. Báo cáo này phải liệt kê tất cả các tài sản và nợ (như tài khoản ngân hàng, cổ phiếu hay khoản vay), tất cả bất động sản, động sản có giá trị như đồ cổ và tác phẩm nghệ thuật. Các tài liệu trên phải được nộp vào năm mà người đó trở thành thành viên Nghị viện châu Âu và khi nhiệm kỳ của họ kết thúc. Các báo cáo về hoạt động bên ngoài là công khai, trong khi báo cáo về tài sản và nợ được giữ bí mật và được lưu tại Tòa Kiểm toán Bỉ. Trong trường hợp cần điều tra hình sự, chỉ có thẩm phán mới được tiếp các báo cáo này.

Bulgaria: Kê khai tài sản và lợi ích phải được cập nhật ngay khi có thay đổi

Theo Luật Chống tham nhũng và tịch thu tài sản được mua trái pháp luật, các MEP được bầu ở Bulgaria phải nộp bản kê khai về tài sản và lợi ích, đồng thời phải được cập nhật thông tin bất cứ khi nào có thay đổi. Sau đó, các tài liệu này được đệ trình lên Ủy ban Chống tham nhũng, xung đột lợi ích và đạo đức Nghị viện, nơi lưu giữ sổ đăng ký công khai về những kê khai đó. Việc kê khai phải bao gồm tài sản, lợi ích ở trong nước và nước ngoài, bao gồm bất động sản, động sản có giá trị, thu nhập, các khoản vay và nợ phải trả (Điều 37). Thu nhập và tài sản của vợ/chồng và con chưa thành niên cũng phải được báo cáo, đồng thời tờ khai phải được nộp trong vòng 1 tháng kể từ khi họ nhậm chức, nộp hàng năm và nộp sau khi hết nhiệm kỳ 1 tháng, 1 năm (Điều 38).

Hy Lạp: Kê khai tài sản được công khai trên trang web của Quốc hội

Điều 4 của Luật 5026/2023 yêu cầu các MEP được bầu trong nước, cùng với những người nắm giữ chức vụ và các quan chức phải nộp bản kê khai tài sản và bản kê khai lợi ích tài chính. Việc kê khai tài sản cũng là bắt buộc đối với vợ, chồng và bạn đời chung sống. Tờ khai của MEP bao gồm tài sản của trẻ em chưa đủ tuổi vị thành niên. Cả hai tờ khai phải được nộp trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhận nhiệm vụ và chúng được cập nhật hàng năm. Bản kê khai cuối cùng phải được nộp 3 năm sau khi kết thúc nhiệm kỳ. Việc kê khai tài sản bao gồm thông tin về thu nhập, bất động sản, xe cộ, cổ phiếu, trái phiếu, tiền gửi hoặc bất kỳ hình thức tham gia nào khác vào doanh nghiệm hay các khoản vay. Việc kê khai tài sản được công khai trên trang web của Quốc hội Hy Lạp.

Pháp: Dữ liệu cá nhân được bôi đen để bảo vệ quyền riêng tư

Điều 11 của Luật 2013-907 được ban hành ngày 11.10.2013 về minh bạch công yêu cầu các MEP phải nộp bản kê khai lợi ích và bản kê khai tài sản lẫn nợ phải trả cho Cơ quan cấp cao về minh bạch quá trình làm việc công (High Authority for the Transparency of Public Life) trong vòng 2 tháng kể từ khi nhậm chức. Bản kê khai tài sản, nợ cũng phải nộp sau 2 tháng kể từ ngày kết thúc nhiệm kỳ. Thông tin kê khai này không được công bố, nhưng cử tri có thể tham khảo việc kê khai tài sản của MEP tại quận của họ, với một số dữ liệu cá nhân nhất định được bôi đen để bảo vệ quyền riêng tư.

Litva: Phải kê khai các tài sản có giá trị vượt quá 1.500 euro

Điều 2 của Luật Kê khai tài sản của người cư trú yêu cầu các MEP phải nộp bản kê khai tài sản cho cơ quan thuế trong vòng 30 ngày sau cuộc bầu cử, hàng năm và sau khi chấm dứt nhiệm vụ. Tài sản phải kê khai bao gồm bất động sản, động sản phải đăng ký, tiền gửi trong ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác…, các tác phẩm nghệ thuật hoặc đồ trang sức, các khoản vay và tín dụng, nếu số tiền của chúng vượt quá 1.500 euro. Các tờ khai được công bố hàng năm trên trang web của cơ quan thuế trung ương.

Ba Lan: Bản kê khai tài sản phải được trình lên Chủ tịch Hạ viện

Ở Ba Lan, Điều 3a của Luật Về thù lao của các MEP được bầu ở Cộng hòa Ba Lan năm 2004, yêu cầu các MEP của Ba Lan nộp bản kê khai tài sản của họ, bao gồm thu nhập từ mọi hoạt động bên ngoài, bất động sản, động sản có giá trị hơn 10.000 PLN (khoảng 2.200 euro), các khoản nợ có giá trị vượt quá 10.000 PLN, các khoản tín dụng, khoản vay cũng như các nguồn tài chính khác khi tham gia vào quan hệ đối tác dân sự hoặc thương mại, cổ phiếu, trái phiếu trong các công ty thương mại. Kê khai này phải được đệ trình lên Chủ tịch Hạ viện và được công khai - ngoại trừ địa chỉ cư trú, đồng thời tài liệu cũng phải nộp vào thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ, hàng năm và sau khi chấm dứt nhiệm kỳ của MEP.

Bồ Đào Nha: Bản kê khai tài sản duy nhất gồm nhiều nội dung

Luật số 52/2019, được ban hành vào ngày 31.7.2029, điều chỉnh việc thực hiện chức năng của những người nắm giữ chức vụ chính trị và chức vụ công cấp cao, yêu cầu các MEP được bầu ở Bồ Đào Nha phải cung cấp một bản kê khai duy nhất bao gồm thu nhập, tài sản, nợ phải trả, lợi ích, sự tương thích và tư cách thực hiện nhiệm vụ. Các tài sản phải kê khai bao gồm cổ phiếu, hoặc các cổ phần trong các công ty dân sự hoặc thương mại, tài khoản tiết kiệm có kỳ hạn hoặc các tài khoản tài chính, tài khoản vãng lai và quyền tín dụng tương tự. Kê khai phải được nộp trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận nhiệm vụ, trong vòng 30 ngày kể từ khi hoàn cảnh thay đổi, trong vòng 60 ngày kể từ ngày kết thúc nhiệm vụ và 3 năm sau khi chấm dứt nhiệm vụ. Thông tin được tiết lộ chỉ được công khai một phần, không bao gồm dữ liệu nhạy cảm cá nhân.

Romania: Nộp kê khai tài sản trước và sau bầu cử

Các MEP của Romania được bầu trong nước phải nộp cả bản kê khai lợi ích tài chính và bản kê khai tài sản theo Điều 1(1)(4) của Luật 176/2010. Những bản kê khai này phải được nộp cùng nhau cho các cơ quan bầu cử kèm theo tuyên bố chấp nhận ứng cử, tức là nộp trước bầu cử, và cũng phải được nộp trong vòng 30 ngày kể từ ngày bầu cử cho cơ quan bầu cử thường trực. Các bản kê khai phải được cập nhật hàng năm, trong đó bản kê khai cuối cùng phải được nộp trong vòng 30 ngày kể từ ngày kết thúc nhiệm vụ. Việc kê khai tài sản bao gồm các quyền và nghĩa vụ của người kê khai, vợ, chồng, con cái phụ thuộc, bất động sản, động sản có giá trị, tài sản tài chính, khoản đầu tư, cổ phần, nợ phải trả, thu nhập, và quà tặng. Cả hai bản kê khai đều được công bố trên trang web của Cơ quan Liêm chính quốc gia, một cơ quan hành chính độc lập được thành lập để xác định các trường hợp làm giàu bất hợp pháp, cũng như xác minh việc tuân thủ các quy định về không tương thích và xung đột lợi ích.

CHÂU ÂU THỬ NGHIỆM HỆ THỐNG GIAO THÔNG SIÊU TỐC HYPERLOOP

Châu Âu đang thể hiện sự nghiêm túc trong việc thử nghiệm hệ thống giao thông Hyperloop tiên tiến, có thể mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành giao thông vận tải.

Đường hầm dài nhất châu Âu để thử nghiệm công nghệ tàu siêu tốc Hyperloop đã được mở cửa hôm 27/3 tại Hà Lan.

Nằm ở trung tâm đường sắt đã ngừng hoạt động gần thành phố Veendam ở phía Bắc Hà Lan, đường hầm màu trắng hình chữ Y dài 420m bao gồm 34 đường ống nối liền nhau rộng khoảng 2,5m. Gần như tất cả không khí bị hút khỏi đường hầm để giảm lực cản và phương tiện chạy bên trong được đẩy bằng nam châm ở tốc độ có thể lên tới 1.000 km/h.

Một tính năng độc đáo là đường ống có một đoạn được chia thành 2 ống riêng biệt; cho phép phương tiện chuyển làn và di chuyển đến những địa điểm khác nhau.

Trung tâm Hyperloop châu Âu là cơ sở duy nhất trên thế giới có đường chuyển làn, đó là một nhánh đường hầm rẽ từ đường chạy chính, cho phép các nhà khoa học kiểm tra những gì xảy ra khi phương tiện đổi hướng ở tốc độ cao. Người ta kỳ vọng một mạng lưới đường hầm Hyperloop dài 10.000 km sẽ chạy ngang dọc khắp châu Âu vào năm 2050.

Hiện công ty Hardt Hyperloop ở Hà Lan đã lên kế hoạch chạy thử nghiệm phương tiện sơ bộ trong những tuần tới. Trung tâm cũng mở cửa với các công ty phát triển bất kỳ khía cạnh nào của công nghệ Hyperloop. Tuy nhiên, giới khoa học thừa nhận còn một chặng đường dài trước khi công nghệ hoàn toàn sẵn sàng và còn lâu mới có thể thử nghiệm chở khách. Hoạt động chở khách đầy đủ sẽ có sẵn vào năm 2030, có thể trên chặng ngắn khoảng 5 km.

Tỷ phú Elon Musk, giám đốc điều hành công ty SpaceX và Tesla, chính là người đầu tiên nêu ý tưởng về công nghệ Hyperloop trong một bài báo năm 2013 đề xuất "phương tiện giao thông thứ 5" nối San Francisco và Los Angeles. Ông Musk đưa ra giả thuyết rằng các toa tàu hình viên nang bằng nhôm chứa đầy hành khách hoặc hàng hóa có thể được đẩy qua một ống gần như không có không khí với tốc độ lên tới hơn 1.200 km/h.

Mặc dù phương thức giao thông Hyperloop có thể mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành giao thông vận tải, song, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng Hyperloop là ý tưởng không thực tế và bày tỏ nghi ngại về trải nghiệm của hành khách khi lao xuyên qua đường ống hẹp ở tốc độ gần bằng vận tốc âm thanh.

NHỮNG TÁC ĐỘNG TỪ DỰ LUẬT THẨM ĐỊNH CHUỖI CUNG ỨNG

Từ năm 2029, các công ty ở Châu Âu sẽ phải chứng minh việc bảo vệ môi trường và nhân quyền trong toàn bộ chuỗi cung ứng của họ, bao gồm cả các đối tác cung ứng.

Trong tháng 3, một đạo luật mới về thẩm định chuỗi cung ứng - Chỉ thị Thẩm định Tính bền vững của Doanh nghiệp (CSDDD) - đã nhận được sự ủng hộ của đa số chính phủ Châu Âu. Dự kiến, nó sẽ được toàn thể Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua sau khi Ủy ban các vấn đề pháp lý của cơ quan đó phê duyệt phiên bản sửa đổi.

Chỉ thị này là một phần của Thỏa thuận Xanh của EU và nằm cùng với các quy định mới khác như Chỉ thị Báo cáo Bền vững Doanh nghiệp của EU (CSRD), trong đó tập trung vào các báo cáo về tính bền vững. Với quy định này, các doanh nghiệp muốn hoạt động tại thị trường EU phải đáp ứng thêm một số quy định nghiêm ngặt về môi trường và quyền con người.

Kể từ khi EU thúc đẩy Thỏa thuận Xanh, hàng loạt lĩnh vực của nền kinh tế có quy mô hơn 19 nghìn tỷ USD đã được xem xét lại nhằm đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải của khối. Chiến lược này phù hợp với xu thế phát triển của những lĩnh vực mới nổi như công nghệ, số hóa, năng lượng tái tạo. Nhưng đồng thời, các ngành sản xuất truyền thống phải đối mặt với nhiều áp lực hơn trong việc đáp ứng được các tiêu chí môi trường mới.

CSDDD là gì?

Chỉ thị này sẽ yêu cầu các công ty lớn phải thẩm định chuỗi cung ứng của họ để xác định các vấn đề như lao động cưỡng bức và thiệt hại về môi trường. Việc thẩm định sẽ rất quan trọng vì các công ty sẽ cần chứng minh rằng họ đang tuân thủ các quyền con người và bảo vệ môi trường trong chuỗi cung ứng của mình, bao gồm cả hoạt động của chính họ và của nhà cung cấp. Các công ty cũng sẽ phải chứng minh hành động khắc phục mà họ đang thực hiện để giải quyết mọi vấn đề phát sinh.

Theo đó, các công ty sẽ được yêu cầu xây dựng các kế hoạch hành động phòng ngừa và thuyết phục các đối tác kinh doanh trực tiếp của họ đồng ý tuân thủ các kế hoạch đó. Sau khi các thỏa thuận này được thực hiện, các doanh nghiệp châu Âu cũng sẽ phải kiểm tra xem các nhà cung cấp của họ có đáp ứng các yêu cầu đặt ra hay không.

Những công ty nào bị ảnh hưởng?

Theo Reuters, đa số chấp thuận chỉ thị này được đưa ra sau các cuộc thảo luận căng thẳng xung quanh lo ngại đạo luật này sẽ là "gánh nặng quan liêu" lớn đối với các doanh nghiệp và khiến các công ty châu Âu gặp bất lợi trong cạnh tranh quốc tế .

Một trở ngại khác là việc xác định những gì tạo nên một công ty lớn. Ban đầu, Ủy ban Châu Âu đã xác định ngưỡng cho một công ty lớn là có doanh thu ròng trên toàn thế giới là 150 triệu euro và 500 nhân viên, nhưng điều này đã được sửa đổi thành doanh thu ròng trên toàn thế giới là hơn 450 triệu euro (416 triệu USD) và 1.000 nhân viên.

Reuters cho biết dự luật này, nếu được thông qua, sẽ được thực hiện trong hơn một năm, bắt đầu với các công ty có doanh thu 1,5 tỷ euro (1,4 tỷ USD) và hơn 5.000 nhân viên. Theo thời gian, luật này cũng sẽ áp dụng cho các doanh nghiệp ngoài EU có doanh thu đáng kể trong khối.

Trong khi sáng kiến này được các nhóm nhân quyền và môi trường hoan nghênh, một số người đã chỉ ra rằng dự luật mới nhất đã loại hơn 2/3 các công ty châu Âu ra khỏi phạm vi áp dụng. Họ lo ngại rằng sự xói mòn này có thể làm cho đạo luật này kém hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, CSDDD sẽ không chỉ hoàn thiện luật Thỏa thuận Xanh của EU mà còn điều chỉnh luật của mình phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về thẩm định liên quan đến nhân quyền. Chúng bao gồm Nguyên tắc hướng dẫn của Liên hợp quốc về kinh doanh và nhân quyền, Hướng dẫn của OECD dành cho doanh nghiệp đa quốc gia và Hướng dẫn thẩm định của OECD về ứng xử kinh doanh có trách nhiệm.

Thực hiện là điều bắt buộc

Các chuyên gia cho biết, đối với các công ty sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của CSDDD, việc xác định các chiến lược tuân thủ và thực hiện hiện nay là rất quan trọng. Theo luật được đề xuất, mỗi quốc gia thành viên EU sẽ chỉ định một cơ quan giám sát để kiểm tra sự tuân thủ của công ty. Các quốc gia thành viên cũng sẽ hợp tác thông qua Mạng lưới các cơ quan giám sát châu Âu. Các cơ quan này có thể tiến hành điều tra và áp dụng các hình phạt không tuân thủ – bao gồm mức phạt lên tới 5% doanh thu ròng trên toàn thế giới của công ty.

Trên thực tế, các công ty sẽ cần phác thảo rõ ràng các chính sách thẩm định và thực hiện đánh giá rủi ro để ưu tiên những rủi ro môi trường và nhân quyền quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng của họ. Sau đó, những rủi ro này phải được giải quyết thông qua nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm việc tích hợp các quy tắc ứng xử vào hợp đồng với nhà cung cấp, cũng như thiết lập cơ chế khiếu nại. Họ cũng sẽ phải đưa ra biện pháp khắc phục trong trường hợp họ đã góp phần gây ra tác động.

Mức độ nghĩa vụ của các công ty, vốn là chủ đề tranh cãi gay gắt trong những tuần gần đây, sẽ được làm rõ trong dự thảo cuối cùng.

Các chuyên gia lưu ý rằng CSDDD không yêu cầu cụ thể khả năng truy xuất nguồn gốc của chuỗi cung ứng, nhưng các công ty sẽ cần chuẩn bị sẵn sàng sự hiểu biết toàn diện về hoạt động của nhà cung cấp của họ. Họ cũng phải thiết lập các lộ trình để theo dõi và mua sắm trong chuỗi cung ứng, thiết lập các chính sách thẩm định (nếu chưa có) và đào tạo các nhóm mua sắm và sản phẩm, cùng các hành động khác.

THAM VỌNG EU CỦA EMMANUEL MACRON BỊ CẢN ĐƯỜNG

Tham vọng lãnh đạo châu Âu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron một lần nữa đang được kiểm chứng trên thực tế.

Chính phủ Pháp đang nỗ lực tiết kiệm và trấn an thị trường tài chính sau khi số liệu chính thức trong tuần qua cho thấy thâm hụt công đã vượt quá mục tiêu và tăng lên 5,5%, tạo nên một thực tế tài chính khắc nghiệt có thể đảo ngược tham vọng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về một nhà lãnh đạo châu Âu thời chiến.

Trong bối cảnh Pháp đang là nước có tỉ lệ thuế trên GDP cao nhất châu Âu, cùng với lãi suất cao, cơ bản là không có cách nào dễ dàng để khắc phục vấn đề mới nhất của ông Macron.

Chính phủ Pháp đang xem xét cắt giảm phúc lợi xã hội và ngân sách cho chính quyền địa phương, một động thái dễ gây sóng gió cho nền chính trị Pháp – một quốc gia coi gói phúc lợi hào phóng của mình là “bất khả xâm phạm”.

Vấn đề đầu tiên

Trong những tuần qua, ông Macron đã nhắm đến việc tạo động lực trên khắp châu Âu để tăng cường hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga, vì số phận gói tài trợ mới nhất của Washington cho Kiev vẫn treo lơ lửng trong khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang ngày một đến gần, và khi triển vọng trên chiến trường Ukraine vẫn ảm đạm.

Nhà lãnh đạo Pháp muốn thúc đẩy tầm nhìn của mình về tự chủ chiến lược của châu Âu và chứng minh khả năng của EU trong việc hỗ trợ Kiev mà không cần trông cậy vào Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh khả năng ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng ngày càng cao.

“Những lo ngại về nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ hai của ông Trump đã khiến người châu Âu thức tỉnh rằng họ cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ chính mình”, ông Artin DerSimonian, một nhà nghiên cứu thuộc Chương trình Á-Âu tại Viện Quản lý Nhà nước có trách nhiệm Quincy, cho biết.

“Nhận thức như vậy trên khắp lục địa già đóng vai trò thúc đẩy ý tưởng tự chủ chiến lược của ông Macron”, vị chuyên gia của tổ chức có trụ sở tại Washington DC nói.

Tuy nhiên, thành công của ông Macron trong việc khoác lên mình vai trò lãnh đạo châu Âu sẽ phụ thuộc vào khả năng của ông trong việc biến lời nói thành hành động và thuyết phục Berlin ủng hộ những ý tưởng của Paris về một châu Âu mạnh mẽ hơn, có chủ quyền hơn.

Nói thẳng ra, vấn đề đầu tiên vẫn là nhà lãnh đạo Pháp cần tiền để mua vũ khí cho Ukraine và kỷ luật tài chính để giữ cho niềm tin của Đức không bị lay động.

“Khi ông Macron bắt đầu lên nắm quyền vào năm 2017, ông ấy đã cam kết trở thành nhà cải cách vĩ đại, kiểm soát tài chính công và xây dựng uy tín với Đức”, ông Mujtaba Rahman, người đứng đầu bộ phận phân tích về châu Âu của Tập đoàn Eurasia, cho biết. “Toàn bộ hình ảnh đó hiện đang bị thách thức”.

Thực tế tài chính mới của Pháp sẽ giống như “đá tảng” ngăn trở nỗ lực của ông Macron trong việc tìm kiếm thêm nguồn tiền để tài trợ cho các dự án quốc phòng châu Âu.

Ngoài ra, Pháp đã cam kết viện trợ quân sự lên tới 3 tỷ Euro cho Ukraine trong năm nay như một phần của thỏa thuận an ninh mà hai bên đã ký trong khuôn khổ các cam kết được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO năm ngoái. Nhưng ở Pháp, khoản tiền đó vẫn chưa được lập ngân sách rõ ràng.

Hòn “đá tảng” tài chính

Việc cơ quan thống kê quốc gia Insee thông báo rằng thâm hụt công đạt 5,5% vào năm 2023, cao hơn đáng kể so với dự báo của Chính phủ, đã gây ra làn sóng chấn động khắp giới cầm quyền Pháp.

Con số này cao hơn nhiều so với giả định 4,9% mà Bộ Tài chính Pháp sử dụng để đưa vào kế hoạch ngân sách năm 2024 được Quốc hội nước này thông qua vào cuối năm ngoái. Nợ công của Pháp hiện ở mức 110,6% GDP.

Hôm 27/3, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal cam kết Pháp sẽ không bỏ lỡ mục tiêu đưa thâm hụt ngân sách của mình xuống dưới 3% vào năm 2027, phù hợp với mục tiêu của EU.

“Nhiều người nói rằng khó có khả năng chúng tôi sẽ đưa mức thâm hụt xuống dưới 3% vào năm 2018. Thực tế chúng tôi đã làm được điều đó với Tổng thống”, ông Attal nói trên truyền hình Pháp.

Chính phủ Pháp đã chuẩn bị cho việc công bố tin xấu trong nhiều tuần. Trong cuộc phỏng vấn với Le Monde vào ngày 6/3, “do mất nguồn thu từ thuế vào năm 2023”, con số này sẽ “trên 4,9% đáng kể”.

Phát biểu trên đài phát thanh RTL hôm 26/3, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết, mức thâm hụt cao hơn dự báo là do nguồn thu từ thuế bị giảm 21 tỷ Euro vào năm 2023. Ông chỉ ra thực tế là lạm phát, vốn thường làm tăng thu thuế, đã chậm lại. vào năm ngoái.

Sau khi công bố cắt giảm 10 tỷ Euro vào tháng 2, ông Le Maire cũng cho biết đang xem xét cắt giảm ngân sách của các cơ quan chính phủ và chính quyền địa phương. Nhưng những cắt giảm đau đớn hơn đối với các phúc lợi, bao gồm cả trợ cấp thất nghiệp và chi trả chi phí cấp cứu cho những bệnh nhân không khẩn cấp, đã được thả nổi.

Và đó mới chỉ là sự khởi đầu. Cơ quan kiểm toán Pháp, Cour des Comptes, đã cảnh báo rằng nước này cần tiết kiệm 50 tỷ Euro trong 3 năm tới để đạt được mục tiêu thâm hụt 3% của EU vào năm 2027.

Ông Eric Chaney, nhà tư vấn kinh tế và cựu chuyên gia kinh tế trưởng của hãng tư vấn rủi ro AXA, cho rằng Chính phủ Pháp khó có thể tiết kiệm đáng kể.

“Chúng tôi đã phải hứng chịu rất nhiều cú sốc trong những năm gần đây: Cuộc khủng hoảng khu vực đồng Euro, đại dịch Covid và phản ứng của chúng tôi là chi tiêu nhiều nhất có thể, trong thời kỳ lãi suất bằng 0”, ông Chaney nói. “Thời đó đã qua và Chính phủ không thể chi tiêu nhiều hơn nữa, nhưng người dân đã quen với điều đó”.

Chính quyền của Tổng thống Macron cũng thiếu đa số trong Quốc hội, nơi các cuộc tranh luận gần đây về cải cách lương hưu nhà nước và cân bằng sổ sách đặc biệt gay gắt. Người đứng đầu Điện Elysee sẽ phải vật lộn để có thể đưa luật cắt giảm ngân sách thêm nữa qua ải Hạ viện, nơi phe trung dung của ông bị kẹp giữa cực tả và cực hữu.

Và có khả năng còn có nhiều tin xấu hơn nữa. Vào tháng 4 và tháng 5, các cơ quan xếp hạng sẽ cập nhật xếp hạng của họ về nợ của Pháp. Mốc thời gian này nghĩa là chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, trong đó các cuộc thăm dò cho thấy phe trung dung đang bị phe cực hữu vượt mặt.

Nói dễ hơn làm

Với ngân sách ngày càng chịu nhiều áp lực, khả năng Pháp sử dụng tiền của mình để thực hiện các cam kết với Ukraine đang bị giám sát chặt chẽ hơn. Khoản tiền lên tới 3 tỷ Euro hứa cấp cho Ukraine vào năm 2024 vẫn chưa được phân bổ ngân sách rõ ràng, điều này làm dấy lên nghi ngờ và lo ngại giữa các đồng minh, đặc biệt là người Đức.

Pháp cũng là nước ủng hộ rất lớn sáng kiến của Cộng hòa Séc về mua đạn dược từ các nước ngoài châu Âu để cung cấp cho Kiev trong bối cảnh binh sĩ Ukraine chiến đấu trong tình trạng thiếu hụt đạn pháo trên chiến trường. Nhưng không có đồng Euro nào từ người Pháp cho Kế hoạch Séc.

Hôm 26/3, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu quả quyết rằng viện trợ cho Ukraine sẽ được phân bổ bất chấp bối cảnh kinh tế phức tạp của đất nước. Ông Lecornu cho biết, ngân sách quốc phòng nhiều năm của Pháp được thành lập vào thời điểm lạm phát rất cao vào năm ngoái, và sau khi lạm phát giảm, nó đã tạo ra khoản tiết kiệm mới.

“Khoản tiền tiết kiệm dồi dào này, chúng tôi có thể gửi lại cho Bộ Tài chính hoặc đầu tư vào các lực lượng vũ trang của chúng tôi... nhưng quyết định được đưa ra là dùng nó để viện trợ cho Ukraine”, Bộ trưởng Lecornu cho biết.

Nhưng đã có người hỏi tại sao Pháp lại ưu tiên tiền cho Ukraine hơn các vấn đề khác “sát sườn” hơn. Và mối quan hệ Pháp-Đức, vốn đã căng thẳng vì xung đột Nga-Ukraine, sẽ chịu nhiều áp lực hơn.

“Pháp rất quan trọng đối với khu vực đồng Euro. Đức tin tưởng Pháp, theo cách mà Đức chưa bao giờ tin tưởng Italy”, ông Chaney, nhà tư vấn kinh tế, cho biết. “Nếu Đức bắt đầu nghĩ rằng Pháp không thể kiểm soát được khoản nợ ngày càng tăng của mình, nếu họ bắt đầu mất niềm tin vào đồng minh thân cận nhất của mình, thì thị trường cũng có thể nghi ngờ về Pháp”

Nguồn: Dân Trí; Đại Biểu Nhân Dân; CafeF; Diễn Đàn Doanh Nghiệp; Người Đưa Tin

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang