EU: Cải cách thị trường điện; Biến căng với BigTech; Hạn hán ở Ý; Anh-Pháp tan băng quan hệ; Lập trường Thụy Sỹ ở Ukraine

Châu Âu cải cách thị trường điện: Nỗ lực giải bài toán khó

(Ảnh minh họa).

Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục có những bước tiến mới trong việc cải cách thị trường điện, nhằm mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng trước tình trạng giá tăng đột biến. Nhìn chung, sẽ còn nhiều việc phải làm để châu Âu giải bài toán khó này. Trong tiến trình dài hơi đó, những cải cách mang tính đột phá và quyết liệt luôn rất cần thiết.

Diễn biến mới nhất là kế hoạch cải cách do Ủy ban châu Âu (EC) công bố, nhằm thúc đẩy các quốc gia hướng tới sử dụng các hợp đồng điện với giá cố định và dài hạn hơn. Các đề xuất lần này đúng với cam kết của EC hồi năm 2022 về việc đánh giá lại các quy tắc thị trường sau khi Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu, dẫn đến giá năng lượng cao kỷ lục và nguồn cung bị siết chặt. Mục đích cải cách là giúp người tiêu dùng bớt phải đối mặt với những biến động ngắn hạn của giá nhiên liệu hóa thạch; đồng thời bảo đảm nguồn cung điện bằng năng lượng tái tạo chi phí thấp mà châu Âu đang tích cực triển khai sẽ thực sự mở ra kênh năng lượng với giá hợp lý cho người tiêu dùng.

Trước tiên, nhằm tăng cường tính ổn định trong việc bán điện cho người dân, EU muốn người tiêu dùng tiếp cận với các hợp đồng điện giá cố định. Để làm được điều này, quy định mới sẽ trao cho người thanh toán hóa đơn quyền yêu cầu một hợp đồng giá cố định từ bất kỳ nhà cung cấp điện lớn nào, thay vì chỉ có quyền yêu cầu một hợp đồng có thể thay đổi giá như hiện nay. Hiện tại, giá điện ở châu Âu được thiết lập dựa trên chi phí vận hành của nhà máy cung cấp phần điện năng cuối cùng cần thiết, thường là nhà máy khí đốt, để đáp ứng nhu cầu chung. Khi giá khí đốt tăng đột biến, giá điện cũng tăng vọt. Do đó, cách làm mới sẽ tránh được việc người dùng phải trực tiếp chịu ảnh hưởng mỗi khi thị trường năng lượng biến động.

Các đơn vị quản lý, chính phủ thành viên EU theo quy định mới có nhiều quyền hạn kiểm soát hóa đơn năng lượng hơn nếu chúng tăng quá mức. Trong đó, quan trọng nhất là quyền ấn định giá cho tối đa 80% mức điện mà người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ tiêu thụ, bởi đây là tiền đề để tiêu chuẩn hóa những biện pháp hỗ trợ khẩn cấp mà một quốc gia có thể đưa ra để ứng phó các tình huống khủng hoảng năng lượng.

Việc triển khai bộ quy định mới cũng được kỳ vọng sẽ góp phần tăng tốc cuộc cải tổ năng lượng tái tạo, trong bối cảnh châu Âu đang cố gắng gia tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong bức tranh năng lượng chung, qua đó đưa hệ thống điện trở nên linh hoạt và tự chủ hơn. Dự thảo đưa ra những quy tắc sẽ cho phép các nhà khai thác mạng lưới điện trả tiền cho những người tham gia thị trường để sử dụng ít điện hơn, hoặc sử dụng nguồn năng lượng dự trữ trong thời kỳ cao điểm về nhu cầu sử dụng điện.

Bình luận về bước đi mới của EU, giới quan sát cho rằng, cải cách là cần thiết, nhất là trong bối cảnh nhiều dự đoán những mùa đông tiếp theo, nếu thời tiết trở nên lạnh giá hơn, Trung Quốc tăng tiêu thụ năng lượng, nguồn cung khí đốt toàn cầu có thể trở nên căng thẳng, khiến giá khí đốt tăng mạnh trở lại. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, bộ quy định sẽ cần rất nhiều thời gian để đàm phán và thông qua, do không dễ làm hài lòng tất cả thành viên.

Hiện nay, do chênh lệch chi tiêu, mỗi nước cần một mức độ cải cách khác nhau. Nếu tính theo bình quân đầu người, Luxembourg, Đan Mạch và Đức đang chi lớn nhất để ứng phó với khủng hoảng năng lượng, vượt xa mặt bằng chung. Thêm vào đó, việc quy định mới nhắm tới giảm thiểu vai trò của các nhà máy điện sử dụng khí đốt, các thành viên EU sẽ cần vạch rõ mục tiêu quốc gia về lưu trữ năng lượng, tạo nền tảng để người tiêu dùng có thể lựa chọn trả tiền để tăng, giảm hoặc chuyển đổi hoạt động sử dụng năng lượng của họ, qua đó cân bằng lưới điện...

(Nguồn: Hà Nội Mới)

Biến căng: Giới viễn thông châu Âu chỉ thẳng mặt BigTech, tuyên bố ‘Không có chúng tôi thì chẳng có Apple, Google, Meta đâu nhé!’

Apple, Google, Meta, Microsoft, Amazon hay Netflix chiếm một nửa lưu lượng Internet trên toàn cầu đang khiến ngành viễn thông nóng mắt.

Theo hãng tin CNBC, căng thẳng giữa ngành viễn thông Châu Âu với các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ (BigTech) đang ngày một nghiêm trọng khi vô số chủ doanh nghiệp kêu gọi chính phủ Châu Âu nên đánh thuế Internet với những tập đoàn Mỹ này.

Theo các ông chủ ngành viễn thông Châu Âu, những tập đoàn như Apple, Google, Meta, Microsoft, Amazon hay Netflix đã chiếm một nửa lưu lượng Internet trên toàn cầu và cho rằng những BigTech này đang kiếm hàng chục tỷ USD lợi nhuận trên cơ sở hạ tầng hiện đại của Châu Âu.

Bởi vậy, những doanh nhân ngành viễn thông cho rằng các BigTech cũng cần phải gánh trách nhiệm đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển công nghệ 5G hay mạng cáp quang tại Châu Âu, qua đó đảm bảo sự công bằng chứ không thể đổ dồn lên đầu doanh nghiệp viễn thông được.

“Nếu không có ngành viễn thông chúng tôi thì chẳng có Google hay Netflix gì đâu nhé. Bởi vậy chúng tôi đóng vai trò cực kỳ quan trọng khi là cánh cửa để khách hàng tiếp cận được thế giới công nghệ cũng như các BigTech đấy”, giám đốc công nghệ Michael Trabbia của tập đoàn Orange-Pháp bức xúc.

Phát biểu của ông Trabbia được đưa ra trong buổi hội thảo tháng 2/2023 được tổ chức bởi Hội đồng Châu Âu (EC) nhằm nghiên cứu có nên áp thuế Internet với các BigTech hay không nhằm san sẻ gánh nặng ngân sách đầu tư công.

Chỉ trích kịch liệt

Trong cuộc hội thảo tại Barcelona, hãng tin CNBC cho biết vô số chủ doanh nghiệp viễn thông đã chỉ trích kịch liệt ngành công nghệ khi họ kiếm tiền nhưng để gánh nặng trách nhiệm cho người khác.

Cụ thể, những doanh nhân này than vãn về hàng tỷ USD đầu tư cho dây cáp, ăng ten, cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu Internet mà chẳng nhận được một xu nào từ các Big Tech.

Cũng trong cuộc thảo luận này, CEO Tim Hoettges của tập đoàn viễn thông Đức Deutsche Telekom đã trình chiếu một biểu đồ so sánh tổng vốn hóa thị trường để chỉ ra rằng những BigTech của Mỹ đang thống trị cuộc chơi như thế nào nhưng lại chẳng chi một xu cho cơ sở hạ tầng Châu Âu.

“Ít nhất thì họ cũng nên san sẻ một chút, đóng góp cho những nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng mà chúng ta đang làm ở Châu Âu chứ”. Ông Hoettges than thở.

Đồng quan điểm, giám đốc kỹ thuật Howard Watson của BT cho biết việc thu phí các hãng công nghệ là đúng đắn.

“Một mô hình kinh doanh bất bình đẳng liệu có thể tiếp tục tồn tại, khi khách hàng trả phí cho các hãng công nghệ rồi đến nhà sản xuất nội dung cũng bị cắt phí bởi những BigTech này?”, ông Watson nói khi nhắc đến việc chợ ứng dụng của Google và Apple thu phí hoa hồng với những nhà phát triển.

Đáp trả, đồng CEO Greg Peters của Netflix nhận định việc áp thuế Internet sẽ gây tác động ngược với người tiêu dùng bởi hãng đã phải chi trả quá nhiều cho đội ngũ sản xuất nội dung. Nếu phải tốn thêm chi phí thì hoặc là Netflix sẽ phải cắt giảm chất lượng tác phẩm, hoặc phải chuyển mức chi phí này cho người dùng thanh toán thông qua nâng giá phí.

Một số lãnh đạo công nghệ thì cho rằng các hãng viễn thông đã được người dùng trả tiền cước và nếu đòi hỏi BigTech thanh toán thêm thì họ sẽ nhận được 2 lần thanh toán. Nhiều người khác thì nhận định động thái này sẽ giới hạn sự tiếp cận của người dùng đến Internet.

Giám đốc Matt Brittin của EMEA-Google thì nhận định việc đóng thuế Internet này sẽ khiến những hãng công nghệ trả nhiều tiền hơn được ưu ái sử dụng nhiều cơ sở hạ tầng dịch vụ hơn, qua đó tạo sự phân biệt trên thị trường.

Không chịu thua, CEO Sigve Brekke của Telenor nói: “Câu chuyện ở đây chẳng liên quan gì đến phân biệt thị trường hay giới hạn tiếp cận Internet gì cả. Chúng tôi chỉ muốn công bằng và giảm gánh nặng về chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng khi người hưởng lợi nhất từ nó lại trả ít nhất.”

Dai dẳng

Trên thực tế, các hãng viễn thông trong hơn 10 năm nay đã than phiền về mảng công nghệ, ví dụ như WhatsApp hay Skype thu lợi nhờ nền tảng cơ sở hạ tầng của họ mà chẳng chịu chi trả đúng mực.

Tuy nhiên hội thảo năm nay đã có sự tham gia của quan chức EU, ông Thierry Breton, trưởng bộ phận thị trường nội địa của EC. Chính ông Breton cũng đã cho biết cần tìm ra một giải pháp tài chính hợp lý để phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ ở Châu Âu nhằm bắt kịp các xu hướng mới, ví dụ như vũ trụ ảo.

Hội thảo trên diễn ra trong bối cảnh các nước đều chạy đua phát triển hạ tầng công nghệ, ví dụ Mỹ đã chi tới cả nghìn tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng hướng tới những kỹ thuật tiên tiến nhất nhằm đọ sức với Trung Quốc.

Theo ông Breton, các doanh nghiệp không nên chỉ trích lẫn nhau hay lựa chọn theo phe viễn thông hoặc BigTech mà cần có tầm nhìn rộng lớn hơn cho cả thị trường. Việc phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ sẽ đem lại lợi ích chung cho toàn bộ doanh nghiệp, bất kể là viễn thông hay công nghệ.

Dẫu vậy, chuyên gia phân tích Paolo Pescatore của PP Foresight nhận định thách thức lớn nhất của Châu Âu hiện nay là chính sách. Việc thiếu hợp tác xuyên biên giới giữa các thành viên cũng như doanh thu suy giảm của ngành viễn thông khiến câu chuyện trở nên cực kỳ phức tạp.

(Nguồn: CafeF)

Tình trạng hạn hán ngày càng trầm trọng tại Italy

(Ảnh minh họa).

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 9/3, chính quyền lưu vực sông Po thông báo các nguồn nước ở phía Bắc Thung lũng sông Po, miền Bắc Italy, đang chịu áp lực ngày càng tăng do hạn hán kéo dài.

Thông báo của chính quyền sở tại nêu rõ cuộc khủng hoảng nước vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt" ở phần lớn khu vực thung lũng sông Po, đặc biệt là tại các vùng Piedmont và Lombardy. Tình trạng thiếu nước ở hai vùng này càng trở nên nghiêm trọng hơn trong những tuần gần đây do hạn hán kéo dài. Hạn hán là mối quan ngại đặc biệt trong những tháng tới.

Cùng ngày, Liên đoàn các công ty nước, môi trường, năng lượng và khí đốt Italy (Utilitalia) cho biết 19 thành phố tại Piedmont đang phải đối mặt với mức độ thiếu nước cao nhất, tăng so với 7 thành phố trước đó. Xét lượng mưa dự kiến trong những tuần tới, tình hình có thể còn xấu hơn. Tình trạng thiếu nước nghiêm trọng đang diễn ra ở một số khu vực quan trọng và cơ quan chức năng đã điều động xe bồn chở nước bổ sung cho các hồ chứa.

Lượng mưa và tuyết rơi thấp trong mùa đông năm nay càng làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã khó khăn sau đợt hạn hán nghiêm trọng và các đợt nắng nóng kéo dài mà Italy phải hứng chịu vào mùa hè năm ngoái. Ngoài ra, nhiệt độ mùa đông ấm hơn cũng khiến tuyết tan, hiện tượng đáng lo ngại vì tuyết là nguồn cung cấp nước quan trọng vào mùa xuân và mùa hè khi băng tan đảm bảo nguồn cung cấp nước trong những tháng cần thiết nhất.

Hội đồng Nghiên cứu quốc gia (CNR) của Italy cho biết lượng mưa ở miền Bắc nước này đã giảm 40% trong năm 2022 và việc không có mưa từ đầu năm 2023 đến nay rất nghiêm trọng.

Chủ tịch Hiệp hội Khí tượng Italy Luca Mercalli, cho biết: “Không có gì thay đổi kể từ năm 2022. Nước sông Po vẫn cạn. Nếu năm nay tiếp tục không có mưa xuân, thì đây sẽ là lần đầu tiên Italy không có mưa xuân trong 2 năm liên tiếp”.

Ngày 1/3 vừa qua, Chính phủ Italy đã quyết định thành lập một lực lượng đặc nhiệm trực thuộc Văn phòng Thủ tướng để giám sát việc soạn thảo kế hoạch hành động nhằm giải quyết các tác động của tình trạng hạn hán nghiêm trọng. Trong kế hoạch này có chiến dịch nâng cao nhận thức về việc sử dụng nguồn nước một cách có trách nhiệm, chuẩn bị cho năm hạn hán thứ hai liên tiếp tại quốc gia này.

Theo kế hoạch, chính phủ sẽ bổ nhiệm một ủy viên đặc biệt có quyền hành pháp. Chính phủ cũng đang chuẩn bị một nghị định mới nhằm đơn giản hóa các thủ tục liên quan các biện pháp can thiệp cần thiết để giải quyết tình trạng khẩn cấ do khủng hoảng nước.

Các chuyên gia cho biết lần gần đây nhất Italy trải qua 2 năm hạn hán liên tiếp là các năm 1989 - 1990, nhưng tình hình hiện nay nghiêm trọng hơn. Trong khi đó, Hiệp hội nông dân Italy (Coldiretti) thông báo tình trạng khan hiếm nước đang ảnh hưởng tới 300.000 trang trại.

Theo các nhà khoa học, các hiện tượng thời tiết cực đoan như sóng nhiệt, bão mạnh, lũ lụt và hạn hán đang xuất hiện thường xuyên hơn với cường độ mạnh hơn do tác động của biến đổi khí hậu.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Dấu hiệu “tan băng” trong mối quan hệ Anh – Pháp

Hội nghị Thượng đỉnh Anh-Pháp lần đầu tiên sau 5 năm là một sự kiện rất đáng chú ý trong quan hệ song phương giữa hai cường quốc châu Âu.

Bản thân việc tổ chức được Hội nghị này đã là một thành công, mà như bình luận của nhiều quan chức Pháp trên truyền thông thì đối với Paris, việc có thể kết nối và tái lập thói quen làm việc cùng nhau giữa hai quốc gia đã là một thắng lợi.

Anh và Pháp đã trải qua 5 năm rất nhiều sóng gió. Từ khi công chúng Anh bỏ phiếu lựa chọn Brexit trong cuộc trưng cầu ý dân 2016, Pháp luôn là một trong những nước duy trì quan điểm cứng rắn nhất trong các cuộc đàm phán với các đời chính phủ Anh. Nhìn từ phía Pháp thì sự cứng rắn này là một điều cần thiết bởi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron năm 2018 từng có lần công khai tuyên bố rằng nếu Liên minh châu Âu không xử lý Brexit một cách quyết đoán và mạnh mẽ thì nguy cơ gây ra các phản ứng dây chuyền là rất lớn.

Nói cách khác, lãnh đạo Pháp trong một giai đoạn nhất định đã muốn “trừng phạt” Anh vì Brexit để qua đó bảo vệ lợi ích của EU, nhưng cũng đồng thời nâng cao vị thế của nước Pháp, mà sau khi Brexit diễn ra thì đã trở thành cường quốc hạt nhân duy nhất của Liên minh châu Âu. Thái độ này từ phía Pháp bị phía Anh đánh giá hết sức tiêu cực. Dưới thời ông Boris Johnson và bà Liz Truss, các quan chức chính phủ Anh nhiều lần cáo buộc rằng Pháp muốn tận dụng Brexit để làm suy yếu nước Anh, muốn lôi kéo các tập đoàn tài chính rời London để chuyển sang Paris.

Ông Boris Johnson từng nhiều lần công khai chỉ trích Pháp, thậm chí về cả các vấn đề nội bộ của nước Pháp, còn bà Liz Truss thì thậm chí còn tuyên bố “không biết nước Pháp là bạn hay thù”. Bầu không khí hằn học, thậm chí thù địch này lan rộng ra cả giới truyền thông khi báo chí Anh và Pháp luôn tập trung tấn công vào các chủ đề tiêu cực của hai quốc gia, đặc biệt trong giai đoạn căng thẳng cao điểm liên quan đến làn sóng người tị nạn nhập cư trái phép vào Anh qua eo biển Manche bằng các con thuyền đơn sơ, hay việc tranh chấp nghề cá, hay còn gọi là “cuộc chiến sò điệp” từng khiến Thủ tướng Anh Boris Johnson đe doạ dùng hải quân can thiệp còn Pháp doạ cắt nguồn điện cung cấp cho các đảo của Anh. Nhà chức trách Pháp thậm chí cũng đã bắt giữ một số tàu cá của ngư dân Anh để trả đũa việc Anh không cấp hạn ngạch đánh bắt hải sản quanh vùng biển Anh cho ngư dân Pháp.

Sau tất cả những sóng gió trong 5 năm qua, việc Anh và Pháp nối lại Thượng đỉnh cấp cao, trước đây vốn được tổ chức hàng năm, là một tin tích cực đối với cả hai phía. Trong lịch sử hàng ngàn năm qua, quan hệ Anh-Pháp luôn rất phức tạp, rất gần gũi thân cận nhưng luôn có yếu tố cạnh tranh, đối địch, dù là đồng minh nhưng hai bên luôn xem nhau là đối thủ cần phải cảnh giác. Tuy nhiên, xét về lợi ích chiến lược lâu dài, cả Anh và Pháp đều hiểu rằng không có bên nào thu được lợi ích nếu duy trì mối quan hệ căng thẳng với bên kia.

Do đó, trong cuộc gặp giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại Paris ngày hôm nay, hai bên sẽ khởi động lại cơ chế phối hợp đầy đủ như trước kia và sẽ cùng thảo luận một loạt các chủ đề quan trọng, đầu tiên là chính sách nhập cư, cụ thể là nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp giữa hai bên trong việc kiểm soát dòng người vượt biển trái phép từ Pháp sang Anh. Từ nhiều năm qua, Anh và Pháp đã ký Thoả thuận Touquet, theo đó Anh cung cấp tài chính để Pháp kiểm soát người nhập cư vào Anh ngay trên đất Pháp, ở vùng Calais thay vì ở cảng Dover trên đất Anh. Hai bên thời gian qua đã gia tăng nhiều cơ chế hợp tác trong lĩnh vực này như việc Anh cử thêm cảnh sát sang hỗ trợ Pháp, tăng hỗ trợ tài chính cũng như thiết bị công nghệ tuần tra.

Tiếp đến, là vấn đề liên quan đến điều khoản Bắc Ireland mới được Anh và EU ký kết lại. Anh cần sự ủng hộ đầy đủ của Pháp trong vấn đề này. Xung đột Nga-Ukraine sẽ là một nội dung quan trọng khác, trong đó Anh-Pháp sẽ bàn thảo kỹ việc cùng hỗ trợ quân đội Ukraine trong thời gian tới về mặt đào tạo binh sĩ, cung cấp vũ khí, đạn dược. Cuối cùng, cũng liên quan đến quốc phòng, Anh-Pháp sẽ cùng hồi sinh các thảo luận về các dự án quốc phòng chung, chủ yếu là dự án phát triển vũ khí thế hệ mới, hợp tác năng lượng hạt nhân, vốn từng được đề cập nhiều lần trong các thoả thuận trước đây như Hiệp định Sandhurst năm 2018 hay các Hiệp ước Lancaster House ký cách đây hơn 1 thập kỷ.

Chuyến thăm Pháp của Vua Charles đệ tam

5 năm qua có thể là coi là giai đoạn căng thẳng nhất trong quan hệ Anh-Pháp kể từ sau cuộc chiến Iraq 2003, khi chính phủ Anh của Thủ tướng Tony Blair đứng hoàn toàn về phía Mỹ trong cuộc xâm lược Iraq trong khi chính phủ Pháp của Tổng thống Jacques Chirac và nước Đức khi đó của Thủ tướng Gerhard Schroeder phản đối quyết liệt cuộc chiến này.

Trong 5 năm qua, ngoài các bất đồng gay gắt về Brexit, về người tị nạn, về tranh chấp nghề cá, quan hệ Pháp-Anh còn một đổ vỡ nghiêm trọng khác là Hiệp định an ninh Aukus do Anh ký với Mỹ và Australia vào tháng 09/2021, trong đó nội dung chính là Anh-Mỹ cung cấp tàu ngầm hạt nhân cho Australia, qua đó xé bỏ hợp đồng thế kỷ nhiều chục tỷ euro mà Australia ký với Pháp vài năm trước đó để mua tàu ngầm điện-diesel của Pháp. Khi đó Pháp đã phản ứng gay gắt, coi Aukus là cú đâm sau lưng của các đồng minh và trong một thời gian dài, quan hệ Pháp-Anh nguội lạnh, chính phủ Pháp thậm chí không có một động thái đáng kể nào để đối thoại với chính phủ của ông Boris Johnson.

Sự căng thẳng, lạnh nhạt này có lẽ sẽ còn kéo dài nếu như không xảy ra các sự kiện mang tính thay đổi thời đại tại châu Âu là xung đột tại Ukraine. Biến cố an ninh lớn nhất tại châu Âu trong hơn 3 thập kỷ qua đã buộc các nước phương Tây phải xích lại gần nhau hơn trong một mặt trận chung nhằm hỗ trợ Ukraine, đối phó với Nga cũng như các tác động của xung đột này. Trong bối cảnh đó, dù vẫn còn nhiều bất đồng nhưng với tư cách là hai cường quốc hạt nhân, hai quốc gia có sức mạnh quân sự lớn nhất tại châu Âu, Anh và Pháp buộc phải tìm kiếm tiếng nói chung.

Cả hai đều cảm nhận được sức ép và tính khẩn cấp của việc cần đưa quan hệ song phương trở lại bình thường bởi bất cứ rạn nứt nào giữa Anh-Pháp đều có nguy cơ suy yếu NATO và khối đoàn kết của các nước phương Tây. Về mặt cá nhân, Thủ tướng Anh Boris Johnson, người có quan hệ không mấy tốt đẹp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và cũng bị ông Macron đánh giá không cao, cũng đã mất chức Thủ tướng, thay vào đó là bà Liz Truss và tiếp đến là ông Rishi Sunak, người có rất nhiều điểm tương đồng với ông Macron, từ tuổi tác cho đến xuất thân từ giới tài chính ngân hàng trước khi dấn thân vào con đường chính trị.

Một chi tiết khác cũng mang tính “thời điểm”, đó là cả hai nước Anh-Pháp hiện nay đều đang phải đối mặt với những vấn đề xã hội lớn trong nội bộ, cả hai đều đang phải ứng phó với những cuộc biểu tình, phản kháng xã hội lớn nhất trong vài thập kỷ, tại Pháp là do sự phản đối của dân chúng với dự luật cải cách hưu trí còn tại Anh là vì người lao động không chịu đựng nổi tỷ lệ lạm phát quá cao (10%, cao nhất 4 thập kỷ). Do đó, ở khía cạnh nào đó, chính phủ hai nước có các mối bận tâm chung.

Tất nhiên, chủ đề quan trọng, luôn có tính “thời điểm” với Anh-Pháp là việc cả hai đang có xu hướng siết chặt làn sóng nhập cư bất hợp pháp. Trước khi sang Pháp 2 ngày, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã công bố dự luật chống nhập cư theo đó người nhập cư trái phép vào Anh trên những con thuyền nhỏ vượt eo biển Manche sẽ không được phép xin tị nạn tại Anh và sẽ bị trục xuất ngay lập tức. Trong khi đó, chính phủ Pháp cũng dự tính sẽ sớm công bố các chính sách cứng rắn hơn về nhập cư thời gian tới nên hai bên có rất nhiều không gian để gia tăng hợp tác. Đối với Hoàng gia Anh, việc Nhà Vua Anh Charles III dự kiến sang Pháp trước khi làm lễ đăng quang cũng là việc làm sống lại một “truyền thống” đẹp khác từ Nữ hoàng Elisabeth II, bởi Pháp chính là quốc gia nước ngoài mà Nữ hoàng Elisabeth II đến thăm nhiều nhất và có nhiều thiện cảm nhất.

Chính sách ngoại giao của Anh và định hướng của EU trong mối quan hệ với London

Việc chính phủ Anh và Liên minh châu Âu đạt được thoả thuận mới về Bắc Ireland cách đây 2 tuần có thể xem là một bước ngoặt mới trong quan hệ Anh-EU hậu Brexit. Về hình thức, thoả thuận này gỡ bỏ được những bức xúc lớn nhất từ phía Anh trong việc phải đảm bảo tính toàn vẹn của thị trường nội địa Anh, đảm bảo hàng hoá phải được tự do lưu thông trên tất cả các phần lãnh thổ của Vương quốc Anh. Tuy nhiên, về sâu xa, giới phân tích tại Anh cho rằng đây là một sự “đặt cược” của Thủ tướng Anh Rishi Sunak vào một tương lai thân cận và mềm dẻo hơn với EU.

Thoả thuận này không được các phe theo đường lối Brexit cứng rắn tại Anh ủng hộ vì được xem là có quá nhiều nhượng bộ cho EU, như việc vẫn để Toà án Tư pháp châu Âu có thẩm quyền xét xử tại Bắc Ireland với các vụ việc có liên quan đến châu Âu. Một số chính trị gia ủng hộ Brexit cứng rắn tại Anh cho rằng thoả thuận mới này thực chất là một cách để chính phủ Anh thực thi Brexit một cách nửa vời, đổi lại là một quan hệ kinh tế gần gũi hơn với EU.

Vấn đề ở đây là sự ủng hộ Brexit tại Anh đang ngày càng mờ nhạt. Gần 7 năm sau cuộc trưng cầu ý dân và hơn 3 năm sau khi hai bên ký thoả thuận Brexit, ngày càng nhiều người Anh cho rằng Brexit là một lựa chọn thất bại của nước Anh. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy tỷ lệ người dân bi quan về Brexit đã cao hơn tương đối rõ tỷ lệ ủng hộ Brexit. Với những người vẫn ủng hộ Brexit, có đến 45% cho rằng Brexit đã diễn ra tệ hơn dự kiến, chỉ có 9% vẫn nghĩ rằng Brexit đã diễn ra đúng kế hoạch.

Vào năm 2021, tỷ lệ này chỉ là 28%. Tại Anh, giới phân tích bắt đầu dùng từ “Bregret” (nước Anh tiếc nuối) thay cho “Brexit” (nước Anh rời EU). Điều đáng nói là ngay cả giới tinh hoa chính trị tại Anh cũng đang thay đổi nhận thức. Cách đây gần 2 tháng, một cuộc họp bí mật đã được tổ chức quy tụ hầu hết các chính trị gia cấp cao của cả hai đảng Bảo thủ, Công đảng và nhiều lãnh đạo các tập đoàn, công ty lớn tại Anh để thảo luận về chủ đề làm thế nào để tránh được các tác động xấu nhất của Brexit.

Cuộc họp này bị phe ủng hộ Brexit lên án là một sự phản bội cuộc trưng cầu ý dân 2016, trong khi giới quan sát trung lập thì nhận định, điều này cho thấy giới tinh hoa chính trị Anh đã nhận ra sai lầm của Brexit nhưng hiện tại không chịu thừa nhận sai lầm đó nên phải tìm các giải pháp trung hoà. Bản thoả thuận mới về Bắc Ai-len là một hướng đi như thế của Thủ tướng Anh Rishi Sunak.

Cá nhân Thủ tướng Anh là một nhà kinh tế, kỹ trị nên chắc chắn nước Anh sẽ đi theo hướng thắt chặt hơn quan hệ kinh tế với EU trong thời gian tới, không còn quá mộng mơ về khẩu hiệu “Nước Anh toàn cầu” (Global Britain) như thời ông Boris Johnson. Kinh tế sẽ là bước đi đầu tiên và đối ngoại có thể sẽ lĩnh vực tiếp theo. Tuy nhiên, từ khi lên nắm quyền, ông Rishi Sunak chủ yếu tập trung vào đối nội và thể hiện tương đối mờ nhạt về đối ngoại. Cuộc họp Thượng đỉnh Pháp-Anh có thể sẽ là thời điểm để chính phủ mới tại Anh thể hiện rõ hơn trong chủ đề này.

(Nguồn: VOV)

Thụy Sĩ làm rõ lập trường về viện trợ vũ khí cho Ukraine

(Ảnh minh họa).

Bern cho biết các biện pháp trừng phạt chống lại Moskva vẫn "phù hợp với tính trung lập" của Thụy Sĩ nhưng việc xuất khẩu vũ khí cho Kiev thì không.

Tổng thống Thụy Sĩ Alain Berset đã nhấn mạnh rằng lập trường trung lập theo Hiến pháp của đất nước ông cấm xuất khẩu vũ khí sang Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Tuy nhiên, ông Berset nói thêm rằng việc ủng hộ các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moskva không mâu thuẫn với quan điểm trung lập của Thụy Sĩ.

“Thảo luận về xuất khẩu vũ khí, trong khi chúng tôi đã có khung pháp lý của mình thì không thể thực hiện được", Tổng thống Berset phát biểu với giới phóng viên ngày 7/3 sau các cuộc họp tại Liên hợp quốc.

Mặc dù không phải là một quốc gia thành viên EU, Thụy Sĩ đã áp dụng một số biện pháp trừng phạt của khối châu Âu này nhắm vào Nga. Ông Berset đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào tuần trước và nhấn mạnh về "cam kết nhân đạo mạnh mẽ đối với Ukraine" của đất nước ông. Tháng trước, các nhà lập pháp Thụy Sĩ đã đề xuất một gói hỗ trợ trị giá gần 140 triệu USD phục vụ các nỗ lực rà phá bom mìn và hoạt động nhân đạo ở Ukraine.

Hiến pháp của Thụy Sĩ quy định rằng vũ khí và đạn dược do nước này sản xuất không được xuất khẩu sang các quốc gia đang tham chiến, nhưng lập trường lâu nay này đã bị chỉ trích trong Quốc hội. Tháng trước, chính trị gia tự do Thierry Burkart phàn nàn rằng chính sách của Thụy Sĩ đang "ngăn các đối tác phương Tây của chúng ta hỗ trợ Ukraine."

Vũ khí của Thụy Sĩ được bán ra nước ngoài cũng bị cấm tái xuất sang một nước bên thứ ba nếu quốc gia đó đang có chiến tranh. Tháng trước, nhà sản xuất vũ khí Rheinmetall của Đức đã xin phép mua xe tăng Leopard do Thụy Sĩ sản xuất, nhưng đi kèm với đảm bảo rằng chúng sẽ không được chuyển giao cho Ukraine. Bern đã từ chối yêu cầu chuyển giao vũ khí từ Đức, Tây Ban Nha và Đan Mạch cho Ukraine bất chấp sự vận động hành lang từ Kiev.

Tuy nhiên, Tổng thống Berset đã mang đến một tia hy vọng cho những người chỉ trích chính sách xuất khẩu quân sự của Thụy Sĩ trong Quốc hội khi gợi ý rằng lập trường của Bern có thể thay đổi nếu có "sự thay đổi (đối với) khung pháp lý này."

Chính trị gia 50 tuổi này được bầu làm tổng thống lần thứ hai vào tháng 12/2022 và nhậm chức vào ngày 1/1/2023. Thụy Sĩ áp dụng chính sách tổng thống luân phiên trong một năm, và một nhà lãnh đạo mới sẽ được bầu vào tháng 12/2023.

Theo hãng tin Bloomberg, bất chấp quy chế trung lập chính trị lâu đời của Thụy Sĩ, xuất khẩu vũ khí và đạn dược của nước này vẫn tăng gần 1/3 vào năm ngoái.

Chính phủ Thụy Sĩ ngày 7/3 cho biết, xuất khẩu vũ khí của nước này đạt trị giá 955 triệu franc Thụy Sĩ (1 tỷ USD) vào năm 2022, tăng 29% so với một năm trước đó. Các chuyến hàng đến châu Âu hiện chỉ chiếm một nửa tổng lượng xuất khẩu - giảm so với mức khoảng 2/3 vào năm 2021, trong khi có nhiều chuyến hàng đến Trung Đông hơn.

Qatar đứng đầu danh sách khách hàng của Thụy Sĩ, nhận được các hệ thống phòng không và vũ khí khác với tổng trị giá 213 triệu franc. Tiếp theo là Đan Mạch, Đức, Saudi Arabia và Mỹ, những nước đã mua xe bọc thép và nhiều loại đạn dược.

Cuộc xung đột ở Ukraine đã đặt các nhà sản xuất Thụy Sĩ vào tình thế khó khăn, vì lập trường trung lập của nước này đồng nghĩa với việc chính phủ cấm bán vũ khí cho các nước đang có chiến tranh. Theo các chuyên gia chính trị, nếu một thành viên NATO tham gia cuộc xung đột ở Ukraine, các nhà sản xuất vũ khí Thụy Sĩ sẽ phải ngừng vận chuyển sản phẩm của họ tới tất cả các nước NATO ngay lập tức.

Dựa trên nguyên tắc trung lập đó, Thụy Sĩ cũng cấm tái xuất khẩu vũ khí của mình. Điều này ngăn cản các đối tác châu Âu như Đức và Đan Mạch gửi vũ khí do Thụy Sĩ sản xuất tới Ukraine.

(Nguồn: Soha)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang