EU: Hóa đơn năng lượng tăng; Mua chung đạn dược; Rác chất đống ở Pháp; Dự luật tị nạn ở Anh; Rủi ro khi Mỹ can dự ở Ukraine

Hóa đơn năng lượng EU tăng vọt 300%

(Ảnh minh họa).

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói rằng các nước EU gặp nhiều khó khăn khi giá năng lượng tăng vọt.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã chứng kiến ​​hóa đơn năng lượng tăng vọt ít nhất 300% vào mùa hè năm ngoái sau khi nguồn cung cấp khí đốt của Nga giảm mạnh.

Theo người đứng đầu EC, khối này đã xoay sở để thay thế lượng khí đốt tự nhiên thiếu hụt của Nga bằng cách mua thêm từ các nhà cung cấp mới, cũng như tăng hiệu quả sử dụng năng lượng bằng cách giảm 20% mức tiêu thụ.

“Nga đã cắt giảm 80% nguồn cung cấp khí đốt đến châu Âu trong 8 tháng, khiến giá năng lượng ở châu Âu tăng vọt. Mùa hè năm ngoái, hóa đơn năng lượng của chúng tôi đã tăng 300%", bà Ursula von der Leyen nói.

Chủ tịch EC cáo buộc rằng các quan chức Nga đã cố gắng "tống tiền" Brussels bằng cách giảm nguồn cung vì các quốc gia EU phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga. Trước đó, bà Ursula von der Leyen cũng đưa ra chỉ trích tương tự với Moskva sau khi tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria vào tháng 4/2022.

Đáp lại, điện Kremlin cho biết, Nga “ đã và vẫn là nhà cung cấp nguồn năng lượng đáng tin cậy cho người tiêu dùng và luôn cam kết thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng” . Moskva khẳng định cả Bulgaria và Ba Lan chỉ bị cắt khỏi nguồn cung cấp của Nga sau khi họ từ chối thanh toán khí đốt bằng đồng rúp.

Theo hãng tin Reuters ngày 31/1, EU đã chỉ định cho công ty khí đốt Prisma tính toán nhu cầu khí đốt của các quốc gia thành viên, khi khối này xúc tiến kế hoạch khởi động việc mua khí đốt chung giữa các nước EU.

EC hy vọng việc mua khí đốt chung sẽ giúp EU nạp đầy các kho dự trữ đã cạn kiệt trước mùa đông tới và thương lượng giá thấp hơn bằng cách sử dụng sức mua tập thể của các nước EU.

(Nguồn: CafeF)

EU bước đầu nhất trí về kế hoạch mua chung đạn dược để hỗ trợ Ukraine

Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 8/3 đã nhất trí tăng cường cung cấp đạn pháo và mua thêm đạn dược để hỗ trợ Ukraine, song vẫn phải tìm cách biến những mục tiêu này trở thành hiện thực.

Đây là khẳng định của Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell trước báo giới sau biểu sau hội nghị không chính thức của các Bộ trưởng Quốc phòng Liên minh châu Âu tại Thụy Điển.

Phát biểu trước báo giới, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại hi vọng kế hoạch này sẽ được hoàn thiện tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Liên minh châu Âu vào ngày 20/3 tới: “Tôi cho rằng chúng tôi đã có một thỏa thuận chung về vấn đề này nhưng vẫn còn những câu hỏi đang chờ được xử lý. Mọi thứ phải được thảo luận chi tiết. Mọi người đều đồng ý về sự khẩn cấp phải hành động, bởi vì mọi người đều đồng ý về mục tiêu là hỗ trợ Ukraine càng nhiều càng tốt và nhanh nhất có thể”.

Theo kế hoạch do Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell vạch ra, các quốc gia thành viên trong khối sẽ nhận được khoản ưu đãi tài chính trị giá 1 tỷ euro (tương đương hơn 1 tỷ USD để gửi thêm đạn pháo tới Ukraine, trong khi 1 tỷ euro khác sẽ được dành để tài trợ cho việc mua chung lô đạn pháo mới.

Kể từ khi bắt đầu nổ ra cuộc xung đột Nga-Ukraine, Liên minh châu Âu đã cung cấp đạn pháo và vũ khí cho Ukraine thông qua Cơ chế Hòa bình châu Âu. Tuy nhiên, gần đây, Ukraine sử dụng nhiều đạn pháo hơn số lượng mà nước này sản xuất hoặc nhận được từ các đồng minh./

(Nguồn: VOV)

Rác chất đống, giao thông gián đoạn ở Pháp vì đình công

(Ảnh minh họa).

Hôm nay (9/3) tại Pháp, giao thông đường sắt và đường không tiếp tục bị gián đoạn, rác chất đống ở Paris khi cuộc đình công phản đối kế hoạch cải cách lương hưu của Tổng thống Emmanuel Macron bước vào ngày thứ ba liên tiếp.

Theo hãng tin Reuters, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, đa số cử tri phản đối kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu thêm 2 năm, từ 62 lên 64 tuổi. Người lao động cũng buộc phải làm đủ 43 năm mới nhận được lương hưu đầy đủ. Tuy nhiên, chính phủ Pháp cho biết, việc thay đổi chính sách là cần thiết nhằm đảm bảo cho hệ thống không bị vỡ.

Công nhân trong một số lĩnh vực, gồm lọc dầu và đường sắt, có kế hoạch tiếp tục đình công tới hết tuần, sau khi một số lượng người kỷ lục đã kéo xuống đường vào hôm thứ Ba (7/3) như một phần của ngày hành động trên toàn quốc. Theo France24, tổng số 1,28 triệu người biểu tình đã tuần hành trên khắp các thành phố, thị trấn của nước Pháp.

Hiện nay là thời điểm quan trọng đối với cả các công đoàn và chính phủ vì Tổng thống Macron hy vọng Quốc hội sẽ thông qua luật hưu trí mới trước tháng 4 trong khi các công đoàn muốn chính phủ rút lại kế hoạch cải tổ. Ngày đình công và biểu tình trên toàn quốc được ấn định vào thứ Bảy tới.

Công nhân của TotalEnergies (TTEF.PA) đã bỏ phiếu về việc dừng sản xuất tại nhà máy lọc dầu Feyzin, gần Lyon. Trước đó, các công nhân chỉ mới chặn các chuyến hàng tại khu vực này. Một số chi nhánh của CGT - công đoàn lớn thứ 2 ở Pháp và công đoàn nhỏ hơn FO tiếp tục kéo dài các cuộc đình công nổ ra từ đầu tuần.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Pháp Clement Beaune cho biết, giao thông đường không sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trong ngày hôm nay và ngày mai, với 1/5 số chuyến bay tại sân bay chính của Paris là Charles de Gaulle và 1/3 số chuyến bay tại sân bay Orly bị hủy bỏ.

Sáng qua, giao thông đường sắt và tàu điện ngầm ở Paris bị gián đoạn nghiêm trọng do các cuộc đình công của tài xế. Nhà chức trách đường sắt SNCF cho biết, chỉ 1 trong 3 chuyến tàu cao tốc được vận hành, tàu tới Tây Ban Nha cũng bị gián đoạn. Những người thu rác ở Paris cũng đình công khiến rác thải chất đống trên đường phố.

(Nguồn: Vietnamnet)

Dự luật về người tị nạn sẽ ngăn người nhập cư chen ngang - Bộ trưởng Nội vụ Anh

Dự luật mới về người nhập cư phi pháp sẽ “ngăn mọi người chen ngang” để tới sống ở Anh, Bộ trưởng Nội vụ Anh Suella Braverman nói.

Nữ bộ trưởng nói với BBC rằng dân chúng Anh “đã thấy quá đủ” với tình trạng người nhập cư vào Anh bằng thuyền nhỏ.

Bà bảo vệ dự luật mới có mục đích trục xuất những người nhập cư vượt eo biển Manche trái phép để vào Anh.

Theo đề xuất mới được công bố hôm thứ Ba, bất kỳ ai được phát hiện vào nước Anh trái phép không những sẽ bị trục xuất khỏi Anh quốc trong vòng 28 ngày, mà còn bị cấm trở lại Anh hay xin làm công dân Anh trong tương lai.

Những người đến Anh bằng thuyền nhỏ sẽ bị đưa trả về nước của họ, hoặc đưa tới một “nước thứ ba an toàn” như Rwanda.

Khi được hỏi liệu chính sách này có khả thi không – và cụ thể những người nhập cư sẽ đi đâu – bà Braverman nói bà trông đợi khoảng 40.000 người sẽ vượt eo biển Manche vào Anh năm nay, nhưng bà thừa nhận có khả năng con số này sẽ lên tới 80.000 người.

Bà cho biết thỏa thuận của chính phủ Anh với Rwanda là “không có giới hạn” và họ có thể nhận hàng ngàn người.

Bà nói Anh quốc cũng dự định tăng khả năng giữ người – nhưng nhấn mạnh rằng luật mới sẽ ngăn cản mọi người vượt eo biển ngay từ đầu.

Tuy nhiên, kể từ khi chính phủ Anh thông báo đề xuất gửi một số người xin tỵ nạn sang Rwanda hồi tháng Tư năm ngoái, chưa có ai bị đưa sang Rwanda và đề xuất này vẫn đang bị các tổ chức nhân quyền thách thức.

Bộ trưởng Nội vụ của Đảng Lao động phản đối dự luật này và nói nó “sẽ làm tình trạng còn tồi tệ hơn, và hỗn loạn hơn”.

Bà nói với BBC hiện không có thỏa thuận đưa người tị nạn trở về nước của họ, có nghĩ là hàng chục ngàn người sẽ ở trong các cơ sở tị nạn và khách sạn.

Bà Cooper cũng cáo buộc các bộ trưởng “vô trách nhiệm” trong lời nói.

Cơ quan tỵ nạn LHQ mô tả động thái này là “rất đáng lo ngại” và có thể sẽ ngăn cả những người có lý do xin tỵ nạn chính đáng.

Đại diện của Cao ủy LHQ về Người tỵ nạn tại Anh, bà Vicky Tennant, nói với chương trình BBC Newsnight rằng đề xuất này vi phạm luật quốc tế.

"Chúng tôi cho rằng đây là sự vi phạm rõ ràng Công ước về Người tị nạn, và chúng ta cần nhớ rằng [với đề xuất này] ngay cả những người có lý do xin tị nạn chính đáng cũng sẽ không có cơ hội để trình bày.”

Công ước về Người tị nạn, được các bên ký lần đầu năm 1951, là một thỏa thuận đa phương quy định rõ ai được coi là người tị nạn và nghĩa vụ bảo vệ họ của các nước ký kết.

Bà Braverman đã viết thư báo cho các nghị viên đảng Bảo thủ rằng “có trên 50%” khả năng dự luật này không tương thích với Tòa án Nhân quyền Châu Âu, và trông đợi dự luật sẽ gặp các thách thức pháp lý.

Bà nói với BBC các biện pháp bà đề ra là “hợp pháp, thích hợp và khoan dung”.

Dự luật mới có nghĩa gì?

Nó bác bỏ quyền xin tị nạn với hầu hết người từ Pháp hay một nước an toàn khác sang Anh – ngay cả nếu họ có cơ cở để xin tị nạn – và đặt nghĩa vụ lên bộ trưởng nội vụ Anh phải trục xuất họ càng sớm càng tốt.

Những người bị trục xuất khỏi Anh sẽ bị cấm trở lại hay xin làm công dân Anh trong tương lai.

Người nhập cư sẽ không được tại ngoại hay xét lại hồ sơ pháp lý trong 28 ngày bị tạm giữ

Có hạn mức tối đa số người tị nạn mà Anh sẽ nhận “qua các con đường an toàn và hợp pháp” – được Quốc hội Anh đề ra hàng năm

Bộ trưởng nội vụ có trách nhiệm tạm giữu những ai vào nước Anh trái phép và trục xuất họ sang Rwanda hoặc một nước thứ ba “an toàn” – nghĩa vụ này sẽ được coi trọng hơn quyền xin tị nạn

Những người dưới 18 tuổi, những người không đủ điều kiện đi máy bay hay những ai có nguy cơ bị làm hại ở nước mà họ bị trục xuất sẽ được trì hoãn trục xuất

Những đơn xin tị nạn khác sẽ được xem xét từ xa sau khi người tị nạn bị trục xuất

Hôm thứ Ba, Thủ tướng Rishi Sunak bảo vệ dự luật này. Ông nói ông đã “sẵn sàng cho cuộc chiến” với các tòa án.

Dự luật mới sẽ được áp dụng ngược thời gian cho những ai vào Anh trái pháp bắt đầu từ thứ Ba ngày 7/3, ông nói.

(Nguồn: BBC)

Rủi ro lớn với châu Âu nếu Mỹ trực tiếp can dự cuộc tấn công mùa xuân của Ukraine

(Ảnh minh họa).

Cả Nga và Ukraine được cho là đang chuẩn bị cho các cuộc tấn công lớn vào mùa xuân và điều này có thể sẽ gây ra những rủi ro đáng kể cho cả hai phía.

Việc dự đoán kết quả rất khó khăn vì những nhân tố bên ngoài có thể can thiệp vào cuộc xung đột, đặc biệt là các lực lượng của Mỹ và NATO.

Cuộc tấn công của Nga

Cuộc tấn công đầu tiên có thể là cuộc tấn công do quân đội Nga tiến hành. Nga đã có sự chuẩn bị tích cực trong nhiều tháng qua, từ việc mài giũa chiến thuật, triển khai các loại vũ khí tấn công mới, thay thế những thiết bị hỏng hóc hoặc bị thiệt hại trong các cuộc giao tranh, đặc biệt là xe tăng và xe chiến đấu bộ binh.

Một số báo cáo cho biết, Nga đang tăng cường nỗ lực chế tạo xe tăng, trong đó có cả những xe tăng chiến đấu hiện đại như T-90 và T-14 Armta. Việc sản xuất các loại vũ khí khác, đặc biệt là đạn dược cũng được đẩy nhanh. Điều chưa biết là Nga sẽ sử dụng lực lượng mà họ mới huy động được với số lượng ước tính từ 200.000 đến 300.000 binh sỹ như thế nào.

Một giả thuyết là Nga sẽ tiến quân từ phía Nam và phía Đông, tạo ra vòng vây mở rộng để dồn ép các lực lượng Ukraine. Giả thuyết khác là Nga có thể sử dụng vòng vây để kiềm chân lực lượng Ukraine tại những khu vực đó trong khi tấn công Kiev từ ba hướng Bắc, Đông, Nam. Đây có thể là lựa chọn tốt nhất đối với Nga. Nhưng không rõ liệu Moscow có đủ nhân lực để làm điều này hoặc có khả năng cơ động cao để tránh được các đòn phản công của Ukraine hay không.

Cuộc tấn công của Ukraine

Trong khi đó, Kiev cũng đang chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công lớn, có sự phối hợp với các đối tác phương Tây, đặc biệt là Lầu Năm Góc. Phương Tây được cho là đang vận chuyển một lượng lớn khí tài quân sự tới Ba Lan. Tại đây chúng sẽ được trung chuyển vào lãnh thổ Ba Lan. Ngoài ra, các nước thành viên NATO cũng nhanh chóng củng cố lực lượng của họ.

Hồi cuối tuần qua, tàu sân bay Liberty Pride treo cờ Mỹ mang theo trang thiết bị quân sự dành cho lực lượng NATO đã cập cảng Alexandroupolis của Hy Lạp. Chưa rõ có bao nhiêu tàu của Mỹ đang trên đường đi hoặc đã tới các cảng khác của châu Âu. Nhưng động thái mới nhất này cho thấy, NATO đang chuẩn bị cho mọi tình huống, một khi Ukraine tiến hành cuộc phản công lớn.

Giới phân tích cho rằng, trọng tâm chính của cuộc tấn công mà Ukraine thực hiện trong mùa Xuân có thể là Crimea hoặc căn cứ của Nga ở phía Nam. Kiev có thể cố gắng phong tỏa và cắt đứt những căn cứ này khỏi khu vực Kherson để dễ bề phá hủy chúng, sau đó thực hiện cuộc tấn công lớn vào Crimea.

Mỹ đang chuẩn bị một số lượng lớn vũ khí để hỗ trợ Ukraine, trong số đó phải kể đến thiết bị bắc cầu có thể hỗ trợ xe tăng Leopard II do Đức sản xuất, nặng 62 tấn, tương đương với trọng lượng của xe tăng M1 Abrams mà Washington cam kết chuyển giao cho Ukraine.

Kịch bản Mỹ can thiệp

Để tiến hành cuộc tấn công lớn nhằm đẩy lùi Nga ra khỏi lãnh thổ, Ukraine rất có thể sẽ phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ thông tin tình báo từ phía Mỹ, thậm chí là lực lượng không quân Mỹ. Bởi đến thời điểm hiện tại, phương Tây vẫn chưa cam kết chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine. Trong trường hợp quyết định này được thông qua, sẽ không có đủ thời gian để huấn luyện cho phi công Ukraine sử dụng chiến đấu cơ F-16. Vì thế chỉ có một kịch bản duy nhất là các phi đội máy bay chiến đấu của Mỹ sẽ tham gia.

Một số nhà phân tích cho rằng, trong trường hợp này, máy bay của Mỹ có thể được sơn phù hiệu của Ukraine và do các phi công Mỹ hoặc NATO điều khiển. Chúng sẽ đóng vai trò là phương tiện chiến đấu dự phòng, bắn các loại vũ khí không đối không hoặc không đối đất tầm xa.

Bằng cách tránh xa các hệ thống phòng không của Nga, trong khi vẫn được lực lượng phòng không Ukraine bảo vệ, những chiếc F-16 có thể nhắm vào thiết giáp, trung khu chỉ huy, quân đội, thiết bị gây nhiễu và radar phòng không của Nga.

Cuộc tấn công của Ukraine, với sự tham gia của máy bay Mỹ có thể bị Nga coi là “hành động chiến tranh có sự can dự trực tiếp của NATO”. Rất khó đoán Nga sẽ phản ứng thế nào trong tình huống này. Theo giới quan sát, Moscow có thể tấn công các kho dự trữ vũ khí tại Ba Lan, Romania và những sân bay hỗ trợ nỗ lực cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Theo các chiến lược gia Nga, quân đội Ba Lan cũng có thể tiến vào Ukraine, giành quyền kiểm soát Lviv hoặc các khu vực khác, phòng trường hợp cuộc tấn công của Ukraine thất bại hoặc Nga thành công trong nỗ lực kiểm soát Kiev.

Tóm lại, bất cứ kịch bản nào cũng có thể xảy ra khi xung đột Nga và Ukraine diễn biến ngày càng phức tạp hơn. Nếu những dự đoán về hai cuộc tấn công mùa Xuân của Ukraine và Nga là chính xác thì châu Âu có lẽ đang đứng trên bờ vực của một thảm họa lớn, ông Stephen Bryen - chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Chính sách An ninh và Viện Yorktown của Mỹ nhận định.

(Nguồn: Soha)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang