Đức: 'Buồn' sau khi từ bỏ dầu Nga; Khám xét tàu liên quan vụ nổ Nord Stream; Cấm Huawei, ZTE; Căng thẳng với Ba Lan

'Buồn' của Đức sau khi từ bỏ dầu Nga: Nhà máy cung cấp 90% nhiên liệu cho Berlin khổ sở tìm nguồn cung

(Ảnh minh họa).

Đức ngừng mua dầu Nga từ tháng 1. Kể từ đó đến nay mỗi ngày nhà máy lọc dầu Schawedt chỉ có thể chạy khoảng 55% công suất.

Theo Reuters đưa tin, việc nhà máy Schwedt của nước Đức phải cắt giảm sản lượng là minh chứng cho thấy những khó khăn mà Berlin đang phải đối mặt khi rời bỏ dầu Nga, bất chấp Đức đang nỗ lực hợp tác với Ba Lan để tìm ra nguồn cung thay thế.

Schwedt là nhà máy lọc dầu lớn thứ 4 ở Đức, cung cấp 90% lượng xăng, dầu diesel và các nhiên liệu mà thủ đô Berlin sử dụng. Tuy nhiên, 3 tháng sau thỏa thuận giữa Warsaw và Berlin, hiện nhà máy này chỉ hoạt động 50 – 60% công suất. Các lựa chọn thay thế của nước Đức vẫn rất mờ mịt.

Tháng trước, Moscow đã đáp trả Đức và Ba Lan bằng cách ngừng dòng chảy dầu sang Ba Lan thông qua đường ống Druzhba. Điều này dẫn đến Ba Lan không thể cung cấp dầu cho Schwedt.

Trong khi đó PKN Orlen, công ty lọc dầu quốc doanh của Ba Lan cũng phải sử dụng tăng công suất sử dụng tại cảng Gdansk để cung cấp cho nhà máy của chính họ. Kết quả là Schawedt chỉ có được nhiều nhất là 1 slot tàu chở dầu tại cảng Gdansk mỗi tháng, tương đương khoảng 1 triệu tấn dầu mỗi năm, chỉ bằng 1/3 so với kế hoạch đã đề ra trước đó.

Đức ngừng mua dầu Nga từ tháng 1. Kể từ đó đến nay mỗi ngày nhà máy lọc dầu Schawedt chỉ có thể chạy khoảng 55% công suất. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung từ các đường ống chạy từ cảng Rostock ở miền Bắc nước Đức.

Nỗ lực tìm kiếm trợ giúp từ Ba Lan gặp nhiều trở ngại

Từ đầu mùa xuân năm ngoái, Đức và Ba Lan bắt đầu thảo luận về việc vận chuyển dầu đến Schwedt thông qua cảng Gdansk, các đường ống của Ba Lan và đường ống Druzhba. Trong đó Druzhba có thể vận chuyển cả dầu Nga và dầu Kazakh.

Tuy nhiên, cấu trúc sở hữu của Schwedt vẫn là 1 trở ngại lớn. Tập đoàn Rosneft của Nga hiện đang nắm giữ 54,17% cổ phần ở Schwedt. Đến tận giữa tháng 2 vừa qua Berlin mới hoàn tất các thủ tục pháp lý để cho phép bán lại số cổ phần của Rosneft mà không cần phải quốc hữu hóa.

Xóa bỏ Rosneft khỏi Schwedt là phần quan trọng trong thỏa thuận giữa Berlin và Warsaw. Năm ngoái PKN Orlen – hiện cũng đang sở hữu mạng lưới các trạm xăng ở Đức – đã bày tỏ quan tâm đến việc mua cổ phần của Schwedt.

Trong 1 động thái càng khiến đàm phán với Ba Lan trở nên rắc rối hơn, cuối năm ngoái Đức đã tiếp cận Kazakhstan để tìm nguồn cung cho Schwedt. Điều này làm dấy lên những lo ngại mới ở Warsaw.

Không có cách nào để xác nhận số dầu mà Đức đã đặt hàng là dầu Kebco của Kazakhstan hay dầu Nga được bán mà không giảm giá theo yêu cầu áp trần của G7. Do đó các công ty vận hành đường ống của Ba Lan vẫn đối mặt với nguy cơ phạm luật.

Tháng trước Đức đặt mục tiêu trong 2 năm rưỡi sẽ tăng công suất của Schwedt lên 75%, bằng cách tăng công suất của đường ống từ Rostock lên 9 triệu tấn/năm thay vì 6 triệu tấn như hiện tại. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với nguồn cung dầu cho Đức.

(Nguồn: CafeF)

Đức xác nhận khám xét tàu nghi liên quan vụ tấn công đường ống Nord Stream

Giới chức Đức đã khám xét một con tàu bị cho là chở thuốc nổ phục vụ cho vụ tấn công đường ống khí đốt Nord Stream của Nga hồi cuối năm ngoái.

Truyền thông địa phương ngày 8/3 cho biết, một người phát ngôn của Văn phòng Công tố Đức xác nhận, trong khoảng thời gian từ ngày 18-20/1, giới chức nước này đã khám xét một con tàu bị nghi chở thuốc nổ hoạt động ở gần khu vực đường ống Nord Stream. Các cơ quan chức năng của Đức đang tiếp tục phân tích, đánh giá các thiết bị thu được.

Quan chức này cho biết thêm, danh tính của những người được cho là có liên quan đến việc cho thuê con tàu, cũng như động cơ tiềm ẩn vẫn chưa rõ ràng. Ông cũng nhấn mạnh, cáo buộc cho rằng nhân viên của một công ty của Đức cho thuê con tàu là vô căn cứ.

Trước đó, truyền thông Đức dẫn nguồn thạo tin cho biết, giới chức nước này đã xác định một du thuyền bị nghi có liên quan đến vụ tấn công Nord Stream. Theo đó, du thuyền thuộc về một công ty có trụ sở tại Ba Lan, thuộc sở hữu của hai người Ukraine. Du thuyền khởi hành từ thành phố cảng Rostock, Đông Bắc nước Đức hôm 6/9/2022, mang theo chất nổ và thiết bị. Du thuyền sau đó được xác định hoạt động ở khu vực đảo Christianso của Đan Mạch, gần nơi xảy ra vụ nổ hôm 26/9/2022. Nhóm thực hiện được cho là gồm 6 người: 1 thuyền trưởng, 2 thợ lặn, 2 trợ lý lặn, 1 bác sĩ.

Tháng 9/2022, một loạt vụ nổ đã làm hư hại nặng nề cả 2 đường ống dẫn khí Nord Stream được xây dựng để vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga đến Đức và phần còn lại của Liên minh châu Âu (EU). Các nhà điều tra cho biết đã tìm thấy dấu vết của chất nổ tại hiện trường và nghi ngờ có hành động cố ý làm nổ các đường ống.

Đến nay, Nga và phương Tây tiếp tục đổ lỗi cho nhau đứng sau vụ tấn công. Báo New York Times cho hay, giới chức Mỹ đang xem xét tin tình báo cho rằng một nhóm phá hoại thân Ukraine đã tấn công Nord Stream.

Tuy nhiên, Kiev đã bác bỏ cáo buộc, Moscow cũng tỏ ra hoài nghi về thông tin này. "Rõ ràng những kẻ dàn dựng vụ tấn công muốn đánh lạc hướng. Đây là một chiến dịch truyền thông được phối hợp tốt", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói. Ông Peskov cũng chỉ trích việc các nước phương Tây từ chối để Nga tham gia các cuộc điều tra quốc tế về vụ phá hoại Nord Stream.

Bình luận về thông tin của New York Times, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho hay: "Hiện giờ chúng tôi chưa thể xác định ai đứng sau. Các cuộc điều tra cấp quốc gia đang diễn ra, do vậy, theo tôi nên chờ đến khi những cuộc điều tra này hoàn tất".

(Nguồn: Dân Trí)

Đức có thể cấm Huawei, ZTE của Trung Quốc trong mạng 5G

(Ảnh minh họa).

Đức đang xem xét cấm một số thiết bị của hai công ty Trung Quốc là Huawei và ZTE trong các mạng viễn thông của Đức, một nguồn tin chính phủ cho biết, trong một động thái quan trọng tiềm tàng để giải quyết các mối lo ngại về an ninh, theo Reuters.
Người phát ngôn của Bộ Nội vụ Đức hôm thứ Ba 7/3 xác nhận rằng chính phủ Đức đang tiến hành đánh giá chung về các nhà cung cấp công nghệ viễn thông, nhưng nói rằng điều này không nhắm vào các nhà sản xuất cụ thể.
Một báo cáo của Bộ Nội vụ Đức về cuộc đánh giá mà Reuters được xem nói rằng một nhà cung cấp cụ thể có thể bị cấm cung cấp các thiết bị quan trọng nếu nhà cung cấp đó bị chính phủ của một nhà nước khác kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp.
Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner nói với đài Welt TV: “Chúng ta không thể phụ thuộc vào các thiết bị của các nhà cung cấp riêng lẻ”.
Người phát ngôn Bộ Nội vụ cho biết việc xem xét này có thể dẫn đến việc Đức yêu cầu các nhà khai thác loại bỏ và thay thế các thiết bị đã được tích hợp sẵn trong mạng, đồng thời cho biết thêm rằng luật hiện hành không dự kiến có các khoản bồi thường cho họ.
“Đây là một dấu hiệu cho thấy chính phủ Đức cuối cùng có thể đang xem xét các rủi ro liên quan đến Trung Quốc đối với an ninh quốc gia một cách nghiêm túc”, ông Noah Barkin, một chủ bút thuộc hãng nghiên cứu Rhodium Group, nói. Ông chuyên về quan hệ Đức-Trung và phụ trách mảng các hoạt động của Trung Quốc.
Những người chỉ trích Huawei và ZTE nói rằng mối liên hệ chặt chẽ của hai hãng này với các cơ quan an ninh của Bắc Kinh đồng nghĩa là việc can thiệp vào các mạng di động phổ biến trong tương lai có thể giúp cho gián điệp Trung Quốc và thậm chí cả những kẻ phá hoại tiếp cận được với các cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Huawei, ZTE và chính phủ Trung Quốc bác bỏ những tuyên bố này, cho rằng chúng có động cơ là ý muốn bảo hộ để hỗ trợ các đối thủ không phải là các hãng Trung Quốc.
Đề cập đến các tin tức trên truyền thông Đức về một lệnh cấm có thể xảy ra, Đại sứ quán Trung Quốc tại Đức nói trong một tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ “rất kinh ngạc và rất không hài lòng” nếu bất kỳ quyết định nào như vậy được đưa ra.
Đáp lại lời đề nghị bình luận của Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một tuyên bố rằng họ hy vọng Đức sẽ “đưa ra quyết định độc lập phù hợp với lợi ích của chính mình, mô hình kinh tế và các quy tắc quốc tế mà không tiếp nhận sự can thiệp từ bên thứ ba”.
Bắc Kinh thường cho rằng các quyết định của các nước châu Âu mà họ coi là thù địch đều là do áp lực từ Hoa Kỳ.
Người phát ngôn của Huawei cho biết họ không bình luận về suy đoán này và họ có “thành tích bảo mật rất tốt” trong suốt 20 năm cung cấp công nghệ cho Đức và phần còn lại của thế giới.
Người phát ngôn của ZTE cho biết không có bằng chứng nào cho thấy sản phẩm của họ không an toàn, nhưng họ hoan nghênh sự giám sát từ bên ngoài.
Khi được hỏi về lệnh cấm tiềm tàng, hai trong số các nhà khai thác viễn thông hàng đầu của Đức, Deutsche Telekom và Vodafone Germany, cho biết họ tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành nhưng không phản hồi về những đồn đoán chính trị.

(Nguồn: VOA)

Đức - Ba Lan căng thẳng vì nỗ lực hỗ trợ Ukraine

Trong lúc NATO thể hiện tinh thần đoàn kết với Ukraine, rạn nứt giữa Đức và Ba Lan xuất hiện và ngày càng tăng liên quan hoạt động chuyển giao xe tăng.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak ngày 7/3 thông báo chuyển giao thêm 10 xe tăng Leopard 2A4 cho Ukraine, nhưng không quên nhắc nhở Đức cung cấp phụ tùng thay thế cho những chiếc xe tăng này.

Tranh cãi giữa Warsaw và Berlin về xe tăng Leopard 2 chuyển cho Ukraine và linh kiện thay thế đã bị đẩy lên một mức độ căng thẳng mới, trong bối cảnh Tổng thống Volodymyr Zelensky đang kêu gọi các đồng minh phương Tây "nhanh chóng" cung cấp vũ khí trước khi nước này phát động chiến dịch phản công lớn vào mùa xuân.

Giới lãnh đạo Ba Lan hiện không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để công kích Đức, một mục tiêu quen thuộc với họ. Gần đây, những lời chỉ trích tập trung vào việc tiến trình gửi xe tăng chủ lực ra mặt trận ở Ukraine bị chậm trễ.

Sau khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz chấp thuận chuyển xe tăng chiến đấu Leopard 2 tới Ukraine, Ba Lan đã gặp không ít khó khăn để gửi đi những chiếc Leopard đời cũ trong kho nhằm hoàn thành cam kết của mình. Ba Lan cáo buộc Đức không cung cấp phụ tùng thay thế cho những chiếc xe tăng phiên bản cũ này.

"Trách nhiệm chính thuộc về Đức, nhà sản xuất chính của những chiếc xe tăng đó", Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tuần trước tuyên bố. "Từ lâu chúng tôi đã thúc giục Đức không chỉ cung cấp xe tăng cho Ukraine, mà còn cả phụ tùng thay thế".

Tranh cãi với Đức nổ ra vài tháng trước khi Ba Lan dự kiến tổ chức bầu cử. Jaroslaw Kaczynski, chính trị gia có ảnh hưởng nhất Ba Lan và là lãnh đạo đảng Luật pháp và Công lý cầm quyền, từ năm ngoái bắt đầu coi Đức là "bia đỡ đạn" trong chiến dịch tranh cử, trong đó tập trung vào yêu cầu Berlin phải bồi thường cho Ba Lan 1,3 nghìn tỷ USD vì những thiệt hại thời Thế chiến II.

Những lời phàn nàn từ Warsaw không ngừng gia tăng. Theo một quan chức giấu tên, chính phủ Ba Lan cho rằng Đức chỉ muốn cạnh tranh với Ba Lan trong nỗ lực huấn luyện binh sĩ hay cung cấp xe tăng cho Ukraine, hơn là thực sự mang đến cho Kiev những gì họ cần.

Đại sứ Đức tại Warsaw đã đáp trả gay gắt trên Twitter một bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak rằng Moskva đã thu lợi hàng tỷ USD nhờ chính sách năng lượng của Berlin.

"Bộ trưởng Blaszczak có biết Ba Lan chuyển cho Nga bao nhiêu tỷ USD mỗi năm để mua năng lượng không?", Đại sứ Thomas Bagger đặt câu hỏi trong bài viết. Không lâu sau đó, Marcin Przydacz, cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của Tổng thống Duda, cho biết ông đã có một "cuộc trò chuyện dài" với Đại sứ Đức để phản đối những bình luận này.

Chính phủ Đức trong khi đó tin rằng giọng điệu gay gắt từ Ba Lan chỉ là cách để gây ấn tượng với cử tri trước cuộc bầu cử sắp diễn ra và căng thẳng sẽ giảm bớt sau khi chiến dịch tranh cử kết thúc, theo một quan chức Đức am hiểu vấn đề.

Dù vậy, Berlin cũng thẳng thắn phản bác những cáo buộc từ Warsaw rằng Đức là nguyên nhân khiến Ba Lan chật vật trong nỗ lực chuyển xe tăng Leopard cho Ukraine.

Tại một cuộc họp của NATO ở Brussels, Bỉ, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã mô tả kho xe tăng Leopard 2A4 hàng chục năm tuổi của Ba Lan là "không có gì đặc sắc". Mục tiêu tập hợp hai tiểu đoàn Leopard 2 để kịp cung cấp cho Ukraine đối phó chiến dịch tấn công của Nga có nguy cơ chậm trễ, ông nói.

Tuy nhiên, các quan chức ở Berlin vẫn khẳng định rằng ngoài tranh cãi về xe tăng và vũ khí viện trợ Ukraine, các lĩnh vực hợp tác khác giữa hai nước vẫn tốt đẹp, như việc Đức tặng Ba Lan tổ hợp Patriot nhằm tăng cường năng lực phòng không.

Về năng lượng, Đức đang chuẩn bị bán một nhà máy lọc dầu gần Berlin mà nước này đã tịch thu từ công ty dầu mỏ nhà nước Nga. Công ty lọc hóa dầu PKN Orlen của Ba Lan rất quan tâm đến việc mua cổ phần tại đây.

Và trong cuộc đấu khẩu về vấn đề phụ tùng cho xe tăng Leopard 2A4, Đức dường như đã tìm ra giải pháp. Các cố vấn của Thủ tướng Scholz đã gặp những quan chức trong ngành tại Hội nghị An ninh Munich hồi giữa tháng hai và cả Berlin lẫn Warsaw đều bày tỏ hài lòng rằng việc sản xuất linh kiện, phụ tùng có thể được tăng cường trong thời gian thích hợp.

Bộ trưởng Pistorius cho hay tình trạng thiếu hụt phụ tùng đã khiến giới chức nước này phải thu thập "mọi loại vật tư trên khắp thế giới" cho những mẫu xe tăng cũ, đồng thời nỗ lực để tăng năng lực sản xuất. "Nhưng điều này đòi hỏi thời gian và chúng tôi phải cố gắng hết sức với nguồn lực sẵn có", ông nói.

Thủ tướng Scholz tuần trước cho biết các đồng minh đang liên lạc chặt chẽ với nhau nhằm đảm bảo cung cấp các linh kiện đáng tin cậy cho những xe tăng Leopard 2 mà họ bàn giao cho Ukraine.

"Đây là nhiệm vụ đang diễn ram bởi chúng tôi đã nói rõ rằng chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine đến bao giờ cần thiết", ông nhấn mạnh.

(Nguồn: Vnexpress)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang