Người Việt hải ngoại: Giữ hồn Tết ở trời Tây; San Jose ít nhộn nhịp; Mừng Tết ở Cali; Đưa thư pháp đến Úc; Kỳ vọng ở Nhật

NGƯỜI VIỆT LƯU GIỮ HỒN TẾT Ở TRỜI TÂY

(Ảnh minh hoạ).

Dù ở cách xa quê hương hàng nghìn km nhưng nhiều người Việt đang sinh sống ở Séc, Đức, Mỹ vẫn cố gắng lưu giữ bầu không khí Tết và các truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Người Việt tại Cộng hòa Séc: "Tết xa xứ giúp tôi sáng tạo và trưởng thành hơn"

Việc mua bán đôi khi không tiện như ở Việt Nam, nên chị Nhung, Việt kiều sinh sống tại tỉnh Brno, Cộng hòa Séc, đã dành thời gian tự mày mò làm đồ Tết. Trong hoàn cảnh "cái khó ló cái khôn" ấy, chị đã học được nhiều kỹ năng hơn, trở nên sáng tạo và trưởng thành hơn.

Năm nay là lần đầu tiên chị Nhung làm tiểu cảnh trang trí Tết truyền thống. Ban đầu, chị định đặt đồ làm sẵn từ Việt Nam chuyển sang, nhưng sau khi tham khảo một số mẫu trên mạng xã hội nên đã tự mua phụ kiện để làm.

Con gái 8 tuổi và con trai 3 tuổi của chị Nhung rất thích thú và cũng giúp mẹ một số chi tiết nhỏ. Đây là dịp để giúp trẻ em hiểu hơn về Tết, một nét văn hóa truyền thống của người Việt. "Con tôi hỏi tôi hôm trước có Giáng sinh và Tết rồi sao giờ lại Tết nữa hả mẹ? Tôi giải thích cho con sự khác nhau giữa Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán", chị Nhung nói.

Tấm decor tuy đơn giản nhưng giúp ngôi nhà chị Nhung trở nên ấm áp và có không khí Tết hơn, phần nào dịu bớt nỗi nhớ quê hương. Sau đó chị gái và em gái chị Nhung tại thành phố Olomouc cũng mua đồ và tự trang trí như vậy. Có vướng mắc gì trong quá trình làm họ truyền kinh nghiệm cho nhau trên nhóm trò chuyện riêng.

Chị Nhung cho biết: "Việc mua bán nhiều khi không tiện như ở Việt Nam, nên muốn tiết kiệm, chủ động và có trải nghiệm, tôi đã dành thời gian mày mò tự làm nhiều thứ. Tay nghề nấu ăn của tôi cũng có chút tiến bộ hơn. Chồng tôi rất ủng hộ và luôn hỗ trợ tôi khi cần. Tết xa xứ nhiều năm đã giúp tôi sáng tạo và trưởng thành hơn".

Còn với chị Quyên, chị gái của chị Nhung, đang sinh sống tại thành phố Olomouc, việc chuẩn bị Tết chu đáo luôn là ưu tiên hàng đầu của gia đình, và cũng là cách để giáo dục hai con trai về cội nguồn và văn hóa truyền thống của dân tộc.

"Tôi may mắn được sống gần bố mẹ cùng các em nên mỗi dịp lễ tết là cả đại gia đình đều tụ họp. Cái cảm giác đón giao thừa vẫn luôn háo hức và thiêng liêng. Dù bán tạp hóa khá bận rộn, nhưng chúng tôi luôn cố gắng thu xếp thời gian để tham gia sự kiện của Cộng đồng người Việt tại Olomouc. Gần đây nhất là chương trình "Xuân yêu thương" vào ngày 20/1 tức ngày 29 Tết. Được gặp gỡ nhiều đồng hương; được thưởng thức những món ăn truyền thống như bánh chưng, giò, nộm, nem; trẻ em được nhận phong bao lì xì khiến tôi thấy rất ấm cúng, giống như mình đang ăn Tết ở quê hương vậy", chị Quyên chia sẻ.

Lan tỏa văn hóa Việt tới bạn bè quốc tế

Với chị Quỳnh, 34 tuổi, một thực tập sinh ở Berlin, Đức, năm nay rất đặc biệt bởi đây là lần đầu tiên chị đón Tết ở nơi đất khách quê người. Chị mới đặt chân đến Berlin cách đây hơn 2 tháng. Rất may, những người bạn ở đây khá gần gũi, thân thiện, giúp chị nhanh chóng hòa nhập và cho chị cảm giác như một gia đình.

Trong những ngày cuối năm, chị cùng một số người bạn Việt Nam và ngoại quốc trang trí nhà cửa, gói bánh trưng và chuẩn bị mâm cỗ đón Tết cổ truyền. Chị rất vui khi được chia sẻ với bạn bè quốc tế cách gói bánh chưng và chuẩn bị những món ăn truyền thống như nem rán, giò xào. Không khí ấm cúng cũng giúp chị vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà.

Lưu giữ truyền thống quê nhà trên đất Mỹ

Chia sẻ với Dân trí, chị Linh ở California, Mỹ cho biết, năm nay gia đình chị đón Tết Nguyên đán xa quê hương. Cả năm trời làm việc vất vả, tất bật nơi xứ người, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương tưởng chừng đã vơi bớt đi phần nào.

Thế nhưng, chị Linh cho biết, khi nghe được những bài nhạc Tết, chị nhớ nhà, nhớ bố mẹ và anh, chị, em da diết. Trong không khí Tết đến xuân về, chị đặc biệt hoài niệm không khí quây quần của gia đình vào dịp năm mới.

Để vơi bớt nỗi nhớ nhà, vợ chồng chị đã cố gắng giành thời gian để đi mua sắm những vật để trang trí cho ngày Tết cổ truyền. Gia đình chị đã đi chợ mua cây quất, hoa cúc, hoa lan, hoa lay ơn cũng như cành đào trang hoàng nhà cửa, mang không khí Tết tới nơi cách xa quê hương hàng nghìn km.

Vào ngày 30 Tết, chị Linh cùng chồng cũng tất bật chuẩn bị mâm cơm Tết đơn giản với giò, bánh chưng, xôi, gà, nem để đón năm mới, xem chương trình Tết ở Việt Nam, đồng thời gọi điện về cho gia đình ở quê nhà.

Đặc biệt, trước Tết một tuần, nhà chị Linh cùng với một số gia đình thuộc cộng đồng người Việt tại Mỹ đã tụ tập ăn tất niên và cùng nhau gói bánh chưng, để lưu giữ những nét quốc hồn, quốc túy của dân tộc dù đang ở nơi xa xứ. Việc gói bánh chưng chung tuy khá vất vả, nhưng bầu không khí rất vui vẻ, đồng thời cũng là một cách để các gia đình người Việt giáo dục con cái nhớ về nguồn cội, truyền thống dân tộc, để lưu giữ trong tim hình ảnh quê hương, xứ sở.

Chị Linh cho biết: "Gia đình mình muốn giữ gìn một cái Tết cổ truyền nhất trong khả năng có thể để con cái có thể cảm nhận được không khí ngày Tết Việt Nam và đặc biệt là từ ngày qua Mỹ thì năm nào chúng mình cũng tụ tập anh em bạn bè lại gói bánh chưng. Người lớn vừa làm vừa kể chuyện, giải thích cho con nghe đâu là những đặc trưng của ngày Tết Việt Nam. Con mình còn bé nên chưa hiểu được nhiều nhưng khi thấy mọi người tụ tập quây quần gói bánh bé cũng rất thích thú ngắm nhìn. Các bố mẹ cũng vừa làm vừa hướng dẫn để giúp các bé gói riêng một chiếc bánh tí hon nên bé nào cũng thích thú".

Với những hoạt động đón Tết rộn ràng, chị Linh gửi gắm mong ước gia đình nhỏ của mình có một năm mạnh khỏe, an vui, công việc được hanh thông, thuận lợi.

(Nguồn: Dân Trí)

SAN JOSE: 30 TẾT NĂM NAY ÍT NHỘN NHỊP

Năm nay sinh hoạt Tết ở vùng San Jose, nơi có hơn một trăm nghìn người Việt sinh sống, cũng chưa khởi sắc lại như những năm trước dịch Covid. Phần vì dịch bệnh vẫn còn, phần vì thời tiết mưa nhiều từ sau lễ Giáng Sinh.

Hôm tiễn Ông Táo về trời và hai tuần trước đó California đã đón những dòng sông nước mưa chảy xiết từ trời đổ xuống gây ngập lụt ở hai miền nam bắc tiểu bang, nhất là những thành phố ven biển.

Ba ngày trước tết trời mới nắng ráo. Năm nay tết về sớm nên chưa thấy hoa đào bừng nở hai bên xa lộ 880 và 280 hay dọc theo một số con đường của thành phố.

Trước Grand Century Mall đã có tiếng pháo đã nổ, nhưng không rền vang như nhiều năm về trước. Năm nay mặt tiền của trung tâm thương mại này có treo một băng rôn quảng cáo cho xe Vinfast, ngay sau tượng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Cà phê Paloma đông khách ngồi bên ngoài. Vang vang là tiếng nhạc xuâ n, nhạc vàng với các giọng ca tài tử, cây nhà lá vườn từ một sân khấu dã chiến ngay bên cạnh. Nhìn ra phía đường Story, trong bãi đậu xe có khu hội chợ tết, với một sân khấu, ít quầy trò chơi cho trẻ em và chừng hai chục lều bán hàng tết hay quảng cáo dịch vụ.

Vừa vào cửa Grand Century Mall, khách du xuân sẽ thấy hai xe Vinfast VF8 mầu đỏ và mầu bạc đặt cạnh chậu mai vàng. Mấy nhân viên tiếp thị niềm nở mời khách xem xe và ghi tên nếu muốn lái thử xe trong những ngày tới.

Bên trong, trước vài cửa tiệm có trang trí cảnh ngày xuân thu hút nhiều bố mẹ đưa con nhỏ đi chơi tết, mặc áo dài, đội khăn đóng chụp hình kỷ niệm với nét truyền thống của quê hương.

Chỉ còn một buổi mua sắm nữa là sẽ qua giao thừa. Năm nay trong vùng không có chợ hoa. Vì thời tiết hay cũng có thể vì khó cạnh tranh với siêu thị Costco mà những năm qua khi tết về đã có bán nhiều loại hoa như lay-ơn, cúc, hay cây kim quất, cây phát tài với giá rẻ.

Thời Thung lũng Điện tử có sinh hoạt tết nhộn nhịp nhất là khi kinh tế phát triển vào thập niên đầu của thiên niên kỷ. Những năm đó cộng đồng Việt có diễn hành tết trên phố Market với nhiều đoàn thể, cơ quan tham dự bằng nhiều xe hoa rực rỡ, với áo dài muôn mầu tung bay trong nắng gió xuân. Sau diễn hành là hội xuân, hội tết ngay trên đường Park hay ở County Fairgrounds với mấy vạn khách du xuân.

Mười năm qua tết cộng đồng chỉ còn được tổ chức rời rạc ở các địa điểm khác nhau, có khi cùng chung vào một cuối tuần nên không khí ít nhộn nhịp.

Sinh hoạt đón tết ngày nay tập trung ở khu Little Saigon với Grand Century Mall và Vietnam Town hay bên Lion Plaza. Cái khó khăn cho những nơi này là thiếu không gian rộng lớn cho hội chợ vì không đủ chỗ đậu xe nên chỉ có thể tổ chức trong phạm vi thu nhỏ.

Ngày xuân du khách đến hai nơi này chủ yếu để ăn uống, mua sắm hàng tết trong các hàng quán bên trong và để nghe pháo nổ, ngửi mùi thuốc pháo lan toả trong gió mà nhớ về một thời đón tết ở quê nhà như thế.

Về đây, ai muốn đốt một phong pháo ngắn hay tràng pháo dài cả chục mét để xua đuổi tà ma năm cũ thì cứ tự nhiên vì có sạp bán pháo ngay tại chỗ, bỏ ra 10 đô hay nhiều hơn là có pháo để châm ngòi, nổ giòn vang.

Tết về các cửa hàng bán bánh chưng, bánh tét, giò chả thật đông khách. Giò bì, giò thủ, giò lụa, chả quế đắt hàng. Có người mua cả chục cây để ăn và biếu tết người thân. Không quên thêm lọ dưa món. Mứt sen cũng là món ưa chuộng được chọn làm quà tết. Nơi đất Mỹ, xa quê hương vạn dặm mà ăn tết không thiếu các món truyền thống.

Còn đồ mặc tết có áo dài, khăn đóng cho quí bà, quí ông và trẻ em. Mấy cửa hàng bán áo dàiđông khách chọn hàng trong ngày cuối năm để chuẩn bị du xuân hay đến chùa, nhà thờ vào đêm giao thừa. Một bộ áo dài lụa cho người lớn giá chưa tới 100 đôla. Áo cho trẻ em chừng 30 đôla.

Đêm nay ở các thành phố có đông người Việt và người Hoa như San Francisco, San Jose, Oakland pháo sẽ nổ rền vang để đón giao thừa.

Ngày mai Mồng Một Tết Quý Mão. Bữa cơm sum họp của nhiều gia đình Việt Nam trong ngày đầu năm âm lịch với bánh chưng, bánh tét, dưa hành, củ kiệu, heo quay. Với bia rượu và quây quần bên màn hình tivi xem trận đấu bóng cà na giữa đội nhà San Francisco 49ERS và đội Dallas Cowboys, rất hồi hộp để xem đội nào có cơ hội vào chung kết Super Bowl năm nay.

Xuân đã đến rồi gieo rắc ngàn hồn hoa xuống đời / Vui trong bình minh muôn loài chim hót vang mọi nơi… (Đón xuân, Phạm Đình Chương).

(Nguồn: BBC)

CALIFORNIA ĂN MỪNG TẾT, NGÀY LỄ CHÍNH THỨC CỦA TIỂU BANG

(Ảnh minh hoạ).

Tết Nguyên đán Qúy Mão năm nay là lần đầu tiên trong lịch sử của California (Mỹ), đó là một ngày lễ chính thức của tiểu bang có đông người Việt sinh sống này.

Thống đốc Gavin Newsom ký một đạo luật vào năm ngoái công bố Tết Nguyên đán là một ngày lễ của tiểu bang California, một cách để “thừa nhận sự đa dạng và ý nghĩa văn hóa mà người Mỹ gốc Á mang đến cho California,” ông nói trong thông điệp ký ban hành luật.

New York Times dẫn lời dân biểu tiểu bang, ông Evan Low, người đề xuất dự luật, nói Tết Nguyên đán là một trong những ngày lễ quan trọng nhất ở Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc và các nước châu Á khác, và là một trong những ngày lễ được ăn mừng rộng rãi nhất đối với người Mỹ gốc Á.

Nhưng việc chỉ định ở California phần lớn mang tính biểu tượng, bởi vì luật được ban hành không biến ngày lễ này thành ngày nghỉ có lương cho nhân viên tiểu bang. Ông Low đã giảm bớt đề nghị của mình vào năm ngoái sau khi các nhà phân tích của tiểu bang ước tính việc tạo thêm một ngày nghỉ có lương cho nhân viên tiểu bang sẽ khiến tiểu bang phải trả khoảng 80 triệu đô la một năm cho tiền làm thêm giờ và mất năng suất. Ở California hiện có 11 ngày lễ của tiểu bang là ngày nghỉ có lương và 4 ngày lễ của tiểu bang không phải là ngày nghỉ có lương, trong đó có Tết Nguyên đán.

New York Times dẫn lời ông Manjusha P. Kulkarni, giám đốc điều hành AAPI Equity Alliance ở Los Angeles, nói việc kỷ niệm Tết Nguyên đán ở California rất có ý nghĩa, đặc biệt là trong bối cảnh làn sóng thù hận và bạo lực đối với người Mỹ gốc Á leo thang kể từ khi đại dịch bắt đầu. Ông Kulkarni là một trong ba nhà hoạt động đồng sáng lập Stop AAPI Hate, một liên minh theo dõi và ứng phó với các sự cố thù hận, bạo lực và phân biệt đối xử đối với người Mỹ gốc Á và người dân các đảo Thái Bình Dương ở Hoa Kỳ.

“Mặc dù nó mang tính biểu tượng, nhưng tính biểu tượng vẫn quan trọng,” ông Kulkarni nói với New York Times.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, người Mỹ gốc Á chiếm 17% dân số California, tỷ lệ cao nhất so với bất kỳ tiểu bang nào khác ngoài Hawaii. Ba mươi phần trăm trong số 22 triệu người Mỹ gốc Á ở Mỹ cư trú tại California.

Theo New York Times, trong nhiều thập niên, Học khu Thống nhất San Francisco đã cho học sinh nghỉ Tết Nguyên đán.

“Tôi hy vọng rằng các khu vực pháp lý khác sẽ tuân theo tinh thần của tiểu bang và coi đây là ngày nghỉ chính thức,” dân biểu Low nói với New York Times.

Một nỗ lực tương tự đang được tiến hành ở cấp quốc gia. Dân biểu Grace Meng, một đảng viên Dân chủ từ New York, đã đưa ra một dự luật vào năm ngoái, đề nghị đưa Tết Nguyên đán trở thành ngày lễ thứ 12 của liên bang.

Dự luật của bà Meng, được 44 người đồng bảo trợ, bị đình trệ, nhưng phát ngôn viên của bà cho biết bà dự định giới thiệu lại vào ngày 20/1.

NPR dẫn lời dân biểu Meng nói rằng: “Với việc người Mỹ gốc Á là dân số tăng nhanh nhất ở nước ta và với sự phổ biến của ngày lễ tiếp tục tăng, việc biến Tết Nguyên đán thành một ngày lễ liên bang là điều hợp lý.”

Ngày 22/1 năm nay, người châu Á và cộng đồng người châu Á hải ngoại bắt đầu lễ mừng năm mới bằng cách tôn vinh tổ tiên, ăn những món ăn đặc biệt, xem pháo bông đón Tết Nguyên đán mà người Việt gọi là năm con Mèo còn Trung Quốc gọi là năm con Thỏ.

(Nguồn: VOA)

NGƯỜI ĐƯA THƯ PHÁP VIỆT GIỚI THIỆU VỚI BẠN BÈ QUỐC TẾ TẠI AUSTRALIA

Sau hơn 10 năm, hình ảnh người đàn ông mặc áo dài truyền thống Việt Nam cùng những bức thư pháp đã trở nên quen thuộc với bất kỳ ai đi chơi ở các hội chợ Tết của người Việt tại Australia.

Mỗi dịp Tết đến, hình ảnh các ông đồ cho chữ đã trở thành một nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong đời sống của người dân Việt Nam.

Tập quán “xin chữ” đầu năm được xem là lời chúc mong muốn cả một năm may mắn, bình an và phúc lộc thọ tràn ngập với bản thân cũng như gia đình mình.

Với mong muốn gìn giữ, lan tỏa nét đẹp văn hóa này, nhất là trong dịp Tết cổ truyền, anh Trần Văn Tuấn - một Việt kiều Australia, đã và đang hằng ngày đưa thư pháp đến gần hơn với bạn bè quốc tế nói chung và thế hệ trẻ Việt Nam ở nước ngoài nói riêng.

Anh Trần Văn Tuấn đã theo đuổi nghệ thuật viết thư pháp được gần 20 năm. Với anh, thư pháp không đơn thuần chỉ là một sở thích mà đã trở thành niềm đam mê.

Việc học thư pháp mang lại cho anh nhiều thứ, không chỉ giúp người học hiểu hơn về văn hóa, lịch sử mà còn mang lại sự thư thái, thanh tịnh trong tâm hồn.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Sydney, anh Trần Văn Tuấn cho biết do cảm nhận được những nét chữ thư pháp quá đẹp và truyền tải được nhiều nội dung nên trong tâm thức, anh mong muốn mình có thể thể hiện được những nét chữ đó và bắt đầu tìm hiểu, theo học thư pháp từ đó đến bây giờ.

Mỗi lần cầm bút, anh cảm thấy tất cả muộn phiền trong cuộc sống tan biến và bản thân như được bước vào một không gian trầm bổng.

Ở nơi đất khách quê người, với mong muốn giữ gìn được bản sắc văn hóa Việt Nam, giúp các thế hệ mai sau không quên cội nguồn dân tộc, anh Tuấn đã vượt qua mọi khó khăn, tìm mọi cách để theo đuổi thư pháp, tự sáng tạo dựa trên những kiến thức, kinh nghiệm mà anh tích lũy được khi còn ở Việt Nam để tạo ra những bức thư pháp đầu tiên…

Anh cho rằng việc theo đuổi đam mê thư pháp không đơn thuần chỉ là một sở thích mà còn là cái duyên, là nghề và là trách nhiệm của một người đi trước gìn giữ văn hóa truyền thống để truyền lại cho các thế hệ mai sau.

Sau hơn 10 năm, hình ảnh người đàn ông mặc áo dài truyền thống của Việt Nam cùng những bức thư pháp - một nét đẹp trong văn hóa Việt - đã trở nên quá đỗi quen thuộc với bất kỳ ai đi chơi ở các hội chợ Tết của người Việt tại Australia.

Chị Vũ Lệ Vinh, một Việt kiều sống tại thành phố Sydney, cho rằng viết chữ thư pháp đã khó, nhưng để giữ gìn nghệ thuật truyền thống này ở nơi đất khách quê người lại càng khó hơn vì thực sự cần phải rất tâm huyết và kỳ công.

Những chữ mà anh Tuấn viết nhắc chị nhớ đến gia đình, ba mẹ và họ hàng ở Việt Nam nói riêng cũng như dải đất hình chữ S thân thương nói chung.

Cùng chung cảm xúc, anh Mai Công Kiên - đã sống tại Sydney hơn 10 năm - cho biết ở nước ngoài, mỗi năm Tết đến, nhìn những bức tranh thư pháp nổi bật tại hội chợ của người Việt, trong anh lại trào dâng cảm xúc khó tả.

Theo anh Kiên, việc anh Trần Văn Tuấn lưu giữ và mang nghệ thuật thư pháp tới Australia là một điều vô cùng trân quý.

Mong ước lớn nhất hiện giờ của anh Trần Văn Tuấn là mở một lớp dạy thư pháp Việt tại Australia, vừa để giúp người học khi bước vào không gian thư pháp cảm thấy được thư giãn, có thể quên đi những bộn bề của cuộc sống, vừa để lưu truyền nét văn hóa đẹp này của người Việt.

Anh chia sẻ: “Thư pháp kéo mọi người chậm lại về với thực tại, cảm nhận cuộc sống xung quanh mình rõ ràng hơn. Ước mong ấp ủ nhất của tôi là có thể mở một lớp truyền đạt thư pháp Việt cho người Việt và người nước ngoài tại Australia, và các em nhỏ là đối tượng tôi nhắm đến trước tiên với mong muốn có thể giữ gìn nét văn hóa này cho các em bé sinh ra tại Australia, dù nói tiếng Anh nhưng lại viết thư pháp Việt”./.

(Nguồn: Quê Hương Online)

XUÂN QUÝ MÃO 2023: GIA ĐÌNH VIỆT Ở NHẬT BẢN ĐÓN TẾT VỚI NHIỀU KỲ VỌNG

(Ảnh minh hoạ).

Người Việt tại Nhật Bản hy vọng trong năm 2023 mọi thứ sẽ tốt lên, dịch bệnh sẽ được kiểm soát và kinh tế Nhật Bản sẽ được phục hồi, giúp cho cuộc sống của cộng đồng người Việt tốt hơn.

Cứ mỗi khi Tết đến Xuân về, gia đình anh Đỗ Văn Thành và chị Huyền Trang ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản) lại mời bạn bè tới nhà để cùng nhau gói bánh chưng và chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên, với mong muốn mang lại bầu không khí Tết đầm ấm cho gia đình và bạn bè, đồng thời giúp con cái hiểu hơn về nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Khác với năm ngoái, năm nay, gia đình anh Thành và chị Trang đã mua được một căn hộ mới bằng hình thức trả góp theo chính sách ưu đãi của chính phủ Nhật Bản, giúp bầu không khí đón Tết trong gia đình trở nên vui vẻ hơn.

Niềm vui của đôi bạn trẻ này cũng được nhân đôi khi họ chứng kiến quê hương Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19. Chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Tokyo, chị Huyền Trang nói: “Tết Dương lịch vừa qua, tôi và gia đình đã về nước lần đầu tiên sau 5 năm. Tôi thực sự cảm thấy bất ngờ về sự phát triển mạnh mẽ của đất nước. Đặc biệt, bất chấp tình hình thế giới bất ổn nhưng trong năm 2022, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Tôi hy vọng rằng năm nay, đất nước sẽ có những bứt phá mạnh mẽ hơn.”

Trước đó, phát biểu tại sự kiện Tết Cộng đồng do Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức hôm 15/1, ông Nguyễn Đức Minh, Đại biện Lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, đã thông báo với kiều bào rằng năm 2022, thế giới tiếp tục chứng kiến rất nhiều biến động lớn, phức tạp với nhiều khó khăn, thách thức.

Trong bối cảnh đó, với tinh thần đoàn kết, đồng lòng và nỗ lực phấn đấu của toàn thể dân tộc, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Trong năm 2022, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng 8,02%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước.

Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước và cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây, trong đó Việt Nam xuất siêu 11,2 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, tại Nhật Bản, mặc dù tình hình dịch COVID-19 đã lắng dịu nhưng nền kinh tế nước này vẫn gặp không ít khó khăn. Đáng chú ý, trong quý 3/2022, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của nước này đã bất ngờ giảm 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do nhập khẩu tăng và tiêu dùng cá nhân tăng thấp hơn dự báo. Đây là lần đầu tiên chỉ số này giảm trong bốn quý gần đây.

Trong khi đó, lạm phát ở Nhật Bản vẫn tiếp tục tăng tốc, đe dọa đà phục hồi vẫn còn mong manh của nền kinh tế. Riêng trong tháng 12/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản của nước này đã tăng tới 4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất kể từ năm 1981 và là tháng thứ 16 liên tiếp, chỉ số này tăng.

Anh Đỗ Minh Thịnh, một người Việt tại Nhật Bản, tâm sự năm 2022, việc đồng yen rớt giá mạnh và giá cả hàng hóa tăng cao đã khiến cho cuộc sống của người Nhật nói chung và người Việt Nam tại Nhật Bản nói riêng gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, các gia đình trẻ người Việt vẫn lạc quan về tương lai.

Anh Thịnh hy vọng rằng trong năm 2023, mọi thứ sẽ tốt lên, dịch bệnh sẽ được kiểm soát và kinh tế Nhật Bản sẽ được phục hồi, giúp cho cuộc sống của cộng đồng người Việt tốt hơn.

(Nguồn: VTV4)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Cái tết xa xứ; Đón Tết ở trời Tây; Phố Tết ở Little Saigon; Gói bánh chưng ở Sydney; Chờ vé bay rẻ rồi về ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang