Người Việt hải ngoại: Cái tết xa xứ; Đón Tết ở trời Tây; Phố Tết ở Little Saigon; Gói bánh chưng ở Sydney; Chờ vé bay rẻ rồi về

CÁI TẾT ĐÁNG NHỚ CỦA NHỮNG NGƯỜI XA XỨ

(Ảnh minh hoạ).

Chỉ sau Noel và Tết Tây, Tết Nguyên đán với những người Việt xa xứ tại Đức bỗng ập đến rất nhanh và nỗi nhớ quê nhà, người thân lại ùa về…

Mùa đông châu Âu dường như khắc nghiệt hơn. Những bông tuyết phủ kín từng nóc nhà, hàng cây, trong miên man một màu trắng lạnh. Cái rét tê tái như càng thấm sâu hơn vào tâm hồn mỗi người con xa xứ, khi ở quê hương mùa xuân ấm áp yêu thương đang đến gõ cửa từng nhà.

Nói dối để mẹ an lòng

Gần 200.000 kiều bào học tập và sinh sống rải rác trên khắp nước Đức. Nơi thành phố lớn, tập trung nhiều người Việt, chợ Việt, hàng hóa phong phú như Berlin, Erfurt, Leipzig... Tết đến, các hội đoàn thường tổ chức cho bà con gặp mặt giao lưu, cùng nhau đón năm mới. Nhưng vẫn có nhiều người ở vùng hẻo lánh, xa chợ châu Á, ít người Việt sinh sống. Công việc tất bật cuốn đi. Tết, chỉ còn là nỗi nhớ trong tâm tưởng, trong mơ ước được hòa mình vào không khí đoàn viên bên gia đình yêu dấu.

Tôi có anh bạn làm nghề bán quần áo rong ở Baden-Württemberg. Hàng ngày anh phải chạy xe hơn 10 0km để đến địa điểm bán hàng. Công việc vất vả, ngốn rất nhiều thời gian.

Anh kể, 20 năm xa xứ, anh về thăm nhà tất cả 5 lần, đều không rơi vào dịp Tết. Nhiều khi thời khắc giao thừa đến, là lúc anh đang đứng sắp hàng cho khách (do múi giờ ở Đức chậm hơn Việt nam 6 tiếng và ngày 30 Tết ít khi rơi vào chủ nhật). Tuyết rơi dầy dưới chân, bàn tay xước đỏ, nhét cả đống quần áo trên người anh vẫn thấy run. Run vì lạnh, vì đói. Run vì cảm nhận giây phút linh thiêng đón mùa xuân mới trên quê hương đang cận kề. Lồng ngực như thắt lại và nỗi nhớ len lỏi tìm về. Bóng dáng mẹ già giờ lay lắt như chuối chín cây. Ngày gió đổi mùa, những khớp xương càng đau nhức nhối. Đôi mắt mờ đục, vò võ ngóng trông. Bữa cơm cuối năm mẹ cứ thấp thỏm hỏi. Chẳng biết con trai bên Tây đón Tết như nào, có bánh chưng xôi gấc không, hay vẫn phải nai lưng xếp hàng cho khách?

Chỉ khi anh xong việc, gọi điện về chúc Tết, nói với mẹ. Tết con có đủ cả, mẹ mới an lòng. Đấy là anh nói dối. Trên quãng đường hơn 100 km trở về ngôi làng nhỏ của mình. Vừa lái xe, anh vừa trệu chạo nhai chiếc bánh mỳ cho khỏi đói. Chiếc bánh như một món ăn từ nơi xa đón chào năm mới, thay thế cho tất cả những món ngon ngày Tết anh tưởng tượng ra. Để sớm mai thức dậy, đối mặt với ngày dài tất bật. Bỗng quên mất tối qua mình cũng đón giao thừa.

Món ăn tượng trưng mà ấm lòng

Linh và Hoa, hai cô gái trẻ sang Đức học nghề điều dưỡng viên. Nơi các cô ở rất hẻo lánh. Chỉ có một siêu thị Đức, một cửa hàng thịt và hai tiệm bánh mì. Trạm xe buýt cả tiếng mới có chuyến đón đưa. Hồi ở Việt Nam, Tết với các cô cũng không ấn tượng, vì đâu thiếu thứ gì. Năm đầu tiên đón Tết nơi xa, nhớ nhà quay quắt. Ngày trước cứ chê ăn Tết ngán lắm. Sang đây, ở nơi không có chợ châu Á, phải tập ăn đồ Tây. Chuẩn bị xong hai đĩa mỳ Spaghetti mà ngồi nhìn nhau, nước mắt ngân ngấn chực rơi, nuốt miếng mỳ ứ nghẹn. Năm sau, bà dì sống ở Berlin gửi đến cho cặp bánh chưng, vội chụp ảnh đăng FB khoe với bạn bè ngay "Năm nay bọn mình có Tết". Chỉ đơn giản vậy thôi, đâu mâm cao cỗ đầy. Một món ăn tượng trưng thôi mà đủ ấm lòng.

Cùng nhau quây quần thưởng thức các món ăn ngon, cứ tấm tắc xuýt xoa khen. Chúc nhau năm mới chân cứng đá mềm, đủ sức khỏe và bình an để vượt qua bao khó khăn nơi đất khách.

Hồi tôi chân ướt chân ráo sang Đức, bạn bè chẳng có ai. Tối 30 chồng tôi phải đi làm đến khuya, chỉ còn mình tôi với bốn bức tường câm lặng. Nỗi nhớ gia đình, nhớ quê hương cứ cuộn lên trong tâm trí. Không bánh chưng, không đào, không quất. Thắp nén hương lên bàn thờ, chỉ có vài thứ quả và đĩa xôi đậu xanh tôi thổi vội. Lặng lẽ ăn, lặng lẽ khóc... Những kỷ niệm sum vầy bên gia đình thân yêu trong ngày Tết cứ miên man khao khát dội về.

Đón xuân theo cách riêng

Cho đến khi tôi chuyển đến sinh sống tại một thành phố nhỏ ở Hessen. Lần đầu tiên tôi được tham gia đón Tết do hội người Việt ở đây tổ chức. Sân khấu trang trí nổi bật dòng chữ lấp lánh "Chúc mừng năm mới", bên cạnh cây đào giấy đỏ hồng. Mang đến một không khí xuân thật tươi vui, ấm áp. Những bài hát về Tết vang lên khiến lòng người nao nao, chộn rộn. Mỗi gia đình đóng góp một chút, nên mâm cỗ giao thừa rất phong phú. Tiếng sâm banh nổ vang. Tiếng mời nâng ly chúc tụng, kéo mọi người gần gụi với nhau hơn. Trẻ con hớn hở được phát lì xì. Ai cũng rạng rỡ hân hoan như đang đón Tết ở quê nhà. Nhưng chỉ hai năm sau không rõ lý do gì, hội ngừng hoạt động. Chúng tôi lại tự đón xuân theo cách của riêng mình.

Thường thì vài chị em sống gần nhau sẽ lên kế hoạch tổ chức ở nhà ai đó. Thành phố nhỏ, muốn đặt đồ ăn Tết thật khó. Chúng tôi phải tự học trên mạng rồi dạy nhau cách làm. Ai cũng bận bịu, nhưng vẫn tranh thủ phụ trách một món sở trường. Vất vả nhất là mấy anh chồng đi bắt gà tươi. Do siêu thị Đức chỉ bán loại gà non và gà già, không hợp để ăn Tết. Gọi điện năn nỉ mãi, chủ trang trại mới đồng ý bán cho mấy con gà chạy rông đang kỳ mới đẻ. Mua về kín đáo lôi vào bồn tắm cắt tiết vặt lông, không cho hàng xóm biết. Món gà luộc, da vàng óng ngọt mềm, nước dùng sóng sánh để nấu món mộc, món miến măng, thêm món bóng xào thập cẩm lòng gà tươi, ai ai cũng thích.

Bánh chưng không có lá dong, chúng tôi gói bằng khuôn với lá chuối, luộc nồi áp suất cho nhanh. Trẻ con cũng háo hức đòi tập gói cùng bố mẹ. Nhìn những chiếc bánh được vớt ra, nóng hôi hổi. Chợt nhớ hình ảnh hàng bánh xếp ngay ngắn của bố năm nào. Thấy hương Tết xôn xao, dập dìu.

Muốn có món thịt đông, món giò xào giòn sần sật, phải tìm đến siêu thị người Nga đặt mua chân giò, tai, lưỡi lợn. Riêng giò lụa rất kì công, vì không có thịt tươi rói nóng hổi đem giã như ở nhà. Nhưng chẳng hề gì. Thịt đã xay sẵn ướp chút mắm cho thơm, chia nhỏ từng phần rồi cho tủ đá. Lúc bỏ ra xay lại, luôn để ý thịt phải lạnh tay, xay đến khi quết dẻo, mịn màng là đạt. Cây giò lụa tự làm, cắt ra có màu hồng đào, vừa rỗ vừa giai, thơm sực mùi lá chuối, hơn hẳn giò đông đá trong siêu thị.

Cây giò lụa tự làm, cắt ra có màu hồng đào, vừa rỗ vừa giai, thơm sực mùi lá chuối, hơn hẳn giò đông đá trong siêu thị.

Tối giao thừa, gió hun hút lạnh. Trong căn nhà sáng bừng ánh điện ấm áp, mâm ngũ quả đủ sắc màu, cành bích đào nụ vẫn còn e ấp bên ấm trà xanh. Bỏ hết những vất vả thường nhật sang một bên. Mọi người ai cũng đẹp, cũng xinh. Cùng nhau quây quần thưởng thức các món ăn ngon, cứ tấm tắc xuýt xoa khen. Chúc nhau năm mới chân cứng đá mềm, đủ sức khỏe và bình an để vượt qua bao khó khăn nơi đất khách.

Kể cho nhau nghe về những kỷ niệm đón Tết ở quê nhà, về gia đình mẹ cha, mà nghe ấm áp, rưng rưng ngập tràn... Có những người xa xứ đón Tết như vậy.

(Nguồn: Soha)

KIỀU BÀO KỂ CHUYỆN ĐÓN TẾT Ở TRỜI TÂY

Với Quỳnh Anh, kiều bào sinh sống tại Pháp, không khí đón Tết "không khác ở quê nhà là bao", khi đại gia đình sum vầy đầm ấm.

"Gia đình tôi sắm sửa hoa đào, mua bánh chưng làm mâm cúng ông Công ông Táo. Dịp Tết, cả nhà dự định đi lễ chùa và xem múa lân", Quỳnh Anh, 23 tuổi, sinh ra tại Việt Nam, sống tại Paris hơn 6 năm, nói với VnExpress.

Quỳnh Anh cho biết đại gia đình của cô có 30 thành viên sinh sống ở Pháp, nên không khí đón Tết cổ truyền không khác nhiều so với Việt Nam. "Mỗi dịp Tết lại là cả nhà lại cùng nhau sắm sửa, sum vầy, rất đầm ấm", cô nói.

Theo ông Nguyễn Thanh Tòng, nguyên phó chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp, không khí Tết thường được cảm nhận rõ nhất tại khu phố người Hoa ở quận 13 của Paris, nơi mọi người thường đốt pháo và mặc trang phục truyền thống châu Á diễu hành trên phố.

Tại các quốc gia khác nơi trời Âu, nhiều kiều bào Việt cũng bắt đầu sửa soạn đón Tết Quý Mão.

Ở Berlin, Đức, ông Văn Minh, 50 tuổi, đang phụ vợ chuẩn bị một cái Tết xa xứ thật chu toàn. Ông cho biết các gia đình Việt tại đây thường sắm sửa tại các siêu thị châu Á, nơi có cả bánh chưng và nhiều món truyền thống dịp Tết.

Ông Minh cho hay nhà ông và một số gia đình khác vẫn tự mua lá dong về gói bánh chưng. Lá dong ở Berlin đắt, lại có kích thước nhỏ, thường phải gói cùng giấy bạc, nên bánh không có màu xanh đẹp mắt như ở Việt Nam.

"Chúng tôi lên kế hoạch gói bánh để tụi nhỏ có thể ghi nhớ và gìn giữ truyền thống, cội nguồn dân tộc", bà Nga, vợ ông Minh, chia sẻ.

Nhưng với nhiều kiều bào trẻ sống xa quê, mỗi dịp xuân về là lúc nỗi nhớ nhà thêm phần da diết.

Hải Lâm, 23 tuổi, sinh viên học tập tại Hàn Quốc hơn 5 năm, cho biết cộng đồng người Việt ở đây đông đảo và có hầu như mọi thứ cho dịp Tết, từ đồ trang trí đến các món ăn cổ truyền như bánh chưng hay giò, song "không thể so sánh với không khí và niềm hạnh phúc khi đón Tết ở đất mẹ".

"Tết năm ngoái, tôi và một số bạn bè người Việt tại Seoul tụ tập vào đêm 30, cùng nhau làm nem rán. Không khí đầm ấm khiến nỗi nhớ nhà phần nào nguôi ngoai", cô kể. Do lệch múi giờ, tất cả đều thức đến 2 giờ sáng chờ thời khắc giao thừa ở quê nhà. Khi đồng hồ điểm chuông, ai nấy "ra một góc và gọi về cho gia đình".

"Sau đó, mọi người trong buổi tiệc chúc nhau năm mới an khang và lập tức đi ngủ, bởi phải đi làm vào sáng mai. Nhưng tất cả đều ngầm hiểu rằng mọi người đang bị nỗi nhớ nhà giằng xé", Lâm nhớ lại.

Chuyện đón Tết xa nhà cũng không mấy dễ dàng với Hoàng Trang, 24 tuổi, sinh sống và học tập ở Anh được 7 năm. Cô cho hay Tết nơi xa xứ luôn để lại "nỗi cô đơn lạnh lẽo", đặc biệt trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành.

"Năm ngoái còn bận rộn công việc. Các năm trước, tôi hầu như ở nhà cả tháng vì Covid-19, chỉ ra ngoài để đổ rác", Trang nhớ lại thời điểm loay hoay tìm việc trong đại dịch. "Nhớ nhà khủng khiếp, chỉ thèm món bún cá mẹ làm thuở bé".

Tết Quý Mão năm nay đánh dấu lần trở về nước của Hải Lâm, sinh viên tại Hàn Quốc, sau 4 năm xa cách. Khi cùng cha mẹ đi lễ chùa, cô bật khóc khi nhận ra mùi nhang thơm, mùi hương gắn liền với phong vị Tết, điều khiến những lần đón xuân ở nước ngoài "thiếu tròn trịa".

Năm nay cũng là lần đầu tiên Hoàng Trang về nước ăn Tết sau 7 năm và sẽ cố gắng dành thời gian bên gia đình nhiều nhất có thể. "Bố mẹ tôi đã lớn tuổi, chẳng biết còn mấy thời gian được ở trong vòng tay thiêng liêng đó", cô nói.

"Sau chuyến bay dài như bất tận, tôi nghe rõ tiếng tim đập thình thịch khi nhìn máy bay xuyên làn mây, chuẩn bị hạ cánh xuống Nội Bài", Trang nhớ lại. "Đến khi Hà Nội hiện ra qua cửa sổ, thì đôi mắt đã đỏ hoe tự lúc nào".

(Nguồn: Vnexpress)

LẦN ĐẦU TIÊN LITTLE SAIGON CÓ PHỐ HOA NGÀY TẾT

(Ảnh minh hoạ).

Lần đầu tiên cộng đồng người Việt ở Mỹ dựng phố hoa vào ngày Tết để gìn giữ nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam cũng như tạo thêm điểm nhấn vui chơi cho người dân trong dịp Tết Quý Mão, các nhà tổ chức chương trình cho biết.
Phố Hoa này được cho là lấy cảm hứng từ đường hoa Nguyễn Huệ, một sự kiện được tổ chức hàng năm vào dịp Tết ở thành phố Hồ Chí Minh, do đó đã gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng người Việt ở Mỹ.
Phố Hoa sẽ được dựng lên ở con phố trung tâm Main Street thuộc thành phố Garden Grove, khu Little Saigon ở Quận Cam, bang California, nơi tập trung đông đảo người Việt nhất ở Mỹ. Sự kiện sẽ diễn ra trong hai ngày 30 và mùng Một Tết, tức 21-22/1 năm 2023.
Hiện giờ Phố Hoa này đã hoàn thành gần xong, anh Phan Nguyễn Khải Minh, một tình nguyện viên phụ trách quảng bá và tài trợ cho sự kiện, cho VOA biết, nhưng vẫn cần thêm tài trợ từ các mạnh thường quân.
“Ở Little Saigon vào dịp Tết đã có diễn hành Tết, các hội chợ Tết của các hội đoàn. Năm nay chúng tôi muốn có không khí Tết mới hơn nên muốn tái hiện lại phong tục tập quán của người Việt ngày Tết là đi xem hoa,” anh Minh nói.
Người ra Phố Hoa này còn nhằm giới thiệu cho các sắc dân khác ở Mỹ biết về một nét văn hóa truyền thống của người Việt, anh cho biết thêm.
Theo đó, những hình ảnh đặc trưng của Việt Nam như nhà lá, quang gánh, xe bò, lồng đèn, thầy đồ… sẽ được tái hiện trong Phố Hoa để gợi nhớ về Việt Nam.
Điểm nhấn của Phố Hoa này sẽ là hai con rồng vàng cao 5 mét kết bằng hoa, lá và trái cây tạo thành cổng chào. Mỗi con rồng có chín khúc, tượng trưng cho chín cửa của dòng sông Cửu Long, và con mèo cao mét 3 được gọi là Queen Cat, Nữ hoàng Mèo, linh vật của năm Quý Mão.
Theo lời anh Minh mô tả thì toàn bộ con đường Main Street sẽ được đóng lại với xe cộ và chỉ cho người đi bộ vào tham quan miễn phí. “Thiết kế hoa sẽ trải dài hai bên đường. Giữa đường sẽ dựng lên sân khấu để các ca sỹ trình diễn,” anh cho biết.
Anh Minh cho biết các loại hoa được sử dụng để dựng Phố Hoa là được trồng tại chỗ hay đem đến từ các bang khác ở Mỹ. Ngoài ra trong Phố Hoa còn có chợ dâu để bày bán một sản vật nổi tiếng của địa phương.
Phố Hoa còn có trình diễn văn nghệ và ‘Flower Fashion Show’ màn tranh tài áo dài hoa trên sân khấu hoa được trang trí bằng những vật dụng dân dã.

Để có thể thực hiện được Phố Hoa này, các nhà tổ chức phải hoàn thành nhiều loại giấy tờ với chính quyền và ‘các vị dân cử của thành phố cũng đã hết lòng hỗ trợ để mọi việc được suôn sẻ’, cũng theo lời anh Minh.
Về lý do các nhà tổ chức chọn con đường Main Street, anh Minh giải thích ‘đây là con đường trung tâm gắn liền với lịch sử thành phố Garden Grove mà người dân địa phương ai cũng biết’.
“Tại hồi nhỏ bên Việt Nam, ba mẹ em hay dẫn em đi trung tâm Sài Gòn để xem hoa. Khi em nghe đây là lần đầu tiên sự kiện này tổ chức bên Hoa Kỳ em cảm thấy rất là vui và muốn xem mình có thể tái hiện lại đường hoa ở Việt Nam hay không,” anh Minh giãi bày về lý do anh tham gia phục vụ cho Phố Hoa.
Theo lời anh Minh thì anh ‘rất tự hào’ cộng đồng người Việt có phong tục xem hoa ngày Tết, khác với các cộng đồng khác
Tuy nhiên, trong cộng đồng Việt Nam vốn có nhiều chia rẽ, sự kiện Phố Hoa này cũng trở thành ‘vấn đề chính trị’ khi gặp phải sự chống đối từ những người cao niên có tinh thần chống Cộng quyết liệt, anh Minh cho biết.
“Họ nghe về đường hoa Nguyễn Huệ. Họ liền liên tưởng đến bên Việt Nam. Họ tưởng là chúng tôi đem những thứ của chính quyền Việt Nam qua bên này,” anh giải thích về lý do có sự chống đối.
Cho nên anh nói khâu khó nhất của sự kiện là ‘để cho người Việt bên này tin tưởng về mặt chính trị’. “Những nhà tổ chức chỉ muốn làm cái gì đó vào ngày Tết cho vui thôi,” anh giãi bày.

Sự kiện sẽ được khai mạc bằng màn trình diễn khai trống múa lân vào lúc 11 giờ sáng ngày 30 Tết. Nếu diễn ra thành công thì các nhà tổ chức sẽ biến Phố Hoa thành một sự kiện thường niên ở Little Saigon vào mỗi dịp Tết đến, cũng theo lời anh Minh.

Sự kiện do Vietnamese Soccer Association of SoCal, Vietnam International Flora Expo và Người Việt California Group đứng ra tổ chức.

(Nguồn: VOA)

"GÓI" QUÊ HƯƠNG TRONG NHỮNG CHIẾC BÁNH CHƯNG XANH Ở THÀNH PHỐ SYDNEY

Tết đến Xuân về, một em nhỏ gốc Việt tại Australia chia sẻ: "Mỗi lần gói bánh, nghe ông bà, bố mẹ giải thích cho phong tục tập quán, em lại cảm thấy gần gũi với đất nước Việt Nam hơn”.

Tết Nguyên đán luôn có một ý nghĩa vô cùng quan trọng và thiêng liêng trong đời sống văn hóa và tinh thần của người Việt từ xưa đến nay. Tục gói bánh chưng ngày Tết đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, được lưu truyền qua nhiều thế hệ người Việt dù ở bất kỳ đâu.

Đây cũng là hoạt động đặc trưng báo hiệu Tết đến Xuân về của cộng đồng người Việt tại Australia nói chung cũng như của nhóm xã hội-từ thiện "Tia nắng mới cho trẻ em" ở thành phố Sydney nói riêng.

Gói bánh chưng là gói ghém trong đó cả nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương mỗi dịp Xuân đoàn tụ, và hơn thế, gói cả truyền thống dân tộc để trao truyền cho các thế hệ sau.

Với ý nghĩa đó, ông Phạm Vỹ Tửu - một Việt kiều tại Australia đã cùng các con cháu của mình đến với ngày hội do tổ chức từ thiện tại Australia “Tia nắng mới cho trẻ em” (New Sunlight for Chilren) phát động, cùng nhau gói những chiếc bánh chưng xanh, nghe những câu chuyện ý nghĩa về nét văn hóa ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam.

Theo ông Phạm Vỹ Tửu, việc tổ chức gói bánh chưng vừa mang ý nghĩa truyền thống để nhắc nhở con cháu các gia đình dù xa quê hương, xa Tổ quốc nhưng vẫn phải giữ truyền thống linh hồn tết của Việt Nam, “có bánh chưng thì mới có Tết, không có bánh chưng thì thiếu Tết.”

Chính vì thế, năm nào cũng vậy, cứ sát dịp Tết Nguyên Đán, ông lại hướng dẫn các cháu của mình gói bánh chưng với mong muốn giữ gìn truyền thống này được lâu dài.

Còn đối với các em nhỏ gốc Việt, đây chính là cơ hội để trải nghiệm nét đẹp văn hóa cội nguồn, từ đó hiểu và thêm yêu hơn dải đất hình chữ S. Dù sinh ra và lớn lên ở Australia, song mỗi khi được ông bà, bố mẹ hướng dẫn gói bánh chưng, em Minh Hạnh Nguyễn vô cùng hào hứng, say sưa.

Em chia sẻ: “Bánh chưng đặc trưng cho ngày lễ ở Việt Nam, vì vậy, mỗi lần gói bánh, nghe ông bà, bố mẹ giải thích cho phong tục tập quán, em lại cảm thấy gần gũi với đất nước Việt Nam hơn”.

Điều đáng nói là những chiếc bánh chưng xanh thơm ngon do các thành viên của nhóm “Tia nắng mới cho trẻ em” gói không chỉ dừng lại ở việc lưu giữ nét đẹp văn hóa mà còn là nhịp cầu nối những tấm lòng, những nghĩa cử cao đẹp.

Được thành lập từ tháng 4/2015 và với số lượng thành viên hiện nay lên đến 240 người, hàng năm, thông qua nhiều hoạt động như làm bánh trung thu, làm lịch, tổ chức các chương trình đi bộ, đạp xe và đặc biệt là gói bánh chưng dịp Tết để gây quỹ, nhóm “Tia nắng mới cho trẻ em” muốn các con cháu sinh sống ở Australia hiểu và cảm thông với hoàn cảnh của các bạn ở Việt Nam hơn.

Mỗi chiếc bánh chưng được gói hôm nay là một cơ hội được đến trường, được sống tốt hơn của cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam.

Cô Nguyễn Hồng Ngọc, một thành viên của nhóm “Tia nắng mới cho trẻ em” tỏ ra vô cùng phấn khởi khi được tham gia hoạt động gói bánh chưng vì cô mong muốn dạy cho con cháu mình những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, muốn hướng các cháu hướng về cội nguồn và sống có nhân văn, biết sẻ chia với các mảnh đời còn khó khăn ở Việt Nam.

Trong suốt ba năm qua, nhóm “Tia nắng mới cho trẻ em” đã cung cấp học bổng cho hơn 200 em nhỏ ở Việt Nam, nhất là những vùng sâu vùng xa, giúp các em có điều kiện đến trường và có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chị Vân Anh, một thành viên của nhóm, cho biết với mức học bổng thường xuyên 2 triệu đồng một suất cho các cháu ở tất cả các vùng miền Bắc Trung Nam được đề cử, năm 2022, nhóm “Tia nắng mới cho trẻ em” đã cấp 91 học bổng thường xuyên và một học bổng khẩn cấp 5 triệu đồng.

Tết đến, Xuân sang, tình người lại càng ấm áp. Tuy bánh chưng nhỏ nhưng nghĩa tình lớn. Và chắc chắn sang năm mới, những nghĩa tình ấy sẽ càng nhân lên gấp bội. Đó là điều mà các thành viên của nhóm “Tia nắng mới cho trẻ em” cũng như các mạnh thường quân mong muốn.

(Nguồn: Quê Hương Online)

DU HỌC SINH VIỆT Ở TRUNG QUỐC: CHỜ VÉ MÁY BAY RẺ RỒI VỀ VIỆT NAM

(Ảnh minh hoạ).

Chia sẻ với Zing, những du học sinh Việt Nam ở Trung Quốc cảm thấy nhẹ nhõm khi nghe tin mở cửa hoàn toàn và sẵn sàng kế hoạch du lịch đợt Tết Nguyên đán.

“Nghe mọi người nhắc đến F0, mình thấy bình thường lắm. Cuộc sống cũng không có gì thay đổi so với trước dịch”, Tú Anh - du học sinh Việt Nam tại thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây - chia sẻ với Zing.

Ngày 8/1 đánh dấu sự kết thúc của hơn 1.000 ngày Trung Quốc đóng cửa hoàn toàn biên giới nhằm chiến đấu với Covid-19. Người dân có thể xuất nhập cảnh mà không phải đối mặt với những hạn chế trong đại dịch.

Đây là cơ hội để du học sinh Việt quay lại Trung Quốc hoặc du lịch ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

“Mình thấy rất vui vì việc đi lại được thuận tiện sau khi Trung Quốc tuyên bố mở cửa hoàn toàn. Khi đi du lịch, mình chỉ cần cầm theo hộ chiếu là được”, Phương Quỳnh - đang học tập tại Đại học Giao thông Bắc Kinh - nói. Cô đã lập tức đi du lịch Quảng Châu sau khi nghe tin mở cửa hoàn toàn.

Bù đắp thời gian

Sinh viên quốc tế được cho phép nhập cảnh Trung Quốc kể từ ngày 24/8/2022 nhưng phải tuân thủ các chính sách và biện pháp phòng dịch. Khi ấy, chi phí đi lại và cách ly khiến nhiều du học sinh Việt Nam còn thấy ngần ngại.

Tú Anh đã trở về Việt Nam vào tháng 1/2020 để ăn Tết. Nhưng không ngờ, Covid-19 khởi phát, khiến Trung Quốc đóng cửa biên giới. Những du học sinh như Tú Anh phải chờ đợi gần 3 năm mới có thể quay trở lại học tập trực tiếp.

“Tính ra cũng sắp tròn 3 năm kể từ ngày mình rời Trung Quốc về quê ăn Tết. Vậy nên việc quay trở lại khiến mình rất háo hức”, Tú Anh nói.

Tú Anh nhập cảnh Trung Quốc vào ngày 6/12/2022. Khi đó, chính sách cách ly của Trung Quốc đã được gỡ bỏ một phần, yêu cầu du khách nhập cảnh cách ly tập trung 5 ngày và cách ly tại nhà 3 ngày.

Du học sinh không có nhà tại Trung Quốc như Tú Anh sẽ phải cách ly toàn bộ 8 ngày tại cơ sở tập trung. Những hành khách lên xuống máy bay cũng được yêu cầu xét nghiệm PCR âm tính.

“Mình kết thúc cách ly theo chính sách của chính phủ từ ngày 15/12. Sau đó, mình tiếp tục cách ly theo chính sách của trường. Đến 30/12, mình hoàn toàn kết thúc cách ly thì phải làm visa lưu trú”, Tú Anh kể.

Trong khi đó, Phương Quỳnh sang Trung Quốc ngay khi có thông báo cho phép sinh viên quốc tế quay lại. Quỳnh chia sẻ trước khi Trung Quốc mở cửa, cô mua vé máy bay sang Bắc Kinh mất khoảng 20 triệu đồng, chưa kể chi phí cách ly ở Việt Nam và Trung Quốc.

“Chi phí máy bay, ăn uống và cách ly hồi mình sang Trung Quốc là khoảng 50 triệu đồng, nhưng nhiều chi phí khác cộng lại khiến mình phải bỏ ra tổng cộng hơn 100 triệu đồng”, Quỳnh cho biết.

Hiện tại, các hạn chế gần như được gỡ bỏ hết tại khu vực Quỳnh sinh sống. Kể từ ngày 8/1, hành khách di chuyển bằng tàu hoặc máy bay không cần xét nghiệm âm tính hoặc cách ly.

Đây cũng là chia sẻ của Tú Anh. Cô cho biết quy định phòng dịch tại Quế Lâm không còn khắt khe như trước, nhưng mọi người vẫn duy trì thói quen đeo khẩu trang. Cô cũng không dự trữ thuốc chữa Covid-19 vì việc mua thuốc hiện tại rất dễ dàng. Cô chỉ chuẩn bị thuốc nếu đi xa hoặc phòng thân thuốc cảm cúm, dị ứng.

Dù vậy, Tú Anh vẫn chưa thể đi du lịch xa vì chưa nhận được visa lưu trú. Cô chỉ có thể đi trong thành phố. Thời tiết lạnh và mưa cũng khiến cô ngần ngại khi ra đường.

“Mình không mặn mà lắm với việc ra ngoài, chỉ đi ăn là chính. Hộ chiếu mình đã nộp cho cơ quan xuất nhập cảnh nên không thể rời thành phố để đi chơi bằng tàu được”, cô nói.

Thông thường, du học sinh sẽ nhận visa lưu trú sau 2 tuần nộp đơn, nhưng Tú Anh lo rằng sau Tết mới có thể nhận visa. Nếu nhận được visa sớm, cô dự tính đi một vài nơi trong dịp Tết.

“Các du học sinh Đông Nam Á tại Trung Quốc rất đoàn kết và thường chơi với nhau. Chúng mình ở Quế Lâm hay rủ nhau đi hái dâu. Đợt này du học sinh Việt Nam chưa sang nhiều nên mình cũng chưa rõ liệu hội du học sinh có tụ tập đón Tết hay không”, cô chia sẻ với Zing.

Phương Quỳnh có kế hoạch du lịch rõ ràng hơn. Cô cho biết mình sẽ tới Chiết Giang, Thượng Hải và Hồ Nam trong dịp Tết Nguyên đán.

Vé máy bay dễ thở hơn nhưng vẫn đắt

“So với đợt dịch, giá vé máy bay nội địa Trung Quốc và từ Trung Quốc về Việt Nam đã rẻ hơn rất nhiều”, Phương Quỳnh nói.

Dù vậy, vé máy bay dịp sát Tết vẫn đắt hơn nhiều so với các dịp khác trong năm. Lý giải, Tú Anh cho biết nhiều người Trung Quốc chọn đi máy bay về quê sau thời gian dài ở nguyên tại chỗ để chống dịch nên giá vé bị đẩy lên cao. Điều này cũng đúng với giá vé từ Trung Quốc về Việt Nam.

Cô cũng chia sẻ thêm rằng giá vé tàu điện ở Trung Quốc không thay đổi, dù trước dịch, trong dịch hay sau mở cửa.

“Mình nhập cảnh Trung Quốc tại cửa khẩu Móng Cái vào thành phố Đông Hưng, sau đó đi tàu tới Quế Lâm. Vậy nên chi phí được giảm đi rất nhiều”, cô nói.

Phương Quỳnh cho biết giá vé máy bay từ Bắc Kinh tới Quảng Châu hiện tại khoảng 1.200 tệ (khoảng 4 triệu đồng). Theo Quỳnh, giá vé này tương đối đắt so với mặt bằng chung nhưng cô chấp nhận vì muốn đi du lịch "bù đắp". Cô nói sẽ tiếp tục đi nhiều địa điểm khác trong kỳ nghỉ lễ.

Sinh viên tại Trung Quốc đang tận hưởng kỳ nghỉ đông trước khi quay trở lại trường học trực tiếp. Kỳ nghỉ của Phương Quỳnh kéo dài từ 26/12/2022 đến 17/2, trong khi Tú Anh được nghỉ đến 20/2.

Nhưng vì mới sang Trung Quốc nên cả hai chưa có kế hoạch về Việt Nam ăn Tết năm nay, một phần do giá vé máy bay vẫn còn quá cao. Tú Anh cho biết cô đang cân nhắc về Việt Nam nghỉ hè.

“Nhu cầu về quê ăn Tết của mọi người cao quá, khiến giá vé máy bay tăng theo nên mình chấp nhận ở lại. Đợi mùa hè về cũng không sao”, Tú Anh nói.

(Nguồn: Zing News)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Làm báo Tết ở Nga; Mang Tết sang Mỹ; Đón Tết tại Seattle; Nồi bánh chưng ở Canada; Mưu sinh ở Lào ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang