Người Việt hải ngoại: 'Nghe áo dài kể chuyện'; Làm dâu xứ người; Đi chợ châu Á tại Pháp; Giúp sinh viên ở Úc tìm việc

Xúc động “Nghe áo dài kể chuyện” tại Pháp

(Ảnh minh họa).

Tối 13-5 (giờ Việt Nam), tại Tòa thị chính thành phố Kervignac, vùng Morbihan (Pháp), diễn ra buổi tọa đàm chuyên đề về áo dài Việt Nam, mang tên “Nghe áo dài kể chuyện”.

Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án “Toucher Arts” gồm chuỗi hoạt động hội thảo, hòa nhạc, triển lãm về văn hóa Việt Nam tại nhiều trường học trên khắp nước Pháp hưởng ứng kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm là đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp.

Tham dự có bà Elodie le Floch, Thị trưởng thành phố Kervignac, bà Stephanie Đỗ, chính trị gia người gốc Việt đầu tiên trong Chính phủ Pháp, cùng các phó thị trưởng phụ trách văn hóa và nhiều người Pháp quan tâm văn hóa Việt Nam.

Tại sự kiện này, triển lãm trực tuyến “Áo dài kể chuyện” tại địa chỉ www.toucherarts.com cũng được ra mắt lần đầu trước công chúng Pháp, trong đó ghi chép lại câu chuyện của các nhân vật khắp thế giới về những dấu ấn đáng nhớ trong cuộc đời họ có sự hiện diện của tà áo dài. Các câu chuyện đều được thể hiện bằng cả 3 thứ tiếng Anh - Việt - Pháp và được giới thiệu đều đặn hằng tuần, từ ngày 13-5 đến 15-7-2023 - ngày kết thúc của toàn bộ chuỗi dự án TOUCHER ARTS. Nhiếp ảnh gia trẻ Thảo Nguyễn cũng giới thiệu bộ sưu tập ảnh “Mơ màng Hội An”, sẽ được trưng bày tại Tòa thị chính thành phố Kervignac, từ ngày 13 tới ngày 28-5.

Tọa đàm và triển lãm “Nghe áo dài kể chuyện” được tổ chức bởi các Hiệp hội ART SPACE, Vietnam Bretagne Sud và APPEL Lorient, cùng sự hỗ trợ của thành phố Kervignac để gây quỹ ủng hộ cho các trại trẻ mồ côi và khuyết tật tại 3 miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam.

Tham gia tọa đàm có ba diễn giả đặc biệt: Bà Dominique Penhoat, nghệ sĩ điêu khắc kiêm nhà văn người Pháp gốc Việt, tác giả của cuốn tự truyện “Les trois cousines en Indochine”; bà Nguyễn Thị Cúc, một nhà giáo với hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc kết nối giáo dục và trao đổi văn hóa cho hàng nghìn học sinh Việt Nam và Pháp; cậu bé Kevin Nguyen 12 tuổi nhưng đã có 2 năm kinh nghiệm thực hiện các hoạt động quảng bá văn hóa Việt trong nhiều trường học ở vùng Loire Atlantique (Pháp).

Tất cả những người Pháp đến tham dự sự kiện đều được tặng một chiếc áo dài Việt Nam làm kỷ niệm. Món quà này được đóng gói trân trọng cùng thông điệp từ người tặng và được gửi từ khắp thế giới tới Pháp. Đây là kết quả của chiến dịch “2LIFE ÁO DÀI” với mong muốn hồi sinh, mang tới cuộc đời thứ hai rực rỡ cho những bộ áo dài đã qua sử dụng, bằng cách trao tặng cho bạn bè Pháp như một món quà mang giá trị văn hóa, nhân văn, thay vì bị bỏ quên trong tủ một cách lãng phí. Đổi lại, những người Pháp yêu mến áo dài và văn hóa Việt, khi nhận áo dài sẽ đồng ý quyên góp một khoản tùy tâm để giúp đỡ các em nhỏ khó khăn, tật nguyền tại Việt Nam.

Bà Hoàng Thu Trang, Chủ tịch Hiệp hội ART SPACE, Trưởng ban tổ chức chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn giới thiệu tới công chúng Pháp và bạn bè thế giới một hình ảnh áo dài Việt Nam sâu sắc và ấn tượng hơn những gì họ biết trước đây. Trong quá trình kêu gọi người Việt khắp thế giới gửi áo dài đến Pháp như một món quà văn hóa, chúng tôi đã nhận được hàng trăm bộ… Buổi tọa đàm “Nghe áo dài kể chuyện” và triển lãm trực tuyến cùng tên đã giúp bạn bè quốc tế hiểu thêm về một hình ảnh áo dài Việt Nam khác biệt, giàu cảm xúc mà có thể họ chưa từng biết trước đây; để thấu hiểu, yêu mến và thêm trân trọng áo dài - một di sản văn hóa quý giá của người Việt”.

(Nguồn: Hà Nội Mới)

Làm dâu xứ người “dễ thở” là nhờ mẹ chồng!

Trong những cuộc hôn nhân xuyên biên giới, mối quan hệ giữa nàng dâu Việt Nam và mẹ chồng nước ngoài được nhiều người quan tâm.

Mẹ chồng Hàn Quốc đòi ôm ngay trong ngày ra mắt

Sau 5 năm kết hôn, Hồng Vân (sinh năm 1991) và ông xã người Hàn Quốc đang có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Kết quả này có một phần đóng góp không nhỏ từ tình cảm và sự tâm lý của bố mẹ chồng Hồng Vân.

Nàng dâu Hàn Quốc cho biết ngay trong lần gặp mặt đầu tiên, cô đã nhận được sự chào đón và tình cảm nồng nhiệt của mẹ chồng. Cụ thể câu đầu tiên mà bác gái hỏi là có thể ôm Hồng Vân hay không. Bố mẹ chồng Vân cũng liên tục khen con dâu xinh đẹp. Không những thế, họ còn dẫn cô đến quán cà phê mà cả hai từng hẹn hò trước đây.

Sau này khi về làm dâu và thân thiết hơn, Hồng Vân đã hỏi về suy nghĩ của bố mẹ chồng về chuyện con trai lấy vợ Việt Nam. Cả hai không ngần ngại mà cảm ơn con dâu vì đã đồng ý lấy con trai họ.

Tất nhiên giữa nàng dâu và gia đình chồng không thể tránh khỏi những lúc bất đồng nhưng cũng chính nhờ đó mà hai bên lại càng yêu thương và hiểu nhau hơn. Vì vậy mà từ đáy lòng, Hồng Vân luôn cảm thấy biết ơn vì được gia đình chồng quan tâm và có cuộc sống hôn nhân trọn vẹn.

Bị mẹ chồng Hàn Quốc phản đối kịch liệt vì sợ con dâu khổ

Trái ngược với Hồng Vân, câu chuyện ra mắt nhà chồng Hàn Quốc của Vy Hằng (Mia Trần) lại kịch tính hơn nhiều.

Khi Chan Young - chồng Mia về thông báo với gia đình rằng mình có bạn gái người Việt Nam thì mẹ anh đã rất tức giận. Bà phản đối kịch liệt, thậm chí đuổi con trai ra khỏi nhà vì một lý do bất ngờ: thương và lo con dâu tương lai phải sống xa gia đình. “Thôi, con đừng làm khổ con gái nhà người ta. Con nhà người ta còn nhỏ, ở bên đó có mẹ, có gia đình, đưa sang đây rồi không có ai chăm nom” là những gì mà mẹ chồng Mia nói với con trai khi đó.

Tuy nhiên Chan Young không từ bỏ, anh chàng năn nỉ mẹ rồi đưa bạn gái về ra mắt gia đình. Từ cuộc gặp gỡ này đến cuộc gặp nhà gái, mẹ Chan Young đều khóc nức nở vì xúc động, thương hai con và cảm động vì bà sui gia đồng ý gả con gái sang một đất nước xa xôi như vậy. Khi cặp đôi quyết định kết hôn, mẹ chồng Mia đã rất ủng hộ, chúc mừng cho các con.

Hiện tại, Mia cảm thấy cuộc sống của mình ở Hàn Quốc rất ổn nhờ sự hậu thuẫn của ông xã cũng như gia đình, bạn bè ở đây.

Bố mẹ chồng Canada chiều chuộng như con gái cưng

Vượt mọi trở ngại về khoảng cách địa lý, văn hóa cũng như tính cách của mỗi người, Peter - (người Canada) và Xuyến Đỗ (Annie, đến từ Nam Định) đã yêu và quyết định về chung một nhà. Từ lần gặp mặt đầu tiên với gia đình Peter, Annie nhanh chóng cảm nhận được sự văn minh cũng như tình cảm mà nhà chồng dành cho mình.

Lần Annie đến thăm là trước thềm Giáng sinh, chuyến bay muộn và trời rất lạnh nhưng bố mẹ Peter vẫn lái xe ra sân bay đón, không quên tặng cô một bó hoa hồng lớn. Sợ con dâu tương lai bị lạnh, mẹ Peter còn mua và mang áo khoác, bốt ấm, găng tay sẵn cho cô.

Sau này khi Annie đã về làm dâu, Annie lại càng nhận được nhiều tình cảm và sự quan tâm hơn. Biết con dâu thích may vá thêu thùa, mẹ chồng mua tặng cô một chiếc máy may, dẫn đi mua vải và phụ kiện để dùng. Bà còn nói chuyện, dạy con dâu tiếng Anh tốt hơn, đưa đi mua sắm ăn uống và lên mạng học cách nấu đồ ăn Việt Nam cho cô.

Cả nhà Peter còn dặn dò con trai phải chăm sóc Annie thật tốt vì cô đã phải xa cả gia đình để sang Canada. Bản thân cô nàng cũng luôn cảm thấy may mắn khi nhận được sự yêu thương đặc biệt này.

Mẹ chồng Thụy Sĩ nấu cơm mang lên tận phòng cho con dâu

Sau khi kết hôn với người chồng Thụy Sĩ, Quỳnh Anh (sinh năm 1989) chuyển sang châu Âu sinh sống. Ngay từ lần gặp đầu tiên, mẹ chồng cô đã đem lại cảm giác vô cùng ấm áp khi mở cửa ra với nụ cười và chào đón: “Chào mừng con về nhà”.

Trong 3 tháng tiếp theo đó, vợ chồng Quỳnh Anh sống chung cùng mẹ chồng và càng cảm nhận được tình cảm của mẹ. Trong mắt nàng dâu Việt Nam, bà là người dễ thương, dễ tính, dễ chịu và ấm áp, giàu tình cảm.

Quỳnh Anh kể lại, mẹ chồng thường tự tay đan khăn, áo len cho con dâu. Thời gian đầu khi mới sang, biết cô không ăn được đồ ăn Thụy Sĩ nên bà học nấu cơm để con dâu ăn, nhà lúc nào cũng có sẵn gạo để nấu cho Quỳnh Anh bất cứ lúc nào cô muốn. Có lúc con dâu bận làm việc, bà còn nấu cơm rồi mang lên tận phòng.

Đồng thời, mẹ chồng Quỳnh Anh còn rất tôn trọng quyền tự do và cá nhân của các con nên thời gian ở chung cô không thấy gò bó hay khó khăn gì. Khi cặp đôi trẻ quyết định mua nhà gia đình chồng cũng gom hết tiền trong nhà cho vợ chồng cô vì lúc đó Quỳnh Anh chưa chuyển được tiền của mình từ Việt Nam sang. Hai vợ chồng chọn một căn nhà ở gần mẹ, cách khoảng 10 phút di chuyển để có thể thường xuyên tới lui thăm bà.

Hiện tại Quỳnh Anh đang có một cuộc sống đơn giản và hạnh phúc ở Thụy Sĩ. Cô cũng thường xuyên chia sẻ những khoảnh khắc và câu chuyện về mẹ chồng lên MXH với mọi người.

(Nguồn: Kenh14)

Mẹ Việt kể chuyện đi chợ châu Á lớn nhất tại Pháp: Thứ cây mọc thành bụi xin được ở Việt Nam mà sang đó xem giá "ngất ngây"

(Ảnh minh họa).

Nhắc đến quận 13 Paris, nhiều người không còn cảm thấy lạ lẫm bởi đó là nơi sinh sống của rất nhiều người Việt với những món ăn đặc sản mang đậm hương vị quê hương Việt Nam.

Đến nỗi mà, khu chợ Quận 13 Paris từ lâu đã trở thành một địa điểm du lịch yêu thích của nhiều người dân phương Tây khám phá văn hóa ẩm thực châu Á mà còn là điểm dừng chân cho nhiều du khách muốn quan sát cuộc sống và sinh hoạt của cộng đồng người châu Á. Quận 13 Paris chẳng khác nào một châu Á thu nhỏ giữa kinh đô ánh sáng hoa lệ Paris.

Trong một video đăng tải lên kênh Yotube cá nhân có tên Mai Khôi - Mylife cuộc sống ở Bỉ, chị Mai Khôi, một phụ nữ Việt hiện sinh sống ở Bỉ, đã chia sẻ những hình ảnh và thông tin các mặt hàng trong khu chợ châu Á ở Quận 13 Paris trong một lần chị và gia đình ghé thăm địa danh này. Đây là khu chợ nổi tiếng nhất nhì thành phố Paris, thu hút đông đảo khách tham quan, mua sắm.

Trước khi vào chợ ngắm nghía mua đồ, chị Mai Khôi và gia đình không quên ghé vào quán phở Việt để cho no cái bụng và "bõ nhớ" hương vị quê nhà.

Quận 13 Paris nổi tiếng với những quán phở được cho là ngon nhất ở châu Âu, với những quán phở có đủ hương vị của cả phở miền Nam và phở miền Bắc.

Sau khi ăn bát phở có giá 11,5 euro (tương đương 276.000 VNĐ), chị Mai Khôi nhận xét: "Theo khẩu vị của mình, phở ở đây ăn khá ngon, nước lèo nêm vừa ăn. Nhưng mùi phở có vẻ không được đậm mùi lắm, nhưng thịt bò mềm. Và với giá như thế này thì mình thấy phải chăng, bánh phở rất nhiều, thịt cũng nhiều. Bò viên ở đây ăn mềm mềm, dai dai, không có quá giòn hay sựt sựt nhiều. Mai Khôi nghĩ rằng, người ta không chỉ bán cho người Việt, người châu Á mà bán cho cả khách Tây. Mà người Tây thì không thích bò viên dai giòn quá".

Sau khi ăn uống no nê, gia đình chị Mai Khôi tiến vào khu chợ châu Á lớn nhất ở Paris - Tang Freres. Theo lời chị Mai Khôi, cơ sở vật chất của chợ này không quá lớn nhưng có đủ đầy các mặt hàng.

Chị Mai Khôi đi xem lần lượt các mặt hàng bên trong chợ. Các mặt hàng rau củ, trái cây ở đây đều tươi mới nhưng giá cả không như ở Việt Nam.

Chẳng hạn, chôm chôm và măng cụt được niêm yết giá 10.99 euro/kg (tương đương 263.000 VNĐ/kg). Cà tím có giá 4,45 euro/kg (tương đương 106.000 VNĐ). Sầu riêng có giá 19,99 euro/kg (tương đương 480.000 VNĐ)...

Những thứ trái cây đặc trưng của Việt Nam như cà ghém xanh, ngô, thanh long, đều có nhưng giá cả khá đắt. Chẳng hạn, thanh long có giá tới 15,99 euro/kg (tương đương hơn 300.000 VNĐ).

Sang đến quầy rau củ, chị Mai Khôi khiến nhiều người bất ngờ vì giá cả không như mình nghĩ. Những loại rau củ thân thuộc ở Việt Nam, được trồng nhiều và "rẻ như cho" thì sang đó "lại khoác lên mình một cái giá trên trời".

Ví dụ, 100gram ớt đỏ có giá lên tới 58.000 VNĐ, lá hẹ có giá 600.000 VNĐ/kg. Thậm chí, loài cây mọc thành bụi trồng rất nhiều ở Việt Nam là cây xả thì ở khu chợ này có giá lên tới 430.000 VNĐ/kg.

Tất nhiên, giá cả chỉ để tham khảo vì ở một nơi xa xôi, có những thứ rau dân dã mang hương vị quê nhà để thưởng thức cũng là điều quý giá rồi. Đặc biệt, được vào khu chợ có người dân nói tiếng Việt, bán thực phẩm Việt thì cảm giác thân quen ùa về, chắc chắn sẽ là trải nghiệm khó quên cho bất kỳ người con xa xứ nào.

(Nguồn: CafeF)

Giúp sinh viên Việt Nam tại Australia tìm kiếm cơ hội việc làm

“The Interview 2023: Early Bird" là cơ hội tuyệt vời giúp các bạn sinh viên có cái nhìn tổng quan về thị trường việc làm tại Australia cũng như tăng khả năng có được công việc mơ ước.

Hội Sinh viên Việt Nam tại bang Queensland (AVSQ) ngày 10/5 vừa qua đã tổ chức thành công chương trình “The Interview 2023: Early Bird” - sự kiện học thuật dành cho sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin, bao gồm các ngành như phân tích kinh doanh, khoa học máy tính, khoa học dữ liệu… nhằm giúp các sinh viên có cơ hội được tiếp xúc, thể hiện năng lực bản thân và tìm kiếm cơ hội việc làm tại các đơn vị tuyển dụng uy tín.

Được xem là một trong những sự kiện có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của AVSQ, “The Interview 2023: Early Bird” không chỉ nhắm đến sinh viên Việt Nam tại Australia mà còn thu hút cả sinh viên quốc tế tới nước này từ nhiều quốc gia khác nhau.

Đây là cơ hội tuyệt vời giúp các bạn sinh viên có cái nhìn tổng quan về thị trường việc làm tại Australia cũng như tăng khả năng có được công việc mơ ước thông qua việc gây ấn tượng với các nhà tuyển dụng góp mặt tại sự kiện. Đồng thời, sự kiện còn là cầu nối giúp các bạn có cơ hội gặp gỡ các chuyên gia trong ngành, qua đó mở rộng mối quan hệ và nhận về nhiều lời khuyên bổ ích từ những người đi trước.

Chủ đề chính của sự kiện được lấy cảm hứng từ câu nói của người Anh “The early bird catches the worm” (tạm dịch: Chú chim dậy sớm sẽ bắt được sâu) với hàm ý “dậy sớm để thành công." Ý nghĩa sâu xa hơn của câu nói chỉ những người thực sự đặt bản thân vào một việc gì đó và nỗ lực hết mình thì sẽ có cơ hội thành công cao hơn. Từ đó, AVSQ muốn động viên và nhắn nhủ đến các sinh viên tham gia rằng không bao giờ là quá sớm để bắt đầu suy nghĩ về sự nghiệp.

Với sự góp mặt của hơn 20 chuyên gia và đại diện đến từ các công ty có tiếng tăm trong ngành công nghệ thông tin, The Interview 2023: Early Bird đã thu hút hơn 80 sinh viên Việt Nam lẫn quốc tế trong lĩnh vực nói trên đang học tập và làm việc tại bang Queensland. Sự kiện diễn ra trong hơn 3 giờ với 2 phần chính là “Phiên hội thảo” và “Phỏng vấn nhanh."

Trong phần “Phiên hội thảo," các bạn sinh viên được lắng nghe chia sẻ và nhận lời khuyên từ các diễn giả là những chuyên gia trong lĩnh vực, xoay quanh chủ đề chính “Early Bird," qua đó có thể truyền cảm hứng, giúp các bạn có thêm nhiều góc nhìn đa dạng về ngành nghề cũng như được tiếp thêm động lực trong việc định hướng sớm về lộ trình phát triển sự nghiệp trong tương lai.

Trong phần “Phỏng vấn nhanh," mỗi sinh viên tham gia được 10 phút phỏng vấn để gây ấn tượng với các nhà tuyển dụng tiềm năng, từ đó có cơ hội nhận được việc làm hoặc thực tập tại các công ty trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Trong quá trình chờ đợi đến lượt phỏng vấn, các sinh viên tham gia có thể tham gia các hoạt động khác để giao lưu và học hỏi lẫn nhau, giải tỏa căng thẳng và tiếp thêm năng lượng, chuẩn bị một tinh thần thật tốt cho phần phỏng vấn nhanh.

Để chuẩn bị thật tốt cho buổi phỏng vấn này, trước đó ngày 27/4, AVSQ đã tổ chức một buổi "tập dượt" với sự tham gia của gần 40 chuyên gia và người tham dự. Sự kiện nhằm trang bị cho các bạn sinh viên những kỹ năng phỏng vấn tất yếu, qua đó giúp các bạn hiểu thêm về những điều nên và không nên làm trong suốt quá trình trước, trong và sau khi phỏng vấn.

Ngoài ra, các bạn sinh viên còn có cơ hội được phỏng vấn thử và sửa sơ yếu lý lịch (CV) trực tiếp từ các chuyên gia với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành.

Trong phần giao lưu, các bạn sinh viên và các chuyên gia trao đổi và tìm hiểu lẫn nhau, tạo ra mối quan hệ có giá trị và nhận được nhiều lời khuyên hữu ích về ngành nghề.

Khi được hỏi điều gì khiến The Interview 2023: Early Bird trở thành một sự kiện đặc biệt, bà Carolyn - một chủ doanh nghiệp, nhà tuyển dụng và cố vấn có bằng Thạc sỹ giáo dục, cho rằng mỗi sự kiện đều đặc biệt, nhưng lợi ích quan trọng nhất của việc tham dự các sự kiện chuyên nghiệp là xây dựng các mối quan hệ bởi vì hầu hết các công việc được tiếp cận thông qua các mạng lưới quan hệ xã hội và nghề nghiệp, sự kiện trên cung cấp cho người tham gia cơ hội để tăng cường kết nối cá nhân và nghề nghiệp.

Tham dự chương trình, bạn Đinh Hữu Thiên Ân - đã tốt nghiệp trường Đại học Công nghệ Queensland (QUT) chuyên ngành công nghệ thông tin, đánh giá sự kiện rất hữu ích bởi các chuyên gia đã đưa ra rất nhiều lời khuyên cho các bạn sinh viên trong việc chỉnh sửa CV và cách trả lời các câu hỏi do nhà tuyển dụng đưa ra sao cho hợp lý và thuyết phục.

Ngay sau sự kiện, có hơn 10% các bạn sinh viên được hẹn phỏng vấn tiếp với 95% nhà tuyển dụng bày tỏ sự hài lòng với chất lượng ứng viên.

Được thành lập vào ngày 18/6/2021, dưới sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Australia và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney, AVSQ là một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào các chương trình phát triển kỹ năng, định hướng nghề nghiệp cho các bạn sinh viên tại bang Queensland nói riêng và trên toàn Australia nói chung, cũng như các sự kiện vui chơi giải trí giúp gắn kết cộng đồng.

Từ khi thành lập, hội đã liên tục tổ chức những sự kiện về phát triển định hướng nghề nghiệp như “UniUp webinar” - chuỗi tọa đàm tham vấn nghề nghiệp trực tuyến; “MentorShip platform” - nền tảng kết nối, hỗ trợ và tư vấn nghề nghiệp giữa sinh viên và cựu sinh viên, và “Job Hunting Camp” - Hội trại kỹ năng săn việc; và mới đây nhất là sự kiện “The Interview 2023: Early Bird."

Bên cạnh đó, hội cũng tổ chức những sự kiện giải trí kết nối cộng đồng như “Sports League” - Ngày hội thể thao; “Chuyện xưa tích cũ”- Ngày hội cổ tích Việt Nam; và “The Aeliens” - sự kiện giúp cộng đồng sinh viên Việt Nam có cơ hội làm quen, gắn kết cũng như chuẩn bị những hành trang thiết yếu trong quá trình học tập và làm việc tại Australia.

Thời gian tới, AVSQ sẽ tiếp tục tổ chức sự kiện giúp các bạn sinh viên phát triển kỹ năng, nâng cao nhận thức về các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Đây là một chủ đề rất mới và đang nhận được nhiều sự quan tâm, hứa hẹn sẽ thu hút nhiều sinh viên Việt Nam và quốc tế tại bang Queensland đến từ nhiều nhóm ngành.

AVSQ mong muốn sự kiện sẽ giúp các bạn sinh viên tham gia được rèn luyện kỹ năng cá nhân, kết nối và chia sẻ với các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan đến phát triển bền vững. Đây cũng sẽ là cơ hội giúp các sinh viên làm quen với các hoạt động thuộc kỳ tuyển dụng “Assessment Center” của các công ty lớn trong tương lai./.

(Nguồn: VietnamPlus)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang