Lan tỏa nét đẹp ẩm thực Việt Nam tại Hàn Quốc

"Cộng 365" được biết đến là một trong nhiều nhà hàng ẩm thực Việt Nam nổi tiếng ở "Xứ sở Kim Chi". Tọa lạc trong khu phố trung tâm phường Jangchung, ngay dưới chân tháp Namsan ở thủ đô Seoul.
Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, có thể nói chính sự dân dã mà tinh tế, bình dị mà độc đáo của từng món ăn truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc mà các nhà hàng Việt Nam nói chung và "Cộng 365" nói riêng mang đến cho khách hàng đã giúp ẩm thực Việt Nam dần chiếm được cảm tình của những thực khách Hàn Quốc khó tính nhất.
Không gian bài trí của "Cộng 365" cũng rất đặc biệt với phong cách hiện đại, xanh tươi và ấm cúng. Ngay khi bước vào nhà hàng, thực khách được chào đón bởi không gian xanh mát với cây và hoa cùng những vật phẩm trang trí đậm chất Việt Nam. Khách hàng có thể tự chọn các món ăn được hiển thị trên màn hình và tự thanh toán ngay tại bàn... Bất kể nắng mưa, thực khách Hàn Quốc luôn chấp nhận xếp hàng dài đứng chờ ở cửa để có cơ hội được thưởng thức những món ăn Việt Nam mà mình yêu thích...
Các món ăn được chế biến từ những nguyên liệu tươi ngon của nước sở tại. Riêng món phở bò tại "Cộng 365" được chế biến theo công thức đặc biệt của riêng nhà hàng. Đặc biệt, nước dùng phở được chế biến từ xương và thịt bò tươi ngon của Hàn Quốc (Hanu), kết hợp với các loại gia vị đặc trưng mang từ Việt Nam như hành, gừng, sa tế, hoa hồi, đinh hương, quế... tạo độ sánh vàng, hương thơm đặc trưng và vị ngọt thanh đậm đà.
Anh Park Jong-il, thực khách Hàn Quốc cho biết: "Trong số các món ăn Việt Nam, tôi thích nhất là Phở bò. Ở nhà hàng Cộng 365 không chỉ có phở ngon mà cơm rang cũng ngon và cả bánh mỳ nữa. Gia đình chúng tôi rất hay đến đây ăn uống vui vẻ với nhau. Tôi rất thích. Điều tôi vô cùng thích là ăn ở đây rất chuẩn vị, giống như ăn ở Việt Nam vậy".
Không chỉ là nơi để thưởng thức ẩm thực, nhà hàng Cộng 365 còn là địa điểm lý tưởng để gặp gỡ và trò chuyện cùng bạn bè, đồng nghiệp hay người thân. Chị Yoo Hye-jin, thực khách Hàn Quốc cho biết thường có các chuyến công tác đến Việt Nam 1 lần mỗi tháng và rất thích các món ăn Việt Nam. Vì vậy, ở Seoul, chị cũng tìm kiếm trên trang Naver các nhà hàng Việt và thấy "Cộng 365" có lượng đánh giá rất tốt và được rất nhiều người Hàn Quốc tìm đến. Chị chia sẻ chủ nhà hàng và nhân viên đều rất thân thiện trong khi đồ ăn thì đúng vị như ở Việt Nam.
Ngoài các thực khách Hàn Quốc, nhà hàng Cộng 365 còn thường xuyên đón và phục vụ các đoàn khách du lịch từ Việt Nam sang. Cô Phạm Thị Hoa Mai, khách du lịch cho rằng sức hút của nhà hàng là các món ăn lưu giữ được những hương vị của quê hương, thực phẩm chất lượng tốt, đa dạng các món lẩu, phở hoặc các món ăn của miền Trung, miền Nam (bánh xèo); ngày tết hay ngày thường vẫn có thể có bánh chưng, bánh giầy theo yêu cầu đặt trước với giá cả hợp lý.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, anh Vũ Trường Giang, Chủ nhà hàng "Cộng 365" cho biết 15 năm sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc, bản thân anh luôn luôn đau đáu về việc lan tỏa nét đẹp ẩm thực của người Việt Nam và mong muốn thế hệ con cháu sau này luôn lưu giữ được nét truyền thống đó. Chính vì thế nhà hàng Cộng 365 đã ra đời với ý nghĩa 365 ngày phục vụ quý khách và duy trì giá trị ẩm thực truyền thống đến đời sau để có thể gìn giữ hương vị của quê nhà. Sứ mệnh của "Cộng 365" không dừng lại ở việc quảng bá ẩm thực của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, đặc biệt là bạn bè Hàn Quốc, mà hơn thế nữa là mang hương vị quê hương cho người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc để vơi đi nỗi nhớ quê nhà.
(Nguồn: VTV4)
Hai nhà khoa học Việt tại Anh chia sẻ về vật liệu nano ứng dụng trong Y-Sinh học
Chuỗi hội thảo học thuật về vật liệu nano có sự tham gia của Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh và Tiến sĩ Nguyễn Bá Thụy Linh – hai nhà khoa học có tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực Y-Sinh học.
Ngày 15/5 tới, Khoa Khoa học và Công nghệ Vật liệu, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Hàn lâm trẻ Việt Nam (Vietnam Young Academy-VYA) đồng tổ chức “Chuỗi seminar học thuật về vật liệu nano”.
Các buổi hội thảo học thuật nhằm tạo ra không gian kết nối, chia sẻ và thảo luận thường niên các chủ đề trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ vật liệu, từ đó tăng cường trao đổi, hợp tác nghiên cứu khoa học hàn lâm và ứng dụng giữa các nhà khoa học đã và đang làm việc tại các nước trên thế giới…
Với mục tiêu kết nối các diễn giả, nhà khoa học có uy tín tham gia sự kiện sẽ mang cảm hứng và truyền đạt kiến thức đến cho các sinh viên/học viên, các giảng viên, các nhà nghiên cứu có một cách nhìn mới về sự phát triển trên thế giới.
Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh là giảng viên về vật liệu nano tại University College London (Anh) là người đã giành được nhiều học bổng, giải thưởng và huân chương danh giá đến từ các tổ chức uy tín trên thế giới, cũng như nằm trong danh sách các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng cao.
Ngoài ra, chị còn là giáo sư thỉnh giảng tại các trường Đại học tại Pháp, Nhật Bản, Singapore và được mời phát biểu tại 310 viện nghiên cứu và các cuộc họp khoa học, cũng như chủ trì và tổ chức hơn 45 hội nghị quốc tế nổi tiếng.
Tiến sĩ Nguyễn Thụy Bá Linh là giảng viên về vật liệu sinh học tại UCL-Eastman Dental Institute, London, Anh. Chị có hơn 10 năm kinh nghiệm nghiên cứu về vật liệu sinh học và tái tạo mô, phát triển polymer và gốm sinh học mới để sửa chữa mô mềm và mô cứng.
Thông tin chi tiết về buổi hội thảo học thuật online qua ứng dụng Zoom (đường link tham gia sẽ được thông báo qua email). Link đăng ký tại: https://forms.gle/yuzLwEEMoFL6wPk49
(Nguồn: Báo Quốc Tế)
Chợ Việt lần lượt rút khỏi trung tâm San Jose

Khu trung tâm thành phố San Jose (bang California, Mỹ) đang trải qua tình trạng chợ Việt chuyển đi nơi khác vì nhiều lý do.
Những lý do đằng sau xu hướng trên có thể kể đến những bất tiện như thiếu nơi đỗ xe, khuôn viên cũ chật chội và chi phí kinh doanh cao, theo báo điện tử San José Spotlight dẫn lời bà Alanna Hua-Yamada, đại diện siêu thị Đại-Thành.
Mở cửa từ năm 1985, Đại-Thành là cơ sở kinh doanh của một gia đình gốc Việt. Sau 37 năm hoạt động trên đường South Second thuộc khu trung tâm thành phố, siêu thị đã đóng cửa và hồi tháng 1 khai trương cửa hàng mới tại khu Berryessa, phía bắc thành phố.
Sự rời đi của siêu thị Đại-Thành phản ánh tình trạng chung của khu trung tâm San Jose, khi mà các cửa hàng rau quả ngày càng trở nên hiếm hoi và cách xa nhau. Dữ liệu của Cục Thống kê Dân số Mỹ ghi nhận hiện có hơn 100.000 người Việt ở thành phố San Jose.
Hiện nay, siêu thị Thiên Thanh nằm trong số vài chợ cuối cùng của người Việt ở trung tâm San Jose. Giữa lúc lạm phát gia tăng và chi phí thuê lao động cao, những chủ doanh nghiệp nhỏ chật vật tìm cách tiếp cận các khoản hỗ trợ của chính phủ theo chính sách trợ giúp thời Covid-19 và tiếp tục đối mặt quy trình cấp phép kinh doanh chậm chạp của thành phố cũng như chi phí sinh hoạt đắt đỏ.
Một nhân viên giấu tên tiết lộ siêu thị Thiên Thanh và những cơ sở kinh doanh khác ở trung tâm thành phố đang chật vật duy trì hoạt động. Siêu thị Việt này mở cửa từ năm 1989, và hiện chưa thể phục hồi việc kinh doanh sau thời gian dịch. Chợ cũng đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt đến từ những tên tuổi bán lẻ lớn như Walmart và Costco. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng chi tiêu ít hơn trước cho bữa ăn gia đình vì chi phí sinh hoạt quá nhiều, trong khi giá cả mọi thứ tăng vọt.
Bà Hua-Yamada cho biết các chợ Việt vẫn mở cửa gần khu trung tâm, nhưng khuôn viên kinh doanh phải được thu nhỏ để giảm tiền thuê và chuyển sang cung cấp nhiều mặt hàng đa dạng hơn nếu muốn thu hút các khách hàng trẻ tuổi lẫn cao niên.
(Nguồn: Thanh Niên)
Kẻ giết người hàng loạt tiết lộ nơi giấu xác nữ sinh gốc Việt
Sau lời thú tội của kẻ giết người hàng loạt, cảnh sát Anh đang chuẩn bị khai quật thi thể Elizabeth Chau.
Levi Bellfield, 54 tuổi, đang chấp hành 2 bản án chung thân (không có khả năng được ân xá) vì giết 3 người tại nhà tù nam loại A Frankland ở hạt Durham, Anh. Các sĩ quan Sở Cảnh sát Thủ đô Anh đã đến thẩm vấn Bellfield sau khi ông ta thừa nhận giết Elizabeth Chau, nữ sinh gốc Việt, vào năm 1999.
Trong cuộc thẩm vấn kéo dài 6 giờ, Bellfield được cho là đã thừa nhận vụ giết người. Khai giấu xác nạn nhân Chau trong rừng 24 năm trước, ông ta đã vẽ cho các sĩ quan bản đồ dẫn đến vị trí đó. Sky News ngày 11/5 đưa tin Bellfield đã nêu tên một địa điểm ở phía Tây London.
Ngày 12/5, cảnh sát xác nhận họ vẫn liên lạc với gia đình cô Chau song không tiết lộ thêm chi tiết. Cuộc điều tra vẫn đang diễn ra.
“Ông ấy (Levi Bellfield) nói với tôi điều quan trọng là gia đình cô ấy (Elizabeth Chau) phải được khép lại mọi chuyện. Ông ấy muốn thấy công lý được thực thi vì họ đã phải sống như thế này quá lâu và điều đó thật không công bằng”, Theresa Clark, luật sư của Bellfield, nói với Sky News.
Ngày 16/4/1999, Elizabeth Chau, 19 tuổi, sinh viên gốc Việt, rời Đại học Thames Valley rồi đi bộ về nhà theo đường Uxbridge gần đồn cảnh sát Ealing, phía tây London. 18h ngày hôm đó, camera bên ngoài đồn cảnh sát Ealing ghi lại hình ảnh lần cuối cùng của Chau khi cô chỉ cách nhà một dặm. Chị gái của Chau cho biết gia đình chưa bao giờ từ bỏ hy vọng được đoàn tụ với em gái.
Tờ The Sun ngày 22/4 đưa tin Levi Bellfield đã viết bản thú tội, thừa nhận sát hại Elizabeth Chau. Ông ta nói đặt cô ấy vào chiếc xe tải và nêu chi tiết nơi chôn cất nạn nhân.
Bellfield bị kết án vì giết sinh viên người Pháp Amelie Delagrange (22 tuổi) vào năm 2004, Marsha McDonnell (19 tuổi) ở Tây London vào năm 2003 và Milly Dowler (13 tuổi) ở Surrey vào năm 2002. Thi thể của Dowler được tìm thấy chôn trong rừng sau khi cô bị bắt cóc trên đường.
Bellfield còn bị kết án vì âm mưu giết Kate Sheedy vào tháng 5/2004. Ông ta cũng tuyên bố thực hiện 6 vụ tấn công khác vào những người phụ nữ nhưng họ đều sống sót.
(Nguồn: Zing News)
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá