Vụ tiền 'bốc hơi' tại Sacombank; Ngân hàng đua giảm lãi suất; Cước taxi sân bay lại dọa tăng; Đất đấu giá ế ẩm

Vụ "bốc hơi" 46,9 tỷ đồng của khách tại Sacombank: Ngân hàng "tố ngược" khách

Liên quan vụ tiền gửi của khách hàng bị "bốc hơi" sau khi gửi vào ngân hàng Sacombank, ngân hàng này cho biết đã cung cấp toàn bộ hồ sơ vụ việc cho cơ quan công an.

Sacombank "tố" khách hàng phản ánh không đúng bản chất sự việc

Liên quan đến việc một giám đốc chi nhánh Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) Khánh Hòa bị cách chức và hàng chục tỷ đồng tiền gửi của khách hàng bị "bốc hơi", ngày 17/3, ngân hàng Sacombank đã có thông cáo báo chí xung quanh sự việc tiền gửi khách hàng tại Khánh Hòa bị mất không rõ lý do.

Về tố cáo của bà Hồ Thị Thùy Dương (SN 1977, phường Cam Phú, TP Cam Ranh) về việc số tiền 46,9 tỷ đồng trong tài khoản cá nhân của bà bị các cán bộ thuộc Phòng Giao dịch Cam Ranh, chi nhánh Khánh Hòa đã sử dụng nghiệp vụ rút tiền trái phép. Ngân hàng Sacombank cho rằng, những thông tin bà Hồ Thị Thùy Dương cung cấp là một chiều, chưa đầy đủ và không phản ánh đúng bản chất sự việc.

Sacombank dẫn chứng rằng, đã kiểm tra toàn bộ hồ sơ và phát hiện có bằng chứng vay mượn, hợp tác làm ăn ngoài xã hội giữa bà Dương và một số cá nhân nguyên là cán bộ, nhân viên phòng giao dịch Cam Ranh trong nhiều năm. Các bằng chứng này đã được các đối tượng liên quan cung cấp và Văn phòng thừa phát lại Khánh Hòa lập vi bằng ngày 16/10/2022.

Đối với 12 giao dịch mà bà Dương cho rằng mình bị mất tiền, Sacombank có đầy đủ chứng từ có chữ ký nhận tiền của bà Dương, bao gồm 9 phiếu nhận tiền mặt và 3 ủy nhiệm chi. Toàn bộ các tài liệu này đã được Sacombank chuyển giao cho Cơ quan điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa.

Ngoài ra, trong suốt quá trình xử lý vụ việc, Ban lãnh đạo Sacombank đã tổ chức nhiều buổi làm việc để giải đáp các vấn đề bà Dương vướng mắc. Đến ngày 26/12/2022, bà Dương chủ động liên hệ, đề nghị Sacombank tạm ứng hỗ trợ 15 tỷ đồng duy trì hoạt động kinh doanh trong quá trình chờ điều tra sự vụ. Sacombank đã chấp nhận đề nghị này nhưng sau đó, khách hàng thay đổi và không nhận tạm ứng nữa.

"Về phía ngân hàng, chúng tôi khẳng định không thoái thác trách nhiệm với khách hàng Hồ Thị Thùy Dương nói riêng và các khách hàng liên quan đến vụ việc xảy ra tại PGD Cam Ranh nói chung nhưng mọi việc cần xử lý tuân thủ quy trình và chờ kết luận từ cơ quan chức năng." - thông cáo nêu rõ.

Khách hàng phủ nhận việc đề nghị tạm ứng hỗ trợ 15 tỷ đồng

Trước thông cáo báo chí cho rằng bà Dương chủ động đề xuất tạm ứng 15 tỷ đồng. Tuy nhiên khi làm việc với phóng viên, bà Dương phủ nhận việc trên và nói rằng chính phía Sacombank chủ động trong việc đề xuất tạm ứng khoảng tiền 15 tỷ đồng nói trên.

Về vấn đề trên, ngày 18/11/2022 Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố, bắt tạm giam 4 cán bộ Phòng giao dịch Chi nhánh Sacombank TP. Cam Ranh bị khởi tố về tội tham ô tài sản.

Cùng với đó, ngân hàng Sacombank cho biết, hội sở đã thi hành quyết định cách chức đối với ông Phạm Tấn Minh - Giám đốc chi nhánh Sacombank Khánh Hòa vì ông đã có vi phạm liên quan đến vụ việc trên.

(Nguồn: Kenh14)

Ngân hàng đua nhau giảm lãi suất tiền gửi

Lãi suất tiền gửi liên tục giảm trong những ngày qua và mốc 9%/năm ngày càng ít hơn

Trong biểu lãi suất mới nhất, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã đồng loạt giảm một loạt lãi suất huy động với mức giảm cao nhất lên tới 2,1 điểm % ở các kỳ hạn dài.

Theo đó, khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy của VPBank khoản tiền dưới 10 tỉ đồng kỳ hạn từ 9 tháng trở lên giảm từ 8,7% xuống còn 8,2%/năm; khách gửi kỳ hạn dài từ 15-36 tháng lãi suất giảm rất mạnh xuống chỉ còn 7,1%/năm. Mức lãi suất cao nhất khi gửi tại quầy, khoản tiền dưới 10 tỉ đồng là 8,7%/năm kỳ hạn 13 tháng.

Nếu gửi tiết kiệm trên 10 tỉ đồng tại quầy, lãi suất cao nhất của VPBank hiện tại cũng chỉ là 8,8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, các kỳ hạn khác cũng giảm rất mạnh. Khi gửi tiết kiệm online, khách hàng sẽ được cộng thêm 0,1 điểm % lãi suất so với gửi tại quầy. Đây là lần điều chỉnh giảm mạnh lãi suất của VPBank kể từ cuối năm ngoái đến nay, nếu so với mức lãi suất ngân hàng này từng huy động trên 9%/năm.

Trước đó, một loạt ngân hàng thương mại tiếp tục xu hướng giảm lãi suất gồm 4 ngân hàng thương mại quốc doanh là Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, Eximbank, Sacombank, VietABank, Kienlongbank, NCB, OCB…

Ghi nhận đến thời điểm này, mức lãi suất huy động 9%/năm gần như chỉ xuất hiện ở một vài ngân hàng với một số kỳ hạn dài.

Như tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), lãi suất huy động kỳ hạn dài từ 18-36 tháng là 9%/năm khi gửi tại quầy và 9,3%/năm nếu khách hàng gửi tiết kiệm online. Đây là mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng này.

Tại Ngân hàng TMCP Bản Việt, khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 15 tháng trở lên vẫn được hưởng mức lãi suất 9%năm và mức lãi suất cao nhất là 9,3%/năm khi khách gửi kỳ hạn từ 24 tháng trở lên.

Trong báo cáo thị trường tiền tệ mới nhất, Công ty chứng khoán VNDirect cho biết lãi suất huy động đã quay đầu giảm từ giữa tháng 2-2023, tập trung ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân và nhóm ngân hàng thương mại nhà nước lần lượt ở mức 7,8%/năm và 7,2%/năm, giảm lần lượt 0,4 điểm % và 0,2 điểm % so với thời điểm cuối tháng 1-2023.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận phân tích vĩ mô và chiến lược thị trường VNDirect, kỳ vọng lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm nhẹ trong năm 2023, trong bối cảnh nhu cầu tín dụng giảm do tăng trưởng kinh tế chậm lại và thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn. Chính phủ thúc đẩy giải ngân đầu tư công giúp bơm thanh khoản vào nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động hơn trong việc hỗ trợ thanh khoản thị trường thông qua kênh thị trường mở, mua vào ngoại tệ...

"Tuy nhiên, mức giảm sắp tới sẽ không lớn do lãi suất giảm sẽ gây thêm áp lực lên tỉ giá trong bối cảnh Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tiếp tục tăng lãi suất chính sách đến giữa năm nay và giữ mặt bằng lãi suất cao đến quý IV/2023" – ông Đinh Quang Hinh nói.

(Nguồn: Người Lao Động)

Cước taxi sân bay Tân Sơn Nhất lại 'dọa' tăng

Công ty CP đầu tư TCP, chủ đầu tư nhà để xe TCP tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) vừa thông báo đến 7 doanh nghiệp taxi hoạt động tại sân bay về phương án thu giá dịch vụ từ 5.000 - 15.000 đồng/lượt đối với xe taxi truyền thống, áp dụng từ ngày 1.4.

Đổi phương án thu phí theo lượt

Theo đó, TCP sẽ dừng hợp đồng thuê vị trí đậu xe tại bãi đậu xe ô tô ngoài trời và thực hiện sắp xếp số lượng vị trí đậu xe căn cứ vào danh sách xe đăng ký kinh doanh vận tải tại sân bay Tân Sơn Nhất của các hãng taxi. Các taxi vào nhà để xe TCP qua trạm 1 phải dừng lại lấy thẻ kiểm soát và ra khỏi nhà để xe qua trạm 3 để di chuyển đến làn C và D để đón khách. Xe chờ đỗ ở bãi đệm không quá 30 phút rồi di chuyển đến làn C sẽ trả phí 5.000 đồng/lượt; còn nếu di chuyển đến làn D (hoàn toàn nằm trong nhà giữ xe của TCP) thì đóng phí 15.000 đồng/lượt. Mức phí này đã bao gồm thời gian đỗ chờ (30 phút) ở bãi đệm.

Trả lời Thanh Niên, ông Phạm Văn Châu - Giám đốc Công ty CP đầu tư TCP, cho biết thời gian qua, việc thu phí đỗ xe chờ tại đây dựa trên tỷ lệ số đầu xe đăng ký chạy của các hãng taxi để tính phí thuê. Tuy nhiên, qua quá trình hoạt động, đơn vị này gần như không thể kiểm soát được số lượng đầu xe ra vào bãi đệm để di chuyển đến làn C và D.

Đơn cử, một vị trí được thuê lại với giá 1,7 triệu đồng/tháng, nhưng các hãng để đầu xe sử dụng rất lớn, không đăng ký. Hãng có số lượng xe đang hoạt động nhiều nhất tại Tân Sơn Nhất hiện nay là Vinasun hằng ngày có khoảng 2.000 lượt xe ra/vào đón khách, 1 tháng có 60.000 lượt xe nhưng chỉ trả số tiền thuê bãi 11 triệu đồng, quá thấp để công ty duy trì hoạt động bãi đệm bao gồm chi phí về hạ tầng, điện, giao thông, trả lương cho nhân viên… Chưa kể, số lượng phương tiện di chuyển quá đông không kiểm soát gây nhiều bất cập, tiềm ẩn nhiều vấn đề về an ninh, trật tự và an toàn giao thông trong bãi đệm.

Từ thực tế đó, TCP đã xây dựng phương án kiểm soát số lượng đầu xe. "Việc tính phí theo lượt nhằm đảm bảo tính công bằng và phù hợp với hoạt động kinh doanh cũng như đảm bảo nguồn thu để TCP duy trì khả năng vận hành", đại diện TCP thông tin.

Taxi lo đội chi phí, phải tăng giá cước

Ngay sau khi nhận được thông báo của TCP, đại diện Hiệp hội Taxi TP.HCM đã có văn bản kiến nghị đơn vị này giữ nguyên phương án bãi đệm đậu xe taxi ngoài trời của TCP như hiện tại.

Theo Hiệp hội, việc thu phí theo lượt xe như trên làm tăng chi phí quá cao so với hợp đồng thuê vị trí đậu xe như hiện tại, gây khó khăn cho các hãng taxi phục vụ hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất. Đơn cử, một chuyến xe di chuyển từ sân bay về trung tâm TP có cước phí dao động từ 50.000 - 100.000 đồng. Nếu đi theo lộ trình mà TCP đưa ra hành khách sẽ phải trả 10.000 đồng vé vào sân bay và 5.000 đồng cước phí. Tổng cộng, hành khách phải trả 15.000 đồng cho cuốc xe này, ước tính bằng 15% giá cước 100.000 đồng và tương đương 30% nếu giá cước 50.000 đồng.

Mặt khác, nếu taxi đi qua làn D của nhà xe TCP, hành khách sẽ phải trả 10.000 đồng vé vào sân bay và 15.000 đồng phí đậu xe. Như vậy, hành khách sẽ phải trả phí lên tới 25% nếu giá cước 100.000 đồng, tương đương 50% nếu thu cước 50.000 đồng. Bên cạnh đó, các taxi sẽ phải thực hiện các thủ tục nhận thẻ, kiểm soát thẻ... mất rất nhiều thời gian mỗi khi vào sân bay đón khách.

So sánh về sự khác biệt giữa việc thu phí theo bãi đậu và theo lượt, ông Tạ Long Hỷ, Tổng giám đốc Hãng taxi Vinasun, cho biết hiện nay hãng này đang có 7 bãi đệm, mỗi bãi 1,7 triệu đồng/tháng, tổng cộng 11,9 triệu/tháng. Nếu áp dụng cách tính mới, hãng sẽ có thể phải trả tới 300 triệu đồng/tháng nếu bình quân một ngày có 2.000 lượt xe vào sân bay. Trường hợp taxi chạy vào làn D thì sẽ phải trả phí tới 900 triệu đồng/tháng. "Nếu nhà xe TCP cố tình áp dụng việc thu phí theo mức mới như trên, chúng tôi khó bảo đảm cam kết về số lượng xe taxi vào sân bay đón khách như chỉ đạo của Sở GTVT", ông Tạ Long Hỷ thông tin.

Trước phản ứng của các hãng taxi, ông Phạm Văn Châu chỉ rõ việc thu phí theo lượt chỉ áp dụng đối với các taxi sử dụng bãi đệm và hạ tầng bên trong nhà giữ xe TCP để di chuyển đến làn C hoặc làn D đón khách. Trong đó, làn D nằm hoàn toàn trong khu vực nhà giữ xe TCP và thực tế thì hiện nay, xe taxi truyền thống rất ít khi vào làn D do khách đón taxi hầu hết tập trung ở làn C.

"Chúng tôi không bắt buộc tất cả các xe taxi phải đi qua bãi đệm để trả phí. Việc di chuyển vào làn C của taxi vẫn có tuyến đường di chuyển không đi qua bãi đệm và không phải trả phí cho TCP. Vì thế, việc cho rằng mọi taxi vào sân bay đều phải trả phí khiến cước phí cao hơn là không chính xác", ông Châu khẳng định đồng thời cho biết tuần sau, TCP sẽ cùng các hãng taxi thảo luận phương án triển khai.

Khách hàng là "người chịu trận"

Thực tế hiện nay, với mỗi lượt đón taxi công nghệ tại Tân Sơn Nhất, hành khách đã phải trả tới 25.000 đồng tiền phí, trong đó có 15.000 đồng trả phí sử dụng hạ tầng nhà để xe TCP. Đây là mức phí không có sự lựa chọn bởi các hãng xe công nghệ được phân làn đón khách phía trong nhà để xe, phải tuân thủ đúng quy định. Nhưng 10.000 đồng phí theo kiểu BOT sân bay trả cho Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) thì mặc dù đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ khẳng định rằng "không đúng quy định pháp luật về đất đai do không phải nộp tiền sử dụng đất" từ 2018 nhưng đến nay, ACV vẫn "kiên trì" thu phí.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, nhận định đây là kiểu tận thu vô lý. Tại Cảng Tân Sơn Nhất đang phân chia thành 2 loại phí: Đường ra vào thì thu phí kiểu BOT, cứ xe đi vào đường của sân bay phải thu, không cần biết là xe cá nhân hay kinh doanh. Còn các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, làm lợi trên con đường đấy thì phải thu thêm phí thông qua việc đấu thầu hoạt động tại sân bay. Doanh nghiệp được kinh doanh trên tài sản, hạ tầng của nhà nước, đã thêm phần kinh doanh từ dịch vụ bãi đậu xe, chỗ giữ xe, lại còn tăng thêm nhiều khoản phí "đè" doanh nghiệp, cuối cùng đổ vào chi phí, người dân chịu.

"Khoản phí BOT thì "anh" kêu nộp ngân sách đóng góp cho nhà nước, để đảm bảo trật tự an toàn, giữ vệ sinh, điều tiết giao thông… tuy sai vẫn thu. Còn khoản "bổ đầu" doanh nghiệp là anh thu về "túi" anh, làm lợi cho doanh nghiệp của anh, là lợi dụng tài sản nhà nước để "ăn không" của doanh nghiệp, của người dân, làm tăng chi phí vận chuyển, tăng chi phí xã hội. Chính phủ, Bộ GTVT phải can thiệp, phải lập tức có ý kiến, can thiệp giải quyết triệt để vấn đề này", ông Đức thẳng thắn đề xuất.

(Nguồn: Thanh Niên)

Thị trường xẹp, đất đấu giá ở nhiều địa phương ế ẩm

Từ đầu năm nay, nhiều địa phương đã ồ ạt tổ chức đấu giá đất, nhưng không ít lô bị ế vì không có người trả giá. Tình cảnh này trái ngược hoàn toàn so với thời điểm hơn 1 năm trước.

Trong năm 2021 và đầu năm 2022, hầu hết phiên đấu giá đất ở các địa phương đều nhận được sự quan tâm từ nhà đầu tư. Các lô đất đấu giá được trả giá cao hơn so với giá khởi điểm. Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái tới nay, tình hình không còn sôi động như trước. Giá trúng các lô đất chênh thấp so với giá khởi điểm, thậm chí nhiều lô còn không có người tham gia trả giá.

Đơn cử, tại Bắc Giang, trong phiên đấu giá đất tại các phường Trần Phú, Đa Mai và xã Tân Tiến, Đồng Sơn, Tân Mỹ (thuộc TP Bắc Giang) diễn ra đầu tháng 3 vừa qua có tới 40 lô không có khách trả giá. Số lô ế khách này chiếm gần 41% tổng số lô đem ra đấu giá.

Trong đó, lô có giá trúng cao nhất có diện tích hơn 141m2, trị giá gần 3,4 tỷ đồng, tăng so với giá khởi điểm khoảng 320 triệu đồng. Hầu hết lô còn lại có giá trúng dao động từ 1,1 đến 1,3 tỷ đồng, chênh lệch không nhiều so với giá khởi điểm.

Trước đó, cũng tại Bắc Giang, ngày 26/2, tại phiên đấu giá đất khu dân cư mới xã Cảnh Thụy và khu dân cư thị trấn Nham Biền (huyện Yên Dũng), có 24 lô không có khách hàng trả giá, chiếm gần 67% tổng số lô được đưa ra đấu giá.

Tại Nam Định, chỉ hơn 1 năm trước, hầu hết phiên đấu giá đất đều tấp nập nhà đầu tư thì nay cũng rơi vào cảnh ế ẩm. Giá chênh thấp hơn nhiều so với giá khởi điểm. Trong tháng 3 này, Công ty Đấu giá hợp danh Xuân Trường phải phối hợp với một số đơn vị, cơ quan liên quan của huyện Hải Hậu đấu giá lại quyền sử dụng đất hàng chục lô đất tại các xã Hải Lộc, Hải Phúc, Hải Thanh, Hải Giang, Hải Sơn… do các phiên đấu giá trước chưa có người trả giá.

Tương tự, tại Hải Phòng, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản cũng đã 2 lần tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thuê và đấu giá tài sản công gắn liền với đất để thực hiện dự án khu du lịch, dịch vụ thương mại Vịnh trung tâm Cát Bà (huyện Cát Hải) nhưng đều không có đơn vị đăng ký tham gia.

Hay đầu năm nay, các xã An Hưng, An Hòa và Đồng Thái, huyện An Dương có 85 lô đất đấu giá thì chỉ có 15 hồ sơ đăng ký. Số lô được trả giá cao hơn giá khởi điểm không cao.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc các phiên đấu giá không còn sôi động cũng phản ánh đúng thực trạng của thị trường bất động sản hiện tại. Từ giữa năm 2022, thị trường đã rơi vào trầm lắng. Sức mua giảm. Số lượng giao dịch thành công rất ít.

Bên cạnh đó, đất đấu giá ở thời điểm trước bị thổi lên cao, trong khi nhu cầu ở thực lại không có. Thanh khoản trên thị trường kém cũng là lý do nhiều nhà đầu tư không mặn mà với đất đấu giá như giai đoạn trước.

Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội - cho rằng chuyện thổi giá đất thông qua đấu giá nhằm kéo giá trong khu vực không còn mới. Không ít người tham gia đấu giá chủ yếu là đầu cơ, đầu tư kiếm lời, còn nhu cầu thực thì rất ít. "Ở giai đoạn thị trường thanh khoản kém như hiện nay việc lướt sóng bán chênh khó nên nhà đầu tư cũng không tham gia nữa. Mức giá trước kia phải gấp 2-3 lần khởi điểm mới trúng thì nay chỉ cần chênh 5-10%, ông Điệp nhấn mạnh.

(Nguồn: Dân Trí)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang