Nông sản hưởng lợi nhờ TQ; Ồ ạt chào bán tour đi TQ; Dễ dàng mua bán thông tin cá nhân; Đất nền hạ giá 30%

Nhu cầu từ Trung Quốc "bùng nổ" sau dịch, nông sản Việt Nam hưởng lợi?

(Ảnh minh họa).

Sau khi Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch COVID -19, các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường này đều tăng mạnh trong tháng 2/2023.

Xuất khẩu đồng loạt tăng mạnh

Trung Quốc là một trong những khách hàng lớn của nông sản Việt Nam, song khi nước này thực hiện chính sách Zero Covid đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Từ ngày 8/1/2023, Trung Quốc bỏ tất cả các biện pháp xét nghiệm phòng chống Covid-19 tại các cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu, bao gồm cả hàng hóa đông lạnh. Hoạt động thông quan hàng hóa và vận tải hành khách tại các cửa khẩu biên giới được nối lại.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại giúp hoạt động xuất khẩu nông sản của nước ta sang thị trường này dần khôi phục. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ NN-PTNT và các chuyên gia trong ngành nhận định, xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc sẽ “bùng nổ” nhưng có độ trễ. Các nhà nhập khẩu Trung Quốc cần có thời gian đánh giá, xem xét nhu cầu tiêu dùng, từ đó tính toán đơn hàng nhập khẩu.

Các mặt hàng nông thủy sản sang Trung Quốc tăng mạnh từ tháng 2/2023. Hầu hết các mặt hàng đều ghi nhận mức tăng trưởng từ 2 đến 3 con số. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc ngỏ ý muốn mua lượng hàng lớn nông thủy sản từ Việt Nam.

Theo số liệu Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc 2 tháng đầu năm đạt 1,27 tỷ USD, đưa Trung Quốc thành khách hàng lớn nhất trong hai tháng đầu năm, chiếm 20,2% tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Tính đến hết tháng 2/2023, xuất khẩu điều sang Trung Quốc tăng 122,6% về lượng và tăng 106,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn tăng 37,1% về lượng và tăng 23,4% giá trị.

Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc cũng thu về hơn 90 triệu USD trong hai tháng năm nay, tăng tới 120,5% so với cùng kỳ; xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng 24,2%; xuất khẩu chè tăng 310,9%.

Xuất khẩu rau quả tới thị trường Trung Quốc hai tháng đầu năm cũng đạt 320,5 triệu USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 56,7% tổng trị giá xuất khẩu rau quả.

Tính đến hết tháng 2, chỉ mặt hàng cà phê, thủy sản ghi nhận mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoái. Song so với tháng 1/2023 thì kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản này trong tháng 2/2023 lại tăng đột phá. Cụ thể, xuất khẩu cà phê, thủy sản tháng 2 tăng lần lượt là 130,7% và 316,3% so với tháng 1/2023.

Nhiều tiềm năng từ thị trường Trung Quốc

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu, năm 2023, Trung Quốc sẽ là thị trường tiềm năng nhất của nông sản Việt Nam nhờ nhu cầu bùng nổ, vị trí địa lý gần, chi phí logistics và rủi ro thấp hơn các thị trường khác.

Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nông thủy sản tại Trung Quốc sẽ tăng mạnh, trong khi nguồn cung nội địa của quốc gia này khó đáp ứng kịp do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn đã khai thông cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, cùng với chi phí vận chuyển hàng hóa giảm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu.

Đánh giá riêng về mặt hàng rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc, lãnh đạo Hiệp hội Rau quả Việt Nam thông tin, Trung Quốc mỗi năm chi khoảng 15 tỷ USD nhập khẩu rau quả. Năm 2022, xuất khẩu rau quả nước ta sang Trung Quốc chỉ đạt 1,53 tỷ USD, chiếm thị phần nhỏ.

Hiện Việt Nam có hơn 11 loại trái cây ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Dự báo, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 2,5 tỷ USD, thậm chí chạm mốc 3 tỷ USD trong năm nay.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong mặt hàng thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc, cá tra đang có lợi thế do doanh nghiệp có sẵn quan hệ thương mại với các đối tác Trung Quốc.

Từ đó, cá tra Việt Nam có thể lấp đầy khoảng trống cá thịt trắng từ Nga trong bối cảnh xung đột chính trị vẫn chưa đến hồi kết. Đặc biệt, người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng tiêu thụ cá tra và các loại cá nước ngọt khác nhiều hơn cá rô phi - cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng xuất khẩu.

(Nguồn: Người Quan Sát)

Ồ ạt chào bán tour đi Trung Quốc từ tháng 4

Các đại lý, một số công ty du lịch bắt đầu chào bán tour từ Việt Nam đi Trung Quốc từ tháng 4/2023, gồm cả tour đường bộ và đường bay. Khách hỏi nhiều, các đơn vị lữ hành đang nghe ngóng xem những chuyến đi đầu tiên có “thuận buồm xuôi gió”.

Đầu tháng 4 có tour đầu tiên

Nhà chức trách Trung Quốc vừa chính thức thông báo mở lại cho mọi loại thị thực, trong đó có visa du lịch quốc tế, từ 15/3. Do đó, hoạt động bán tour đi Trung Quốc đang dần nhộn nhịp.

Các đơn vị lữ hành Việt Nam tập trung bán các sản phẩm tour đường bộ kết hợp tàu hỏa và tour đường bay (tận dụng chuyến bay charter đón khách Trung Quốc của Vietjet Air).

Cụ thể, với tour đường bộ, Flamingo Redtours đang bán tour đi Nam Ninh - Thanh Tú Sơn (3 ngày), giá từ 4,99 triệu đồng/khách; Nam Ninh - Quế Lâm (4 ngày) giá 6,49 triệu đồng/khách hoặc tour Nam Ninh - Phượng Hoàng Cổ Trấn - Trương Gia Giới - Thất Tinh Sơn (6 ngày), giá từ 7,99 triệu đồng/khách cho hành trình 6 ngày 5 đêm.

Trao đổi với PV. VietNamNet, đại diện công ty Flamingo Redtours cho hay, do còn chờ hướng dẫn chi tiết từ phía Trung Quốc về các thủ tục liên quan và chờ đường bay thẳng mở lại, trước mắt, công ty mới bán các tour đường bộ trên, khởi hành từ cuối tháng 4 (dịp nghỉ lễ 30/4-1/5).

Riêng với các tour đi theo dạng charter (thuê nguyên chuyến), công ty đang đàm phán với nhà cung cấp dịch vụ hàng không, đối tác landtour, từ đó mới có sản phẩm chi tiết phục vụ du khách.

Tại Công ty Kỳ nghỉ Đông Dương, do chào bán tour trước cả tháng nên đến nay, công ty đã có hơn 100 khách đăng ký tour đường bộ Côn Minh - Lệ Giang - Shangrila (6 ngày 5 đêm, giá 14,35 triệu đồng/khách), với 3 xe khởi hành đầu tháng 4.

Từ cuối tháng 3, Lữ hành Vietluxtour sẽ bán các sản phẩm tuyến Phượng Hoàng Cổ Trấn - Trương Gia Giới, khởi hành tháng 4, giá dự kiến từ 10 đến 17 triệu đồng, không thay đổi nhiều so với trước dịch.

Công ty du lịch Alibaba Việt Nam cũng chào bán các tour đường bộ (ô tô và 2 chặng tàu cao tốc) Hà Nội - Côn Minh - Lệ Giang - Núi tuyết Ngọc Long - Shangrila, khởi hành ngày 7/4, mỗi tuần một chuyến, trước mắt kéo dài đến tháng 6/2023. Giá tour là 12,99 triệu đồng/khách, dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 cộng thêm 500.000 đồng/khách.

Riêng tour đường bộ Trương Gia Giới - Phượng Hoàng Cổ Trấn, đại diện công ty thông báo không nhận khách do phía Trung Quốc dừng tàu chặng Nam Ninh đi Trương Gia Giới từ ngày 25/3, trong khi tour đường bộ có 2 đêm ngủ trên tàu. Tuy khách hỏi nhiều nhưng công ty vẫn tạm dừng nhận cho đến khi chuyến tàu đêm được mở lại, hoặc đối tác có phương án tốt hơn để du khách đỡ vất vả.

Chờ chuyến đầu "thuận buồm xuôi gió"

Với khách đi máy bay, tour Trương Gia Giới - Phượng Hoàng Cổ Trấn (6 ngày/5 đêm - bay charter), theo lịch sẽ khởi hành và thứ Tư, thứ Sáu hàng tuần cho giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 10. Giá tour dao động từ 13-14 triệu đồng/khách, riêng dịp lễ 30/4-1/5 là 15 triệu đồng.

Năm nay, tour này có điểm mới là có thêm điểm đến Viên Gia Giới - Thiên Tử Sơn, tuy khách phải đi xa một chút nhưng cảnh đẹp và tráng lệ như xuất hiện trong phim Avatar.

Tại phía Nam, tận dụng các chuyến bay charter được các DN lớn khai thác vào tháng giữa tháng 4-5/2023, công ty Beibaogo cũng đang bán các tour bay thẳng đến Phượng Hoàng Cổ Trấn, Trương Gia Giới và Thiên Môn Sơn. Tour có giá dao động từ 15,4-16,9 triệu đồng/khách tùy hành trình 5 ngày 4 đêm hay 6 ngày 5 đêm.

Giám đốc công ty, ông Hồ Hữu Huỳnh, cho hay, thủ tục làm visa đoàn sang Trung Quốc rất thuận lợi, chỉ cần khách có hộ chiếu và nộp thêm ảnh. Hiện chỉ một số khách lớn tuổi có tâm lý e ngại khi quay lại vùng dịch, còn giới trẻ vẫn rất háo hức. Về chi phí, so với giá tour đi Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản thì giá tour đi Trung Quốc vẫn rất phù hợp.

Tuy nhiên, đại diện công ty Alibaba cho rằng, trong giai đoạn đầu, phía Trung Quốc cũng như Việt Nam 1 năm trước đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự, đặc biệt là hướng dẫn viên. Các khách sạn, nhà hàng đóng cửa trong 3 năm, giờ mới bắt đầu rục rịch mở cửa trở lại, tu sửa, dọn dẹp,...

Chính vì thế, những vị khách đi Trung Quốc trong các đoàn đầu tiên có thể gặp cảnh chờ đợi lâu khi làm thủ tục xuất nhập cảnh do quá trình chưa mượt mà, nhân viên tại cửa khẩu còn bỡ ngỡ. Hàng quán chưa mở lại, các shop bán hàng có thể ít hơn.

(Nguồn: Vietnamnet)

Dễ dàng mua bán thông tin cá nhân

(Ảnh minh họa).

Lừa đảo qua điện thoại, cuộc gọi rác dội bom người dùng đã và đang diễn ra với nguy cơ ngày càng nhiều, đều có liên quan đến SIM rác lẫn việc thông tin cá nhân bị lộ lọt ra ngoài.

Thông tin cá nhân được mua bán công khai

Liên quan các vụ lừa đảo phụ huynh tại TP.HCM những ngày qua và nhanh chóng lan rộng sang nhiều tỉnh thành khác, nhiều phụ huynh đặt câu hỏi: Làm thế nào kẻ lừa đảo có được thông tin chi tiết, chính xác về tên phụ huynh gắn với con đang học lớp mấy, trường nào? Nhiều giả thuyết cho rằng có rất nhiều nguồn bị lộ thông tin, như từ trường học, từ các nhóm phụ huynh trao đổi với nhau hay từ các trung tâm tin học, ngoại ngữ…

Điều này tiếp tục cho thấy mối nguy từ việc lộ thông tin cá nhân. Hiện tình trạng mua bán, trao đổi dữ liệu khách hàng vẫn còn công khai, dễ dàng. Chẳng hạn, thử gõ từ khóa "Cần mua danh sách khách hàng" trên trang web tìm kiếm sẽ có hàng triệu thông tin xuất hiện. Nào là 1.000 danh sách khách hàng tiềm năng mới nhất; Data khách hàng với danh sách tiềm năng VIP; Danh sách khách hàng theo ngành nghề giá rẻ… Thậm chí có địa chỉ còn cung cấp miễn phí danh sách khách hàng nhưng kèm theo nội dung khuyến cáo là được thu thập qua nhiều nguồn khác nhau và không mua bán cũng như không chịu trách nhiệm về dữ liệu này.

Chưa nói đến việc các thông tin này chính xác hay không, nhưng các chuyên gia an toàn thông tin đều khẳng định hiện nay chỉ cần biết số điện thoại di động là nhiều người có thể tìm ra đầy đủ từ họ tên đến ngày sinh, số CCCD, địa chỉ nhà. Đó là mối nguy tiềm ẩn chực chờ với người dùng. Đầu tiên, kẻ xấu có thể sử dụng thông tin đó để mở ví điện tử online, tài khoản online... để lừa đảo người khác. Từ đó, chính chủ có thể bị đòi nợ dù không vay, hay bị liên lụy trong các vụ án lừa đảo. Hay chính người dùng bị kẻ lừa đảo mạo danh như trường hợp của các phụ huynh và nguy cơ sẽ còn kéo dài theo nội dung khác vì thông tin bị lộ không thể thu hồi lại được.

Theo Bộ Công an, hiện việc mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra dễ dàng, phổ biến. Dữ liệu của 2/3 dân số VN đang được lưu trữ, đăng tải, chia sẻ và thu thập trên không gian mạng với nhiều hình thức, mức độ khác nhau. Tình trạng này là do người sử dụng chưa có ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân, đăng tải công khai hoặc lộ trong quá trình chuyển giao, lưu trữ, trao đổi phục vụ hoạt động kinh doanh hoặc do biện pháp bảo vệ không tương xứng, dẫn tới dữ liệu bị chiếm đoạt và đăng tải công khai. Hiện trạng mua bán dữ liệu cá nhân đang diễn ra phổ biến, công khai, với các dữ liệu thô và dữ liệu cá nhân đã qua xử lý, tuy nhiên nhiều hành vi chưa được xử lý vì thiếu quy định.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật Công ty Công nghệ an ninh mạng quốc gia VN (NCS), phân tích: trong một vụ lừa đảo thì kẻ gian phải thu thập trước thông tin về nhóm đối tượng phù hợp với nội dung. Sau đó kẻ gian sẽ sử dụng phương tiện thực hiện nhắn tin, cuộc gọi thông qua SIM rác hay mạng xã hội, các phương thức gọi điện qua mạng… Như vậy, có thể nói rằng danh sách khách hàng là không thể thiếu để tiến hành cuộc gọi lừa đảo. Vì vậy song song với việc siết chặt quản lý SIM rác thì cần phải quản lý thông tin cá nhân chặt chẽ hơn.

Tăng cường đánh giá, truyền thông lẫn xử lý vi phạm

Cũng tương tự như câu chuyện SIM rác, VN đã có nhiều quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đảm bảo an toàn thông tin. Hơn nữa, bức xúc về việc lộ thông tin khách hàng đã đề cập từ lâu nhưng hầu như chưa giảm bớt. Ví dụ rất nhiều khách hàng chỉ vừa đặt mua vé máy bay trên trang web của các hãng hàng không thì ngay lập tức đã nhận được tin nhắn, cuộc gọi chào mời dịch vụ đưa đón từ sân bay Nội Bài, Phú Quốc, Nha Trang… Vấn nạn này đã được phản ánh từ năm 2017 và Cục Hàng không VN thời gian đó cũng đã có thanh tra, yêu cầu các hãng hàng không có giải pháp giám sát chặt chẽ, tăng cường bảo mật thông tin hành khách. Tuy nhiên đến nay tình trạng này vẫn diễn ra.

TS Võ Văn Khang, Phó chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía nam, cho biết liên quan vấn đề an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân của khách hàng đã được quy định rõ trong 2 bộ luật gồm luật An toàn thông tin mạng ban hành năm 2015 và luật An ninh mạng 2018. Thế nhưng tình trạng cơ sở dữ liệu lớn về khách hàng vẫn bị rò rỉ. Vì vậy, cần phải có quy định yêu cầu các đơn vị quản lý, nhất là với cơ sở dữ liệu của số lượng khách hàng lớn như giáo dục, y tế phải được đánh giá về mức độ an toàn thông tin hằng năm để báo cáo cơ quan quản lý cấp trên, tương tự như các doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo kiểm toán tài chính. Song song đó, vẫn phải tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân để mọi người có ý thức bảo vệ thông tin cá nhân.

Đặc biệt, để mang tính phòng ngừa, răn đe tâm lý coi thường pháp luật của những kẻ có hành vi lừa đảo thì phải điều tra, xử lý nhanh những trường hợp vi phạm kéo dài nhiều năm, như vụ lộ lọt thông tin khách hàng mua vé máy bay. "Xử lý theo quy định những vụ vi phạm và công bố chi tiết cũng là một cách để truyền thông rộng rãi, nâng cao ý thức cho người dân trong bảo vệ thông tin cá nhân, đồng thời răn đe những hành vi tương tự", TS Võ Văn Khang chia sẻ thêm.

Đồng tình, ông Vũ Ngọc Sơn cho rằng sắp tới khi nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân ban hành thì các cơ quan quản lý sẽ có thêm cơ sở để kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm như mua bán, trao đổi hay đánh cắp thông tin cá nhân. Hiện tại, sau những vụ lừa đảo đã xuất hiện ngày càng nhiều chiêu thức, không loại trừ lĩnh vực nào, các cơ quan, doanh nghiệp cần rà soát lại hạ tầng cơ sở dữ liệu, quy trình bảo mật của mình. Bên cạnh đó, người dùng cũng phải cẩn trọng hơn trong việc khai báo, chia sẻ thông tin cá nhân.

(Nguồn: Thanh Niên)

Đất nền đang hạ giá tới 30%: Có nên mua để tích sản?

Một số khu vực đang ghi nhận giá đất nền đang hạ nhiệt mạnh. Đây có phải là cơ hội để những nhà đầu tư tay ngang xuống tiền tích sản?

Tâm lý mua đất để tích sản

Thừa nhận không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp, mục tiêu của ông Nguyễn Đình Dũng (Hà Nội) mua 2 lô đất để tích sản. Tháng 8/2019, ông Dũng mua một lô đất 30m2 tại Long Biên với giá 20 triệu đồng/m2. Đến năm 2022, lô đất mà ông Dũng mua đã tăng giá lên tới 60 triệu đồng/m2. “Giá 60 triệu đồng/m2 mà không có đất để mua. Làm lụng cả đời không bằng tiền lời một lô đất”, ông Dũng nói. Chính bởi lý do này mà ông Dũng dự tính mua thêm một lô đất tại vùng ven Hà Nội để chờ tăng giá.

Từ tháng 7/2022, ông đã bắt đầu kết nối với các môi giới khu vực Láng Hoà Lạc, Sóc Sơn, Long Biên, Gia Lâm để tìm mua đất. Mục tiêu của ông Dũng, chọn lô đất với tầm giá dưới 15 triệu đồng/m2.

“Thời điểm tháng 7-10/2022, giá đất dù hạ nhưng chỉ giảm 5-10%. Đến tháng 1/2023, một số môi giới liên hệ lại chào bán giảm tới 200-300 triệu đồng so với tầm giá cách đó 2-3 tháng. Đơn cử như trước đó, tôi xem một lô đất tại Thạch Thất với giá 1,2 tỷ đồng. Trước Tết Nguyên đán, môi giới báo chủ nhà cần tiền bán gấp nên sẵn sàng hạ 900 triệu đồng. Tuy nhiên, tôi vẫn ngần ngại xuống tiền. Vì khu vực đó vẫn còn khá hoang vắng, dân cư thưa thớt. Dù mua tích sản nhưng tôi lo ngại đợi quá lâu để giá đất tăng”, ông Dũng nói.

Anh Nguyễn Lộc (Sóc Sơn, Hà Nội) cũng trong tâm thế “săn” lô đất rẻ với mục đích tích sản. 3 tháng đi khảo sát giá đất, anh Lộc cho biết: “Giá đất nền trong dân đều hạ trung bình 10-15%. Thậm chí, một số khu vực ở Sóc Sơn, chủ đất còn cắt lỗ tới 30%. Tôi vẫn đang chờ đợi thêm thời gian tìm kiếm lô đất đẹp, giá hợp lý để vào tiền”.

Khảo sát của một đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản ghi nhận, giá đất nền tại Hà Nội đã bắt đầu sụt giảm từ cuối năm 2022. Đơn cử như Mê Linh, Thanh Oai, Thạch Thất, Đan Phượng, giá đất nền trong dân giảm trung bình 10-20%. Cá biệt, có chủ đất cần tiền gấp, sẵn sàng cắt lỗ tới 30%.

Một số nhà đầu tư cho rằng, với làn sóng hạ giá đất nền, cơ hội cho người mua có nhu cầu tích sản đã tới.

Thời điểm thích hợp để tích sản?

Trong quan điểm của giới đầu tư, đất nền từng được ví như kênh đầu tư vua nhờ khả năng tăng giá trị cao, đặc biệt thời điểm sốt đất. Tâm lý của người mua luôn chuộng đất nền bởi tính thanh khoản tốt, khả năng tăng giá mạnh. Theo thống kê của Bộ xây dựng, năm 2022, tổng lượng giao dịch bất động sản thành công trên thị trường là khoảng 785 ngàn giao dịch, trong đó 80% đến từ đất nền.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc batdongsan.com.vn cho biết, dữ liệu của đơn vị này ghi nhận giá bán đất nền vẫn ở mức cao, thậm chí một số khu vực tăng giá. Ông Quốc Anh cho rằng, vấn đề giá tăng là do xuất phát từ nhu cầu, tức là cầu vẫn tăng tốt vì đây là loại hình đầu tư truyền thống của người Việt Nam.

Cũng theo ông Quốc Anh, xu hướng tăng giá của đất nền còn đến từ tâm lý kỳ vọng của người mua. Song vị này nhấn mạnh, cần phân loại rõ loại hình đất nền. Ví dụ như, nếu đất ở những khu vực có hạ tầng, tiện ích tốt, hay cạnh khu công nghiệp thì mặt bằng giá sẽ ổn định và có dư địa tăng giá. Còn những loại đất đầu tư không có giá trị sử dụng, chỉ mang tính chất “nước lên bèo lên”, mua xong để đó thì giá sẽ giảm.

Ông Quốc Anh dẫn ví dụ, những tỉnh có lượng FDI lớn như: Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng... đều là những nơi giá đất nền có mặt bằng giá ổn định, ít khi có sự sụt giảm. Còn những địa phương nào gần như không có yếu tố về mặt kinh tế thì khả năng sẽ giảm về đúng mức giá trước khi xảy ra những cơn sốt đất.

Dự báo về phân khúc này trên thị trường, ông Quốc Anh cho rằng, khó có cơn sốt đất xảy ra trong năm 2023 do thị trường bất động sản đang ở trạng thái trầm lắng, lượng giao dịch kém.

Ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc cũng nhận định, đất nền hiện là loại hình ghi nhận thanh khoản kém do trước đó các nhà đầu tư mua đi – bán lại dựa trên phần giá trị gia tăng của đất. Nhưng loại hình này không đánh vào nhu cầu ở thực. Trong khi đó, trở ngại về lãi suất cho vay, room tín dụng cũng như tính thanh khoản khiến phân khúc đất nền trầm lắng.

Bà Trang Lê, Giám đốc nghiên cứu và tư vấn JLL Việt Nam cho rằng, tâm lý gom hàng giá rẻ của nhiều nhà đầu tư vì cho rằng đây là thời điểm các sản phẩm quay trở về giá trị thật trong bối cảnh thị rường trầm lắng cần hết sức thận trọng.

Tuy nhiên, theo bà Trang Lê, một sản phẩm giá rẻ chỉ là cơ hội đầu tư tốt khi giá trị giao dịch trên thị trường thấp hơn giá trị nội tại mà sản phẩm đó mang lại. Nói về xu hướng đầu tư, bà Trang Lê nhận định, các nhà đầu tư sẽ mong muốn tìm kiếm dự án với mục tiêu phòng tránh rủi ro, “bảo toàn” dòng tiền. Trong thời điểm khó khăn hiện tại, bà Trang Lê nói, xu hướng đầu tư sẽ dịch chuyển sang dài hạn, hướng đến các khoản lợi nhuận trong vòng 3-5 năm tới thay vì nhảy sóng đầu cơ. Bên cạnh yếu tố an toàn, nhà đầu tư sẽ chú ý đến khả năng tạo dòng tiền bền vững từ dự án.

Cũng theo bà Trang Lê, năm 2023 có thể là thời điểm tốt để nhà đầu tư đang nắm tiền mặt tiếp cận bất động sản có giá tốt sau một khoảng thời gian dài thị trường phát triển mạnh và mặt bằng giá cao.

(Nguồn: CafeF)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang