Tìm lối thoát dự án BOT; Bồi thường dự án vành đai 3; Đổi công thức giảm kẹt xe TP.HCM; Tàu TQ phớt lờ yêu cầu của VN

Tìm lối thoát dự án BOT

Hoạt động đầu tư giao thông đường bộ đang gặp không ít khó khăn, rào cản do quy định pháp luật; có địa phương muốn bỏ vốn đầu tư xây quốc lộ, đường cao tốc, hỗ trợ vốn cho địa phương khác nhưng không được. Trong khi đó, dự án hợp tác công - tư (PPP) giao thông cũng giảm sức hút vì phần vốn nhà nước tham gia chưa đủ hấp dẫn, thậm chí chỉ đủ cho giải phóng mặt bằng.

Có tiền không được làm

Từ năm 2017 tới nay, chỉ có 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 (giai đoạn 1) được triển khai theo hình thức BOT, các dự án khác phải chuyển sang đầu tư công, hoặc chưa triển khai. Một trong những bất cập được chỉ ra: Có dự án vốn đầu tư lớn, nhưng vốn nhà nước tham gia tối đa 50% tổng mức đầu tư gồm cả giải phóng mặt bằng, dẫn tới nhà đầu tư phải huy động số vốn lớn, thời gian thu phí kéo dài, nhiều rủi ro, nên không có nhà đầu tư tham gia.

Điển hình như 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, tổng vốn hơn 117,6 nghìn tỷ đồng, nhưng phần vốn nhà nước chỉ hơn 55 nghìn tỷ đồng, còn lại nhà đầu tư phải thu xếp. Trong phần vốn nhà nước tham gia trên, hơn 1/3 vốn nhà nước cho giải phóng mặt bằng. Thậm chí, đoạn cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nhà nước hỗ trợ hơn 2,2 nghìn tỷ đồng cho nhà đầu tư, nhưng hơn 1,3 nghìn tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng, hỗ trợ phần xây dựng chỉ hơn 800 tỷ đồng. Sau đó, Quốc hội đã chấp thuận chuyển 5/8 dự án thành phần trên sang đầu tư công.

Để thu hút nhà đầu tư tham gia dự án BOT giao thông, Bộ GTVT và một số địa phương từng kiến nghị cấp thẩm quyền tăng phần vốn nhà nước tham gia hỗ trợ nhà đầu tư (lên trên 50% tổng vốn). Giải pháp này để tăng tính khả thi, hấp dẫn nhà đầu tư rót vốn cho giao thông, như các dự án: Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, cầu Đình Khao nối Bến Tre và Vĩnh Long, vành đai 4 TPHCM qua Đồng Nai…

Cũng theo quy định hiện hành, các dự án quốc lộ, đường cao tốc do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, sử dụng vốn ngân sách trung ương. Một số địa phương muốn đầu tư quốc lộ, đường cao tốc qua địa phương mình nhưng không được phép (địa phương chỉ đầu tư đường địa phương), như: Quốc lộ 4B tỉnh Lạng Sơn, quốc lộ 56 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, quốc lộ 80 tỉnh Kiên Giang, quốc lộ 54 tỉnh Vĩnh Long, cao tốc Mộc Châu - Sơn La, cao tốc Bắc Ninh - Nội Bài, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng… Bên cạnh đó, các dự án giao thông lớn, chưa có quy định góp vốn ngân sách địa phương để cùng ngân sách trung ương đầu tư (mới thí điểm cơ chế này với một số dự án cao tốc).

Luật hiện hành chỉ cho phép địa phương quyết định đầu tư, dùng vốn ngân sách địa phương, quản lý dự án trên địa bàn mình, không được hỗ trợ ngân sách hay quyết định đầu tư, quản lý dự án trên địa bàn tỉnh khác. Từ đó dẫn tới một số dự án kết nối 2 tỉnh (như cầu, hầm) gặp khó trong triển khai, dù địa phương có tiền và muốn làm. Điển hình như Hải Dương muốn đầu tư cầu Kênh Vàng nối với tỉnh Bắc Ninh, cầu Hải Hưng nối với tỉnh Hưng Yên, nhưng không thực hiện được, cũng không thể mỗi địa phương làm 1 nửa cây cầu. Khó khăn trên cũng xảy ra ở một số địa phương khác, như đường nối Bắc Kạn - Hồ Ba Bể (Tuyên Quang), hầm Hoàng Liên nối Lào Cai với Lai Châu, cầu Gành Hào nối Bạc Liêu với Cà Mau, dự án đường ven biển, một số cầu kết nối các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long… Từ đó, UBND tỉnh Hải Dương và các địa phương kiến nghị Chính phủ sớm có nghị quyết xử lý vướng mắc trên.

Dùng ngân sách tỉnh mình đầu tư tỉnh khác

Mới đây Bộ KH&ĐT trình Chính phủ đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc pháp luật liên quan đầu tư giao thông đường bộ. Bộ này cho rằng, để giải quyết vướng mắc trên, cần sửa nhiều luật, mất nhiều thời gian, trong khi thực tế đòi hỏi cần sớm tháo gỡ nhằm phát huy năng lực các địa phương về vốn, quản lý dự án; tăng tính khả thi cho các dự án kêu gọi hợp tác công - tư (PPP).

Cụ thể, Bộ KH&ĐT đề xuất, dự án PPP ở khu vực kinh tế - xã hội khó khăn, qua đô thị loại III, tỷ lệ vốn nhà nước hỗ trợ không gồm chi phí giải phóng mặt bằng. Giải pháp này sẽ tháo gỡ để phần vốn nhà nước thực tế tham gia vào dự án PPP cao hơn mức 50% nếu tính cả chi phí giải phóng mặt bằng.

Bộ KH&ĐT cũng đề xuất, trên cơ sở đề xuất của địa phương, Chính phủ xem xét quyết định giao địa phương bố trí ngân sách của mình để đầu tư, quản lý dự án quốc lộ, cao tốc qua địa bàn. Với các dự án giao thông qua nhiều tỉnh thành, trên cơ sở đề xuất của địa phương, Thủ tướng quyết định giao một địa phương có tỷ lệ vốn ngân sách tham gia nhiều hơn làm chủ đầu tư, hoặc theo thoả thuận của các địa phương; cho phép địa phương quyết định dùng ngân sách tỉnh mình hỗ trợ tỉnh khác (với sự đồng thuận của địa phương còn lại).

Đề xuất thí điểm 3 cơ chế mới kể trên trong 3 năm, sau đó sẽ đánh giá tổng kết để đưa vào các luật liên quan, tạo điều kiện thuận lợi đầu tư các dự án trong giai đoạn 2026 - 2030.

(Nguồn: CafeF)

Dự án đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh: Đã chi trả gần 2.600 tỷ đồng bồi thường

Ban điều hành dự án đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh vừa có thông báo, đến 17g ngày 24/5/2023, các địa phương đã chi trả được 2.594 tỷ đồng cho 612 trường hợp, với diện tích khoảng 263 ha, đạt khoảng 63% mặt bằng.

Theo đó, đối với dự án thành phần 1, hiện ban quản lý dự án công trình giao thông (QLDA CTGT) thành phố đã phát hành trên mạng hồ sơ mời thầu các gói thầu xây lắp và tư vấn giám sát.

Từ nay đến cuối tháng 6/2023, ban QLDA CTGT lựa chọn các nhà thầu xây lắp, tư vấn và ký kết hợp đồng để khởi công công trình trước 30/6/2023 (dự kiến khởi công 4 gói thầu xây lắp qua 4 địa phương Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh).

Đối với dự án thành phần 2, TP. Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh đã phê duyệt chính sách bồi thường hỗ trợ, tái định cư của dự án.

Ban QLDA CTGT đã chuyển kinh phí bồi thường đợt 1 cho TP. Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh với số tiền hơn 5.624 tỷ đồng. Hiện nay các địa phương đang khẩn trương chi trả tiền bồi thường đợt 1 cho các hộ dân. Dự kiến bàn giao 70% mặt bằng trong tháng 6/2023 để đáp ứng tiến độ khởi công 4 gói thầu xây lắp.

Thông tin về tiến độ công tác chi trả tiền bồi thường hỗ trợ tái định cư dự án vành đai 3 tại TP. Hồ Chí Minh, theo thông cáo báo chí, đến 17g ngày 24/5/2023, các địa phương đã chi trả được 2.594 tỷ đồng cho 612 trường hợp với diện tích khoảng 263 ha, đạt khoảng 63% mặt bằng.

Cùng thời điểm, theo báo cáo của chủ đầu tư dự án thành phần thuộc tỉnh Bình Dương, ngày 22/5/2023, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt đơn giá bồi thường dự án thành phần 6. Hiện các địa phương của tỉnh Bình Dương đang tục hiện các thủ tục để chi trả tiền bồi thường.

Tỉnh Bình Dương dự kiến sẽ khởi công công trình trước 30/6/2023 tại 2 vị trí có mặt bằng bao gồm nút giao Bình Chuẩn và cầu Bình Gửi (bao gồm mặt bằng phía huyện Củ Chi sẽ bàn giao trước 30/6/2023).

Tại Long An, chủ đầu tư dự án thành phần thuộc tỉnh Long An cũng đã có thông báo dự kiến sẽ khởi công dự án trước 30/6/2023. Chủ đầu tư dự án thành phần thuộc tỉnh Đồng Nai cũng dự kiến khởi công vào giữa tháng 07/2023 đoạn 2km. Như vậy, thời điểm khởi công của các dự án thành phần vẫn cơ bản đáp ứng theo kế hoạch.

(Nguồn: Môi trường & Đô thị)

Đổi 'công thức' giảm kẹt xe cho TP.HCM

Ùn tắc ngày càng có chiều hướng gia tăng, ngành giao thông TP.HCM đang chuyển hướng ứng dụng triệt để công nghệ và các giải pháp phi công trình, thay vì chỉ trông đợi vào các dự án trọng điểm trễ hẹn.

Điểm đen ùn tắc tăng dần đều

Sở GTVT TP.HCM vừa ban hành kế hoạch phối hợp triển khai các giải pháp xử lý 24 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông. So với giai đoạn đầu năm 2022, số điểm ùn tắc đã tăng thêm 6 điểm, gồm: Ngã tư Hàng Xanh; giao lộ Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện; khu vực cầu Xáng trên đường Trần Văn Giàu; Nguyễn Văn Linh - Phạm Hùng; Nguyễn Thái Sơn - Phạm Ngũ Lão; Phạm Văn Ðồng - Phan Văn Trị.

Trong danh sách 24 "điểm đen" này, chỉ có 2 khu vực ghi nhận có chuyển biến tốt trong thời gian qua là giao lộ QL50 - Nguyễn Văn Linh (H.Bình Chánh) và giao lộ Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp). Còn lại 8 khu vực không chuyển biến gì và 14 điểm có chuyển biến nhưng vẫn còn phức tạp, gồm một số tuyến đường "quen thuộc ùn ứ" với người dân TP như khu vực đường Tôn Ðức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh - Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), vòng xoay Lăng Cha Cả (Q.Tân Bình), nút giao Mỹ Thủy, nút giao An Phú (TP.Thủ Ðức), giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (Q.7)...

Danh sách các điểm ùn tắc của Sở GTVT chỉ "gói gọn" ở con số 24 nhưng rất nhiều người dân TP di chuyển hằng ngày phản ánh nhiều đường "nghẽn" khác. Trong đó có cầu Kênh Tẻ nối quận 4 qua quận 7. Thừa nhận giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ là điểm ùn tắc nghiêm trọng nhất vì có nhiều xe container nhưng anh Thành Huy (H.Nhà Bè) thắc mắc vì sao cầu Kênh Tẻ là nỗi ám ảnh của người dân khu nam TP nhưng lại vắng mặt trong danh sách này.

Theo anh Huy, mặc dù đã hoàn thành công trình mở rộng hơn 2 năm qua nhưng phần diện tích tăng thêm vẫn không thấm vào đâu so với lượng xe thường xuyên xếp hàng chen chúc trên trục đường Nguyễn Hữu Thọ. Từ cầu Kênh Tẻ, ùn tắc tiếp tục lan rộng xuống khu vực Phước Kiển, đặc biệt tại đoạn qua cầu Rạch Ðĩa 2. Nối xã Phước Kiển (H.Nhà Bè) và P.Tân Phong (Q.7), cây cầu này "gánh" một lượng lớn phương tiện đổ từ khu đô thị nam TP dồn về phía trung tâm.

Chưa kể, nhiều tuyến đường nội đô cũng đang dần xuất hiện trong danh sách "đường phải né" của cánh tài xế. Ðơn cử, phương tiện chạy từ Q.4 đi sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình) tới vòng xoay ngã sáu Phù Ðổng (Q.1) trước đây thường sẽ rẽ vào Lý Tự Trọng, đâm ra Trương Ðịnh để tránh dòng xe chen nhau trên đường Cách Mạng Tháng 8. Tuy nhiên, khoảng gần 1 năm trở lại đây, đoạn từ Trương Ðịnh - Lý Tự Trọng tới Trương Ðịnh - Nguyễn Ðình Chiểu gần như sáng nào cũng ùn tắc.

Trước tình hình này, Sở GTVT chỉ "dám" đặt mục tiêu cải thiện tình trạng giao thông, giảm dần số vụ ùn tắc và phấn đấu xóa được ít nhất 1 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông là khu vực cầu Xáng trên đường Trần Văn Giàu, H.Bình Chánh. Ðể kiểm soát 23 điểm còn lại, Sở GTVT lên kế hoạch tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm như hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (Q.7), nút giao An Phú

(TP.Thủ Ðức), đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (Tân Bình). Ðồng thời, đẩy nhanh thủ tục để sớm mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (Tân Bình), xây dựng cầu thép ngã tư Bốn Xã (Bình Tân). Song song, nâng cao hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu như cải tạo kích thước hình học, mở rộng tầm nhìn, tăng cường giá long môn, sơn đường, biển báo, lắp đặt camera quan sát giao thông và đo tốc độ tự động…

Không thể chờ hạ tầng đuổi kịp nhu cầu

Thực tế cho thấy dù ùn tắc lan rộng nhưng những công trình "trị bệnh" mà Sở GTVT TP nêu trên cũng đã "nhẵn mặt" trong danh sách dự án trọng điểm vắt từ năm này qua năm khác. Dự án nào cũng khởi công trễ hẹn và quá trình thi công ì ạch. Ngay như khu nam TP, theo kế hoạch của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông), các dự án quan trọng giải tỏa ùn tắc giao thông đều đang được xúc tiến triển khai từ đầu năm 2022. Khi đó, ưu tiên hàng đầu được nhắc tới là công trình cầu đường Nguyễn Khoái đã hoàn thành các bước trình tự thủ tục đầu tư và TP đang đợi bố trí vốn trong hạn bổ sung. Dự án sau khi đưa vào sử dụng sẽ kết nối từ khu chung cư Him Lam (Q.7) sang Q.4 và đấu nối xuống đường Võ Văn Kiệt.

Cùng với đó, cầu vượt Bình Tiên, đi từ Q.6 nối dài qua kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, nhập vào đường Nguyễn Văn Linh dự kiến được triển khai thi công cuối năm 2022, cùng dự án mở rộng QL50. Ngoài ra, UBND H.Nhà Bè đã kiến nghị làm trục 15B song song với đường Huỳnh Tấn Phát, kết nối với điểm đầu của cầu Cần Giờ. Ðây cũng là tuyến đường của trục bắc - nam góp phần giảm tải cho hệ thống giao thông hiện nay, đặc biệt là trục Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Tất Thành. Thế nhưng, tất cả những dự án được đánh giá là vô cùng cấp bách này đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Trả lời Thanh Niên, lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM thông tin, từ quý 2/2022, Sở GTVT cùng các ban, ngành liên quan đã tập trung hoàn thiện thủ tục để khởi công thêm một số công trình trọng điểm. Trong đó, khởi công nút giao An Phú cùng QL50, đường nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (Q.Tân Bình) là những công trình lớn được người dân trông đợi nhiều nhất. Dự án đặc biệt quan trọng kết nối liên vùng là dự án xây dựng đường Vành đai 3 cũng đang được tập trung triển khai, ghi nhận nhiều mốc tiến độ vượt bậc, quyết tâm hoàn thành cơ bản trong giai đoạn từ nay đến 2025. Tuyến metro số 1 cũng đang ở giai đoạn cuối chuẩn bị về đích…

Những dự án hạ tầng quan trọng, sau khi hoàn thành chắc chắn sẽ góp phần giải tỏa nút thắt giao thông của TP. Ðồng thời, thúc đẩy giao thương kết nối liên vùng, tăng khai thác quỹ đất, phát triển các dịch vụ logistics... mang đến cho TP.HCM cơ hội để đột phá hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế trong giai đoạn tới.

"Sau thời kỳ này, giao thông TP.HCM chắc chắn sẽ có cải thiện. Tuy nhiên, phải xác định giải quyết giao thông ở một siêu đô thị hơn 13 triệu dân, không thể tham vọng chuyển đổi nhanh chóng hay kỳ vọng làm đủ đường đáp ứng mọi nhu cầu di chuyển của người dân. Cần quá trình tịnh tiến đi cùng các chương trình được thực hiện bài bản ở trung hạn và dài hạn, bồi đắp thêm các giải pháp để tình hình dần dần được cải thiện. Ðó là lý do TP đang tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, bổ sung nhiều giải pháp phi công trình để cải thiện tình hình trên nền hạ tầng còn hạn chế hiện nay", lãnh đạo Sở GTVT khẳng định.

Ứng dụng triệt để công nghệ

Chia sẻ kỹ hơn về kế hoạch chuyển đổi số ngành giao thông TP, ông Ðoàn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM, cho biết thời gian qua, TP đã đưa vào khai thác mô hình mô phỏng dự báo giao thông trong công tác quản lý, quy hoạch giao thông đô thị. Hệ thống này điều khiển đèn tín hiệu giao thông khu vực trung tâm TP theo các kịch bản linh hoạt phù hợp với tình hình giao thông thực tế, tổ chức giao thông "làn sóng xanh" nhằm tối ưu hóa dòng giao thông, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt tại các nút giao. Hiện nay, hệ thống camera có kết nối dữ liệu trực tiếp đến trung tâm tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm gồm các quận 1, 3, 5, 10. Ngoài giám sát, những khu vực này sẽ có hệ thống thu thập lưu lượng, vận tốc của phương tiện trên tuyến đường, đưa vào mô hình, từ đó điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu phù hợp với từng tuyến trong từng khoảng thời gian khác nhau. Cùng với đó, phân tích, đo đếm và chủ động lên kịch bản ùn tắc để có phương án xử lý kịp thời.

Ðối với những khu vực chưa được áp dụng mô hình này thì thông qua hệ thống camera giám sát, phía trung tâm sẽ kịp thời phát hiện các sự cố, điểm ùn tắc để thông báo với các tài xế qua nhiều kênh truyền thông cũng như thông báo tới lực lượng công an giao thông nhanh chóng tới điều tiết, kéo giảm lượng phương tiện.

"Trong thời gian tới, trung tâm đã báo cáo đề xuất Sở GTVT tiếp tục mở rộng lắp đặt thêm hệ thống camera quan sát, đo đếm lưu lượng để phân tích, tạo kịch bản vận hành hệ thống đèn tín hiệu hiệu quả. Phải xác định để kéo giảm ùn tắc giao thông ở TP.HCM, cần đồng bộ nhiều giải pháp, kết hợp giữa hạ tầng, công nghệ và nhiều giải pháp phi công trình khác nhưng có công nghệ sẽ hỗ trợ rất tốt trong việc chủ động điều tiết giao thông một cách nhanh chóng, dễ dàng", ông Ðoàn Văn Tấn nói.

Khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP.HCM

Ngày 25.5, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trong tình hình mới. Ban Bí thư cho rằng thời gian qua TTATGT vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội. Việc bảo đảm TTATGT có lúc, có nơi bị buông lỏng, một số vi phạm chưa được khắc phục triệt để. Việc giải quyết ùn tắc giao thông tại một số TP, đô thị lớn vẫn còn nhiều khó khăn…

Ban Bí thư yêu cầu siết chặt trật tự, kỷ cương, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông và người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông. Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng.

Ban Bí thư yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về giao thông. Theo đó, tập trung rà soát, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về giao thông theo hướng quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo đảm TTATGT gắn với bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển KT-XH. "Xây dựng, ban hành luật TTATGT đường bộ và luật Đường bộ để cụ thể hóa một bước định hướng trên", chỉ thị nêu rõ.

Cùng với đó, Ban Bí thư yêu cầu khắc phục cơ bản ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trọng điểm là Hà Nội và TP.HCM; thực hiện nghiêm quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông; quan tâm phát triển hệ thống công trình giao thông ngầm, giao thông trên cao. Thực hiện nghiêm lộ trình di dời trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, bệnh viện lớn, khu sản xuất công nghiệp… ra ngoài khu vực trung tâm TP.

Giải pháp giảm ùn tắc tại 8 điểm không chuyển biến

1. Đường Nguyễn Thị Định (từ vòng xoay Mỹ Thủy đến cảng Cát Lái - TP.Thủ Đức):

Nghiên cứu phương án tổ chức lưu thông 1 chiều ra, 1 chiều vào riêng biệt tại nút giao Nguyễn Thị Ðịnh - đường A Khu công nghiệp Cát Lái đối với 2 khu đất do Khu công nghiệp Cát Lái và Công ty xi măng Hà Tiên quản lý; Nghiên cứu phương án cấm rẽ trái và quay đầu xe trên đường Nguyễn Thị Ðịnh tại khu vực giao lộ Nguyễn Thị Ðịnh - đường C Khu công nghiệp Cát Lái; Nghiên cứu cải tạo giao lộ Nguyễn Thị Ðịnh - đường C Khu công nghiệp Cát Lái (mở làn đường cho xe 2 bánh lưu thông phía trong, tách khỏi phần đường ô tô hiện nay).

2. Đường Nguyễn Tất Thành, Q.4:

Nghiên cứu phương án hạn chế một số loại phương tiện được phép lưu thông (đặc biệt vào giờ cao điểm); Nghiên cứu phương án cải tạo mở rộng phần đường xe lưu thông trên cầu Tân Thuận 2 nhằm đảm bảo chiều lưu thông đi Q.7 là 6 m và chiều đi Q.4 là 4 m; Tổ chức lưu thông 1 chiều cầu Tân Thuận như trước đây.

3. Giao lộ Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám, Q.Tân Bình:

Nghiên cứu phương án phân luồng giao thông tổng thể khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, đặc biệt là tổ chức giao thông khi các dự án như Xây dựng nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa; Mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý... hoàn thành (nhất là khu vực đường Cộng Hòa - Tân Kỳ Tân Quý - Trường Chinh).

4. Giao lộ Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện, Q.Tân Bình:

Tăng cường theo dõi, điều chỉnh tổ chức giao thông kịp thời, tránh để xảy ra ùn tắc giao thông do thi công gói thầu Xây lắp 9 (hầm chui tại giao lộ Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn) thuộc dự án Xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa; Ðẩy nhanh tiến độ thi công dự án Xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa.

5. Đường Trường Chinh (đoạn từ đường Âu Cơ đến đường Tân Kỳ Tân Quý), Q.Tân Bình:

Nghiên cứu thí điểm phương án lắp đặt hàng rào di động đóng các điểm mở dải phân cách tim đường Trường Chinh đoạn từ đường Âu Cơ đến đường Hồ Ðắc Di.

6. Giao lộ Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng, Q.Bình Thạnh:

Nghiên cứu tạo làn rẽ phải liên tục từ đường Ðinh Bộ Lĩnh vào đường Bạch Ðằng; Tăng cường xử lý tình trạng vi phạm dừng đỗ xe sai quy định trong giờ cao điểm trên đường Bạch Ðằng trong phạm vi 150 m từ đường Ðinh Bộ Lĩnh hướng về đường Lê Quang Ðịnh; Vuốt nối tạo êm thuận cho phương tiện lưu thông từ hẻm 405 Xô Viết Nghệ Tĩnh vào vị trí đường đầu cầu Sơn.

7. Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (từ Bạch Đằng đến ngã năm Đài Liệt sĩ), Q.Bình Thạnh:

Nghiên cứu đề xuất phương án cấm ô tô lưu thông trên đường D5 (đoạn từ hẻm 42 Ung Văn Khiêm đến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh) theo hướng từ hẻm 42 Ung Văn Khiêm đến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh; Cấm dừng đỗ xe theo giờ trên đường D5 (đoạn từ hẻm 42 Ung Văn Khiêm đến đường Nguyễn Gia Trí).

8.Ngã tư Hàng Xanh, Q.Bình Thạnh:

Nghiên cứu phương án điều chỉnh tổ chức giao thông khu vực như sau:

- Ðường Ung Văn Khiêm: điều chỉnh thời gian và hướng lưu thông của ô tô. Phối hợp với Trung tâm quản lý giao thông công cộng để thống nhất phương án điều chỉnh lộ trình xe buýt khi tổ chức phương án bỏ đèn tín hiệu giao thông tại ngã năm Ðài Liệt sĩ.

- Tạo vòng xoay lớn để tổ chức lưu thông 1 chiều các loại xe đối với khu vực đường Ðinh Bộ Lĩnh - Ðiện Biên Phủ - Xô Viết Nghệ Tĩnh - Bạch Ðằng.

(Nguồn: Thanh Niên)

Tàu Trung Quốc phớt lờ yêu cầu của Việt Nam về việc rời khỏi khu vực gần mỏ khí đốt của liên doanh Việt - Nga

Một tàu nghiên cứu của Trung Quốc và năm tàu hộ tống vẫn còn ở trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam hôm thứ Sáu (26/5) gần các lô khí đốt do các công ty Nga khai thác ở Biển Đông, một ngày sau khi Việt Nam yêu cầu các tàu này rời đi, theo Reuters.
Tàu Hướng Dương Hồng 10 (Xiang Yang Hong 10) của Trung Quốc bắt đầu hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào ngày 7/5, đánh dấu sự xâm phạm đáng kể nhất kể từ năm 2019, theo ông Ray Powell, người đứng đầu Dự án Myoushu trên Biển Đông của Đại học Stanford, Mỹ.
Ông Powell nói hành vi của Trung Quốc và phản ứng của Việt Nam là một “sự leo thang đáng lo ngại”.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết các vùng biển giàu năng lượng ở Biển Đông, bao gồm cả các khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Cuộc đối đầu năm 2019 kéo dài hơn ba tháng và chủ yếu nhắm vào một lô do công ty dầu mỏ nhà nước Nga Rosneft điều hành. Chưa đầy hai năm sau đó, Rosneft đã bán lô này của mình ở Biển Đông cho công ty Zarubezhneft do nhà nước Nga sở hữu, công ty vận hành một số mỏ khí đốt đang diễn ra tranh chấp.
Trong những tuần qua kể từ ngày 7/5, tàu nghiên cứu Trung Quốc, đôi khi có hàng chục tàu hộ tống, đã di chuyển phần lớn qua lô khí đốt 04-03, do Vietsovpetr, một liên doanh giữa Zarubezhneft và PetroVietnam, theo dữ liệu của Sáng kiến Biên niên sử Biển Đông (SCSCI), một tổ chức phi lợi nhuận độc lập theo dõi sự vận hành của tàu thuyền, cung cấp cho Reuters.
Tàu nghiên cứu này cũng thường xuyên đi qua các lô 132 và 131 mà Việt Nam đã cấp phép cho Vietgazprom, một liên doanh giữa tập đoàn khổng lồ Gazprom của Nga và PetroVietnam.

Ba công ty nêu trên và đại sứ quán Nga tại Hà Nội không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận của Reuters.
Trả lời câu hỏi về sự phản đối này [của Việt Nam], bà Mao Ninh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và các vùng biển lân cận, cũng như quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan.
“Các tàu liên quan của Trung Quốc thực hiện các hoạt động bình thường dưới quyền tài phán của Trung Quốc. Điều đó phù hợp và hợp pháp, và không có chuyện đi vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác”, bà nói trong một cuộc họp báo thường kỳ.
Bà Mao cho biết Trung Quốc đã duy trì liên lạc với các bên liên quan về vấn đề này và muốn hợp tác với họ để “cùng nhau bảo vệ hòa bình và ổn định của Biển Đông”, đồng thời nói thêm rằng Trung Quốc “chắc chắn sẽ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.
Hôm thứ Năm (25/5), khi Việt Nam đưa ra một tuyên bố công khai hiếm hoi yêu cầu các tàu Trung Quốc rời đi khi các tàu này đang ở lô 129, cũng do Vietgazprom điều hành, theo ông Powell.
“Việt Nam yêu cầu các cơ quan liên quan phía Trung Quốc tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, chấm dứt ngay hoạt động xâm phạm, rút tàu Hướng Dương Hồng 10 và các tàu hải cảnh, tàu cá ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam”, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ trong tuyên bố của chính phủ.
Tuyên bố này được đưa ra sau chuyến thăm Hà Nội hôm thứ Hai (22/5) của cựu Tổng thống Nga và Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev.
Nhận định về động thái mới nhất này, nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc ở Tp. Hồ Chí Minh, chia sẻ với VOA hôm 26/5:
“Đây là một phép thử của Trung Quốc xem Nga có đồng ý rút ra khỏi khu vực khai thác này hay không, hay là vẫn tiếp tục khai thác bất chấp sự đe dọa của Trung Quốc, và Trung Quốc cũng đang chờ Nga lên tiếng về việc này”.
“Chúng ta cũng thấy rõ rằng chuyến thăm của ông Medvedev đến Hà Nội, tôi nghĩ rằng cũng có khả năng hai bên Việt Nam và Nga đã có những ý kiến về vấn đề này!”, ông Phúc nêu nhận định cá nhân.
Ông Powell cho biết hai tàu kiểm ngư Việt Nam hôm thứ Sáu (26/5) đã theo dõi các tàu Trung Quốc ở khoảng cách 200-300 mét, đồng thời lưu ý rằng các tàu Trung Quốc đã di chuyển đến một khu vực liền kề với các tàu do các công ty Nga điều hành, theo Reuters.
Theo quy tắc quốc tế, các tàu thuyền được phép đi qua vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác, nhưng các hoạt động này của Trung Quốc từ lâu đã bị Việt Nam và các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, bao gồm cả Philippines và Malaysia, coi là hoạt động manh tính thù địch.

(Nguồn: VOA)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang