Ngày họp thứ 5 QH; Vận tải khốn khổ vì đăng kiểm; Quy hoạch Buôn Ma Thuột xóa sổ buôn làng; Nhổn-ga HN đi sớm về muộn

Thông cáo báo chí số 5, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

(Ảnh minh họa).

Thứ sáu, ngày 26/5/2023, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 5 của Kỳ họp thứ 5 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Nội dung 1: Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Nội dung 2: Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận đã có 22 đại biểu phát biểu, trong đó ý kiến các đại biểu cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến về phạm vi, đối tượng điều chỉnh; khái niệm người tiêu dùng; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; nguyên tắc và chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh; các hành vi bị cấm; xử lý vi phạm; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù; hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội; giải quyết tranh chấp; quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; việc bảo đảm cân bằng giữa quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng với quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Kết thúc phiên thảo luận, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy thay mặt cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.

Nội dung 1: Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Nội dung 2: Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Đây là lần đầu tiên Quốc hội thảo luận tại hội trường về nội dung này.

Tại phiên thảo luận đã có 21 đại biểu phát biểu, trong đó ý kiến các đại biểu cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, các đại biểu đã thảo luận về các nội dung được nhiều cử tri quan tâm liên quan đến một số lĩnh vực như: nông nghiệp, nông thôn; tài nguyên môi trường; y tế; giáo dục; lao động, thương binh, xã hội; giao thông, vận tải; công thương; văn hóa; nội vụ…

Các ý kiến đại biểu đánh giá về việc trả lời kiến nghị cử tri của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, chỉ rõ một số nội dung cử tri kiến nghị đã được trả lời, đánh giá chất lượng trả lời; những nội dung mà qua tiếp xúc cử tri và làm việc với địa phương, các bộ, ngành liên quan mà Quốc hội, đại biểu Quốc hội thu nhận được. Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, các đại biểu đề nghị các bộ, ngành Trung ương cần có giải pháp cụ thể, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, chất lượng của hệ thống pháp luật, kịp thời phát hiện các sai sót để kiến nghị hoàn thiện; các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý kiến nghị cử tri; Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành giải quyết những tồn tại, hạn chế, rà soát, giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, đảm bảo đúng lộ trình để báo cáo với cử tri.

Thứ bảy, ngày 27/5/2023: Sáng (truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam), Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Sau đó, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.

Chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Đề xuất bị 'treo', vận tải vẫn khốn khổ vì đăng kiểm

Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) đề xuất phương án chi tiết giãn chu kỳ kiểm định xe chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải, thời hạn kiểm định xác nhận bằng văn bản điện tử, nhưng đề xuất vẫn bị "treo" và chưa biết đến bao giờ mới được thông qua.

Doanh nghiệp vận tải kêu than

Sau thời gian nghiên cứu, cập nhật các tính năng để hỗ trợ đăng kiểm thuận lợi, ứng dụng Trung tâm đăng kiểm (TTDK) của Cục Đăng kiểm vào giữa tháng 5 đã thông báo ra mắt tính năng đăng ký tài khoản doanh nghiệp (DN) nhằm hỗ trợ các công ty vận tải, nhà xe, garage/salon ô tô hoặc các DN có số lượng lớn phương tiện có thể đăng ký nhiều xe và đặt lịch đăng kiểm. Theo Cục Đăng kiểm, tính năng này giúp các DN dễ dàng đăng ký nhiều phương tiện và đặt lịch kiểm định, đồng thời cũng giúp DN quản lý số lượng xe và số lượng lịch hẹn đăng kiểm trong từng thời điểm.

Tuy nhiên, thực tế dù có đăng ký tài khoản DN hay tài khoản cá nhân thì tình hình ùn tắc trên app (ứng dụng) vẫn không hề thuyên giảm. Ông T., chủ DN vận tải ở TP.Thủ Đức (TP.HCM), cho biết vẫn rất chật vật để đặt lịch đăng kiểm cho 6 chiếc xe tải vừa hết hạn đăng kiểm. Đăng ký qua app TTDK, ông T. nhận được số thứ tự kiểm định cho xe vào tháng 8, tức là 3 tháng nữa, không hề được ưu tiên. Cả 6 chiếc xe là cần câu cơm của gia đình phải "đắp chiếu" và nhiều lái xe, tài xế thuộc DN này phải thất nghiệp.

Không những thế, hợp đồng vận chuyển đã ký, xe không có để chạy, ông T. lo lắng khi sắp phải đối mặt với số tiền đền bù phá vỡ hợp đồng khổng lồ. Những ngày qua, ông T. cùng vợ phải chia nhau đến các trung tâm đăng kiểm ở TP.HCM và các tỉnh lân cận để tìm cơ hội đăng kiểm sớm cho phương tiện nhưng vẫn chưa thành công.

Trả lời Thanh Niên ngày 24.5, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải Bình Dương, cho biết: "Rất nhiều DN vận tải đang gửi kiến nghị cho hiệp hội để "kêu cứu" vì tình trạng đăng kiểm hiện nay vẫn hết sức bế tắc. Theo các DN, việc bốc số lấy phiếu lịch hẹn ngày kiểm định bằng thủ công các trạm đăng kiểm thông báo không cấp phiếu lịch hẹn với lý do đã cấp đến hết tháng 9.2023. Việc bốc số lấy phiếu lịch hẹn ngày kiểm định bằng app, website cũng không được vì hệ thống thông báo đã đầy".

Một DN kinh doanh xe container tại Bình Dương than thở: "Hiện nay lịch hẹn ở các trung tâm đăng kiểm đã kín hết tháng 7.2023. Dù DN đã chủ động đăng ký trước 15 - 30 ngày cho phương tiện tới hạn đăng kiểm, nhưng ứng dụng TTDK thường xuyên quá tải, bị lỗi kết nối gây khó khăn, mất thời gian. Khi DN đăng ký kiểm định thành công qua app thì sau đó tự động bị hủy vì chưa điền đầy đủ thông tin, nhưng lại không thông báo hủy qua điện thoại hoặc email để kịp thời điều chỉnh. Một hạn chế nữa là danh mục phương tiện được định dạng trên ứng dụng TTDK lại tách riêng xe đầu kéo và rơ moóc, trong khi hai phương tiện này tuy khác nhau nhưng là bộ phận không thể tách rời".

Xe nằm bãi vẫn phải đóng phí bảo trì đường bộ

Theo khảo sát ý kiến từ nhiều DN vận tải, hiện nay các danh mục kiểm định quá rườm rà, phức tạp, từ đó dẫn đến việc tỷ lệ trượt đăng kiểm rất lớn và mất thời gian khắc phục, sửa chữa để đăng kiểm lại.

Đại diện Hiệp hội Vận tải Bình Dương kiến nghị: "Các hạng mục nào hư hỏng, khiếm khuyết ảnh hưởng đến chức năng hoạt động, an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường... thì cần đăng kiểm. Còn hiện nay quá nhiều tiêu chí khắt khe nhưng không có tác động nguy hại, mất an toàn kỹ thuật, ảnh hưởng chức năng hoạt động của phương tiện, gây lãng phí thời gian, công sức của DN, cá nhân. Ví dụ như lỗi "số khung không đúng vị trí", việc đóng số khung cho phương tiện là do nhà sản xuất và cơ quan quản lý nhà nước thực hiện, DN sử dụng không can thiệp vào phần số khung của phương tiện. Màu sơn của phương tiện vận tải qua thời gian sử dụng vận chuyển, lưu thông khó tránh khỏi phai nhạt, nhưng màu sơn thì không ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của phương tiện".

Giải pháp hữu hiệu

Hiệp hội Vận tải ô tô VN đã kiến nghị cơ quan quản lý cho phép các xe cá nhân dưới 9 chỗ ngồi được tự động giãn chu kỳ kiểm định, bởi đây là giải pháp hiệu quả nhất để hạ nhiệt tình trạng quá tải kiểm định hiện nay. Giải pháp này được hầu hết DN, cá nhân đồng tình vì giảm được lượng xe cá nhân không phải đến trung tâm đăng kiểm để kiểm định, sẽ tạo điều kiện cho xe kinh doanh vận tải được kiểm định sớm hơn, từ đó tháo gỡ khó khăn cho các DN, giảm thiệt hại về kinh tế.

Một thành viên Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM cũng kiến nghị: "Các trung tâm đăng kiểm nên có khu vực dành riêng cho phương tiện cần khắc phục những khiếm khuyết, hỏng hóc nhỏ như áp suất lốp, áp suất phanh, đèn, điện, tránh mất thời gian xếp hàng lại vì phải ra ngoài khắc phục. Trong quá trình đăng kiểm cần thông báo cụ thể một lần danh mục khiếm khuyết, hư hỏng cần khắc phục. Hiện nay có rất nhiều trường hợp khắc phục khiếm khuyết cũ lại phát sinh khiếm khuyết mới, phải xếp hàng ra vào đến 5 - 6 lần mới đạt, gây mất thời gian và chi phí cho DN".

Một trong những bức xúc, thắc mắc của các chủ xe, DN, HTX hiện nay là phí bảo trì đường bộ. Anh Minh Long, chủ một công ty kinh doanh vận tải tại Bà Rịa-Vũng Tàu, phản ánh: "Việc kiểm định phương tiện chậm trễ gây thiệt hại rất lớn cho DN vận tải. Khả năng mất các hợp đồng vận chuyển, uy tín, hiệu quả kinh doanh nhưng phải gồng gánh nhiều chi phí sửa chữa, nhân công, bến bãi và lãi suất ngân hàng… Một điều vô lý hơn là trong thời gian chờ đăng kiểm mất vài tháng, xe không được phép hoạt động kinh doanh vận tải nhưng vẫn bị thu phí bảo trì đường bộ theo đúng thời hạn ở chu kỳ cũ, như vậy rất thiệt thòi cho DN và chúng tôi kiến nghị không thu phí bảo trì đường bộ cho đến khi xe được phép lưu hành, hay nói cách khác là điều chỉnh thời điểm thu phí bảo trì đường bộ ngay khi việc đăng kiểm hoàn thành".

(Nguồn: Thanh Niên)

Quy hoạch đất Buôn Ma Thuột “xóa sổ” nhiều buôn làng: Lãnh đạo mong bà con ráng đợi!

(Ảnh minh họa).

Chiều 25/5, UBND TP Buôn Ma Thuột họp báo công bố Quy hoạch (QH) sử dụng đất thành phố thời kỳ 2021-2030. Cuộc họp báo thu hút rất đông cơ quan thông tấn báo chí bởi trước đó xuất hiện thông tin, nhiều buôn làng hiện hữu bỗng dưng bị QH thành đất trồng cây lâu năm. Nhiều người có đất rơi vào tình huống oái oăm trên cũng hết sức băn khoăn, lo lắng.

Theo QH sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 của TP Buôn Ma Thuột, địa phương này chưa đưa vào quy hoạch QH sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 đối với 16 công trình, dự án trọng điểm, đầu tư công, thu hút đầu tư. Ngoài ra, thành phố tạm thời chưa đưa vào quy hoạch này đối với các chỉ tiêu đất ở chưa phù hợp với Quy hoạch chung thành phố đến năm 2025. "Tổng diện tích sau khi rà soát, có 12 đơn vị xã, phường chưa phù hợp với quy hoạch chung này nên tạm thời chưa đưa vào quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tổng diện tích khoảng 1.116ha", đại diện UBND TP Buôn Ma Thuột cho biết.

Lãnh đạo thành phố khẳng định, trình tự lập quy hoạch này được thực hiện theo Thông tư 01/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT), dựa trên nhu cầu về phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt là nhu cầu đất ở của người dân trên địa bàn. Quá trình lập, thành phố đã tổ chức lấy ý kiến của người dân 3 lần (?), sau đó tổng hợp vào dự thảo, phương án, được HĐND TP thông qua năm 2022 và trình Hội đồng thẩm định cấp tỉnh. Nguyên tắc lập QH là QH cấp dưới phải phù hợp với QH của cấp trên (tức quy hoạch chung đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2014).

“Vậy trước giờ UBND TP Buôn Ma Thuột cho người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở là sai so với QH chung?” PV đặt câu hỏi tại cuộc họp báo. Đại diện Phòng TN&MT TP Buôn Ma Thuột- đơn vị tham mưu quy hoạch trên lý giải: Việc cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất trước đó không sai bởi thời điểm đó chưa có Luật Quy hoạch. Đến năm 2017, Quốc hội mới ban hành luật này và có hiệu lực từ năm 2019, theo đó, yêu cầu QH của các địa phương phải phù hợp, đồng bộ tất cả; QH cấp dưới phải phù hợp, đồng bộ QH cấp trên.

Theo QH sử dụng đất TP Buôn Ma Thuột mới công bố, nhiều buôn làng hiện hữu, đông dân cư trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột bị xoá sổ hoặc bị cắt xén như: Thôn 7 (Thá Prông), thôn 8, thôn 4 (buôn Kdun)… thuộc xã Cư Êbur; buôn Hwiê thuộc xã Ea Kao; buôn Ea Nao B thuộc xã Ea Tu... Thậm chí, khu vực nhà của cố NSND Ymoan cũng bị chuyển thành đất nông nghiệp, trong khi buôn này được công nhận là buôn văn hoá.

UBND TP Buôn Ma Thuột cho biết thêm, hiện nay, QH tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và QH chung TP Buôn Ma Thuột đến năm 2045 đang trình Thủ tướng phê duyệt. Đối với toàn bộ nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực và nhân dân trên địa bàn thành phố đã được tổng hợp đầy đủ trong phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai trong QH tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Sau khi QH tỉnh và điều chỉnh QH chung TP Buôn Ma Thuột đến năm 2045 được Thủ tướng phê duyệt thì UBND TP Buôn Ma Thuột có trách nhiệm cập nhật, điều chỉnh đồng bộ QH sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 của thành phố với các QH khác theo quy định của pháp luật.

“Khi QH chung của tỉnh giai đoạn 2021-2030 được phê duyệt, thành phố sẽ điều chỉnh cho phù hợp, rất mong bà con chia sẻ, cố gắng đợi thêm thời gian”, ông Lê Đại Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột bày tỏ.

(Nguồn: CafeF)

Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội: Đi sớm về muộn

Dự án đường sắt đoạn Nhổn - ga Hà Nội dự kiến hoàn thành vào năm 2027, chậm 8 năm so với tiến độ ban đầu và đã đội vốn gần gấp đôi

Dự án đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - ga Hà Nội bắt đầu từ năm 2009, dự kiến hoàn thành vào năm 2015 nhưng sau nhiều lần chậm tiến độ, dự án này có thể phải năm 2027 mới hoàn thành.

Đội vốn gần gấp đôi, bị phạt 6.000 tỉ đồng

Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội có chiều dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km đi ngầm. Dự án này khởi công sớm hơn dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Sau hơn 13 năm thi công, hiện đã bị đội vốn từ hơn 18.000 tỉ đồng lên 34.826 tỉ đồng (gần gấp đôi), ngoài ra, số tiền bị phạt do chậm bàn giao mặt bằng khoảng 6.000 tỉ đồng.

Kế hoạch hoàn thành dự án là năm 2015 nhưng sau nhiều lần lùi tiến độ, mốc hoàn thành mới của dự án dự kiến là 2027, gồm cả đoạn ngầm, đoạn trên cao dự kiến khai thác thương mại trong năm nay.

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết việc dự án chậm tiến độ có nhiều lý do khách quan và chủ quan. Về nguyên nhân chủ quan, ông Tuấn thừa nhận công tác lãnh đạo chỉ đạo và điều hành của UBND thành phố đối với dự án chưa sát sao, quyết liệt; chậm trễ, vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB) và di dời hạ tầng kỹ thuật để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án; năng lực triển khai thực hiện dự án của chủ đầu tư và sự phối hợp giữa tư vấn, chủ đầu tư và các sở, ngành liên quan còn nhiều hạn chế, yếu kém; năng lực nhà thầu Hancorp là nhà thầu thực hiện gói thầu CP05 - công trình kiến trúc depot - hạn chế và chậm trễ thực hiện các yêu cầu của chủ đầu tư, UBND thành phố.

Về nguyên nhân khách quan, theo đại diện UBND TP Hà Nội, các vướng mắc liên quan đến sự khác biệt giữa quy định của hợp đồng FIDIC và pháp luật Việt Nam hiện hành; quy định về giao kế hoạch vốn ODA của Việt Nam và quy định của các nhà tài trợ như thủ tục giao vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương, vốn ODA vay lại trung hạn giai đoạn 2016-2020 chưa kịp thời, chưa phù hợp nhu cầu (do bắt đầu từ năm 2016 áp dụng quy định giải ngân vốn ODA theo kế hoạch theo Luật Ngân sách); các vướng mắc quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá, giá vật tư, thiết bị chuyên ngành đường sắt đô thị; (4) cơ chế, chính sách và quy định về GPMB rất phức tạp; ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Chấn (trú tại đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy) cho biết cách đây hơn 2 năm, nhiều người dân đã hồ hởi tới tham quan đoàn tàu cùng nhà ga với thông tin tuyến đường sắt đô thị là giải pháp xanh góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường ở thủ đô này sẽ đi vào khai thác thương mại đoạn trên cao vào cuối năm 2021, nhưng từ cuối năm 2021 tới nay, đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội vẫn chỉ dừng lại ở… chạy thử, chưa biết bao giờ mới vận hành thương mại.

Phải quy rõ trách nhiệm

Sốt ruột trước việc đường sắt Nhổn - ga Hà Nội liên tục chậm tiến độ, chuyên gia giao thông Nguyễn Hữu Đức cho rằng trách nhiệm trước hết là do Ban Quản lý Đường sắt Hà Nội (MRB). Vấn đề đặt ra hiện nay là nếu như đến năm 2027, dự án vẫn tiếp tục chậm tiến độ, không về đích đúng hẹn thì sẽ thế nào? Ai sẽ chịu trách nhiệm? Khi đó MRB lại tiếp tục "điệp khúc xin lùi", ai là người chịu trách nhiệm với người dân, với khoản đội vốn.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cần nhìn nhận xem từ nay đến thời hạn 2027 thì liệu các tồn tại, vướng mắc có giải quyết được không? Cần cơ chế gì để tháo gỡ, cần cấp thẩm quyền nào xem xét, quyết định… Cần công khai thông tin để các cơ quan, người dân giám sát.

Trong khi đó, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho hay để dự án có thể thực hiện thuận lợi, cần nhìn nhận đúng về hợp đồng ký với nhà thầu. FIDIC là loại hợp đồng quốc tế rất nhiều quốc gia trên thế giới tuân theo. Tinh thần của hợp đồng này là các bên đều là đối tác, có quyền lợi bình đẳng như nhau. Tuy nhiên, vấn đề của chúng ta hiện nay là chưa thể bảo đảm được sự công bằng với đối tác trong hợp đồng. Có những việc chủ đầu tư nhượng bộ nhà thầu lại bị luật pháp trong nước xem là thiếu trách nhiệm quản lý khiến chủ đầu tư rụt rè khi ứng xử.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) đề nghị phải chỉ rõ địa chỉ trách nhiệm của các cá nhân và tập thể trong việc dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội chậm tiến độ và đội vốn. Đồng thời, cần phải có chế tài nghiêm minh để người dân khỏi bị hụt hẫng, thất vọng về dự án này.

Đề nghị Hà Nội chịu trách nhiệm việc tăng vốn

Về sơ bộ tổng mức đầu tư (TMĐT) dự án điều chỉnh (34.826 tỉ đồng) mà Hà Nội vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết qua xem xét hồ sơ dự án cho thấy năm 2014, dự án điều chỉnh tăng TMĐT (lần 1) từ 18.408 tỉ đồng lên 32.910 tỉ đồng, tăng 14.502 tỉ đồng. Đến nay, Hà Nội đề xuất điều chỉnh TMĐT dự án từ 32.910 tỉ đồng lên 34.826 tỉ đồng, tăng 1.916 tỉ đồng. Như vậy, quá trình triển khai dự án được thực hiện trong thời gian dài, quy định của pháp luật có nhiều thay đổi trong từng thời kỳ.

Ngoài ra, theo ý kiến Bộ Xây dựng, dự án đang thực hiện dở dang, nhiều chi phí đã thực hiện hoặc đang thực hiện theo hợp đồng nhưng không có sự phân tách, làm rõ phần không điều chỉnh, phần điều chỉnh và nguyên nhân điều chỉnh; chưa đánh giá các vấn đề vướng mắc hiện nay tác động đến các khoản mục chi phí trong sơ bộ TMĐT và các chi phí phát sinh khác (nếu có).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND TP Hà Nội chịu trách nhiệm việc điều chỉnh TMDT dự án tương ứng với từng thời kỳ bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

(Nguồn: Người Lao Động)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang