Thiếu nguồn cung gỗ rừng trồng lớn; Giá chung cư bị thổi phồng; Dang dở các 'siêu dự án'; Giá nhà cho thuê tăng nhiệt

THIẾU HỤT NGUỒN CUNG GỖ RỪNG TRỒNG LỚN

Gỗ nguyên liệu từ rừng trồng hiện nay phần lớn là gỗ nhỏ, giá trị thấp trong khi nhu cầu gỗ lớn, chất lượng cao đang tăng

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của nhiều ngành, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn là điểm sáng. Năm 2023, ngành gỗ xuất khẩu đạt 13,5 tỉ USD, dự kiến tăng khoảng 17,5 tỉ USD vào năm nay, đòi hỏi nguồn cung nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước khá lớn.

Chất lượng gỗ thấp

Theo tìm hiểu, nguồn gỗ nguyên liệu từ rừng trồng trong nước chủ yếu là cây keo, có giá trị không cao do phần lớn trồng ngắn ngày, chỉ cho gỗ nhỏ, phù hợp sản xuất gỗ dăm, viên nén. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu nguồn gỗ lớn để sản xuất đồ gỗ xuất khẩu giá trị cao.

Bên cạnh đó, diện tích đất rừng trồng giao cho các hộ dân khá nhỏ, bình quân chỉ 1-2 ha/hộ, thậm chí có nơi chỉ vài ngàn m2/hộ, nên khó quản lý, dẫn đến tình trạng trồng rừng manh mún, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Chưa kể, cây gỗ lớn thường dễ bị gãy đổ, thiệt hại trong mùa mưa bão nên người dân không muốn kéo dài chu kỳ trồng. Trong khi đó, giá thu mua gỗ lớn không chênh lệch nhiều so với gỗ nhỏ nên chưa đủ sức hấp dẫn để kích thích người dân kéo dài chu kỳ trồng 7-12 năm để có gỗ lớn.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, các doanh nghiệp (DN) chỉ quan tâm việc có nguồn cung gỗ mà không muốn tham gia trực tiếp vào việc trồng rừng do chi phí cao và rủi ro lớn. Bên cạnh đó, nhiều DN không am hiểu về trồng trọt, không tìm kiếm được diện tích đất rừng đủ lớn - khoảng 10.000 ha - để cho nước ngoài vào đầu tư.

Ông Đặng Minh Lành, Giám đốc Công ty TNHH Nội thất New GBI, cho rằng bởi tình trạng trồng rừng manh mún nên DN khó có thể thu mua được gỗ lớn và không đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, thông tin diện tích rừng trồng ở Việt Nam đạt khoảng 4,4 triệu ha, trong đó có 1,4 triệu ha trồng với mục đích phòng hộ và 3 triệu ha đất rừng trồng thương mại phục vụ kinh doanh. Trong số đất rừng trồng thương mại, có đến 70%-80% là cây keo trồng 5-7 năm, cung cấp khoảng 30 triệu m3 gỗ/năm. Tiếp đến là cây cao su với sản lượng 3-4 triệu m3/năm và một số loại cây khác như bồ đề, bạch đàn, xoài, mít...

Cần giải pháp cụ thể

Nhu cầu nguồn cung gỗ trong nước vẫn lớn và đang tăng. Mỗi năm, ngành gỗ phải nhập khẩu 5-6 triệu m3 gỗ nguyên liệu để chế biến và tiêu thụ nội địa, đòi hỏi có giải pháp cụ thể để giải quyết triệt để vấn đề này.

Một đại diện Cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), nhấn mạnh cần tăng diện tích rừng trồng và đầu tư vào các loại cây gỗ lớn. Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ và khuyến khích người dân, DN tham gia trồng cây gỗ lớn, bên cạnh việc tăng cường kiểm soát, quản lý nguồn gỗ trong nước.

"Thực hiện Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng chống thiên tai đến năm 2030, Bộ NN-PTNT đã xây dựng kế hoạch hành động với mục tiêu đạt 1 triệu ha rừng trồng gỗ lớn. Đây là nguồn nguyên liệu chất lượng cao nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu gỗ nguyên liệu cho xuất khẩu. Muốn làm được, cần xây dựng hợp tác xã để tập hợp các hộ trồng rừng nhỏ lẻ, có chính sách bảo hiểm rừng trồng, hỗ trợ tín dụng cho người trồng rừng gỗ lớn..." - đại diện Cục Lâm nghiệp góp ý.

Ông Đặng Minh Lành cho rằng các tổ chức, hiệp hội cần đồng hành, hỗ trợ người dân trồng rừng với thủ tục gọn nhẹ, chi phí thấp hơn để có giấy chứng nhận rừng trồng hợp pháp, minh bạch ngay từ đầu, tạo thuận tiện cho DN thu mua.

Về chính sách vĩ mô, ông Nguyễn Chánh Phương kiến nghị nhà nước hỗ trợ người trồng rừng vay vốn với lãi suất thấp và bảo đảm đủ đất đai phục vụ trồng cây gỗ lớn. Song song đó, cần khai thác các giá trị khác từ rừng trồng như bán tín chỉ carbon, qua đó người dân có thu nhập cao hơn nên sẽ giữ rừng trồng lâu năm.

Ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ Xuất khẩu Việt Nam, nêu quan điểm cần tiến tới xuất khẩu nguyên liệu gỗ trong tương lai. Ông Mạnh cũng đề xuất giải pháp khuyến khích DN sử dụng nguyên liệu một cách hợp lý, áp dụng biện pháp xanh hóa như sử dụng nguyên liệu thay thế... nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp gỗ.

Được biết, từ năm 2013, Bộ NN-PTNT đã có chương trình tái cấu trúc ngành lâm nghiệp với mục tiêu kéo dài chu kỳ kinh doanh rừng trồng để có gỗ lớn với chất lượng cao hơn; nghiên cứu khoa học để chọn những loại cây cho gỗ có chất lượng tốt...

GIÁ CHUNG CƯ BỊ 'THỔI PHỒNG', LẬP TỨC GIẢM MẠNH NẾU CÓ CHỦ TRƯƠNG NÀY

Nguồn cung cạn kiệt trong khi cầu rất cao khiến giá chung cư tăng phi mã. Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng nếu đẩy mạnh được các dự án mới, nhất là cải tạo chung cư cũ, hình thành các dự án nhà ở xã hội quy mô lớn thì giá nhà sẽ giảm mạnh.

Lý do giá chung cư tăng liên tục

Chia sẻ với PV. VietNamNet, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản (EZ Property) cho hay, thị trường bất động sản đang rất khó khăn, nhưng giá chung cư vẫn tăng liên tục; trong khi giá đất nền ven đô giảm vẫn không có thanh khoản.

Ông Toản cho đây hiện là một nghịch lý. Theo ông, nguyên nhân chính là do nhiều dự án vẫn đang “tắc”. Dự án mới chưa được phê duyệt, thủ tục pháp lý đình trệ, dẫn đến không có nguồn cung mới trên thị trường. Trong khi các thành phố lớn như Hà Nội, tỉ lệ di dân cơ học cao, nhu cầu nhà ở rất lớn.

“Giai đoạn trước năm 2020, chung cư gần như là tiêu sản, mua xong chỉ có giảm giá, không có tăng giá. Nhưng từ sau năm 2020, chung cư đã trở thành kênh đầu tư với lợi nhuận bất ngờ. Chẳng hạn, khu vực An Khánh (huyện Hoài Đức), giá chung cư trước đây chỉ 15-17 triệu đồng/m2, thì nay tăng lên gần 40 triệu đồng/m2”, ông Toản dẫn chứng thêm.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo doanh nghiệp này, một nguyên nhân khác dẫn đến giá chung cư cao, đó là tiền thuế đất tại các dự án rất cao.

Chẳng hạn, tại quận Thanh Xuân, riêng tiền thuế đất mỗi mét vuông khoảng 15-20 triệu đồng; cộng thêm chi phí đầu tư xây dựng, các chi phí khác, mức giá sẽ rơi khoảng 37-40 triệu đồng/m2. Do đó, chủ đầu tư phải bán giá 50-60 triệu đồng/m2, mới có lãi.

“Tiền thuế sử dụng đất là một phần cấu thành lên chi phí lớn. Nếu dự án càng kéo dài thời gian đầu tư, thủ tục pháp lý thì chi phí tài chính càng lớn do tiền trả lãi suất vay ngân hàng càng cao…. dẫn đến giá nhà càng cao”, ông Toản cho hay.

Còn TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nhấn mạnh, 5 năm nay, Hà Nội không có dự án mới nên nguồn cung cạn kiệt, khan hiếm, trong khi nhu cầu cao.

“Nhu cầu đang quá lớn, nguồn cung không có, giới đầu cơ nhân cơ hội “thổi”, “đẩy” giá lên ở những dự án chung cư cũ. Việc mua đi bán lại càng khiến giá tăng cao. Trong bối cảnh này, nếu có dự án mới ra hàng chắc chắn họ cũng sẽ “tát nước theo mưa” để đưa giá bán cao.

Chuyện giá chung cư hiện nay cũng như câu chuyện cả chợ chỉ có một hàng bán thịt lợn. Nếu nhiều người mua nhưng chỉ có một bà bán thịt thì người bán chắc chắn sẽ cành cao, tăng giá”, ông Đính nói.

Cách nào hạ nhiệt giá chung cư?

Ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 cũng cho rằng, xuất phát từ nhu cầu của người dân rất lớn, quỹ đất dù lớn nhưng vướng thủ tục nên dẫn đến câu chuyện cung - cầu lệch nhau khiến giá chung cư liên tục tăng. Ông Quê nhận định, giá chung cư phải đến giữa năm 2026 trở đi mới có thể giảm.

Lý do, các dự án nhà ở nói chung và các dự án nhà ở xã hội phải giữa năm 2025 mới bắt đầu rục rịch về mặt thủ tục. Đến giữa 2026 khi nguồn cung tăng, giá mới hạ nhiệt được.

Ông Quê nhắc lại câu chuyện giá chung cư đã từng rất cao ở giai đoạn 2008-2010. Khi ấy, có dự án chung cư giá 50-70 triệu đồng/m2. Thế nhưng, đến năm 2011-2013, khi thị trường xuất hiện các dự án nhà thương mại giá rẻ, chỉ 11-15 triệu đồng/m2; giá chung cư trên thị trường lập tức hạ xuống.

Đơn cử, dự án chung cư Indochina Plaza ở đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy, Hà Nội), năm 2010 giá bán khoảng 50-60 triệu đồng/m2; nhưng đến năm 2013, nhiều căn “cắt lỗ” bán giá chỉ 30-35 triệu đồng/m2. Còn đến thời điểm hiện tại, khi nhu cầu tăng cao, cung ít, giá căn hộ tại đây rơi vào khoảng 100 triệu đồng/m2.

Dẫn câu chuyện này, ông Quê cho hay, không có nghĩa giá chung cư không thể giảm mà một khi nguồn cung tăng, giá sẽ tự điều chỉnh giảm. Nguyên tắc của bất cứ hàng hóa nào khi cung - cầu hài hòa, giá mới cân bằng.

Theo lãnh đạo Tập đoàn G6, cần đẩy mạnh cải tạo chung cư cũ vừa tạo bộ mặt đô thị khang trang, vừa tạo quỹ căn hộ mới cho người dân có nhu cầu. Đồng thời, phải hình thành các đại đô thị, các dự án nhà ở xã hội quy mô lớn, tập trung. Các dự án nhà ở xã hội đã được quy hoạch, Nhà nước cần có cơ chế riêng, đặc biệt là Hà Nội và TP. HCM mới đẩy nhanh được thủ tục đầu tư.

Đồng quan điểm, ông Đính cho rằng, giải pháp hạ nhiệt giá chung cư cấp thiết hiện nay là cần đẩy mạnh phê duyệt các dự án mới, để tăng nguồn cung.

“Khi các Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) đã được thông qua, cần sớm có giải pháp thúc đẩy để có dự án ra hàng. Bên cạnh chú trọng phát triển các nhà ở xã hội, cần ưu tiên các dự án nhà ở thương mại giá thấp. Chỉ cần có vài nghìn căn nhà ở xã hội hay nhà thương mại giá rẻ đẩy vào thị trường, lập tức giá chung cư sẽ hạ nhiệt ngay”, ông Đính nói.

Trong khi đó, Tổng giám đốc EZ Property Phạm Đức Toản khẳng định: “Giá chung cư sẽ lập tức giảm 40%, nếu Nhà nước đưa ra chủ trương lớn để các doanh nghiệp tham gia xây dựng một đại đô thị lớn ở ngoại ô thành phố như Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín (Thanh Trì)… với số lượng vài chục nghìn căn hộ”.

DANG DỞ Ở CÁC “SIÊU DỰ ÁN”, KHANG ĐIỀN (KDH) ĐANG SỞ HỮU GẦN 19.000 TỶ ĐỒNG HÀNG TỒN KHO

Dang dở ở các “siêu dự án” khiến lượng hàng tồn kho của Khang Điền (KDH) tăng đột biến hơn 50% trong năm 2023, lên gần 19.000 tỷ đồng. Đặc biệt, hàng tồn kho đang chiếm đến 76% tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp.

Gần 19.000 tỷ đồng năm ở các “siêu dự án”

Năm 2023, Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (Khang Điền; mã chứng khoán: KDH) ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 730 tỷ đồng, “bốc hơi” 42,7% so với năm trước (1.082 tỷ đồng). Bên cạnh, kết quả kinh doanh sụt giảm của doanh nghiệp, lượng hàng tồn kho cũng của Khang Điền cũng gây được sự chú ý không kém của các nhà đầu tư.

Cụ thể, tính đến thời điểm 31/12/2023, Hàng tồn kho của Khang Điền tăng hơn 50% so với đầu năm, lên 18.787 tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Phúc (Khang Phúc là công ty con của Khang Điền với quyền sở hữu và quyền biểu quyết là 100%) đang có lượng hàng tồn kho hơn 10.044 tỷ đồng, bao gồm: Khu dân cư Tân Tạo là 6.527 tỷ đồng, Khu định cư Phong Phú 2 là 1.675 tỷ đồng, An Dương Vương là 1.233 tỷ đồng và Khu Dân cư Bình Hưng 11A là gần 610 tỷ đồng.

Như vậy, riêng lượng hàng tồn kho của Khang Phúc đang chiếm 53,5% tổng hàng tồn kho của công ty mẹ Khang Điền.

Ngoài ra, hàng tồn kho dự án Bình Trưng Đông do Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Nhà Đoàn Nguyên (Đoàn Nguyên) làm chủ đầu tư (Đoàn Nguyên là công ty con sở hữu gián tiếp của Khang Điền với quyền sở hữu 50,85%, quyền biểu quyết 100%) là 3.380 tỷ đồng. Đây là hàng tồn kho lớn thứ 2 của Khang Điền sau dự án Khu dân cư Tân Tạo.

Hàng tồn kho lớn thứ 3 của Khang Điền cũng là dự án Bình Trưng Đông do Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Bình Trưng (Bình Trưng) làm chủ đầu tư (Bình Trưng là công ty con sở hữu gián tiếp của Khang Điền với quyền sở hữu 99,9% và quyền biểu quyết là 99,95%).

Tuy nhiên, nếu tính riêng dự án thì “siêu dự án” Bình Trưng Đông đang là hàng tồn kho lớn nhất của Khang Điền với giá trị hơn 7.500 tỷ đồng.

Theo thuyết minh BCTC hợp nhất quý 4/2023 của Khang Điền, phần lớn giá trị hàng tồn kho gia tăng của doanh nghiệp địa ốc này đến từ các dự án đã được hình thành từ trước đó.

Cũng theo thuyết minh, Nhóm Công ty đã vốn hóa chi phí lãi vay cho kỳ kế toán 12 tháng kết thúc ngày 31/12/2023 là hơn 760 tỷ đồng, con số này ở năm 2022 là gần 553 tỷ đồng. Các chi phí này liên quan đến các khoản vay nhằm tài trợ cho việc xây dựng và phát triển các dự án bất động sản của Nhóm Công ty.

76% tài sản ngắn hạn là hàng tồn kho

Ở một diễn biến khác, vào ngày 22/2 vừa qua, HĐQT Khang Điền đã thông qua bảo lãnh cho toàn bộ nghĩa vụ trả nợ đầy đủ, đúng hạn đối với khoản vay 4.270 tỷ đồng của Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Phúc (Khang Phúc) tại ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) – Chi nhánh TP.Hà Nội. Và hiệu lực bảo lãnh được duy trì đầy đủ cho đến khi công ty Khang Phúc hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ trả nợ đối với khoản vay tại Vietinbank.

Vào giữa tháng 2/2024, ĐHĐCĐ Khang Điền cũng vừa thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ, dự kiến thu về 3.000 tỷ đồng để thanh toán các khoản nợ vay.

Số tiền 3.000 tỷ đồng dự kiến thu được từ đợt phát hành này được Khang Điền ưu tiên thanh toán các khoản nợ vay trong hai năm 2024 và 2025. Công ty sẽ dành 2.700 tỷ đồng cho việc này. Ngoài ra, Khang Điền cũng dự kiến góp thêm vốn vào Công ty con là Khang Phúc để công ty này thanh toán các khoản nợ vay.

Về nguyên tắc, nợ vay của công ty con cũng được ghi nhận trong báo cáo hợp nhất của Khang Điền. Vì vậy có thể nói mục đích của Khang Điền là dùng toàn bộ số tiền thu được để thanh toán nợ vay.

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Khang Điền là 26.417 tỷ đồng, tăng 22,7% so với đầu năm. Trong đó, Tài sản ngắn hạn là 24.719 tỷ đồng, tăng 20,5%. Tiền và các khoản tương đương là 3.729 tỷ đồng, tăng 35,5%. Hàng tồn kho là 18.787 tỷ đồng, tăng 50,9%. Như vậy, Hàng tồn kho đang chiếm 76% Tài sản ngắn hạn của Khang Điền tính đến thời điểm cuối năm 2023.

Ở bên kia bảng cân đối kế toàn, Nợ phải trả của doanh nghiệp là 10.889 tỷ đồng, tăng 11,8% so với đầu năm. Trong đó, Nợ ngắn hạn là 5.328 tỷ đồng, tăng 52,1%. Nợ vay tài chính là hơn 6.345 tỷ đồng, bao gồm: khoản vay ngắn hạn hơn 1.067 tỷ đồng tại Vietinbank, khoản vay dài hạn gần 4.200 tỷ đồng tại ngân hàng OCB và nợ trái phiếu 1.100 tỷ đồng, lãi suất 12%/năm, đáo hạn vào giữa năm 2025.

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên sáng 22/3, giá cổ phiếu KDH ở mức 37.050 đồng, giảm 0,4% so với phiên giao dịch trước đó, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh là hơn 1,6 triệu đơn vị.

GIÁ NHÀ CHO THUÊ TĂNG NHIỆT

Sau một thời gian giảm giá, nhà cho thuê đã tăng nhiệt trở lại do nhu cầu tăng cao.

Nhu cầu thuê tăng

Sau nhiều lần tìm hiểu mua nhà, cuối cùng anh Nguyễn Viết Thành (Q.4, TP.HCM) quyết định thuê căn hộ tại chung cư Khánh Hội 2 với mức giá 10 triệu đồng/tháng. Anh kể trước đó anh có khoảng 250 triệu đồng, dự tính vay thêm ngân hàng để mua nhà. Tuy nhiên, sau khi tính toán, vay ngân hàng thời hạn 10 - 20 năm lãi suất cũng nhiều mà hiện nay công việc không ổn định, thu nhập giảm sút.

Trong khi đó, bạn bè anh giới thiệu đất trên Đắk Lắk hiện đã trồng sẵn cây tràm, khoảng 2 năm nữa sẽ cho thu hoạch nên anh quyết định xuống tiền đầu tư. "Sau khi kết thúc mùa tràm, tôi dự kiến sẽ trồng cây ăn quả hoặc trồng tiêu để có thu nhập ổn định hơn. Tôi cũng kỳ vọng giá đất sẽ tăng, khi đó tôi bán rồi mua nhà cũng chưa muộn", anh Thành cho biết.

Từng có nhà ở Q.8, TP.HCM nhưng anh Phùng Đình Quyền cũng kêu bán lấy 1,6 tỉ đồng rồi đi thuê một căn hộ tại chung cư Gold View (Q.4) với giá 20 triệu đồng/tháng. Lý do là công việc thường làm ban đêm, phải tan ca về khuya mà nhà cũ xa chỗ làm, mỗi tháng tiền thuê taxi cũng hơn 20 triệu đồng. "Tôi dùng số tiền này để trả tiền thuê nhà. Tiền bán nhà đã mua một mảnh vườn đang trồng sầu riêng. Hiện ở quê tôi tốc độ đô thị hóa đang rất cao, giá bất động sản tăng liên tục. Sau một vài năm tôi tin rằng tốc độ tăng giá của đất sẽ cao hơn căn hộ", anh Quyền tính toán.

Không chỉ anh Thành , anh Quyền có tính toán như vậy mà hiện xu hướng người trẻ chọn thuê thay vì mua nhà ngày càng nhiều. Thế nên trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn, phân khúc căn hộ cho thuê ở TP.HCM cũng ít bị ảnh hưởng hơn. Anh Trần Thưởng, môi giới bất động sản khu vực TP.Thủ Đức, cho hay tại nhiều chung cư, lượng khách thuê luôn sẵn, căn nào giá tốt, nhà đẹp thường chưa kết thúc hợp đồng cũ đã có khách cọc giữ chỗ, chỉ cần người thuê cũ trả nhà là họ dọn vào ở ngay. Tại dự án Him Lam Phú Đông và Phú Đông Sky Garden (TP.Thủ Đức) tỷ lệ nhà đầu tư mua căn hộ để cho thuê chiếm khoảng 30 - 35%. Giá căn hộ 2 - 3 phòng ngủ cho thuê giá 8 - 13 triệu đồng/tháng và luôn trong tình trạng được lấp đầy.

Tại chung cư The Sun Avenue (TP.Thủ Đức) giá cho thuê dao động từ 15 - 18 triệu đồng/căn 2 phòng ngủ đầy đủ nội thất/tháng (chưa bao gồm phí). Tại chung cư Metropole giá cho thuê đắt đỏ hơn từ 30 - 45 triệu đồng/căn hộ 2 phòng ngủ (chưa bao gồm phí). Tại khu chung cư Vinhomes Central Park (Q.Bình Thạnh) giá cho thuê mỗi căn hộ 2 phòng ngủ từ 20 - 22 triệu đồng/tháng, với đầy đủ nội thất.

Khu vực Q.4 nhà cho thuê cũng luôn trong tình trạng cầu nhiều hơn cung. Anh Trần Hiếu, một môi giới khu vực này, cho hay Q.4 giáp ranh với khu vực trung tâm TP nên nhu cầu thuê nhà ở đây rất lớn. Không chỉ thuê nhà để ở, nhiều người thuê nhà để làm căn hộ Airbnb cho thuê theo ngày. Do vậy giá thuê khu vực này bình quân khoảng 30 triệu đồng/căn hộ 2 phòng ngủ/tháng. Dù đắt đỏ là vậy nhưng "hở căn nào ra là hết căn đó"…

Mức lợi nhuận tốt và ổn định

Các chuyên gia của Tập đoàn bất động sản Savills cho rằng thời điểm này đang là giai đoạn tốt để xuống tiền đầu tư căn hộ cho thuê. Trong 3 - 5 năm tới, nguồn cung căn hộ nội thành TP.HCM sẽ vẫn khan hiếm, do quỹ đất cạn kiệt, pháp lý vướng mắc. Vì thế, sau khoảng thời gian khai thác cho thuê, nhà đầu tư có thể bán ra. Tỷ suất sinh lời trên căn hộ vẫn khá ổn, trong khi có thêm dòng tiền cho thuê.

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam, thông tin trong năm 2023, tỷ suất lợi nhuận từ đầu tư căn hộ cho thuê tại TP.HCM đã tăng lên mức 4,6%. Dù chưa thể về như trước dịch nhưng đã tích cực hơn năm 2022. Trong những tháng đầu năm 2024, giá thuê căn hộ TP.HCM có thể sẽ tăng 4 - 6%, theo đó, tỷ suất lợi nhuận cho thuê cũng sẽ tăng trở lại mức 4,9% như thời điểm trước dịch. Nhờ vậy, nhu cầu đầu tư vào phân khúc căn hộ này cũng sẽ tăng trở lại, kéo thanh khoản thoát khỏi tình trạng ảm đạm trong thời gian tới.

Theo báo cáo về xu hướng và tâm lý người tiêu dùng bất động sản (CSS) của Công ty PropertyGuru, giá nhà tăng cao cùng tình hình kinh tế khó khăn khiến xu hướng thuê nhà được dự báo sẽ gia tăng trong nửa đầu năm 2024. Trong đó, chung cư là loại hình bất động sản được người thuê quan tâm nhiều nhất (43%), sau đó là nhà riêng (18%) và nhà trọ (18%). Chỉ một bộ phận nhỏ (9%) quan tâm đến nhà phố cho thuê.

Ông Lê Bảo Long, Giám đốc chiến lược PropertyGuru VN, nhận xét: Với nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn, căn hộ cho thuê vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn vì có tỷ suất lợi nhuận trung bình cao (cộng gộp mức tăng giá theo thời gian và lợi nhuận cho thuê), trung bình khoảng 12,5%/năm. Đây là mức lợi nhuận tốt và ổn định hơn so với nhiều kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng, ngoại tệ, đất nền, gửi tiết kiệm… Việc tiếp cận nhà chung cư ngày càng trở nên khó khăn khi tốc độ tăng thu nhập không bắt kịp tốc độ tăng giá nhà. Trong tương lai, các dự án chung cư sơ cấp sẽ có mặt bằng giá cao vì chủ đầu tư phải tối ưu hóa lợi nhuận khi các chi phí bị đẩy lên. Điều này phần nào lý giải xu hướng nhiều gia đình trẻ đi thuê nhà ở hiện nay.

Ông Lê Mai Tài, Tổng giám đốc Công ty TNHH Phát triển Bất động sản C.R.E Group, nhận định: Sự chuyển dịch nhu cầu tiêu dùng của người dân thay đổi ngày càng đáng kể sau khi xảy ra những biến động lớn như Covid-19, khủng hoảng tài chính toàn cầu. Các khách hàng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, chỉ tập trung vào các nhu cầu thiết yếu đời sống như ăn uống, ở, làm việc gây tác động không nhỏ đến thị trường cho thuê bất động sản trong thời gian qua. Điểm sáng lớn nhất có thể nói đến là lĩnh vực nhà ở, dù sản phẩm căn hộ cho thuê được cung cấp ra thị trường rất lớn trong vòng 10 năm đổ lại đây.

Tuy nhiên với sự phát triển của xã hội cũng như cuộc sống hiện đại hóa khiến cho người dân dần chuyển hướng ưu tiên lựa chọn không gian sống tiện tích ngày càng cao làm cho nhu cầu thuê căn hộ chung cư, căn hộ cao cấp để ở cũng tăng không kém so với lượng cung căn hộ ra thị trường. Giá mua bán căn hộ chung cư tại TP.HCM hiện tại cũng rất cao so với thu nhập trung bình của người dân, do đó lựa chọn thuê căn hộ để ở vẫn đang là lựa chọn hợp lý hơn so với phần lớn người dân.

Nguồn: Người Lao Động; Vietnamnet; CafeF; Thanh Niên

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang