Sầu riêng bị TQ cảnh báo; DN kê bàn ra đường tuyển người; Chiêu 'lùa gà' mua đất nền lại nở rộ; Chôn vốn vì theo quy hoạch

VÌ SAO SẦU RIÊNG VIỆT NAM XUẤT KHẨU BỊ TRUNG QUỐC CẢNH BÁO?

Tổng cục Hải quan Trung Quốc cảnh báo về việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của quốc gia này.

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) vừa có văn bản yêu cầu Sở NN&PTNT các tỉnh Tiền Giang, Lạng Sơn, Đồng Nai, Đắk Lắk, Hà Nội và các doanh nghiệp, cơ quan liên quan thực hiện truy xuất các lô hàng sầu riêng xuất khẩu bị Trung Quốc cảnh báo.

Theo nội dung công văn, vừa qua Cục Bảo vệ thực vật nhận được thông tin cảnh báo từ Vụ Kiểm dịch Động Thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) về việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc.

Theo yêu cầu của GACC và quy định của Việt Nam về truy xuất an toàn thực phẩm đối với các lô hàng bị cảnh báo.

Ngoài ra, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các doanh nghiệp có tên trong danh sách cảnh báo, thực hiện điều tra nguyên nhân, truy xuất nguồn gốc các lô hàng bị cảnh báo, rà soát toàn bộ hồ sơ, quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu của doanh nghiệp (cung cấp hợp đồng thu gom lô hàng, danh sách cơ sở thu gom, vườn trồng cung cấp lô hàng, danh mục thuốc BVTV và phân bón đã sử dụng tại vườn trồng cung cấp lô hàng).

Tổ chức thực hiện các hành động khắc phục và áp dụng các biện pháp ngăn chặn tránh tái diễn vi phạm. Sau đó, gửi báo cáo kết quả về Cục Bảo vệ thực vật trước ngày 1/4/2024.

Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, Sở NN&PTNT các tỉnh Tiền Giang, Lạng Sơn, Đồng Nai, Đắk Lắk và Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đôn đốc, giám sát các doanh nghiệp thực hiện truy xuất các lô hàng bị cảnh báo.

Cùng với đó, thẩm tra báo cáo về nguyên nhân lô hàng bị cảnh báo và biện pháp khắc phục của doanh nghiệp; rà soát điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có lô hàng bị cảnh báo theo quy định của pháp luật.

Báo cáo kết quả kèm hồ sơ liên quan phải gửi về Cục Bảo vệ thực vật để có cơ sở phản hồi tới GACC trước ngày 3/4/2024, tránh việc nước nhập khẩu có các kết luận ảnh hưởng tới xuất khẩu nông sản.

Hiện, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng sầu riêng Việt Nam. Trong năm 2023, Trung Quốc đã chi 2,1 tỷ USD để mua 493 nghìn tấn sầu riêng của Việt Nam, tăng 1.036% về trị giá và tăng 1.107% về lượng so với năm 2022.

Thị phần sầu riêng Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc từ 5% năm 2022 tăng mạnh lên 34,6% năm 2023. Giá sầu riêng nhập khẩu trung bình từ Việt Nam đạt 4.332,2 USD/tấn.

Nhờ việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc thuận lợi, loại trái cây này của nước ta cũng tăng giá dựng đứng. Hiện, Giá sầu riêng vẫn khá cao, sầu riêng Ri6 hàng đẹp đứng ở mức cao nhất là 136.000 đồng/kg. Giá sầu riêng Thái tại khu vực miền Tây Nam bộ đứng mức cao nhất là 212.000 đồng/kg.

Sầu riêng cũng trở thành trái cây tỷ USD của Việt Nam. Xuất khẩu sầu riêng của nước ta cũng được kỳ vọng sẽ thu về 3 tỷ USD trong năm nay. Nhờ sầu riêng được mùa, được giá nên các nhà vườn trúng đậm. Bởi, 1ha sầu riêng có thể cho lợi nhuận từ 1-2,5 tỷ đồng tùy loại và tùy thời điểm.

'KHÁT' LAO ĐỘNG, DOANH NGHIỆP KÊ BÀN RA ĐƯỜNG ĐỂ TUYỂN NGƯỜI

Những ngày gần đây, nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai có nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc với số lượng lớn. Có những doanh nghiệp kê bàn ra đường để phỏng vấn.

Ghi nhận của PV. VietNamNet, từ giữa tháng 3, nhiều doanh nghiệp tại huyện Trảng Bom và TP. Biên Hòa (Đồng Nai) đã treo băng rôn tuyển dụng lao động ngay trước cổng khu công nghiệp (KCN) và trên các tuyến đường lớn.

Trên đó ghi rõ danh tính công ty, số lượng cần tuyển, vị trí tuyển dụng, mức lương và chế độ đãi ngộ.

Tại KCN Biên Hòa 2 (TP. Biên Hòa), Công ty Fashion Garments Chi nhánh Biên Hòa - chuyên sản xuất may mặc đồ xuất khẩu - thông báo tuyển 500 lao động, gồm công nhân may và đào tạo may, với mức lương trung bình khoảng 8,5 triệu đồng/tháng, chỉ làm việc từ thứ Hai đến thứ Sáu.

Để thu hút lao động, doanh nghiệp thông báo nhận hồ sơ và phỏng vấn trực tiếp hàng ngày tại cổng công ty. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn có chính sách nội bộ khi giới thiệu người mới.

Mặc dù quy trình tuyển dụng đơn giản, nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhân sự mới nhưng vẫn ít người tới nộp hồ sơ.

Tương tự, Công ty TNHH Saitex International (KCN Amata, TP. Biên Hòa) - doanh nghiệp chuyên sản xuất quần áo jean cao cấp xuất khẩu - cũng treo băng rôn thông báo tuyển dụng cho 3 nhà máy đóng trên địa bàn, gồm các bộ phận may như: in thêu, cắt rập, kiểm hàng, đóng gói, kho...

Doanh nghiệp cũng cho người kê bàn ra đường, phía trước nhà máy, để trực tiếp tuyển dụng và phỏng vấn. Nếu đạt yêu cầu, công nhân sẽ được nhận vào làm ngay với mức thu nhập từ 8 triệu đồng/tháng, tùy vị trí và năng lực. Công ty còn hỗ trợ thêm 3 triệu đồng trong 3 tháng đầu, như: phụ cấp xăng xe, lao động có con nhỏ dưới 6 tuổi, thưởng năng suất,...

Một doanh nghiệp khác chuyên gia công giày thể thao nổi tiếng là Công ty TNHH Cibao (KCN Suối Tre, TP. Long Khánh) cũng có nhu cầu tuyển dụng hơn 2.000 lao động, như lao động phổ thông, công nhân sản xuất, nhân viên văn phòng, cán bộ quản lý,... với tổng thu nhập từ 8,5 triệu đồng/tháng trở lên và có hỗ trợ xe đưa rước cho công nhân ở xa.

Một nhân sự tuyển dụng tại Cibao cho hay, cần tuyển nhiều nhất là vị trí lao động phổ thông. Tuy nhiên, từ Tết đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa tuyển dụng đủ số lượng, mỗi ngày chỉ nhận được vài chục hồ sơ xin việc.

Đang xem bảng thông báo tuyển dụng tại cổng KCN Amata, chị Lê Thị Lan ( 30 tuổi, ngụ phường Long Bình, TP. Biên Hòa) nói, do không có tay nghề và mới vào Đồng Nai nên chị phải tìm hiểu doanh nghiệp nào hợp với năng lực để nộp hồ sơ.

“Lao động phổ thông cũng nhiều công ty tuyển dụng. Tôi định xin vào một công ty may trong KCN Amata vì thấy mức lương cũng đủ sống, có nhiều phụ cấp hỗ trợ công nhân”, chị Lan chia sẻ.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai, gần 400 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động, với số lượng hơn 27.000 người. Các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất là: may mặc, da giày, điện tử, cơ khí, vận tải,...

Tuy nhiên, địa phương đang đối mặt bài toán khó là sự không phù hợp giữa nhu cầu tuyển dụng và nguồn nhân lực đang thất nghiệp, dẫn đến thực trạng một số người vẫn thất nghiệp trong khi có nhiều vị trí việc làm trống do không phù hợp về kỹ năng hoặc địa điểm làm việc,...

Việc các doanh nghiệp tràn cả "xuống đường" tuyển dụng lao động là giải pháp tình thế cho bài toán thiếu hụt lao động, giúp nhanh chóng tìm được ứng viên phù hợp. Thế nhưng, để thu hút và giữ chân người lao động, điều mà các doanh nghiệp cần quan tâm là cải thiện môi trường làm việc và có chế độ đãi ngộ tốt.

CHIÊU TRÒ "LÙA GÀ" MUA ĐẤT NỀN LẠI NỞ RỘ

Người có nhu cầu mua bất động sản cần hết sức thận trọng với những lời chào mời hấp dẫn

Báo cáo của các công ty nghiên cứu bất động sản (BĐS) đều cho thấy nhu cầu tìm mua nhà đất đã tăng mạnh từ trước Tết đến nay.

Nhu cầu tăng

Ông Phan Sang, một môi giới BĐS tại Lâm Đồng, cho biết từ trước Tết đã có vài khách nhắn nhờ tìm đất vườn có "view" đẹp, diện tích 1.000-2.000 m2, đã có sổ đỏ trong đó công nhận một phần đất thổ, mức giá vừa phải, tầm 1,5-1,8 tỉ đồng. Ông đã tìm được mảnh đất rộng 1.300 m2, có 100 m2 thổ cư, giá 1,65 tỉ đồng ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, khách xem rất ưng ý và chuẩn bị chốt cọc.

Theo ông Sang, nhu cầu mua đất vườn, thổ cư ở tỉnh có tăng nhưng chỉ dừng ở mức thăm dò, giao dịch còn rất ít. Họ quan tâm chủ yếu tới những BĐS đang giảm giá mạnh 20%-30% so với năm ngoái.

Tại TP HCM, nhiều người cũng bắt đầu đi "săn" và chốt cọc nhiều mảnh đất vừa túi tiền để đầu tư hoặc xây nhà ở. Ông Trương Chung - môi giới nhà đất ở TP Thủ Đức, quận 12, huyện Hóc Môn và Củ Chi - cho hay trong bối cảnh BĐS gặp biến động, giá đất nền giảm không nhiều và đến nay đã "rục rịch" giao dịch lại.

"Chẳng hạn, lô đất ở phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức diện tích 80 m2 (ngang 4 m, dài 20 m), hẻm ô tô, vừa được khách chốt cọc 4,6 tỉ đồng, song chỉ khu vực TP Thủ Đức và tập trung ở các phường Phú Hữu, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, đất nền hẻm ô tô giá dao động từ 3-4 tỉ đồng (diện tích 60-70 m2) mới được quan tâm nhiều, không phải khu nào cũng có giao dịch" - ông Chung cho hay.

Ông Trần Khánh Quang, chuyên gia BĐS cá nhân, cho biết thông thường sau một chu kỳ kinh tế, sự hồi phục bắt đầu bằng chứng khoán, sau đó sẽ là BĐS. Chính vì vậy, khi chứng khoán đang tăng mạnh, nhiều nhà đầu tư chốt lời thì BĐS là nơi dòng tiền trú ẩn. Trong đó, đất nền là phân khúc hấp dẫn nhất, sau đó mới đến các phân khúc khác.

Tái diễn chiêu trò cũ

Cũng do nhu cầu mua BĐS để đầu tư, để dành gia tăng trở lại thời gian gần đây, các chiêu trò kinh doanh địa ốc kiểu "treo đầu dê bán thịt chó", "lùa gà" mua đất nền ở tỉnh cũng xuất hiện nhiều hơn.

Tuần trước, phóng viên ghi nhận một tin rao ngân hàng thanh lý căn hộ ở quận 4 với giá rẻ bất ngờ trên một website mua bán nhà đất và liên hệ người đăng thì được người này giới thiệu rất nhiều thông tin hấp dẫn về dự án, căn hộ và chính sách mua bán. Người này sau đó liên tục nhắn tin, gọi điện mời gọi chúng tôi đến một địa chỉ trên đường Song Hành, TP Thủ Đức để xem tình trạng pháp lý căn hộ và làm thủ tục.

Tuy nhiên, khi đến nơi, chúng tôi và nhiều người khác thấy đây chỉ là quán cà phê. Một số người tự xưng nhân viên môi giới, mời khách đi xem dự án ở một nơi khác, không như thông tin rao bán ban đầu. Những khách hàng đồng ý sẽ được đưa lên ô tô chở lên tận Trảng Bom, Đồng Nai để xem và mua đất dự án. Những ai nghi ngờ hoặc không đồng ý đi sẽ được hẹn lại ngày khác để đến xem hồ sơ pháp lý căn hộ.

Trước đó, cũng trong vai người có nhu cầu tìm hiểu để mua đất, chúng tôi tìm thấy mẩu quảng cáo đăng trên Zalo về dự án đất nền chỉ hơn 2 tỉ đồng/nền ngay mặt tiền đường Trần Quốc Thảo (quận 3, TP HCM). Khi chúng tôi liên hệ thì được mời đến phòng hội nghị trong khuôn viên của Công ty Du lịch Hòa Bình (đường Võ Văn Tần, quận 3, TP HCM) để nghe giới thiệu về dự án.

Tại đây, có nhiều nhân viên vây quanh chúng tôi và những khách hàng khác để giới thiệu về dự án có tên KDC Trần Quốc Thảo với 32 nền, trong đó 8 căn mặt tiền, giá 7-9 tỉ đồng; còn các căn nội khu giá từ 2,7 tỉ đồng trở lên. Chủ đầu tư là Công ty CP Nhà Thiên Nam. Tuy nhiên, khi chúng tôi nói tỏ ý muốn đi xem đất thì nhân viên lại nói dự án này là nhà thương mại dịch vụ, chỉ còn thời hạn 11 năm nữa là hết hạn sử dụng.

Nghe vậy, chúng tôi định thoái lui thì ngay lập tức nhân viên giới thiệu qua một dự án khác ở ven Quốc lộ 13, rất gần chợ đầu mối Thủ Đức với tên gọi Smart City do Công ty Đại Hưng Vượng làm chủ đầu tư. Dự án có đến 700 nền, diện tích mỗi nền từ 70-120 m2 và đã có đầy đủ hạ tầng tiện ích. Người này bảo chúng tôi và một số khách hàng khác ra xe để đi xem dự án sớm.

Thấy chúng tôi không mặn mà, các nhân viên tiếp tục giới thiệu chương trình khuyến mãi đặc biệt, đặt cọc 100 triệu đồng mua đất sẽ được công ty tặng ngay vài chỉ vàng. Một nữ khách hàng lớn tuổi nghe vậy liền tỏ ra thích thú, muốn đi xem ngay để đầu tư.

Khi chúng tôi từ chối thì cả nhân viên và người phụ nữ kia cùng bỏ đi, không còn niềm nở như ban đầu.

Cần hết sức tỉnh táo

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Trần Đình Dũng, Đoàn Luật sư TP HCM, cho biết những chiêu trò "lùa gà", chở đi mua đất nền ở tỉnh, nền dự án "ma" từng diễn ra rất phổ biến trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, như vụ Alibaba. Năm trước, tình trạng này lại tái diễn và một vài trường hợp đã bị Công an tỉnh Đồng Nai mạnh tay xử lý, nên sau đó có ít doanh nghiệp nào dám đưa khách về Đồng Nai.

Đến nay, khi thị trường BĐS bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu tích cực thì tình trạng nói trên cũng tái diễn nhiều hơn. Người có nhu cầu mua BĐS cần hết sức tỉnh táo, không nên ham đất rẻ, khuyến mãi, tặng tiền vàng mà nghe lời chiêu dụ ký hợp đồng hay chuyển khoản tiền đặt cọc. Khi gặp trường hợp này, cần trình báo cơ quan công an.

NHIỀU NHÀ ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN CHÔN VỐN VÌ THEO QUY HOẠCH

Rất nhiều nhà đầu tư mua bất động sản theo quy hoạch hạ tầng đang đối mặt tình trạng chôn vốn trong nhiều năm hoặc chịu lỗ lớn.

Báo cáo “Bất động sản hạ tầng - Cơ hội và thách thức” mới đây của các chuyên gia Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) đánh giá sự phát triển song hành của các dự án hạ tầng giao thông và bất động sản (BĐS) là yếu tố rất quan trọng và cần thiết.

Các dự án hạ tầng mang đến nhiều cơ hội cho cả địa phương lẫn nhà đầu tư bất động sản. Song, trên hành trình đi đến sự phát triển toàn diện, họ đối mặt vô số thách thức.

Hạ tầng đi trước, bất động sản theo sau

VIRES nhận định rằng trong quá trình đô thị hóa, các dự án hạ tầng giao thông có vai trò đầu tàu, dẫn dắt phát triển nhờ khả năng kết nối thuận tiện, khơi dậy tiềm năng của các địa phương.

Một khu dân cư hay một đô thị lớn để hình thành đều bắt đầu từ đường sá, giao thông. Sự đẩy mạnh triển khai hạ tầng sẽ thúc đẩy sự dịch chuyển dân cư, chuyển dịch đất đai, phát triển thêm những khu vực mới. Điều này tạo động lực thúc đẩy sự hình thành các dự án bất động sản nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển mới của địa phương, qua đó thu hút dòng tiền đầu tư.

“Có thể nói yếu tố hạ tầng giao thông là xương sống của thị trường bất động sản tại từng khu vực nhất định, đồng thời là yếu tố then chốt và mang tính nền tảng trong các yếu tố thúc đẩy giá trị gia tăng của bất động sản.

Dự án bất động sản kế cận sân bay, bến cảng hay nằm trong khu vực có đường vành đai, cao tốc,... chạy qua luôn có giá trị và khả năng tăng giá cao hơn bất động ở khu vực khác không sở hữu lợi thế về hạ tầng. Vị trí luôn là yếu tố hàng đầu quyết định giá trị của một sản phẩm bất động sản.

Sự hình thành các dự án bất động sản, nhu cầu đầu tư và giá trị gia tăng của bất động sản luôn tỷ lệ thuận với sự phát triển cơ sở hạ tầng, cụ thể là các tuyến vành đai, cao tốc, sân bay, bến cảng…”, VIRES nhận định.

VIRES nêu dẫn chứng về tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái thông xe hồi tháng 9/2022 đã giúp giảm thời gian di chuyển từ Hà Nội đến TP Móng Cái từ 7 giờ xuống còn 3 giờ, tạo cú hích lớn cho thị trường địa phương này.

Khảo sát của VIRES cho thấy, mức giá bất động sản tại Móng Cái đã tăng khoảng 30 - 40% so với thời điểm chưa có quy hoạch cao tốc. Nhằm hưởng lợi từ tuyến đường, các dự án bất động sản công nghiệp, thương mại, khu đô thị thông minh, nghỉ dưỡng tại thành phố Móng Cái đang được các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, phát triển.

Ở một số địa phương có đường cao tốc chạy qua như cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, giá đất đều có xu hướng gia tăng.

Với các dự án hạ tầng giao thông mới đã và đang được triển khai kết nối đồng bộ với Vành đai 3, những dự án bất động sản ở Hà Nội ghi nhận biên độ tăng giá cao, nhất là trong 5 năm trở lại đây, trung bình tăng 8 - 35%/năm tùy từng dự án.

Hai rủi ro đối với nhà đầu tư bất động sản

Ở góc độ tích cực, các dự án hạ tầng tạo ra dư địa phát triển, cơ hội đầu tư cho thị trường bất động sản khu vực lân cận.

Song, theo các chuyên gia VIRES, thách thức đặt ra là không đợi đến khi hạ tầng triển khai/ hoàn thành thì bất động mới được hưởng lợi, ăn theo mà ngay từ khi mới chỉ có thông tin quy hoạch, giá đất đã tăng cao. Hạ tầng là đòn bẩy gia tăng giá trị của bất động. Do đó, quy hoạch các dự án hạ tầng luôn là yếu tố then chốt dễ bị giới đầu cơ lợi dụng tạo ra những cơn sốt bất động sản.

Giới đầu cơ bất động sản luôn săn đón thông tin quy hoạch các dự án hạ tầng để đi trước một bước, tiến hành mua gom đất nền và các bất động khác nằm trong hoặc lân cận khu vực được quy hoạch hạ tầng để hưởng chênh lệch giá sau khi có hạ tầng.

VIRES cho rằng sẽ không là vấn đề nếu sự hình thành các dự án bất động sản và tốc độ gia tăng giá đất tỷ lệ thuận và phù hợp với tốc độ triển khai, hình thành của các dự án hạ tầng. Vậy nhưng sau những cơn sốt đất, giá bất động sản tại các khu vực có quy hoạch dự án hạ tầng thường bị đẩy lên cao gấp nhiều lần so với giá trị thực. Sự phát triển của thị trường bất động sản gắn với quy hoạch hạ tầng tại nhiều khu vực theo đó cũng không song hành với tốc độ đô thị hóa mà chỉ đơn thuần là việc đầu cơ, mua - bán và đẩy giá.

Trước thực tế ấy, VIRES đưa ra cảnh báo về 2 rủi ro mà thị trường có thể phải đối diện. Thứ nhất, đối với phía địa phương, sự thúc đẩy của thông tin quy hoạch các dự án hạ tầng nếu không được kiểm soát chặt chẽ có thể dẫn tới các cơn sốt đất, tình trạng đầu cơ đất đai khiến giá đất tăng cao. Khi giá đất tại khu vực quy hoạch thiết lập mặt bằng giá mới cao hơn nhiều lần so với giá trị thực tế, công tác giải phóng mặt bằng sẽ khó khăn hơn, tiến độ dự án hạ tầng có nguy cơ chậm lại.

Mặt khác, trong trường hợp địa phương đã cấp phép triển khai các dự án BĐS để khai thác quỹ đất sau khi quy hoạch hạ tầng, nhưng dự án hạ tầng giao thông gặp nhiều vướng mắc trong triển khai, chậm tiến độ kéo dài sẽ khiến các dự án bất động sản đối mặt tình trạng bỏ hoang, gây lãng phí.

Thứ hai, đối với phía nhà đầu tư, rủi ro sẽ xảy đến khi mua BĐS với giá cao trong các cơn sốt đất ăn theo quy hoạch hạ tầng. Trong trường hợp quy hoạch hạ tầng đó được triển khai đúng tiến độ, nhà đầu tư có thể hưởng lợi từ chênh lệch giá trị bất động sản lúc mua so với lúc bán hoặc có thể tạo ra dòng tiền từ bất động sản đó nhờ hoạt động kinh doanh, thương mại có hiệu quả sau khi hạ tầng hoàn thành.

Dù vậy, từ khi có quy hoạch đến lúc dự án hạ tầng được chấp thuận chủ trương đầu tư thường mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, nhiều dự án hạ tầng khi đã có chủ trương, thậm chí đã được cấp vốn vẫn gặp nhiều khó khăn, ách tắc trong quá trình triển khai, dẫn tới tiến độ bị kéo dài.

"Nhu cầu thực quyết định giá trị thực của sản phẩm bất động sản. Vì thế, nếu mua vào giá cao hơn giá trị thực, nhà đầu tư sẽ khó có thể thu hồi vốn. Nhiều dự án hạ tầng đến khi khởi công hoặc khánh thành đã không tạo ra giá trị cao, bởi thời gian chuẩn bị rất lâu, đến khi khởi công chính thức, mọi giá trị gia tăng, trong đó có cả giá kỳ vọng đều đã được các cơn sốt đất trước đó cộng hết vào. Trên thực tế, không ít nhà đầu tư BĐS ăn theo quy hoạch hạ tầng đã bị chôn vốn trong nhiều năm hoặc chịu lỗ lớn", theo VIRES.

Nguồn: Báo Giao Thông; Vietnamnet; CafeF; Tài Chính Doanh Nghiệp

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang