Số chuyến bay 'delay' tăng vọt; Đề nghị tử hình Trương Mỹ Lan; Đất nền phía Nam 'âm ỉ sóng'; Hoang mang vì 'bị đuổi' khỏi dự án

SỐ CHUYẾN BAY "DELAY" TĂNG VỌT

Trong tháng 2-2024, các hãng hàng không Việt Nam thực hiện 24.711 chuyến bay, tăng khoảng 3.300 chuyến bay so với các tháng trước đó, theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam.

Trong đó, Vietnam Airlines 10.383 chuyến, VietJet Air 9.639 chuyến, Bamboo Airways 2.089 chuyến, Pacific Airlines 1.496 chuyến; VASCO 506 chuyến và Vietravel 598 chuyến.

Trong số chuyến bay các hãng hàng không Việt Nam khai thác có 7.991 chuyến bị chậm giờ, chiếm tỉ lệ 32,3%, tăng vọt so với tháng trước đó (19,3%).

Trong đó, Vietnam Airlines có 20,5% chuyến chậm, VietJet Air có 45,6% chuyến chậm, Pacific Airlines 41%, VASCO 10,9%, Bamboo Airways 31,5% và Vietravel Airlines 23,6% chuyến chậm trong tổng số chuyến bay các hãng hàng không này khai thác.

Trong tháng 2 có 16.720 chuyến bay đúng giờ, chiếm tỉ lệ 67,7%, giảm mạnh so với tháng trước (80,7 %).

Như vậy, trong tháng 2, tỉ lệ số chuyến bay chậm giờ tăng vọt. Đây là tháng có cao điểm Tết Nguyên đán, hành hàng không tăng tải phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao của hành khách, cũng là tháng có những đợt sương mù, thời tiết bất lợi tại khu vực phía Bắc, ảnh hưởng nhiều chuyến bay.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chuyến bay cất cánh trễ giờ trong tháng 2-2024 vẫn là do máy bay về muộn (19,7%) và do các hãng hàng không (8,5%).

Các nguyên nhân còn lại được nhà chức trách hàng không chỉ ra là thời tiết, quản lý, điều hành bay, trang thiết bị và dịch vụ tại sân bay và các lý do khác.

Cũng trong tháng 2, có 43 chuyến bay bị hủy, chiếm tỉ lệ: 0,2%. Nguyên nhân chủ yếu buộc các hãng phải hủy các chuyến bay trong tháng 2 là lý do khai thác, thương mại. Còn lại là lý do kỹ thuật, thời tiết và lý do khác.

VỤ VẠN THỊNH PHÁT: ĐỀ NGHỊ TUYÊN TỬ HÌNH VỚI BÀ TRƯƠNG MỸ LAN

Đại diện VKS cho rằng, hành vi của bị cáo Trương Mỹ Lan là đặc biệt nghiêm trọng nên đề nghị tòa tuyên tổng hình phạt tử hình đối với bị cáo này.

Chiều 19/3, đại diện VKS tiếp tục phần luận tội và đề nghị mức án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 bị cáo khác về những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan.

Theo đại diện VKS, trong vụ án này, bị cáo Trương Mỹ Lan giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu. Các bị cáo khác liên quan trong vụ án đều là những người có trình độ, có nhận thức pháp luật, ý thức được hành vi nào của mình là vi phạm pháp luật.

Hành vi của Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã tạo dư luận xấu, làm ảnh hưởng uy tín của cơ quan nhà nước, gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn nên cần phải xử nghiêm, nhằm có tác dụng giáo dục riêng với từng bị cáo, và răn đe, phòng ngừa chung đối với xã hội.

Đối với 5 bị cáo đang bỏ trốn, cơ quan chức năng đã kêu gọi đầu thú nhưng các bị cáo từ bỏ quyền lợi của mình nên cần thiết áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các bị cáo này.

Tại phiên tòa, các bị cáo ở Ngân hàng SCB là những người làm theo chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan, tại cơ quan điều tra và tại tòa đã tỏ ra ăn năn, hợp tác với CQĐT để làm rõ bản chất của vụ án, tích cực khắc phục hậu quả. Các bị cáo chỉ là người làm công ăn lương nên đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần khi lượng hình.

Về mức án, đại diện VKS đề nghị TAND cùng cấp tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức án tử hình về tội Tham ô tài sản; từ 19-20 năm tù về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; mức án 20 năm tù tội Đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt mà bị cáo Lan bị đề nghị là tử hình.

Đề nghị tuyên phạt bị cáo Đinh Văn Thành (cựu Chủ tịch HĐQT SCB, bỏ trốn nên bị xét xử vắng mặt) mứa án 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; tù chung thân về tội Đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt là chung thân.

Đề nghị tuyên phạt bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) mức án 20 năm tù tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; tù chung thân về tội Đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt là chung thân.

Đề nghị tuyên phạt bị cáo Bùi Anh Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB tổng mức án tù chung thân về các tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và Đưa hối lộ.

Cùng bị truy tố về 2 tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và Đưa hối lộ, bị cáo Tạ Chiêu Trung, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB bị đề nghị tổng mức án từ 22 - 24 năm tù.

Bị cáo Trương Huệ Vân (Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor) bị đề nghị từ 19-20 năm tù về tội Tham ô tài sản.

Bị cáo Chu Lập Cơ bị đề nghị từ 11-12 năm tù về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Đề nghị tuyên bị cáo Nguyễn Thị Thu Sương (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) 16-17 năm tù về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Các bị cáo Trương Khánh Hoàng (quyền Tổng Giám đốc SCB), Trần Thị Mỹ Dung (nguyên Phó Tổng Giám đốc SCB) cùng bị đề nghị từ 19-20 năm về tội Tham ô tài sản.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra - giám sát ngân hàng II, thuộc Ngân hàng Nhà nước) bị đề nghị án chung thân về tội Nhận hối lộ.

Bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) từ 14-15 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

16 bị cáo khác là cán bộ thuộc Ngân hàng Nhà nước bị đề nghị từ 3 năm tù cho hưởng án treo đến 4-5 năm tù cùng về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng giám đốc Tập đoàn Capella) từ 10-11 năm tù về tội Lạm dụng chiếm đoạt tài sản.

Các bị cáo còn lại trong vụ án cũng bị đề nghị từ 3 năm tù cho hưởng án treo đến 15-16 năm tù về các tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Về dân sự, đề nghị buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi thường cho Ngân hàng SCB 677.000 tỷ đồng và lãi phát sinh đến thời điểm bồi thường xong. Tiếp tục kê biên tài sản của bị cáo Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân để khắc phục hậu quả.

Đối với 1.169 bất động sản, VKS đề nghị HĐXX giải quyết theo luật định. Đối với các mã tài sản đang thế chấp tại SCB, giao cho SCB thu hồi nợ. Đồng thời, VKS cũng đề nghị HĐXX tịch thu toàn bộ số tiền các bị cáo hưởng lợi, tự nguyện khắc phục thiệt hại, trừ vào nghĩa vụ của bị cáo Trương Mỹ Lan.

Đối với bị cáo Nguyễn Cao Trí, đại diện VKS đề nghị HĐXX tiếp tục kê biên các tài sản của bị cáo để đảm bảo thi hành án.

ĐẤT NỀN PHÍA NAM “ÂM Ỉ SÓNG”, CHỦ ĐẤT “NHẤP NHỔM” MUỐN TĂNG GIÁ

Nếu quý 1/2024 thị trường đất nền phía Nam im ắng do nhà đầu tư thăm dò và quan sát thì đến quý 2/2024 phân khúc này sẽ xuất hiện sự đôi động nhẹ. Tuy vậy, sản phẩm bán ra vẫn là nguồn hàng giảm giá được rao bán từ quý 3/2023.

Chia sẻ mới đây, ông Phan Vi, môi giới lâu năm tại Tp.HCM cho hay, cơn sóng đất nền đang có dấu hiệu gia tăng tại thị trường phía Nam bởi sức nén của phân khúc này đến lúc “bung”.

Từng nhận định trước đó về diễn biến thị trường bất động sản nói chung, đất nền nói riêng trong năm 2024, ông Phan Vi cho rằng, trong quý 1/2024 thị trường ở trạng thái im ắng do nhà đầu tư quan sát và thăm dò. Bước sang quý 2/2024, thị trường nhà đất sôi động nhẹ do đợt xả lỗ từ quý 1/2024 bắt đầu có giao dịch.

Sản phẩm bán ra trong quý này vẫn là nguồn hàng giảm giá được rao bán từ quý 3/2023. Vào quý 3/2024 thị trường sẽ chứng kiến hàng loạt dự án bung hàng, triển khai rầm rộ chính sách bán hàng. Bước sang quý 4/2024, đất nền, nhà phố giao dịch sẽ ấm hơn nhiều so với cùng kì năm 2023.

“Năm 2024 thị trường bất động sản sẽ không quá nhiều biến động nhưng sẽ tích cực hơn năm 2023, dấu hiệu phục hồi rõ ràng hơn”, ông Phan Vi nhấn mạnh.

Riêng ở phân khúc đất nền, theo ông Phan Vi, hiện sức cầu có dấu hiệu gia tăng. Nguồn cung khá đa dạng ở các tỉnh thành như Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh. Các nhà đầu tư sau khi quan sát suốt 2-3 năm qua đã nắm được nhịp tăng giảm mỗi khu vực và bắt đầu xuống tiền.

Vị này phân tích, 2 năm nay, thị trường xuất hiện các nhà đầu tư ôm đất nền nhưng tâm lý đầu tư vội, chưa tính toán thanh khoản cá nhân. Khi thị trường đi xuống, kinh tế chậm, họ vội bán tháo để dịch chuyển mô hình đầu tư. Trong giai đoạn này cũng xuất hiện hiện tượng nhiều nhà đầu tư như ngồi trên đống lửa khi thấy giá đất hạ nhiệt. Nhiều chỗ bán tháo cắt lỗ. Tâm lý muốn mua nhà đất xuất hiện khá nhiều. Hiện tại, nhiều người “sợ bỏ lỡ cơ hội” nên đưa ra quyết định nhanh hơn.

Ông Phan Vi cho rằng, đất nền là loại hình đầu tư dễ dàng, có thanh khoản cao là đúng khi thỏa mãn các điều kiện: Vị trí khu dân cư tốt; Khu vực ít sản phẩm đất nền; Đón đầu cơ sở hạ tầng (quy hoạch đô thị, huyện, thị trấn, liền kề đường dẫn cao tốc, liền kề các khu kinh tế trọng điểm...); Thời gian phát triển khu vực (trung hạn, dài hạn) ít nhất từ 3 năm đến 5 năm.

Hiện tại cơ hội cho thị trường nhà đất tỉnh lân cận Tp.HCM còn khá nhiều. Chẳng hạn, tại Đồng Nai, giá phân khúc nhà phố từ 75-100 triệu đồng/m2 tại trung tâm. Đất dân, đất nền phân lô có giá từ 15-20 triệu đồng/m2. Trong đó, nguồn đất nền đầu tư đợt sóng 2019 - 2020 có giá từ 8-12 triệu đồng/m2, hiện nhà đầu tư bán ra vẫn ở mức giá này. Đó là những người muốn thu hồi vốn hoặc lời ít, thậm chí có trường hợp lỗ 10-15% so với giá vốn mua vào cách đây vài năm.

Có nhiều năm kinh nghiệm ở lĩnh vực môi giới và đầu tư, ông Phan Vi dành lời khuyên cho nhà đầu tư mua đất nền ở giai đoạn này.

Thứ nhất, nhà đầu tư phải biết tính toán thanh khoản cá nhân. Mua tiền mặt hay vay. Nếu thị trường đi xuống có gồng được hay không. Cùng với đó, nhà đầu tư phải tính toán đến giải pháp tài chính nếu lãi suất tăng trong thời gian tới. Đồng thời, xác định thời gian đầu tư trung dài hạn từ 3-5 năm.

Thứ hai, về giá mua vào, nếu năm 2024 nhà đầu tư mua được đất có giá của thị trường năm 2019 thì rất tốt. Nếu mua được giá thị trường năm 2021 là tạm được.

“Sốt đất nền thường diễn ra trong giai đoạn ngắn, không kéo dài. Nếu có cơ hội lướt sóng thì nhà đầu tư phải thật nhanh và sản phẩm đầu vào tốt. Tỉ lệ lướt sóng cao khi thỏa điều kiện nhà đầu tư mua được đất giá rẻ từ 35-45% so với giá thị trường, sản phẩm khu vực còn ít. Nếu sản phẩm nhiều thì nhà đầu tư phải chờ cơn sóng sau 2 năm nữa. Biến động thị trường đất nền khoảng thời gian này khá nhanh, cho nên nếu mua được giá tốt nhà đầu tư không nên ngâm, có cơ hội là đẩy hàng”, ông Phan Vi dành lời khuyên.

Theo ghi nhận, thị trường đất nền phía Nam mới “gợn sóng”, xuất hiện các giao dịch thì tâm lý chủ đất cũng “nhấp nhổm” muốn tăng giá. Hiện đã có trường hợp môi giới sau khi thỏa thuận với khách hàng, gần tới giai đoạn chốt giao dịch thì chủ nhà thông báo “đổi giá”. Có trường hợp chủ đất gửi môi giới ra hàng nhưng sau đó “rút lại” để đợi bán giá khác.

Theo các môi giới tâm lý này là dễ thấy khi nhiều người nhìn vào tín hiệu thị trường để “cân đo” về giá bán. Tuy nhiên, thực tế các giao dịch nhà đất xuất hiện gần đây phần lớn vẫn là nguồn hàng giảm giá đã được rao bán từ giai đoạn trước nhưng chưa được hấp thụ. Đất nền có thể bán bằng giá thị trường như giai đoạn đầu năm 2022 là không dễ.

KHÁCH HÀNG HOANG MANG 'BỊ ĐUỔI' KHỎI DỰ ÁN VÌ COCOBAY ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG

Chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng vừa phát đi thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng khiến khách hàng hoang mang, sững sờ.

Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô - Chủ đầu tư Dự án Cocobay Đà Nẵng - vừa phát đi thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với khách hàng tại dự án này.

Theo thông báo, khách hàng phải bàn giao lại toàn bộ giấy tờ pháp lý liên quan đến bất động sản, hiện trạng tài sản đã nhận theo biên bản bàn giao cho Công ty Thành Đô trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, cũng như phối hợp cùng thanh lý hợp đồng mua bán.

Lý do của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng, theo Công ty Thành Đô, là do đang trong quá trình tái cơ cấu và chuẩn bị các nguồn lực để khởi động dự án vào quý II/2024. Việc kéo dài các hợp đồng mua bán với khách hàng trong suốt thời gian qua là điều không mong muốn.

Là khách hàng đã đầu tư căn hộ condotel ở dự án này từ năm 2019, anh Tuấn Hiền (TP.HCM) cho hay, có 2 phương án khi thanh lý hợp đồng, đó là khách hàng nhận hợp đồng chung cư hoặc nhận lại tiền.

Anh Hiền chia sẻ, anh đã ký thanh lý hợp đồng vào tháng 2/2023. Theo đó, công ty sẽ hoàn trả tiền cho khách hàng trong vòng 120 ngày kể từ ngày ký hợp đồng thanh lý. Nếu quá thời gian, công ty phải hoàn trả toàn bộ hồ sơ, hợp đồng bản gốc. Thế nhưng, chủ đầu tư đã không thực hiện như cam kết.

“Đến nay đã hơn 1 năm trời, công ty vẫn chưa thanh toán cho tôi đồng nào. Tôi yêu cầu trả lại hợp đồng cho tôi nhưng công ty Thành Đô cũng không trả lời. Chủ đầu tư ra thông báo thanh lý nhưng không có tiền trả cho khách hàng thì ra thông báo để làm gì”, anh Hiền bức xúc.

“Tôi đã nhiều lần liên hệ yêu cầu trả tiền nhưng chỉ nhận được hứa hẹn 'sẽ xem xét, sắp xếp, khi có dòng tiền sẽ trả sớm cho khách hàng' mà không nói thời gian khi nào”, anh Hiền nói.

Chị M.L. - một khách hàng khác, cho biết, chị rất ngạc nhiên khi nhận được thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng của Công ty Thành Đô.

Theo chị, việc đưa ra thông báo đã thể hiện “sự ngang ngược” của công ty đối với khách hàng.

Theo phương án mà Thành Đô đưa ra, khi thanh lý hợp đồng, khách hàng nhận căn hộ chung cư đang xây dựng dở, hứa đến năm 2025 sẽ bàn giao. Nếu ai không chấp nhận thì nhận lại tiền.

Chị L. không chấp nhận các phương án mà Công ty Thành Đô đưa ra. Chị lý giải, khách hàng bỏ vốn đầu tư vào dự án từ năm 2016, đến nay đã 8 năm cũng chưa được nhận nhà thì không thể tin vào lời hứa của công ty rằng sẽ bàn giao nhà vào năm sau.

Còn đối với phương án nhận tiền, công ty không đưa ra thời hạn trả mà chỉ trả lời “khi nào thu xếp được tiền mới trả”.

“7-8 năm qua chúng tôi bỏ tiền, gồng gánh trả lãi cho ngân hàng. Bây giờ, theo phương án mà Thành Đô đưa ra, chúng tôi mất cả gốc, cả lãi, nhà không có, hợp đồng cũng không, cuối cùng trắng tay. Việc đơn phương chấm dứt không khác gì đuổi chủ sở hữu ra khỏi dự án”, chị L. cho hay.

Cùng cảnh ngộ, chị T.H. bức xúc: “Mặc dù đã đầu tư và chờ đợi 8 năm, dự án đến nay cũng đã hình thành và đưa vào khai thác thương mại từng phần. Tuy nhiên, với thông báo của Thành Đô, khách hàng bỗng nhiên bị đuổi khỏi dự án”.

Nguồn: Kenh14; Người Đưa Tin; CafeF; Vietnamnet

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang