Tết 'ế ẩm', Tết 'ảm đạm'; Rau xanh đắt gấp đội sau Tết; Thị trường 'khát' nhà ở; Vỡ kế hoạch mua nhà vì thất nghiệp

TẾT ‘Ế ẨM’, TẾT ‘ẢM ĐẠM’

(Ảnh minh hoạ).

“Năm nay doanh nghiệp khó khăn thì anh em nhiều người cũng không có lương thưởng gì. Bây giờ về ăn Tết và trong túi không dằn được mấy chục triệu thì tất nhiên là buồn rồi và ăn nói nó cũng không được tự tin lắm.” Đó là lời tâm sự của anh N.T.N,phóng viên lâu năm cho một cơ quan báo chí trung ương tại Hà Nội, nói về không khí ăn Tết của gia đình anh năm nay khi về ăn Tết cùng ông bà.

Anh cho biết hai vợ chồng cố tình về sớm để đi chợ Tết ở quê nhưng thất vọng vì cảnh èo uột, buôn bán ế ẩm, chứ không nhộn nhịp, sôi động và vui tươi như mọi năm.

“Ngay cả siêu thị cũng không đông đúc lắm, hàng hoá cũng không nhiều. Tóm lại là kinh tế cũng khó khăn nên mọi người cũng không mua sắm nhiều,” anh mô tả.

Một cái Tết vui vẻ, sung túc bên gia đình như mong ước đã không trở thành hiện thực, anh nói và cho biết ngay chiều mùng 4 gia đình anh đã lập tức về Hà Nội để trở lại công sở thay vì kéo dài cái Tết đến chiều mùng 8 như dự định.

Cùng cảm giác thất vọng như thế, anh Nguyễn Ngọc Anh, một viên chức vừa mới trở về Việt Nam sau vài năm công tác ở nước ngoài, cho biết anh thấy giật mình vì sự đìu hiu, ảm đạm tại các siêu thị cũng như tại các hội chợ Tết ở thành phố Việt Trì, nơi bố mẹ anh sinh sống. Có vẻ như trước những khó khăn về thu nhập, về công ăn việc làm sau gần 3 năm đại dịch và nạn lạm phát, giá cả leo thang thì không mấy ai còn quan tâm đến Tết, chả ai buồn mua sắm gì mấy.

“Giáp Tết mà trong siêu thị vẫn còn đầy đồ. Đi trên đường thì mình thấy mấy xe tải quất ế, người ta không bán được và người ta phải đưa về thôi,” anh Ngọc Anh cho biết. Khi đi chúc Tết bạn bè, người thân, anh cũng cảm nhận chung một bầu không khí trầm lắng trong ngày đầu năm mới Quý Mão.

“Hôm trước mình đi rửa xe, gặp một ông ông có một cái garage chuyên sửa xe, mình hỏi thường thường tháng giáp Tết này thì chú sửa được bao nhiêu cái xe. Ông ấy nói thường là cứ tháng giáp Tết garage của ông sửa khoảng 100 cái xe nhưng năm nay thì ông ấy sửa được có 30 cái. Trước đây, Tết người ta còn đi độ xe để đi chơi Tết như độ đèn led, đèn xenon chẳng hạn. Nhưng năm nay khó khăn người ta không đi độ xe như thế nữa,” anh kể và cho biết thêm rằng tình cảnh của ông chủ garage là tình cảnh chung của phần lớn mọi người, trong đó có vợ chồng anh. Mọi năm dịp Tết, vợ chồng anh có được vài chục triệu tiền thưởng,nhưng năm nay chỉ hơn chục triệu cầm về quê biếu bố mẹ nên vợ chồng anh cũng chẳng dám sắm sửa gì.

Anh Nguyễn Văn Thông, một chủ kinh doanh hoa cảnh tại Tuyên Quang, cho VOA Việt ngữ biết: “Bầu không khí nó cũng trầm lắng, ảm đạm chứ nó không được như mọi năm. Có lẽ là sau COVID thì nó cũng khó khăn, rồi bầu không khí chung của đất nước nó cũng căng thẳng và lan toả xuống mọi hang cùng ngõ hẻm. Chợ hoa thì trăm người bán mà có chưa tới trăm người mua. Nói chung là kinh doanh vừa rồi nó cũng ế ẩm, hoa lan là cứ phải giảm giá 60 – 70%. Điều đấy nó cũng phản ánh cái sức mua. Có một câu phổ biến là dân cũng hết tiền rồi.”

Anh Thông nói năm nay nhà anh mất Tết. Mặc dù đã dự đoán trước sức mua thấp và hạn chế đầu tư đến mức tối đa, nhưng anh vẫn lỗ hàng chục triệu đồng. Vì thế mà năm nay nhà anh ‘không có Tết gì hết.’

(Nguồn: VOA)

RAU XANH ĐẮT GẤP ĐÔI SAU TẾT

Hôm nay, giá rau xanh tại các chợ dân sinh vẫn tăng mạnh, nhiều loại đắt gấp đôi so với ngày thường.

Ghi nhận của VnExpress ngày 27/1 (mùng 6 Tết) cho thấy, các chợ dân sinh tại Hà Nội đã mở bán bình thường trở lại, người mua tấp nập. Các mặt hàng được bán chủ yếu là thực phẩm tươi sống, nhưng hút khách nhất vẫn là các quầy rau xanh.

Tại chợ Hà Đông, giá rau xanh sau Tết vẫn đắt gấp đôi ngày thường. Chị Hà, một tiểu thương tại chợ này cho biết, hôm nay phần lớn các nhà hàng quán ăn mở cửa bán trở lại nên nhu cầu rau tăng, trong khi nguồn cung vẫn hạn chế do thời tiết lạnh và nhiều nhà vườn vẫn nghỉ Tết, chưa thu hoạch nhiều.

"Sáng đi chợ đầu mối có loại rau gần như cả chợ chỉ một hai hàng bán, tranh mua nên giá cao", chị nói.

Tại chợ Nghĩa Tân, giá rau xanh cũng tăng hơn so với những ngày cận Tết Nguyên đán. Giá các mặt hàng rau, củ quả cao hơn 30-50%, thuỷ hải sản tươi sống tăng 20-30% so với ngày thường.

Chẳng hạn, mỗi kg bắp cải là 25.000 đồng, tăng gấp ba so với trước Tết. Rau cần cũng tăng từ 15.000 đồng lên 25.000 đồng một bó; rau cải xanh, rau muống đều tăng gấp đôi, lên 15.000 đồng mỗi bó. Súp lơ xanh tăng 10.000 đồng, từ 15.000 lên 25.000 đồng một chiếc. Cà chua cũng tăng từ 30.000 đồng lên 40.000 đồng một kg...

Bà Loan, tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân cho hay, thường sau Tết khoảng một tuần, mặt bằng giá rau xanh sẽ trở về như ngày thường. "Cứ phải sau ngày đi làm, thị trường mới dần trở lại giá ổn định", bà cho hay.

Tại TP HCM, lượng hàng thực phẩm, rau xanh, trái cây về các chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn... tiếp tục tăng so với những ngày đầu Tết Nguyên đán, nhưng cũng chỉ bằng 30-50% ngày thường.

Giá bán buôn các mặt hàng tại chợ Bình Điền (TP HCM) tương đối ổn định, riêng hải sản tăng 10-30%, có mặt hàng như cá kèo, tôm sú, ốc Hương tăng khoảng 40%... Như tôm sú tăng 110.000 đồng, từ 280.000 lên 390.000 đồng một kg; ốc Hương Phan Ri tăng từ 380.000 lên 490.000 đồng một kg...

Còn tại chợ đầu mối Thủ Đức, rau xanh tăng giá phổ biến 3.000-10.000 đồng một kg. Riêng bông cải trắng, bông cải xanh hay đậu cove trắng... tăng gấp rưỡi so với thời điểm cận Tết. Mỗi kg đậu cove đắt thêm 10.000 đồng, lên 30.000 đồng một kg; cải xanh 23.000 đồng, tăng 13.000 đồng; hay hành đỏ Vĩnh Châu 60.000 đồng một kg, đắt thêm 20.000 đồng mỗi kg...

Theo Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), từ mùng 4 Tết, giá rau xanh tại Hà Nội và nhiều địa phương phía Bắc tăng mạnh do nhu cầu người dân tăng và thời tiết chuyển lạnh sâu, ảnh hưởng tới nguồn cung. Song cơ quan này cho rằng đây chỉ là biến động cục bộ và giá rau tươi sẽ sớm trở lại như bình thường trong các ngày tới khi cung cầu ổn định.

Hôm nay, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã mở cửa bán lại với khung giờ phục vụ như ngày thường. Theo ghi nhận tại một số siêu thị Co.opmart, Winmart, Topsmarket... sức mua tăng trở lại, tiêu thụ nhiều vẫn là các loại rau củ quả, trái cây. Giá bán các loại thực phẩm, rau xanh ổn định so với trước Tết nhờ các chương trình khuyến mãi bình ổn giá của các hệ thống bán lẻ.

Để bình ổn giá cả sau Tết, Cục Quản lý giá đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả; chủ động các giải pháp bình ổn thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu phù hợp, nhất là mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt gia cầm, thủy hải sản, rau xanh...

(Nguồn: Vnexpress)

THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN “KHÁT” NHÀ Ở

(Ảnh minh hoạ).

Trong khi lực cầu trên thị trường bất động sản vẫn mạnh nhưng nguồn cung nhà ở liên tục sụt giảm. Nguyên nhân là do một số chủ đầu tư thiếu vốn thực hiện và các thủ tục pháp lý còn chồng chéo khiến dự án vẫn chưa thể triển khai.

Nguồn cung bất động sản liên tục sụt giảm

Kể từ năm 2018 đến nay, thị trường bất động sản liên tục sụt giảm về nguồn cung. Tổng hợp số liệu từ báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, năm 2018, nguồn cung bất động sản đạt kỷ lục là 180.000 sản phẩm, nhưng sang năm 2019 giảm 39% xuống chỉ còn 110.000 sản phẩm. Năm 2020, nguồn cung tiếp tục giảm xuống còn 90.000 sản phẩm, chỉ bằng 50% năm 2018.

Đến năm 2021, dịch bệnh bùng phát khiến nhiều dự án đang triển khai phải tạm dừng, nguồn cung bất động sản tiếp tục rơi vào trạng thái khai hiếm, chỉ còn 50.000 sản phẩm. Và năm 2022, nguồn cung giảm còn 48.500 sản phẩm, chỉ bằng 27% so với năm 2018.

Nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm nguồn cung trong năm vừa qua một phần cũng do quỹ đất xây dựng tại khu vực trung tâm, nơi có lực cầu mạnh ngày càng khan hiếm. Bên cạnh đó, trong năm 2022, dòng tiền từ tín dụng ngân hàng và hoạt động trái phiếu bị kiểm soát chặt chẽ khiến nhiều chủ đầu tư rơi vào trạng thái thiếu vốn phải dừng một số dự án đang triển khai tạm thời hoặc vô thời hạn.

Cùng với đó, các chính sách, luật liên quan tới bất động sản có sự chồng chéo, thiếu đồng bộ kéo theo nhiều dự án vẫn đang trong quá trình chờ tháo gỡ. Do vậy nguồn cung trên thị trường tiếp tục xuống thấp.

Song, điểm sáng để thị trường hồi phục lại nguồn cung là động thái quyết liệt tháo gỡ cho thị trường bất động sản của Thủ tướng Chính phủ thời gian qua khi đã thành lập Tổ công tác về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp. Bên cạnh đó là 3 Công điện chỉ đạo xử lý các vấn đề cấp bách cho nền kinh tế và thị trường bất động sản.

Chỉ ra những điểm bất cập của thị trường, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, hiện nay nguồn cung bất động sản đang gặp khó khăn. Nhiều dự án thực hiện đầu tư đang vướng mắc thủ tục pháp lý, phải dừng hoặc hoãn tiến độ. Cùng đó, số lượng dự án trong thời gian qua cũng giảm mạnh. Cụ thể, đến hết quý III/2022, chỉ có 104 dự án đang triển khai, bằng 51% dự án cùng kỳ năm 2021.

Cơ cấu sản phẩm bất động sản cũng đang có sự mất cân đối khi sản phẩm cao cấp nhiều nhưng dự án giá bình dân, trung bình phù hợp với đại đa số người dân lại ít, đặc biệt là dự án nhà ở cho công nhân. Cùng đó, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn về tiếp cận vốn ngân hàng, phát hành trái phiếu,... Điều này khiến doanh nghiệp không có vốn, phải dừng dự án. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá vật liệu xây dựng tăng cao ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư của doanh nghiệp bất động sản.

Gỡ khó cho thị trường bất động sản

Để giải quyết những khó khăn cho thị trường bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, cần đẩy nhanh hơn tiến độ chỉnh sửa Luật, nhưng nội dung sửa cần bám sát thực tế. Nếu còn vướng mắc thì còn phải sửa, không nên vội vã phê duyệt, nhất là Luật Đất đai. Trong quá trình chờ sửa Luật, Chính Phủ có thể xem xét ban hành một số cơ chế đặc biệt (ví dụ như Nghị quyết 02/NQ-CP/2013) để tháo gỡ vướng mắc cho địa phương trong công tác xử lý hồ sơ, thủ tục đầu tư.

Bên cạnh đó, lạm phát đang được kiểm soát, để tránh giảm phát thị trường bất động sản, ngân hàng nhà nước nên nới room tín dụng cho thị trường bất động sản, khoảng 1-2%; hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản vượt khó, đồng thời tránh ảnh hưởng đến hệ thống tín dụng của quốc gia, tạo cú hích để thị trường sôi động trở lại.

Ngân hàng chỉ cần kiểm soát tốt dòng tiền để nó chảy đúng đối tượng, đúng mục đích, dành nguồn vốn tín dụng áp dụng riêng cho các dự án nhà ở thương mại giá rẻ (có giá bán nhỏ hơn 25 triệu đồng/m2), nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp. Gói hỗ trợ lãi suất 2% được triển khai theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP cần được phân bổ công bằng cho các lĩnh vực kinh doanh, trong đó có bất động sản, đặc biệt với các dự án đã hoàn thiện về mặt pháp lý, các dự án nhà ở xã hội.

“Theo tôi, tất cả những điều đó đều có ý nghĩa và quan trọng như nhau trong việc tháo gỡ sự khó khăn cho thị trường bất động sản; đó là điều kiện cần và đủ để tái thiết lập nền thị trường bất động sản sôi động trở lại”, ông Đính nói.

Vị chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản hiện tại đang rất cần những xử lý, điều hành để tháo được các điểm nghẽn của thị trường. Đầu tiên là vấn đề chính sách, trong đó dự án nào mang đến cho thị trường nguồn hàng phù hợp như nhà ở xã hội thì cần phải điều chỉnh để sớm phê duyệt.

“Ngành bất động sản Việt Nam đang phụ thuộc rất nhiều vào tín dụng, chủ yếu là huy động trước của người dân và gần đây là phát hành trái phiếu bắt đầu từ năm 2021. Dù thị trường trái phiếu gần đây có những trục trặc cũng như tỷ trọng vốn chưa nhiều, tuy nhiên phát hành trái phiếu sẽ là một xu hướng để thay thế dần thị trường tín dụng. Do đó thị trường trái phiếu cần đẩy mạnh theo hướng lành mạnh và được kiểm soát tốt nhất có thể để hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản hiệu quả”, vị chuyên gia nói.

Ngoài trái phiếu doanh nghiệp, ông Đính cho rằng, cần phát triển các quỹ đầu tư, quỹ tín thác, quỹ nhà ở... để cung cấp vốn cho thị trường.

Đặc biệt, đơn giản hoá hơn các thủ tục đầu tư, thủ tục phê duyệt chủ đầu tư, thủ tục giao đất, thủ tục đền bù… Như việc phê duyệt giá đất hiện nay đang là một điểm nghẽn cực kỳ lớn mà nhiều địa phương gặp phải. Rất cần những quy định cụ thể, rõ ràng để tạo cơ sở cho các địa phương xử lý.

“Hiện nay các doanh nghiệp sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất vì không xuất khẩu được hàng hóa. Nếu thúc đẩy được các dự án phù hợp với thị trường và ra hàng nhiều sẽ giúp thị trường có nhiều giao dịch và kích hoạt trở lại các dự án bất động sản. Khi đó, rất nhiều ngành sản xuất cung ứng hàng hóa cho dự án sẽ được tái khởi động, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất”, ông Đính nói.

(Nguồn: CafeF)

VỠ KẾ HOẠCH TRẢ GÓP MUA NHÀ VÌ THẤT NGHIỆP

Có những trường hợp “dành cả thanh xuân” để trả nợ cho chốn an cư. Nhưng điều đó còn hạnh phúc hơn những người không còn thu nhập để trả tiếp khoản vay ngân hàng mua nhà.

Từ nỗi lo lãi suất tăng…

Mua nhà trả góp là một hình thức được phần đông người mua nhà lựa chọn khi không đủ khả năng tài chính chi trả một lần nhưng vẫn có thể sở hữu chốn an cư. Tuy nhiên, khi lãi suất cho vay tăng mạnh, nhiều người rơi vào cảnh vỡ kế hoạch tài chính, áp lực trả nợ đè nặng.

Từ tháng 9/2022, các ngân hàng bắt đầu tăng mạnh lãi suất huy động, sau đó, lãi suất cho vay cũng tăng theo. Tính đến tháng 1/2023, lãi suất vay mua nhà vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và dao động trong khoảng từ 12,5 - 15%/năm.

Diễn biến lãi suất cho vay tăng cao đã khiến nhiều người đắn đo, chần chừ trong việc mua nhà khi áp lực trả nợ nặng nề. Còn nhiều người đã vay ngân hàng và được thông báo tăng lãi suất thì như “ngồi trên đống lửa”. Không chỉ có vậy, nhiều trường hợp khách hàng cho biết, phía ngân hàng còn thông báo mức lãi suất 12-13%/năm chỉ cố định trong kỳ hạn 6 tháng, sau đó sẽ điều chỉnh theo diễn biến lãi suất thị trường. Nỗi lo lại càng đè nặng vai những người mua nhà trả góp hàng tháng.

Vay ngân hàng hơn 2 tỉ đồng, hàng tháng vợ chồng chị M, ngụ tại Tp.Thủ Đức, Tp.HCM trả góp cả gốc lẫn lãi gần 30 triệu đồng. Nhưng mấy tháng nay, chị M phải trả thêm vài triệu cho khoản vay này. Dù không rõ mức tăng lãi suất của ngân hàng chị vay cụ thể là bao nhiêu nhưng tổng tiền phải trả hàng tháng tăng lên khiến vợ chồng chị thêm nỗi lo. Trong khi thu nhập không tăng, thậm chí sụt giảm khiến chị M tằn tiện trong mọi chi tiêu cuộc sống.

Những trường hợp như chị M là không hiếm trên thị trường hiện nay. Nhiều người vay ngân hàng và đang trả góp cho chốn an cư của mình đều lo lắng khi lãi suất liên tục gia tăng. Với những nhà đầu tư BĐS, dùng đòn bẩy tài chính cao cũng lao đao vì cạn dòng tiền.

Theo ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc R&D DKRA Group, có 3 tác động rõ nét nhất của việc lãi suất tăng đến thị trường BĐS. Thứ nhất, sức cầu thị trường giảm mạnh. Với lãi suất cho vay mua BĐS trên 12%/năm như hiện nay nhà đầu tư e dè, thận trọng hơn trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư BĐS. Ngay cả việc nhiều nhà đầu tư có dòng thu nhập tốt muốn vay vốn ngân hàng để đầu tư tuy nhiên việc tiếp cận được nguồn vốn vay hiện nay cực kỳ khó khăn khi “room” tín dụng bị hạn chế.

Thứ hai, hiện tượng cắt lỗ diễn ra trên diện rộng. Trong những năm gần đây khi thị trường BĐS sôi động, lãi suất còn hấp dẫn, nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính không có khả năng trả nợ, chấp nhận cắt lỗ. Tuy nhiên, hiện nay thị trường đang chững lại, thanh khoản thị trường thứ cấp sụt giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư vẫn đang kẹt hàng mặc dù giảm giá sâu. Cuối cùng, người bán kẹt vốn, cắt lỗ để bán thu hồi vốn. Người mua thấy lãi suất cao e ngại, nếu có nhà đầu tư chấp nhập lãi suất cao để vay lại khó tiếp cận nguồn vốn do hết “room”.

…Đến vỡ kế hoạch trả nợ vì thất nghiệp

Kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp đối diện tình trạng đơn hàng sụt giảm mạnh, thu hẹp sản xuất, buộc phải cắt giảm nhân sự, lao động. Theo thống kê, hiện nay có tới 51 doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp báo cáo thiếu hụt đơn hàng và cắt giảm nhân sự. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại các doanh nghiệp địa ốc, dịch vụ…

Điều này đồng nghĩa với việc nhiều người không còn thu nhập để trang trải cuộc sống. Đặc biệt với những người mua nhà trả góp, đây là gánh nặng không lối thoát.

Có rất nhiều đôi vợ chồng trẻ mua nhà trả góp và dành phần lớn thời gian để kiếm tiền trả nợ. Thậm chí, họ phải nhịn ăn, nhịn mặc, làm thêm nhiều việc khác để có thu nhập; dành toàn bộ số tiền kiếm được trả nợ ngân hàng.

“Có những trường hợp “dành cả thanh xuân” để trả nợ cho chốn an cư. Nhưng điều đó còn hạnh phúc hơn những người không còn thu nhập để trả tiếp khoản vay ngân hàng mua nhà”, một người trong ngành chia sẻ.

Hiện nay, nhiều người sở hữu nhà trả góp từ khoản vay ngân hàng nhưng mất việc là đáng lo ngại nhất. Họ không biết “bấu víu” vào đâu để lo khoản nợ hàng tháng. Thậm chí, có một số trường hợp mới mua nhà trả góp nhà vài tháng thì thất nghiệp. Khoản vay 50-60% giá trị căn nhà đã khiến nhiều người mua sống trong nỗi lo sợ.

Theo các chuyên gia trong ngành, nếu tính toán vay mua nhà, người đi vay nên cân nhắc khả năng chi trả lãi vay và nợ gốc ngân hàng theo lãi suất thả nổi. Ngoài việc không nên chi quá 30-40% thu nhập cho khoản vay, cần ước tính giá trị căn nhà nên mua dựa trên mức thu nhập và tiền mặt có sẵn.

Chia sẻ mới đây, chuyên gia Savills Việt Nam cho hay, trước khi mua nhà trả góp, người mua nhà cần phải tính toán chi tiết, cân nhắc kỹ càng để tránh trường hợp khi lãi suất tăng cao lại nằm ngoài khả năng thanh toán hoặc rơi vào tình huống đã đặt cọc mua nhà nhưng không thể nộp tiền đúng tiến độ vì không vay được tiền từ ngân hàng. Có không ít trường hợp mặc dù đã tính toán kỹ nhưng lại không lường trước được rủi ro, biến số của thị trường nên đuối dòng tiền.

Cùng quan điểm, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia đầu tư bất động sản cho rằng, việc mua BĐS thời điểm này, người mua nên dựa vào vốn tự có, hạn chế vay ngân hàng. Có vay thì cân đối tỉ lệ thấp nhất có thể, tránh rủi ro.

(Nguồn: Soha)

(Xem thêm:

=> Nhiều cây xăng vẫn đóng cửa; 'Biển người' đổ về Tân Sơn Nhất; Khát vọng tỷ đô của đại gia; Khai xuân, môi giới BĐS đìu hiu ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang