Nhiều cây xăng vẫn đóng cửa; 'Biển người' đổ về Tân Sơn Nhất; Khát vọng tỷ đô của đại gia; Khai xuân, môi giới BĐS đìu hiu

NHIỀU CỬA HÀNG XĂNG DẦU Ở TP.HCM TIẾP TỤC ĐÓNG CỬA

(Ảnh minh hoạ).

Với các cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động, ngừng bán không đúng quy định, lực lượng quản lý thị trường sẽ thẩm tra, xác minh thông tin và xử lý nghiêm.

Thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM cho biết sau khi một số cửa hàng xăng dầu tại quận 7 ngưng bán và trình bày được lý do, thành phố tiếp tục có một số cửa hàng ngưng bán tại quận Bình Tân.

Cụ thể, các điểm bán xăng dầu này bao gồm cửa hàng Tân Hiệp (số 688 Kinh Dương Vương, phường An Lạc); cửa hàng xăng dầu Hoa Hiệp Phát (380 Quốc lộ 1A, phường Bình Hưng Hòa B); cửa hàng xăng dầu Hòa Hiệp (phường Bình Hưng Hòa); cửa hàng xăng dầu Đức Thịnh (589 Lê Trọng Tấn, phường Bình Hưng Hòa).

Trong đó, cửa hàng xăng dầu Đức Thịnh thuộc Doanh nghiệp tư nhân kinh doanh - xây dựng và thương mại Đức Thịnh có treo thông báo nghỉ Tết từ 20/1 (ngày 29 tháng Chạp Âm lịch) đến hết ngày 26/1 (ngày mùng 5 Tết) do nhân viên xin về nghỉ Tết. Đơn vị này cũng treo thông báo về việc đã báo cáo thời gian bán hàng với Sở Công Thương TP.HCM thông qua mạng.

Trong khi đó, cửa hàng xăng dầu Hoa Hiệp Phát đóng cửa nghỉ Tết do nhân viên xin về nghỉ Tết nên không có người bán hàng. Đối với các cửa hàng còn lại không nêu lý do nghỉ bán như hai cửa hàng trên.

Cục QLTT TP.HCM cho biết trong ngày 24/1, đơn vị đã chỉ đạo các đội QLTT xuyên đêm kiểm tra một số cửa hàng trên địa bàn quận 7, kết quả cho thấy một cửa hàng nghỉ do đang thực hiện thủ tục giải thể, nghỉ kinh doanh; một cửa hàng chỉ có một người bán nên tạm nghỉ 30 phút/lần để vệ sinh cá nhân, không phải nghỉ bán hẳn; một cửa hàng do chưa đặt hàng được nên dẫn đến hết hàng...

Cũng theo cơ quan này, đơn vị đang tiếp tục chỉ đạo các đội QLTT giám sát chặt chẽ tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn, nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm ngưng nghỉ kinh doanh không lý do, găm hàng, bán nhỏ giọt phải kịp thời làm việc ngay để xác định rõ nguyên nhân.

"Riêng với các trường hợp đơn vị kinh doanh xăng dầu tạm ngưng hoạt động, ngừng bán hàng không đúng quy định, đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo thẩm tra, xác minh thông tin và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật", Cục QLTT TP.HCM nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 20/1 (tức 29 Tết), Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ban hành công điện khẩn yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố thực hiện trực 100% quân số, tăng cường giám sát, kiểm tra, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm với hệ thống kinh doanh xăng dầu ở tất cả loại hình.

Hiện nay, sự cố của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã được khắc phục 100% nhưng nhiều doanh nghiệp kinh doanh cho biết vẫn gặp nhiều khó khăn nguồn hàng, đặc biệt về vấn đề chiết khấu.

Trong đó, các doanh nghiệp bán lẻ cho rằng nguyên nhân chính do việc kéo dài chu kỳ điều hành giá được chuyển sang kỳ tiếp theo là ngày 2/1, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trong khi giá dầu thế giới đang biến động tăng mạnh khiến chiết khấu về mức thấp, thậm chí âm.

(Nguồn: Zing News)

"BIỂN NGƯỜI" TIẾP TỤC ĐỔ VỀ SÂN BAY TÂN SƠN NHẤT NGÀY MÙNG 5 TẾT

Lượng khách đến sân bay Tân Sơn Nhất tiếp tục lập kỷ lục trong ngày mùng 5 Tết với trên 144.000 lượt.

Ngày 26-1 (tức mùng 5 Tết), Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết dự kiến đón tới 913 chuyến bay, trong đó 814 chuyến bay chở khách. Không chỉ chuyến bay quốc nội tăng cao mà chuyến bay quốc tế cũng nhiều hơn những ngày trước đó.

Tổng số khách dự kiến qua sân bay trong ngày hôm nay lên tới 144.871 khách, tăng mạnh so với con số kỷ lục hơn 137.000 lượt khách của hôm qua. Như vậy, đây là mức tăng cao hơn nhiều so với thời điểm cùng kỳ năm 2019, trước khi có dịch COVID-19.

Khách đến riêng nhà ga quốc nội vượt 71.000 lượt, trong khi khách quốc tế đến xấp xỉ 18.000 lượt.

Đáng chú ý, khung giờ cao điểm khách đến nhà ga quốc nội không chỉ khung 9 giờ đến 13 giờ và từ 16 giờ đến 22 giờ như mọi ngày, mà lượng khách bay đêm cũng tăng kỷ lục. Chỉ riêng khung từ 23 giờ đêm hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau, mỗi giờ có gần 4.000 lượt khách đến Tân Sơn Nhất.

Trong ngày, 2 khung giờ cao điểm nhất với lượt khách vượt 4.000 lượt rơi vào đêm khuya mùng 5, rạng sáng mùng 6 Tết. Nhiều người chọn bay đêm để bắt đầu trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết từ mùng 6 Tết; một số người khác bay đêm vì không mua được vé ban ngày và các hãng hàng không cũng tăng cường bay đêm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.

Cảng vụ hàng không miền Nam cho biết dù đón lượng khách đến kỷ lục nhưng hoạt động khai thác tại sân bay vẫn ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn. Các khu vực sảnh nhà ga quốc nội, quốc tế thông thoáng; khu vực đón trả khách ở bên ngoài và bên trong nhà xe TCP cũng khá thông thoáng. Ghi nhận thực tế tối mùng 5 Tết, giao thông ngoài sân bay khu vực đường Trường Sơn bình thường; các ga đi, đến quốc nội và quốc tế cũng bình thường. Các làn xe có làn C hơi đông khách đón taxi nhưng cảng đã tăng cường nhân viên an ninh trật tự và bến bãi điều tiết để bảo đảm giao thông khu vực.

Liên quan đến tình hình vé máy bay Tết, ghi nhận của Báo Người Lao Động tới sáng mùng 6 Tết, vé máy bay nhiều chặng từ Quy Nhơn, Chu Lai, Đà Nẵng vào TP HCM từ mùng 6 đến mùng 8 Tết đều không còn. Ngay cả chặng bay nhộn nhịp nhất là Hà Nội – TP HCM hiện cũng "cháy" vé.

(Nguồn: Người Lao Động)

KHÁT VỌNG TỶ USD TỪ TRỒNG CHUỐI, NUÔI HEO CỦA ĐẠI GIA VIỆT

(Ảnh minh hoạ).

Hơn 10 năm trở lại đây, nhiều đại gia chuyển hướng đầu tư phát triển nông nghiệp, theo đuổi mô hình kinh doanh quy mô lớn, công nghệ cao, với khát vọng thu tỷ USD.

Khi đại gia bẻ lái

Năm 2010, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - gây sốc khi thanh lý đa phần bất động sản hiện có để lấn sân sang trồng cao su, cọ dầu, mía, cùng các loại cây ăn quả ngắn ngày như: thanh long, chuối và chanh dây…

Với phương châm đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh để phân tán rủi ro, “lấy ngắn nuôi dài”, Hoàng Anh Gia Lai sau đó tiếp tục mở rộng sang chăn nuôi bò thịt và bò sữa với loạt dự án quy mô lớn, công nghệ cao, nhằm vượt qua biến động thị trường, nhanh chóng có dòng tiền.

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai mới đây cũng ra mắt thương hiệu Bapi HAGL và cửa hàng BapiMart, với sản phẩm chủ lực là thịt heo ăn chuối cùng một số thực phẩm chế biến từ thịt heo như chả lụa, xúc xích, thịt nguội…, với tiêu chí “3 không”: không thuốc kháng sinh, không thuốc tăng trọng, không đạm động vật. Theo lộ trình đến năm 2023, Bapi HAGL sẽ phát triển 1.000 cửa hàng trên toàn quốc, và doanh nghiệp đang tập trung mọi nguồn lực để sớm hoàn thành mục tiêu này.

Ông Đoàn Nguyên Đức khẳng định việc đầu tư vào nông nghiệp được xem là ưu tiên số một của Hoàng Anh Gia Lai, dựa trên lợi thế có quỹ đất lớn và khả năng cạnh tranh cao.

Nhắc đến những đại gia tay ngang sang nông nghiệp, không thể không kể đến Hòa Phát. Vốn là một “ông lớn” trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thép, bất động sản, thế nên, vào năm 2015, khi Hòa Phát công bố nghị quyết về việc thông qua phương án thành lập công ty chăn nuôi, chế biến thực phẩm, chế biến thức ăn gia súc đã gây ra bất ngờ lớn.

Tuy nhiên, dù là “tay ngang”, nhưng chỉ sau 7 năm, Hòa Phát đã nhanh chóng khẳng định uy tín, tiềm lực của mình trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi heo, bò và gia cầm. Hiện tại, lĩnh vực nông nghiệp có tỷ trọng lớn về doanh thu và lợi nhuận sau thuế của tập đoàn, chỉ sau sản xuất, kinh doanh thép.

Tháng 9/2022, Công ty Nông nghiệp BaF Việt Nam (BAF) cũng đổ tiền xây dựng cụm trang trại nuôi heo công nghệ cao tại Tây Ninh, với mục tiêu xây dựng mạng lưới khoảng 100 trang trại và có 200.000 con heo nái vào năm 2030. BAF được biết đến là đơn vị cung cấp thịt thương hiệu thông qua chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Siba Food và Meat Shop. BAF cũng đặt mục tiêu phát triển 1.000 cửa hàng vào năm 2023 và cung cấp ra thị trường hơn 1,5 triệu con heo.

Trước đó, hàng loạt tập đoàn khác như: TH true Milk, Vingroup, FLC, Thaco... cũng lấn sân vào lĩnh vực nông nghiệp thông qua việc trở thành cổ đông chiến lược của các công ty sản xuất nông nghiệp hoặc lập doanh nghiệp mới…

Tại Nghệ An, dự án TH true Milk của nữ đại gia Thái Hương đã biến một vùng đất hoang hóa thành vùng nguyên liệu trù phú, tăng hiệu quả kinh tế của 1 ha đất lên gấp nhiều lần nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật hiện đại. Các nhà máy của doanh nghiệp này đều ứng dụng công nghệ cao.

Công thức thành công từ nông nghiệp

Hơn 10 năm làm nông nghiệp với nhiều kế hoạch thất bại như: trồng cao su, cọ dừa, nuôi bò…, đến nay, ông Đoàn Nguyên Đức tự tin vì đã tìm thấy công thức thành công cho Hoàng Anh Gia Lai. Đó là chiến lược “một cây, một con": trồng cây chuối và nuôi con heo, bởi đây là hai lợi thế rất lớn, lại bổ trợ cho nhau theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Nhờ tập trung trồng chuối và nuôi heo, sau 3 quý năm 2022, báo cáo tài chính cho thấy, doanh thu và lợi nhuận của Hoàng Anh Gia Lai liên tục khởi sắc. Đến hết quý III/2022, HAGL tiêu thụ 168.626 con heo thịt, 202.150 tấn cây ăn trái (bao gồm 127.866 tấn chuối xuất khẩu và 74.284 tấn chuối dùng cho sản xuất thức ăn gia súc). Doanh thu 9 tháng đạt 3.183 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, trang trại heo Hòa Phát được đánh giá là một trong những mô hình chăn nuôi hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, áp dụng chăn nuôi theo quy mô lớn, hiện đại, khép kín và được chứng nhận quy trình chuẩn VietGAP.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc nhiều “ông lớn” tham gia vào nông nghiệp cho thấy lĩnh vực này ngày càng hấp dẫn. Trước đây, doanh nghiệp Việt Nam chuyển hướng từ nền kinh tế nông nghiệp sang sản xuất hàng dệt may và thiết bị điện tử.

Nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp quay lại tìm kiếm cơ hội từ ngành nông nghiệp, nhờ tác động tích cực từ các hiệp định thương mại tự do (FTAs) đã được ký kết. Doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư sang nông nghiệp với kỳ vọng mở rộng thị trường xuất khẩu sau khi được miễn giảm thuế từ các FTAs.

(Nguồn: Soha)

VĂN PHÒNG MÔI GIỚI BẤT ĐỘNG SẢN ĐÌU HIU NGÀY KHAI XUÂN

Nhiều văn phòng môi giới bất động sản vắng bóng khách hàng trong ngày khai xuân năm mới. Môi giới thất thần lo lắng một năm thị trường tiếp tục trầm lắng, hiếm có giao dịch thành công.

Còn nhớ, Tết Nguyên đán năm 2022, khi đó thị trường bất động sản vẫn rất sôi động, nhiều nhà đầu tư tranh thủ dịp nghỉ Tết đi xem, mua đất lấy may đầu năm. Khi đó, môi giới bất động sản đã tất bật ngay từ những ngày khai xuân đưa đón, tư vấn khách hàng.

Tuy nhiên, ở năm nay khung cảnh đã hoàn toàn trái ngược, một số văn phòng môi giới bất động sản mở cửa từ mùng 4 Tết Nguyên đán nhưng ngồi chờ đợi cả ngày cũng không có khách hàng nào qua.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc văn phòng môi giới bất động sản T.P tại Hà Nội cho biết, ngày mùng 4 được đánh giá là tốt để khai xuân. Nên từ sáng sớm anh đã mở cửa để chào đón những vị khách đầu tiên của năm 2023. Song, dù chờ đợi tới cuối giờ chiều nhưng cũng không có ai ghé qua.

“Năm ngoái, từ mùng 2 Tết đã rất nhiều nhà đầu tư tranh thủ ngày nghỉ liên lạc nhờ dẫn đi xem đất, khi đó các nhân viên của văn phòng phải hoạt động hết công suất để phục vụ. Ở năm nay hoàn cảnh đã trái ngược, từ giữa năm ngoái thị trường đã trầm lắng, nhiều nhà đầu tư tỏ ra đã chán bất động sản”, anh Tuấn nói.

Theo anh Tuấn, thông thường dịp cuối năm và đầu năm là thời điểm thị trường bất động sản sôi động. Nhưng với những khó khăn của thị trường hiện tại, anh e ngại sẽ tiếp tục trầm lắng kéo dài. Do vậy, năm nay có thể nhiều môi giới sẽ tiếp tục “đói” giao dịch.

Tương tự, anh Nguyễn Khải, chủ một văn phòng môi giới bất động sản tại Bắc Giang cho biết, năm ngoái thị trường diễn biến sôi động, giá đất liên tục tăng. Nhiều nhà đầu tư đã đi mua đất trong dịp Tết vừa là lấy may và chờ sóng thị trường sau Tết.

Tuy nhiên, năm nay đã khác, ngày mùng 4 anh Khải cũng đã mở cửa khai xuân từ sớm nhưng cũng không có vị khách nào ghé qua. “Ngồi tới trưa không có người tới, cũng không có ai liên hệ nên tôi đã đóng cửa sớm, coi như mở cửa để lấy may”, anh Khải nói.

Trước diễn biến trầm lắng của thị trường bất động sản từ năm cũ, nhiều chủ sàn môi giới bất động sản quyết định sẽ không khai xuân sớm mà vẫn “cửa đóng then cài”.

Anh Xuân Tú, chủ một sàn giao dịch bất động sản tại vùng ven Hà Nội cho biết, việc vắng khách hàng trong thời điểm này đã được dự báo trước. Do vậy, dù ngày mùng 4 Tết tốt ngày nhưng anh vẫn chưa khai xuân mà sẽ chờ qua Rằm tháng Giêng.

“Biết trước sẽ không có khách nên tôi vẫn chưa mở cửa. Thời gian này tôi tạm thời nghỉ ngơi, không cần vội, sẽ còn những ngày đẹp tiếp theo để khai xuân. Thời gian này tôi đi lễ chùa để cầu may mắn, sức khỏe. Hy vọng, trong năm nay thị trường bất động sản sẽ tốt hơn”, người này nói.

Thị trường bất động sản thời gian qua gặp nhiều khó khăn khiến thanh khoản và giá sụt giảm mạnh. Nhiều nhà đầu tư lúc này đang có tâm lý e ngại nên chưa xuống tiền.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, nhà đầu tư bất động sản có lâu năm kinh nghiệm cho biết, thị trường hiện tại không còn cảnh "sốt nóng", giao dịch ồ ạt như khoảng cuối năm 2021, đầu năm 2022. Hiện nay, thị trường đã xuất hiện những nghịch lý, không ít chủ đất chấp nhận giảm giá rất sâu do thanh khoản sụt giảm bởi tâm lý e ngại của nhà đầu tư.

Nguyên nhân dẫn tới tâm lý e ngại của các nhà đầu tư thời điểm này, theo ông Nghĩa, là lãi suất neo cao, giá bất động sản có nhiều hướng đi xuống. Những nhà đầu tư có sẵn tiền mặt sợ rằng, nếu mua ngày hôm nay, ngày mai giá có thể sẽ còn giảm thêm.

(Nguồn: CafeF)

(Xem thêm:

=> Loạt cây xăng 'nghỉ Tết'; Bãi thải thành nhung lụa; Những doanh nghiệp lãi tỷ USD; Hết thời 'ai rồi cũng đi buôn đất' ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang