Sinh hoạt, kinh doanh đảo lộn vì cúp điện; Rau quả TQ về chợ; 'Miếng bánh' xe điện mini giá rẻ; 2 thái cực thị trường BĐS

Sinh hoạt, kinh doanh đảo lộn vì cúp điện

(Ảnh minh họa).

Những ngày qua, nhiều khu vực ở TP HCM, Hà Nội, Bắc Giang xuất hiện tình trạng mất điện hàng tiếng đồng hồ, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và sinh hoạt.

Tại TP HCM, chị Hạnh, chủ quán cà phê ở phường 13, quận Gò Vấp cho biết hôm qua buộc phải nghỉ bán nửa ngày vì mất điện. "Vừa mở cửa hàng thì điện cúp. Thời tiết nóng, không quạt, không điều hòa khiến khách không thể ngồi được nên tôi tạm đóng quán", chị nói.

Chị Hoa, chủ khu nhà trọ tại phường Hiệp Phú (TP Thủ Đức, TP HCM) cũng cho hay 21h tối hôm trước, khi đang sinh hoạt bình thường bỗng dưng các bóng đèn chớp tắt liên tục rồi yếu đi hẳn. Các thiết bị khác cũng bị giảm công suất. Khoảng một tiếng sau, khu vực này đều bị cắt điện.

"Hôm đó trời rất nóng, khách trọ liên tục nhắn tin, gọi điện hỏi lý do và yêu cầu tôi khắc phục", chị Hoa kể. Khoảng một tiếng sau, khu trọ có điện. Đến 2h khuya, điện lại bị cắt, cho đến gần sáng mới ổn định.

Không chỉ hai khu vực trên, các quận Bình Thạnh, Tân Bình, TP Thủ Đức trong mấy ngày qua cũng liên tục xuất hiện việc cắt điện nhiều tiếng đồng hồ.

Hôm nay, nhiều người cho biết việc cúp điện đã tạm hoãn dù trước đó một ngày, họ liên tiếp nhận được thông báo cắt điện từ công ty điện lực TP HCM. "Ngày 18/5, tôi nhận được thông báo sẽ cúp điện trong hôm nay nên cho nhân viên nghỉ. Song sáng nay phải huy động mọi người đi làm lại vì EVN thông báo hoãn cắt điện", chủ một quán cơm tại quận 12 cho biết.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Hà Nội. Hôm qua, thành phố này ghi nhận mất điện tại nhiều khu vực. Anh Phan (Lò Đúc, Hai Bà Trưng) cho hay tối qua, khu vực này bị mất điện hai lần, mỗi lần kéo dài từ 30 phút đến cả tiếng.

Ở Bắc Giang, ngày 18/5, toàn bộ khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng và khu công nghiệp Vân Trung cũng bị cắt toàn bộ phụ tải. Công ty Điện lực Bắc Giang cho biết hai khu công nghiệp trên tiêu thụ khoảng 3,6 triệu kWh điện mỗi ngày, nếu không ngừng cung cấp điện tại đây, toàn bộ khu vực dân sinh và doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh phải bị ngắt điện.

Điện lực Bắc Giang cho rằng chưa biết khi nào chấm dứt tình trạng thiếu nguồn cung ứng điện vì phải phụ thuộc vào thời tiết.

Trong cuộc họp báo hôm qua của Bộ Công Thương, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cũng dẫn số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết đến ngày 12/5, có 13 hồ thủy điện lớn đã về mực nước chết hoặc gần mực nước chết. Đa số các hồ thủy điện còn lại có mực nước thấp hơn nhiều so với quy định trong Quy trình điều tiết hồ chứa, liên hồ chứa.

Tính toán trước đó của EVN cho thấy, trường hợp các tình huống cực đoan xảy ra và mực nước các hồ thủy điện khu vực giảm sâu, miền Bắc có nguy cơ thiếu 1.600-4.900 MW điện trong các tháng 5 và 6.

Tuy nhiên, với diễn biến cắt điện những ngày qua, điện lực Hà Nội và TP HCM cho rằng không liên quan nguồn cung. Theo Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI), gần đây, nắng nóng kéo dài, lượng điện tiêu thụ tăng mạnh, nhất là vào giờ cao điểm. Ghi nhận ngày 17/5, lượng tiêu thụ điện tại thủ đô đạt hơn 85,3 triệu kWh, mức cao nhất trong năm nay. Do đó, một số đường dây, trạm biến áp vận hành bị quá tải hoặc gặp sự cố khiến cho việc cung cấp điện gián đoạn cục bộ.

Tương tự, ông Bùi Trung Kiên - Phó tổng giám đốc EVN HCM, cho biết nguyên nhân mất điện là đang vào tình trạng giao mùa nên phát sinh các điểm có nguy cơ gây ra sự cố, một vài nơi phải cắt khẩn cấp để xử lý. Với những nơi cắt điện 5-6 tiếng trong ngày thường phải xử lý các đường dây ngầm nên mất nhiều thời gian hơn thay vì những đường dây nổi.

"Ngành điện sẽ đảm bảo cung cấp điện cho nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh của thành phố, không có tình trạng cắt điện luân phiên", ông Kiên nói.

Ông Nguyễn Phước Đức - Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam, cũng nói sẽ cân đối nguồn cung hợp lý. Theo ông Đức, mặc dù hộ dân tăng dùng điện trong mùa nắng nóng, bù lại năm nay nhiều xưởng, xí nghiệp sản xuất thu hẹp hoạt động nên lượng điện tiêu thụ trong công nghiệp có chiều hướng giảm.

Nhà đèn của cả hai thành phố lớn đều cam kết sẽ cung cấp đủ điện cho người dân và doanh nghiệp. Hai đơn vị nêu giải pháp tăng cường lực lượng khắc phục nhanh nhất có thể các sự cố về điện, kiểm tra đường dây, thay thế vật tư và thiết bị lâu năm.

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ đã họp với một số bộ, ngành, đơn vị liên quan chiều 18/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu từ nay đến ngày 25/5 không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc cung cấp đầy đủ than cho các nhà máy nhiệt điện sử dụng than. Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) bảo đảm dầu và khí cho các nhà máy nhiệt điện.

Đồng thời cần tiến hành đàm phán theo giá tạm tính với các dự án điện tái tạo đã hoàn thành đầu tư xây dựng và có thể phát điện lên hệ thống điện quốc gia. Các đơn vị liên quan cần tổ chức khai thác tối đa nguồn thủy điện cho đến thời điểm phù hợp.

Theo dự báo trước đó, việc vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm nắng nóng (tháng 5-6-7) sẽ rất khó khăn.

(Nguồn: Vnexpress)

Rau quả Trung Quốc về chợ Việt: Quýt, tỏi đứng đầu bảng

Hàng Trung Quốc chiếm gần 38% tổng giá trị nhập khẩu rau quả của Việt Nam 4 tháng đầu năm nay. Trong đó, tỏi và quýt đứng đầu bảng các loại rau quả Trung Quốc nhập về nước ta.

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam chi gần 560 triệu USD để nhập khẩu các loại rau quả, tăng nhẹ 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, Trung Quốc là cung cấp lớn nhất, chiếm gần 38% tổng giá trị nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 4 tháng năm 2023.

Bản tin phân tích thị trường xuất nhập khẩu nông sản (Bộ NN-PTNT) cho thấy, quý I/2023, Việt Nam nhập khẩu các loại rau quả chủ yếu từ thị trường Trung Quốc, Mỹ, Myanma, Úc và Campuchia.

Các loại rau quả nhập khẩu nhiều nhất gồm: Táo chiếm 13%; nho, quýt, tỏi và đậu xanh mỗi loại chiếm 8%; hạt dẻ 7%; anh đào 4%; các loại khác chiếm 37%.

Riêng rau quả nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc chiếm 41% trong quý I vừa qua, trong đó, tỏi và quýt đứng đầu bảng các với tỷ lệ 19% mỗi loại. Đứng là ba là nấm, chiếm 15%, sau đó tới táo 11%, lê 7%, hành 5%, còn lại là các loại rau quả khác.

Hiện nay, trên thị trường quýt Ôn Châu (Trung Quốc), hay còn gọi là cam đường được bán la liệt chợ, giá dao động từ 25.000-45.000 đồng/kg. Loại quýt này có mẫu mã giống quýt Úc, dễ bóc vỏ nhưng ăn ngọt hơn.

Tại một số chợ đầu mối online, quýt Ôn Châu cũng “phủ sóng” và được rao bán với giá từ 8.000-12.000 đồng/kg tuỳ loại và tuỳ số lượng khách đặt mỗi lần. Lượng quýt các đầu mối bỏ sỉ đều từ vài trăm cho tới hàng nghìn rành mỗi ngày.

Trong khi đó, tỏi Trung Quốc lại được các nhà hàng, quán ăn ưa chuộng bởi tép tỏi to dễ bóc, giá tỏi Trung Quốc cũng rẻ hơn hàng Việt.

(Nguồn: Vietnamnet)

XE ĐIỆN MINI GIÁ RẺ: “MIẾNG BÁNH LỚN” CHỜ ĐƯỢC KHAI PHÁ CỦA THỊ TRƯỜNG VIỆT

(Ảnh minh họa).

Xe điện mini giá rẻ sẽ bùng nổ trong năm 2024, tạo nên một phân khúc thị trường sôi động tại Việt Nam. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp trong bối cảnh các hãng xe trong nước và thế giới liên tục công bố kế hoạch phát triển các dòng xe này thời gian qua.

Giá rẻ, nhưng rẻ bao nhiêu là đủ?

Khảo sát tại một số diễn đàn ô tô cho thấy, mức giá lăn bánh được số đông người dùng chấp nhận và sẵn sàng chi trả cho một chiếc xe điện mini tại Việt Nam dao động từ 200 - 250 triệu đồng, một số khác mong muốn mức giá dưới 150 triệu đồng. Bởi lẽ, chỉ cần chênh thêm từ 5-10 triệu đồng, xe điện mini sẽ gặp áp lực cạnh tranh mạnh mẽ bởi các mẫu xe hạng A đã qua sử dụng như Kia Morning, Hyundai Grand i10.

Ngay cả trong khoảng giá từ 200 - 250 triệu đồng, ở thời điểm hiện tại, người dùng hầu như không có khả năng tiếp cận bất kỳ mẫu xe nào đang có mặt tại thị trường. Thậm chí, một trong những mẫu xe rẻ nhất hiện nay như Panda Mini EV của Geely Auto (Trung Quốc), giá khởi điểm quy đổi khoảng 170 triệu đồng, nhưng nếu nhập khẩu về Việt Nam cũng “đội” lên tối thiểu 350 triệu đồng.

Do đó, để sản xuất, lắp ráp một chiếc ô tô điện giá siêu rẻ, nhưng vẫn có những tính năng cơ bản của một chiếc ô tô thông thường là một thách thức lớn. Tại Việt Nam, hiện chỉ có TMT Motor xác nhận sẽ sản xuất, lắp ráp và phân phối độc quyền ô tô điện Wuling HongGuang MiniEV. Đây là mẫu xe đang làm mưa làm gió tại thị trường thế giới với 3 năm liên tiếp giành top 1 xe điện mini bán chạy (theo thống kê của JATO). Tính riêng trong năm 2022, mẫu xe này đạt doanh số 554.067 chiếc tại thị trường Trung Quốc.

Theo kế hoạch, Wuling HongGuang MiniEV sẽ được lắp ráp tại nhà máy ô tô của TMT tại Hưng Yên với công suất 30.000 xe/năm. Giá bán dự kiến sẽ được công bố trong quý II.

Đặc biệt, mới đây, tại đại hội đồng cổ đông thường niên của Tập đoàn Vingroup, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã tiết lộ một hướng đi mới của VinFast là mở rộng phát triển các mẫu xe điện mini hạng A.

"Chúng tôi đang triển khai đến cuối 2024 ra mắt xe siêu nhỏ và giá thành rẻ nhưng rất đẹp. Vài tuần tới sẽ công bố. Hướng tới hãng xe hàng đầu thế giới thì không bỏ qua sản phẩm nào mà thị trường có nhu cầu", ông Phạm Nhật Vượng cho biết.

Sự tham gia của Vinfast chắc chắn sẽ khiến thị trường xe điện mini trở nên đặc biệt sôi động trong một vài năm tới. Đây cũng là đối thủ đáng gờm của tất cả các hãng xe nhập ngoại khi Vinfast đã sở hữu hai yếu tố quan trọng nhất đối với xe điện là công nghệ lõi về cell pin và hạ tầng trạm sạc.

Người dùng xe điện mini được và mất gì?

Như tên gọi của nó, xe điện mini thường có thiết kế nhỏ gọn nhất có thể. Kiểu dáng thông dụng nhất là xe dạng hình hộp, tối đa 4 chỗ ngồi và chỉ phù hợp với hành khách có vóc dáng trung bình hoặc nhỏ. Bên trong khoang nội thất được thiết kế tối giản, chỉ giữ lại một số chi tiết, tính năng cơ bản nhất, chỉnh cơ hoàn toàn và thiếu nhiều tính năng hỗ trợ chủ động, an toàn trên xe.

Điểm khác biệt lớn nhất nằm ở khối pin. Đa số mẫu xe điện cỡ nhỏ trên thị trường hiện nay sử dụng hệ thống pin có công suất từ 35-60 kWh, cho phép xe di chuyển từ 200-400 km sau mỗi lần sạc đầy. Trong khi đó, với các mẫu xe điện mini giá rẻ, công suất pin thường chỉ từ 9-14 kWh, quãng đường di chuyển dưới 150 km. Chính điều này giúp giảm giá thành đáng kể cho xe điện mini và được đánh giá là khá phù hợp với nhu cầu di chuyển trong đô thị.

Mới đây, tại Triển lãm Autotech & Accessories 2023 diễn ra ở quận 7 (TP. Hồ Chí Minh), một công ty của Trung Quốc trưng bày một mẫu xe điện “siêu” mini với công suất pin chỉ 2,2 kWh, quãng đường di chuyển 100 km. Xe chỉ có 3 ghế ngồi và không có khoang hành lý phía sau.

Mặc dù vậy, do thiết kế nhỏ gọn, trọng lượng trên dưới 600 kg, thiếu nhiều tính năng an toàn nên các nhà sản xuất đều khuyến cáo người dùng di chuyển với tốc độ chậm (40-50 km/h) để đảm bảo an toàn. Việc lái xe với tốc độ cao, kết hợp ôm cua sẽ dễ khiến xe bị lật nghiêng và gặp tai nạn.

Kết quả NCAP cho thấy, một số mẫu xe điện mini có chất lượng thân vỏ khá thấp nếu so sánh với các mẫu xe hơi thông thường. Ngày 23/1/2021, một vụ tai nạn giữa một chiếc xe Audi với chiếc Wuling Hongguang MiniEV ở Đài Bắc (Trung Quốc). Trong khi người ngồi trên xe Audi chỉ bị thương thì hai hành khách ngồi trên chiếc Wuling đã tử vong tại chỗ, phần đầu xe cũng bị biến dạng hoàn toàn. Một vụ va chạm khác với Mercedes-Benz GLC cũng khiến chiếc MiniEV bị móp đáng kể, trong khi chiếc GLC dường như không hề hấn gì.

Do đó, khi sở hữu một chiếc xe điện mini giá rẻ, người dùng sẽ phải thực sự kiểm soát hành trình một cách thủ công, không thể thỏa mãn nhu cầu di chuyển với tốc độ cao và an nhàn như những mẫu xe hơi hạng sang.

Bù lại, với giá thành siêu rẻ, chỉ bằng một nửa so với một chiếc xe hơi hạng A, người dùng đã có thể sở hữu một chiếc xe mới, đi kèm chính sách bảo hành chính hãng, thay vì chịu rủi ro khi sang tay một chiếc xe cũ. Bên cạnh đó, thiết kế nhỏ gọn giúp xe điện mini dễ dàng di chuyển trong khu vực đường phố, ngõ nhỏ tại Việt Nam mà các mẫu xe khác không tiếp cận được. Đối với người mới mua xe lần đầu, đây có thể coi là dòng xe bình dân, giúp ước mơ sở hữu ô tô ngày càng gần với các gia đình hơn, qua đó góp phần đẩy nhanh tiến trình ô tô hóa tại Việt Nam. Đối với người đã sở hữu ô tô, việc mua thêm một chiếc xe điện mini sẽ đóng vai trò như một phương tiện di chuyển thứ hai để phục vụ những chuyến đi ngắn như đi chợ, đi học.

Cần nhiều thay đổi để người dùng tiếp cận

Các chuyên gia nhận định, xe điện mini có thể là một bước chuyển phù hợp giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận và lựa chọn phương tiện di chuyển “xanh”, qua đó giúp đẩy nhanh tiến trình điện khí hóa ô tô tại Việt Nam. Việc các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước như Vinfast, TMT Motor và các hãng xe nước ngoài đẩy mạnh phát triển xe điện mini đã giúp mở ra một phân khúc mới đầy tiềm năng và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi khi được mua xe ô tô giá rẻ.

Mặc dù là thị trường ngách, nhưng với sự tham gia của cả những ông lớn trong ngành ô tô trong nước và thế giới, các nhà sản xuất sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng việc tích hợp công nghệ, tính năng đến đâu và hướng đến nhóm đối tượng khách hàng nào trong mỗi dòng sản phẩm để đạt hiệu quả tối ưu. Với những hãng xe chưa có hạ tầng trạm sạc tại Việt Nam, các mẫu xe hybrid sẽ có lợi thế hơn xe “thuần” điện vì không lệ thuộc vào trạm sạc và chi phí sản xuất cũng rẻ hơn.

Đối với người tiêu dùng, tiêu chí đầu tiên khi lựa chọn xe ở phân khúc này là giá phải đủ rẻ, có thể chấp nhận cắt bỏ “option” ở mức độ hợp lý. Tiêu chí thứ hai là khả năng sạc pin nhanh chóng, tiện lợi. Thứ ba là khả năng giữ giá khi người dùng có nhu cầu “lên đời” xe điện. Cuối cùng, xe vẫn phải đảm bảo an toàn khi vận hành để hạn chế những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Điều này có nghĩa, xe điện mini phải chứng tỏ được ưu thế vượt trội so với xe máy thì người tiêu dùng mới quyết định chọn mua.

Các chuyên gia cũng cho rằng, để xe điện mini giá rẻ hay xe điện nói chung phát triển mạnh tại Việt Nam, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp cũng rất cần đến những chính sách hỗ trợ cụ thể hơn từ Chính phủ. Theo đó, một trong những chính sách có tác động lớn nhất đến quyết định của người tiêu dùng là chính sách trợ giá khi mua xe điện. Bên cạnh đó, những chính sách ưu tiên như miễn, giảm phí trông giữ xe, phí bảo vệ môi trường đối với xe điện sẽ góp phần thay đổi thói quen của người dùng theo hướng ưu tiên sử dụng năng lượng sạch. Về phía doanh nghiệp, cần có chính sách hỗ trợ, ưu tiên về thuế TTĐB, phí trước bạ đối với xe thuần điện, xe hybrid và các dòng xe thân thiện với môi trường khác. Ngược lại, cần có lộ trình rõ ràng về việc tăng phí bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu đối với xe chạy xăng, dầu để định hướng, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi dần sang các dòng xe “xanh” trong tương lai gần.

(Nguồn: VnEconomy)

Hai thái cực của thị trường bất động sản: Đầu cơ lặng sóng, ở thực âm thầm giao dịch

Giữa lúc khó khăn, một số dự án căn hộ vẫn có giao dịch đều, trong khi không ít dự án lặng sóng sức mua. Nhiều người đặt câu hỏi: Vì đâu?

Hết thời dự án “cầm đèn chạy trước…”?

Trong cuộc phỏng vấn mới đây, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang nhấn mạnh, đây là thời điểm của người mua. Tuy nhiên, đó phải là dự án đủ pháp lý và xây dựng tốt, đáp ứng nhu cầu ở thực. Bởi lẽ, lúc này, thị trường không còn cuộc chơi của lướt sóng hay đầu cơ.

“Trong rổ hàng đầu tư, bất động sản vẫn là tài sản đầu tư an toàn nhưng yếu tố pháp lý chỉn chu là vô cùng quan trọng, quyết định phần lớn thanh khoản dự án ở giai đoạn này”, vị này nhấn mạnh.

Quả thực, thị trường bất động sản từng chứng kiến khá nhiều dự án chưa chuẩn pháp lý đã chào bán. Các giao dịch mua, bán theo hình thức hợp đồng góp vốn, chủ đầu tư đẩy mạnh chiết khấu để thu hút dòng tiền ngắn hạn của nhà đầu tư, nhà đầu cơ. Tuy nhiên, sức mua ở thực lại rất yếu. Hệ quả là dòng vốn thực để bỏ vào dự án khiêm tốn dẫn đến dự án chậm tiến độ xây dựng hoặc gian nan trong việc cấp sổ cho cư dân.

Có không ít dự án căn hộ hình thành trong tương lai tỉ lệ mua đầu tư ngắn hạn chiếm đến 70-80%. Việc đứt gãy dòng vốn đã kéo theo nhiều dự án “chôn” tiến độ nhiều năm. Khách mua thực là người chịu trận, đợi nhiều năm chưa có nhà hoặc có nhà nhưng mãi không ra được sổ.

Chia sẻ tại Hội thảo mới đây, TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia nhấn mạnh, nguồn cơn của sự trầm lắng vừa qua một phần xuất phát từ sự méo mó của thị trường khi đa phần kích thích đầu cơ, thay vì thị trường thật. Đó là lý do cung - cầu luôn mất cân đối.

“Cụ thể, thị trường bất động sản chỉ đóng băng ở phân khúc cao cấp, các sản phẩm không đủ tính pháp lý thuộc phân khúc đầu cơ. Chủ đầu tư thì sử dụng công cụ tài chính thái quá, giá bị đẩy lên cao, không kiểm soát rủi ro nên hậu quả lớn. Trong khi đó, sản phẩm phù hợp khả năng thanh toán của người mua thì nguồn cung khan hiếm và nhu cầu còn lớn”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Thực tế, sự phát triển nóng và bất cân đối của thị trường trong những năm trước đã để lại hệ luỵ không nhỏ. Sau giai đoạn khủng hoảng 2008 – 2012 thị trường bất động sản bắt đầu chu kỳ hồi phục và tăng trưởng mới. Giai đoạn 2015 – 2019 thị trường chứng kiến sự tăng nóng cả nguồn cung, tiêu thụ lẫn mặt bằng giá. Nếu so với 2015 giá bán bất động sản hiện nay tăng trung bình 2 – 3 lần, thậm chí nhiều nơi mức tăng 7 – 10 lần (tuỳ khu vực).

Nguồn cung tăng mạnh nhưng các sản phẩm chủ yếu tập trung phân khúc cao cấp và hạng sang, dự án vừa túi tiền dành cho đại đa số người dân ngày càng khan hiếm, thậm chí mất tích.

Những diễn biến của thị trường hiện tại theo các chuyên gia trong ngành đó là sự thanh lọc đúng nghĩa. Thời các dự án “cầm đèn chạy trước ô tô” đã qua đi, nhường chỗ cho những đơn vị định hướng phát triển bền vững, những dự án chuẩn pháp lý và xây dựng tốt.

Môi giới vẫn “chốt” giao dịch

Vì sao, bên cạnh các dự án im ắng sức cầu, thậm chí không xuất hiện bất cứ giao dịch nào từ đầu năm đến nay thì ở một số dự án, môi giới vẫn “chốt” được giao dịch?

“Giai đoạn này niềm tin người mua bị bào mòn vì những gì đã xảy ra trong thời gian qua. Vì thế, họ tìm đến những thương hiệu uy tín, để được yên tâm về năng lực, pháp lý, chất lượng sản phẩm, tiến độ, chính sách…”, một chuyên gia nhấn mạnh khi nói về lý do một số dự án vẫn có giao dịch đều lúc thị trường khó khăn.

Ghi nhận cho thấy, một số dự án căn hộ tại Tp.HCM vẫn có giao dịch ổn định, thậm chí, có dự án đột phá khi hấp thụ trên 80% rổ hàng ở thời điểm này.

Chẳng hạn, mới đây, dự án căn hộ MT Eastmark City của Rio Land tại Tp.Thủ Đức giao dịch hơn 60% giỏ hàng giai đoạn này. Trước đó, dự án này đạt kỷ lục tiêu thụ 1.000 căn dù thị trường khó khăn. Với mức giá từ 42 triệu đồng/m2, đây có thể là lý do khiến dự án hút người mua ở thực.

Tương tự, tại dự án Akari City (Q.Bình Tân); Mizuki Park (Bình Chánh) của Nam Long Group, trong 2 tuần ghi nhận giao dịch hơn 60 căn, chủ yếu đến từ nhu cầu ở thực.

Cùng với đó, các dự án của chủ đầu tư nước ngoài có thương hiệu như Capitaland, Keppel Land, Hongkong Land, Vinacapital,… cũng có giao dịch khá tốt. Chẳng hạn, De La Sol quận 4 của Capitaland mỗi ngày giao dịch trung bình 3-4 căn với giá trị trung bình 7 tỷ đồng/căn, The Marq của Hongkong Land theo ghi nhận tuần qua bán 7 căn với giá trị giao dịch tầm 20-25 tỷ/căn, hay mới đây, Keppel Land tung ra 100 căn Celesta Nhà Bè thì chỉ trong 1 ngày đã giao dịch hơn 70% rổ hàng…

Các dự án có thanh khoản ở giai đoạn khó khăn này đa số đến từ doanh nghiệp đã minh chứng được qua thời gian về sự bền vững trong sản phẩm và uy tín về thương hiệu. Niềm tin quyết định sức mua ở thời điểm này.

“Hiện nay, có 4 yếu tố giúp thanh khoản xuất hiện ở các dự án bất động sản. Thứ nhất, khách hàng vẫn rất thích đầu tư bất động sản an toàn. Thứ hai, sản phẩm thật và xây dựng tốt vẫn hút khách mua. Thứ ba, chủ đầu tư uy tín được ưu tiên lựa chọn. Thứ tư, giải pháp dòng tiền là tại thời điểm này là thứ cần lưu ý”, một chuyên gia trong ngành nhấn mạnh.

(Nguồn: CafeF)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang