Chục nghìn tấn gà thải mỗi tháng; Chủ nhỏ điêu đứng, ông lớn lỗ nặng; DN xây dựng 'chết chùm'; Chủ đất bị người mua ép giá

Hàng chục nghìn tấn gà thải "tuồn" vào Việt Nam mỗi tháng

(Ảnh minh họa).

Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, hiện mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà sống đẻ thải loại được nhập lậu vào Việt Nam. Nếu tình trạng này không được kiểm soát, sản xuất gia cầm trong nước không những đối mặt nguy cơ khốn đốn mà còn có thể gây hậu quả cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) vừa gửi một loạt kiến nghị khẩn tới Thủ tướng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các bộ, ngành.

Theo VIPA, thời gian qua chi phí vật tư đầu vào tăng cao kỷ lục nhưng giá sản phẩm chăn nuôi xuống sâu. Có thời điểm giá bán một số sản phẩm gia cầm chỉ bằng 2/3 giá thành sản xuất khiến nhiều doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi gia cầm có nguy cơ phá sản. Hàng ngàn cơ sở chăn nuôi gà, vịt phải giảm quy mô sản xuất, hoặc phải tạm ngừng hoạt động do thua lỗ kéo dài.

Đặc biệt, tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam tiếp tục diễn ra phức tạp, nhất là tại các tỉnh miền Trung và miền Nam.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của VIPA, hiện mỗi tháng có hàng chục nghìn tấn gà sống đẻ thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta. Chưa kể, rất nhiều phụ phẩm chăn nuôi có giá rất rẻ như chân, đầu, cổ, cánh, da, lòng mề gia cầm... ồ ạt vào thị trường Việt Nam để chế biến làm thực phẩm cho người.

"Đây không những là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm các chủng virus cúm gia cầm và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác vào Việt Nam mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm trong nước, gây hậu quả cho sức khỏe người tiêu dùng", ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch VIPA cho hay.

Trước tình trạng trên, lãnh đạo VIPA kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cùng các địa phương tổ chức kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới.

Các đơn vị cần tăng cường các biện pháp phi thuế quan nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu các sản phẩm gia cầm như thời gian qua để bảo vệ sản xuất trong nước. Đồng thời, Chính phủ cần khẩn trương cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt từ các nước có sử dụng chất kích thích sinh trưởng Ractopamine, Cysteamine.

VIPA cũng đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Bộ NN&PTNT sớm xem xét sửa đổi quy định tại Thông tư số 101 để tính phí kiểm dịch , đồng thời giảm ít nhất 50% phí kiểm dịch giết mổ trên 1 con gia cầm.

Đặc biệt, để tạo bước đột phá về xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, VIPA kiến nghị Bộ NN&PTN phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt chương trình trọng điểm xuất khẩu một số sản phẩm chăn nuôi chủ lực như thịt gà chế biến, trứng gà, vịt, trứng chim cút qua chế biến, lông vũ, kể cả con giống...

(Nguồn: Kenh14)

Các ông chủ nhỏ điêu đứng, 'ông lớn' lỗ hàng trăm tỷ

Phải bán gà, bán lợn dưới giá thành sản xuất, người chăn nuôi gồng lỗ, ngập trong nợ nần. Ngay cả với các "ông lớn" ngành chăn nuôi dịp này cũng thua lỗ nặng.

"30 năm chăn nuôi, chưa bao giờ khó thế"

“Thời tiết nắng nóng, gà tiêu thụ chậm phải chen chân trong chuồng nên chết la liệt. Hôm qua, tôi vừa nhặt vứt hơn 1.000 con”, ông Lê Phương Hải - chủ trang trại chăn nuôi 500.000 con gà công nghiệp ở Long Thành (Đồng Nai) - buồn rầu nói với PV. VietNamNet.

Gắn bó với với con gà từ năm 1994, đến nay sắp tròn 30 năm, chưa bao giờ ông Hải thấy khó khăn như vậy. Thậm chí, ngay cả khi xảy ra dịch Covid-19, tiêu thụ gà cũng chỉ khó một thời gian rồi hồi phục ngay.

Còn giai đoạn hiện tại, ông liên tục phải bán gà dưới giá thành, gồng lỗ nặng. Gà công nghiệp (loại lông trắng) chỉ 19.000-21.000 đồng/kg. Mức giá này, ông lỗ 12.000-13.000 đồng/kg gà lông khi xuất chuồng. Gia đình ông có tổng cộng 5 trại, nuôi gối nhau nên tháng nào cũng có gà bán. Mỗi lần xuất bán khoảng 300 tấn gà/trang trại.

"Buồn hơn cả là gà tiêu thụ rất chậm. Trước đây, một trại gà xuất bán chỉ một tuần là hết, nay kéo dài tới 5 tuần. Có lứa bán chậm, thời gian nuôi lên tới 55 ngày, chi phí tăng nên càng lỗ nặng", ông kể.

Năm ngoái lỗ nhiều. Năm nay còn lỗ nhiều hơn. Chỉ 4 tháng đầu năm, ông Hải nhẩm tính lỗ tới 5-6 tỷ đồng. Nhà cửa, sổ đỏ có bao nhiêu đem cầm cố hết để duy trì đàn gà. Nợ ngân hàng hơn chục tỷ đồng phải gánh lãi hàng tháng, giờ ông muốn vay thêm cũng không thể.

"Chăn nuôi quy mô lớn, con giống, cám đều ký kết với nhà phân phối. Giờ giảm đàn cũng khó. Bạn tôi, vì lỗ quá nặng nên khu chuồng trại nuôi gà công suất 1,2 triệu con/lứa buộc phải treo chuồng 3 tháng nay", ông chia sẻ.

Với giá gà công nghiệp như hiện nay, ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát, cho biết, những hộ chăn nuôi quy mô vừa đang lỗ “banh xác”. Trang trại lớn chăn nuôi công nghệ cao vẫn trụ được, nhưng cũng ngắc ngoải.

Nhiều hộ treo chuồng hoặc phải cho thuê chuồng. Ngay cả những hộ cho thuê chuồng trại thì đến giờ cũng không lấy được tiền vì dính "bão" giá thức ăn chăn nuôi, người thuê không có tiền trả.

"Lỗ hoài thì công nghệ cao cỡ nào cũng thua, bởi bão giá kéo dài suốt từ giữa năm 2022 đến nay và dự báo tới hết quý III", ông Quyết lo lắng. Vì thế, với giá gà công nghiệp hiện tại, người nuôi tốt cũng lỗ 10.000 đồng/kg khi xuất chuồng.

Thông tin từ Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, với gà ta, tháng 1/2023, người nuôi lỗ 7.000 đồng/kg, tháng 2 lỗ 10.000-11.000 đồng/kg, tháng 3 lỗ tới 13.000-14.000 đồng/kg. Trước đó, quý I/2022, người nuôi đã chịu lỗ 3.100 đồng/kg khi xuất chuồng, quý III lại lỗ hơn 7.000 đồng/kg, quý IV lỗ 12.300 đồng/kg. Cả năm ngoái, chỉ quý II là giá bán cao hơn giá thành, nhưng mức lãi không đáng kể.

Từng là nông dân xuất sắc với trang trại chăn nuôi lợn quy mô hơn 2.000 con ở Sơn Dương (Tuyên Quang), ông Hoàng Văn Chung cũng điêu đứng vì con lợn.

Ông tâm sự, năm 2021, dịch bệnh tấn công nên ông lỗ vài tỷ đồng, chuồng bỏ trống. Cuối quý I/2022, ông bắt đầu vào đàn lại nhưng cạn vốn, lo lắng dịch bệnh tái diễn nên chỉ nuôi 500 con.

"Nuôi đến khi lợn được xuất chuồng thì giá bắt đầu giảm. Từ đầu năm đến nay, tôi bán 4 lứa lợn thì 3 lứa lỗ nặng, 1 lứa hòa vốn", ông nói. Có lúc xuất bán lợn chỉ 46.000-47.000 đồng/kg, mỗi con lỗ gần 1 triệu đồng. Mấy hôm trước, ông may mắn xuất bán lợn giá 54.000 đồng/kg, vừa hòa vốn.

Thấy giá lợn đang nhích dần lên sau một thời gian dài chìm dưới đáy, nhưng ông Chung không thể tăng đàn. Bởi, sổ đỏ đã cầm cố ở ngân hàng vay lãi, giờ vẫn chưa trả được. Trong khi, đại lý cám cũng không cho nợ, bắt trả tiền tươi.

"Ngày trước giá lợn tốt, đại lý cám cho nợ cả vài trăm triệu mỗi lần. Bán được lợn tôi mới phải thanh toán. Giờ ngày nào tôi cũng phải chạy vạy, vay tiền mua cám cho lợn ăn từng bữa", ông nói.

"Ông lớn" cũng thua lỗ nặng

Chia sẻ với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Công Bắc - Giám đốc Công ty chăn nuôi Lộc Phát BLLT - cho hay, mấy ngày nay giá lợn hơi tăng lên 54.000-56.000 đồng/kg, người chăn nuôi quy mô lớn tự chủ được con giống đã hòa gốc. Còn trước đó, cả một thời gian dài doanh nghiệp và người nuôi phải xuất bán lợn dưới giá thành, ôm lỗ nặng.

Công ty có quy mô 1.500 lợn nái, hơn 10.000-11.000 con lợn thịt thương phẩm. Mỗi tháng, ông xuất bán ra thị trường khoảng 2.000-2.500 con lợn thịt và một lượng lớn lợn giống.

Từ cuối tháng Giêng đến nay, ông luôn phải bán lợn dưới giá thành. Có thời điểm chỉ 46.000 đồng/kg, bán một con lợn lỗ gần 1 triệu đồng.

"Đó là tôi còn tự cung tự cấp được con giống, những hộ chăn nuôi nhỏ phải mua thì lỗ nặng hơn", ông chia sẻ. Do liên tục phải bán lợn hơi dưới mức giá thành, 4 tháng đầu năm nay, công ty của ông Bắc lỗ khoảng 6 tỷ đồng.

Lãi vay tăng đột biến, chi phí thức ăn cũng tăng cao, giá lợn hơi lại nằm dưới đáy khiến nhiều "ông lớn" ngành chăn nuôi thua lỗ nặng.

Quý I/2023, Tập đoàn Dabaco (DBC) báo lỗ kỷ lục 321 tỷ đồng. Trước đó, quý IV/2022 công ty này cũng lỗ gần 80 tỷ đồng.

"Ông lớn" Hoà Phát cũng báo lỗ 117 tỷ đồng trong quý I/2023. Đây là số lỗ lớn nhất của mảng nông nghiệp từ khi Hòa Phát tham gia lĩnh vực chăn nuôi (năm 2015) và là quý lỗ thứ hai liên tiếp.

Doanh thu quý I/2023 của Nông nghiệp BaF (BAF) cũng giảm 47%, xuống còn 816 tỷ đồng. Trong kỳ, lãi vay tăng đột biến khiến BAF lỗ thuần 3 tỷ. Tuy nhiên, nhờ nguồn thu từ việc thanh lý tài sản, công ty vẫn có lợi nhuận sau thuế gần 4 tỷ đồng, giảm 95,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) năm ngoái nổi lên với thương hiệu Heo ăn chuối Bapi, với tham vọng đạt 1 triệu con lợn trong năm 2023.

Song, suốt một thời gian dài giá lợn hơi ở mức thấp, các trang trại chăn nuôi lỗ nặng. Riêng HAGL, dù có lợi thế khi cho lợn ăn chuối loại sau xuất khẩu nhưng cũng khốn đốn. Vì thế, năm nay, HAGL xác định mảng chăn nuôi lợn không có lãi, đúng như thực tế diễn ra trong quý I. Doanh nghiệp buộc phải thận trọng hơn với các kế hoạch đề ra.

(Nguồn: Vietnamnet)

Doanh nghiệp xây dựng sắp “chết chùm” vì nợ đọng

(Ảnh minh họa).

Thị trường xây dựng đang rơi vào tình cảnh nợ vòng quanh, chủ đầu tư nợ nhà thầu chính, nhà thầu chính nợ nhà thầu phụ, thầu phụ nợ nhà cung cấp vật liệu…hiện thị trường như mớ bòng bong.

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) xung quanh tình cảnh khó khăn của các doanh nghiệp xây dựng hiện nay.

Hành lang pháp lý chưa rõ ràng

Đáng chú ý, nói về tình trạng nợ đọng đang khiến nhiều doanh nghiệp trước nguy cơ phá sản, ông Hiệp cho biết, có gói thầu nợ đọng gần 20% vẫn chưa được thanh toán sau 7 năm công trình đưa vào sử dụng. Nhiều nhà thầu xây dựng cho biết, họ vẫn đang loay hoay tìm hướng giải quyết, nhưng khó đạt được thỏa thuận, vì thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng lớn như vậy, theo đại diện VACC, là do hành lang pháp lý không rõ ràng, có nhiều lỗ hổng. Nhà thầu phải thực hiện 4 lần bảo lãnh rất chặt chẽ kể từ khi dự thầu cho đến khi thực hiện gói thầu (dự thầu, thực hiện hợp đồng, thanh toán và tạm ứng), trong khi pháp luật hiện không có một chế tài nào với chủ đầu tư nếu như không có vốn thanh toán cho nhà thầu.

Chia sẻ với báo chí, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kỹ thuật công trình Việt Nam (2T Corporation) cho biết, hầu hết nhà thầu đều có các khoản nợ khó đòi, phải trích dự phòng nợ xấu. Nhiều nhà thầu rơi vào tình trạng khó khăn tài chính, dẫn đến nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, thậm chí giải thể, phá sản.

Ngay cả khi trường hợp chủ đầu tư có phát hành bảo lãnh thanh toán, ông Minh cho biết, nội dung bảo lãnh luôn chỉ là: “Ngân hàng sẽ chi trả khi chủ đầu tư không trả được khoản thanh toán/món nợ”. Tuy nhiên, để hình thành món nợ và chủ đầu tư thừa nhận món nợ, thì phải có biên bản quyết toán, tức phải có nghiệm thu khối lượng hoàn thành. Đối với các chủ đầu tư cố ý trì hoãn nghiệm thu, trì hoãn quyết toán thì nhà thầu không thể yêu cầu ngân hàng chi trả, thậm chí khó được tòa án chấp thuận thụ lý vụ án, nếu kiện ra tòa.

Tranh chấp trong hoạt động xây dựng, theo một số nhà thầu, nhiều khi là do ý đồ không sòng phẳng của chủ đầu tư. Nhiều nhà thầu xảy ra các mẫu thuẫn, phát sinh tranh chấp với chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng, giá thành… trong đó chủ yếu liên quan đến công tác thanh toán, từ đó dẫn đến tình trạng nợ đọng kéo dài.

“Nhiều dự án (được hình thành từ tài sản của nhà thầu) đã được chủ đầu tư bán hết sản phẩm, thu đủ tiền, thậm chí lãi lớn, lấy tiền đi đầu tư dự án khác, nhưng vẫn không trả tiền cho nhà thầu”, ông Lê Hồng Minh chia sẻ.

Cần cơ chế bảo lãnh thanh toán ngang bằng

Để tránh tình trạng nợ đọng kéo dài, khiến doanh nghiệp “chết chùm” như hiện nay, ông Nguyễn Quốc Hiệp đề nghị, đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp cho các nhà thầu xây dựng phát triển một cách lành mạnh, an toàn.

Trước tiên cần phải xây dựng văn hóa ngang bằng giữa các chủ thể hợp đồng, loại bỏ tư duy chủ đầu tư “cao hơn”, là “bề trên” nhà thầu. Đồng thời, phải sửa đổi bổ sung biểu mẫu hợp đồng theo hướng bổ sung trách nhiệm thanh toán, bảo lãnh thanh toán ngang bằng giữa nhà thầu - chủ đầu tư; bổ sung điều khoản bảo đảm sự tuân thủ hợp đồng của các chủ đầu tư trước khi cấp chứng chỉ nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Còn theo ông Lê Hồng Minh, trong trường hợp dự án có các hạng mục công việc mà khối lượng phát sinh tăng 20% so với khối lượng hợp đồng (đơn giá phải lập lại mới) và khối lượng công việc phát sinh chưa có đơn giá trong hợp đồng, thay vì yêu cầu giữ lại từ 2 - 5% giá trị hợp đồng để chờ quyết toán, ông Minh kiến nghị có thể quy định trong hợp đồng tỷ lệ tạm ứng và thanh toán nhất định đối với các hạng mục phát sinh này.

Ngoài các quy định về quá trình triển khai, nghiệm thu, đưa công trình vào sử dụng (tại Điều 23 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP), ông Lê Hồng Minh khuyến nghị, cần bổ sung thêm “Biên bản nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình giữa chủ đầu tư (bên giao thầu) và nhà thầu”. Để tăng cường chế tài với chủ đầu tư (bên giao thầu), cần bổ sung điều khoản thanh toán: “Bên giao thầu phải phát hành bảo lãnh thanh toán (do ngân hàng phát hành) có nội dung: Tổ chức bảo lãnh/ngân hàng chi trả toàn bộ số tiền, tương ứng với giá trị vật tư, vật liệu, thiết bị... nhà thầu đã đưa vào công trường căn cứ hồ sơ nhập vật tư, thiết bị vào công trường”.

Chia sẻ dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho biết, trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng đến giải pháp cuối cùng là tố tụng, nhà thầu phải thu thập được những chứng cứ xác thực, chắc chắn và lưu ý đến thời điểm còn hiệu lực tố tụng.

“Thực tế để có được những luận cứ có sức nặng thì nhà thầu cần xây dựng và hoàn thiện quy trình hành động/khiếu nại nhằm giảm thiệt hại, bảo đảm quyền lợi của các bên và thuận lợi cho việc đề xuất, giải quyết các vướng mắc”, luật sư Biên chia sẻ.

(Nguồn: Môi trường & Đô thị)

Thời chủ đất bị người mua ép giá: “Giờ tôi mua với giá nào chẳng được”

Khi nguồn hàng cắt lỗ nhiều, lựa chọn của người mua tăng lên, đồng nghĩa, thị trường bất động sản liên tục xuất hiện trạng thái người mua ép giá người bán.

Người bán “ngã ngửa” khi nghe người mua trả giá

Nền đất nông nghiệp tại Đồng Nai mua vào với giá 3,8 tỉ đồng/nền cuối năm 2021, đến nay anh Dũng (ngụ Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) bị trả giá xuống 2,8 tỉ đồng. Trong khi đầu năm 2022, có người trả anh giá 4,4 tỉ đồng. Vì nghĩ đất còn lên giá nên anh Dũng không bán, hiện cần tiền bán ra thì “ngã ngửa” khi nghe người mua trả giá. Tuy nhiên, vì mảnh đất sử dụng vốn vay khá ít nên anh Dũng không bán với giá đó mà chờ giá kì vọng.

Cũng bị ép giá xuống 700 triệu đồng một lô đất thổ cư tại Tp.Thủ Đức, một nhà đầu tư quyết định không rao bán nữa. Do cần tiền giải quyết công việc, nhà đầu tư này đã giảm 200 triệu đồng so với giá thị trường nhưng liên tục bị người mua và phía môi giới vào ép giảm thêm. Do không vay ngân hàng, thấy lỗ so với giá mua vào, nhà đầu tư này không bán mà chờ thị trường.

Liên tục bị trả giá thấp, nhiều chủ đất đóng giỏ hàng. Họ rơi vào trường hợp sử dụng vốn vay ít hoặc không vay. Việc chào bán ra thời điểm này hoặc là thu được dòng tiền hoặc bán giá cao hơn, rất ít trường hợp cắt lỗ. Với họ “giá đó, thích thì mua, không thích thì thôi”.

Tuy nhiên, sản phẩm rao bán của họ sẽ bị “đụng hàng” với các nhà đầu tư ngộp tài chính. Theo dòng thị trường hiện tại, sản phẩm của các nhà đầu tư này sẽ bị bên mua ép giá rất mạnh.

Người mua: “Tôi mua giá nào chẳng được”

Xem rằng thời điểm sốt đất, chủ đất hét giá cao, nhiều người mua vào giá hớ. Hiện tại là lúc người mua ép giá ngược người bán.

“Đợt này nhiều lựa chọn lắm. Toàn những lô tốt. Mấy lô đất chủ nhà không xoay được đâu ra tiền nên cần bán gấp, cho nên mình mua giá nào chẳng được”, một nhà đầu tư sống tại Tp.HCM cho hay.

Theo vị này, hiện có khá nhiều chủ đất xả hàng ngộp nên sự lựa chọn của người mua rất nhiều. Vì thế, giá trả nếu chủ đất không bán thì thôi.

Chưa kể, việc trả giá còn cân đối lợi nhuận và rủi ro lúc thị trường chưa hồi phục. Theo nhà đầu tư này, đi mua bất động sản lúc này phải tính toán được lợi nhuận cao nhất cho mình trong bối cảnh thị trường còn rủi ro. Nếu bỏ tiền ra không lời cao (hoặc chỉ bằng tiền lãi suất tiết kiệm ngân hàng) thì bỏ ngân hàng an toàn hơn.

“Vì thế, với những sản phẩm ngộp thực sự thì phải trả giá sâu để mua được giá thấp nhất lúc này, vì biết đâu giá bất động sản còn giảm nữa”, nhà đầu tư này chia sẻ.

4 tháng đầu năm 2023 các nhà đầu tư cá nhân có sẵn tiền đã đánh tiếng mua lại sản phẩm ngộp thứ cấp. Tuy nhiên, thay vì mua giá chủ đất/nhà rao thì họ liên tục trả giá, ép giá mức tới 50% giá trị tài sản.

“Thị trường bất động sản đã xuất hiện tình trạng người mua trả giá rất rẻ mạt với tài sản của những nhà đầu tư cần tiền bán gấp. Dù giá đã giảm 20-40% so với giá thị trường, người mua vẫn vào ép giảm thêm từ 20-30%”, một chuyên gia trong ngành cho biết.

Ghi nhận cho thấy, hiện những nhà đầu tư xuống tiền mặt mua bất động sản lúc này chủ yếu là thợ săn, dân “kền kền”. Họ tìm kiếm hàng thanh lý và những người khó xoay sở tài chính để trả giá xuống thấp nhất. Với các trường hợp nhà đầu tư quá sức đã chấp nhận bán bằng mọi giá để không phải khổ sợ trên đống tải sản.

(Nguồn: Soha)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang