Sầu riêng 'hàng dạt' đổ bộ vỉa hè; Tranh cãi cốc trà giá 100.000 ở sân bay; DN cần vốn, giảm lãi vay; Nở rộ rao bán đất 'siêu rẻ'

Sầu riêng "hàng dạt" giá rẻ đổ bộ vỉa hè TPHCM

(Ảnh minh họa).

Với giá chỉ từ 35.000-50.000 đồng/kg, những ngày qua sầu riêng "hàng dạt" từ các nơi tấp nập đổ về TP.HCM và được bày bán la liệt trên vỉa hè.

Ghi nhận của PV Tiền Phong sáng 23/5, trên nhiều tuyến đường trong thành phố như Nguyễn Văn Luông, Kinh Dương Vương (quận 6), An Dương Vương (quận Bình Tân), đại lộ Võ Văn Kiệt… sầu riêng được đổ đống trên vỉa hè được rao bán với giá rẻ bất ngờ.

Trên đường Võ Văn Kiệt (quận 5), một sọt sầu riêng Ri 6 được người bán chào mời chỉ có giá 35.000 đồng/kg thu hút khá đông người chọn lựa. Bà Thu (ngụ huyện Bình Chánh) cho biết, trên đường đi làm thấy sầu riêng có khá đông người mua chỉ với giá 35.000 đồng/kg nên tò mò vào xem thử. ''Chưa bao giờ tôi nghe sầu riêng có giá rẻ đến như vậy, trước đây giá rẻ nhất cũng phải 80.000 đồng/kg. Nếu sầu riêng ngon mà giá rẻ như quảng cáo thì sẽ mua cả chục ký để cả nhà cùng thưởng thức'' - bà Thu nói.

Tuy nhiên, sau khi lựa chọn khá lâu, bà Thu chỉ chọn được 2 trái sầu riêng tầm 2 kg với lý do ''hàng không ngon''.

Theo quan sát của PV, sầu riêng giá 35.000 đồng/kg đa số là hàng dạt, trái nhỏ, nứt vỏ, vỏ khô héo như đã để nhiều ngày. ''Hôm trước tôi cũng mua 3 quả với giá này về ăn thử nhưng lúc tách ra, mỗi quả chỉ có vài múi lép, còn lại chỉ có vỏ. Sầu riêng này ăn nhạt nhẽo, không ngọt bùi, béo. Có thể đây là sầu riêng bị sâu, quả đèo bị thải ra chứ không phải hàng ngon'' - anh Bình (làm việc tại quận 1) nói.

Trong khi đó, gần chợ Hồ Trọng Quý (quận 6), tiểu thương phát loa rổn rảng quảng cáo sầu riêng đại hạ giá chỉ từ 50.000-60.000 đồng/kg. ''Sầu riêng vườn nhà đang vào mùa, em hái bán trực tiếp không thông qua trung gian, thương lái nên giá rẻ'' - người bán khẳng định.

Dẫu vậy, khi nhiều người đến hỏi mua thì người bán chỉ vào mớ sầu riêng để riêng một góc có trái khá nhỏ, èo uột mới có giá 60.000 đồng/kg, còn hàng ngon giá từ 90.000-110.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Thành, người chuyên thu mua, phân phối nông sản từ các tỉnh miền Tây - TPHCM khẳng định: ''Không thể có chuyện sầu riêng rớt giá chỉ 35.000-50.000 đồng/kg, dù là tự trồng tự bán. Bởi hiện nay giá sầu riêng tại vườn đã dao động ở mức 50.000-60.000 đồng/kg (tùy loại), cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 10.000 đồng/kg; khi chở lên thành phố còn phải thuê nhân công hái trái, chi phí vận chuyển… Nếu sầu riêng có giá như các quầy hàng nói thì chỉ có trái xấu, hư hỏng… hoặc là hàng nhái thương hiệu Ri 6''.

Ông Lê Văn Hòa, nông dân có thâm niên trên 20 năm trong nghề trồng sầu riêng ở xã Tân Thới (huyện Phong Điền, Cần Thơ) chia sẻ, vụ sầu riêng năm nay nhờ thời tiết thuận lợi, nông dân áp dụng nhiều ứng dụng công nghệ, nâng cao kỹ thuật chăm sóc nên trái phát triển tốt, giá cả ổn định và có chiều hướng tăng cao so với năm trước. ''Mặc dù đang vào mùa sầu riêng, mặt hàng này về TPHCM rất nhiều nhưng không có giá dưới 50.000-60.000 đồng/kg, thậm chí giá 80.000 đồng/kg vẫn là hàng loại 2, loại 3'' - ông Hòa cho hay.

(Nguồn: Kenh14)

Cốc trà có giá hơn 100.000 đồng ở sân bay Nội Bài gây tranh cãi

Một hóa đơn ăn uống trong nhà ga hành khách T2 sân bay Nội Bài với bát phở bò có giá hơn 200.000 đồng, cốc trà có đá giá hơn 100.000 đồng đang gây tranh cãi.

Mới đây, trên một diễn đàn lớn về ô tô xe máy, thành viên Trung Nam Đỗ đã chia sẻ hóa đơn ăn uống trong nhà ga hành khách T2 sân bay Nội Bài vào ngày 19/5.

Theo đó, 3 bát phở bò tái có giá 29,4 USD (tương đương 690.000 đồng), 1 bát phở bò chín có giá 8,7 USD (tương đương 204.000 đồng), 1 cốc trà có giá 4,5 USD (tương đương 105.000 đồng), 2 ly cà phê nâu đá có giá 13,2 USD (tương đương 310.000 đồng), 1 ly nước cam có giá 6,7 USD (tương đương 157.000 đồng).

Tổng số tiền phải thanh toán cho hóa đơn trên là 62,5 USD (tương đương 1,466 triệu đồng).

Hóa đơn này sau khi được chia sẻ đã nhận được nhiều sự quan tâm cũng như nhiều ý kiến bình luận, tranh cãi của các thành viên trong diễn đàn.

Nhiều người cho rằng, mức giá như vậy là quá cao, là "chặt chém".

Có cơ hội đi nhiều nước, thành viên Mai Đức Hiệp chia sẻ: Ở sân bay nước ngoài giá cả không chênh là mấy. Vậy mà sân bay ở Việt Nam chém kinh thật.

Còn thành viên Trần Ngọc cho rằng: "Đừng thắc mắc làm gì khi ăn ở đó".

Thành viên Linh Lê bổ sung thêm thông tin: 7 USD một quả dừa (gấp 10 lần ở ngoài) nên tốt nhất ăn trước khi vào sân bay.

Tương tự, thành viên Bao Nhu cũng cho biết: Que kem ở sân bay còn 400.000 đồng, chả nhẽ cầm lên rồi lại không lấy.

Điều đáng nói, nhiều người phản ánh đồ ăn ở sân bay giá cao nhưng chất lượng chưa tương xứng.

Thành viên Đoàn Ngọc Ánh nhận định đồ ở sân bay cái gì cũng cao. Người này cho biết từng ăn phở sân bay và thấy chất lượng không ổn lắm.

Thành viên Phong Trần nêu ý kiến: giá này thêm tí tiền mua vé thương gia mà bay. Vào phòng VIP ăn uống nghỉ ngơi thoải mái mà không bị đông.

Trong khi đó, nhiều thành viên khác lại cho rằng ăn uống ở ga quốc tế thì mức giá như trên là bình thường.

Thành viên Những Tờ Dollar nhận xét sân bay giá quốc tế thì chả có gì ngạc nhiên, phở 30 USD là bình thường.

Tuy nhiên, một số thành viên cho rằng mức giá đó là hợp lý bởi tiền thuê mặt bằng tại sân bay đắt đỏ.

Thành viên Hà Đức Trường đánh giá, phở 200.000 đồng/bát cũng đúng thôi vì tiền thuê mặt bằng ở sân bay cao. Đồng quan điểm, thành viên Trần Xuân Phú cho biết đã ra sân bay xác định luôn là giá gấp đôi, gấp 3 lần so với bình thường, giá niêm yết công khai. Nếu thấy đắt có thể ăn, uống tạm món khác, đã dùng nghĩa là chấp nhận giá cao.

Còn thành viên Dân Mười Bốn cũng quan điểm, nếu đã là giá niêm yết thì không thể trách họ được vì ăn hay không tùy ở mình.

Nói về lý do giá ăn uống ở ga quốc tế đắt, thành viên Briar Rose cho biết vì họ thuê mặt bằng 30-40 USD/m2/tháng mà không phải ai cũng thuê được nên giá cao là đương nhiên, chưa kể nhân viên đi làm di chuyển xa, làm ca đêm, chuyên chở hàng hoá nguyên vật liệu ra vào khu cách ly rất cách rách.

"Sân bay quốc tế thì đương nhiên giá sẽ cao hơn ở bên ngoài, còn nếu so sánh với sân bay các nước thì Việt Nam vẫn là rẻ. Chi phí ở sân bay rất nhiều, có cả những phí không có tên nên được cộng vào giá thành. Giá niêm yết công khai và khách hàng có thể lựa chọn hoặc không. Ở sân bay các quầy có giá khác nhau nên khách cũng có nhiều lựa chọn phù hợp với tình hình tài chính của mình", thành viên Tina Vu viết.

Việc cửa hàng ăn uống tại các sân bay ở Việt Nam niêm yết giá bán “cắt cổ”, trong khi chất lượng sản phẩm và dịch vụ lại không tương xứng không phải là vấn đề mới.

Trước đó, chuyện “mì chém”, “phở chặt” ở các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài vẫn thường xuyên diễn ra, khiến không ít thực khách lắc đầu ngao ngán về giá cả cũng như dịch vụ ăn uống ở các sân bay.

Cục Hàng không Việt Nam đã nhiều lần mở các đợt rà soát giá dịch vụ phi hàng không tại các sân bay hay áp giá trần cho những dịch vụ phi hàng không ở sân bay, nhưng câu chuyện về bát phở hay tô mì tôm,... giá cao ngất ngưởng vẫn diễn ra.

Hiện nay, các đơn vị cung cấp dịch ăn uống tại sân bay khá nhiều, với dịch vụ khá phong phú, phù hợp với chi tiêu của khách đi lại bằng đường hàng không. Giá cả đều được niêm yết công khai.

Ngoài ra, khu vực lân cận sân bay cũng có nhiều dịch vụ để khách lựa chọn, thay vì vào sân bay ăn uống. Cùng với đó, các sân bay trang bị quầy nước miễn phí để khách không tốn tiền mua.

(Nguồn: Vietnamnet)

Doanh nghiệp cần vốn, giảm lãi vay

(Ảnh minh họa).

Chính phủ, Quốc hội đang bàn các giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn. Vậy DN cần hỗ trợ gì lúc này? Theo khảo sát của Thanh Niên, khó khăn lớn nhất với cộng đồng DN hiện nay là tiếp cận tín dụng và lãi suất (LS) cao.

Đơn hàng lao dốc, lãi suất ngân hàng tăng cao

DN đang đối diện với rất nhiều khó khăn. Ngành dệt may bị giảm đơn hàng trong nhiều tháng qua. Những DN càng nhỏ thì số lượng bị thiếu càng lớn. Tỷ lệ giảm đơn hàng của dệt may sẽ từ 20 - 50% tùy vào từng DN.

Trong khi đơn hàng lao dốc thì LS ngân hàng (NH) lại tăng rất cao. Từ đó góp phần đẩy chi phí của DN tăng mạnh, gây áp lực lớn cho hoạt động. Những tháng đầu năm thì các đơn vị đều kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục từ quý 3 nhưng đến nay tín hiệu này vẫn chưa thấy. Do đó chỉ có thể kỳ vọng tình hình sẽ bớt khó khăn hơn từ quý 4/2023 hoặc thậm chí dự báo đến hết năm 2023. Trong bối cảnh này, đề xuất chung của Hiệp hội Dệt may VN là Bộ Công thương thông qua các tham tán thương mại sẽ hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại cho ngành hàng dệt may sang các thị trường khác trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP như Canada, Úc hay một số nước trong khối Liên minh Châu Âu mà VN đã ký Hiệp định EVFTA. Từ đó để tìm kiếm thêm đơn hàng mới khi các thị trường như Mỹ, châu Âu nói chung vẫn còn giảm mạnh. Song song đó, Chính phủ cần xem xét có chương trình cho vay LS ưu đãi đối với DN dệt may hoặc nếu được thực hiện một gói cho DN vay trả lương với LS 0% như đã từng thực hiện trong đại dịch Covid-19. Bởi khó khăn của các DN hiện nay không kém hơn thời Covid-19 bùng phát mạnh.

Ông Trần Như Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN

Doanh nghiệp mệt mỏi vì tiếp cận vốn, mệt mỏi vì lãi cao

Tôi nghĩ khó khăn của ngành thủy sản thời gian qua báo chí cũng đã phản ánh rất nhiều, các đồng chí lãnh đạo ở trung ương cũng đã biết rất rõ. Tuy nhiên, diễn biến mới nhất là khó khăn của ngành này đã lan tới bà con nông dân nuôi tôm, cá. Giá thu mua tôm hiện nay đã giảm 20.000 - 30.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Còn các nhà nhập khẩu cá tra đưa ra mức giá chào mua thấp hơn giá thành sản xuất. Ðến khi hợp đồng đã thỏa thuận xong họ lại tạm ngưng nhập hàng hoặc nhận hàng theo nhiều đợt nhỏ. Ðối với người nông dân, tôm cá họ sản xuất ra đang rẻ đi rất nhiều so với năm ngoái nhưng vẫn bán không được vì DN không dám thu mua.

Trong khi đầu ra bó hẹp, DN khó tiếp cận vốn vay hoặc được vay (USD) nhưng với LS lên đến hơn 4% thì không thể chịu đựng nổi để duy trì hoạt động bình thường chứ đừng nói đến chuyện thu mua chế biến dự trữ chờ giá. Với thực tế hiện nay, khó khăn của ngành này sẽ kéo dài ít nhất trong hết năm nay và qua đến đầu năm sau. Trong khi đó, thủy sản là một trong những ngành chủ lực trong nền kinh tế nông nghiệp và có tác động lan tỏa rất lớn vì sử dụng nhiều lao động và người nông dân. Khi DN và nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn thì lợi nhuận của nền kinh tế đang chảy về đâu? - Chúng ta thấy rất rõ là đang chảy về các NH, họ đang lãi khủng. Thật sự không có nền kinh tế nào và DN ở đâu có thể chống chọi được với mức LS cao như ở VN thời gian qua. Nhưng liệu họ sẽ còn cầm cự được bao lâu?

Thật sự là thời gian qua, nhiều DN rất mệt mỏi và họ không muốn "kêu" nữa, đặc biệt trong vấn đề tiếp cận vốn và lãi vay. Chính vì vậy, điều quan trọng nhất để cứu nền kinh tế là tạo điều kiện cho các DN tiếp cận vốn vay với LS thấp và làm một cách thật tâm.

Ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP thủy sản CAFATEX (Hậu Giang)

Doanh nghiệp cần "máu" và "không khí"

Nền kinh tế hay một DN cũng giống như cơ thể một con người, có hai thứ quan trọng nhất để duy trì sự sống là máu và không khí. Nếu cơ thể không có máu thì mấy tiếng sẽ chết, còn không có không khí chỉ cần 5 phút là chết.

Như vậy, cần nhất lúc này là bảo đảm có máu để lưu thông, không khí để thở. Vậy cái gì là máu, cái gì là không khí? Không khí là dòng tiền. Hiện nay dòng tiền đang tắc nghẽn ở khắp nơi, khan hiếm tiền mặt trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng không bán được hàng, công ty xây dựng không có việc làm trong khi công nợ không thu hồi được, khiến dòng tiền của DN đang khô cạn. Nếu NH không bơm tiền cho DN, tiền không bơm ra ngoài thị trường thì DN sẽ chết ngay lập tức. Trong khi đó, máu như là hàng hóa. Lúc này cần nhất là người lao động phải có việc làm để phải sản xuất ra được hàng hóa. Hàng hóa phải được tiêu thụ. Nếu khóa một van nào đó khiến hàng hóa không sản xuất ra được hoặc sản xuất rồi mà không thể lưu thông được thì nền kinh tế trước sau cũng chết. Nhưng để có được máu và không khí lưu thông cần một điều kiện là các chính sách phải thông thoáng, không còn tắc nghẽn hoặc chính sách điều hành giật cục. Lúc này cần làm thế nào để các sản phẩm bất động sản tiêu thụ được, bán được mới tạo được việc làm cho người lao động. Trước tiên giải quyết các tắc nghẽn về luật. Nếu không có giấy phép đầu tư, không có giấy phép xây dựng thì không có sản phẩm bất động sản. Không có sản phẩm thì giá sẽ tăng. Phải giải quyết ngay khâu liên quan đến pháp lý của dự án. Khâu này rất quan trọng vì nó đang làm lãng phí nguồn lực rất lớn của người dân, DN và cả nền kinh tế.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình

Thủ tục hành chính cần thật nhanh

DN cần nhất cái này bởi kế hoạch kinh doanh DN có thể chủ động được nhưng pháp lý thì không thể. Hiện DN không tính được bao lâu một dự án sẽ xong pháp lý, khiến rủi ro quá lớn. Lãnh đạo T.Ư và địa phương đang đặt câu chuyện cán bộ e dè, không dám làm, tôi cảm nhận đó là thực tế có thật. Như ở TP.HCM, hồ sơ trình lên lại trả về, trình lại. Vài vòng như vậy là mất mấy năm. Hồ sơ không xong là chết trên đống tài sản. DN bỏ ra 1.000 tỉ đồng, tính 3 năm xong pháp lý để bán hàng thu hồi vốn. Nhưng 6 năm mới xong pháp lý thì DN phá sản, nợ xấu. Thậm chí lương, thuế không có tiền mà trả. Pháp lý kéo dài dẫn đến DN hụt dòng tiền. DN tìm tài sản khác bù đắp để vay. Nhưng hồ sơ NH làm rất lâu, 5 - 6 tháng mới xong. Trong khi DN đang cần tiền mới làm hồ sơ vay. Nhưng kéo dài vậy chết DN rồi dù khoản vay có tài sản thế chấp.

Vấn đề nữa là lòng tin người tiêu dùng. Người tiêu dùng đang hoang mang bởi thu nhập giảm sút, tiền đang kẹt trong đất. Tôi vô tình hỏi người dân bình thường, họ cũng đem 300 - 500 triệu đồng mua đất vườn ở đâu đó. Chính người dân cũng vay tiền mua đất và giờ họ cũng thiếu tiền, kẹt tiền nên họ phòng thủ, không dám chi tiêu. Không dám chi tiêu thì DN không bán được hàng. DN không bán được hàng thì quay lại không dám tăng lương, không dám đầu tư. Ngay cả xuất khẩu cũng giảm sút không bán được hàng. Trong khi chi phí đầu vào tăng nhưng đầu ra không bán được, không dám tăng giá. Chính vì vậy cần mở hết cửa thông thoáng cho DN. Nhà nước đang thúc đẩy đầu tư công. Nhưng cần thúc đẩy đầu tư tư nhân song hành. Nhà nước bỏ ra 1 đồng đầu tư công thì khuyến khích được DN bỏ ra 10 đồng.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM

Doanh nghiệp vận tải kiệt quệ vì đăng kiểm

Ách tắc lớn nhất của các DN hiện nay chính là khâu đăng kiểm vì nó liên quan đến hầu hết các lĩnh vực sản xuất, thương mại, gần như cả nền kinh tế.

Theo phản ảnh của DN trên địa bàn tỉnh, nếu hoạt động đăng kiểm vẫn tiếp tục ùn tắc như thời gian qua thì thì các phương tiện vận tải không thể lưu hành, làm đình trệ chuỗi cung ứng, từ đó khiến chi phí vận hành DN tăng mạnh, nguy cơ lỗ nặng vì vi phạm hợp đồng và đảm bảo tiến độ vận chuyển hàng hóa. Doanh thu sụt giảm và gánh nặng LS sẽ gây ảnh hưởng đến công ăn việc làm, sinh kế của người lao động. Các DN vận tải trải qua nhiều biến cố lớn như dịch bệnh, kinh tế suy thoái, ùn tắc đăng kiểm…đang bế tắc, kiệt quệ và nếu không có giải pháp cấp cứu kịp thời sẽ còn bi đát hơn nữa. Chúng tôi đã kiến nghị cơ quan chức năng nhiều giải pháp, trong đó cần thiết nhất là gia hạn tự động thêm 3 - 6 tháng cho các xe không kinh doanh đã đến hạn, dành cơ hội kiểm định cho các loại phương tiện khác. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chúng tôi vẫn chưa thấy một giải pháp nào đưa ra để giải tỏa ách tắc đăng kiểm ngay lập tức.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Bình Dương

Công chức, cán bộ "hiểu" chính sách mỗi nơi một kiểu

Chính phủ có chủ trương giảm thuế giá trị gia tăng về 8% là tốt nhưng cần chi tiết và công bố rõ ràng hơn, nghĩa là liệt kê cụ thể những ngành nào không được hưởng (hoặc ngược lại là được hưởng cũng được). Cách làm như vừa rồi là liệt kê theo ngành hàng và có nơi cơ quan thuế đồng ý cho giảm.

Ngoài ra, liên quan hỗ trợ phí cơ sở hạ tầng cho DN xuất nhập khẩu. Chẳng hạn, tại TP.Hải Phòng đang hỗ trợ phí này cho DN đối với hàng lẻ đường biển có thể tích dưới 1 m3, trong khi tại TP.HCM thu tất tần tật. Ðã thế, phí cơ sở hạ tầng nhiều kiện hàng chưa tới 2.000 đồng, nhưng mỗi lần chuyển tiền đóng thì NH "chặt" phí chuyển 7.700 đồng. Ðóng thuế không mất đồng nào phí chuyển tiền, đóng phí lại mất phí NH. Rất vô lý!

Hiện tại, kinh tế quá khó khăn, ngành logistics cũng là ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất nên cần hỗ trợ về tài chính như giãn nợ thuế, nới room tín dụng (đòn bẩy tài chính)... Các cơ quan quản lý cần rà soát lại quy định liên quan đến xuất nhập khẩu để giảm sự chồng chéo; qua đó làm rõ trách nhiệm quản lý của từng bộ ngành; chấn chỉnh việc xử lý công việc của công chức tại các đơn vị hành chính.

Bên cạnh đó, cần tạo nhiều kênh trao đổi trực tiếp với DN hơn nữa chứ không chỉ qua hội nghị, gặp mặt... Phải có kênh tiếp nhận thông tin trực tiếp, chịu trách nhiệm với DN và đôn đốc trả lời, hướng dẫn. DN vướng mắc bộ này, cơ quan nọ mà không thể trao đổi trực tiếp, chờ đến hội nghị mới phản ánh thì nguội hết.

Ông Nguyễn Lý Trường An, Phó giám đốc Công ty TNHH SeaAir Global

Nhiều doanh nghiệp phải bán đất, bán nhà trả nợ ngân hàng

Trước đây, TP.HCM có nguồn vốn đầu tư kích cầu hỗ trợ DN đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong 2 năm gần đây, khi các DN đẩy mạnh đầu tư để tham gia mạnh hơn vào ngành công nghiệp hỗ trợ mạnh mẽ thì chương trình kích cầu bất ngờ tạm dừng, khiến kế hoạch của DN bị đảo lộn.

Những DN đã có kế hoạch đầu tư thì phải dừng lại hết. Riêng những công ty có dự án đã được TP.HCM phê duyệt hỗ trợ LS cho vay theo chương trình kích cầu đầu tư nhưng đến nay cũng không nhận được hỗ trợ LS lại càng khó khăn hơn. Ðặc biệt trong bối cảnh lượng đơn hàng giảm mạnh hơn 30%, có nhiều đơn vị giảm gần 50% thì việc phải trả LS cao vượt ngoài dự báo khi xây dựng dự án khiến nhiều DN hụt hơi. Thậm chí có một số công ty trong hiệp hội cho biết đã phải bán nhà, bán đất để trả nợ NH, để DN không bị chuyển sang nhóm nợ xấu. Hoặc có đơn vị phải đang đàm phán để bán luôn cho các DN nước ngoài nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ. Theo thông tin chung thì hiện TP.HCM đang chờ có Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thì mới tiếp tục ban hành và thực chương trình kích cầu đầu tư. Do đó, mong rằng TP.HCM sẽ sớm có chương trình này để hỗ trợ DN ngành cơ khí vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động và tham gia sâu hơn để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM

Tiếp cận vốn quá khó, lãi quá cao

Thời gian quan Chính phủ đã lắng nghe và triển khai một số chính sách tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN. Như giảm 2% thuế giá trị gia tăng, đây là điều có ý nghĩa và sức lan tỏa lớn. Tuy nhiên, với mặt bằng lãi vay hiện nay vẫn còn quá cao và DN cũng không thể hấp thụ được. Ðiều quan trọng thứ hai là các điều kiện cho vay lại thắt chặt trong khi DN đang ngày càng khó khăn nên càng khó đáp ứng các tiêu chuẩn để được vay vốn hơn.

Một vướng mắc quan trọng mà thời gian qua cộng đồng DN đã "kêu" rất nhiều nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức là việc hoàn thuế cho DN xuất khẩu. Chính phủ đã có một số cuộc họp chỉ đạo tháo gỡ nhưng trên diện rộng thì chưa có nhiều DN được giải quyết. Ðây là nguồn vốn rất quan trọng với DN trong điều kiện kinh tế hiện nay nhất là khi khó tiếp cận vốn vay.

Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu của khối DN nội địa đã giảm đi rất mạnh so với khối DN FDI, nếu Chính phủ và Quốc hội không có những giải pháp kịp thời để hỗ trợ khối DN trong nước thì sự tụt hậu của các DN VN sẽ càng lớn. Ðể hỗ trợ DN nội địa, nhà nước cần tăng cường nguồn lực cho các chương trình xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường đặc biệt là những thị trường còn nhiều tiềm năng như Trung Ðông hay Bắc Mỹ… Bên cạnh đó, mở rộng và đẩy mạnh đầu tư cho các hoạt động xúc tiến và thương mại điện tử vì đây là xu hướng và hoạt động mang lại hiệu quả cao trong thời đại công nghệ hiện nay.

Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP phát triển sản xuất - thương mại Sadaco (TP.HCM)

(Nguồn: Thanh Niên)

Nở rộ rao bán đất “siêu rẻ” giá chỉ từ 2.000 đồng/m2: Môi giới khuyên nhanh tay nắm lấy cơ hội “đổi đời” vì giá có thể tăng lên 10 lần

Nhiều mảnh đất rừng, đất trồng cây có diện tích từ vài hecta (ha) tới hàng chục ha được rao bán với mức giá “siêu rẻ”, môi giới hứa hẹn đất sẽ nhanh chóng tăng lên vài lần vì giá không thể rẻ hơn.

Môi giới rầm rộ chào bán đất “siêu rẻ”

Hiện nay, đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm tại các khu vực như Hòa Bình, Khánh Hòa, Bình Thuận, Sơn La,... đang được rao bán rầm rộ tại các trang tin mua bán bất động sản với mức giá chỉ từ vài nghìn đồng đến vài chục nghìn đồng/m2. Môi giới rao bán còn chào mới, loại đất này sẽ nhanh chóng tăng giá nhiều lần, thậm chí nếu chuyển đổi được một phần nhỏ có thể tăng 10 lần ngay lập tức.

Đơn cử, một mảnh đất vườn có diện tích 8ha tại đường Hoàng Văn Thái (Liên Chiểu, Đà Nẵng) đang được rao bán với giá 370 triệu đồng, tương đương chỉ 4.600 đồng/m2. Theo người bán, đất nằm ở vị thế cao, phù hợp trồng các loại cây ăn quả, rau, xây dựng nhà vườn hoặc các dự án farmstay, du lịch.

Người bán cho biết, hiện cũng có nhiều người đến xem đất nên nếu mua nhanh chóng xuống tiền. “Anh thích thì xuống tiền nhanh, đây là cơ hội đổi đời. Nếu anh chuyển được khoảng 200 - 300m2 lên thổ cư thôi giá cũng tăng lên 10 lần là ít. Còn nếu không anh cứ giữ vài năm kiểu gì cũng tưng vài lần, vì hiện giá đã quá rẻ”, người bán nói với chúng tôi.

Cũng tại Đà Nẵng, một lô đất rừng có diện tích 32ha tại khu vực Hòa Ninh đang được rao bán với mức giá 8 tỷ đồng, tương đương 2.500 đồng/m2. Người bán giới thiệu, mảnh đất không bị tranh chấp, có mốc giới rõ ràng, hiện trên đất đang trồng gỗ keo tràm đã được 5 năm.

Một mảnh đất rừng tại Lương Sơn, Hòa Bình có diện tích 20ha đang được rao bán với mức giá 2,6 tỷ đồng, tương đương 13.000 đồng/m2. Theo người bán, mảnh đất cách trung tâm Hà Nội 40km, view cực đẹp, có nguồn nước. Hiện mảnh đất đang trồng các loại cây như bưởi, mít, keo, thông, dổi.

“Lô đất phù hợp với nhiều mục đích khác như làm nhà vườn, homestay, villa nghỉ dưỡng cực tiềm năng. Mảnh đất đã có đầy đủ pháp lý để sang nhượng”, người bán cho biết.

Cũng trên địa bàn Lương Sơn, môi giới đang bán 30ha đất rừng với mức giá 140 triệu đồng/ha, tương đương 14.000 đồng/m2. Trong vai người mua, chúng tôi liên hệ tới môi giới. Người này nói: “Có nhiều mảnh đất tương tự như này năm ngoái chúng em bán cho khách giá chỉ 70 - 80 triệu đồng/ha, nay đã tăng hết lên 250 triệu đồng/ha. Bây giờ em còn đúng mảnh 30ha này giá vẫn rẻ, anh mua nhanh năm sau có khi đã lãi vài lần. Còn nếu anh muốn giữ lâu dài có thể đầu tư homestay cho thuê cũng lãi nhanh”.

Người mua cần cẩn trọng

Mặc dù đất rừng, đất trồng cây,... đang được rao bán rầm rộ tại nhiều nơi với mức giá “siêu rẻ” nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua. Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Nghiêm Quang Vinh, Giám đốc Công ty Luật Nghiêm Quang (đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, đất rừng được giao cho các hộ dân tại khu vực sử dụng để trồng rừng. Đất rừng sản xuất phục vụ mục đích phát triển kinh tế nên không bị hạn chế về quyền chuyển nhượng. Chủ sở hữu có thể bán lại cho người mua khác.

“Tuy nhiên, người sở hữu phải sử dụng đúng mục đích của công năng đất. Nếu người bán quảng cáo là xây dựng được homestay hay các công trình khác là hoàn toàn sai sự thật. Người mua cần tỉnh táo. Bởi nếu cố tình xây dựng lên sẽ bị cưỡng chế phá dỡ”, Luật sư Nghiêm Quang Vinh nói.

Bên cạnh đó, Luật sư Nghiêm Quang Vinh cho rằng, người mua cũng cần tỉnh táo, bởi việc mua đất rừng, đất trồng cây,... rồi chuyển đổi sang đất ở còn phụ thuộc vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Hơn nữa, thời gian để chuyển đổi sang đất thổ cư cũng rất lâu, có thể 5 - 10 năm, hoặc hơn. Theo đó, người mua cần cân nhắc kỹ trước khi mua, tránh “tiền mất tật mang”.

(Nguồn: CafeF)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang