Lý lẽ của 1.000 đồng; Nắng nóng, nhiều dịch vụ bội thu; Chăn nuôi rơi vào bĩ cực; Không nới room, sao giảm lãi vay; Giở trò trên BĐS

Lý lẽ của 1 nghìn đồng

(Ảnh minh họa).

Đã bao nhiêu lâu rồi bạn không tiêu gì với mức giá 1 nghìn?

Tôi thì chịu. Tôi không nghĩ được ra 1 nghìn có thể dùng để giao dịch thứ gì trong thời đại này. Hồi còn đi học cấp 3, 1 nghìn có thể dùng để gửi xe. Bây giờ tôi đã ngoài 30, nếu có gửi xe bét nhất cũng phải 3 nghìn. Đấy là còn tính xe đạp. 1 nghìn chắc có lẽ mua được 3 trái ớt. Tôi đoán vậy, bởi hôm trước tôi mới mua 5 nghìn ớt mà cũng chỉ được ngót gần chục trái.

1 nghìn quá nhỏ bé để đóng vai chính trong bất cứ cuộc mua bán nào, nhưng nhờ vậy lại đầy sức nặng khi đặt lên bàn cân của phẩm giá. 1 nghìn thách thức định nghĩa về đúng - sai. Nó không đủ để gửi xe ở trước cửa Vincom, càng không đủ để mua ly trà đá (bây giờ khéo cũng phải 3 nghìn), nhưng lại có lý lẽ riêng để khiến chúng ta phải đặt câu hỏi về sự chính trực và lòng người.

1 nghìn của chính trực

Câu chuyện của anh shipper và cô gái nhận hàng cũng chỉ xoay quanh 1 nghìn đồng ấy. Vì không có tiền lẻ trả lại, anh shipper tự động làm tròn 1 nghìn khi thanh toán với khách. Cô gái cho rằng đấy là hành động không thành thật. Cả hai tranh cãi qua lại và kết thúc bằng việc cô gái thông báo cho app giao hàng, người shipper bị khóa tài khoản.

Dưới góc nhìn của người shipper, hành động làm tròn 1 nghìn chẳng qua chỉ là… làm tròn. Không chỉ ship hàng đến địa điểm mà còn phải leo cầu thang nhiều tầng để giao hàng, có lẽ anh nghĩ một chút extra nho nhỏ vừa nhanh, vừa chẳng làm phiền đến ai, vừa bù được chút thời gian và sức lực mình bỏ thêm vào cuộc giao hàng này.

Dưới góc nhìn của cô gái, 1 nghìn là tiền bạc. Là thứ không thể nhập nhằng. Là rõ ràng như trắng - đen. Cùng là đồng tiền, có người chọn quý trọng và khắt khe với những gì mình bỏ ra - dù ít hay nhiều - về cơ bản là không có gì đáng bị lên án.

Vì 1 nghìn, anh shipper có đáng bị gọi là thiếu thành thật không? Tôi nghĩ là không. Thêm 1 nghìn cũng không làm công sức leo cầu thang trở nên đỡ mệt hơn, không khiến việc lao ra ngoài đường mưu sinh dễ chịu hơn, càng không đủ nhiều để được tính là một hành vi ăn gian sai trái.

Vì 1 nghìn, cô gái có đáng bị gọi là bủn xỉn không? Tôi cũng nghĩ là không. Ta hiểu rằng mỗi người có một thái độ khác nhau về tiền bạc. Đối với người này, việc thoải mái tặc lưỡi cho qua 1 nghìn có thể dễ dàng. Đối với người khác, họ cần sự minh bạch và rõ ràng - bởi với họ, tiền bạc dù lớn hay nhỏ, cũng đều đáng được quý trọng như nhau.

1 nghìn đứng ở trong câu chuyện này như một mồi lửa kích thích sự tự ái của cả hai phía. Người thì không chấp nhận vì 1 nghìn mà bị coi như kẻ gian dối. Người lại không chấp nhận việc mình đúng nhưng bị coi là kẹt xỉn. Đứng giữa lằn ranh lý - tình, 1 nghìn quá nhỏ để phân định đúng - sai, nhưng lại quá lớn để làm tổn thương đến lòng tự trọng của mỗi người.

1 nghìn của lòng trắc ẩn

Tôi sẽ không kết luận rằng ai đúng, ai sai, ai nên làm gì và không nên làm gì ở câu chuyện này. Nhìn về cả hai phía, ta hiểu rằng mỗi người đều có lý lẽ của riêng mình để hành xử như vậy. Và nguồn cơn của sự việc đáng buồn sau đó chỉ đến khi cả hai đều buông những lời chỉ trích đầy cay độc về phía nhau.

Thạch Lam có một truyện ngắn rất nổi tiếng có tên “Một cơn giận”. Tôi thích truyện ngắn này đến mức đã dùng nó làm kịch bản cho bài tốt nghiệp đại học của mình. Chuyện xảy ra vào một chiều đông rét mướt, một người đàn ông nọ tên Thanh - sau một ngày làm việc với tâm trạng chán nản - bắt một chuyến xe kéo để về nhà. Đang cáu bẳn thì chớ, anh Thanh còn khó chịu hơn vì gặp một người phu xe cứ làu bàu vì anh này đã đi xa lại còn… mặc cả. Lên xe rồi vẫn chưa thấy yên ổn bởi chiếc xe cực kỳ tồi tàn và xập xệ. Anh Thanh nọ phát hiện ngay đây đích thị là một chiếc xe từ ngoại ô đánh vào để kéo khách trộm. Thời ấy xe ngoại ô không được vào thành phố, nếu bị cảnh sát bắt được sẽ phải chịu phạt rất nặng.

Khó chịu cực độ, anh liên tiếp chê bai và gắt gỏng với người phu xe. Người phu xe cũng chẳng vừa, cứ bị chê một câu là trả treo lại một câu, nhất quyết chẳng chịu thua miếng nào. Ngày ấy mà mà có chấm sao, chắc chắn anh Thanh rate ngay 1 sao cho người phu xe và gọi ngay lên tổng đài chứ chẳng vừa. Nhưng thời ấy thì không có, mà chỉ có cảnh sát đi tuần bắt phu xe táp vô lề để kiểm tra.

Người phu xe lúc này thay đổi thái độ, quay lại khẩn cầu anh Thanh đừng tiết lộ việc anh bắt xe dọc đường. Nhưng lời van xin ấy chỉ làm Thanh khó chịu hơn, anh dửng dưng nói sự thật với người cảnh sát và lặng lẽ xuống xe để họ tiến đến dẫn phu xe đi. Đi một đoạn rồi, Thanh nhận ra cơn giận trong lòng mình đã tan biến từ khi nào, nhưng trong lòng anh lại dấy lên một nỗi ân hận tồi tệ. Tiền đâu để người phu xe kia trả phạt cho cảnh sát? Nếu phải vay tiền để trả, rồi anh ta sẽ phải làm sao với số tiền lớn như thế? Phải nhịn đói, phải chịu đòn, phải chịu hành hạ vì nợ nần?

Nghĩ đến vậy rồi, Thanh tự thấy hổ thẹn và khinh bỉ bản thân. Nhiều ngày sau đó, anh không yên lòng mà cứ thấp thỏm nghĩ về một số phận đã bị mình vô tình đẩy vào cảnh khốn cùng. Anh tìm mọi cách để lần ra địa chỉ của người phu xe nọ. Một túp lều xập xệ, nghèo nàn và khổ sở. Một gia đình với một người mẹ già nua, một người vợ và một đứa con nhỏ còn đỏ hỏn đang ốm nặng. Hỏi han mới biết, anh phu xe hôm đó bị đánh một trận thừa sống thiếu chết mà không có tiền nộp phạt. Sợ quá, anh bỏ đi biền biệt từ hôm đó đến giờ không biết sống chết ở đâu.

Thanh bước ra khỏi túp lều với nỗi ân hận tột độ. Nhưng mới chỉ bước sang bên đường, Thanh đã nghe thấy tiếng khóc của hai người đàn bà vang lên. Đứa bé đã qua đời.

Thạch Lam kết thúc truyện ngắn bằng một lời tự sự của nhân vật Thanh, câu nói vẫn luôn in dấu trong đầu tôi cho mãi đến tận sau này: “Sự đó nhắc cho tôi nhớ rằng người ta có thể tàn ác một cách dễ dàng. Và mỗi lần tôi nghĩ đến anh phu xe ngoại ô kia, lại thấy đau đớn trong lòng, như có một vết thương chưa khỏi”.

Tôi kể lại câu chuyện rất dài đấy của Thạch Lam ở đây, không nhằm cố gắng dùng lý do hoàn cảnh khó khăn để biện hộ cho một hành động về cơ bản là không đúng. Chỉ là tôi nghĩ, chúng ta hoàn toàn có thể cư xử một cách nhẹ nhàng hơn với nhau, từ cả hai phía. Thay vì ném vào nhau những lời hơn thua để xát muối và làm dấy lên cơn giận xấu xí bên trong, mọi chuyện có thể được giải quyết rất nhẹ nhàng bằng những từ ngữ giản đơn và thấu cảm.

1 nghìn quá nhỏ để định nghĩa phẩm giá của ai đó, quá nhỏ để kết tội cho bất cứ ai, và cũng quá nhỏ để vì nó mà đẩy ai đó vào đường cùng. Và dù một nghìn có thể không mua được một quả chanh hay mười trái ớt, nhưng chắc chắn trong nhiều trường hợp, nó có thể là một dấu hiệu của sự cảm thông và lòng trắc ẩn của con người với con người. Một thứ khái niệm vô hình mà đôi khi chúng ta chẳng thể phân định bằng đúng - sai.

(Nguồn: Kenh14)

Nắng nóng kỷ lục ở Hà Nội, nhiều dịch vụ bội thu vì khách tăng đột biến

Nắng nóng khiến nhiều người không muốn bước ra khỏi phòng điều hòa, nhưng nắng nóng cũng là cơ hội hái ra tiền của nhiều dịch vụ.

Dịch vụ bơi, công viên nước quá tải

Hà Nội bắt đầu mùa hè với những đợt nắng nóng kỷ lục khiến nhiều người phải tìm đến bể bơi, công viên nước để "hạ nhiệt", vì thế dịch vụ này rất hút khách. Từ nhiều ngày trước, hầu hết các bể bơi đã tiến hành dọn rửa, thay nước, khởi động bộ máy lọc…để sẵn sàng phục vụ lượng khách đông đột biến.

Theo khảo sát của PV, nhiều bể bơi đã quá tải với lượng khách đổ dồn về mỗi buổi sáng và chiều mát. Các bể bơi từ bình dân đến cao cấp đều trong tình trạng quá tải, kín chỗ.

Giá vé ngày của các bể bơi trong nhà phổ biến ở mức từ 60.000 – 100.000 đồng/người/lượt đối với người lớn và 40.000 - 70.000 đồng/lượt đối với trẻ em.

Một chủ bể bơi bốn mùa tiết lộ, những ngày nóng, mỗi ngày anh thu về cũng được 15- 17 triệu đồng sau khi đã trừ hết chi phí. Cao điểm nắng nóng là tháng 5, 6, 7,8 nên anh có 4 tháng để thu nhập với mức trên.

Nước giải khát "cháy hàng"

Nắng nóng gay gắt những ngày qua khiến các loại nước giải khát đắt khách. Hầu như quán nào trên mọi tuyến phố, ngóc ngách ở Hà Nội cũng đông khách, bội thu.

Quán nước mía của anh Nguyễn Anh Tuấn (41 tuổi) trên phố Lương Định Của (quận Đống Đa) dù hoạt động hết công suất nhưng vẫn thường có cảnh nhiều người đứng chờ đến lượt mua.

Bên trong quán, hàng trăm bó mía xếp la liệt cùng với chiếc máy cạo vỏ mía ken két hoạt động hết công suất, 3-4 nhân viên của quán người chặt ngọn mía, người cho mía vào máy cạo vỏ, người ép mía và đưa cho khách. Anh Tuấn cho biết, bình thường mỗi ngày anh chỉ bán được khoảng 20 bó mía nhưng những ngày nắng nóng đỉnh điểm, quán nước mía của anh bán hết khoảng 150 bó vì ngoài quay nước bán tại chỗ, anh còn bán online và cung cấp mía cây cho các quán nước khu vực Hà Nội.

Không chỉ nước mía, dừa quả cũng đắt hàng. Nhiều cửa hàng bán được cả trăm quả dừa mỗi ngày. Dừa xiêm hiện có giá bán buôn từ 15.000 - 17.000 đồng/quả, bán lẻ 20.000 - 25.000 đồng/quả.

Ngoài ra, các quán trà chanh, trà đá vỉa hè thì thu hút khách vào những buổi chiều tối. Giá một cốc trà chanh dao động từ 10.000 - 12.000 đồng/cốc, một cốc trà đá từ 3.000 - 5.000 đồng/cốc. Vốn bỏ ra không quá lớn, mỗi buổi tối các quán nước tại những điểm đông khách như các cổng trường đại học, cổng chợ, các điểm vui chơi công cộng ngoài trời có thể bán tới 200 – 300 cốc, thu về từ 2,5 triệu – 3,5 triệu đồng.

Shipper bội thu

Vào những ngày nắng nóng, do thời tiết khắc nghiệt nên nhiều người không ngại bỏ tiền ra thuê shipper giao đồ ăn, đồ uống. Giá thuê shipper những ngày nắng nóng cũng tăng khoảng 10.000 - 20.000 đồng so với trước, mặc dù vậy họ luôn quá tải, nhiều lúc từ chối nhận đơn hàng.

Các shipper cho biết trung bình mỗi ngày họ nhận khoảng từ 20 - 30 đơn hàng, cao điểm có thể lên đến 40 đơn đủ các loại sản phẩm. Giá mỗi chuyến 25.000 - 50.000 đồng tùy khoảng cách. Để tiết kiệm thời gian, các shipper sẽ xem trước một loạt đơn hàng trong ngày và lồng ghép các đơn cùng tuyến đường, để không phải đi quá nhiều chuyến, giảm bớt chi phí xăng xe.

Bia hơi kín khách

Vào mùa nắng nóng, các quán bia cũng đặc biệt đông khách, đặc biệt vào cuối ngày. Nhiều chủ quán cho biết vào những ngày nắng nóng, họ có thể bán được trăm bom bia, một ngày lãi có thể lên đến hàng chục triệu đồng. Tuy thời gian qua, khách uống bia có giảm đôi chút do quy định nồng độ cồn nhưng nhiều người vẫn có cách để tránh bị phạt mà vẫn uống được bia như uống ở quán gần nhà, đi xe ôm, taxi hoặc nhờ người đón...

Dịch vụ bảo dưỡng điều hòa "hốt bạc"

Thời tiết nắng nóng và oi bức khiến nhu cầu sửa chữa điều hòa tăng cao, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng điều hòa được dịp “hốt bạc”.

Tại một số cửa hàng sửa chữa điều hòa ở Hà Nội, lượng khách gọi điện đặt hàng dịch vụ sửa điều hòa tăng lên đáng kể những ngày qua.

Hiện nay, mức giá bảo dưỡng điều hoà trên địa bàn Hà Nội vào khoảng 150.000 đồng/máy đối với máy lẻ. Còn đối với các công ty, nhà xưởng, văn phòng có số lượng điều hoà nhiệt độ lớn thì chi phí này có thể rẻ hơn. Tuy nhiên, chi phí này chỉ bao gồm công thợ, phí vệ sinh (ngoại trừ phí bơm gas nếu có).

Kiếm tiền triệu từ bán đồ chống nắng

Những ngày nắng nóng gay gắt lên đến 39 độ C tại Hà Nội khiến lượng khách tìm mua áo chống nắng, găng tay, kính...sôi động hơn.

Trên các tuyến phố Lê Duẩn, Chùa Bộc, khu Chợ Nhà xanh (Cầu Giấy) hiện bày la liệt các loại áo, váy chống nắng với muôn vàn màu sắc khác nhau. Càng nắng nóng, mẫu mã các loại áo chống nắng cũng trở nên đa dạng, chất liệu cũng khách biệt tùy vào giá thành.

Một tiểu thương bán quần áo ở khu vực phố Chùa Bộc (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, khoảng 2 tuần trở lại đây, những trang phục chống nắng như mũ, áo, bao tay…đắt hàng hơn bao giờ hết.

“Những ngày qua, chúng tôi bán nhiều nhất là những loại áo chống nắng ở phân khúc bình dân có giá dao động 100.000 - 250.000 đồng. Loại này thì chỉ che được nắng thôi chứ không chống được tia UV. Thế nhưng những loại áo chống nắng chống tia UV, chất lạnh, mặc vào mát thì lại khó bán vì giá thành đắt đỏ lên đến cả bạc triệu” .

Cũng theo tiểu thương này, những hôm đắt hàng nếu tính tất cả các sản phẩm liên quan đến chống nắng, của hàng này bán được chừng gần 100 sản phẩm, thu về bạc triệu mỗi ngày.

(Nguồn: Soha)

Ngành chăn nuôi rơi vào bĩ cực, cần cứu nguy khẩn cấp

(Ảnh minh họa).

Dịch bệnh rồi bão giá, chưa bao giờ ngành chăn nuôi chịu nhiều khó khăn như giai đoạn này. Doanh nghiệp thua lỗ, người chăn nuôi kiệt sức đồng loạt treo chuồng. Các chuyên gia cho rằng, cần cứu nguy khẩn cấp để ngành hàng này vượt qua cơn bĩ cực.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nhận xét, cách đây 10 năm, chúng ta có 10 triệu hộ chăn nuôi, cách đây 3 năm là 4 triệu hộ, nay còn không tới 2 triệu hộ. Tức là, 8 triệu hộ chăn nuôi đã phải rời bỏ cuộc chơi.

Cần giãn nợ, có gói lãi suất ưu đãi cho chăn nuôi

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công cho biết, gần như công ty, trang trại hay hộ nông dân ít nhiều đều vay vốn từ các ngân hàng thương mại. Nhưng lúc này, họ gần như không thể tiếp cận nhà băng. Nhiều lúc, nhìn cảnh đàn vật nuôi đói, họ đành đi vay nóng mua cám. Khó khăn càng thêm chồng chất.

Để khẩn cấp cứu nguy, ông Công mong người chăn nuôi được gia hạn nợ gốc, giảm một phần lãi suất như chính sách hỗ trợ giai đoạn Covid-19. Ông kiến nghị các ngân hàng tiếp tục gia hạn các gói tín dụng ưu đãi, triển khai đến các vùng chăn nuôi trọng điểm, điều này rất cần kíp. Bởi, trang trại đang hoạt động, nếu đứt nguồn vốn có thể phá sản ngay.

Hiện nay, các ngân hàng địa phương tích cực giải ngân gói vay hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách theo Nghị định 31/2022 của Chính phủ và Thông tư 03/2022 của NHNN. Trong số các lĩnh vực được hỗ trợ có lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, chế biến. Nhưng khảo sát sơ bộ thực tế, chưa thấy doanh nghiệp, trang trại nào được hưởng gói lãi vay này.

“Chúng tôi mong muốn sớm được kết nối làm việc với cơ quan chức năng, ngân hàng để được tham gia gói hỗ trợ”, ông Công đề đạt.

Ông Bùi Ðức Huyên, Tổng Giám đốc Công ty CP Dinh dưỡng Việt Tín, cũng đề nghị có chính sách hỗ trợ các chuỗi liên kết. Đồng thời, có lãi suất ưu đãi để các trang trại chăn nuôi tiếp cận nguồn vốn duy trì hoạt động sản xuất. Có ngân hàng đã từ chối cho vay vốn với lĩnh vực chăn nuôi.

Doanh nghiệp muốn xuất khẩu sản phẩm

Trước tình trạng nhập khẩu chính ngạch, hàng lậu vào tràn lan, người chăn nuôi, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng kiến nghị ngăn chặn ngay tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm; tăng cường các biện pháp phi thuế quan, hạn chế nhập siêu các sản phẩm gia cầm để bảo vệ sản xuất trong nước. Bởi, nếu không kiểm soát được vấn đề này, ngành chăn nuôi nội địa có thể bị “giết chết”.

Giám đốc một doanh nghiệp chăn nuôi lớn có quy mô đàn gia cầm hơn 1 triệu con, đàn lợn 300.000 con cũng đề xuất cơ quan chức năng tạo sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp. Khi có hành lang pháp lý rõ ràng, cơ quan chức năng cần giám sát chặt, đặc biệt là vấn đề môi trường.

Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc làm thủ tục xuất khẩu trứng gia cầm.

Rất nhiều nhà nhập khẩu ở Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Singapore muốn mua trứng của công ty. Tuy nhiên, Việt Nam chưa ký kết với các thị trường này để được xuất khẩu trứng nên doanh nghiệp đành “bó tay”. Nếu xuất khẩu được sẽ giảm áp lực tiêu thụ trứng tại thị trường nội địa, vị này chia sẻ.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, cho rằng, nên xem xét xây dựng đề án trồng lúa phục vụ làm thức ăn chăn nuôi. Thái Lan đã có chương trình sản xuất thức chăn nuôi. Các giống lúa này không cần chất lượng cao nhưng năng suất rất cao, tới 8,8 tấn/ha. Qua đó, cho sản phẩm gạo giá thành thấp phù hợp làm thức ăn chăn nuôi, giảm áp lực nhập khẩu.

Mới đây, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 7 bộ liên quan về các giải pháp gỡ khó cho ngành chăn nuôi gia cầm, như rà soát cắt giảm một số phí kiểm dịch, các thủ tục không cần thiết.

Điển hình là quy định với khách hàng nhỏ lẻ đặt mua một đơn hàng chỉ 5-10kg thịt nhưng vẫn bị tính là một lô hàng và thu phí 100.000 đồng, bằng phí kiểm dịch một container, làm tăng chi phí sản xuất. Hay, giảm ít nhất 50% phí kiểm dịch giết mổ trên 1 con gia cầm (hiện là 200 đồng/con).

Liên kết để hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh

Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), các doanh nghiệp phải tìm ra cách hạ giá thành sản xuất để tăng sức cạnh tranh.

Giải pháp triển khai được ngay là đoàn kết, tăng cường phối hợp liên kết sản xuất. Cần liên kết các doanh nghiệp làm một khâu thành chuỗi giá trị để có thể điều phối cân bằng đầu vào và đầu ra cho các đối tác, từ đó phân chia lợi nhuận công bằng hơn.

"Các hộ chăn nuôi cũng cần tham gia tổ đội, làm liên kết ngang cho doanh nghiệp. Như vậy sẽ giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm", ông Chinh đề xuất.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, hội nhập ngày càng sâu rộng, chúng ta không thể cứ ngồi chờ. Trong bối cảnh khó khăn bủa vây, cần nâng cao sức cạnh tranh của ngành hàng.

Ông yêu cầu Cục Chăn nuôi phối hợp với Văn phòng Chính phủ sớm ban hành quyết định hỗ trợ chăn nuôi, với các cơ chế hỗ trợ giống, thức ăn chăn nuôi, chi phí sản xuất để giảm áp lực cho các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Đồng thời, tìm cơ chế chính sách cho người trồng sắn, trồng ngô, các doanh nghiệp đã vào cuộc rồi thì thu mua thế nào, cây giống ra sao để có nguồn nguyên liệu chủ động hơn.

Thứ trưởng Tiến cũng chỉ ra 3 vấn đề cần giải quyết là giống, thức ăn và đất đai. Với các doanh nghiệp chăn nuôi, trong thời điểm này, không nên bi quan mà cần tập trung nâng cao năng lực, công nghệ, xúc tiến thương mại.

“Các doanh nghiệp có khúc mắc mà không tự giải quyết được, cứ nhắn tin cho tôi. Dù đêm hôm sớm tối, tôi sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp. Rất chia sẻ và mong các doanh nghiệp, từ FDI đến trong nước, chăn nuôi, thú y, thức ăn chăn nuôi đồng hành cùng Bộ NN-PTNT, đoàn kết thúc đẩy ngành chăn nuôi vượt qua thách thức hiện tại”, ông Tiến nhấn mạnh.

(Nguồn: Vietnamnet)

Không nới room, làm sao giảm lãi vay?

Kêu gọi, khuyến khích, áp dụng nhiều giải pháp nhưng lãi suất cho vay trên thị trường vẫn cao. Nguyên nhân cốt lõi, theo các chuyên gia, là room tín dụng đã cạn, cung tiền không ra nên lãi vay không thể giảm.

Người dân, doanh nghiệp phải trả hơn 1,1 triệu tỉ đồng lãi

Đó là con số mà Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thống kê trong năm 2022. Cụ thể, theo VEPR, mức lãi suất (LS) cho vay tăng cao từ tháng 7.2022 và vẫn tiếp tục neo cao cho đến tháng 2.2023. Mức LS cho vay bình quân khoảng 9 - 10,7% đã làm suy yếu năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN) Việt. Tính riêng năm 2022 chi phí lãi vay các DN và người dân phải chịu ít nhất là 1,135 triệu tỉ đồng, tương đương với 12% GDP cả nước. Đáng nói, trong khi người dân, DN trong nước phải chịu lãi vay cao thì ở các quốc gia trong khu vực lãi vay lại giảm rất nhanh. Đơn cử, Trung Quốc giảm lãi suất cho vay đến cuối năm 2022 về khoảng 4%, đã giúp các DN Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ. Theo phân tích của VEPR, môi trường LS cao ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các DN và cũng ảnh hưởng đến nhu cầu khởi nghiệp và thành lập DN.

Ông Trần Văn Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư chế biến dừa Bến Tre, cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lý giải LS cao là để chống lạm phát, ổn định tỷ giá, thế nhưng lạm phát trong mấy năm gần đây chỉ khoảng 4 - 4,5%/năm mà lãi vay lại tăng lên 40 - 50% so với trước, điều này rất vô lý. Lãi vay một số DN hiện tiếp cận được ở mức 9 - 10%/năm, nhưng cũng có DN đang phải chịu lãi 11 - 13%/năm. "Các nước trong khu vực như Thái Lan cũng chịu áp lực lạm phát bên ngoài nhưng sao LS của họ thấp hơn? DN của họ được tiếp cận giá vốn thấp, có chi phí tài chính thấp, nên nâng cao khả năng cạnh tranh khi ra thị trường xuất khẩu. Còn DN Việt thì khó trăm đường", ông Đức so sánh và cho biết với lãi suất vay 10%/năm thì tỷ lệ sinh lời phải từ 15% trở lên mới đủ bù đắp, còn không thì chỉ đủ nuôi lãi NH. Mức sinh lời này không dễ trong bối cảnh kinh tế hiện nay, nên thực tế các DN còn vay được vốn thì làm cũng chỉ đủ trả lãi NH là may.

Lãi vay cao nhưng theo bà Anh Thư, giám đốc một công ty xuất khẩu thủy sản có trụ sở tại TP.HCM, từ cuối năm 2022, đầu năm 2023, DN tiếp cận vốn NH không dễ. Chưa kể hạn mức tín dụng lúc hết, lúc còn, dẫn đến LS vay cứ thế tăng lên nên người đi vay rất sợ vì rủi ro cao. "Bây giờ các NH thương mại lớn vẫn cho vay nhưng tiếp cận được cũng không phải dễ. Ở đâu nói cho vay lãi 7 - 8%/năm và không biết có bao nhiêu DN vay được mức này, chứ những DN tôi quen biết vay rẻ lắm cũng là 9%/năm, đối với cá nhân thì từ 12 - 16%/năm. Lãi vay cao, thị trường bấp bênh nên DN đành đứng yên không dám làm gì", bà Anh Thư nói.

Theo VEPR, tốc độ tăng tín dụng và huy động vốn giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm 2023 do cầu yếu và LS vẫn cao. Huy động vốn của khu vực các tổ chức kinh tế giảm mạnh và tốc độ huy động vốn của ngành NH cũng thấp hơn rất nhiều so với tốc độ bình quân trong 10 năm trở lại đây. Trong khi đó, tiền gửi khu vực dân cư tăng mạnh, cho thấy sự tăng lên của cảm nhận rủi ro đầu tư, làm giảm nhu cầu thành lập DN.

Cung tiền ngày càng bị thu hẹp

Để giảm lãi vay, NHNN đã 2 lần điều chỉnh giảm LS điều hành. Thế nhưng thực tế LS cho vay trên thị trường, như nói trên, vẫn cao bất chấp. Cung tiền thu hẹp được giới chuyên môn đánh giá là một trong những nguyên nhân chính khiến nền kinh tế thiếu hụt thanh khoản và LS bật tăng mạnh trong thời gian vừa qua và không thể hạ xuống. Số liệu cho thấy cung tiền ngày càng chậm lại qua các năm. Cụ thể, tăng trưởng GDP năm 2020 là 2,91% với cung tiền (M2) tăng trên 14,5%; năm 2021 GDP tăng 2,58%, với cung tiền là 10,66%; đến năm 2022 GDP tăng 8,02% nhưng cung tiền lại chỉ còn 6,15%. Đến cuối tháng 3.2023, cung tiền nền kinh tế cũng chỉ tăng 0,57%. Cung tiền thấp khiến thanh khoản trên thị trường cũng khó khăn hơn và lãi vay càng khó giảm. Khảo sát của Thanh Niên mới đây cũng cho thấy trừ big 4 (4 NH Nhà nước nắm cổ phần chi phối) thì hầu hết các NH nhỏ đều đụng trần room tín dụng.

Nhìn vào room tín dụng mà các nhà băng được phân bổ cũng như tăng trưởng dư nợ sẽ thấy nhiều NH đã hết quota tín dụng. Cụ thể, cuối tháng 2 NHNN đã phân bổ hạn mức tín dụng cho từng NH. Theo thống kê của Công ty chứng khoán VNDirect, một loạt NH thương mại được cấp room như HDBank là 11%, ACB 9,8%, Vietcombank 9,6%, TPBank 9,1%, VPBank và MBBank cùng được cấp ở mức 9%, BIDV 8,3%, MSB được cấp room tín dụng cao nhất 13,5%... Thế nhưng chỉ trong 3 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng của một số NH đã tăng nhanh như MSB tăng 13%, Techcombank tăng gần 10,7%, HDBank tăng 9%, 3 NH TPBank, Nam A Bank và VietABank tăng 7%... Doanh nghiệp đói vốn, cần vốn trong khi room tín dụng hạn hẹp thì lãi vay cao cũng là tất yếu.

Theo TS Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, những NH nào tăng trưởng tín dụng nhanh, hết room thì lãi vay neo cao, khó giảm. Vì thế, muốn giảm lãi suất, NHNN phải xem xét nới room cho họ.

Quan trọng hơn, TS Lê Đạt Chí cho rằng cơ chế quản lý cấp hạn mức tín dụng cho từng NH tồn tại nhiều năm qua khiến thị trường tín dụng méo mó và khiến LS khó giảm. Thực tế, việc cấp hạn mức tín dụng đối với một số NH chỉ đủ đáp ứng cho các DN "sân sau" của họ. Chính vì thế LS cho vay đối với những khách hàng khác sẽ ở mức rất cao nhằm bù lỗ cho những khoản vay của khách hàng "ruột". Điều này phần nào lý giải cho thực trạng tăng trưởng tín dụng hiện nay trong hệ thống NH, đó là có NH tăng trưởng tín dụng khá nhanh, nhưng có NH lại chậm. Khi NH chạm room tín dụng, đồng nghĩa LS vay đưa ra rất cao. "Kinh nghiệm chung ở các nước là tiến tới nới lỏng hoặc xóa bỏ trần tín dụng. Bởi lẽ hiệu quả của trần tín dụng chỉ phát huy trong ngắn hạn hoặc giai đoạn đầu. Thế nhưng ở VN, việc áp trần tín dụng cho các NH đã tồn tại từ khoảng chục năm nay nhưng vẫn duy trì. Về dài hạn, việc áp trần tín dụng sẽ giảm tính cạnh tranh NH và hiệu quả phân bổ vốn trong nền kinh tế, chưa kể cầu tín dụng ngắn hạn từ các DN có thể bị ảnh hưởng, đặc biệt là DN đang sử dụng nguồn đi vay lớn từ NH", ông Chí nói.

Ông Lê Đạt Chí đặt vấn đề tại sao một số NH hiện nay công bố quản trị rủi ro đạt tiêu chuẩn Basel II, có NH đang tiến đến Basel III nhưng Nhà nước vẫn áp dụng biện pháp can thiệp cấp hạn mức tín dụng cho từng NH để kiểm soát rủi ro? Nếu các NH thật sự đạt được những tiêu chí quản trị rủi ro quốc tế này thì phải bỏ việc cấp hạn mức tín dụng. Khi họ được tăng trưởng tín dụng thoải mái nhưng đảm bảo các tiêu chuẩn hoạt động an toàn thì LS mới có thể cạnh tranh và giảm được.

(Nguồn: Thanh Niên)

Giở trò trên bất động sản

(Ảnh minh họa).

Không ít người đang đứng trước nguy cơ mất trắng hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng khi mua sản phẩm bất động sản hình thành trong tương lai

Trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, người mua sản phẩm hình thành trong tương lai gặp rủi ro rất lớn nếu chủ đầu tư dự án rơi vào khó khăn hay cố tình trì hoãn việc hoàn thành trách nhiệm thực hiện hợp đồng đã ký. Những trường hợp này theo các luật sư, có thể phải xử lý hình sự mới đủ tính răn đe.

Không giao nhà, còn bán cho người khác

Trong đơn cầu cứu gửi đến Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thị Thu H. (ngụ huyện Nhà Bè) tố Công ty CP Ánh Sao (văn phòng đại diện cũ ở số 14 Phan Tôn, phường Đa Kao, quận 1) đã chiếm dụng tiền và tài sản của gia đình bà khi nhiều năm nay chây ì không bàn giao nhà, không trả tiền và bồi thường thiệt hại.

Cụ thể, bà H. cho biết tháng 4-2017, bà đã ký hợp đồng đặt cọc mua căn biệt thự hình thành trong tương lai dự án Coastar Estates Hồ Tràm (Hồ Tràm, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) do Công ty TNHH Ánh Sao làm đầu tư. Hợp đồng ký với ông Clive William George Walford khi đó đang là giám đốc công ty và số tiền thanh toán ban đầu hơn 4,4 tỉ đồng.

Đến ngày 3-6-2019, Công ty TNHH Ánh Sao đề nghị bà chuyển từ "Hợp đồng đặt cọc mua nhà" sang ký kết "Hợp đồng thuê nhà dài hạn". Theo quy định của hợp đồng thuê dài hạn thì tháng 12-2019, công ty phải bàn giao căn biệt thự cho bà H.

Đáng nói là sau khi ký trước 3 bộ hợp đồng thuê dài hạn, Công ty TNHH Ánh Sao không hề đưa lại cho bà bộ hợp đồng đã ký, cũng không thông báo cho bà số tiền và thời hạn đóng tiếp. Đến tháng 12-2019, công ty không bàn giao nhà như cam kết. Thay vào đó, ngày 12-12-2019, công ty này ra thông báo "đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê dài hạn" với bà H., đồng thời phạt bà số tiền 800 triệu đồng với lý do chậm thanh toán. Chưa hết, Công ty TNHH Ánh Sao còn đem hợp đồng thuê dài hạn đã ký với bà H. chuyển nhượng cho người khác.

Khi sự việc còn chưa ngã ngũ, đến ngày 28-10-2021, Công ty TNHH Ánh Sao lúc này đã đổi thành Công ty CP Ánh Sao do bà Nguyễn Thị Hồng làm tổng giám đốc - cho người dán trước cửa nhà bà H. tờ thông báo "Đơn phương chấm dứt hợp đồng đặt cọc". "Không đồng tình với các quyết định này, tôi đã khởi kiện Công ty CP Ánh Sao ra Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam Chi nhánh TP HCM" - bà H. cho biết.

Ngày 16-6-2022, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam đã ra phán quyết, xác định: "Các quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng của Công ty CP Ánh Sao là không có căn cứ. Hợp đồng thuê dài hạn giữa các bên vẫn còn hiệu lực". Công ty CP Ánh Sao sau đó cũng có đơn yêu cầu TAND TP HCM tuyên hủy phán quyết của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam nhưng không được tòa chấp nhận.

Sau khi có phán quyết của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, ngày 30-6-2022, bà H. đã thanh toán phần tiền còn lại theo hợp đồng thuê dài hạn là 4,34 tỉ đồng vào tài khoản Công ty CP Ánh Sao để tiếp tục hợp đồng. "Tổng cộng tôi đã thanh toán 8,7 tỉ đồng nhưng công ty không bàn giao nhà mà đem căn biệt thự này bán cho người khác với số tiền 10 tỉ đồng. Sau đó, Công ty CP Ánh Sao đã bán cổ phần dự án này cho một tập đoàn bất động sản lớn ở TP HCM mà không bồi thường tổn thất cho tôi dù đã thương lượng nhiều lần" - bà H. bức xúc.

Phóng viên Báo Người Lao Động đã liên hệ qua điện thoại để trao đổi về sự việc trên nhưng bà Nguyễn Thị Hồng thoái thác trách nhiệm. Trong khi đó, phía công ty mua lại cổ phần dự án của Công ty CP Ánh Sao đã gặp mặt trao đổi, thương lượng hoàn tiền cho bà H. nhưng hiện sự việc vẫn chưa xong.

Nộp tiền nhưng không nhận được đất

Một vụ việc tương tự, bà T. (ngụ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) từng là nhân viên của Công ty CP Dịch vụ và Đầu tư Đất Xanh Đông Nam Bộ (hiện đã đổi tên), cho biết đã tích góp tiền để mua đất nền sổ đỏ tại dự án của công ty triển khai ở Bình Thuận nhưng không nhận được tài sản đã mua.

Cụ thể, tháng 9-2019, bà T. đã ký hợp đồng cam kết chuyển nhượng quyền sử dụng đất mua đất nền thuộc dự án của Công ty CP Dịch vụ và Đầu tư Đất Xanh Đông Nam Bộ. Hợp đồng do ông Nguyễn Lê Hoài Duy, giám đốc chi nhánh của công ty, ký và cam kết sẽ chuyển nhượng quyền sử dụng nền đất B-24 có diện tích 101,4 m2 (6 x 16,9 m) tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận cho bà T. và phải tiến hành các thủ tục sang tên cho bà T. sau 3 tháng từ khi ký hợp đồng.

Bà T. sau đó đã thanh toán tổng số tiền gần 436 triệu đồng, tương đương 95% giá trị hợp đồng, nhưng ông Duy cũng như công ty đã không giao đất, giao giấy chứng nhận như cam kết.

Sau rất nhiều lần được công ty hẹn hứa, chờ đợi, bà T. tự tìm hiểu và biết giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với nền đất mã số B-24 đang được thế chấp tại chi nhánh một ngân hàng tại TP HCM. Chủ thể đứng tên trên hợp đồng tín dụng là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ HTD VINA.

Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ HTD VINA do ông Huỳnh Trung Du, nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ và Đầu tư Đất Xanh Đông Nam Bộ, thành lập ngày 25-12-2019 và do bà Hoàng Hồ Hương Giang làm người đại diện pháp luật. Bà Giang trước đây là Phó Tổng Giám đốc của Đất Xanh Đông Nam Bộ.

Đáng nói là theo tìm hiểu thêm của phóng viên Báo Người Lao Động, tại dự án này có nhiều chi tiết nhập nhằng về sở hữu, giao dịch mua bán... Nhiều khách hàng cũng ký hợp đồng mua đất nền của dự án và gặp tình trạng tương tự bà T. Những người này đều đã thanh toán từ 50%-60% giá trị hợp đồng nhưng đến nay không nhận được tài sản.

Phóng viên Báo Người Lao Động đã liên hệ qua điện thoại với ông Huỳnh Trung Du để thông tin đa chiều và làm sáng tỏ các vụ việc nói trên nhưng không nhận được phản hồi.

(Nguồn: CafeF)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang