Kế 've sầu thoát xác' của kẻ sát nhân; Lừa đảo qua mạng vẫn lộng hành; Cán bộ ngân hàng trộm cổ vật; Trốn trại về thăm vợ mới sinh

TÊN SÁT NHÂN & KẾ 'VE SẦU THOÁT XÁC' 22 NĂM

Sau khi gây án, Lương Văn Bún bỏ trốn khỏi hiện trường. 22 năm sau, dù đã thay tên, đổi họ, nhập hộ khẩu tại Lào nhưng cuối cùng kẻ giết người vẫn phải tra tay vào còng số 8.

Ngày 10/4, Phòng cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị vừa phối hợp các cục nghiệp vụ Bộ Công an và công an nước bạn Lào và các đơn vị liên quan bắt giữ đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Lương Văn Bún (43 tuổi, trú xã Kim Đa, huyện Tương Dương, Nghệ An) sau 22 năm lẩn trốn ở nước ngoài.

Theo hồ sơ tài liệu, năm 2002, Lương Văn Bún có mâu thuẫn với người hàng xóm liên quan đến ranh giới đất đai của hai nhà. Mặc dù ban quản lý bản và chính quyền xã đã nhiều lần hòa giải nhưng hai bên chưa tìm được tiếng nói chung.

Một ngày cuối tháng 11/2002, người hàng xóm tổ chức đóng cọc để dựng rào bao quanh phần đất của mình dẫn tới xung đột với Lương Văn Bún. Bún chạy vào nhà, xách khẩu súng tự chế, nhắm vào hàng xóm siết cò khiến người này tử vong.

Sau khi gây án, Lương Văn Bún chạy trốn vào rừng. Cơ quan Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tổ chức truy bắt Lương Văn Bún để phục vụ điều tra nhưng không có kết quả. Ngày 24/1/2003, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An phát lệnh truy nã đặc biệt đối với Lương Văn Bún.

Một thời gian ngắn sau, vợ con Bún cũng biến mất khỏi địa phương. Cơ quan chức năng nhận định, nhiều khả năng Bún đã đưa vợ con vượt biên sang Lào để sinh sống. Cuộc tìm kiếm kẻ giết người tiếp tục được triển khai.

Thiếu tá Nguyễn Duy Hiển, Đội 1, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An cho biết, vào thời điểm gây án, Lương Văn Bún chưa làm giấy tờ tùy thân. Ngoài nhận định đối tượng đã trốn sang Lào, công an không có bất kỳ thông tin nào về đặc điểm nhận dạng của Bún.

“Không có đặc điểm nhận dạng cụ thể ngoài thông tin chung chung như cao khoảng 1m60, da đen, lông mày rậm, mũi thẳng. Cùng với việc thời gian đã trôi qua hơn 20 năm khiến đối tượng có nhiều thay đổi về bên ngoài, nên việc truy vết, đấu tranh với đối tượng truy nã đặc biệt này gặp rất khó khăn”, Thiếu tá Hiển cho hay.

Cuối năm 2023, cảnh sát đã phát hiện những manh mối về Bún. Người đàn ông này sau khi sang Lào đã thay tên, đổi họ, nhập hộ khẩu tại Lào. Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Bún thường xuyên thay đổi chỗ ở, chọn những nơi hẻo lánh, thưa thớt dân cư để sinh sống. Khi lực lượng truy bắt của Công an Nghệ An có mặt tại nơi Bún sinh sống ở Lào, đối tượng đã nhanh chân bỏ trốn.

Đến đầu năm 2024, trinh sát phát hiện Lương Văn Bún xuất hiện tại bản Pá Lay, huyện Xaythani, thủ đô Viêng Chăn, Lào. Kế hoạch bắt Bún nhanh chóng được vạch ra. Ngày 1/4, tổ công tác 4 người thuộc Phòng Cảnh sát hình sự lên đường sang Lào. Phải mất 3 ngày đêm lần theo dấu vết, xác minh, tổ trinh sát dần khoanh vùng được khu vực nơi Bún ẩn mình.

Lúc này, Lương Văn Bún đang làm công nhân xây dựng cho một công ty thuộc đặc khu kinh tế của Trung Quốc tại Viêng Chăn. Chiều 4/4, tổ công tác tại Lào với sự phối hợp, hỗ trợ từ Bộ Công an và Công an nước bạn đã dụ Lương Văn Bún xuất hiện ngoài khu vực đặc khu kinh tế.

“Khi Lương Văn Bún vừa xuất hiện, chúng tôi tiếp cận, gọi tên “cúng cơm” của anh ta nhưng đối tượng đã có sự phòng bị từ trước, tỏ ra bình tĩnh, chỉ trả lời bằng tiếng Lào, tỏ vẻ không hiểu chuyện gì. Qua phiên dịch, đối tượng khẳng định không phải là Lương Văn Bún, không biết Lương Văn Bún là ai”, Thiếu tá Hiển kể.

Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, chỉ sau chưa đầy một tiếng đồng hồ, tổ công tác đã buộc Bún phải thừa nhận thân phận của mình. “Sau khi thừa nhận mình chính là kẻ giết người 22 năm trước, Bún thốt lên “đã lâu thế rồi công an còn nhớ à?” rồi chấp nhận tra tay vào còng”, Thiếu tá Hiển cho hay.

Hiện, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An đang củng cố hồ sơ, xử lý đối tượng theo quy định pháp luật.

TẠI SAO NHIỀU NGƯỜI VẪN BỊ LỪA ĐẢO QUA MẠNG?

Tội phạm lừa đảo qua mạng thường lôi "con mồi" vào những vụ việc liên quan đến pháp luật, đánh vào tâm lý sợ hãi, từ đó khống chế phải làm theo yêu cầu của chúng.

Lo sợ liên quan đến các vụ án

Mới đây, ông L.Đ.L. (62 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) nhận cuộc gọi, đầu dây tự xưng là Công an TP Thủ Đức thông báo ông có giấy triệu tập của TAND TP Đà Nẵng vì liên quan đến vụ án ma túy. Sau đó, người này nối máy cho ông L. với Công an TP Đà Nẵng để làm việc.

Qua cuộc gọi video, một người đàn ông mặc sắc phục yêu cầu ông L. tải ứng dụng trên Google Play để theo dõi danh sách truy nã, lệnh bắt tạm giam. Ông tải ứng dụng, đăng nhập thấy tên mình kèm số điện thoại, địa chỉ nhà, trong danh sách "tội phạm truy nã".

Rồi ông L. được kết nối Zalo và làm việc với rất nhiều người tự xưng là Công an TP Đà Nẵng, Bộ Công an để hướng dẫn giúp đỡ, giải oan.

Sau đó, ông L. đã thực hiện tất toán 5 sổ tiết kiệm với tổng số tiền 3,6 tỷ đồng theo hướng dẫn của nhóm "công an" để xác minh. Đây cũng là số tiền ông bị chiếm đoạt.

Gần đây nhất, một đại gia 71 tuổi ở TP.HCM liên tiếp nhận cuộc gọi của một số người tự xưng Thiếu tướng Công an. Khi làm theo hướng dẫn của những đối tượng giả danh này, vị đại gia mất gần 15 tỷ đồng.

Còn ở Hà Nội, có giáo sư 83 tuổi mất 750 triệu sau chuỗi ngày bị "khống chế" tâm lý qua điện thoại.

Vậy điều gì khiến các giáo sư, đại gia, người lớn tuổi ... sập "bẫy" lừa đảo qua mạng? Luật sư, chuyên gia tội phạm học Trương Ngọc Liêu – Công ty luật TAT Law Firm lý giải về vấn đề này.

Người dân cần vững tin

Luật sư Trương Ngọc Liêu cho biết “qua thông tin báo chí, tôi cho rằng phần lớn các nạn nhân bị sập bẫy bằng thủ đoạn đối tượng giả danh cơ quan bảo vệ pháp luật như công an, viện kiểm sát...

Theo đó, đối tượng lừa đảo sẽ gọi điện thoại cho nạn nhân bằng các đầu số đã chuyển đổi giống với số điện thoại của cơ quan chức năng. Sau đó, chúng thông tin rằng nạn nhân có hành vi vi phạm pháp luật như: Nhận hối lộ, trốn thuế, rửa tiền, buôn lậu... đã bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra.

Không chỉ có vậy, chúng còn làm giả các lệnh bắt, quyết định khởi tố của cơ quan công an, viện kiểm sát… để đe dọa, đánh vào tâm lý lo sợ, đẩy nạn nhân vào trạng thái hoảng loạn.

Sau đó, chúng yêu cầu nạn nhân muốn chứng minh không phạm tội, phải chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng tạo lập mới, để phục vụ công tác điều tra, chứng minh trong sạch.

Tâm lý chung đều nghĩ tiền nạp vào tài khoản ngân hàng mới của chính mình, do đó các nạn nhân thường chuyển hết tiền vào tài khoản mà các đối tượng lừa đảo hướng dẫn.

Nếu không đủ, nạn nhân sẽ vay mượn thêm của người thân, bạn bè. Sau đó, các đối tượng lừa đảo sẽ gửi cho nạn nhân đường link để tải app với giao diện có logo huy hiệu của công an, viện kiểm sát, cơ quan thuế... và yêu cầu họ cài đặt ứng dụng để hoàn tất quá trình xác minh, điều tra.

Khi làm theo, các nạn nhân sẽ bị mất quyền truy cập vào ứng dụng ngân hàng, toàn bộ tiền của họ bị chuyển đến số tài khoản khác.

Như vậy, qua các vụ việc nêu trên có thể thấy, nhiều nạn nhân dù là giáo sư, đại gia, người có tuổi vẫn bị chiếm đoạt tiền không phải vì thiếu hiểu biết pháp luật mà là do hoảng sợ.

Từ đó, luật sư Trương Ngọc Liêu khuyến cáo: “Để đối phó với những thủ đoạn lừa đảo này, ngoài việc luôn đề cao cảnh giác, thì việc giữ bình tĩnh, tránh sợ hãi là việc vô cùng quan trọng".

Đặc biệt, phải luôn tuân thủ tuyệt đối pháp luật, tránh làm những điều sai phạm dẫn đến bị các đối tượng lừa đảo nắm thóp, hoặc lo sợ vì “có tật giật mình” bị tội phạm đánh trúng tâm lý.

SỰ THẬT VỤ CÁN BỘ NGÂN HÀNG "TRỘM" CỔ VẬT

Công ty bảo vệ nói bị "mất trộm" cổ vật nhưng cán bộ ngân hàng nói lấy cổ vật khỏi nơi trưng bày là "phép thử", đã được sự đồng ý.

Ngày 10-4, dư luận tại tỉnh Gia Lai đang xôn xao trước thông tin ông N.T.P. (tên đã thay đổi, cán bộ một ngân hàng chi nhánh Gia Lai) bị tố "lấy trộm" cổ vật tại khu vực triển lãm "Thiên đường Tây Nguyên - Gia Lai".

Triển lãm trên do UBND tỉnh Gia Lai tổ chức trong không gian mở, tại khu vực Quảng trường Đại đoàn kết, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. Trong 1 năm diễn ra triển lãm (từ ngày 5-12-2023 đến 31-12-2024) có 30.000 hiện vật sẽ được luân phiên trưng bày.

Đây đa số là hiện vật do nhà sưu tập Đặng Minh Tâm (trú tỉnh Lâm Đồng) đưa tới trưng bày. Công ty CP Thương mại Dịch vụ Bảo vệ Thiên Ưng và Bảo tàng tỉnh Gia Lai (thuộc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Gia Lai) cùng là đơn vị trực tiếp bảo vệ khu vực trưng bày triển lãm.

Vào ngày 11-2, Công ty CP Thương mại Dịch vụ Bảo vệ Thiên Ưng đã có biên bản làm việc nội dung ông N.T.P. tháo kính bảo vệ, lấy trống đồng đưa xuống đất, bỏ vào gùi và bỏ đi đâu không rõ. Sau đó, bảo vệ phát hiện việc mất trống đồng cổ. Cùng với đó, xuất hiện 2 đoạn clip ông N.T.P. mang chiếc trống đồng cùng vòng tay tới trả. Do đó, ông N.T.P. bị cho là người đã "lấy trộm" cổ vật.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông N.T.P. nói ông là người quen của ban tổ chức và nhà sưu tập Đặng Minh Tâm. Quá trình triển lãm, ông thường xuyên đến và thấy công tác bảo vệ chưa được chặt chẽ, không được an toàn. Việc này, ông N.T.P. đã nhiều lần ý kiến trong nhóm Zalo gồm lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai, nhà sưu tập Đặng Minh Tâm, phía công ty tổ chức sự kiện.

"Sau khi báo, anh Tâm (nhà sưu tập Đặng Minh Tâm) cho phép tôi lấy một chuỗi đeo tay, một trống đồng nhỏ xem thử bao nhiêu lâu thì đội bảo vệ mới phát hiện ra, cách phản ứng khi phát hiện thì như thế nào" – ông N.T.P, phân trần.

Theo ông N.T.P., quá trình lấy các cổ vật ông đều chụp hình, quay phim gửi vào nhóm Zalo. Khi đưa cổ vật vào trả thì còn nói với tổ bảo vệ rằng đã lấy cổ vật, mang đi mà bảo vệ không hề hay biết, không báo cho ai để xử lý tình huống.

"Tâm tôi cực kì trong sáng. Tôi có lỗi là quá nhiệt tình, vì tình cảm, chứ danh chính ngôn thuận thì không có vai trò, trách nhiệm gì trong việc trông coi này cả" – ông N.T.P. bày tỏ.

Nhà sưu tập Đặng Minh Tâm cũng cho biết ông N.T.P. chơi rất thân với nhóm làm việc của mình. Ông này thấy bảo vệ thiếu cảnh giác, chỉ cần 2 phút, kẻ gian có thể lấy trộm cổ vật nên ông thử "lấy trộm"để xem anh em bảo vệ có cảnh giác hay không, đúng giờ sẽ trả lại. Toàn bộ quá trình lấy, đưa về nhà, trả lại đều có quay phim để thông báo lại. "Không ai lấy trộm mà quay phim, chụp hình toàn bộ quá trình gửi cho mọi người như vậy cả" – nhà thiết kế Đặng Minh Tâm nói.

Theo nhà sưu tập Đặng Minh Tâm, ông N.T.P. đã bỏ tiền túi làm nhiều hạng mục phục vụ triển lãm như đèn thắp sáng, camera an ninh…

VỢ VỪA SINH, NGƯỜI ĐÀN ÔNG TRỐN TRẠI TẠM GIAM VỀ THĂM

Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Trường Thi 12 tháng tù và Nguyễn Hữu Văn 6 tháng tù về tội Trốn khỏi nơi giam.

Ngày 11/4, Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum đưa ra xét xử đối với Nguyễn Trường Thi (SN 1965, trú tại xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) và Nguyễn Hữu Văn (SN 1967, trú tại thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) về tội Trốn khỏi nơi giam.

Theo cáo trạng, ngày 12/9/1992, Nguyễn Trường Thi bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Kon Tum trong giai đoạn chuẩn bị xét xử tội Trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa.

Ngày 14/9/1992, Nguyễn Hữu Văn bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Kon Tum, trong giai đoạn điều tra về tội Xuất cảnh trái phép.

Thi và Văn được tạm giam chung ở buồng giam số 3, dãy nhà số 2, khu giam chung của Trại tạm giam Công an tỉnh Kon Tum.

Trong quá trình tạm giam, khi được ra ngoài tham gia lao động, Thi lấy 3 thanh gỗ mang vào buồng giam dùng để kê nằm.

Tối 13/12/1992, Thi đã tháo cánh cửa nhà vệ sinh dựng vào tường để trèo và dùng thanh gỗ phá ô thông gió của buồng giam để chui ra ngoài. Mục đích Thi trốn khỏi nơi giam là về nhà thăm vợ mới sinh con.

Thấy Thi trốn ra, Văn nói: "Cho tôi theo với". Sau đó, cả hai thực hiện hành vi chui qua ô thông gió ra ngoài, trốn khỏi nơi giam.

Ngày 20/7/2022, Thi bị Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai bắt theo lệnh truy nã.

Ngày 23/8/2023, bị can Văn đến Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Kon Tum đầu thú về hành vi Trốn khỏi nơi giam.

Hành vi trên của Nguyễn Trường Thi và Nguyễn Hữu Văn đã có đủ yếu tố cấu thành tội Trốn khỏi nơi giam.

Tại phiên tòa, sau khi xem xét hồ sơ, chứng cứ, tài liệu có trong vụ án, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Trường Thi 12 tháng tù và Nguyễn Hữu Văn 6 tháng tù về tội Trốn khỏi nơi giam.

Nguồn: Kenh14; Vietnamnet; Soha; Dân Trí

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang