4 vạn tấn vải thiều chờ bán; Khi heo ăn cả 'lãi' ngân hàng; BĐS Quảng Ngãi ảm đạm giá vẫn cao; Nhà phố HN rao bán rầm rộ

4 vạn tấn vải thiều chờ bán, có loại 90.000 đồng/kg người mua vẫn 'xếp hàng'

(Ảnh minh họa).

Loại vải thiều u trứng trắng ở Thanh Hà bán tại vườn với giá 90.000 đồng/kg vẫn đắt khách. Các siêu thị, cửa hàng trái cây sạch đang phải "xếp hàng" chờ mua.

Sáng nay (19/5), sau khi cân bán vải thiều cho một hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội với giá 90.000 đồng/kg, ông Nguyễn Văn Hiển - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hợp Đức HD (Thanh Hà, Hải Dương), cho biết, loại quả đặc sản này bắt đầu vào vụ thu hoạch.

Diện tích vải thiều của HTX Hợp Đức HD lên tới trên 280ha. Trong đó, có vải u trứng trắng, u trứng gai, u hồng, tàu lai và vải thiều chính vụ. Thời điểm này, chỉ có vải u trứng trắng và u trứng gai chớm vụ thu hoạch.

"Do chớm vụ thu hoạch nên giá vải thiều vô cùng đắt đỏ. Các cửa hàng, siêu thị cũng phải xếp hàng chờ mua", ông cho biết. Hôm nay là ngày thứ tư HTX thu hoạch vải thiều u trứng trắng. Loại vải này có giá 90.000 đồng/kg bán buôn tại vườn, u trứng gai loại đẹp 45.000-47.000 đồng/kg.

Sản lượng những loại vải này không nhiều, trong khi nhu cầu nhập sỉ từ các siêu thị, cửa hàng rất lớn. Đến nay, có 6 đơn vị đăng ký thu mua vải của HTX, song lượng vải thiều thu được mỗi ngày chỉ đủ bán cho 3 đơn vị, còn lại đều phải chờ.

U trứng trắng là loại vải có giá cao nhất. Năm ngoái, một sào vải u trứng trắng cho doanh thu khoảng 29 triệu đồng. Tính ra, 1ha cho thu khoảng gần 800 triệu đồng. Tuy nhiên, vải u trứng trắng chỉ chiếm khoảng 15% diện tích trồng vải thiều của HTX. Vải u hồng, u trứng gai chiếm 70%, vải tàu lai và vải thiều chính vụ chiếm 15%, ông chia sẻ.

Trên thị trường, vải u trứng trắng một số cửa hàng đang bán với giá dao động từ 145.000-180.000 đồng/kg tùy loại. Trong khi đó, loại u hồng giá khoảng 80.000-120.000 đồng/kg.

Trao đổi với PV. VietNamNet, bà Hoàng Thị Thuý Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, cho biết, diện tích vải toàn huyện năm nay vào khoảng 3.265ha, sản lượng ước đạt 40.000 tấn, trong đó trà vải sớm 25.000 tấn, vải chính vụ 15.000 tấn.

Thời gian thu hoạch trà vải sớm bắt đầu từ nửa cuối tháng 5, còn trà vải chính vụ bắt đầu từ nửa cuối tháng 6 năm nay.

Theo bà Hà, vải thiều Thanh Hà được sản xuất theo quy trình đạt tiêu chuẩn VietGAP, có hơn 500ha được chứng nhận đạt chuẩn GAP và GlobalGAP. Tại 168 vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu, nông dân thực hiện nghiêm ngặt các quy trình sản xuất xuất khẩu dưới sự giám sát của địa phương, cơ quan chuyên môn của huyện, của tỉnh.

Do đó, vải thiều Thanh Hà tại vùng trồng xuất khẩu đều đáp ứng được chất lượng, yêu cầu, tiêu chuẩn nhập khẩu vào thị trường quốc tế.

Vụ vải này, huyện xác định Trung Quốc vẫn là thị trường chính, sau đó đến thị trường nội địa. Ngoài ra, phấn đấu đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường cao cấp khác.

Hiện có 2 doanh nghiệp liên kết sản xuất vải thiều xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Úc, Thái Lan. Ngoài ra, còn nhiều siêu thị, cửa hàng nông sản sạch đăng ký thu mua vải thiều để tiêu thụ tại thị trường nội địa, bà Hà cho hay.

(Nguồn: Vietnamnet)

Khi heo không chỉ ăn cám, ăn chuối mà còn ăn cả "lãi" ngân hàng

Nếu năm ngoái heo ăn chay hay ăn chuối gây tò mò với người tiêu dùng khi ra mắt vì mới lạ thì năm nay, các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi đang khốn đốn vì heo còn "ăn" cả lãi suất ngân hàng.

Theo Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm, chăn nuôi lợn gặp khó khăn do giá thức ăn ở mức cao trong khi giá thịt hơi ở mức thấp. Giá lợn hơi trong nước bắt đầu đà giảm từ quý IV năm ngoái, đến tuần đầu tháng 3 năm nay trung bình chỉ dao động ở khoảng 48.000 – 50.000 đồng/kg, giảm 5-10% so với cùng kỳ năm 2022.

Ghi nhận lỗ kỷ lục ngay trong quý đầu tiên năm 2023, Tập đoàn Dabaco (HoSE: DBC) cho biết, ngành nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm diễn biến phức tạp, đặc biệt dịch tả lợn châu Phi liên tục tái phát tại nhiều địa phương trong cả nước làm cho chi phí chăn nuôi tăng cao, trong khi sức mua giảm.

Đồng thời, giá bán các sản phẩm chăn nuôi trên thị trường ở mức thấp suốt thời gian dài, dẫn tới kết quả chăn nuôi của các công ty con giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

3 tháng đầu năm, DBC ghi nhận doanh thu đạt 2.313,7 tỷ đồng, giảm 17,5% so với cùng kỳ. Kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp của Công ty âm hơn 70 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 254 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chi phí tài chính của công ty cũng tăng 33,7% so với cùng kỳ, chủ yếu tăng do lãi vay. Sau khi trừ đi các chi phí, DBC ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 320,73 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 8,61 tỷ đồng.

Có thể nhìn thấy, ngoài những khó khăn do chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao so với giá bán thì chi phí tài chính cũng đang ảnh hưởng lên hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp sử dụng các đòn bảy tài chính.

Lãi vay tăng mạnh cũng là vấn đề tương tự của ông chủ thương hiệu heo ăn chay BAF. "Heo ăn chay" là đàn heo chỉ ăn thức ăn (cám) được làm 100% nguyên liệu từ thực vật và gốc đạm thực vật. Nguyên liệu này được sản xuất trong nhà máy cám của Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (HoSE: BAF) , chỉ cung cấp cho đàn heo nuôi nội bộ.

Quý I/2023, BAF ghi nhận doanh thu đạt 816 tỷ đồng, giảm 46,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 3,91 tỷ đồng, giảm 95,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, Lợi nhuận gộp của BaF tạo ra không đủ trả chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp mà cứu cánh đến từ lợi nhuận khác.

Cuối quý 1, dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn của BAF đều tăng. Cụ thể, nợ ngắn hạn tăng từ 264 lên 303 tỷ đồng, nợ dài hạn tăng từ 693 lên 1.169 tỷ đồng. Tổng cộng, dư nợ của BAF đã lên 1.472 tỷ đồng, tăng 53% so với hồi đầu năm. Hệ quả của dư nợ tăng là so với cùng kỳ năm ngoái, chi phí tài chính quý I năm nay của BAF gấp đến 5,3 lần.

Với Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã: HAG), Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức đã nhận định ngành chăn nuôi heo năm nay sẽ gặp khó. Mặc dù HAGL cho biết họ có lợi thế về nguồn thức ăn là chuối loại giúp giá vốn thấp hơn các doanh nghiệp cùng ngành nhưng trong 4 tháng đầu năm, doanh nghiệp cũng không có lãi từ chăn nuôi heo do giá giảm quá sâu.

Sau đà giảm giá diễn ra trong quý 1/2023, giá lợn hơi trong nước bắt đầu tăng nhẹ từ đầu tháng 4 vừa qua, tăng 5,3% so với tháng 3 và tăng 0,1% so với thời điểm đầu năm. Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT phân tích giá lợn hơi tăng lên chủ yếu do sản lượng lợn bán tháo ra thị trường do ảnh hưởng từ dịch tả lợn Châu Phi (ASF) đã giảm dần và lo ngại về vấn đề dư thừa nguồn cung đã lắng xuống khi các hộ nông dân ngừng hoạt động tái đàn và các doanh nghiệp chăn nuôi lớn chưa có kế hoạch mở rộng quy mô đàn lợn.

Tuy nhiên, mức giá lợn hơi hiện tại vẫn thấp hơn khoảng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Chứng khoán VNDIRECT đánh giá thị trường chưa có dấu hiệu thiếu nguồn cung thịt lợn do tổng đàn lợn cả nước vẫn tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức tương đương so với giai đoạn trước khi dịch ASF xảy ra. Đồng thời, sản lượng thịt lợn hơi trên cả nước trong quý 1/2023 đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, giá lợn hơi được kỳ vọng chỉ tăng nhẹ trong quý 2/2023 và sẽ cải thiện rõ rệt hơn trong quý 3/2023 khi nhu cầu tiêu dùng phục hồi.

(Nguồn: Soha)

Bất động sản Quảng Ngãi ảm đạm, nhưng giá vẫn neo cao

(Ảnh minh họa).

Theo Sở Xây dựng Quảng Ngãi, hiện hàng tồn kho của các dự án bất động sản còn nhiều nhưng vẫn neo ở giá cao dẫn đến việc người dân có nhu cầu mua đất khó giải ngân.

Hàng tồn nhiều nhưng giá neo ở mức cao

Sở Xây dựng Quảng Ngãi vừa có báo cáo tình hình thực hiện về quản lý thị trường bất động sản; việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Sở này cho rằng, Quảng Ngãi là một trong 5 khu kinh tế ven biển được Chính phủ ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng và có chính sách ưu đãi cao đối với các nhà đầu tư. Khu kinh tế Dung Quất đã thu hút nhiều dự án quy mô lớn, như: Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy công nghiệp nặng Doosan, Khu công nghiệp đô thị Dung Quất, Khu Công nghiệp - Dịch vụ – Đô thị VSIP và các dự án quan trọng khác.

Cùng với đó, sức hấp dẫn của thị trường bất động sản Quảng Ngãi được cụ thể hóa bằng chính giá đất đang ở giai đoạn đầu chưa phân hóa so với các thị trường lân cận trong khu vực. Trong khi giá đất tại trung tâm, ven biển Đà Nẵng, Nha Trang đã lên tới vài trăm triệu đồng/m2 thì giá đất nền ven biển tại Quảng Ngãi vẫn còn mức khá thấp, dao động từ 24 - 28 triệu đồng/m2 .

Nguyên nhân khách quan là do sự chuyển dịch tự nhiên của thị trường. Khi những địa bàn quen thuộc như Khánh Hòa, Đà Nẵng... trở nên bão hòa, nhà đầu tư có xu hướng tìm đến các địa bàn mới có quỹ đất rộng, còn nhiều tiềm năng phát triển ở các tỉnh lân cận như Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi... để khai phá, tối ưu hóa lợi nhuận.

Theo Sở Xây dựng Quảng Ngãi, trong giai đoạn 2021 đến nay, do ảnh hưởng nhiều yếu tố thị trường như giá nguyên vật liệu tăng cao, các ngân hàng siết chặt việc cho vay nên ngành bất động sản gặp nhiều khó khăn trong.

Hầu hết các giao dịch bất động sản trong thời gian đến từ việc mua bán các lô đất thổ cư. Hàng tồn kho của các dự án bất động sản còn nhiều nhưng vẫn neo ở giá cao dẫn đến việc người dân có nhu cầu mua đất khó giải ngân.

Đặc biệt, hiện tượng sốt đất, bong bóng cũng như đầu cơ bất động sản tại tỉnh trong những năm qua gần như không còn. Việc sử dụng đòn bẩy tài chính mua nhà để đầu tư được nhà đầu tư tính toán một cách thận trọng, hướng vào những sản phẩm phục vụ nhu cầu thực tiễn.

Sở Xây dựng Quảng Ngãi cũng dự báo, giá bất động sản trong thời gian đến có dấu hiệu tăng giá vì một số nguyên nhân chính: Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng cao; vật liệu xây dựng và các yếu tố đầu tư xây dựng đều tăng; khung giá đất trong thời gian qua được điều chỉnh tăng.

Đồng thời, thủ tục trong quá trình triển khai thực hiện dự án kéo dài, do vướng mắc quy định pháp luật dẫn đến tăng chi phí đầu tư. Với thực trạng quy định của pháp luật còn chồng chéo, tồn tại, nên triển khai đầu tư các dự án bất động sản sẽ tiếp tục gặp nhiều vướng mắc.

Gỡ khó cho các dự án bất động sản

Để tháo gỡ thị trường bất động sản, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh sẽ tập trung xây dựng, phê duyệt các quy hoạch, tạo sự đồng bộ, thống nhất, ổn định của các quy hoạch; gắn kết phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, hệ thống kết cấu hạ tầng với phát triển đô thị và các dự án nhà ở để đảm bảo cân đối cung - cầu trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, đôn đốc, hướng dẫn, giám sát công tác giải quyết công việc của đội ngũ cán bộ, công chức nhằm kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh không để kéo dài thời gian, tồn đọng công việc.

"Tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục pháp lý của các dự án bất động sản trên địa bàn; tích cực chủ động làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, từng dự án, nhất là các dự án lớn để lắng nghe các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, của dự án để kịp thời tháo gỡ", lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ngãi kiên quyết xử lý tình trạng cán bộ lơ là, không làm hết trách nhiệm, sợ trách nhiệm và sách nhiễu trong thực thi công vụ, nhất là trong công tác phê duyệt quy hoạch, thực hiện các thủ tục về đầu tư, cấp phép, đấu thầu, đấu giá, định giá đất đai, bất động sản.

Ngoài ra, tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản gắn với chính sách nhà ở cho các đối tượng chính sách, người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân...

(Nguồn: CafeF)

Nhà phố Hà Nội được rao bán rầm rộ, giá lên tới cả tỷ đồng/m2

Mặc dù thị trường đang diễn biến trầm lắng nhưng nhà phố ở Hà Nội có mức giá đắt đỏ vẫn đang được rao bán rầm rộ.

Nhà phố giá cả tỷ đồng/m2 rao bán rầm rộ

Thị trường bất động sản đến thời điểm hiện tại vẫn giữ nhịp độ trầm lắng, tình trạng khó bán vẫn diễn ra. Tuy nhiên, tại Hà Nội phân khúc nhà mặt phố có giá lên tới cả tỷ đồng mỗi m2 vẫn đang được rầm rộ rao bán.

Theo khảo sát của Dân trí, tại mặt phố Cầu Giấy, giá nhà phố hiện nay dao động từ 550-750 triệu đồng/m2. Đơn cử, một căn nhà có diện tích 60m2 đang được rao bán với mức giá 38 tỷ đồng, tương đương 633 triệu đồng/m2.

Cùng nằm trên trục đường hướng tâm, nhiều căn nhà tại mặt phố Xuân Thủy đang được rao bán với mức giá từ 400-450 triệu đồng/m2. Đơn cử, một căn nhà có diện tích 60m2 đang được rao bán giá 25 tỷ đồng, tương đương hơn 415 triệu đồng/m2.

Tại các tuyến phố như Xã Đàn, Ô Chợ Dừa thuộc quận Đống Đa, nhiều căn nhà đang được rao bán với mức giá từ 700 - 850 triệu đồng/m2. Một căn nhà có diện tích 154m2 tại Xã Đàn đang được rao bán với mức giá 125 tỷ đồng, tương đương gần 812 triệu đồng/m2. Theo người bán, đây là căn nhà có vị trí hiếm trên phố Xã Đàn, phù hợp để làm văn phòng, kinh doanh...

Đáng chú ý, tại các tuyến phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm như: Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Bông, Đinh Liệt... mức giá rao bán đang dao động từ 600 - 800 triệu đồng/m2. Đây được cho là mức giá hữu nghị đối với người mua trong bối cảnh thị trường bất động sản chững lại.

Đơn cử, một căn nhà tại phố Hàng Bông có diện tích 74m2 đang được rao bán với giá 53 tỷ đồng, tương đương gần 720 triệu đồng/m2. Theo người bán, mức giá này đã giảm nhẹ so với cách đây 1 năm.

Do cần tiền đầu tư mảng khác nên chủ nhà mới rao bán. Hiện nay, căn nhà đang được cho thuê với mức giá gần 200 triệu đồng/tháng, hợp đồng thuê nhà kéo dài tới năm 2025.

Tại phố Hàng Bạc, nhiều căn nhà đang được rao bán với mức giá từ 750 - 850 triệu đồng/m2. Đơn cử, một căn nhà có diện tích 140m2 tại phố này đang được rao bán với mức giá 110 tỷ đồng, tương đương gần 786 triệu đồng/m2.

Tại phố Hàng Bài giá nhà phố từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/m2, thậm chí nếu nằm ở vị trí hai mặt tiền sẽ khoảng 1,2 - 1,4 tỷ đồng/m2. Đơn cử, một căn nhà tại phố Hàng Bài có diện tích 45m2 đang được rao bán với mức giá 50 tỷ đồng, tương đương hơn 1,1 tỷ đồng/m2.

Nhà phố tại Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến, Mã Mây... đang được rao bán với mức giá dao động từ 900 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/m2. Đơn cử, một căn nhà được giới thiệu là đẹp nhất tại phố Tạ Hiện có diện tích 60m2, hiện đã xây dựng 4 tầng đang được rao bán với mức giá 63 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ đồng/m2.

Bên cạnh đó, khu vực này cũng xuất hiện một số khách sạn đang được rao bán với mức giá từ 1,4 - 1,7 tỷ đồng/m2. Đơn cử, một tòa khách sạn 9 tầng, diện tích mặt sàn là 300m2 đang được rao bán với mức giá 450 tỷ đồng, tương đương 1,5 tỷ đồng/m2.

Tại phố Tràng Thi, giá nhà phố này đang được rao bán từ 900 triệu đến 1,2 tỷ đồng/m2, thậm chí những căn nhà có vị trí view hồ Gươm có giá lên tới gần 1,9 tỷ đồng/m2. Cụ thể, căn nhà có diện tích 80m2 đang được rao bán với mức giá 150 tỷ đồng, tương đương 1,88 tỷ đồng/m2. Người bán giới thiệu, căn nhà nằm ở khu "đất vàng", đắc địa nhất quận Hoàn Kiếm và có hướng nhìn ra hồ Gươm.

Rao bán cả năm không ai mua

Theo ông Quang Hà, một môi giới nhà thổ cư có kinh nghiệm 12 năm tại Hà Nội, hiện nay lượng nhà phố được rao bán ngày càng nhiều. Tuy nhiên, mức giá không giảm đi so với thời điểm cách đây 1 năm.

"Một số căn nhà thời gian qua vẫn có mức giá rao bán tăng cao, đây thực tế chỉ là kỳ vọng của chủ nhà. Còn thực tế, phân khúc nhà phố hiện nay thanh khoản khá kém.

Nhà phố tại Hà Nội đều có giá vài chục tỷ đồng, thậm chí đến cả trăm tỷ đồng mỗi căn, do vậy người mua hầu hết ít nhiều cũng sẽ sử dụng đòn bẩy tài chính.

Tuy nhiên, hiện nay lãi suất vay vẫn neo cao, cho nên người mua không lựa chọn xuống tiền lúc này", ông Hà nói.

Bên cạnh đó, người môi giới này cũng tiết lộ, có nhiều căn nhà dù đã rao bán cả năm nay nhưng vẫn chưa tìm được chủ mới. Do vậy, nếu muốn bán nhanh chủ nhà cần điều chỉnh về mức giá.

Ngoài ra, ông Hà còn cho biết: "Thực tế, nhiều người mua nhà phố nhằm mục đích đầu tư cho thuê. Hiện nay giá cho thuê mặc dù có tăng so với trước dịch nhưng với bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, nhiều cửa hàng không làm ăn được họ cũng đang trả mặt bằng. Do vậy, sức cầu trong ngắn hạn có thể ảnh hưởng nhưng về dài hạn vẫn rất tiềm năng".

(Nguồn: Dân Trí)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang