Người Việt hải ngoại: Vui Tết ở Lào; Gắn kết những người con ở Anh; 'Bán văn hóa' nơi xứ người

Người Việt Nam tại Bắc Lào vui Tết cộng đồng đón Xuân mới Giáp Thìn 2024

(Ảnh minh họa).

Trong bầu không khí ấm áp và hữu nghị, những người Việt Nam xa xứ quây quần thưởng thức các món ăn truyền thống, những tiết mục văn nghệ đậm đà bản sắc quê hương và điệu múa Lamvong của nước bạn.

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, trong không khí tưng bừng, phấn khởi, hân hoan đón chào mùa Xuân mới, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Luang Prabang đã phối hợp với cộng đồng người Việt Nam tại các tỉnh Bắc Lào tổ chức Tiệc chiêu đãi đối ngoại và Tết cộng đồng mừng Xuân Giáp Thìn 2024.

Tham dự sự kiện có đại diện lãnh đạo Mặt trận Lào xây dựng đất nước và đại diện các sở, ban, ngành 8 tỉnh Bắc Lào; đại diện Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Luang Prabang; đại diện các cơ quan Việt Nam tại các tỉnh Bắc Lào; đại diện Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Bắc Lào; Đại diện Hội, Ban Quản lý người Việt Nam tại các tỉnh Bắc Lào và đông đảo cộng đồng người Việt Nam tại các tỉnh Bắc Lào.

Tại sự kiện, Tổng lãnh sự Kiều Thị Hằng Phúc đã thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam năm 2023 và ôn lại truyền thống lịch sử, quá trình phát triển mối quan hệ đặc biệt, hiếm có giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai dân tộc Việt Nam và Lào; đồng thời bày tỏ tình cảm chân thành, lòng biết ơn sâu sắc tới các Lãnh đạo Đảng, Chính quyền, Mặt trận Lào xây dựng đất nước đã hết sức quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam làm ăn, sinh sống ổn định và phát triển.

Bà Kiều Thị Hằng Phúc cảm ơn các cơ quan, đơn vị Việt Nam thường trú tại các tỉnh Bắc Lào, các Hội, Ban Quản lý người Việt Nam tại các tỉnh Bắc Lào, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Bắc Lào đã luôn đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Tổng lãnh sự quán trong triển khai nhiệm vụ; tin tưởng năm mới 2024 sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo các tỉnh Bắc Lào, cơ quan, đơn vị Việt Nam thường trú tại các tỉnh Bắc Lào, các Hội, Ban Quản lý người Việt Nam tại các tỉnh Bắc Lào, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Bắc Lào để cùng vun đắp, xây dựng mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Trong bầu không khí ấm áp và hữu nghị, thắm tình đồng chí anh em, những người Việt Nam xa xứ đã quây quần bên nhau, cùng thưởng thức những món ăn truyền thống, những tiết mục văn nghệ đậm đà bản sắc quê hương tại mái nhà chung của Tổng lãnh sự quán và cùng hòa vui trong điệu múa Lamvong truyền thống của nhân dân các dân tộc Lào.

Gắn kết giữa những người con Việt trên khắp nước Anh

(Ảnh minh họa).

Ngày 28/1, trên 100 kiều bào tại Anh đã tham dự Chương trình gặp mặt mừng Xuân Giáp Thìn do Đại sứ quán Việt Nam tại Anh tổ chức ở London. Sự kiện là cơ hội để bà con kiều bào tại Anh gặp gỡ, giao lưu, cùng hướng về quê hương, đất nước khi Tết đến Xuân về.

Theo phóng viên TTXVN tại London, phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long vui mừng chào đón đông đảo bà con kiều bào từ nhiều địa phương ở nước Anh tới dự buổi gặp mặt thân mật khi ngày Tết cổ truyền của dân tộc đang cận kề. Đại sứ bày tỏ vui mừng trước sự đoàn kết, phát triển ngày một lớn mạnh của cộng đồng người Việt tại Anh, đồng thời cảm ơn bà con kiều bào vì những đóng góp tích cực cho nước sở tại cũng như cho quê hương, đất nước, đặc biệt đóng vai trò làm cầu nối lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ở nước sở tại.

Nhân dịp này, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long tổng kết những bước phát triển trong quan hệ Việt Nam - Anh, đặc biệt trong năm 2023 khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Để kỷ niệm sự kiện quan trọng này, Đại sứ quán Việt Nam tại Anh tổ chức chương trình Năm hữu nghị Việt Nam - Anh 2023 với hơn 50 sự kiện chính trị, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật… trên khắp nước Anh. Đại sứ khẳng định sự thành công của chương trình có phần đóng góp của cộng đồng người Việt tại Anh, bày tỏ mong muốn cộng đồng tiếp tục phát triển vững mạnh, là nền tảng vững chắc đóng góp cho quan hệ Việt Nam - Anh.

Diễn ra trong không khí thân mật, đầm ấm, sự kiện là dịp để bà con kiều bào ôn lại những phong tục, tập quán tốt đẹp của Tết Nguyên đán và thưởng thức các món ăn truyền thống như bánh chưng, giò lụa, giò xào, nem rán,… mang lại hương vị Tết như ở quê nhà. Tại sự kiện, các em học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập, sinh sống tại Anh có màn biểu diễn văn nghệ sôi động, mang đến không khí vui tươi, rộn ràng của ngày lễ lớn nhất trong năm đối với bà con kiều bào tại Anh.

Chị Li Le, một Việt kiều ở London, cho biết hằng năm chị đều dự sự kiện đón Tết Nguyên đán do Đại sứ quán Việt Nam tại Anh tổ chức, nhưng năm nay lần đầu tiên con gái chị dự sự kiện này. Sống xa xứ đã nhiều năm, chị Li Le luôn mong muốn các con có sự kết nối với quê hương, nhớ về cội nguồn. Các sự kiện như Tết Việt giúp các thế hệ trẻ người Việt sinh ra và lớn lên ở Anh như con gái chị có cơ hội kết nối với cộng đồng, tìm hiểu về truyền thống văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của Việt Nam, giúp con thêm yêu quê hương, đất nước. Chị Li Le cho rằng chương trình đón Xuân hằng năm của Đại sứ quán là hoạt động có ý nghĩa đối với cộng đồng người Việt tại Anh nói chung, và thế hệ trẻ nói riêng, giúp tạo sự gắn kết giữa những người con Việt trên khắp nước Anh.

Ông Kyril Whittaker, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam, có vợ là người Việt, cho biết, tham dự sự kiện Tết tại Đại sứ quán mang lại cho ông cảm giác như đang ở nhà. Do công việc, ông Kyril không về Việt Nam đón Tết Giáp Thìn cùng vợ và gia đình. Tuy nhiên, chương trình đón Xuân tại Đại sứ quán với nghi lễ dâng hương tưởng niệm Bác Hồ và tổ tiên, thưởng thức món ăn Tết truyền thống trong tiếng nhạc đón Xuân rộn ràng, gặp gỡ những người bạn Việt Nam với những lời chúc mừng năm mới khiến ông thấy ấm áp và hạnh phúc. Với ông Kyril, Anh và Việt Nam là hai quê hương. Vì vậy, được đón Tết ở Anh là một trải nghiệm đặc biệt khi nền văn hóa độc đáo của Việt Nam được giới thiệu tới những người bạn Anh, đồng thời mang đến cảm giác được về nhà đối với những người đón Tết xa gia đình.

Trước đó, ngày 27/1, Hội sinh viên Việt Nam tại Đại học Oxford (VoX) cũng tổ chức sự kiện mừng Tết Oxford mừng Xuân Giáp Thìn 2024 với sự tham dự của các giáo sư và nhân viên Đại học Oxford, cùng các sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại thành phố Oxford và gia đình.

Anh Nguyễn Đức An, nghiên cứu sinh tiến sĩ, Chủ tịch VoX, cho biết, Tết Oxford là sự kiện thường niên do VoX tổ chức từ năm 2000 khi Hội được thành lập với mong muốn giới thiệu truyền thống văn hóa Việt Nam tới bạn bè Anh, đồng thời tạo cơ hội để cộng đồng sinh viên Việt Nam tại thành phố Oxford kết nối, giao lưu, cùng kỷ niệm ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Với chủ đề “Tết nhớ nguồn”, sự kiện năm nay diễn ra với nhiều hoạt động phong phú nhằm quảng bá nét độc đáo của Tết và văn hóa Việt Nam, như biểu diễn nghệ thuật mừng Xuân, mừng tuổi đầu năm, thưởng thức món ăn Tết cổ truyền. Đặc biệt, sự kiện bao gồm nghi lễ cúng tổ tiên cầu Năm mới hạnh phúc và thịnh vượng dưới sự chủ trì của Đại Đức Thích Nhuận Tú, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Phật giáo tại Đại học Oxford.

Anh Đức An chia sẻ, nghi lễ cúng tổ tiên trong dịp Tết là nghi thức tâm linh, đượm tính nhân văn và đạo lý, là dịp để cộng đồng sinh viên, nghiên cứu sinh người Việt tại Oxford và gia đình tưởng nhớ về cội nguồn, tỏ lòng thành kính với tổ tiên, cùng hướng về quê hương và nguyện cầu cho một Năm mới tốt đẹp cho mọi người dân Việt Nam và thế giới. Năm nay là Tết Nguyên đán thứ ba xa nhà của Đức An và anh thực sự xúc động trước giây phút thiêng liêng dâng hương hướng về tổ tiên.

Anh An cho biết Ban tổ chức đã nỗ lực hết mình để tái hiện sự kiện Tết Nguyên đán truyền thống của dân tộc và đem hình ảnh Việt Nam và nền văn hóa dân tộc đến với các giáo sư và bạn bè Anh và quốc tế.

Giáo sư Malcom McCulloch, chuyên ngành năng lượng tại khoa Khoa học cơ khí, Đại học Oxford, cho biết tham dự Tết Oxford với những người bạn Việt Nam đáng mến là một trải nghiệm thú vị nhất trong năm đối với ông. Giáo sư McCulloch cho biết lễ hội Tết Việt rất sống động, với những nụ cười, sự phấn khởi, tươi vui và các món ăn ngon. Giáo sư đặc biệt ấn tượng với nghi lễ cúng tổ tiên, khi ông cảm nhận được lòng biết ơn đối với cội nguồn của những người dự lễ. Giáo sư McCulloch cho biết ông sẽ lên kế hoạch thăm Việt Nam bởi Tết Oxford đã truyền cảm hứng để ông tìm hiểu về đất nước và nền văn hóa Việt Nam.

Đặc biệt, chương trình Tết Oxford 2024 cũng gồm hội thảo “Net Zero” (không phát thải ròng) với sự góp mặt của các giáo sư và nghiên cứu sinh tại đại học Oxford đang có những liên kết với các dự án về chủ đề năng lượng tại Việt Nam, cùng đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Anh và Mạng lưới hữu nghị Việt Nam - Anh. Hội thảo nhằm chia sẻ các chiến lược và kinh nghiệm để đạt mục tiêu “Net Zero”, đồng thời tạo kết nối giữa các viện nghiên cứu Việt Nam và các trung tâm nghiên cứu tại Đại Học Oxford.

"Bán văn hóa Việt" nơi xứ nguời

Với tâm nguyện gìn giữ và quảng bá văn hóa ẩm thực Việt, theo như cách nói của họ là “bán cả văn hóa Việt” ra xứ người, những phụ nữ thế hệ U60 hay thế hệ 9X đã rất tâm huyết khi đang nỗ lực xây dựng thương hiệu ẩm thực Việt Nam tại Philippines.

Những ngày đầu cơ cực

Nhiều người không khỏi bất ngờ khi được biết chủ chuỗi 7 tiệm bánh mỳ tại các trung tâm thương mại lớn và 2 nhà hàng Việt tại Manlia lại là một người phụ nữ giản dị, không son phấn nhưng đầy nét hồn hậu và đẹp đúng nét phụ nữ gốc Huế. Chị chia sẻ “quen rồi bao nhiêu năm nay, nghề đứng bếp nó vậy”.

Nhớ lại những ngày đầu cơ cực chị Ánh không khỏi bùi ngùi: Mẹ chị sinh ra trong một gia đình lao động buôn bán đồ ăn ở Gia Lai - Kon Tum. Từ nhỏ chị thường phụ bếp cho mẹ nên đã học được tinh hoa ẩm thực từ mẹ. Tại một đất nước mà ẩm thực Nhật hay Tàu chiếm ưu thế nhưng chị vẫn quyết tâm sẽ làm ẩm thực Việt vì “đó là cái gốc, cái nguồn cội của mình, tự mình trải nghiệm và làm thì mới ngon, mới giữ được cái hồn cốt”.

“Khi người Việt Nam sang Philippines để mở quán ăn rất khó khăn. Giai đoạn đầu chị gặp nhiều khó khăn nhưng chị luôn cố gắng để mang đến hương vị gần Việt Nam và phục vụ cộng đồng người Việt. Khi họ đến đây họ được thưởng thức đồ ăn Việt và cảm nhận được không khí tình cảm của người Việt. Còn đối với người Philippines, chị muốn quảng bá văn hóa ẩm thực Việt”, chị Ánh cho hay.

Chọn bánh mỳ Việt Nam làm món ăn khởi nghiệp từ năm 2014, hai vợ chồng chị tần tảo dạy từ 6h sáng đến 11h đêm. Mở một cửa hàng bánh mỳ tại Philippines khá khó khăn với các thủ tục mà chị ước tính mớ giấy tờ đó cũng “nặng 5kg giấy”. Vừa làm từng bước và thăm dò, không có nhiều người Việt tại Philippines nên phải marketing với người địa phương, công nghệ không biết, quán thì nhỏ, nên mặc dù dậy từ 6h sáng và đóng cửa lúc 11h đêm với ước mong bán 40 ổ bánh mỳ một ngày nhưng có hôm vẫn ế ẩm.

Tuy nhiên bằng cái tâm và cái tầm ẩm thực, khách đã không phụ lòng chị. Sau khi ăn, họ rất khen ngợi và báo chí Philippines đã đăng tin về ổ bánh mỳ Việt. Từ đó, khách hàng người Việt và Philippines đều yêu thích cứ thế truyền miệng và giờ chị Ánh đã làm chủ của chuỗi 7 cửa hàng bánh mỳ Việt và 2 nhà hàng ẩm thực tại Philippines. Điều đáng quý là cửa hàng của chị luôn đông khách và hầu như luôn bán hết đồ trước giờ đóng cửa.

Khi được hỏi “Tại sao anh lại chọn quán “bánh mỳ Việt” trong rất nhiều quán ăn Việt tại Philippines? Và anh có thường xuyên đến nhà hàng này?”, một thực khách cho biết: “Tuần nào tôi cũng đến đây ăn 1 lần vào ngày nghỉ. Sở dĩ tôi chọn quán này bởi thức ăn ngon, không gian thoáng mát, mà tôi còn được giao lưu với những người bạn Việt”.

Một khách hàng khác bước ra từ quán Bon (2 trong chuỗi 7 cửa hàng của chị Ánh) thì trả lời: “Mỗi lần mình thưởng thức những món ăn của quán Bon lại nhớ lại mùi vị của quê hương mà những quán khác không thể có. Nhất là món hủ tiếu, bò kho và bánh mỳ. Hương vị rất giống Việt Nam. Mỗi lần đến đây gặp được nhiều người Việt, sẽ có cảm giác tuy xa quê nhưng vẫn như đang được sống tại quê hương”.

Người Philippines rất ưa thích đồ ăn tại quán còn bởi ở đây giá cả hợp lý và rất ngon. “Tôi cũng đã đến thăm Việt Nam và thích đồ ăn của Việt Nam. Đến với quán ăn này tôi cảm nhận được hương vị giống Việt Nam nhất mà tôi đã từng ăn”, một thực khách nhận xét.

Chị Ánh cho rằng “trời thương nên cứ thế mà đi thôi” nhưng nhìn từ hành trình từ ngày đầu của chị cho thấy để có thành công như ngày hôm nay là cái tâm, cái tầm và đặc biệt là tình yêu đối với ẩm thực Việt, gìn giữ bản sắc văn hóa ẩm thực Việt trong từng sản phẩm. Để không bị pha tạp các hương vị Philippines, các sản phẩm chị đều tự làm từ chả lụa, chả giò hay pate…

Các nguyên vật liệu chị cũng phải nhập từ Việt Nam hay những gia vị được cho là hồn cốt của món ăn như húng quế, chị phải nhập với giá lên tới 500đ/kg nhưng đối với chị mình phải giữ được cái nét và đặc biệt là chuẩn vị Việt trong từng sản phẩm.

Đặc biệt để kéo thực khách đến với quán, không chỉ là các sản phẩm nguyên liệu cầu kỳ, chị luôn để mức giá thấp so với mặt bằng chung. Chị cho hay, lợi nhuận cũng quan trọng nhưng chị muốn quảng bá ẩm thực Việt đến nhiều người Philippines, từ đó yêu Việt Nam hơn. “Trước kia không nhiều quán Việt nhưng giờ họ bán hàng online nên có sự cạnh tranh, nhưng tôi cho rằng một điều quan trọng là luôn luôn giữ khẩu vị riêng của quán. Và trong tương lai tôi tiếp tục mở rộng ở những thành phố xa hơn để giới thiệu ẩm thực Việt Nam cho người Philippines”.

“Hà Nội nhỏ” trong lòng Pasay

Cũng với một tình yêu đối với ẩm thực Việt, cô chủ của một chiếc quán Việt có tên rất đỗi thân thương “Em Hà Nội” lại là một người hiện đại trẻ trung.

Thuộc thế hệ 9X và là người đã từng đi nhiều nước, chị Kim quyết định lựa chọn ẩm thực vì ẩm thực là cái dễ đi vào lòng người, gây sự thương nhớ khó quên hơn. Nhen nhóm ý định mở nhà hàng nhiều năm nay và có đủ khả năng tài chính để mở, nhưng điều chị Kim ấp ủ là không chỉ muốn bán thực phẩm Việt mà còn cả văn hóa Việt, quảng bá văn hóa Việt đến người dân Philippines. Vì vậy việc tạo ra một không gian Việt cho thực khách đối với chị vô cùng quan trọng.

Không vội vàng, mất thời gian tìm hiểu và lên kế hoạch, quán ra đời sau một thời gian dài ấp ủ của cô gái 9X muốn mang cả văn hóa Hà Nội đến Pasay. Bước vào trong quán sẽ có nhiều Việt kiều cảm thấy thân thương như đang được ngồi lê la trên vỉa hè với những chiếc cốc uống trà đá quen thuộc và đâu đó trong không gian quán là cái nơm, cái đó quê nhà.

Chị Kim chia sẻ, tất cả các tô phở, niêu cơm đất đều chị tự tay đặt từ Bát Tràng, gợi lại ký ức rất bình dị về Hà Nội và Việt Nam. Vì mỗi món ăn Việt chứa đựng những câu chuyện, gắn với những phong tục tập quán khác nhau mà không phải ai cũng biết rõ ngọn nguồn. Thưởng thức, tìm hiểu món ăn Việt sẽ giúp nhiều người nhất là người địa phương thêm yêu nét ẩm thực và văn hóa của con người Việt. Đến với quán, thực khách không chỉ được thưởng thức ẩm thực Việt mà còn cả văn hóa Việt.

Có thể nói dù là những phụ nữ thuộc thế hệ U60 hay những cô gái 9X hiện đại, tâm huyết và tình yêu với ẩm thực Việt không có sự khác biệt. Điều trân quý hơn cả là họ không chỉ muốn bán đồ ăn Việt mà còn “bán” văn hóa Việt tại nơi xứ người để “mua lại” tình yêu đối với ẩm thực Việt nói riêng và đất nước con người Việt Nam nói chung.

Nguồn: VTV4; Báo Tin Tức; VOV

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang