Người Việt hải ngoại: Tết đoàn viên ở Mỹ; Chật vật trong giá rét ở Nhật, Hàn; Đi chợ ở Nhật; Mắc kẹt 3 ngày ở Singapore

ẤM ÁP TẾT ĐOÀN VIÊN CỦA THANH NIÊN, SINH VIÊN VIỆT NAM TẠI MỸ

(Ảnh minh họa).

Hòa cùng không khí Tết Nguyên đán, thanh niên sinh viên Việt Nam tại Mỹ đã sum vầy và tổ chức các bữa tiệc truyền thống, đậm hương vị Việt.

Tại thành phố Dallas, bang Texas, sự hội tụ của các bạn thanh niên - sinh viên đang học tập và sinh sống ở đây đã tạo nên buổi tiệc ấm cúng và vui vẻ.
Buổi tiệc chào năm mới tuy không hoành tráng về quy mô tổ chức, nhưng đậm chất sinh viên, thể hiện được tình yêu thương và đoàn kết của cộng đồng các bạn trẻ Việt Nam đang sinh sống và học tập tại Mỹ.

Các thành viên tham gia bữa tiệc đã cùng nhau chung tay giữ gìn nét đẹp truyền thống của người Việt Nam, mang về cho bản thân một chút kỷ niệm đặc biệt trong ngày Tết năm Quý Mão thật ấm cúng, nhiều tiếng cười, niềm vui, sự hào hứng để qua đó góp phần tạo thêm nhiều hoạt động ý nghĩa cho Hội trong thời gian tới.

Tại thành phố Columbia, tiểu bang Missouri, nơi có trường đại học lớn nhất của bang là Đại học Missouri, cũng tràn ngập trong không khí đón Tết do hội sinh viên và cộng đồng người Việt đang công tác tại đây tổ chức.

Sau hai năm bị hoãn vì đại dịch Covid-19, năm nay, ai cũng mong chờ được tụ tập trở lại để cùng chia sẻ những giây phút sum vầy, vui Tết truyền thống quê hương.

Để chuẩn bị cho bữa tiệc ngày Xuân thêm ấm cúng và ý nghĩa, từ trước đó, mọi người đã phân chia công việc, chia sẻ với nhau những kinh nghiệm nấu nướng, trang trí bình hoa...

Đặc biệt, những gia đình có con nhỏ lại càng rộn ràng hơn khi các cháu tập nói câu chúc Tết bằng tiếng Việt, sửa soạn bộ áo dài truyền thống từ Việt Nam gửi sang và hỏi cha mẹ về Tết cổ truyền của quê hương. Có bạn còn mời cả cha mẹ đến trường để thuyết trình, giới thiệu về Tết và văn hóa Việt cho bạn bè quốc tế.

(Nguồn: Quê Hương Online)

NGƯỜI VIỆT CHẬT VẬT TRONG GIÁ RÉT KỶ LỤC Ở NHẬT, HÀN

Nhiều gia đình Việt ở Hàn Quốc, Nhật Bản khổ sở khi đường ống nước đóng băng, chi phí sưởi ấm tăng vọt giữa đợt lạnh giá kỷ lục tấn công Đông Bắc Á.

Các nước Đông Bắc Á, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc, từ tuần trước hứng chịu đợt giá rét kỷ lục. Nhiệt độ xuống thấp nhất trong vòng một thập kỷ, kết hợp với bão tuyết, gây rối loạn giao thông và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân.

"Bão tuyết khiến nhiều chuyến bay bị hủy, xe cộ luôn phải bật đèn và di chuyển ở tốc độ rất chậm, khi tầm nhìn chỉ dưới một mét", Nguyễn Thị Bích Ngân, phiên dịch viên 28 tuổi sống tại thành phố Sapporo, tỉnh cực bắc Hokkaido của Nhật Bản, nói với VnExpress.

Giao thông trên khắp nước Nhật rơi vào hỗn loạn tuần trước, khi thời tiết lạnh giá khắc nghiệt tấn công, khiến 46 trên 47 tỉnh thành ghi nhận mức nhiệt âm độ vào ngày 25/1. Không chỉ ngành hàng không bị ảnh hưởng, nhiều chuyến tàu cao tốc Shinkansen và tàu điện địa phương cũng bị gián đoạn.

Đợt giá rét trở nên tồi tệ hơn vì gió lớn. Cơ quan khí tượng ở Rausu, Hokkaido, có lúc ghi nhận vận tốc gió hơn 130 km/h. "Rất lạnh, tuyết kèm gió lớn hình thành bão tuyết, nhiệt độ luôn dưới -10 độ C", chị Ngân nói.

Tại tỉnh Nara, phía nam Nhật Bản, Quỳnh, nhân viên văn phòng 32 tuổi, cho biết khu vực cô ở thường không hay có tuyết vào mùa đông, nhưng đợt lạnh bất thường năm nay khiến tuyết rơi tới hai tuần, khiến mọi hoạt động trở nên khó khăn hơn.

"Tôi thường đi làm sớm bằng xe đạp, nhưng mặt đường đóng băng rất trơn trượt, các phương tiện đều phải đi chậm", Quỳnh, người đã làm việc ở Nara 8 năm, chia sẻ.

Lạnh giá bất thường kết hợp với gió lớn dễ gây sốc nhiệt, buộc Quỳnh phải thường xuyên bật máy sưởi, khiến hóa đơn năng lượng tăng cao. Chi phí sưởi ấm vọt lên không chỉ do lạnh kéo dài, mà bởi quyết định tăng giá từ chính phủ Nhật.

Hải, sinh viên 24 tuổi ở Saitama, Nhật Bản, cũng phải trả gấp đôi, thậm chí gấp ba tiền khí đốt để sưởi ấm, dù anh chỉ ở một mình. "Tiền khí đốt vào mùa thu cao nhất khoảng 4.000 yen (31 USD). Nhưng đến mùa đông, dù tôi tiết kiệm đến mấy, hóa đơn không khi nào dưới 10.000 yen", Hải nói.

Anh giải thích rằng nhiều khu trọ ở vùng nông thôn Nhật được xây bằng tường thạch cao rất mỏng, cách nhiệt kém, nên nhiệt độ trong nhà lúc nào cũng rất lạnh, không thể không dùng máy sưởi. Để đối phó với đợt lạnh giá kỷ lục, Hải đã đóng kín toàn bộ cửa sổ, khiến trong nhà "không một chút ánh sáng", đồng thời tăng cường mua thực phẩm cay nóng.

Quỳnh cũng phải áp dụng các biện pháp chống rét tạm thời như dán xốp bạc cách nhiệt lên cửa kính, trải dưới thảm, đặt một máy sưởi công suất nhỏ trước cửa phòng tắm để tránh sốc nhiệt.

Để tiết kiệm, cô tranh thủ hong khô quần áo mới giặt khi bật máy sưởi lúc ngủ, điều chỉnh nhiệt độ tủ lạnh không quá thấp vì "độ tươi thức ăn không bị ảnh hưởng nhiều trong mùa này".

Nhiều người Việt sinh sống, làm việc và học tập tại Hàn Quốc cũng đối mặt với tình cảnh chật vật tương tự trong đợt lạnh kỷ lục.

Cao Bá Long, 24 tuổi, sinh viên sống 5 năm tại thành phố Gyeongju, miền trung Hàn Quốc, cho biết mùa đông năm nay đến sớm hơn mọi năm và thời tiết lạnh giá cũng kéo dài hơn.

"Nhiệt độ thấp nhất năm ngoái khoảng -7 đến -9 độ C, năm nay giảm sâu từ -10 đến -15 độ C, thậm chí -17 độ C. Tôi mặc thật ấm khi đi làm, về tới nhà là phải bật hệ thống sưởi", Long nói.

Thời tiết âm độ kéo dài khiến gia đình Vân Giang ở Seoul khổ sở vì tình trạng đường ống nước trong nhà vệ sinh bị đóng băng, gây bất tiện rất lớn.

"Chúng tôi phải dùng nước sôi, máy sấy tóc hướng thẳng vào đường ống đóng băng để khắc phục, có hôm cả gia đình phải xin nhờ tắm giặt nhà hàng xóm. Bồn cầu trong nhà vệ sinh ở công ty cũng đóng băng, phải đổ nước sôi đợi đá tan mới sử dụng được", chị Giang chia sẻ.

Gia đình chị phải mở các vòi nước chảy nhỏ giọt để tránh tình trạng đóng băng đường ống, đồng thời áp dụng mọi biện pháp chống rét có thể như dán các miếng cách nhiệt trong nhà. "Không thể tưởng tượng nổi cuộc sống của những người lao động ngoài trời trong những ngày này", chị nói.

Cao Bá Long cho biết chính phủ Hàn Quốc thường trợ giá khí đốt để người dân dùng sưởi thoải mái hơn trong mùa lạnh, nhưng năm nay lại tăng giá, khiến hóa đơn sưởi "tăng gần như gấp đôi". Ngoài năng lượng, giá cả mọi mặt hàng đều tăng, nên mọi người đều cố gắng tiết kiệm.

Tại Gyeonggi, tỉnh đông dân nhất Hàn Quốc, Hải Yến, 25 tuổi, cho hay tiền khí đốt để nấu ăn và sưởi ấm vào mùa đông hàng năm khoảng 250.000-300.000 won (204-244 USD) cho căn nhà ba người ở.

"Nhưng năm nay quá lạnh, cộng với đợt tăng giá khí đốt của chính phủ, nên chúng tôi dự tính hóa đơn tháng tới có thể lên tới 600.000 won (khoảng 500 USD)", chị Yến nói, lưu ý các thành viên trong nhà đã áp dụng nhiều biện pháp chống rét, tiết kiệm khác nhau để hạn chế dùng khí đốt.

"Mùa đông đúng là nỗi ám ảnh. Hai vợ chồng có thể chịu rét, nhưng không thể không bật hệ thống sưởi khi con cái ở nhà trong kỳ nghỉ đông", chị Giang ở Seoul nói, cho hay đang tính đến phương án mà nhiều gia đình Hàn Quốc đang áp dụng là mua lều cắm trại dựng trong nhà để tránh rét.

(Nguồn: Vnexpress)

CÁCH MẸ VIỆT Ở NHẬT ĐI CHỢ KHÉO LÉO ĐỂ CÓ BỮA CƠM CHỈ 15K/NGƯỜI

(Ảnh minh họa).

Với cách đi chợ và nấu ăn này đã giúp Thanh Nga tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc.

Tối nay ăn gì? Hay hôm nay nấu món gì là câu hỏi thường trực của nhiều chị em mỗi khi chuẩn bị về nhà sau giờ làm việc. Nếu không có nhiều thời gian chuẩn bị cho bữa tối, thậm chí phương án đặt đồ ăn bên ngoài giải quyết cho nhanh được rất nhiều người lựa chọn để tiết kiệm thời gian và công sức.

Nhưng đồ ăn đặt ngoài thì đắt đỏ vì giá nguyên vật liệu tăng cao, chưa kể còn có thể kém vệ sinh. Bạn có thể xem nhanh qua cách đi chợ mua nguyên liệu về nấu ăn tại nhà của Nguyễn Thanh Nga (sinh năm 1990) sống và làm việc tại Fukuoka, Nhật Bản hiện đang giúp bà mẹ trẻ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc.

Bữa cơm với chi phí chỉ từ 10.000 - 15.000 đồng/người

Nga cho biết, Nhật là đất nước tươi đẹp nhưng vật giá khá cao. Thêm nữa vì thời gian và tiền bạc của Nga đều phải "tiết kiệm" nên cô thường đem cơm tự nấu ở nhà đi làm. Các bữa ăn của Nga đều do cô tự mua nguyên vật liệu rồi nấu ăn mang đi. Tính chi phí ra chỉ mất tầm 10 - 15 nghìn đồng/bữa.

"Tôi chọn mua thực phẩm theo mùa của Nhật. Rau củ quả đắt nhưng sẽ an toàn. Đặc biệt, tôi đang sống ở Fukuoka, đây là cảng lớn. Ở đây thì rất nhiều cá tươi. Vào cuối ngày các siêu thị lớn hay có chương trình giảm giá một nửa. Cá vẫn rất tươi do được bảo quản tốt và giá lại rất rẻ, bắt đầu từ 7h tối trở đi. Còn các loại thịt giá chỉ nhỉnh hơn giá tại Việt Nam chút xíu", Nga chia sẻ.

Các nguyên liệu nấu ăn Nga sử dụng chủ yếu là đồ tươi sống, và rất ít sử dụng đồ hộp. Sắp xếp thời gian, Nga sẽ lên siêu thị lớn mua rất nhiều cá, thịt, gà... Chi phí mỗi lần mua sắm sẽ rơi vào khoảng 2 sen (350 nghìn đồng). Với số nguyên liệu này, Nga ăn được khá lâu, nên cô tính mỗi bữa chỉ rơi vào khoảng 10 - 15 nghìn đồng mà thôi.

Cách nấu ăn mà Nga áp dụng để tiết kiệm thời gian và tiền bạc của mình hơn là làm dạng cơm trộn. "Tôi hay mua thịt hoặc cá về chế biến sẵn, nêm gia vị đầy đủ, kể cả rau củ cũng cắt nhỏ bỏ vào hộp. Mỗi khi nấu lấy trong tủ lạnh ra, trích mỗi thứ một ít, trộn với cơm rồi xào cho nóng là xong hộp cơm mang đi làm rồi", Nga chia sẻ.

Với số nguyên liệu trên, hộp thịt bằm nhỏ Nga sẽ ướp gia vị, xào chín lên hơi mặn, chia ra được 4 bữa. Cá hộp, 1 hộp được 2 bữa, 3 hộp là 6 bữa. Nếu mỗi bữa Nga băm 2 lát thịt nguội thì sẽ làm được thêm 10 bữa. Trứng ăn 1 quả/ngày. Vậy là đủ thực phẩm cho 10 ngày ăn.

Bữa sáng Nga sẽ ăn bánh hoặc trái cây, hoặc cả hai và uống trà. Bịch bánh to kia Nga cắt ra được 4 phần, ăn 4 bữa. Bịch kế tiếp 5 cái bánh to xấp xỉ bằng ổ mì que.

Tiết kiệm từ 20 - 40 nghìn cho mỗi bữa

Với cách này Nga tiết kiệm được từ 20 - 40 nghìn đồng/bữa so với cách nấu mỗi thứ một món như trước đây. Ngoài việc tiết kiệm tiền bạc ra, cách chế biến cũng đơn giản, dọn dẹp cũng nhanh gọn, tầm 5 - 10 phút là xong, thấy rất tiện.

"Nhiều người cũng góp ý vì cho rằng ăn uống như thế là thiếu khoa học, thiếu dinh dưỡng. Nên tôi cũng muốn chia sẻ rằng, bản thân coi đây là một mẹo hữu ích để gửi tới mọi người có thể tham khảo thôi. Tôi ăn dựa trên khẩu phần và nhu cầu dinh dưỡng của bản thân, số lượng như vậy cảm thấy là đầy đủ, thậm chí điện thoại về gia đình hằng ngày ai nấy đều khen là béo lên.

Tôi vẫn đi học và đi làm đều đặn. Sống ở Nhật địa hình cũng phức tạp, chuyên đi bộ lên xuống dốc cao nhưng vẫn chưa bao giờ bị tụt đường huyết. Thế nên trong tương lai tôi vẫn sẽ tiếp tục áp dụng phương pháp này để tiết kiệm thời gian và cả tiền bạc nữa".

Như vậy chỉ với khoản chi phí từ 10 - 15.000 đồng là Nga đã có một bữa cơm cảm thấy hợp lý với bản thân và vừa vặn với kinh tế. Nếu chị em độc thân nào thấy hữu ích cũng có thể tham khảo và thử áp dụng trong cuộc sống xem sao nhé!

(Nguồn: Kenh14)

TỪ CHUYẾN QUÁ CẢNH 3 GIỜ, CÔ GÁI NGƯỜI VIỆT BỊ KẸT Ở SINGAPORE TỚI 3 NGÀY

Đó là câu chuyện xảy ra với cô Dinh Mai Tram - hành khách đi chuyến bay từ Việt Nam tới New Zealand quá cảnh tại Singapore vào tuần trước.

Theo kế hoạch ban đầu, cô Dinh Mai Tram ước tính chỉ mất khoảng 3 giờ quá cảnh tại Singapore để chờ lên chuyến bay nối tiếp của hãng Air New Zealand trong hành trình từ Việt Nam tới thành phố Auckland, New Zealand hôm 27/1.

Tuy nhiên, trận lũ lụt hoành hành tại thành phố lớn nhất New Zealand thời điểm đó đã khiến Sân bay Auckland buộc phải đóng cửa và chuyến bay của cô Tram bị gián đoạn. Kết cục, cô Tram và nhiều hành khách khác mắc kẹt tại Singapore suốt nhiều ngày.

Kể lại những ngày mắc kẹt trong tâm trạng bồn chồn, lo lắng, cô Tram - nữ kỹ sư địa chất sinh ra tại Việt Nam, hiện sinh sống và làm việc tại New Zealand, cho biết cô và các hành khách có mặt cùng chuyến bay được yêu cầu xuống máy bay, nghỉ qua đêm tại khách sạn ở Tanjong Pagar, Singapore với chi phí ăn, ngủ qua đêm do Air New Zealand thanh toán. Hãng bay cũng thông báo sẽ cung cấp thông tin về chuyến bay mới cho hành khách trong 48 giờ.

Tuy nhiên, cô Tram cho biết cô không nhận được thêm bất cứ thông báo nào từ hãng hàng không trong suốt 2 ngày kế tiếp.

Nữ kỹ sư 30 tuổi vô cùng lo lắng khi phải tạm dừng công việc và thêm nhiều khoản chi phí phát sinh khi Air New Zealand thông báo các hành khách trên chuyến bay bị ảnh hưởng sẽ phải tự chi trả phí phòng nghỉ sau đêm đầu tiên. Sau đó, tới ngày 30/1, Air New Zealand cho biết sẽ chia sẻ khoản phí 160 USD/phòng/đêm với khách cho tới khi có thông tin về chuyến bay thay thế.

Hôm 29/1, cô Tram tới Sân bay Changi, trao đổi với nhân viên Air New Zealand và được thông báo tất cả chuyến bay của hãng và của đối tác Singapore Airlines tới Auckland đều đã được đặt kín chỗ tới cuối tháng 2.

Nhớ lại cảm xúc khi nhận được thông báo, cô Tram kể: “Chúng tôi rất lo lắng vì rất có khả năng phải ở lại Singapore trong một tháng. Chúng tôi không đủ điều kiện tài chính".

Sau đó, nhân viên hàng không đề xuất cô Tram lên chuyến bay từ Singapore tới Papua New Guinea ngày 6/2 rồi lên chuyến bay nối tiếp qua Brisbane, Australia để về Auckland. Điều này đồng nghĩa với việc cô Tram sẽ phải bay trở lại Việt Nam để xin thị thực Australia.

Cô Tram quyết định làm theo đề xuất và tự chi trả cho chuyến bay về Việt Nam ngày 30/1. Tới sáng 31/1, cô Tram nhận được thông báo từ Air New Zealand có thể lên chuyến bay của hãng hàng không Singapore Airlines từ Singapore tới Auckland vào 22h25 cùng ngày. Vậy là cô Tram lại phải gấp rút bay từ Việt Nam sang Singapore để có thể bắt kịp chuyến bay.

Dù gặp rất nhiều rắc rối, nữ kỹ sư vẫn cảm thấy nhẹ nhõm khi mọi chuyện đã được giải quyết ổn thỏa.

Đây chỉ là một trong rất nhiều sự cố "dở khóc, dở cười" mà hành khách và hãng hàng không gặp phải khi sân bay tại thành phố lớn nhất New Zealand phải đóng cửa do ngập lụt.

Trận lụt, lở đất lịch sử tại Auckland hồi cuối tuần qua đã khiến 9.000 hành khách của hãng Air New Zealand bị gián đoạn chuyến bay. Chính quyền thành phố phải ban bố tình trạng khẩn cấp và xác nhận ít nhất 4 người thiệt mạng trong trận lũ lụt.

Giám đốc kinh doanh và dịch vụ khách hàng Air New Zealand - bà Leanne Geraghty cho biết hãng hàng không đang gấp rút sắp xếp chuyến bay mới cho những hành khách bị ảnh hưởng.

Liên quan tới tình hình hành khách của hãng mắc kẹt tại Singapore, bà Geraghty cho hay Air New Zealand đang hợp tác với đối tác Singapore Airlines để khắc phục sự cố.

(Nguồn: Báo Giao Thông)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Kiều bào Đức trồng cây; Doanh nghiệp tại Anh; Vườn di động ở Anh; Cú sốc của kỹ sư ở Mỹ ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang