Người Việt hải ngoại: Một năm cuộc chiến của Nga; Nấu cơm ở Kharkov; Không để con 'mù' tiếng Việt; Vụ bạo hành cháu bé ở HQ

Một năm cuộc chiến của Nga: Người Việt, dù ở lại hay tị nạn, đều mong chờ ngày Ukraine chiến thắng

Kể từ khi Nga đưa quân xâm lược Ukraine ngày 24/2/2022, hàng nghìn người Việt sinh sống ở đất nước này đã phải rời bỏ nơi mà họ coi là quê hương thứ 2 của mình để đi lánh nạn. Họ ra đi, dù không muốn, nhưng vì sự an toàn của gia đình và bản thân trước những cuộc nã pháo và tấn công bằng tên lửa của Nga hầu như hàng ngày vào cả các khu dân cư, nơi nhiều người Việt sinh sống.

Trước khi Nga tiến hành cái mà họ gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, có khoảng 7.000 người Việt sinh sống và làm ăn ở đây, nơi họ xem là quê hương vì sự tự do và thanh bình.

Sau một năm Nga xâm lược lãnh thổ Ukraine, chỉ còn khoảng 600 người Việt ở lại đây trong khi hàng nghìn người đã sang các nước khác lánh nạn. Có khoảng 5.000 người của cộng đồng Việt ở đây đã đến châu Âu, Mỹ và Canada sau khi Nga gây ra cuộc chiến, trong khi khoảng 1.000 người chọn về Việt Nam.

Dù ở lại hay ra đi, những người Việt mà VOA có dịp tiếp xúc, nói rằng họ mong đến ngày Ukraine giành chiến thắng để có lại cuộc sống yên bình như trước và gọi hành động xâm lược của Tổng thống Vladimir Putin là một “sai lầm” đáng bị lên án.

Đi tị nạn

Ông Vũ Đình Thiệp là một trong hàng nghìn người Việt phải rời bỏ Ukraine đi lánh nạn khi cuộc chiến do Putin phát động trở nên tàn khốc hơn.

Ông Thiệp cùng vợ và 4 người con di tản sang Đức vào tháng 7/2022 sau khi đã trụ lại ở Kharkov được 5 tháng. Ông nói gia đình ông không muốn rời bỏ Ukraine nhưng khi các cuộc pháo kích của Nga đánh vào tới sát nhà ông thì ông không còn lựa chọn nào khác vì an toàn cho gia đình.

“Nhà tôi bị tên lửa bắn vào bên cạnh, ngay hàng xóm, mà tôi có con nhỏ không thể ở lại được nên cuối cùng tôi phải quyết định đi di tản,” ông Thiệp, người đã sống ở Ukraine hơn 40 năm, nói và cho biết đứa con nhỏ nhất của ông mới 5 tuổi.

Trước khi Nga xâm lược Ukraine, ông Thiệp cùng gia đình sống trong một ngôi nhà mà ông nói là một biệt thự ở khu ngoại ô Kharkov yên bình với một nguồn thu nhập ổn định từ việc buôn bán của gia đình. Việc phải rời bỏ nơi đó là một quyết định khó khăn đối với gia đình ông.

Từ những người bạn đã đi trước đến Đức cung cấp thông tin, ông Thiệp cùng gia đình lái xe đến một trại tị nạn giành cho người Ukraine của Đức.

“Đến đấy thì họ tiếp nhận, làm giấy tờ cho ngay, cho chỗ ăn chỗ ở ngay lập tức và một thời gian sau thì họ phân nhà,” ông Thiệp nói và cho biết gia đình ông được phân một ngôi nhà rộng 100m vuông. “Tiền trợ cấp cho những người tị nạn Ukraine thì họ cho ngoài tiền nhà ở còn cấp cho mỗi người khoảng 400 euro/tháng.”

Theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn, Đức là quốc gia không giáp biên giới với Ukraine có số đơn xin tị nạn nhiều nhất, với gần 800.000 người chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022.

Sau hơn 7 tháng sống ở Đức, ông Thiệp và gia đình đã ổn định cuộc sống khi các con ông được đến trường trong khi ông tham gia lớp học tiếng Đức. Ông hài lòng với những gì mà chính phủ Đức cấp cho những người tị nạn chiến tranh Ukraine như ông, từ nơi ăn ở cho đến bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, ông vẫn mong ngày trở về Ukraine.

“Về vật chất thì tôi không có phàn nàn gì vì nước Đức chu cấp cho rất là OK nhưng vấn đề tinh thần thì mình chỉ xác định sang đây ở tạm thời thôi và mong cho chiến tranh kết thúc thắng lợi để về,” ông Thiệp nói. “Lúc nào tôi cũng ngong ngóng để về Ukraine thôi.”

Ông Thiệp đến Ukraine khi còn là một sinh viên từ Việt Nam được gửi sang Liên bang Xô Viết để học về kinh tế Mac-Lenin. Khi Liên Xô sụp đổ, ông Thiệp quyết định ở lại dạy học và sau đó chuyển sang buôn bán. Ông coi Ukraine là quê hương của mình và mong đến ngày cùng gia đình quay trở lại ngôi nhà mà hiện ông đang thuê người trông nom ở ngoại ô Kharkov.

Phải ở lại

Ông Phạm Văn Bằng là một trong số ít những người Việt Nam đã ở lại Ukraine trong một năm qua dù phải sống với những tiếng còi báo động tránh bom và pháo kích hàng ngày của Nga.

“Tôi có công ty ở đây, nhân viên ở đây, sự nghiệp ở đây,” ông Bằng, người đã gắn bó với đất nước Ukraine gần 30 năm qua, nói và cho biết rằng ông nằm trong số khoảng 50-60 người Việt còn ở lại thủ đô Kiev.

Những người cùng “bám trụ” như ông là những người không thể đi được với nhiều lý do như có con trong độ tuổi đi lính hay có nhà cửa và công việc không thể bỏ lại được.

Ông Bằng cho biết dù những người con của ông hiện đang định cư ở Mỹ và Úc nhưng ông và vợ vẫn ở lại Ukraine để duy trì nhà máy sản xuất bao bì thực phẩm với 200 nhân viên.

Sống trong một đất nước Ukraine yên bình kể từ khi ông tới lập nghiệp ở đây vào năm 1994, ông Bằng cho biết ông và vợ rất sốc khi thấy Nga xâm lược Ukraine. Hai vợ chồng ông đã phải ngủ trong garage ô tô nhiều ngày sau khi Nga bắt đầu đánh chiếm Ukraine cách đây 1 năm. Sau đó ông cùng vợ sơ tán sang Đức trước khi về Việt Nam hai tháng nhưng sau đó quay trở lại Ukraine vì “không bỏ được sự nghiệp và công việc ở đây.”

Chiến sự của Nga ở Ukraine đã gây thiệt hại cho cộng đồng người Việt trong một năm qua, theo ông Bằng, cũng là chủ tịch cộng đồng người Việt ở Kiev.

“Trong một năm khi chiến tranh xảy ra, không phận bị đóng cửa, hải cảng bị phong tỏa nên hàng hóa nhập về phải đi qua châu Âu thì giá thành rất cao, mất nhiều thời gian nên gặp khó khăn, đặc biệt là giai đoạn khi điện nước chập chờn vì (Nga) đánh vào cơ sở hạ tầng,” ông Bằng nói.

Ông Bằng cho biết những tháng ngày Nga không kích vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine là thời gian công việc của nhà máy bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Đây là lần thứ hai trong cuộc đời mình, ông Bằng chứng kiến chiến tranh xảy ra tại đất nước mà ông gọi là quê hương.

Ông Bằng đã từng thấy tên lửa và bom đạn trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam khi ông còn là một đứa trẻ và ông không nghĩ sẽ lại sống trong cảnh chiến tranh ở một đất nước mà ông thấy là rất thanh bình ở châu Âu.

Tuy nhiên, theo ông, giờ đây, dù vẫn nghe tiếng còi báo động hàng ngày vì chiến sự, ông và nhiều người Việt cũng như những người dân sống ở Kiev đã quen với điều đó.

“Thời gian đầu cả dân Ukraine và dân (Việt) xuống hầm trú ẩn hoặc ra đường khi đang ở trong cửa hàng nhưng bây giờ dân đã quen với cuộc sống có chiến tranh, có báo động,” ông Bằng nói và cho biết rằng họ không có lựa chọn nào khác là tiếp tục “sản xuất và lao động để tồn tại” dù chiến tranh đang tiếp diễn.

‘Ukraine sẽ chiến thắng’

Dù đều là những người từng học tập trong thời kỳ Liên Xô cũ, cả ông Thiệp và ông Bằng đều bày tỏ sự phẫn nộ với nhà lãnh đạo Nga, Putin, vì đã gây ra cuộc chiến tranh và làm đảo lộn cuộc sống ở nơi mà họ giờ đây coi là quê hương.

“Cái họa từ Nga mang sang làm chúng tôi rất bất hạnh: nhà cửa, công việc, hàng hóa, chợ cháy hết, cuộc sống đảo lộn, tiền nong mất hết,” ông Thiệp nói. “(Chúng tôi) ở trong tình trạng tương lai không biết thế nào nữa. Ở đây hay về? Đối với chúng tôi một năm đó về mặt tinh thần là quá khổ.”

Còn ông Bằng, dù từng học ở Moscow và có thời gian tuổi trẻ sống ở Nga, thì cho rằng tiến hành cuộc chiến tranh ở Ukraine là “sai lầm lớn nhất của ông Putin” và làm mất đi hình ảnh của nước Nga.

Mặc dù nói rằng không biết cuộc chiến tranh sẽ đi đến đâu, nhưng ông Bằng hy vọng Ukraine sẽ chiến thắng bởi sự chính nghĩa.

“Ukraine sẽ chiến thắng bởi vì Ukraine đang đứng lên để bảo vệ đất nước của mình còn quân xâm lược, tôi nghĩ rằng theo tất cả lịch sử xâm lược trên thế giới, thì trước sau gì cũng thua,” ông Bằng nói.

Còn ông Thiệp cũng có ước mong thấy Ukraine chiến thắng để gia đình ông được trở về ngôi nhà của mình.

“Ước mong duy nhất là quân đội (Ukraine) chiến thắng khi đấy có hòa bình vĩnh viễn để về (được) nhà mình, làm công việc của mình, con mình lại được đi học trường cũ với cô giáo cũ và cuộc sống lại tiếp diễn như ngày xưa. Chúng tôi mong điều đó nhất,” ông Thiệp nói.

(Nguồn: VOA)

Người nấu cơm Việt Nam ở Kharkov

Cuộc sống đã đặt ra những bước ngoặt kỳ lạ cho cộng đồng người Việt ở Ukraine, trong đó có vợ chồng bà Nguyễn Ngần (sinh năm 1957) ở Kharkov. Bà Ngần là một trong số ít gia đình người Việt không đi di tản sau khi chiến sự bùng nổ ở Ukraine.

Thấy người Ukraine nương tựa nhau sống, có khi đứt bữa, vợ chồng bà mang hết tiền tiết kiệm phòng thân để nấu cơm thiện nguyện, sẻ chia với họ.

"Mình không thể không làm gì"

Nói về việc không rời Kharkov, bà Ngần nói không phải bà không muốn đi mà là không đi được. "Tôi đang nuôi bốn con chó, một đàn gà vịt nên không đành lòng để chúng lại. Ở lại rồi thì việc nấu cơm cho cộng đồng đến tự nhiên vì thấy những hoàn cảnh quá thương tâm, mình không thể không làm gì", bà nói.

Giữa tháng 3-2022, một bà cụ người Ukraine khoảng 70 - 80 tuổi cùng hai cháu nhỏ đến gõ cửa nhà bà Ngần xin thức ăn.

"Tôi thấy tay cụ run lên vì đói. Cụ nói đã 3 - 4 ngày nay bà cháu cụ chỉ ăn vài củ khoai tây luộc và uống nước lã. Chúng tôi ôm nhau khóc. Tôi nói cụ chờ cháu vào nhà lấy đồ ăn. Tôi đưa cụ mì, khoai tây, thịt, trứng và dặn: hết cụ lại đến, cháu sẽ giúp", bà Ngần kể về cuộc gặp đã khiến bà sau đó trở thành những người nấu cơm từ thiện.

Tối đó bà kể cho chồng về hoàn cảnh của ba bà cháu họ rồi bảo ông: "Hay là chúng ta lấy tiền tiết kiệm nấu cơm cho bà con?". "Chồng tôi nói lấy tiền tiết kiệm nấu cơm nhưng hết tiền mà chiến tranh chưa hết thì vợ chồng sẽ sống bằng gì, có khi cũng chết theo. Anh nói cho anh suy nghĩ hai ngày", bà Ngần kể.

Hết hai ngày, bà nói với chồng: "Vợ chồng mình có con cái, dâu rể đều hiếu thảo, các con không để mình chết đâu, anh cứ yên tâm. Mình cứ quyết định nấu cơm cho ai cần đi". Ông Hùng chồng bà gật đầu. Ngay hôm sau, họ cùng đi chợ, gọt khoai tây, nhặt rau, hầm thịt cả ngày rồi mang đến các điểm cần phân phát.

Ngày đầu, vợ chồng bà nấu 100 phần. Nghĩ là đủ nhưng sau mới biết là rất thiếu. Từ cuối tháng 3-2022 trở đi, bà nấu 400 - 500, có khi 700 phần ăn/ngày. "Càng làm tôi lại càng thương, không quản mệt nhọc, cũng không nghĩ mình chừa lại đồng nào phòng thân nữa", bà nói.

Từ giữa tháng 7-2022, vợ chồng bà nhờ thêm hai người gần nhà sang phụ nấu cơm vì không muốn những người ở xa phải đi lại nguy hiểm giữa chiến tranh. Hằng ngày hai vợ chồng bà lái xe đi mua thịt, xương. Bữa thịt heo, bữa thịt gà, mỗi bữa mua 50 - 70kg.

Là người yêu chó mèo, bà còn mua thêm 10kg xương để vừa hầm canh vừa cho thêm những nhà có chó. Mùa hè có rau bắp cải, bà mua một xe đầy, đủ dùng cho vài ngày. Mùa đông thì khoai tây là món "rau" chính.

Bà Ngần kể ở nhà bây giờ có đến vài chục cái nồi to. Chiếc xe 12 chỗ thì tháo hết ghế ra để chở thực phẩm. Xăng dầu khó mua, có lúc bà phải trình bày việc đang nấu ăn cho mọi người, cung cấp video những buổi phát cơm trước để được mua mỗi lần 5 lít xăng. Ít xăng quá nên không dám chạy đi đâu ngoài đi chợ và đến các điểm phát cơm.

"Người hành khất" từ vùng chiến sự

Việc nấu cơm của bà Ngần kéo dài từ tháng 3 đến hết tháng 9, sau đó bà nghỉ một tháng để lấy sức và từ ngày 1-11 nấu cơm trở lại. Vào giữa mùa đông, trời lạnh căm, tuyết rơi dày, thấy bà con đi lại nhận cơm khó khăn, lấy về cơm canh nguội lạnh mà điện nước không có, bà tạm dừng nấu cơm.

Nhiều bạn bè đề nghị đóng góp nhưng bà không nhận. Trung bình mỗi ngày tiền chợ của bà hết 1.000 USD nên sau vài tháng khoản tiết kiệm của hai vợ chồng cũng cạn.

Trong những ngày đầu tháng 2-2023, trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, bà Ngần kể dưới đường hầm metro vẫn có người ẩn náu, co ro dưới cái lạnh vì không còn nhà để về.

Thấy còn nhiều người cần giúp đỡ, bà quyết định sẽ nhận tấm lòng của mọi người. Ngày 26-12-2022, bà viết: "Cái Tết (dương lịch) đã cận kề mà cảm xúc trong tôi buồn vui lẫn lộn. Nếu tôi được làm hạt cát có ích cho đời, được chia sẻ yêu thương thì vui lắm. Hôm nay tôi mạo muội xin làm người hành khất đến từ vùng chiến sự".

Bà Ngần cho biết khi nấu cơm bằng tiền của mình, bà không cần làm tổng kết nhưng khi có cộng đồng người Việt khắp nơi chung sức thì phải công khai minh bạch. Tết dương lịch vừa rồi, bà đã cố mang mùa xuân về cho gần 300 gia đình. Mỗi nhà được nhận một túi quà trong đó có 1kg thịt, 2kg bột mì, một chai dầu 1 lít, 2kg đường, 3kg khoai tây, một túi mì, một hộp ngô...

Bà kể: "Nét mặt họ như mùa xuân đã về. Nhiều người đã mấy tháng không được ăn thịt, không có điện, gas nên phải ăn bánh mì trường kỳ. Nhận quà người ta mừng lắm".

(Nguồn: Tuổi Trẻ)

Tôi không chấp nhận con 'mù' tiếng Việt dù sống ở nước ngoài

Thời gian ở trường và ngoài xã hội là thừa để trẻ hòa nhập với môi trường bản xứ, nhưng chúng không thể sống mà không hiểu về gốc gác.

Nói về câu chuyện dạy con "Tây" nói tiếng Việt, có vẻ như ý kiến của tôi sẽ thuộc về thiểu số. Tôi ủng hộ các bậc cha mẹ người Việt ở nước ngoài quan tâm dạy con tiếng Việt từ sớm. Tôi đã dành hơn nửa đời người (toàn bộ đời thành niên) của mình ở nước ngoài. Nơi tôi ở, số người gốc Việt có lẽ không quá 30 người, số người Việt nói tiếng Việt mà tôi tiếp xúc chưa bao giờ quá con số ba.

Tôi chưa bao giờ cho phép mình ngừng nói và viết tiếng Việt. Bản thân sinh ra, lớn lên, đi học các cấp đầu ở Việt Nam, nên tôi rất thích đọc, viết và từng có thời gian học chuyên Văn. Vậy mà sau nhiều năm ở nơi không có người Việt, tôi còn bị mất đi sự kết nối vốn có với tiếng mẹ đẻ. Hơn mười năm sau đó, tôi thậm chí không viết nổi một bài thơ hay bài văn sáng tác (creative writing) nào dù trong thời gian này tôi đã có cơ hội giao tiếp bằng tiếng Việt nhiều hơn nơi ở trước. Rõ ràng, ngôn ngữ không phải lý do duy nhất, nhưng nó đã là một yếu tố không nhỏ.

Vì trải nghiệm đó và vì tính cách, nhân sinh quan, và công việc cá nhân, mà tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện để con cái (nếu có) sau này chỉ biết tiếng Anh mà không nói, viết được tiếng Việt, hay không biết đến thơ văn, âm nhạc Việt. Tôi không cảm thấy lo lắng việc một đứa trẻ không nói rành ngôn ngữ bản xứ của nơi mà chúng sinh ra hoặc lớn lên. Thời gian giao tiếp ở trường và ngoài xã hội là thừa để trẻ hòa nhập được với môi trường bản xứ.

Tôi chỉ sợ vấn đề trẻ Việt ở nước ngoài bị mất gốc như nhiều người đã nêu thời gian qua. Một người không thể sống mà không hiểu quá khứ của nơi mình đến. Ngay cả khi cái gốc còn, cũng cần phải tích cực chăm bón thì mới sinh trưởng tốt được.

Là người hướng dẫn, rèn luyện cho sinh viên bản xứ cách đọc hiểu, phân tích lý luận, và viết ở cấp Đại học, tôi cũng thấy được khả năng nói, viết tốt hay không của một người phụ thuộc vào việc trau dồi, cộng thêm năng khiếu ngôn ngữ của người đó, chứ không phải cứ người sinh ra ở Việt Nam thì sẽ giỏi dùng tiếng Việt hơn người biết tiếng Việt nhưng sinh ra ở nước khác. Cá nhân tôi đánh giá rất cao kỹ năng ngôn ngữ và khả năng sử dụng ngôn ngữ thuần thục của một người.

Mỗi ngành sẽ xem trọng những kỹ năng khác nhau. Trong ngành học của tôi (một ngành Khoa học Xã hội), ở nơi tôi học, một trong những điều kiện tốt nghiệp Thạc sĩ là phải vượt được bài kiểm tra một ngoại ngữ thứ hai (ngoài tiếng Anh). Bài kiểm tra không đòi hỏi nói, nghe tốt, mà đòi hỏi khả năng đọc hiểu, nghiên cứu tư liệu bằng ngoại ngữ thứ hai đó. Nếu người đó học lên Tiến sĩ, thì muốn tốt nghiệp phải vượt thêm được bài kiểm tra một ngoại ngữ thứ ba (ngoài tiếng Anh và ngoại ngữ đã đậu ở bậc dưới).

Dù là ngành gì đi nữa, nếu có thêm điều kiện tiếp xúc với một ngoại ngữ khác, thì tôi nghĩ luôn là điều rất tốt, bởi nó mở ra rất nhiều cánh cửa. Những cánh cửa này không chỉ là cơ hội việc làm, mà quan trọng hơn là cơ hội giao tiếp và thấu hiểu một tâm hồn, và có khi là cả một nền văn hóa khác.

Nếu có con, tất nhiên tôi sẽ không áp đặt sở thích của mình lên chúng, mà sẽ dạy con những gì cần thiết, bao gồm tiếng Việt. Đi theo hướng nào, tự chúng sau này sẽ là người lựa chọn. Không ai có quyền "cho phép" hay "không cho phép" tôi dạy con mình tiếng mẹ đẻ của chúng.

(Nguồn: Vnexpress)

Hàn Quốc: Xét xử vụ bạo hành gây tử vong cháu bé 9 tháng tuổi người Việt

Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, Tòa án khu vực Suwon (Hàn Quốc) ngày 23/2 đã mở phiên sơ thẩm xét xử vụ hiệu trưởng một cơ sở mầm non bị cáo buộc bạo hành khiến một bé trái người Việt 9 tháng tuổi tử vong hồi tháng 11 năm ngoái.

Bị cáo người Hàn Quốc, 66 tuổi là hiệu trưởng một cơ sở mầm non thuộc thành phố Hwaseong tỉnh Gyeonggi, đã bị bắt ngày 11/11/2022 và bị truy tố vì tội bạo hành trẻ em dẫn đến chết người. Cơ quan điều tra xác định, trong thời gian từ ngày 3-10/11/2022, bị cáo đã nhiều lần bạo hành bé trai.

Cha mẹ cháu bé, nhiều người quen của các nạn nhân và các tổ chức phòng chống lạm dụng trẻ em đã đến dự phiên tòa.

Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình cháu bé. Đồng thời, Bộ phận công tác cộng đồng và công tác bảo hộ công dân đã liên hệ, chỉ đạo Chi hội người Việt tại thành phố Hwaseong cùng một số thành viên chủ chốt trong cộng đồng tích cực tham gia hỗ trợ công việc hậu sự cho cháu bé.

Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc về diễn biến tại phiên tòa sơ thẩm ngày 23/2, Đại diện Đại sứ quán Việt Nam cho biết: “Đại sứ quán Việt Nam rất quan tâm đến vụ việc và bày tỏ chia buồn, sự cảm thông sâu sắc trước mất mát không gì có thể bù đắp này. Thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam đã chủ động làm việc thường xuyên với các cơ quan chức năng của Hàn Quốc, đề nghị nhanh chóng điều tra, xử lý nghiêm minh vụ việc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam. Trong thời gian tới Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc sẽ tiếp tục theo dõi sát vụ việc này, làm việc chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại, đồng hành cùng gia đình trong các công tác lãnh sự và pháp lý tiếp theo”.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang