Người Việt hải ngoại: Di tản sang Đức; Lời kể từ Kyiv; Vụ thủ lĩnh buôn người ở Anh; Thích ứng với làn sóng sa thải

Nhân sự công nghệ Việt trẻ tại Mỹ thích ứng với làn sóng sa thải

(Ảnh minh họa).

Chỉ riêng trong tháng 1/2023, các "ông lớn" công nghệ như Alphabet (công ty mẹ của Google), Microsoft, Amazon và IBM đã sa thải tổng cộng gần 44.000 nhân sự.

Các số liệu thống kê cho thấy, tháng 1 vừa qua là thời điểm có số lượng nhân sự công nghệ bị sa thải nhiều nhất kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh này, nhiều người Việt trẻ tại Mỹ đang nỗ lực thích ứng để vượt qua làn sóng sa thải.

Làn sóng sa thải tại các công ty công nghệ lớn nhỏ tại Mỹ đang khiến cho câu chuyện tìm việc trở nên khó khăn với những sinh viên ngành công nghệ người Việt mới ra trường như Nguyễn Mạnh Hùng, Cử nhân khoa học máy tính, Viện công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ. Giải pháp duy nhất là phải riết ráo tìm kiếm cơ hội cho chính mình.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: "Tôi bị cho thôi việc tới 2 lần trong vòng 3 tháng. Hiện tại, tôi đang đi phỏng vấn cho NBC là một đài truyền hình của Mỹ, cho Ford và một công ty bảo hiểm. Giờ cố gắng kiếm việc ở tất cả mọi nơi".

Còn với nhiều kỹ sư người Việt đã có trình độ và kinh nghiệm, làn sóng sa thải lại là động lực để họ quay trở về quê hương. Sau khi bị Twitter cắt giảm cùng 50% nhân sự, anh Đào Thái Duy quyết định về Việt Nam khởi nghiệp, mang theo những kinh nghiệm trong hơn 10 năm làm việc cho nhiều công ty công nghệ khác nhau tại Singapore và Mỹ.

Anh Đào Thái Duy, cựu chuyên viên quản lý sản phẩm của Twitter, nói: "Thường sau một đợt suy thoái sẽ tạo ra nhiều startup, và thành công cũng đi lên từ đấy. Hy vọng là dựa vào những kinh nghiệm đã làm việc ở nhiều công ty nước ngoài lâu năm, tôi sẽ giúp xây dựng được những dự án startup thành công".

Để vượt qua làn sóng sa thải, người Việt còn đoàn kết tương trợ lẫn nhau. Nhiều kỹ sư công nghệ Việt Nam tại Mỹ đã cùng nhau thành lập các cộng đồng công nghệ như Vietnam Tech Society và Viet Tech, giúp đỡ hàng trăm nhân sự tìm kiếm được việc làm, hay định hướng những hướng đi mới cho sự nghiệp.

Anh Lê Thế Hiển, nhà sáng lập Vietnam Tech Society, cựu kỹ sư công nghệ của Amazon, cho biết: "Vietnam Tech Society kết nối cộng đồng người Việt Nam làm trong ngành công nghệ và đang xây dựng và phát triển ứng dụng tên là Techsphere, kết nối anh chị đi trước với các bạn sinh viên đang đi học hoặc đã ra trường. Đã có hơn 500 bạn học sinh sinh viên nói chuyện được với các anh chị đi trước miễn phí và hơn 30 bạn khác đã nhận được lời mời tuyển dụng từ các công ty".

Theo anh Lê Văn Hồng Chân, nhà sáng lập Viet Tech, cựu kỹ sư công nghệ Facebook: "Các bạn trong group Viet Tech có mở ra một bảng ghi lại những công ty nào đang tuyển người. Hiện tại, vấn đề lớn nhất hiện nay là biết công ty nào còn tuyển, và liệu có sa thải hay không để tránh. Người Việt chịu khó, bền bỉ, chịu đựng khó khăn, rất khó có gì để có thể mà quật ngã được".

Những cộng đồng như Viet Tech, Vietnam Tech Society dự kiến sẽ mở thêm những buổi đào tạo, rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ và kết nối các bạn trẻ Việt Nam với các chuyên gia, cố vấn trong ngành công nghệ. Đây là lúc kỹ sư Việt thể hiện sự chủ động, kiên trì và khả năng thích ứng nhanh trước các biến động của thế giới.

(Nguồn: VTV)

Lời kể người Việt ở Kyiv: Một năm Nga xâm lược Ukraine

Khoảng 4-5 giờ sáng gì đó mình vừa đặt lưng ngủ sau một đêm lái xe từ thành phố khác về bỗng "ùm" như động đất, cửa kính rung bần bật.

Chồm chăn chui ra ngoài xem nhà cửa, mấy con chó ( chúng vốn rất sợ tiếng pháo hoa ) thế nào. Nhìn chúng nép chặt vô góc chuồng, mắt van lơn thật tội.

Ngoài đường phố xe chạy hối hả đông nghịt. Người người như một phản ứng tự nhiên tích trữ xăng, thuốc men, thực phẩm...

Trên TV, Tổng thống xuất hiện, ông còn chưa kịp cạo râu...Số phận của hơn 40 triệu dân đặt nặng lên vai ông ấy.

365 ngày sau

Thủ đô Kyiv và các thành phố lớn khác, nơi phần lớn người dân nói tiếng Nga đã chống trả quyết liệt và đứng vững trước kẻ thù mạnh gấp bội.

Người Ukraine làm gì nên tội ? Họ cũng như người Gruzia, người Balan, Phần lan hay Baltic... họ muốn được tự do lựa chọn đường lối cho đất nước, "quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc" như ông Hồ Chí Minh từng trích dẫn Tuyên ngôn Hoa Kỳ 1776.

Ukraine trước đây xa lạ với người Việt. Chỉ những người người nào từng học tập, lao động mới biết đến. Họ vẫn quen gọi là "đi Nga về", như anh ca sỹ nổi tiếng tên Khang gì đó thậm chí công khai chối bỏ.

Đất nước này chả hiềm tỵ gì với Việt Nam, thậm chí đóng góp rất nhiều về người và của. Đại sứ quán Việt Nam tại Kyiv hàng năm vẫn tổ chức tiệc tri ân các cựu chiến binh từng là cố vấn quân sự trong chiến tranh Việt Nam.

Cái "tội" lớn nhất của người Ukraine là đi theo đường hướng dân chủ, nhất quyết từ bỏ chế độ độc tài.

Nôm na là tự chuyển hoá, diễn biến và đó là lý do bị người ta ghét. Và công cuộc bôi nhọ, dối trá bắt đầu: bài người nói tiếng Nga, phản bội, tiểu bá...y hệt như Đặng Tiểu Bình đối với Việt Nam hồi 1978-1979.

Ngay từ ngày đầu chiến tranh, nhiều người nhắn tin thăm hỏi chân tình, vô cùng cảm động.

Cũng có nhiều người chê trách : lãnh đạo Ukraine tồi nên mới xảy ra chiến tranh. Mình nhẹ nhàng: ừ, theo bạn thì ông Hồ, ông Chinh, ông Duẩn, ông Đồng... đều tồi vì không chịu đầu hàng cho dân đỡ khổ, tránh được chiến tranh 9 năm với Pháp, 20 năm với Mỹ, với Tàu không tính.

Cả lãnh đạo châu Âu 1938-39 tồi quá, không chịu nhịn Hitler đi, nhường cho hắn vùng đất Suderterland giàu có của Tiệp khắc, có sao đâu ?...

Có bạn khác cáu, thế cậu không yêu nước (Việt Nam) à ? Theo bạn ý, ủng hộ nước Nga đồng nghĩa là yêu nước.

Khổ vậy đó, bạn ấy trong sáng tin rằng: chỉ cần người Ukraine vâng lời, ăn một loại xúc xích, đi mãi một loại xe dẫu ngốn xăng và vĩnh viễn bằng lòng với một lãnh tụ duy nhất chừng nào ông ấy chưa chết ...là tức khắc có hoà bình, ấm no.

Tuyên truyền nó có sức mạnh ghê gớm. Ngày xưa, Ban tuyên giáo của Joseph Goebbels từng khiến cả một dân tộc văn minh bậc nhất như người Đức tung hô một chế độ tội ác lớn nhất thế kỷ 20.

Mình mất một số người bạn lâu năm, bởi thế hệ mình (miền Bắc) thuộc về Liên Xô nhiều quá. Người ta không chấp nhận gọi pu.tin (mình không viết hoa đúng ngữ pháp đâu) là kẻ xâm lược, gây tội ác.

Đối với họ, Liên Xô chưa hề tan rã và Liên Xô (mặc định là người Nga) là những người châu Âu duy nhất từng giúp Việt Nam, còn lại đến Việt Nam với tư cách thực dân, đế quốc.

Mình không giận họ. Chắc chắn thời gian sẽ giúp họ hiểu rõ. Cũng như hồi 80x-90x người ta nguyền rủa Đông Âu rời bỏ "phe ta" mà đi theo đế quốc vậy.

Thật may là có thêm rất nhiều bạn mới từ khắp nơi trong và ngoài nước đã lên tiếng phản chiến, kể những người bạn từ chính nước Nga.

Ukraine cũng không cô độc. Có hàng trăm nước lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ, đóng góp công của, kể cả những nước bao nhiêu năm trung lập như Thụy Sỹ, Thụy Điển, Phần lan, Đan Mạch rồi Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí Campuchia xa xôi cũng ủng hộ tại Liên hiệp Quốc, gửi binh lính giúp rà phá bom mìn.

Rất ngưỡng mộ câu trả lời của một quan chức chính phủ Campuchia trên trang Khmer Times rằng: Nga và Ukraine đều là đối tác của Campuchia và với Nga còn nhiều lợi ích hơn nhiều nhưng giữa lợi ích và luật pháp quốc tế chúng tôi đứng về phía Ukraine.

Cộng đồng gốc Việt hầu hết đã sơ tán sang EU, Anh, Ireland, Canada...hay Việt Nam nhưng vẫn có nhiều người ở lại. Cũng như người Ukraine được dân chúng và cả đồng hương Việt Nam những nơi này hết lòng giúp đỡ nơi ăn chốn ở và được đối xử như người thân, được ưu đãi thậm chí còn hơn cả người bản địa. Trẻ em được đi học ngay lập tức thậm chí không đòi hỏi giấy tờ gì.

Bằng mọi cách trong khả năng, bọn mình vẫn đóng góp cho quân đội, cho người dân như một cách tri ân xứ sở.

(Nguồn: BBC)

Thủ lĩnh băng buôn người Việt Nam ở Anh được giảm án tù

(Ảnh minh họa).

Tòa phúc thẩm Bỉ hôm thứ Năm (23/2) đã giảm án tù cho thủ lĩnh băng đảng buôn người Việt Nam, Võ Văn Hồng, trong vụ ngộ sát khiến 39 đồng hương chết ngạt trong một xe tải vận chuyển lậu người vào Anh năm 2019.

Tòa phúc thẩm Ghent kết án Võ Văn Hồng 10 năm tù, giảm xuống 5 năm so với mức án ban đầu, và giữ nguyên số tiền phạt 920.000 euro (975.000 USD) và nói rằng ông đã bỏ mặc các nạn nhân của mình.

"Anh ta lợi dụng những người đang tuyệt vọng và muốn kiếm càng nhiều lợi nhuận càng tốt. Nạn nhân của anh ta chính là thu nhập của anh ta và sự an toàn của những người tị nạn không hề là ưu tiên hàng đầu", tòa án nói trong bản tóm tắt vụ án.

Thi thể của 39 người Việt Nam đã được phát hiện bên trong một container được đưa lên một con tàu ở cảng Zeebrugge của Bỉ.

Việc phát hiện ra rất nhiều người chết, trong đó có hai người mới 15 tuổi, trong container sau xe tải tại một khu công nghiệp ở phía đông London đã gây sốc cho cả Anh, Bỉ và Việt Nam.

Hầu hết những người thiệt mạng đến từ tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh của Việt Nam, nơi được xem là có ít việc làm, gánh chịu thảm họa môi trường và người dân thường bị dụ dỗ vì những hứa hẹn kiếm tiền dễ dàng ở nước ngoài.

Tin cho hay các đồng phạm khác cũng được giảm án khi kháng cáo.

(Nguồn: VOA)

Người Việt ở Ukraine di tản sang Đức: Một năm cuộc sống đảo lộn hoàn toàn, mong ngày hòa bình để trở lại Kiev

"Hôm nay 24/2/2023 tròn 1 năm cuộc chiến đau thương tại Ukraine, đã làm đảo lộn hoàn toàn biết bao nhiêu số phận. Một đất nước xinh đẹp thanh bình đã bị tàn phá dã man, thương vong nặng nề, hàng triệu người phải ly tán", nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý, kiều bào Ukraine đang di tản ở Đức viết riêng cho Dân Việt.

1 năm, chúng tôi vẫn chưa thể nào tin nổi nhưng vẫn cứ phải chấp nhận một sự thật là mình đã đau đớn dứt áo chia ly, phải ăn gửi nằm nhờ chưa biết đến khi nào. 1 năm dù có được sự hỗ trợ hết lòng của chính phủ Đức nhưng chúng tôi chỉ mong ngày hòa bình để trở về Ukraine...

1 năm chiến sự, người Việt ở Ukraine dù đã lánh nạn về quê hương hay tại các nước trên thế giới đều đau đáu hướng về Ukraine nơi đã gắn bó với bao thế hệ người Việt. Ukraine đã là quê hương thứ hai cưu mang chúng tôi suốt thời gian qua.

Riêng người Việt ở Ukraine lánh nạn sang Đức đã dần dần hội nhập với cuộc sống của nước sở tại. Nhiều người theo lớp học tiếng Đức, có người làm việc tại các khách sạn, tại các nhà máy xúc xích, công ty sushi, các quán ăn... Những người có con nhỏ cũng ổn định cuộc sống, trẻ em được tới nhà trẻ, trường phổ thông và đại học...

Vợ chồng tôi cũng quen dần với cuộc sống mới. Chồng tôi đi làm tại công ty sushi từ tháng Sáu. Mới đầu chưa quen đứng cả ngày nên máu dồn xuống chân khá đau. Thêm nữa "thời gian thử thách" phải đi làm xa, giao thông không thuận tiện nên khá vất vả. Sau 4 tháng thì chồng tôi đã được chuyển về địa điểm gần nhà hơn, do quen việc nên thời gian làm việc ngắn hơn, thoải mái tinh thần hơn.

Bản thân tôi đi học tiếng Đức được 2 tháng sau đó lớp tạm dừng chờ năm học mới nên tôi đi giúp vợ chồng đứa cháu của bạn tôi trông nom nhà cửa con cái. Sau 6 tháng thì cháu đưa mẹ sang đoàn tụ nên tôi mới có chút thời gian rảnh rỗi.

Nói về trải nghiệm công việc của tôi khá thú vị khi ở tuổi ngoài 50 tôi lại trở thành "mẹ", nhiều đêm thức giúp cháu trông con ốm. Lúc bắt đầu công việc là 2 thằng cu 2 tuổi và 11 tháng nên rất vất vả. Thằng lớn đang phát triển trí tò mò, thằng bé chập chững biết đi phải dắt nó tập đi đến chóng mặt, 2 thằng như "quỷ sứ" nhưng rất vui. Tôi cũng may mắn được các cháu coi như người nhà nên tinh thần thoải mái. Sau "thời gian tập sự" tôi có thể khẳng định rằng mình làm giáo viên mầm non không tệ.

Đồ ăn thức uống chủ yếu là đi siêu thị, thi thoảng mua một đợt "hàng Châu Á" cho cả tháng nên không khác Việt Nam bao nhiêu. Cũng nhờ vậy mà công cuộc bếp núc của tôi được cải thiện đáng kể.

Nhiều lúc tôi nghĩ, trong cái rủi mình vẫn còn may mắn là an toàn khỏe mạnh, suy nghĩ tích cực và cố gắng sống tốt nhất trong khả năng có thể sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Dù sao ta cũng chỉ là một sinh linh rất nhỏ bé trong cuộc sống vốn rất vô thường này...

Tôi mới về nghỉ ngơi được 10 ngày. Hôm nay, tôi hẹn đi cà phê với Tanhia và Tamara là 2 cô bạn người Ukraine cùng nhập trại với chúng tôi. Gần 1 năm, kể từ tháng 5/2022 cho tới giờ 3 chị em mới có dịp gặp lại nhau. Tôi lớn tuổi nhất và là người Việt Nam nhưng giữa chúng tôi hầu như không có khoảng cách. Hội ngộ bất ngờ sau 1 thời gian vật lộn để hòa nhập với cuộc sống mới, chúng tôi ngồi nói chuyện suốt 3 tiếng liền. Tôi lắng nghe 2 người phụ nữ Ukraine kể về những trải nghiệm của họ.

Tanhia 45 tuổi đến từ Poltava cùng 2 con trai học lớp 4 và lớp 3. Bố của Tanhia vừa sang thăm con gái và các cháu hôm 9/2 nhưng đã đòi quay trở lại Ukraine nơi vùng Zaporozhye rất nóng trong những ngày đầu của cuộc chiến. Ông muốn về để lo thả đàn ong bay đi kiếm mật sau kỳ nghỉ đông. 2 đứa trẻ đều đến trường nhưng không tha thiết việc học mà chỉ đòi về Ukraine.

Còn Tamara 36 tuổi đến từ Kramatorsk cùng con trai đang học lớp 3, con gái tuổi mẫu giáo nhưng thời điểm này các nhà trẻ của Đức không tiếp nhận trẻ em mới nên con gái cô ấy được bên xã hội trả tiền cho bảo mẫu trông nom. Mẹ của Tamara vừa mất do ung thư mà không gặp mặt được lần cuối nên cô ấy rất buồn. Tình hình ở quê nhà cũng căng thẳng vì lực lượng quân sự tập trung ở cách nhà cô ấy có 24km. "Sẽ rất nóng trong thời gian này" - Tamara nói vậy.

Cả Tanhia và Tamara đều học lớp tiếng Đức mỗi tuần 4 buổi. Chi phí sinh hoạt, nhà cửa, học hành đều do chính phủ Đức hỗ trợ. Chúng tôi nói với nhau rằng cho đến tận giờ phút này vẫn không thể tin là chiến tranh đã xảy ra được 1 năm. Tôi cứ nghĩ mình đi lánh nạn khoảng 1 tháng thôi, Tamara thì tính chừng 3 tháng còn Tanhia thì không muốn tin vào sự thật...

Vâng, không ai muốn tin vào sự thật đó.

Gần như khắp nơi trên đất nước thấm máu người Ukraine, máu của người nước ngoài sát cánh cùng Ukraine.

Được biết, đánh dấu 1 năm cuộc chiến, khắp các thành phố lớn trên nước Đức sẽ mit tinh phản đối cuộc chiến này. Ở Dortmund sẽ tổ chức vào hồi 18:30 ngày 24/2. Người tham dự sẽ mang theo nến, mặc trang phục tối màu để tưởng niệm những người đã ngã xuống cho mảnh đất Ukraine, ủng hộ hòa bình.

Hơn ai hết chúng tôi mong mỏi hòa bình, khao khát ngày trở về với mảnh đất yêu thương ấy. Ukraine vinh quang và bất diệt!!!

Còn nhớ chiều 23/2 năm ngoái tôi dạy tiếng Việt xong, về đến nhà là hơn 8h tối không ngờ đó là buổi học cuối cùng của lớp tiếng Việt trường Hồ Chí Minh thành phố Kyiv. Sáng 24/2 bàng hoàng trước tin chiến sự. Cứ nghĩ sẽ nhanh chóng trôi qua, mọi thứ sẽ trở lại bình thường nhưng không thể ngờ tất cả đã trở thành dĩ vãng. Biết bao nhiêu tâm huyết dở dang. Dự định hết năm học cũng sẽ hoàn thiện giáo trình song ngữ Việt - Ukraine đã viết được kha khá rồi tan thành mây khói. Ước gì không có chiến tranh để lớp tiếng Việt vẫn hoạt động và đạt được những kết quả mong muốn. Nhớ biết bao những gương mặt thơ ngây của học trò. Nhớ những tình cảm thân thương của đồng nghiệp. Những trang vở mới viết chưa được bao nhiêu. Những trang sách chưa mở hết. Những bộ sách còn chưa kịp dùng đến...

Hoài niệm những tháng ngày tươi đẹp đã trôi đi...

(Nguồn: Dân Việt)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang