Người Việt hải ngoại: Giải thể thao ở Hà Lan; Giấc mơ định cư EU; Sống trong biểu tình ở Paris; Buôn ma túy ở Pháp

GIẢI THỂ THAO HÀ LAN MỞ RỘNG CHÀO MỪNG 50 NĂM QUAN HỆ VIỆT NAM-HÀ LAN

(Ảnh minh họa).

Giải thể thao Hà Lan mở rộng 2023, hoạt động chào mừng 50 năm quan hệ Việt Nam-Hà Lan, thu hút sự tham gia của nhiều đội bóng rổ, bóng đá từ các nước châu Âu khác như Hungary, Bỉ và Pháp.

Hướng đến kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hà Lan (9/4/1973-9/4/2023), lần đầu tiên Hội sinh viên Việt Nam tại Hà Lan phối hợp với Hội Người Việt Nam tại Hà Lan, Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hà Lan tổ chức Giải thể thao Hà Lan mở rộng 2023 tại Amsterdam.

Sự kiện thu hút sự tham gia của nhiều đội bóng rổ, bóng đá từ các nước châu Âu khác như Hungary, Bỉ và Pháp. Sức trẻ đã lan tỏa và lôi cuốn phong trào hội đoàn, nhen lên ngọn lửa đoàn kết trong cộng đồng người Việt Nam.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh đã hoan nghênh tinh thần thể thao của các vận động viện, khen ngợi Hội sinh viên, cảm ơn các hội đoàn, đặc biệt là Hội Người Việt Nam tại Vương quốc Hà Lan và Hội phụ nữ Việt Nam tại Hà Lan đã tham gia, hỗ trợ phong trào của sinh viên, ươm mầm và truyền thêm sức mạnh cho cộng đồng người Việt tại Hà Lan.

Đại sứ chúc bà con và sinh viên, cựu sinh viên ngày càng đoàn kết, có nhiều hoạt động hữu ích để kết nối nhiều người, làm cho cộng đồng người Việt Nam ngày càng gắn bó chặt chẽ, lớn mạnh, khẳng định vị thế của mình tại nước ngoài và cùng hướng về quê hương, Tổ quốc.

Giải thể thao Hà Lan mở rộng năm nay nhận được sự tài trợ của Liên hiệp Hội Người Việt Nam tại châu Âu, Hội Người Việt Nam tại Vương quốc Hà Lan, Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hà Lan và Hội Người Việt Nam tại Pháp, cùng nhà hảo tâm Phạm Văn Hiển, Giám đốc Công ty LTP tại Hà Lan.

Hội sinh viên Việt Nam tại Hà Lan được thành lập năm 2008 là thành viên Hội Sinh viên Việt Nam và được sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan.

Hội đã có nhiều sáng kiến tập hợp và động viên sinh viên hoạt động trong những phong trào bổ ích, trong đó có "Ngày hội thể thao - Sport Day" từ năm 2016.

Phong trào không những thu hút sinh viên, mà cả các cựu sinh viên, tham gia vào những hoạt động sôi nổi, lành mạnh./.

(Nguồn: Quê Hương Online)

Giấc mơ định cư châu Âu với gánh nợ của bố mẹ nơi quê nhà

Ở cái tuổi 20 đầy ước mơ, hoài bão, nhiều lựa chọn, 3 cô gái đã quyết thực hiện "giấc mơ xuất ngoại" để kiếm nhiều tiền phụ giúp gia đình trang trải nợ nần và thay đổi cuộc sống.

Những năm gần đây cụm từ "du học nghề có lương" được mọi người biết đến nhiều hơn. Nhiều bạn trẻ chọn con đường du học nghề ở "trời Tây" với giấc mộng đổi đời thay vì nhắm tới những thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc...

"Cứ ở nhà, biết bao giờ giúp bố mẹ trả hết nợ?"

5 năm trước Nguyễn Thị Thùy Dung (26 tuổi, quê Gia Bình, Bắc Ninh) vừa theo học ở một trường cao đẳng y vừa học ngoại ngữ với ý định sang Nhật làm việc. Dung nghĩ cầm tấm bằng cao đẳng ở quê rất khó xin việc, có khi phải "chạy tiền" mới có một công việc làng nhàng.

Nghĩ rồi cô lén bố mẹ, âm thầm dự tính, học thêm tiếng Nhật để có thể sớm đi nước ngoài làm việc.

"Nhà tôi đông anh em, điều kiện kinh tế khi đó khó khăn. Bố mẹ nuôi 4 chị em tôi ăn học chỉ với nguồn thu nhập duy nhất từ quán bán đồ ăn sáng, rất vất vả. Vì vậy, tôi quyết tâm học tiếng để sau ra trường đăng ký sang Nhật làm việc.

Ban đầu, bố mẹ hướng cho tôi học xong làm ở quê nhưng nghĩ hoàn cảnh gia đình khi đó khó khăn quá, giờ xin việc lại phải mất một khoản tiền trong khi đi làm với đồng lương ít ỏi thì không biết bao giờ mới trả được nợ", Dung nói về quyết định đi nước ngoài làm việc.

Đang học năm 2, Dung tình cờ tiếp cận một công ty chuyên về du học nghề ở Đức khi doanh nghiệp này đến trường giới thiệu về chương trình. Lần đầu tiên nghe đến "du học nghề có lương", lại có cơ hội định cư lâu dài ở một đất nước phát triển, Dung gác ngay dự định đi Nhật trước đó và quyết định thử sức mình ở "trời Tây".

Cô chia sẻ, thời điểm đưa ra quyết định liều lĩnh đó cô còn chưa hình dung được nước Đức và công việc bên đó thế nào nhưng thấy cơ hội có thể kiếm thu nhập cao, lại còn có thể định cư lâu dài thì rất muốn thử sức.

"Thời điểm đó chi phí đi Đức khoảng 300 triệu đồng và phải có khoản đảm bảo, chứng minh tài chính khoảng 5.000 Euro (khoảng 150 triệu đồng). Vừa lo không có tiền đi, lại thi trượt nên chán nản, tôi đã xin làm nhân viên bán hàng siêu thị, lương tháng 6 triệu.

Gần 1 năm đi làm thu nhập chỉ đủ sống, bố mẹ ở quê vẫn suốt ngày phải lo đi làm trả nợ, tôi lại quyết nghỉ việc về ôn thi tiếng Đức. Lúc đó chỉ nghĩ bằng mọi giá phải sang Đức, cố gắng sang đó làm để có tiền giúp bố mẹ trả nợ và lo cho các em ăn học", Dung kể.

Sau khi thi đỗ chứng chỉ B2 tiếng Đức, Dung bắt đầu hành trình sang châu Âu đầu năm 2020. Hiện cô đang làm công việc chăm sóc người già tại một viện dưỡng lão ở thành phố Hamburg, Đức.

Công việc của Dung kéo dài 8 tiếng mỗi ngày với khung thời gian từ 6h - 14h, thi thoảng có tăng ca. Thời điểm bắt đầu vào nghề đó, Dung nhẩm tính, trung bình cô nhận được 1.200 Euro (hơn 30 triệu đồng/tháng) chưa trừ chi phí.

"Nếu trừ đi các khoản ăn, ở, mỗi tháng tôi dành được 15 triệu đồng gửi về cho gia đình, có tháng ốm đau thì còn 10 triệu đồng. Sang Đức 2 năm, toàn bộ số tiền tôi gửi về Việt Nam đủ để bố mẹ trả nợ", Dung cho biết.

Ở nơi đất khách quê người, mỗi lúc gặp khó khăn Dung rất nhớ gia đình, nhưng nghĩ về bố mẹ, cô lại có động lực để vượt qua. Cô bộc bạch, chỉ nghĩ đến việc bố mẹ ở quê không phải lo nghĩ chuyện tiền nong cô lại có thể tiếp tục cố gắng.

"Dù rất muốn ở gần bố mẹ nhưng hoàn cảnh không cho phép nên tôi phải lựa chọn đi làm xa quê hương. 3 năm trước, nếu không quyết tâm đi nước ngoài làm việc thì không biết bao giờ tôi mới có thể đạt được mục tiêu hiện tại.

Giờ tôi đã trả xong được mọi khoản nợ cho bố mẹ, có thể lo được cho các em có tương lai tốt hơn. Hành trình của tôi bên này, như vậy là không uổng phí", Dung nói.

Sau hơn 3 năm bên Đức, Dung hiện tại đã có mức lương gần 3.000 Euro/tháng (khoảng 76 triệu đồng), trừ hết mọi chi phí, mỗi tháng cô gửi về cho bố mẹ gần 30 triệu đồng. Sắp tới, nếu vượt qua được kì thi tốt nghiệp, Dung có thể xin được thẻ định cư lâu dài ở Đức, xa hơn cô có thể xin nhập quốc tịch Đức.

Mục tiêu, cơ hội định cư nơi "trời Tây"

Người ôm mộng đổi đời, người bất đắc dĩ đi nước ngoài làm việc vì hoàn cảnh gia đình, còn hai chị em Nguyễn Thị Thanh Huyền và Nguyễn Thị Đỗ Quyên (quê Thanh Chương, Nghệ An), lựa chọn du học nghề là vì hai cô gái muốn được định cư ở châu Âu.

Tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp, sau nửa năm ra trường, làm kế toán cho một công ty, Huyền nghỉ việc vì lương thấp, công việc vất vả. Cô quyết định theo người chú đăng ký sang Đức du học nghề.

Cô em gái kém Huyền 4 tuổi mới nhận được giấy báo nhập học của một trường đại học có tiếng ở Việt Nam cũng rẽ ngang để theo chân chị sang châu Âu du học nghề.

"Gia đình tôi khá cơ bản, bố mẹ đều làm nhà nước. Tôi chọn sang Đức du học nghề không phải vì áp lực kiếm tiền mà từ khi còn học cấp 3 tôi đã đề xuất với bố mẹ sau này muốn được sống ở nước ngoài.

Trước khi đi, bố mẹ nói vui là đầu tư cho đi học rồi thì sang đó nhớ lo học hành, làm việc kiếm tiền để trả nợ cho bố mẹ", Huyền chia sẻ.

Huyền nhớ lại, 6 tháng đầu thật sự rất khó khăn vì vốn tiếng Đức của những du học sinh mới sang như cô gần như bằng không. Có 6 tháng phải học ngoại ngữ chuyên ngành mà nếu không vượt qua được thì phải học lại, rất mất thời gian.

Vượt qua khó khăn ban đầu, hiện cả hai chị em Huyền đang làm việc tại một viện dưỡng lão ở thành phố Hamburg. Công việc của cô bắt đầu từ 8h - 15h, thu nhập mỗi tháng trung bình 3.300 Euro (hơn 80 triệu đồng), trừ thuế, tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt, mỗi tháng Huyền để dành được khoảng 2.000 Euro (tương đương 50 triệu đồng).

"Sau hai năm sang Đức, hai chị em tôi đã trả xong nợ cho bố mẹ. Giờ ra trường có thể tự lo cuộc sống bản thân, được sống ở một đất nước giàu đẹp, văn minh đúng như những gì tôi kỳ vọng. Cuộc sống 3 năm đi học bên này phải trải qua nhiều khó khăn nhưng khi vượt qua được thì công sức, thời gian mình bỏ ra thực sự được đền đáp xứng đáng", Huyền nói.

Huyền chia sẻ, sau 3 năm học nghề, những du học sinh như cô được cấp chứng chỉ nghề, dễ dàng có một công việc để nuôi sống bản thân

"Chính sách định cư ở Đức rất cởi mở. Sau khi đi làm 2 năm, tôi hoàn toàn có cơ hội định cư lâu dài, sau 8 năm, có thể được nhập quốc tịch", Huyền cho biết.

Còn với Đỗ Quyên, cô cho biết, quyết định từ bỏ cơ hội được học ở một trường đại học có tiếng ở Việt Nam để lựa chọn con đường du học nghề, ban đầu nhiều người nói cô bồng bột. Nhưng sau 5 năm, Quyên thấy quyết định đó hoàn toàn đúng đắn.

"Nếu được lựa chọn lại tôi vẫn sẽ chọn con đường du học nghề bởi không chỉ dừng lại ở việc có được mức thu nhập mà tốt nghiệp nghề ở Đức tôi có nhiều lựa chọn công việc và có thể tự làm chủ tương lai của mình", Quyên nói.

(Nguồn: Dân Trí)

Người Việt ở Paris: 'Biểu tình ít ảnh hưởng tới điểm du lịch'

(Ảnh minh họa).

Biểu tình ở Paris thường diễn ra ở các khu vực đã xin phép trước, ít gây ảnh hưởng tới các điểm tham quan nổi tiếng.

Hơn một triệu người Pháp xuống đường biểu tình phản đối chính sách tăng tuổi nghỉ hưu, hồi tháng 3. Trong khi đó, mùa hè cao điểm du lịch sắp đến gần. Nhiều du khách có dự định đến Paris lo ngại biểu tình có thể ảnh hưởng đến việc tham quan, du lịch không.

Theo Nguyễn Anh Lukas, nhiếp ảnh gia người Việt sống tại Paris, người dân biểu tình theo những khu vực xin phép trước, có cảnh sát kiểm soát tình hình. Khu dân cư và địa điểm du lịch "hầu như không ảnh hưởng".

Về tình hình rác chất đống trên đường trong các cuộc biểu tình, Lukas cho rằng điều này "gây mất mỹ quan" nhưng rác thường chất đống và không được dọn ở khu dân cư. Các điểm du lịch nổi tiếng như tháp Eiffel, Khải Hoàn Môn không xảy ra tình trạng này. "Một số góc chụp đống rác là từ khu nhà dân nhìn về phía tháp", Lukas nói.

Cuối tháng ba, nguồn tin từ Forbes cho hay Cục Hàng không Dân dụng Pháp yêu cầu các hãng hủy 20% chuyến bay, đặc biệt ở các khu vực như Paris, Marseille, Bordeaux và Toulouse. Các tuyến xe buýt, điện và tàu điện ngầm cùng các dịch vụ xe lửa địa phương cũng giảm chuyến. Dữ liệu gần đây từ Hiệp hội Khách sạn Pháp (UMIH) cho thấy các nhà hàng ở Paris doanh thu giảm 20-30% khi các cuộc đình công bắt đầu từ đầu năm.

Tuy nhiên Nguyễn Anh Lukas cho rằng du khách không nên quá căng thẳng, đặc biệt không tin vào các các thông tin bạo loạn, đốt phá được chia sẻ thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội. "Đó chỉ là một nửa sự thật, vì những nơi xảy ra bạo loạn không thuộc khu du lịch. Người Pháp biểu tình quanh năm, không có gì lạ. Mọi người ở đây lâu cũng đã quen", Lukas, sống 10 năm ở Paris, nói. Những hình ảnh đốt phá mọi người thường thấy chỉ là một bộ phận nhỏ quá khích. Người biểu tình hầu hết đều ôn hòa.

Phạm Hồng Kháng, 39 tuổi, Giám đốc một công ty du lịch ngoại ô Paris, chia sẻ nếu khách đi tour, những lo lắng về biểu tình "khó xảy ra hơn" vì lịch trình của các đoàn khách du lịch luôn tránh giờ biểu tình. Các thông tin liên quan đến biểu tình đều được đăng trên phương tiện truyền thông. Các công ty du lịch dựa vào đó để chủ động lên lịch trình, tránh đưa khách đến các khu vực bất ổn.

Diễm Ramires, sống tại Pháp hơn 10 năm, cho biết nhiều lần thấy cảnh một số du khách "thích thú đứng xem biểu tình" vì "biểu tình đều báo trước, có tổ chức và cảnh sát canh giữ chặt chẽ".

Tuy nhiên, nếu du khách đến Paris những ngày này, các phương tiện giao thông công cộng có thể bị hủy hoặc hoãn, gây bất tiện về mặt đi lại, dù lịch trình hoãn hủy được báo trước. Lukas gợi ý đi xe riêng hoặc taxi nếu phương tiện công cộng hoạt động chậm hơn ngày thường.

(Nguồn: Vnexpress)

Báo Pháp nói cảnh sát Paris 'phá đường dây ma tuý Việt Nam' và bắt ông trùm N'Guyen V

Trang Le Parisien ở Pháp hôm 02/04/2023 có bài nói về thành tích của cảnh sát nước này vừa phá được một đường dây ma tuý lớn.

Dùng cụm từ mang tính chỉ trích, bài của Denis Courtine gọi đây là "La Viet Connection" và cho hay một người đàn ông Việt Nam 37 tuổi, N'Guyen V, còn gọi là "Le Gros" đã bị bắt.

Cảnh sát vùng Val-de-Marne đã tịch thu được tới 120 kg ecstasy trong cơ sở mà người đàn ông kia sử dụng ở Kremlin-Bicêtre làm nơi xuất nhập khẩu hàng hóa, theo tờ báo Pháp.

Điều đáng chú ý là, theo nguồn tin của báo Pháp thì ma tuý ecstasy được "sản xuất ở một vài nước Phương Đông, trong phòng thí nghiệm của băng đảng Việt Nam".

Loại hàng cấm này thường được đưa vào Đức lâu nay nhưng giờ thì có tại Pháp.

Nguồn tin cũng nói tại các nước thuộc Liên Xô cũ, "đường dây Việt" luôn tồn tại.

Vợ của N'Guyen V được cho là một thợ uốn tóc từ Hà Lan tới Pháp và cũng đang bị cảnh sát tạm giữ để thẩm vấn.

Cả nhóm nghi phạm này gồm 7 người đã bị tạm giam.

Cũng liên quan đến ma tuý ở Pháp, hôm 16/3/2023, tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ bốn tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines chuyển từ Pháp về số lượng lớn ma túy cất giấu trong các tuýp kem đánh răng.

Tuy thế, sau một thời gian ngắn, họ đã được thả tự do và hình một trong số bốn phụ nữ cười tươi như hoa bên chiếc bàn đầy ắp ma tuý do nhà chức trách công bố đã khiến một phần dư luận VN bức xúc.

Sự thực là họ chỉ được tạm thả ra và nhà chức trách ở VN vẫn mở cuộc điều tra về hơn 11 kg ma tuý đem về từ Pháp.

Vụ việc cũng làm dư luận đặt câu hỏi về hoạt động "buôn chuyến" hay "xách tay hàng hóa" của nhân viên, tổ bay Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam từ lâu nay.

(Nguồn: BBC)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang