Mỹ: Hàng không 'đóng băng'; Trump nhận tin buồn; Chính sách nhập cư; Tương lai chính trị của Biden; Cuộc chiến chip

SỰ CỐ KHIẾN HÀNG KHÔNG MỸ GẦN NHƯ 'ĐÓNG BĂNG'

(Ảnh minh hoạ).

Cuộc điều tra sơ bộ của FAA phát hiện kỹ thuật viên đã thao tác sai quy trình, khiến một tệp dữ liệu gặp lỗi và làm tê liệt hoàn toàn hệ thống hàng không nước Mỹ trong nhiều giờ.

Một nhóm gồm hơn 120 nhà lập pháp Mỹ kiên quyết với Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) rằng sự cố khiến 11.000 chuyến bay bị gián đoạn hôm 11/1 là “không chấp nhận được”. Nhóm các nhà lập pháp yêu cầu cơ quan này giải trình cách tránh các sự cố trong tương lai, Reuters đưa tin ngày 14/1.

Chủ tịch Ủy ban Giao thông Hạ viện Sam Graves và Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Rick Larsen đã gửi một bức thư tới Bộ trưởng Giao thông Mỹ Pete Buttigieg. Nội dung bức thư cho biết hội đồng dự định “tiến hành giám sát chặt chẽ kế hoạch của Bộ Giao thông nhằm ngăn chặn sự cố gián đoạn xảy ra lần nữa”.

Các nhà lập pháp muốn biết chi tiết về những gì đã xảy ra với Hệ thống Điện văn thông báo hàng không (NOTAM). Đây là lần đầu tiên các chuyến bay bị gián đoạn trên quy mô toàn nước Mỹ kể từ vụ tấn công ngày 11/9/2001.

Họ cũng yêu cầu ông Buttigieg cung cấp ước tính giá trị thiệt hại đối với các hãng hàng không và hành khách.

Trước đó, ông Buttigieg cho rằng việc ngừng chuyến bay là “quyết định đúng đắn” và bác bỏ ý kiến bồi thường cho hành khách chịu ảnh hưởng.

Nguyên nhân sự cố

Sự cố hôm 11/1 khiến các sân bay không thể gửi thông báo cho phi công về các nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến máy bay như vấn đề ánh sáng, đường băng hay thời tiết xấu. Điều này buộc các chuyến bay tạm hoãn cất cánh.

Hệ thống NOTAM hoàn toàn tách biệt với hệ thống kiểm soát không lưu, vốn là hệ thống giúp điều chỉnh khoảng cách an toàn máy bay, nhưng cũng là công cụ rất quan trọng đối với an toàn bay. NOTAM gặp lỗi đồng nghĩa phi công không thể kiểm tra lộ trình chuyến bay.

Tương tự các hệ thống điều khiển chuyến bay khác, NOTAM được FAA áp dụng một quy trình đặc biệt, đảm bảo kỹ thuật viên không thể làm hỏng. Tuy nhiên, tệp dữ liệu bị thay đổi trái quy định có thể khiến hệ thống gặp trục trặc.

FAA thông báo sự cố xảy ra do một lỗi hệ thống nội bộ. Cuộc điều tra sơ bộ cho thấy nhân viên đã thực hiện sai quy trình khiến một tập tin cơ sở dữ liệu bị hư hỏng.

Cơ quan này vẫn đang làm việc để xác định chính xác nguyên nhân gây ra sự gián đoạn hệ thống NOTAM. Đến thời điểm hiện tại, FAA cho biết vẫn chưa tìm thấy bằng chứng về một cuộc tấn công mạng, theo NPR.

Khi hệ thống gặp sự cố, các nhân viên đã kích hoạt chế độ dự phòng. Tuy nhiên, hệ thống sao lưu sử dụng cùng tệp dữ liệu bị hỏng nên không thể hoạt động.

FAA buộc phải khởi động lại hoàn toàn hệ thống để khắc phục sự cố. Điều này khiến tất cả chuyến bay khởi hành từ Mỹ phải tạm dừng trong 90 phút vào sáng 11/1.

Theo dữ liệu từ trang web theo dõi FlightAware, tính đến trưa 11/1, hơn 6.988 chuyến bay nội địa và quốc tế của Mỹ đã bị trì hoãn, trong khi hơn 1.100 chuyến bay bị hủy hoàn toàn.

Tổng cộng 21.464 chuyến bay đã được lên kế hoạch khởi hành từ các sân bay Mỹ vào ngày 11/1 với sức chở gần 2,9 triệu hành khách, công ty phân tích hàng không Cirium cho biết. Sự cố được cho là sẽ để lại ảnh hưởng kéo dài đối với các sân bay Mỹ.

Trong thông báo mới nhất, FAA cho biết hệ thống cảnh báo an toàn đã hoạt động bình thường, tỷ lệ hủy chuyến trong ngày chỉ còn dưới 1%.

Ngoài ra, các hãng hàng không đang phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn máy bay tại cổng đưa đón hành khách, khiến tình trạng trễ chuyến ngày càng tăng.

Sự cố của FAA xảy ra chưa đầy hai tuần sau khi hệ thống kiểm soát không lưu gây ra tình trạng chậm, trễ chuyến tại Florida. Hệ thống Hiện đại hóa Tự động hóa Đường bay (ERAM) gặp trục trặc đã khiến FAA phải dừng hàng trăm chuyến bay.

Vấn đề từ bên trong

Hành khách Mỹ không có nhiều lựa chọn thay thế hàng không. Khoảng cách lái xe giữa các bang tại Mỹ quá lớn, trong khi mạng lưới đường sắt quá ít ỏi so với các quốc gia khác.

Hiệp hội Du lịch Mỹ đã gọi sự cố hệ thống FAA là “thảm họa”.

FAA phải hoạt động mà không có lãnh đạo thường trực kể từ tháng 3/2022. Stephen Dickson, người được cựu Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm, đã từ chức giữa nhiệm kỳ.

Phillip A. Washington, ứng cử viên lãnh đạo FAA của Tổng thống Joe Biden, vẫn chưa nhận được phiên điều trần xác nhận của Thượng viện Mỹ. Ông không có nhiều thành tựu trong ngành hàng không, nhưng được chú ý vì đã giúp sân bay Denver tại Washington phục hồi sau đại dịch, theo AP.

Đến nay, FAA được dẫn dắt bởi ông Billy Nolen, quan chức an ninh hàng không cấp cao.

Reuters cho biết thêm rằng FAA từ lâu đã gặp khó khăn trong việc hiện đại hóa một số bộ phận kiểm soát không lưu. Sự cố ngày 11/1 là dấu hiệu cho thấy FAA cần nâng cấp nền tảng máy tính cho hệ thống quản lý giao thông.

FAA đang phát triển và nâng cấp hệ thống nhằm ngăn chặn các sự cố trong tương lai. Cơ quan này cũng đang cố gắng hiện đại hóa hệ thống NOTAM.

Hồi tháng 10/2022, FAA cho biết đang hành động để chấm dứt công việc kiểm soát không lưu bằng các dải giấy vốn bị chế diễu từ lâu. Tuy nhiên, phải đến cuối năm 2029 FAA mới thực hiện được sự thay đổi này tại 49 phi trường lớn.

Báo cáo năm 2021 của Văn phòng Tổng thanh tra (OIG) thuộc Bộ Giao thông Mỹ đã nhiều lần chỉ ra những vấn đề trong dự án cơ sở hạ tầng Hệ thống Vận tải Hàng không Thế hệ Tiếp theo (NextGen) trị giá hàng tỷ USD của FAA.

OIG cho biết “FAA phải vật lộn để tích hợp công nghệ và chức năng chủ chốt vào NextGen. Sự trì hoãn kéo dài của chương trình dẫn đến tình trạng chậm trễ gián tiếp những chương trình khác”.

Tháng 4/2022, FAA đã đầu tư 1 tỷ USD vào việc sửa chữa và thay thế các thiết bị quan trọng trong hệ thống không lưu, bao gồm hệ thống điện, định vị, thời tiết, radar và giám sát trên toàn nước Mỹ.

“Có rất nhiều công việc cần làm để vận hành không phận quốc gia một cách an toàn”, Phó giám đốc FAA Bradley Mims cho biết vào thời điểm đó.

(Nguồn: Zing News)

ÔNG DONALD TRUMP NHẬN TIẾP TIN KHÔNG VUI

Reuters cho biết Công ty Trump Organization của cựu Tổng thống Donald Trump đang đối mặt bản án về gian lận thuế suốt 15 năm.

Bản án dự kiến được đưa ra sau khi bồi thẩm đoàn ở Manhattan, New York - Mỹ phát hiện 2 chi nhánh của Công ty Trump Organization phạm 17 cáo buộc hình sự vào tháng trước.

Trump Organization đang đối mặt mức phạt tiền tối đa 1,6 triệu USD nhưng công ty này tuyên bố sẽ kháng cáo. Trong khi đó, không còn người nào khác bị buộc tội hoặc phải đối mặt án tù.

Theo Reuters, văn phòng biện lý quận Manhattan Alvin Bragg vẫn đang tiến hành cuộc điều tra hình sự về các hoạt động kinh doanh của ông Trump.

Tại phiên tòa kéo dài 4 tuần, các công tố viên đưa ra bằng chứng cho thấy công ty của ông Trump đã trang trải các chi phí cá nhân như tiền thuê nhà và thuê ôtô cho các giám đốc điều hành song không báo cáo chúng là khoản thu nhập.

Giáo sư bộ phận luật tại Trường ĐH Missouri Bill Black cho rằng bản án trên - nếu được tuyên - sẽ không đủ sức răn đe những người khác.

Ngoài ra, ông Trump cũng đang đối mặt với vụ kiện dân sự trị giá 250 triệu USD. Tổng chưởng lý bang Letitia James cáo buộc ông Trump và những người con Donald Trump Jr., Ivanka Trump và Eric Trump "nói dối" giá trị tài sản ròng và giá trị tài sản của công ty để "đạt được lợi ích tài chính".

Một số rắc rối pháp lý khác đang chờ ông Trunp, bao gồm các cuộc điều tra liên quan đến vụ bạo loạn tại Điện Capitol ngày 6-1-2021, vụ ông lưu giữ các tài liệu mật sau khi rời Nhà Trắng và nỗ lực lật ngược thất bại trong cuộc bầu cử ở bang Georgia năm 2020.

(Nguồn: Soha)

TỔNG THỐNG JOE BIDEN GẶP KHÓ TRONG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH NHẬP CƯ

(Ảnh minh hoạ).

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng người nhập cư chưa từng có kể khi nhậm chức hồi đầu năm 2021.

Lời hứa về một chính sách nhập cư nhân đạo đang đẩy Tổng thống Biden vào thế khó khi số lượng người di cư bất hợp pháp vào Mỹ tăng cao kỷ lục. Nhà lãnh đạo Mỹ đang thúc đẩy Quốc hội nhanh chóng thông qua các biện pháp cải cách toàn diện để giải quyết vấn đề di cư ở khu vực biên giới.

Chính phủ Mỹ hồi tuần này đã trục xuất khoảng 100 người di cư Venezuela theo chính sách kiểm soát biên giới mới vừa có hiệu lực. Dự kiến sẽ có thêm nhiều người di cư từ các nước Trung Mỹ và Nam Mỹ cũng sẽ bị trục xuất trong thời gian tới. Tuy nhiên điều này không thể ngăn cản hàng nghìn người di cư đổ xô tới các văn phòng chính phủ ở miền Nam Mexico để xin tị nạn. Cảnh sát ở Tapachula và Lực lượng Vệ binh Quốc gia đã phải dựng hàng rào an ninh xung quanh các văn phòng của Ủy ban Hỗ trợ Người tị nạn (COMAR) của Mexico.

Ông Onatiuh Guillen tại Viên di cư Mexico đánh giá: "Đã có nhiều lo ngại rằng Điều khoản 42 về kiểm soát người di cư có thể mở rộng sang những quốc tịch khác. Đây cũng có thể là lý do khiến nhiều người đổ về khu vực biên giới phía Bắc giữa Mexico và Mỹ. Đây sẽ là một thách thức lớn trong nỗ lực thúc đẩy một thỏa thuận giữa Mỹ và Mexico về vấn đề nhập cư, cũng như vai trò của Mexico trong nỗ lực kiểm soát các dòng người di cư này".

Lời hứa về một chính sách nhập cư nhân đạo đang đẩy Tổng thống Joe Biden vào thế khó khi số lượng người di cư vượt biên bất hợp pháp tăng đột biến, bất chấp hành trình dài và đầy nguy hiểm. Trong năm tài chính 2022, Mỹ đã bắt giữ 2,2 triệu người di cư tại biên giới với Mexico, một kỷ lục chưa từng thấy kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2.

Tổng thống Biden hồi tuần trước đã yêu cầu Quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua các biện pháp cải cách toàn diện để giải quyết vấn đề di cư ở khu vực biên giới. Nước này cũng đang xem xét cho phép hàng chục nghìn người di cư vào từ các nước Cuba, Haiti, Nicaragua, Haiti, Venezuela vào Mỹ mỗi tháng thông qua đường hàng không, theo một chương trình nhân đạo mở rộng. Tuy nhiên quyết định của Tổng thống Mỹ duy trì Điều khoản 42 dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump để đẩy nhanh việc trục xuất những người di cư không có giấy tờ vào nước này qua biên giới với Mexico đã gây tranh cãi.

Tổng thống Biden nhấn mạnh: “Chính phủ đang thực hiện một số bước đi nhằm tăng cường kiểm soát đối với những người tìm cách đến Mỹ mà không có quyền ở lại hợp pháp, đồng thời đưa ra một quy trình nhanh hơn để quyết định đơn xin tị nạn. Quy trình mới này có trật tự, an toàn, nhân đạo và hiệu quả."

Liên Hợp Quốc đã chỉ trích mạnh mẽ những thay đổi về chính sách này của chính quyền Tổng thống Biden, cho rằng Mỹ đang đặt quyền tị nạn nạn ở nước này vào tình thế nguy hiểm. Trong nhiều năm qua, tình trạng nhập cư trái phép là vấn đề nan giải tại Mỹ. Ngay ngày đầu tiên lên nắm quyền, Tổng thống Biden đã ký một loạt sắc lệnh đảo ngược nhiều chính sách nhập cư hà khắc của chính quyền tiền nhiệm. Tuy nhiên dòng người nhập cư chưa từng có đang đổ về biên giới Mỹ đang đặt ra thách thức lớn đối với nửa thời gian còn lại trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden.

(Nguồn: VOV)

CUỘC ĐIỀU TRA VỀ TÀI LIỆU MẬT PHỦ BÓNG ĐEN LÊN TƯƠNG LAI CHÍNH TRỊ CỦA TT BIDEN

Hôm thứ Năm 12/1, triển vọng chính trị của Tổng thống Mỹ Joe Biden trở nên kém chắc chắn đi nhiều sau khi Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt để điều tra việc vị tổng thống thuộc đảng Dân chủ quản lý các tài liệu mật.

Điều này xảy ra khi ông Donald Trump, cựu tổng thống thuộc đảng Cộng hòa, đang phải đối mặt với một công tố viên đặc biệt khác và đang bị điều tra hình sự liên bang vì quản lý các tài liệu mật và các vi phạm tiềm tàng khác.

Có sự khác biệt lớn giữa hai vụ việc. Nổi bật nhất là không có biểu hiện nào cho thấy ông Biden cố tình ngăn chặn việc giao nộp các tài liệu được phát hiện ra tại nhà riêng hoặc văn phòng của ông, thậm chí cũng không có dấu hiệu gì là ông biết về sự hiện diện của các tài liệu đó. Ngược lại, ông Trump đang bị điều tra vì có thể đã cản trở các nhà điều tra và cũng sở hữu lượng tài liệu mật lớn hơn nhiều.

Tuy nhiên, việc bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt hôm 12/1 vẫn tạo ra tình trạng bất định về pháp lý đối với đương kim tổng thống và có thể khơi dậy cuộc tranh luận giữa các đảng viên Dân chủ về việc liệu có khôn ngoan hay không khi ông Biden muốn tranh cử cho nhiệm kỳ thứ nhì.

Như vậy, một mùa bầu cử đầy rắc rối đã bắt đầu, trong đó cả đương kim tổng thống lẫn cựu tổng thống của Hoa Kỳ đều đang bị điều tra bởi các công tố viên đặc biệt vào lúc họ chuẩn bị cho một cuộc tái đấu tiềm tàng vào năm 2024. Nhiều cử tri ở cả hai đảng đã kêu gọi rằng cần có một thế hệ lãnh đạo mới nổi lên trong cuộc tranh cử tổng thống dành cho những người trẻ hơn. Những lời kêu gọi như vậy hiện đang ngày càng lớn tiếng hơn.

Norman Soloman là một đảng viên Dân chủ tiến bộ, đứng đầu chiến dịch Don't Run Joe (Ông Joe đừng có tranh cử), đã đăng quảng cáo trên truyền hình chống lại ông Biden ở các bang quan trọng. Ông Soloman đưa ra quan điểm: “Trên nhiều mặt trận chính trị, chiến dịch cho năm 2024 của ông Biden có nhiều khả năng dễ bị tổn hại. Các đảng viên Dân chủ và đất nước nói chung sẽ được lợi hơn nhiều trong năm nay và năm tới nếu ông ấy không tranh cử tổng thống”.

Vị tổng thống 80 tuổi đã tuyên bố ông có dự định tranh cử cho nhiệm kỳ thứ nhì, nhưng ông vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Nói riêng với nhau, một số quan chức đảng Dân chủ tin rằng cuộc điều tra mới của liên bang về vấn đề tài liệu mật có thể giúp tạo động lực cho một ứng cử viên thuộc diện “phá bỏ khuôn phép”.

Cần phải nói rõ rằng có sự khác biệt rõ rệt giữa hai vụ việc của ông Biden và ông Trump, bao gồm số lượng tài liệu được phát hiện và mức độ nghiêm trọng của cuộc điều tra đang diễn ra của đại bồi thẩm đoàn về vấn đề tại tư dinh Mar-a-Lago của ông Trump ở Palm Beach, Florida.

Khoảng 300 hồ sơ có gắn nhãn “mật” đã được thu hồi từ Mar-a-Lago, một câu lạc bộ tư nhân thường xuyên là nơi tổ chức sự kiện. Cuộc lục soát khu bất động sản của ông Trump là đỉnh điểm sau nhiều tháng tranh cãi qua lại giữa chính phủ và đại diện của ông Trump, họ đã nhiều lần chống lại đề nghị phải nộp lại các tài liệu bị thất lạc.

Bộ Tư pháp Mỹ nói rằng “có nhiều khả năng” là các tài liệu mật "đã bị giấu diếm và đưa ra" khỏi một phòng lưu trữ, như là một phần trong nỗ lực cản trở cuộc điều tra liên bang, bộ đưa ra cáo buộc.

Lệnh khám xét cho thấy FBI đang điều tra về các tội bao gồm cố ý găm giữ lại thông tin quốc phòng và tìm cách cản trở cuộc điều tra liên bang.

Một số đảng viên Dân chủ hy vọng, nhưng không chắc chắn, rằng cử tri có thể phân biệt được giữa một bên là cách tiếp cận đầy hợp tác của ông Biden liên quan đến một lượng tài liệu nhỏ mà ông dường như đã vô tình sở hữu, còn một bên là tình trạng được các công tố viên liên bang mô tả là ông Trump cố tình che giấu hàng trăm thông tin mật của chính phủ.

Chiến lược gia kỳ cựu của đảng Dân chủ James Carville nói: “Đó là tất cả sự khác biệt trên đời này giữa một bên là bạn có một thứ mà bạn không biết là mình đang có nó, và một bên là bạn biết rõ bạn có một thứ mà lẽ ra bạn không nên có nó. Nhưng có phải là 1/3 đất nước này sẽ không phân biệt được điều đó chăng? Có lẽ vậy".

Ông John Bolton, một người chỉ trích gay gắt ông Trump, dự đoán rằng sự khác biệt đáng kể về mặt pháp lý giữa hai vụ việc sẽ "bị lẫn lộn trong các thông tin hỗn loạn". Với các diễn biến như hiện nay, ông Bolton cảm thấy khó có chuyện ông Trump có thể bị truy tố vì các tài liệu ở Mar-a-Lago.

Ông Bolton từng là cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Trump và đang cân nhắc về việc tranh một suất ứng cử viên của đảng Cộng hòa để chạy đua vào Nhà Trắng.

“Tôi thấy khó có thể thúc đẩy một vụ án hình sự [nhằm vào ông Trump] vào thời điểm này”, ông Bolton nói. “Tôi thấy có một đám mây lớn che phủ việc truy tố”.

Về phía đảng Dân chủ, chiến lược gia Josh Schwerin mô tả rằng các diễn biến mới nhất “chắc chắn là không hề lý tưởng.”

“Tôi nghĩ mọi người sẽ đều ước gì chuyện này đã không xảy ra, kể cả tổng thống”, ông nói. “Nhưng điều quan trọng là phải đặt tất cả những điều này vào trong đúng bối cảnh: Mọi người đều coi Tổng thống Biden là một nhân vật có trách nhiệm hơn nhiều so với ông Donald Trump. Và điều đó không thể bị lãng quên”.

(Nguồn: VOA)

CUỘC CHIẾN CHIP MỸ - TRUNG: PHẦN THẮNG ĐANG THUỘC VỀ MỸ

(Ảnh minh hoạ).

Trong hơn một thế kỷ, cuộc tranh giành dầu mỏ đã gây ra các cuộc chiến tranh, tạo nên các liên minh bất thường và châm ngòi cho các cuộc tranh cãi ngoại giao.

Giờ đây, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tranh giành một nguồn tài nguyên quý giá khác: chất bán dẫn, những con chip thực sự cung cấp năng lượng cho cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Những mảnh silicon nhỏ bé này là trung tâm của ngành công nghiệp trị giá 500 tỷ USD dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030. Và bất cứ ai kiểm soát chuỗi cung ứng - một mạng lưới phức tạp gồm các công ty và quốc gia sản xuất chip - sẽ nắm giữ chìa khóa để trở thành một siêu cường vô song.

Trung Quốc muốn công nghệ sản xuất chip. Đó là lý do tại sao Mỹ, nhà cung cấp phần lớn công nghệ ngày, đang cắt đứt quan hệ với Bắc Kinh.

Rõ ràng hai quốc gia đang tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang ở Châu Á Thái Bình Dương, Chris Miller, phó giáo sư tại Đại học Tufts - tác giả của cuốn sách Chip Wars, cho biết.

Tuy nhiên, ông nói thêm, cuộc đua còn nhiều điều hơn thế nữa: "[Nó] diễn ra cả trong các lĩnh vực truyền thống, như số lượng tàu chiến hoặc tên lửa được sản xuất, nhưng gia tăng trong chất lượng của các thuật toán Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể được sử dụng trong các hệ thống quân sự."

Hiện tại, Mỹ đang giành phần thắng - nhưng cuộc chiến chip mà nước này tuyên bố với Trung Quốc đang định hình lại nền kinh tế toàn cầu.

Các nhà sản xuất chip

Việc sản xuất chất bán dẫn rất phức tạp, chuyên biệt và tích hợp sâu.

Một chiếc iPhone có những con chip được thiết kế tại Mỹ, sản xuất tại Đài Loan, Nhật Bản hoặc Hàn Quốc, rồi sau đó được lắp ráp tại Trung Quốc. Ấn Độ, quốc gia đang đầu tư nhiều hơn vào ngành này, có thể đóng vai trò lớn hơn trong tương lai.

Chất bán dẫn được phát minh ở Mỹ, nhưng theo thời gian, khu vực Đông Á nổi lên như một trung tâm sản xuất, phần lớn là do các ưu đãi của chính phủ, bao gồm cả trợ cấp.

Điều này cho phép Washington phát triển quan hệ kinh doanh và liên minh chiến lược trong một khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi Nga trong Chiến tranh Lạnh. Hiện tại việc này cũng hữu ích khi đối mặt với ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Châu Á Thái Bình Dương.

Cuộc đua để tạo ra những con chip tốt nhất và hiệu quả nhất trên quy mô lớn - và càng nhỏ thì càng tốt đang diễn ra. Thách thức nằm ở chỗ: có bao nhiêu bóng bán dẫn - những công tắc điện cực nhỏ có thể bật hoặc tắt dòng điện - có thể lắp vừa trên một tấm wafer silicon nhỏ nhất?

Jue Wang, một đối tác tại Silicon Valley của Bain & Company cho biết: “Đó là điều mà ngành công nghiệp bán dẫn gọi là định luật Moore, về cơ bản là tăng gấp đôi mật độ bóng bán dẫn theo thời gian và đó là một mục tiêu khó đạt được”.

"Đó là thứ cho phép điện thoại của chúng ta nhanh hơn, kho lưu trữ ảnh ngày càng lớn hơn, các thiết bị thông minh nhà ở trở nên thông minh hơn theo thời gian và nội dung truyền thông xã hội của chúng ta ngày càng phong phú hơn."

Việc đạt được điều đó là điều không hề dễ dàng ngay cả đối với những nhà sản xuất chip hàng đầu. Vào giữa năm 2022, Samsung trở thành công ty đầu tiên bắt đầu sản xuất hàng loạt chip 3 nanomet trên quy mô lớn. Cuối năm đó, Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) - nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp chính cho Apple - đã làm theo.

Loại chip này nhỏ tới mức nào? Nhỏ hơn nhiều so với một sợi tóc người, khoảng 50 đến 100.000 nanomet.

Những con chip "hàng đầu" nhỏ hơn này mạnh hơn, có nghĩa là chúng được gắn vào các thiết bị có giá trị hơn - siêu máy tính và AI.

Thị trường dành cho những con chip "tụt hậu" - cung cấp năng lượng cho những thứ bình thường hơn trong cuộc sống của chúng ta, chẳng hạn như lò vi sóng, máy giặt và tủ lạnh - cũng rất sinh lợi. Nhưng nhu cầu có thể sẽ giảm thiểu trong tương lai.

Hầu hết các con chip trên thế giới hiện đang được sản xuất tại Đài Loan, mang lại cho hòn đảo tự trị cái mà Tổng thống của họ gọi là "lá chắn silicon" - nói cách khác, là sự bảo vệ khỏi Trung Quốc, quốc gia tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo này.

Bắc Kinh cũng coi việc sản xuất chip là ưu tiên quốc gia và đang đầu tư mạnh vào siêu máy tính và trí tuệ nhân tạo. Họ còn lâu mới trở thành nhà dẫn đầu toàn cầu nhưng đã nhanh chóng bắt kịp trong thập kỷ qua, đặc biệt là về khả năng thiết kế chip, ông Miller cho biết.

“Những gì bạn thấy trong lịch sử là bất cứ khi nào các quốc gia hùng mạnh có công nghệ điện toán tiên tiến, họ sẽ triển khai vào các hệ thống tình báo và quân sự,” ông nói thêm.

Điều này, cùng với sự phụ thuộc vào nguồn cung của Đài Loan và các nước châu Á khác, đang khiến nước Mỹ lo lắng.

Mỹ kìm hãm bước tiến của Trung Quốc như thế nào?

Chính quyền Biden đang cố gắng ngăn chặn khả năng tiếp cận công nghệ sản xuất chip của Trung Quốc.

Tháng 10 năm ngoái, Washington đã công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sâu rộng khiến các công ty hầu như không thể bán chip, thiết bị sản xuất chip và phần mềm chứa công nghệ Mỹ cho Trung Quốc, bất kể họ có trụ sở ở đâu trên thế giới.

Mỹ cũng cấm công dân và những người thường trú ở nước này hỗ trợ "phát triển hoặc sản xuất" chip tại một số nhà máy ở Trung Quốc.

Điều này ảnh hưởng nặng nề đến Trung Quốc vì quốc gia này nhập khẩu cả phần cứng và nhân tài để thúc đẩy ngành sản xuất chip non trẻ của mình.

Công ty ASML của Hà Lan sẽ mất khoảng một phần tư doanh thu mà họ từng kiếm được từ Trung Quốc. Đây là công ty duy nhất sản xuất những máy in thạch bản tiên tiến nhất - những công cụ tạo ra những con chip "hàng đầu".

"Nhân tài rất quan trọng trong lĩnh vực này... nếu bạn nhìn vào các giám đốc điều hành của các công ty bán dẫn của Trung Quốc, rất nhiều người trong số họ có hộ chiếu Mỹ, họ được đào tạo ở Mỹ và họ có thẻ xanh. Vì vậy, đó thực sự là một vấn đề lớn đối với Trung Quốc," Linghao Bao, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu chính sách Trivium China, nói.

Mỹ cũng muốn sản xuất nhiều chip hơn. Đạo luật CHIPS và Khoa học cung cấp 53 tỷ USD tài trợ và trợ cấp cho các công ty sản xuất chất bán dẫn ở nước này. Những tay chơi lớn đang tận dụng điều đó. TSMC đang đầu tư vào hai nhà máy trị giá 40 tỷ USD ở Mỹ, cơ sở duy nhất của họ bên ngoài Đài Loan.

Micron, nhà sản xuất lớn nhất loại chip với bộ nhớ có trụ sở tại Mỹ - thứ thiết yếu cho siêu máy tính, phần cứng quân sự và bất kỳ thiết bị nào có bộ xử lý - đã công bố kế hoạch chi tới 100 tỷ USD trong 20 năm tới cho một nhà máy sản xuất chip máy tính ở ngoại ô New York.

Sanjay Mehrotra, giám đốc điều hành của Micron Technology cho biết: “Đạo luật Chips có thể thu hẹp khoảng cách chi phí tồn tại trong sản xuất ở Mỹ so với châu Á. "Micron sẽ tiếp tục đầu tư vào fabs [nhà máy] của chúng tôi ở châu Á. Điều quan trọng là sẽ có một sân chơi bình đẳng trên toàn cầu."

Nước đi của Trung Quốc

Các hạn chế của Mỹ đang đánh vào chỗ đau của Trung Quốc.

Apple được cho là đã tạm dừng thỏa thuận mua chip bộ nhớ từ một trong những công ty chip thành công nhất của Trung Quốc, Yangtze Memory Technologies Corp (YMTC), sau những hạn chế này.

Theo ông Bao, những gì xảy ra với Huawei là cách việc này có thể diễn ra. Ông Bao cho biết gã khổng lồ truyền thông Huawei đã từ vị trí nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới sau Samsung đến chỗ "về cơ bản đã chết".

"Vì vậy, Washington dễ dàng làm tê liệt một công ty công nghệ Trung Quốc như thế nào. Trung Quốc thực sự không có lựa chọn tốt nào để đáp trả điều đó. Trước đây, Mỹ nhắm mục tiêu vào từng công ty Trung Quốc. Nhưng lần này, phạm vi đã mở rộng ra cả nước."

Trung Quốc có thể làm bất cứ điều gì để đáp lại? Việc ngưng hàng hóa hoặc dịch vụ, hoặc áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của riêng mình, có thể gây hại nhiều hơn lợi vào thời điểm nền kinh tế của nước này đang đối mặt với tình trạng suy thoái nghiêm trọng.

Bắc Kinh đã khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng có thể mất nhiều năm để có một giải pháp.

Trong khi đó, các chuyên gia cho biết, Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi đầu tư và hỗ trợ cho ngành sản xuất chip trong nước.

Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10: “Chúng ta sẽ tập trung vào các nhu cầu chiến lược quốc gia, tập hợp sức mạnh để thực hiện nghiên cứu khoa học và công nghệ hàng đầu trong nước, đồng thời kiên quyết giành chiến thắng trong các công nghệ cốt lõi quan trọng”.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Trong ngắn hạn, ngành công nghiệp chip phải đối mặt với tình trạng suy thoái toàn cầu do cuộc chiến ở Ukraine, lạm phát gia tăng và sự mở cửa trở lại đầy gập ghềnh của nền kinh tế Trung Quốc.

Bắc Kinh sẽ muốn có những bước đi cẩn thận vì nền kinh tế của họ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid.

"Sẽ vẫn còn nhiều sự qua lại giữa các công ty Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc và các quốc gia khác. Thực sự chỉ ở lĩnh vực chip có bộ nhớ, chúng ta sẽ thấy nỗ lực phối hợp của Mỹ nhằm loại Trung Quốc ra khỏi mạng lưới đổi mới và nỗ lực của Trung Quốc để xây dựng chuỗi cung ứng không có Mỹ của họ”, ông Miller cho biết.

Ông nói thêm rằng điều này có thể có nghĩa là hệ sinh thái sẽ bị tách rời một phần - một tập trung vào Trung Quốc và một phần tập trung vào phần còn lại của thế giới.

Việc này dẫn đến sự phân nhánh rất lớn cho nền kinh tế toàn cầu. Nó sẽ buộc người tham gia phải chọn bên, có thể khiến nhiều người không thể tiếp cận thị trường Trung Quốc.

(Nguồn: BBC)

(Xem thêm:

=> Mỹ: Sự cố tài liệu mật; Sóng gió chờ Biden; Cấm bán dầu cho TQ; Lo sợ khi đổ tiền vào chip; 'Tam giác' Bắc Mỹ ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang