Mỹ: First Republic Bank sụp đổ; FED sắp tăng lãi suất; Trump có thêm đối thủ; DeSantis tính toán sai; Quan hệ với EU rạn nứt

Nóng: First Republic Bank sụp đổ, chính thức ‘bán mình’

CNBC đưa tin, ngân hàng First Republic Bank chính thức thuộc quyền sở hữu của Cục Bảo vệ Tài chính và Đổi mới California và bán lại cho JPMorgan Chase & Co.

Theo CNBC, sau những nỗ lực giải cứu, ngân hàng First Republic Bank (FRB) đã chính thức thuộc quyền sở hữu của Cục Bảo vệ Tài chính và Đổi mới California (DFPI), đồng thời được JPMorgan Chase & Co. mua lại.

“JPMorgan sẽ tiếp nhận tất cả các khoản tiền gửi, bao gồm cả khoản tiền gửi không được bảo hiểm - về cơ bản là tất cả tài sản của First Republic Bank”, DFPI cho biết trong tuyên bố gần đây. Họ cũng chỉ định Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) là đơn vị tiếp quản.

Kể từ sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) vào tháng 3/2023, thế giới luôn nghe ngóng động tĩnh của FRB. Giống như SVB - ngân hàng phục vụ cho cộng đồng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, First Republic cũng là một ngân hàng có hoạt động cho vay thế chấp lớn tại Mỹ và có lượng khách hàng giàu có ổn định.

Tuy nhiên, mô hình này đã bị “phá vỡ” sau sự sụp đổ của SVB. Chưa hết, các khách hàng của FRB đã rút hơn 100 tỷ USD tiền gửi - được FRB thông báo vào ngày 24/4 vừa qua. Cổ phiếu của First Republic Bank cũng đã giảm 97% kể từ đầu năm tính đến cuối ngày 28/4.

Sự cạn kiệt tiền gửi đã buộc FRB phải sử dụng các khoản vay có chi phí lớn từ Fed và hệ thống cho vay nội bộ liên bang FHLBS để duy trì hoạt động - điều này đã gây áp lực cho ngân hàng.

Các cố vấn của First Republic Bank đã hy vọng thuyết phục được các ngân hàng lớn nhất của Mỹ để giúp đỡ FRB một lần nữa. Nhưng cuối cùng, các ngân hàng - vốn đã cùng nhau bơm 30 tỷ USD tiền gửi vào FRB đã không thể đồng ý về kế hoạch giải cứu đó. Sau tất cả, First Republic Bank đã “kết thúc” - chấm dứt 38 năm hoạt động của ngân hàng.

(Nguồn: CafeF)

Fed dự kiến tiếp tục tăng lãi suất bất chấp rủi ro kinh tế

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ được cho là sẽ tăng lãi suất cho vay cơ bản lên lần thứ mười kể từ tháng 3/2022 vào ngày 3/5 nhằm tiếp tục cuộc chiến chống lại lạm phát.

Ngân hàng trung ương Mỹ có thể sẽ đưa ra quyết định này mặc dù ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chậm lại. Nhiều nhà kinh tế thậm chí còn dự đoán Mỹ sẽ bước vào một cuộc suy thoái vào cuối năm nay.

“Các dấu hiệu cho thấy Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) sẽ tăng lãi suất thêm 0,25% lên 5,25% vào ngày 3/5, bất chấp tình trạng hỗn loạn đang diễn ra trong hệ thống ngân hàng. Đây sẽ là lần tăng lãi suất cuối cùng của Fed trong thời gian sắp tới”, theo các chuyên gia của Bloomberg.

Lãi suất sau đó sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao nhằm đưa lạm phát trở lại mục tiêu dài hạn là 2% mà không gây ra suy thoái sâu hơn, theo các nhà phân tích.

Nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất vào ngày 3/5, đây sẽ là lần tăng lãi suất thứ mười liên tiếp của Fed kể từ tháng 3/2022, đưa lãi suất cơ bản lên mức cao nhất kể từ năm 2007. Hồi tháng 3/2022, lãi suất cho vay của Mỹ ở mức gần bằng 0.

Sóng gió ngành ngân hàng

Cuộc họp của FOMC ấn định lãi suất vào ngày 2 và 3/5 sẽ được tổ chức trong bối cảnh rất khác so với cuộc họp trước đó vào tháng 3, khi ngành ngân hàng lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng do sự sụp đổ bất ngờ của ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB).

Sự sụp đổ nhanh chóng của SVB sau khi gánh khoản lỗ lớn do lãi suất tăng cao đã làm dấy lên mối lo ngại về sự lây lan trong ngành ngân hàng. Nỗi lo này càng được khuếch đại bởi sự sụp đổ của ngân hàng Signature có trụ sở tại New York vài ngày sau đó.

Trong bối cảnh bất ổn đang diễn ra trong lĩnh vực ngân hàng, Fed đã quyết định tăng lãi suất lên 0,25% vào ngày 22/3 thay vì tăng 0,5% như dự kiến trước đó.

Những nỗ lực phối hợp của các cơ quan quản lý Mỹ và châu Âu sau sự sụp đổ của SVB đã giúp làm dịu thị trường tài chính và dường như đã ngăn chặn được những tổn thất nghiêm trọng hơn nữa trong lĩnh vực ngân hàng.

Mặc dù vậy, sự sụp đổ của SVB vẫn có tác động lâu dài đến lĩnh vực ngân hàng, do đó, các ngân hàng đã bắt đầu thắt chặt điều kiện cho vay kể từ tháng 3. Theo các quan chức của Fed, các điều kiện cho vay thắt chặt hơn cũng giống như một đợt tăng lãi suất bổ sung, do đó, Fed có thể giảm số lần tăng lãi suất cần thiết để đưa lạm phát trở lại mức 2%.

Tuy nhiên, Thống đốc Fed Christopher Waller cảnh báo, không nên đưa ra phán đoán như vậy trước khi dữ liệu về tác động của khủng hoảng tài chính và hoạt động cho vay của ngân hàng được công bố.

Lần tăng lãi suất cuối cùng?

Dữ liệu kinh tế gần đây của Mỹ chỉ ra một nền kinh tế đang chậm lại, với những dự đoán ngày càng tăng rằng Mỹ sẽ bước vào suy thoái vào cuối năm nay.

Dữ liệu được công bố vào cuối tháng 4 cho thấy, sản lượng kinh tế đã giảm xuống mức 1,1% hàng năm trong quý I/2023, trong khi lạm phát lõi - thước đo lạm phát ưa thích của Fed, giảm từ 5,1% trong tháng 2 xuống mức 4,2% hàng năm trong tháng 3.

Tác động ngày càng tăng của chiến dịch tăng lãi suất của Fed đối với nền kinh tế Mỹ khiến các nhà phân tích và thương nhân dự đoán Fed có thể sẽ ngừng tăng lãi suất sau quyết định hôm 3/5.

Các nhà kinh tế của Deutsche Bank cũng thiên về ý kiến này. Tuy nhiên “chúng tôi nhận thấy rủi ro nghiêng về một đợt tăng khác vào tháng 6”, Deutsche Bank cho biết trong một lưu ý gửi khách hàng gần đây.

Sau quyết định tăng lãi suất hồi tháng 3, Chủ tịch Jerome Powell ngụ ý Fed có thể sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa trước khi kết thúc chu kỳ tăng lãi suất hiện tại.

Biên bản cuộc họp tháng 3 của FOMC cho biết, Fed đã dự đoán Mỹ sẽ bước vào suy thoái nhẹ vào cuối năm nay trong bối cảnh lãi suất cao và điều kiện cho vay thắt chặt.

Nhà kinh tế cấp cao Kenneth Kim của KPMG cho rằng mức độ suy thoái sẽ phụ thuộc vào việc Fed quyết định tăng lãi suất thêm bao nhiêu phần trăm.

“Bất kỳ đợt tăng lãi suất nào sau tháng 5 đều có nguy cơ dẫn đến suy thoái sâu hơn so với sự suy thoái nhẹ mà chúng ta hiện đang dự đoán”, ông Kim khẳng định

(Nguồn: Người Đưa Tin)

Ông Trump có thêm đối thủ trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tim Scott sẽ công bố kế hoạch tranh cử tổng thống Mỹ vào ngày 22/5 tới.

Reuters đưa tin ông Tim Scott, Thượng nghị sĩ da màu duy nhất của đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ, sẽ công bố kế hoạch tranh cử tổng thống vào ngày 22/5 tới.

Trong kế hoạch tranh cử, Thượng nghị sĩ Scott tuyên bố sẽ tập trung vào nhiệm vụ "thu hẹp bất bình đẳng sắc tộc", cũng như lên tiếng chỉ trích Tổng thống Joe Biden cùng đảng Dân chủ trong các vấn đề như tỷ lệ tội phạm và lạm phát.

Trước đó, ông Scott đã thành lập một ủy ban để tìm hiểu về cơ hội tranh cử vào đầu tháng 4/2023. Ủy ban này đã hỗ trợ Thượng nghị sĩ Scott nâng cao hình ảnh cũng như thu hút các nhà tài trợ tiềm năng.

Ông Tim Scott, 58 tuổi, là Thượng nghị sĩ tới từ bang Nam Carolina. Ông đắc cử vào Thượng viện Mỹ vào năm 2013 và hiện là thành viên cao cấp của Ủy ban Ngân hàng của cơ quan lập pháp này. Trước đó, ông là thành viên của Hạ viện Mỹ từ năm 2011-2013.

Theo Reuters, hiện Thượng nghị sĩ Scott nhận được sự ủng hộ từ khoảng 2% đảng viên Cộng hòa trên toàn quốc. Con số này được cho là kém xa so với cựu Tổng thống Donald Trump cùng Thống đốc bang Florida Ron DeSantis. Tuy nhiên, với những lợi thế từ sự ủng hộ của cộng đồng đảng viên Cộng hòa người Mỹ gốc Phi, ông Scott hoàn toàn có thể thu hẹp khoảng cách ủng hộ trong thời gian tới.

Hiện tại, các ứng viên trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa bao gồm cựu Tổng thống Donald Trump, Thống đốc bang Florida Ron DeSantis, cựu Thống đốc bang Nam Carolina Nikki Haley, cựu Thống đốc bang Arkansas Asa Hutchinson, doanh nhân dược phẩm Vivek Ramaswamy cùng người dẫn chương trình Larry Elder.

(Nguồn: Dân Trí)

Tính toán sai lầm của ông DeSantis

Xung đột giữa thống đốc bang Florida và Disney đã biến thành một cuộc chiến pháp lý kéo dài. Một số đảng viên Cộng hòa bắt đầu đặt câu hỏi về chiến lược của ông DeSantis.

Thống đốc Florida Ron DeSantis từng gợi ý đó có thể là một cuộc chiến khi lần đầu tiên ông đe dọa tước bỏ quyền kiểm soát Vương quốc Phép thuật của Walt Disney, gồm công viên giải trí và khách sạn xung quanh Orlando.

Một năm sau, ông tiếp tục vướng vào một cuộc xung đột kéo dài với gã khổng lồ giải trí, chuyển từ vấn đề chính trị sang tòa án, mà không có hồi kết.

Cuộc chiến giữa ông DeSantis - ngôi sao đang lên của đảng Cộng hòa và có khả năng trở thành ứng viên tổng thống năm 2024 - chống lại ông Robert Iger - giám đốc điều hành nặng ký của đế chế Walt Disney.

Theo Wall Street Journal, việc ông Iger quay trở lại điều hành giúp những người vận động hành lang của Disney tự tin hơn rằng họ có thể kiên trì trong cuộc chiến. Các chuyên gia pháp lý cho biết đây sẽ là một cuộc chiến lâu dài.

Trong khi đó, một số chính trị gia trong cơ quan lập pháp do đảng Cộng hòa (GOP) thống trị, vốn ủng hộ thống đốc DeSantis, nói rằng họ bắt đầu đặt câu hỏi về chiến lược của ông đối với Disney.

Tranh cãi

Năm 2022, ông DeSantis đã ký luật, làm suy yếu quyền kiểm soát của Disney đối với khu thuế đặc biệt, bao gồm khu nghỉ dưỡng Walt Disney World, sau khi công ty này lên tiếng phản đối luật của thống đốc Florida. Luật này cấm giáo viên tổ chức thảo luận về bản dạng giới hay xu hướng tính dục ở độ tuổi trước lớp 3.

Ông DeSantis sau đó đã lựa chọn cẩn thận một hội đồng mới - chủ yếu gồm các nhà tài trợ cho chiến dịch của mình và những người tham gia vào bộ máy đảng Cộng hòa của bang - để giám sát khu vực.

Nhưng trước khi các thành viên này ngồi vào chỗ, Disney đã đạt được thỏa thuận vào phút cuối với hội đồng quản trị cũ về việc phê duyệt phát triển đất đai trong 30 năm tới, cho phép Walt Disney World mở rộng công viên giải trí và khu nghỉ dưỡng của mình.

Chủ tịch hội đồng quản trị mới, Martin Garcia, cho biết ông nhận được cuộc gọi vào một đêm muộn từ giám đốc pháp lý của khu vực. “Bạn sẽ không tin những gì tôi tìm thấy đâu”, người này nói.

Vị luật sư cho biết ông đã phát hiện ra các tài liệu liên quan đến thỏa thuận trên vào phút cuối, có thể làm giảm bớt phần lớn quyền lực của hội đồng quản trị mới.

Vào hôm 26/4, hội đồng quản trị mới của ông DeSantis bỏ phiếu tuyên bố vô hiệu thỏa thuận vào phút cuối đó. Disney sau đó kiện ông DeSantis, các thành viên trong hội đồng quản trị mới và những quan chức khác tại tòa án liên bang.

Vụ kiện cáo buộc thống đốc đảng Cộng hòa tiến hành một “chiến dịch trả đũa có mục tiêu của chính phủ”.

“Theo yêu cầu của thống đốc, hội đồng giám sát của bang có ý định 'vô hiệu' các hợp đồng phát triển công khai và thỏa thuận hợp lệ, vốn đặt nền móng cho hàng tỷ USD đầu tư của Disney và hàng nghìn việc làm”, công ty cho biết trong tuyên bố thông báo việc nộp đơn kiện.

“Hành động này của chính phủ rõ ràng là trả đũa, chống kinh doanh và vi hiến. Nhưng thống đốc cùng các đồng minh nói rằng họ không quan tâm và sẽ không dừng lại”, theo tuyên bố.

Trong bối cảnh đó, Taryn Fenske, phát ngôn viên của ông DeSantis, nói: “Vụ kiện này là một ví dụ đáng tiếc khác về hy vọng của họ (Disney) nhằm làm suy yếu nguyện vọng của cử tri Florida và hoạt động bên ngoài giới hạn của luật pháp”.

Ảnh hưởng đến ông DeSantis

Vụ kiện tụng có thể ảnh hưởng đến các kế hoạch phát triển, cũng như triển vọng trong cuộc đua vào Nhà Trắng của thống đốc DeSantis - người coi việc “thức tỉnh các tập đoàn” là một trong những chiến lược kêu gọi.

“Disney đang chơi trò chơi lâu dài”, Jeff Brandes, cựu thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, người trước đây từng làm việc chặt chẽ với nhà vận động hành lang hàng đầu của Disney ở Florida, cho biết. “Disney đã ở đây được 50 (năm). Họ sẽ không đi đâu cả”.

Thống đốc DeSantis tái đắc cử trong cuộc bầu cử vào năm ngoái và gây dựng hình ảnh là người chiến thắng trong các cuộc đấu tranh chính sách. Tuy nhiên, sự ủng hộ của các nhà lập pháp GOP đối với ông đang bị xói mòn khi ông đấu tranh để giành ưu thế trước Disney.

Một số thành viên đảng Cộng hòa cho biết cách tiếp cận của ông DeSantis ngày càng giống sự trả thù cá nhân, và sự can thiệp mạnh tay của chính phủ vào công việc của một trong những bên tuyển dụng lớn nhất bang.

Theo Wall Street Journal, các "vết nứt" đang xuất hiện.

Sức nặng kinh tế của Disney mang lại cho công ty này một số đòn bẩy. Ông Iger cho biết tại cuộc họp thường niên của công ty năm nay rằng Disney có kế hoạch đầu tư 17 tỷ USD vào Florida trong thập kỷ tới và tạo ra 13.000 việc làm mới.

Theo ông, bất cứ nỗ lực nào nhằm cản trở các kế hoạch đó “không chỉ là chống lại doanh nghiệp mà còn… chống lại Florida”.

(Nguồn: Zing News)

Quan hệ Mỹ và châu Âu đang "rạn nứt"?

Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden xác nhận sẽ tái tranh cử, các đồng minh châu Âu của Mỹ đã bắt đầu bàn thảo vệ điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với tương lai của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Khi ông Biden đắc cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020, nhiều nhà lãnh đạo trên khắp khu vực đã cảm thấy nhẹ nhõm vì có một Tổng thống có quan điểm ôn hòa hơn sẽ trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Nhưng họ cũng biết rằng, ông Biden sẽ không thể khắc phục tất cả những thiệt hại đã gây ra trong 4 năm cầm quyền của Donald Trump.

Cựu Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích các đồng minh châu Âu của Mỹ. Ông đe dọa tiến hành chiến tranh thương mại, đặt câu hỏi về các nguyên tắc của liên minh NATO và nhiều lần lên tiếng chỉ trích Liên minh châu Âu.

Chính vì lẽ đó, châu Âu vẫn chưa hoàn toàn thay đổi thái độ với Mỹ sau khi nhiệm kỳ của ông Trump kết thúc. Có rất nhiều lý do để lý giải cho điều này. Theo ông Dan Baer, Giám đốc Chương trình Châu Âu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, những người ở châu Âu tin rằng, có khả năng những nhà lãnh đạo có quan điểm diều hâu như ông Trump hoặc ai đó có quan điểm tương đồng giống ông có thể xuất hiện.

CNN đã trích dẫn lời của một quan chức châu Âu giấu tên, cho biết: “Chúng tôi nhìn vào những gì đã xảy ra trong quá khứ và tự hỏi liệu điều gì đó tương tự hoặc tồi tệ hơn sẽ tiếp tục xảy ra hay không. Chúng tôi nhìn vào sự chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ và tự hỏi liệu chúng tôi có thể tin tưởng rằng, Mỹ sẽ không tăng cường tiến hành các chương trình nghị sự về chủ nghĩa bảo hộ và nước Mỹ trên hết hay không?”

Quan chức này nhấn mạnh: “Chúng tôi không thể quá phụ thuộc vào một đồng minh mà chúng tôi không thể tin tưởng là sẽ duy trì chính sách đối ngoại ổn định”.

Trên thực tế, quan hệ Mỹ- EU đã phục hồi khá nhiêu sau khi Tổng thống Donald Trump hết nhiệm kỳ. Điều này được thấy rõ nhất trong sự hợp tác mạnh mẽ giữa hai bên trong cuộc chiến tại Ukraine. Tuy nhiên, trong các lĩnh vực khác của mối quan hệ song phương lại có nhiều tín hiệu chưa rõ ràng.

Sự thiếu tin tưởng và nghi ngờ này đối với Mỹ đã góp phần thúc đẩy "châu Âu tự chủ chiến lược". Về cơ bản, đây là là một nỗ lực để EU có một chính sách đối ngoại độc lập khiến khối này ít phụ thuộc vào Mỹ hơn. Một phần quan trọng trong chương trình nghị sự đó là việc châu Âu duy trì quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, điều mà lưỡng đảng Hoa Kỳ đánh giá là khó có thể chấp nhận được.

Mặc dù Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã giải thích tầm nhìn của ông về quyền tự chủ chiến lược của châu Âu bằng những từ ngữ gây tranh cãi, nhưng nhìn chung, tất cả 27 quốc gia thành viên EU đều ủng hộ chương trình nghị sự về quyền tự chủ chiến lược, mặc dù có những mức độ khác nhau trong thái độ với Trung Quốc.

Theo ông Mario Esteban, một nhà phân tích tại Real Instituto Elcano, những lo ngại của châu Âu đối với nước Mỹ hiện đại đã khiến ngay cả những người hoài nghi Trung Quốc nhất ở EU cũng phải chấp nhận rằng châu Âu giờ đây phải có cách tiếp cận khác với Bắc Kinh so với Washington.

"Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả các quốc gia EU đều đồng thuận về vấn đề này. Một số ý kiến, đặc biệt là ở phía Đông của khối, lo sợ rằng sự hấp dẫn của thị trường Trung Quốc và lao động giá rẻ khiến các quốc gia khác không nhận thức được nguy cơ bị phụ thuộc quá nhiều về kinh tế vào Trung Quốc", ông Esteban nói thêm.

“Chúng ta cần loại bỏ rủi ro khỏi mối quan hệ với Trung Quốc, điều mà chúng ta đã không làm với Nga. Tôi lo lắng rằng chúng ta đang đánh giá thấp rủi ro từ Trung Quốc,” một nhà ngoại giao Đông Âu cho biết.

Không thể phủ nhận rằng cái bóng của nhiệm kỳ Tổng thống Trump và việc Tổng thống Biden tiếp tục chính sách hướng nội hơn là hướng ngoại đã thúc đẩy quyết tâm châu Âu trong việc củng cố vị thế của riêng mình trên thế giới, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ. Mặc dù vậy, các quan chức châu Âu vẫn kỳ vọng Tổng thống Joe Biden sẽ đắc cử nhiệm kỳ thứ hai. Châu Âu vẫn cần một nhà lãnh đạo Mỹ có quan điểm gần gũi với đồng minh, thay vì tách rời trong mọi vấn đề.

(Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang