Luật Chuyển đổi giới tính; Loay hoay nhà máy xử lý rác; Cua Cà Mau bị TQ thao túng; 'Chưa bắt được bà Thanh Nhàn'

Lần đầu Quốc hội xem xét đề xuất xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính

(Ảnh minh họa).

Mặc dù không quy định cụ thể về quyền chuyển đổi giới tính, song nội dung Điều 37 Bộ Luật dân sự năm 2015 đã gián tiếp thừa nhận quyền này. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự không thể giải quyết những vấn đề cụ thể.

Theo chương trình Phiên họp thứ 23, sáng 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính. Đây là dự án luật lần đầu tiên được đề nghị ban hành và do đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội đề xuất.

Hiện nay, tại Việt Nam, người chuyển giới chưa được đề cập trong các quy định của văn bản pháp luật, nhưng trong một số luật cụ thể đã không có sự phân biệt giữa nam, nữ và người chuyển đổi giới tính. Cụ thể như Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 và được sửa đổi năm 2014; Luật Quốc tịch Việt Nam vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; Luật Cư trú; Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) được sửa đổi năm 2020; Luật Thể dục, thể thao và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao…

Vấn đề chuyển đổi giới tính được đề cập tập trung trong Bộ luật Dân sự và một số văn bản hướng dẫn thi hành. Trước đây, Điều 36 Bộ Luật dân sự năm 2005 quy định cho phép cá nhân có quyền được xác định lại giới tính song chỉ trong trường hợp giới tính bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác. Tại điểm e, điều 27 Bộ Luật dân sự năm 2005 chỉ cho phép những người "được xác định lại giới tính" thay đổi họ, tên.

Tiếp đó, ngày 24/11/2015, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Dân sự năm 2015, trong đó bao gồm quy định về chuyển đổi giới tính. Cụ thể, Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan". Với quy định này, Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ 11 tại châu Á, hợp pháp hoá việc chuyển đổi giới tính.

Hiện nay, theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật hộ tịch thì việc "Thay đổi họ, chữ đệm và tên của cá nhân trong nội dung khai sinh đã đăng ký khi có căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự".

Mặc dù không quy định cụ thể về quyền chuyển đổi giới tính, song nội dung Điều 37 Bộ Luật dân sự năm 2015 đã gián tiếp thừa nhận quyền này. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự không thể giải quyết những vấn đề cụ thể như: Đối tượng nào được thay đổi giới tính trên giấy tờ; Ai có đủ điều kiện để được thực hiện các can thiệp y học; Các quan hệ pháp lý của người được công nhận đã thực hiện chuyển đổi giới tính thành công...

Trước đó, tại phiên họp 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 10/4, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đã có tờ trình đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới, trong đó nhấn mạnh quyền được chuyển đổi giới tính của công dân.

Đại biểu cho biết, phạm vi điều chỉnh của luật chỉ tập trung vào 2 dạng giới nam và nữ. Theo đó, luật quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển đổi giới tính từ nữ sang nam hoặc từ nam sang nữ; cơ quan có thẩm quyền, thực hiện xác nhận giới tính của người chuyển đổi giới tính; điều kiện, hồ sơ, thủ tục đối với người có nguyện vọng chuyển đổi giới tính; điều kiện, hồ sơ, thủ tục đối với tổ chức, cá nhân thực hiện can thiệp y học.

3 chính sách được thể hiện rõ là quyền chuyển đổi giới tính của công dân; quyền được công nhận giới tính mới khác giới tính khi sinh theo yêu cầu của công dân và quyền được lựa chọn hình thức can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân.

Chính phủ cho rằng, việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng văn bản luật về chuyển đổi giới tính là cần thiết để góp phần thể chế hóa một số nội dung liên quan đến quyền con người đã được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Dân sự năm 2015.

(Nguồn: Soha)

Loay hoay với những nhà máy xử lý rác

Nhiều "núi" rác mọc lên ở các tỉnh Tây Nam Bộ. Trong khi đó, có những nhà máy xử lý rác đầu tư xong lại không hoạt động.

Các tỉnh miền Tây Nam Bộ cứ loay hoay với điệp khúc: kêu gọi đầu tư, rác ùn ứ, ô nhiễm, xử phạt và sau đó… nhà máy lại "trùm mền"?

"Núi" rác "mọc" từ đất liền ra biển đảo

Tại An Giang, khu liên hợp xử lý chất thải rắn cụm Long Xuyên (Công ty cổ phần Môi trường đô thị An Giang) từ xử lý chôn rác nay đã mọc lên hai "núi" rác cao 35m.

Hố chôn số 1 tại huyện Châu Thành có diện tích 17.8002 để chôn lấp rác cho TP Long Xuyên và hai huyện Châu Thành, Châu Phú. Đến tháng 11-2021, hố chôn này đã quá tải hàng trăm ngàn tấn rác.

Cuối năm 2021, công ty đã xây dựng hố chôn lấp số 2. Nhưng chỉ hơn một năm rác đã tràn ngập khoảng 170.000 tấn. "Hố chôn rác này ban đầu tính làm tạm, sau đó kêu gọi đầu tư. Nhưng chưa thấy doanh nghiệp nào tới. Công việc của chúng tôi là xử lý để rác không tràn ra ngoài, ảnh hưởng đến bà con" - ông Lê Thành Tiến Danh, nhân viên khu liên hợp xử lý chất thải rắn cụm Long Xuyên, nói.

Tỉnh Tiền Giang cũng có tám bãi rác đang hoạt động, trong đó hai bãi rác Tân Lập (huyện Tân Phước) và Long Chánh (thị xã Gò Công) đang tồn đọng hàng triệu tấn rác. Bãi rác Tân Lập 1 rộng gần 15ha, là nơi tập kết rác thải sinh hoạt, sản xuất từ bảy huyện, thành phố trong tỉnh. Hằng ngày có 500 tấn rác được đưa đến đây trong khi công suất chôn lấp của bãi này chỉ 180 tấn/ngày đêm.

Tại tỉnh Vĩnh Long, mỗi ngày có trên 350 tấn rác được đưa về chôn lấp tại bãi rác duy nhất của tỉnh ở xã Hòa Phú, huyện Long Hồ. Do quá tải nên khu vực này thường xuyên bốc mùi hôi thối, phát tán mùi ra quốc lộ 1, khu dân cư 450 hộ dân sinh sống xung quanh.

Huyện đảo Kiên Hải và TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang cũng khốn khó vì rác thải. Ông Huỳnh Quang Hưng - chủ tịch UBND TP Phú Quốc - cho biết toàn đảo mỗi ngày phát sinh 200 tấn rác, chủ yếu tập kết tạm về bãi rác Đồng Cây Sao (xã Cửa Dương). "Nơi này rác cũng đã nhiều thành núi. Vấn đề xử lý rác thải ở địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Người dân, du khách đều bức xúc", ông Hưng nói.

Điệp khúc kêu gọi đầu tư

Tại Bến Tre, năm 2018 tỉnh này đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy xử lý rác rộng 4ha, tổng vốn đầu tư 200 tỉ đồng. Sau đó, bãi rác này để xảy ra ô nhiễm, xử lý không đúng tiêu chuẩn và tồn đọng 100.000 tấn rác. Tháng 7-2022, UBND tỉnh Bến Tre ra lệnh buộc đóng cửa, xử phạt 510 triệu đồng và yêu cầu xử lý hết số rác tồn đọng.

Dự án xây dựng nhà máy đốt rác tại xã Long Chánh (thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) dự kiến có công suất 200 tấn rác/ngày đã được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt, nhưng dự án phải dừng do vướng các tiêu chí về diện tích, khoảng cách với khu dân cư, quy hoạch sử dụng đất...

Tỉnh Vĩnh Long từng có nhà máy xử lý rác công nghệ châu Âu, công suất xử lý 200-300 tấn rác/ngày. Tuy nhiên, nhà máy 200 tỉ đồng này chỉ cầm cự được khoảng nửa năm rồi đóng cửa. Tháng 9-2016, nhà máy hoạt động lại và chuyển sang phương án đốt.

Nhưng sau đó lại ngưng vì tiền thu từ xử lý rác không đủ chi phí vận hành. Ông Lữ Quang Ngời - chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long - cho biết chậm nhất trong quý 2 năm 2023 sẽ có nhà đầu tư mới.

Tỉnh An Giang cũng đang tính phương án kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý rác có công suất 200 tấn/ngày tại xã Phú Thạnh, huyện Phú Tân và nhà máy xử lý rác 1.000 tấn/ngày tại khu liên hợp xử lý rác thải cụm Long Xuyên.

Ông Huỳnh Quang Hưng cũng khẳng định: "UBND TP đã lập hồ sơ đấu thầu, mời thầu xử lý bãi rác tạm ở Đồng Cây Sao. Hiện đã có nhà thầu trúng thầu với số tiền khoảng 55 tỉ đồng, dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ xử lý bãi rác tạm".

Giải pháp nào?

Ông Tô Hoàng Môn - phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang - cho biết: "An Giang sẽ đặt nhiều tiêu chí để mời gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy xử lý rác. Điều kiện bắt buộc trong vòng 18 tháng trúng dự án thì doanh nghiệp phải triển khai thực hiện. Tỉnh sẽ làm hoàn thiện hạ tầng bên ngoài bãi rác, đường, điện, nước và thậm chí làm sạch mặt bằng để "trải thảm" mời gọi doanh nghiệp đầu tư. Nhưng 6 tháng sau khi trúng thầu nếu doanh nghiệp không "động tĩnh" gì, chúng tôi đề nghị cấp trên thu hồi chủ trương đầu tư".

Theo ông Võ Quốc Thanh - giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Long, hiện trung ương đã có nhiều chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư ở lĩnh vực này. Ví dụ như miễn tiền thuê đất, được Nhà nước hỗ trợ chi phí xử lý rác… Vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ là rác thải ở nước ta rất tạp, không được phân loại. Dù là công nghệ cao cấp thế nào cũng không thể xử lý, đốt nổi lượng lớn rác tạp này.

(Nguồn: Môi trường & Đô thị)

Cua Cà Mau đang bị đối tác Trung Quốc thao túng

(Ảnh minh họa).

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp Bộ Công thương đàm phán với phía Trung Quốc về mở cửa thị trường chính ngạch cho cua Cà Mau.

Ngày 11.5, Đoàn công tác Chính phủ do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn.

Giá cao hay thấp do đầu nậu quyết định

Tại buổi làm việc, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, thông tin cua Cà Mau được đánh giá là sản phẩm đặc sản, có chất lượng vượt trội, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Tuy nhiên, cua Cà Mau chủ yếu xuất tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc và vì tiểu ngạch nên gặp nhiều rủi ro, bị đối tác thao túng giá cả, khó tổ chức sản xuất theo hướng bền vững.

"Sản phẩm cua của Cà Mau đang bị thao túng. Cua gạch ở bên đây khi bán sang đó người ta chỉ làm thêm bao bì, nhãn hiệu rồi bán cao gấp 5 - 7 lần. Đặc biệt, giá cua ở Cà Mau cao hay thấp, bán được nhiều hay ít là do đầu nậu ở biên giới quyết định. Đó là thông tin từ doanh nghiệp khi tìm hiểu về thị trường xuất khẩu", ông Sử nêu.

Cà Mau đang có khoảng 250.000 ha nuôi cua xen canh. Cua cũng là sản phẩm chủ lực, góp phần thu nhập chủ yếu cho người nuôi thủy sản (chỉ đứng sau con tôm). Để khắc phục tình trạng trên, Cà Mau sẽ xây dựng và thực hiện Đề án tổ chức lại sản xuất và xuất khẩu chính ngạch sản phẩm cua sang thị trường Trung Quốc và một số nước trong khu vực. Từ đó, Cà Mau kiến nghị các bộ ban ngành liên quan vào cuộc hỗ trợ, nhất là việc đàm phán xuất khẩu sản phẩm cua chính ngạch.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Bộ Công thương đàm phán với phía Trung Quốc về mở cửa thị trường chính ngạch cho cua Cà Mau. Theo Bộ trưởng, khi mở cửa thị trường thì tỉnh cần tổ chức lại ngành hàng cua, phải đáp ứng tất cả các chuẩn mực của thị trường đó. Thời gian qua, có tình trạng khi mở cửa thị trường lúc đầu giá cao, sau đó xuống thấp. Vì vậy, mở cửa thị trường đã khó, giữ thị trường tối ưu giá còn khó hơn.

Sạt lở bờ biển, bờ sông đang tác động rất tiêu cực

Theo ông Lê Văn Sử, Cà Mau cũng đang gặp khó khăn trong việc thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng. Đặc biệt, sạt lở bờ biển, bờ sông đang tác động xấu, cần được quan tâm, đầu tư.

Đối với Dự án xây dựng đê biển Tây từ Cái Đôi Vàm đến Kênh Năm, tỉnh Cà Mau vay vốn ODA của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), phải chờ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 do điều chỉnh chủ trương đầu tư. Văn phòng AFD thông tin, nếu quá thời hạn 31.12.2023 không ký kết được Hiệp định thì AFD sẽ không tiếp tục duy trì tài trợ khoản vay cho dự án (khoản vay ODA 20,06 triệu Euro và viện trợ không hoàn lại 3,76 triệu Euro).

Ông Lê Văn Sử kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến chấp thuận cho UBND tỉnh thực hiện quy trình trình HĐND phê duyệt báo cáo điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án song song với thời gian trình phê duyệt Quy hoạch để kịp tiến độ thực hiện ký Hiệp định với AFD. Vì hiệp định khởi động từ năm 2012, nếu để mất thật đáng tiếc.

Cà Mau kiến nghị Chính phủ cho phép tỉnh xây dựng Đề án đầu tư kè phòng chống sạt lở bờ biển, bờ sông và hỗ trợ vốn từ nguồn dự phòng ngân sách phòng, chống thiên tai của T.Ư để thực hiện. Mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành các công trình kè những đoạn bờ biển, bờ sông bị sạt lở nguy hiểm.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề trước tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, trong đó có Cà Mau. Vì vậy, Bộ sẽ cùng với tỉnh xây dựng chiến lược, tầm nhìn dài hạn về đối phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, có giải pháp công trình và giải pháp phi công trình.

Bộ trưởng cũng đề nghị các đơn vị liên quan trong Đoàn công tác của Chính phủ sau buổi làm việc phải có báo cáo cụ thể để giải quyết những khó khăn tỉnh Cà Mau nêu ra. Về các kiến nghị của tỉnh Cà Mau, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

(Nguồn: Thanh Niên)

'Chưa bắt được bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, không có chuyện bắt được giấu ở đâu'

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trong vụ án AIC vẫn lẩn trốn, cơ quan chức năng đang tích cực phối hợp để áp dụng các biện pháp cố gắng truy bắt.

Chiều 10/5, Ban Nội chính Trung ương họp thông báo về kết quả phiên họp của Ban chỉ đạo (BCĐ) Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết, liên quan 3 vụ án lớn là Vạn Thịnh Phát, AIC, Việt Á thì Thường trực BCĐ và BCĐ yêu cầu ưu tiên để các cơ quan bảo vệ pháp luật thực thi đúng theo thời hạn luật định.

Với vụ Việt Á, về cơ bản các cơ quan tố tụng đã điều tra, làm rõ; nhưng đây là vụ án xảy ra từ Trung ương đến địa phương và xuyên suốt có đối tượng của công ty Việt Á.

Tại cuộc họp sáng nay, Thường trực BCĐ thống nhất, theo đề nghị của Cơ quan điều tra Bộ Công an và các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương quyết định cho lùi thời hạn kết thúc điều tra trong quý 2/2023; ban hành cáo trạng truy tố, xét xử trong quý 3/2023.

Đối với 2 vụ án còn lại, yêu cầu các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử theo thời hạn của Bộ Luật Tố tụng Hình sự cho phép, quy định.

Riêng với bị án Nguyễn Thị Thanh Nhàn thì cơ quan chức năng đang tích cực phối hợp với nhau để áp dụng các biện pháp cố gắng truy bắt.

“Vụ án đã đưa ra xét xử, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn từ bị can, thành bị cáo giờ thành bị án. Người đã có bản án, trách nhiệm của bị án là phải thi hành, Nhà nước quyết tâm thi hành. Giờ chúng ta chưa bắt được, chứ không có chuyện bắt được xong giấu ở đâu”, ông Yên thông tin.

Phân hoá, xử lý các đối tượng trong vụ án đăng kiểm

Liên quan đến vụ án đăng kiểm, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương nêu rõ các vi phạm, sai phạm là có thật và liên quan trực tiếp đến Cục đăng kiểm của Bộ Giao thông Vận tải.

"Vi phạm, sai phạm có tổ chức, kéo dài nhiều năm, liên quan đến nhiều người. Hành vi ở đây diễn ra liên tục, nhiều cấp độ khác nhau. Giá trị tiêu cực tính bằng tiền ở đây là không lớn nhưng hậu quả để lại cho xã hội vô cùng lớn", ông Yên nhận định.

Ông dẫn chứng, mỗi năm ở nước ta có 8.000 - 10.000 người tử vong do tai nạn giao thông, trong đó cũng có "phần lỗi của đăng kiểm không đến nơi, đến chốn".

Ông Yên nhấn mạnh "có sai, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì phải xử lý. Nhưng xử lý như thế nào để không ảnh hưởng đến đăng kiểm phương tiện giao thông, không ảnh hưởng đến lưu thông, phát triển kinh tế xã hội".

Thường trực Ban chỉ đạo đã thống nhất chủ trương giao các cơ quan chức năng có giải pháp xử lý phù hợp nhất. Chủ trương là phân hoá xử lý các đối tượng có liên quan trong các vụ án, để có cơ chế đồng bộ, áp dụng trên toàn quốc.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng cho hay, trên cơ sở đánh giá công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực từ sau phiên họp thứ 23 (tháng 1) đến nay, Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh công tác này.

Tinh thần được Thường trực Ban Chỉ đạo nêu rõ là “kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh phải thực hiện “4 hơn” và “3 không”. “4 hơn là: tích cực hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn. Còn 3 không là: không đùn đẩy, không né tránh và không đỗ lỗi khách quan”, ông Đặng Văn Dũng cho biết.

(Nguồn: Vietnamnet)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang