Lương chưa tăng điện nước đã tăng; Bất thường dự án BT Vành đai 2,5; Số phận 'siêu máy bơm' chống ngập; Kỷ luật loạt lãnh đạo

Lương chưa tăng, giá điện nước đã tăng

(Ảnh minh họa).

Tăng lương để bù đắp những khó khăn cho người lao động là hợp lý. Nếu ổn định được mặt bằng giá cả thì tăng lương mới có ý nghĩa thực sự.

Việc tăng lương tối thiểu đã được cơ quan chức năng tính toán từ nhiều năm trước nhưng vì dịch bệnh, điều kiện kinh tế chưa cho phép nên không thể thực hiện.

Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, các đại biểu mới thảo luận và cho ý kiến về phương án điều chỉnh tiền lương cơ sở. Cuối cùng, phương án được đưa ra là sẽ tăng từ 1/7/2023 với mức tăng từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng/tháng. Thông tin về việc tăng lương mang đến niềm vui cho đông đảo người lao động.

Bên lề kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, việc tăng lương cần được triển khai kịp thời để hỗ trợ người lao động yên tâm làm việc sau đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, những lo lắng lương tăng thì giá cả cũng tăng lại trở thành hiện thực.

Nghe thì có vẻ nghịch lý, nhưng thực tế cho thấy, mỗi lần có thông tin về việc tăng lương thì gần như ngay lập tức, mặt bằng giá cả thị trường lại leo thang và số tiền lương được tăng nhiều khi không đủ bù trượt giá.

Lần này cũng không là ngoại lệ, tháng 7 mới tăng lương nhưng do nhiều yếu tố khách quan tác động ít nhất giá điện đã tăng, giá nước cũng sắp tăng.

Ngày 27/4/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Cụ thể, giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) được áp dụng từ 4/5/2023.

Mức điều chỉnh này tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Thật ra việc tăng giá điện, ngành này đã rục rịch từ lâu. Ngày 1/3/2023, Bộ Công Thương đã công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN. Kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và năm 2022 của EVN cho thấy giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đ/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.

Điều này cũng dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN năm 2022 lỗ tới hơn 26.462 tỷ đồng.

Hà Nội lại cũng vừa có kế hoạch tăng giá nước sạch. Sở Tài chính Hà Nội có tờ trình gửi UBND Hà Nội đề xuất về phương án điều chỉnh giá nước sinh hoạt trên địa bàn.

Theo tờ trình, giá bán lẻ nước sinh hoạt 10m3 đầu tiên (hộ/tháng) từ 5.973 đồng/m3 hiện nay sẽ tăng lên 7.500 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 8.500 đồng/m3 vào năm 2024; từ 10-20m3 (hộ/tháng) tăng từ 7.052 đồng/m3 lên 8.800 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 9.900 đồng/m3 vào năm 2024; từ 20-30m3 (hộ/tháng) tăng từ 8.669 đồng/m3 lên lần lượt mức 12.000 đồng/m3 và 16.000 đồng/m3.

Mức giá cao nhất với nước sinh hoạt trong năm 2024 sẽ là 27.000 đồng/m3 nếu sử dụng trên 30m3/hộ/tháng.

Giá điện, nước tăng sẽ tạo áp lực lên mặt bằng giá cả, đẩy các mặt hàng khác tăng theo dù Chính phủ sẽ trình Quốc hội việc giảm thuế giá trị gia tăng.

Các yếu tố lớn ảnh hưởng đến lạm phát năm 2023 có nhiều điểm đáng quan tâm. Giá hàng hóa và dịch vụ năm 2023 chịu áp lực từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội làm cho tổng cầu tăng đột biến, trong khi đứt gãy chuỗi cung ứng chưa được khắc phục; áp lực lạm phát chi phí đẩy trong bối cảnh USD tăng giá làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu; khi USD tăng giá do Fed tăng lãi suất sẽ gây nên áp lực tăng tỷ giá hối đoái giữa VND và USD...

Tăng lương để bù đắp những khó khăn cho người lao động là hợp lý. Nếu ổn định được mặt bằng giá cả thì tăng lương mới có ý nghĩa thực sự.

(Nguồn: Vietnamnet)

Những bất thường tại dự án BT Vành đai 2,5 Hà Nội

Dự án BT đường Vành đai 2,5, đoạn từ Đầm Hồng - QL1A có nhiều dấu hiệu bất thường. Khái toán tổng mức đầu tư dự án này liên tục “nhảy múa”.

Dự án BT đường Vành đai 2,5, đoạn từ Đầm Hồng - QL1A do liên danh Công ty CP Kinh doanh phát triển Nhà và Đô thị Hà Nội và Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà thực hiện có nhiều dấu hiệu bất thường.

Đáng chú ý, dự án được kiến nghị thanh toán đất đối ứng có giá trị chênh lệch hàng chục lần và doanh nghiệp đã huy động vốn dù chưa được giao đất…

Kỳ 1: 10 năm vẫn dở dang, khái toán liên tục "nhảy múa"

Dù lãnh đạo TP Hà Nội đã kết luận dự án BT đường Vành đai 2,5, đoạn từ Đầm Hồng - QL1A phải hoàn thành trước ngày 10/10/2018 và không được gia hạn thêm, song đến nay vẫn dang dở. Bên cạnh đó, số tiền khái toán dự án liên tục “nhảy múa”.

Dự án 10 năm vẫn dang dở

Dự án đường Vành đai 2,5 được TP Hà Nội cấp chứng nhận đầu tư năm 2013, thực hiện theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT), chỉ định chủ đầu tư.

Năm 2014, Sở GTVT Hà Nội thực hiện ủy quyền của thành phố ký hợp đồng BT với nhà đầu tư liên danh: Công ty CP Kinh doanh phát triển Nhà và Đô thị Hà Nội, Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà và doanh nghiệp thực hiện dự án do liên danh nhà đầu tư lập ra là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Hoàng Mai.

Theo nội dung hợp đồng ký kết, các hạng mục do nhà đầu tư thực hiện gồm: Nền mặt đường, vỉa hè, cấp nước, thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, cầu, hào kỹ thuật và tổ chức giao thông. Thời gian thực hiện dự án BT từ năm 2013 - 2016.

Thế nhưng kể từ khi ký hợp đồng (năm 2013) đến nay, đoạn đường hơn 2km vẫn chưa thông tuyến. Ghi nhận của PV cho thấy, đoạn từ sông Lừ đến QL1A vẫn là bãi “chiến trường”, gạch, ngói, phế thải xây dựng từ hoạt động GPMB chất đống.

Tương tự, đoạn ngõ 192 Lê Trọng Tấn, phân đoạn Đường 2,5 dài khoảng 500m đang triển khai dang dở, biến thành bãi tập kết rác, mùi hôi thối nồng nặc khiến người dân xung quanh khốn khổ. Để giảm thiểu bụi vào nhà, nhiều hộ dân đã phải mua lưới làm lớp bọc bên ngoài cửa nhưng cũng không được bao lâu lại bị bám đen kịt.

Tổng vốn đầu tư “nhảy múa”

Không chỉ chậm tiến độ, theo hồ sơ mà PV có được, khái toán tổng mức đầu tư dự án này liên tục “nhảy múa”.

Theo quyết định chấp thuận qua hồ sơ đề xuất và chỉ định nhà đầu tư đàm phám hợp đồng dự án mà TP Hà Nội ban hành năm 2010, đoạn từ Đầm Hồng - QL1A dài 2,43km, dài hơn hiện tại 0,43km, chiều rộng 40m, nhu cầu sử dụng đất 97.000m2 (9,7ha). Khái toán tổng mức đầu tư là 682,4 tỷ đồng.

Hai năm sau (tháng 7/2012), Hà Nội ban hành Quyết định 2987 phê duyệt Báo cáo khả thi dự án này. Tổng diện tích dự án thực hiện giảm từ 9,7ha xuống 6,7ha (67.125m2).

Trong khi đó, tổng mức đầu tư dự án (khái toán) tăng lên 1.317 tỷ đồng (tăng hơn 635 tỷ đồng).

Số khái toán 1.317 tỷ đồng cũng được xác định trong Giấy chứng nhận đầu tư do Phó chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi ký.

Đến năm 2019, trong Báo cáo kết quả kiểm toán tổng hợp năm 2019 gửi Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước xác định, tổng mức đầu tư dự án này giảm 251 tỷ đồng.

Còn theo thông tin từ Sở KH&ĐT TP Hà Nội, sau kết quả kiểm toán, chủ đầu tư dự án đã điều chỉnh tổng mức đầu tư xuống 800 tỷ đồng, giảm 517 tỷ so với Giấy chứng nhận đầu tư.

Theo luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, theo quy định hiện nay (Nghị định 16/2022/NĐ/CP), khái toán sai là hành vi vi phạm, có thể bị phạt tiền theo mức độ vi phạm (80 - 100 triệu đồng). Ngoài ra còn buộc khắc phục hậu quả, phê duyệt lại dự toán để làm căn cứ điều chỉnh gói thầu.

Với trường hợp dự án BT Vành đai 2,5, nhà đầu tư đầu tư công trình xây dựng và được thanh toán bằng quỹ đất đối ứng. Giá trị BT càng cao thì quỹ đất đối ứng thanh toán càng lớn. Số liệu khái toán không chính xác có thể dẫn đến những thiệt hại cho ngân sách thông qua việc thanh toán bằng quỹ đất lớn hơn giá trị BT thực.

“Do đó, cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ, có hay không việc cố tình làm tăng khái toán để trục lợi thông qua quỹ đất đối ứng”, luật sư Bình phân tích.

Không gia hạn thêm, vì sao chưa thu hồi?

Để có thêm thông tin về tiến độ dự án, PV Báo Giao thông đã liên hệ, đặt lịch làm việc với Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà, tại 79 Thanh Đàm, Hoàng Mai.

Tuy nhiên, khi PV đến làm việc theo lịch hẹn, giám đốc hành chính đơn vị này, bà Nguyễn Thị Thu Hường và cán bộ công ty lại từ chối làm việc, dù chúng tôi đã xuất trình thẻ nhà báo.

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó giám đốc Ban QLDA Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông TP Hà Nội cho biết: Theo kế hoạch, dự án thi công từ ngày 9/3/2014 và phải hoàn thành trong năm 2017. Tuy nhiên, đến nay công trình chưa thể hoàn thành do vướng GPMB. Hiện dự án đã triển khai trên tất cả các vị trí đủ điều kiền thi công với chiều dài khoảng 1.381,7m tương đương hơn 87%, còn lại khoảng 200m chưa thể thực hiện do vướng 14 hộ chưa GPMB.

Ông Đức cho biết thêm, kể từ tháng 1/2022 đến nay, dự án gần như không triển khai thi công. Cam kết của UBND quận Hoàng Mai với UBND TP là đến quý I/2023 sẽ hoàn thành GPMB nhưng đến nay vẫn chưa xong.

“Chúng tôi đang yêu cầu trong quý II/2023 phải hoàn thành GPMB để bàn giao cho nhà đầu tư, phấn đấu thông xe vào dịp cuối năm 2023”, ông Đức nhấn mạnh.

Trước câu hỏi của PV: Dự án chậm tiến độ ảnh hưởng thế nào tới việc lưu thông của người dân và việc này thuộc trách nhiệm của ai, ông Đức nói: “Dự án chưa hoàn thành, tất nhiên việc lưu thông của người dân chưa thể thuận lợi, công tác quản lý trật tự đô thị cũng bị ảnh hưởng. Dự án chậm tiến độ, trách nhiệm chính của nhà đầu tư, ngoài ra còn có trách nhiệm của một số đơn vị liên quan phụ trách về công tác GPMB”.

PV cũng đã liên hệ với doanh nghiệp thực hiện dự án là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Hoàng Mai về trách nhiệm thực hiện dự án theo hợp đồng, song chưa nhận được câu trả lời.

Làm việc với chính quyền sở tại, PV được Phó chủ tịch phường Định Công Đặng Xuân Chiến xác nhận: Việc GPMB đường 2,5 cơ bản hoàn thành, chỉ còn khoảng 14 hộ liên quan đến đất ở. Toàn bộ diện tích đã giải phóng, phường đã bàn giao cho chủ đầu tư quản lý. “Tiến độ triển khai dự án thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư, phường không nắm được”, ông Chiến cho hay.

Trong khi đó, đại diện Sở KH&ĐT TP Hà Nội cho biết, nguyên nhân tiến độ chậm ngoài các yếu tố kỹ thuật, cũng còn tình trạng chậm bàn giao mặt bằng, trách nhiệm này thuộc về UBND quận Hoàng Mai.

Cũng theo vị đại diện, dự án này đang giao sở ngành của thành phố xem xét gia hạn. Nếu thu hồi, cần tổng hợp, đánh giá nhiều yếu tố: Năng lực, tiến độ... sau đó mới đưa ra đề xuất.

(Nguồn: Báo Giao Thông)

Số phận ‘siêu máy bơm' chống ngập ở TPHCM đã được quyết định

(Ảnh minh họa).

Sở Xây dựng TPHCM đề nghị công ty Quang Trung phối hợp với Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật làm thủ tục chấm dứt hợp đồng cung cấp dịch vụ chống ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh theo quy định.

Sở Xây dựng TPHCM vừa có văn bản về hợp đồng cung cấp dịch vụ chống ngập gửi Công ty CP Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung (gọi tắt là công ty Quang Trung, chủ đầu tư hệ thống máy bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh).

Theo Sở Xây dựng TP, hiện nay dự án nâng cấp, sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh (thuộc địa bàn quận 1 và quận Bình Thạnh) đã hoàn thành. Qua theo dõi từ khi thông xe vào tháng 4/2021 đến nay, tuyến đường không còn xảy ra tình trạng ngập úng trong mùa mưa. Do đó, TPHCM có chủ trương ngưng đặt hàng cung cấp dịch vụ chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Sở Xây dựng TPHCM đề nghị Công ty cổ phần tập đoàn Quang Trung phối hợp với Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (thuộc Sở Xây dựng) làm thủ tục chấm dứt hợp đồng cung cấp dịch vụ chống ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh theo quy định.

Trước đó, vào năm 2017, UBND TPHCM đồng ý thí điểm sử dụng “siêu máy bơm” để giải quyết tình trạng ngập úng trên đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Đến năm 2018, hợp đồng về việc cung cấp dịch vụ chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh áp dụng công nghệ chống ngập bằng “siêu máy bơm” (công suất 97.000 m3/giờ) chính thức được ký kết và triển khai. Sau đó, tại phụ lục hợp đồng được ký kết, giá thuê máy bơm được "chốt" là hơn 14 tỷ đồng mỗi năm. Hợp đồng thuê dịch vụ có thời hạn 7 năm, từ 2017 đến hết năm 2023.

Đến tháng 10/2019, dự án nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh có vốn đầu tư 473 tỷ đồng được khởi công nhằm giải quyết ngập úng cho khu vực. Dự án này hoàn thành và thông xe vào dịp kỷ niệm 30/4/2021.

Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng TPHCM, tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh không còn ngập nước kể từ khi thông xe.

Tháng 6/2021, UBND TPHCM đã có văn bản giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá tình trạng ngập, hiệu quả hoạt động và sự cần thiết sử dụng “siêu máy bơm” sau khi đường Nguyễn Hữu Cảnh đã được nâng cấp, sửa chữa.

Cuối tháng 3/2022, Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TPHCM đã có văn bản tạm dừng thuê máy bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh vì hệ thống thoát nước mới trên tuyến đường này đã được hoàn thiện, nước mưa được chảy về cửa xả và thoát ra kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, cơ bản giải quyết tình trạng ngập. Đồng thời, đã ngắt kết nối cống hiện hữu về trạm bơm Quang Trung - nơi đặt “siêu máy bơm”.

Từ thời gian đó đến nay, giữa chủ đầu tư “siêu máy bơm” và cơ quan chức năng TPHCM đang gặp vướng mắc trong việc chấm dứt, thanh lý hợp đồng.

Phía công ty Quang Trung đồng ý chấm dứt, thanh lý hợp đồng mà không áp dụng các điều khoản bồi thường, nếu doanh nghiệp này được chuyển dịch chống ngập bằng máy bơm qua đường Nguyễn Văn Quá (quận 12), Phan Huy Ích (Gò Vấp) hoặc Thảo Điền (TP Thủ Đức).

Tuy nhiên, cơ quan chức năng TPHCM đã đưa ra nhiều lý do và cho rằng không thể đáp ứng yêu cầu này.

Tại cuộc họp báo diễn ra vào tháng 12/2022 tại trung tâm báo chí TPHCM, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TPHCM cho biết, việc thuê dịch vụ chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh bằng máy bơm là giải pháp mang tính đặc thù, chưa có tiền lệ nên được chính quyền thành phố cho thí điểm.

Tuy nhiên, dịch vụ này nếu áp dụng ở các tuyến Phan Huy Ích, Nguyễn Văn Quá và khu Thảo Điền thì chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể nên không có cơ sở pháp lý triển khai. Mặt khác, đề xuất trên nếu thực hiện vẫn phải làm hợp đồng mới, không phải dựa vào các điều kiện đưa ra khi đàm phán chấm dứt hợp đồng cũ ở đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Vẫn theo ông Điệp, thực tế theo dõi, đánh giá sau khi triển khai nhiều giải pháp giảm ngập của thành phố cho thấy tình trạng ngập tại các khu vực tuyến đường Phan Huy Ích, Nguyễn Văn Quá và khu Thảo Điền đã cải thiện khả quan. “Những khu vực này đều đang triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng và cải tạo hệ thống thoát nước, do đó việc bơm chống ngập kiểu mới tại 3 khu vực trên là không cần thiết” – ông Vũ Văn Điệp thông tin.

(Nguồn: Tiền Phong)

Kỷ luật 3 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, 2 sĩ quan cấp tướng; khởi tố một loạt cán bộ tòa án, kiểm sát, thanh tra

Thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBKT Trung ương đã xử lý kỷ luật 12 tổ chức đảng, 26 cán bộ cấp Giám đốc Sở và tương đương trở lên. Khởi tố, điều tra 2 Thiếu tướng đã nghỉ hưu; 2 cán bộ TAND và 1 cán bộ VKSND; 14 cán bộ thanh tra, giám sát

Quyết liệt đấu tranh, mở rộng điều tra, khởi tố mới nhiều bị can trong nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, phức tạp

Ngày 10/5, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức Cuộc họp dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến đối với: (1) Kết quả chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo đến nay; (2) Kế hoạch kiểm tra chuyên đề năm 2023 của Ban Chỉ đạo; (3) Kế hoạch tổ chức Hội nghị sơ kết 01 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.

Theo Ban Nội chính Trung ương, Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo: Từ sau Phiên họp thứ 23 (tháng 01/2023) đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến mới, tích cực, đồng bộ, hiệu quả hơn cả ở Trung ương và địa phương.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng đã tăng cường phối hợp phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nhiều vụ án, vụ việc; xử lý cả các hành vi tham nhũng và các hành vi tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nổi bật là:

Thứ nhất, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.099 vụ/2.411 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; khởi tố mới 242 vụ án/864 bị can về tội tham nhũng (tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2022).

Đối với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 04 vụ án/24 bị can, khởi tố thêm 78 bị can trong 11 vụ án, kết thúc điều tra 03 vụ án/88 bị can, ban hành cáo trạng truy tố 08 vụ án/153 bị can, xét xử sơ thẩm 06 vụ án/51 bị cáo.

Nhất là, đã chủ động phát hiện, quyết liệt đấu tranh, mở rộng điều tra, khởi tố mới nhiều bị can trong nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, phức tạp, có tính hệ thống, có tổ chức, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, cả trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước, gây bức xúc trong nhân dân, như các vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các Trung tâm Đăng kiểm một số địa phương; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số đơn vị liên quan; vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan; các vụ án liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; các vụ án, vụ việc liên quan đến Công ty AIC và các đơn vị liên quan.

Kỷ luật 3 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, 2 sĩ quan cấp tướng

Thứ hai, cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 100 tổ chức đảng, hơn 3.600 đảng viên.

Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý kỷ luật 12 tổ chức đảng, 26 cán bộ cấp Giám đốc Sở và tương đương trở lên, trong đó có 01 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 03 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, 02 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Các cơ quan chức năng qua kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đã chuyển 137 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 232 tập thể và 1.146 cá nhân.

Khởi tố một loạt cán bộ tòa án, kiểm sát, thanh tra

Thứ ba, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được chú trọng, tăng cường.

Từ đầu năm đến nay, các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan chức năng đã xử lý kỷ luật, xử lý hình sự nhiều trường hợp vi phạm trong lực lượng này, điển hình như: Khởi tố, điều tra 02 Thiếu tướng đã nghỉ hưu trong lực lượng vũ trang; 02 cán bộ Tòa án nhân dân và 01 cán bộ Viện kiểm sát nhân dân; 14 cán bộ thanh tra, giám sát của các cơ quan: Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và 12 cán bộ thanh tra các địa phương; xử lý kỷ luật 12 cán bộ là Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện, Trưởng phòng, Trưởng Công an một số huyện, thành phố của tỉnh An Giang;...

Nhiều địa phương đã khởi tố cả cán bộ là lãnh đạo tỉnh, Giám đốc Sở

Thứ tư, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh từng bước đi vào hoạt động nền nếp, hiệu quả; công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực ở địa phương, cơ sở có nhiều chuyển biến rõ rệt, khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".

Nhiều địa phương đã khởi tố cả cán bộ là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc, Phó Giám đốc Sở, Chủ tịch UBND cấp quận, huyện như: Cao Bằng, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hà Nam, Thanh Hoá, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu,...

Những kết quả đạt được nêu trên tiếp tục khẳng định quyết tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực của Đảng và Nhà nước, được dư luận xã hội và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, nhất là việc ra mắt Cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo (ngày 02/02/2023) được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân rất hoan nghênh, quan tâm, đón nhận và đánh giá cao, coi đây là cuốn "cẩm nang" về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; việc quán triệt, nghiên cứu, học tập, phổ biến nội dung và những giá trị cốt lõi của Cuốn sách đã tạo thành một đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng sâu rộng trong cả hệ thống chính trị. Cuốn sách đã giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, bạn bè quốc tế hiểu rõ, hiểu đúng về bản chất cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam.

Chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần "kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai", triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo Kết luận Phiên họp thứ 23 của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo và Chương trình công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo, đồng thời quan tâm làm tốt một số nhiệm vụ sau:

Một là, chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Đây chính là một biểu hiện của tiêu cực, gây nhiều hệ lụy xấu, làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vì vậy cần tập trung chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng này.

Hai là, chỉ đạo kiểm tra làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, người đứng đầu trong xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật có nhiều sơ hở, bất cập để tổ chức, cá nhân lợi dụng trục lợi; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, không để cài cắm "lợi ích nhóm", "lợi ích cục bộ" trong ban hành chính sách, pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước và xã hội.

Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các Đại án: Việt Á, FLC, AIC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Đăng kiểm,…

Ba là, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, nhất là các vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty AIC, Cục Đăng kiểm Việt Nam và các Trung tâm đăng kiểm tỉnh, thành phố;

Khẩn trương đưa ra xét xử sơ thẩm 05 vụ án trong Quý II/2023: (1) Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận;

(2) Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 (Cienco1);

(3) Vụ án "Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Môi giới hối lộ" xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số đơn vị liên quan;

(4) Vụ án "Buôn lậu; Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" xảy ra tại khóm 5, phường Châu Phú An, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang;

(5) Vụ án "Tham ô tài sản" xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam. Đồng thời, khẩn trương kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ việc, vụ án theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo.

Thành lập 5 đoàn kiểm tra về phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Bốn là, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp trong công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;

Tập trung kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội; xử lý nghiêm, có hiệu quả tình trạng "tham nhũng vặt";

Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực giao địa phương chỉ đạo xử lý và các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

Cũng tại Cuộc họp này, Thường trực Ban Chỉ đạo đã thống nhất thành lập 05 đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo để kiểm tra chuyên đề việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phòng chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước tại một số cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương; tổ chức Hội nghị sơ kết 01 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh./.

(Nguồn: Soha)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang