Kinh hoàng xe tải tông dải phân cách; Mật độ vi nhựa cao ở HN, TP.HCM; Bệnh dại bùng phát; Chiêu trò PR bẩn của Nam Em

KHOẢNH KHẮC KINH HOÀNG XE TẢI TÔNG VÀO DẢI PHÂN CÁCH, CỘT BIỂN BÁO GÃY XUỐNG XIÊN THẲNG VÀO XE Ô TÔ

Vụ tai nạn xảy ra tại Bình Phước đã khiến người đàn ông điều khiển xe ô tô bị thương phải nhập viện.

Mới đây, trên mạng xã hội không ngừng chia sẻ đoạn video ghi lại hình ảnh một chiếc xe ben đã lao thằng dải phân cách. Cú va chạm không chỉ khiến một phần dải phân cách bị phá nát mà còn khiến cột đèn chiếu sáng tại khu vực này đổ xuống và đâm xuyên qua ô tô 5 chỗ đang di chuyển trên làn đường đối diện.

Được biết vụ việc xảy ra vào khoảng 14h17 ngày 19/3 đoạn trên đường ĐT 741 đoạn qua xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.

Theo báo Tiền Phong, người dân ở hiện trường cho biết, nam tài xế ô tô bị chảy máu đầu được xe cứu thương đi ngang qua đưa vào viện cấp cứu. Ngay sau khi nhận tin báo, lực lượng chức năng huyện Đồng Phú có mặt xử lý hiện trường, di dời các phương tiện.

HÀM LƯỢNG CAO VI NHỰA Ở TPHCM, HÀ NỘI: TĂNG NGUY CƠ UNG THƯ, TỰ KỶ

Nghiên cứu về mật độ vi nhựa trong không khí ở khu vực bãi rác Phước Hiệp (TPHCM) cho thấy tốc độ lắng đọng vi nhựa cao hơn 50 lần kết quả quan trắc tại thủ đô Paris (Pháp). Ô nhiễm vi nhựa làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, chứng tự kỷ…

Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF - Việt Nam) phối hợp với Bộ TN&MT, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam vừa công bố Báo cáo tình hình phát sinh chất thải nhựa năm 2022, công bố bức tranh ô nhiễm vi nhựa tại Việt Nam.

Trong môi trường không khí, các kết quả điều tra, đánh giá ô nhiễm vi nhựa chưa được thực hiện phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, báo cáo về mật độ vi nhựa trong không khí ở bãi rác Phước Hiệp (TPHCM) cho thấy, tốc độ lắng đọng vi nhựa lên đến 1.367 hạt/m2 bề mặt (mặt đất, mặt đường...)/ngày, cao hơn 50 lần kết quả quan trắc tại Paris. Một nghiên cứu khác tại TPHCM cũng chỉ ra tốc độ lắng đọng vi nhựa từ khí quyển trong khu vực đô thị dao động xuống bề mặt trong khoảng 71 - 917 hạt/m2/ngày. Tại đường phố ở TP Đà Nẵng, mật độ vi nhựa trung bình 20 hạt/m2, một số khu vực đã được ghi nhận có mật độ vi nhựa từ 22 - 40 hạt/m2.

Trong môi trường nước, một số dòng sông ghi nhận mật độ vi nhựa rất cao như hạ nguồn sông Đáy, từ 269,9 hạt/m3 nước (nước sông) đến 863 hạt/m3 với thành phần của vi nhựa chủ yếu là PE, PP. Nước ở kênh Phú Lộc chảy qua đô thị Đà Nẵng có mật độ vi nhựa dao động từ 630 - 3.840 hạt/m3, với giá trị trung bình lên đến 1.482 hạt/m3. Trong trầm tích kênh, vi nhựa tập trung rất cao, dao động từ 2.800 - 9.600 hạt/kg, với giá trị trung bình 6.120 hạt/kg. Trong nước sông Sài Gòn - Đồng Nai, vi nhựa tập trung với mật độ lớn, từ 228.120 đến 715.124 sợi/m3, 23 - 300 mảnh và màng nhựa/m3.

Đáng chú ý, vi nhựa trong nước Hồ Tây cũng lên đến 611 hạt/m3 nước (nước hồ), cao hơn nhiều lần so với nước hồ Trị An (chỉ có 1,5 hạt/m3). Vi nhựa trong trầm tích hồ ở Hà Nội được ghi nhận dao động từ 2.767 đến 2.833 hạt/kg. Nghiên cứu chỉ ra, nguồn gốc của vi nhựa trong các hồ ở Hà Nội xuất phát chủ yếu từ các hoạt động dân sinh xung quanh hồ. Vi nhựa cũng được phát hiện trong môi trường đất như đất than bùn tại tỉnh Long An có số hạt vi nhựa dao động 0 - 360 hạt/kg. Ô nhiễm vi nhựa cũng được ghi nhận trong nước và trầm tích nhiều vùng biển và một số loài sinh vật ở Việt Nam.

Tăng nguy cơ ung thư, tự kỷ

Theo các nghiên cứu, con người phơi nhiễm nhựa thông qua đường hô hấp, ăn, uống và tiếp xúc trực tiếp qua da. Trong quá trình sử dụng các vật dụng phổ biến hằng ngày như túi ni-lông, thìa nhựa, cốc, chai nhựa, quần áo sợi tổng hợp, đồ dùng cá nhân, nội thất, dụng cụ bằng nhựa, con người vô tình bị phơi nhiễm với nhựa. Ngoài ra, tại Việt Nam, tình trạng đốt chất thải nhựa diễn ra phổ biến, làm phát thải các chất độc hại như dioxin, furan, kim loại nặng. Các khí độc được xem là tác nhân gây nên căn bệnh ung thư và có tác động tiêu cực tới sức khỏe con người.

Báo cáo cũng chỉ ra, trung bình một người có thể hấp thụ từ 39.000 - 52.000 hạt vi nhựa/năm từ hít thở, tiêu thụ thức ăn và uống nước. Hầu hết các loại thực phẩm ăn hằng ngày đều có chứa vi nhựa, ví dụ trong mật ong, đường, muối ăn và nước uống lần lượt có khoảng 40 - 660 hạt/kg, 25 - 39 hạt/kg, 7 - 681 hạt/kg và 118 hạt/l. Khi sử dụng nước đóng chai, số hạt vi nhựa nạp vào cơ thể có thể lên đến 9.000 hạt/năm, gấp hơn 2 lần khi sử dụng nước vòi 4.000 hạt/năm.

Ước tính, hằng năm một người có thể hấp thụ từ 39.000 - 52.000 hạt vi nhựa từ đồ ăn, quá trình này phụ thuộc vào độ tuổi và giới tính. Hạt vi nhựa sau khi thâm nhập, di chuyển, tích tụ và gây ra những rối loạn tới các cơ quan, bộ phận trong cơ thể con người. Các bệnh liên quan tới hệ thần kinh bao gồm rối loạn sự phát triển của hệ thần kinh, rối loạn tăng động và giảm chú ý ở trẻ, chứng tự kỷ, tâm thần và ảnh hưởng tới nhận thức và sự phát triển trí tuệ. Các bệnh về tim mạch cũng được nghiên cứu chứng minh có liên quan tới vi nhựa. Ngoài ra, các hạt vi nhựa làm ảnh hưởng tới nội tiết tố đi kèm các bệnh về tuyến giáp, nguy hiểm hơn có thể là ung thư tuyến giáp. Hội chứng chuyển hóa cũng bị ảnh hưởng dẫn tới làm tăng hoặc giảm lượng cholesterol toàn phần.

Báo cáo cũng chỉ ra, do có kích thước siêu nhỏ, các hạt vi nhựa có thể xâm nhập sâu vào phổi của con người. Dẫn tới các bệnh liên quan tới hệ hô hấp, điển hình như bệnh hen suyễn hay nặng hơn là ung thư phổi. Sức khỏe sinh sản của nữ giới và nam giới cũng như sự phát triển của thai nhi trong quá trình mang thai cũng chịu tác động do ô nhiễm vi nhựa. “Như vậy có thể thấy, vi nhựa có ảnh hưởng vô cùng lớn tới sức khỏe con người”, báo cáo nêu.

BỆNH DẠI BÙNG PHÁT, SỞ Y TẾ TP.HCM YÊU CẦU ĐẢM BẢO VACCINE TIÊM PHÒNG

Các cơ sở tiêm chủng đảm bảo nguồn vaccine phòng dại để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của người dân. Đó là yêu cầu khẩn của Sở Y tế TP.HCM về việc tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại trên địa bàn, trong bối cảnh bệnh dại đang có xu hướng gia tăng tại nhiều tỉnh, thành.

Cụ thể, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu Trung tâm Y tế quận, huyện và thành phố Thủ Đức tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để hướng dẫn tiêm phòng vaccine đầy đủ. Phối hợp với các đơn vị có liên quan truyền thông về sự nguy hiểm, hậu quả của bệnh dại và các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người và động vật.

Giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) phối hợp tập huấn và tái tập huấn về chuyên môn cho cán bộ phụ trách công tác phòng, chống bệnh dại trên người; Phối hợp cùng Chi cục chăn nuôi thú y – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc chia sẻ thông tin về tình hình bệnh dại và phối hợp điều tra, xử lý ổ dịch kịp thời.

Đối với các cơ sở tiêm vaccine phòng dại, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ sở phải đảm bảo nguồn vaccine phòng dại để người dân tiếp cận đầy đủ. Tập huấn cho cán bộ y tế kỹ năng tư vấn, xử trí các trường hợp bị động vật cắn (xử lý vết thương, chỉ định tiêm vaccine, huyết thanh kháng dại đúng, tiêm chủng an toàn).

Theo số liệu thống kê từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, từ đầu năm bệnh viện này tiếp nhận điều trị 7 ca, chủ yếu ở các tỉnh chuyển đến. Điểm chung của các ca bệnh dại này là chưa tiêm vắc xin ngừa bệnh dại sau khi bị chó cắn, có áp dụng các phương pháp phản khoa học. 7 trường hợp này đều rất nặng, được xin về nhà và đã tử vong.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cũng đã thực hiện tiêm phòng vaccine ngừa dại hơn 5.300 lượt tiêm cho người dân trên địa bàn do bị chó mèo cắn, cào, tăng hơn 1.000 lượt so với hai tháng cùng kỳ năm ngoái.

Các bác sĩ khuyến cáo, hiện bệnh dại không có thuốc điều trị đặc hiệu, khi bệnh nhân được xác định mắc bệnh dại thì tỷ lệ tử vong 100%. Do đó, để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh dại, người bị chó, mèo cào/cắn cần nhanh chóng xử trí vết thương bằng cách rửa nước sạch liên tục khoảng 15 phút, dùng dung dịch i-ốt hoặc cồn 70 độ sát khuẩn lên vết thương, sau đó đến các cơ sở y tế để được tiêm vaccine phòng dại càng sớm càng tốt.

CHIÊU TRÒ PR BẨN CỦA NAM EM

Sau khi tung MV mới, Nam Em lại đăng story rất nhiều lần để cố thanh minh cho bản thân.

Showbiz Việt hiện tại đã quá mệt mỏi với chiêu trò PR bẩn từ Nam Em. Sau các buổi livestream bóc phốt các đồng nghiệp, Nam Em lại tung hẳn MV mới nhưng buồn làm sao là chẳng có mấy người quan tâm.

Đến thời điểm hiện tại, sau hơn 1 ngày ra mắt, MV của Nam Em chỉ đạt hơn 35 ngàn lượt xem, một con số khá ít ỏi so với các sản phẩm trước đó của cô nàng.

Khi bị chê là đã hết thời, cố tung chiêu bẩn vẫn không hiệu quả, bạn trai của Nam Em lại đáp trả khán giả bằng lý lẽ khó hiểu. Theo đó, Bùi Hữu Cường nói rằng Nam Em rất được khán giả "quan tâm", bằng chứng là MV "trong 1 tiếng có 3.000 người xem, thu hút 100 bình luận trên YouTube".

Là Bùi Hữu Cường ngô nghê, thiếu hiểu biết hay đây lại là chiêu trò khích tướng, cố tình khoe khoang?

Thực tế, với những sản phẩm âm nhạc tốt, các nghệ sĩ hoàn toàn có thể đạt vài triệu view sau 1 ngày phát hành. Trước đây, Nam Em cũng từng có các MV triệu view và được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Không cần khóc lóc hay kể lể, Nam Em vẫn được khán giả yêu thương. Còn hiện tại, với con số 35 ngàn lượt xem sau hơn 1 ngày ra mắt, có phải người hâm mộ đang dần quay lưng với người đẹp 9x hay không?

Điều đáng nói là sau khi ra mắt MV, Nam Em tiếp tục đăng story mắng khán giả. Theo cô, việc livestream mất kiểm soát và có những hành động như hiện tại hoàn toàn là do khán giả tấn công, "ném cô vào bầy sói".

Trong vòng 1 ngày, Nam Em đã đăng hơn 10 cái story với nội dung phân bua, thể hiện mình là người bị hại. Chưa hết, chính bản thân Nam Em lại ăn nói bất nhất, lúc này lúc kia.

Tự Nam Em livestream khen bài hát mới là quá hay, suốt 8 năm qua cô chưa từng làm được bài hát tốt như vậy. Tuy nhiên, đến khi ca khúc chính thức ra mắt, phản ứng của người xem dành cho nó lại không tốt như Nam Em kỳ vọng. Đình điểm của sự khó hiểu là hôm trước Nam Em nói rời showbiz, hôm sau cô lại phát hành MV; hôm trước Nam Em nói rời xa mạng xã hội; hôm sau cô lại đăng story đáp trả dư luận.

Đa phần người xem nhắn nhủ Nam Em bớt chiêu trò drama, đừng bày thêm bất cứ chiêu trò nào để PR cho MV nữa. Đã qua rồi cái thời tạo scandal để PR bẩn và khán giả hiện tại cũng không dễ bị dắt mũi như xưa.

Muốn hoạt động nghệ thuật nghiêm túc, Nam Em cần kiểm soát bản thân, không ai cố tình đạp đổ hay dìm cô xuống đáy vực, mà chính Nam Em đang làm mất đi hào quang và sự yêu thương mà khán giả dành cho mình!

Nguồn: Kenh14; Tiền Phong; VOV; Soha

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang