EU: Trời phải chịu đất; Nhập cư trái phép gia tăng; 'Siết' thời trang nhanh; Ý lạm phát; Thượng đỉnh Ai Cập – châu Âu

TRỜI PHẢI CHỊU ĐẤT

Ủy ban châu Âu cho biết đã kiến nghị lãnh đạo các nước thành viên EU thông qua gói biện pháp mới nhằm nới lỏng những quy định và tiêu chuẩn ngặt nghèo về bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu áp dụng trong nông nghiệp.

Đối với Ủy ban châu Âu, động thái này là không thể tránh khỏi dù họ ý thức được rất rõ rằng chỉ được lợi trước mắt trong khi phải chấp nhận hại về lâu dài.

Ủy ban châu Âu phải đưa ra những biện pháp chính sách nói trên để xoa dịu phản đối của nông dân ở nhiều quốc gia thành viên EU. Họ đã cùng nhau tạo nên làn sóng biểu tình rầm rộ và rộng rãi ở châu Âu để đòi Ủy ban châu Âu nới lỏng những quy định và tiêu chuẩn cao về bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu trong khuôn khổ Chính sách nông nghiệp chung và Chiến lược phát triển xanh của EU.

Sự phản đối của người nông dân ở các nước thành viên EU đã dai dẳng trong thời gian khá dài vừa qua. Ở một số nơi, hình thức phản đối đã trở nên thái quá. Nếu làn sóng phản đối của giới nông dân trong EU diễn ra trong bối cảnh tình hình khác và không ở thời điểm hiện tại thì chắc chắn Ủy ban châu Âu sẽ không phải vội vã nhượng bộ nhiều đến như vậy.

Chiến lược phát triển xanh được EU đặc biệt coi trọng và tự hào vì giúp liên minh gây dựng được hình ảnh và ảnh hưởng về vai trò đi tiên phong trên thế giới trong công cuộc chống biến đổi khí hậu trái đất, bảo vệ môi trường sinh thái và tăng trưởng bền vững.

Tuy nhiên, làn sóng biểu tình phản đối của nông dân vào thời điểm này và trong bối cảnh tình hình hiện tại ở châu Âu lại rất tai hại, thậm chí nguy hiểm đối với EU vì sẽ có lợi cho các lực lượng cực hữu, dân túy, dân tộc chủ nghĩa và ly khai EU trong khi cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu lại sắp đến. Cho nên đất không chịu trời thì trời đành phải chịu đất.

LÀN SÓNG NHẬP CƯ BẤT HỢP PHÁP VÀO EU NGÀY CÀNG GIA TĂNG

Thủ tướng Hy Lạp đã tới Cairo cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu để hoàn tất gói viện trợ trị giá khoảng 8 tỷ USD, nhằm củng cố nền kinh tế Ai Cập và giúp ngăn chặn làn sóng nhập cư bất hợp pháp.

Châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng nhập cư bất hợp pháp ngày càng gia tăng, khi cuộc khủng hoảng Gaza tiếp diễn. Nguy cơ khủng hoảng di cư đang hiện hữu đã khiến Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis và các quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu tới Ai Cập vào ngày 17/3, để ký gói viện trợ trị giá hơn 8 tỷ USD, nhằm giảm bớt tình trạng di cư và tăng cường các thỏa thuận hợp tác về năng lượng với quốc gia này.

Sự gia tăng làn sóng di cư bất hợp pháp đã chứng kiến ​​số lượng người vào Hy Lạp tăng hơn 400% chỉ trong tháng vừa qua. Người Palestine có số lượng di cư sang khu vực này đang đứng đầu bảng xếp hạng, tiếp đó là người đến từ Ai Cập.

Bộ trưởng Bộ Di trú và tị nạn Hy Lạp Dimitris Keridis cho biết, Ai Cập đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất từ ​​cuộc khủng hoảng ở Gaza. Đất nước đang gặp khó khăn này tiếp tục phải hứng chịu căng thẳng leo thang từ cuộc khủng hoảng ở Gaza và làn sóng người tị nạn ngày càng gia tăng. Kể từ đầu năm, các đảo Crete và Gavdos ở cực Nam của Hy Lạp đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dòng người Ai Cập đổ bộ hàng ngày vào bờ biển Hy Lạp.

Hy Lạp là cửa ngõ ưa thích vào Liên minh châu Âu của người di cư từ Trung Đông, châu Phi và châu Á kể từ năm 2015, khi có khoảng 1 triệu người đổ bộ lên các hòn đảo của nước này, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có. Theo thống kê mới nhất, hơn 1 triệu người đã xin tị nạn ở EU trong năm 2023. Cùng với những người nhập cảnh hợp pháp, có tới 3,5 triệu người đã di cư sang EU vào năm 2023.

Trung tâm Phát triển chính sách di cư quốc tế (ICMPD) dự đoán, chiến tranh và xung đột sẽ gây ra mức độ di cư kỷ lục trên toàn thế giới trong năm nay. Đồng thời, nhiều người di cư kinh tế sẽ tới châu Âu tìm kiếm việc làm, trước khi các nước châu Âu có khả năng đưa ra những hạn chế sau các cuộc bầu cử trong năm nay.

Ngày 17/3, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã tới Cairo cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen để hoàn tất gói viện trợ trị giá khoảng 8 tỷ USD, nhằm củng cố nền kinh tế Ai Cập và giúp ngăn chặn làn sóng nhập cư bất hợp pháp. Theo thỏa thuận đã lên kế hoạch, đợt hỗ trợ đầu tiên trị giá 1 tỷ USD sẽ được phân bổ ngay lập tức dưới dạng hỗ trợ tài chính khẩn cấp, phần còn lại sẽ gắn liền với cải cách kinh tế.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen cho biết, các bên đã chứng kiến một thời điểm lịch sử với việc ký kết quan hệ đối tác dựa trên 6 trụ cột. Các bên đều quan ngại về tình hình ở Gaza và sẽ tăng cường viện trợ nhân đạo tới khu vực này. Các quan chức EU cũng đề cập đến đầu tư năng lượng và hy vọng kết nối Hy Lạp với Ai Cập sẽ tăng cường an ninh năng lượng của châu Âu.

Cùng ngày, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi đã đưa ra tuyên bố chung, sau khi ký kết thỏa thuận song phương trước cuộc gặp chung giữa hai nhà lãnh đạo với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen và các nhà lãnh đạo Bỉ, Italy, Áo và Cộng hòa Síp. Thủ tướng Hy Lạp nhấn mạnh, đây là một dấu mốc quan trọng cho hợp tác chiến lược giữa hai nước. Ông khẳng định, Hy Lạp sẵn sàng giúp đỡ nước này trong mọi nỗ lực nhằm đạt được sự ổn định và thịnh vượng cho Ai Cập cũng như cả khu vực.

Về hợp tác năng lượng giữa hai nước, Thủ tướng Hy Lạp cho biết, Ai Cập có thể trở thành trung tâm năng lượng cho khu vực. Hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy các dự án đường ống kết nối năng lượng của nhau. Về phần mình, Tổng thống Ai Cập cho biết chuyến thăm của các nhà lãnh đạo EU có tầm quan trọng và mang tính biểu tượng lớn, vì đã cùng nhau tạo ra sự thay đổi trong sự hợp tác vì mục tiêu chung. Ông nhấn mạnh rằng, các bên đã đồng ý tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa EU và Ai Cập vào nửa cuối năm 2024.

CHÂU ÂU BẮT ĐẦU “SIẾT” THỜI TRANG NHANH

Hạ viện Pháp đã thông qua dự luật trừng phạt các sản phẩm thời trang nhanh nhằm giảm thiểu tác động tới môi trường.

Theo đó, dự luật kêu gọi tăng phí môi trường lên tới 10 euro cho mỗi sản phẩm đến năm 2030, đồng thời cấm nhà sản xuất quảng cáo những sản phẩm này. Sau khi Hạ viện Pháp thông qua, dự luật sẽ được chuyển tới Thượng viện Pháp để cơ quan này tiếp tục xem xét và bỏ phiếu. Nếu nó trở thành luật chính thức, những thương hiệu thời trang nhanh sẽ gặp thách thức lớn.

Trước đó, Nghị viện châu Âu (EP) cũng đã bỏ phiếu thông qua các đề xuất nhằm ngăn chặn và giảm thiểu hiệu quả rác thải thực phẩm và dệt may trên toàn Liên minh châu Âu (EU).

Đề xuất này nhằm giảm lượng rác thải thực phẩm từ nay đến năm 2030, đồng thời siết chặt các quy định về rác thải dệt may liên quan ngành công nghiệp thời trang nhanh.

Các nước thành viên được yêu cầu nỗ lực thực hiện các mục tiêu mang tính ràng buộc và tham vọng hơn từ nay đến năm 2030 đồng thời xem xét thêm và yêu cầu Ủy ban châu Âu đánh giá về khả năng đưa ra các mục tiêu cao hơn (lần lượt ít nhất 30% và 50%) cho năm 2035.

Đề xuất trên đặt ra các nghĩa vụ mới đối với lĩnh vực dệt may, với việc đề nghị thiết lập các chương trình mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) nhằm buộc các công ty có các sản phẩm dệt may bán ra thị trường phải chịu trách nhiệm về toàn bộ vòng đời của sản phẩm. Các nhà sản xuất sẽ phải chịu trách nhiệm thu thập, phân loại và tái chế quần áo cũng như mọi vật dụng từ thảm đến nệm, dựa trên trách nhiệm của các quốc gia thành viên.

Hạn chế thời trang nhanh được EU lên tiếng từ lâu và cũng đã đưa ra các cảnh báo nghiêm trọng về môi trường, nhất là rác thải. Theo tính toán, EU thải ra 5,2 triệu tấn rác thải quần áo và giày dép mỗi năm.

EU là một trong số thị trường xuất khẩu truyền thống và lớn của ngành dệt may Việt Nam. Doanh nghiệp dệt may trong nước cũng đã sớm được cảnh báo về thời trang nhanh và định hướng xây dựng lộ trình phát triển xanh và bền vững.

Theo đó, nhiều nguyên liệu thân thiện với môi trường được doanh nghiệp dệt may trong nước nghiên cứu, sử dụng như vải, sợi từ bã cà phê, từ nhựa tái chế, tre, sơ dừa…

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS), các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đang và sẽ dần áp dụng hàng loạt những biện pháp thương mại như: Cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất), cơ chế CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) và Chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU; Luật Thẩm định chuỗi cung ứng của Đức...

Tất cả các quy định trên đã tạo ra những thách thức lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vì mọi quy tắc trên bắt buộc cho ngành dệt may xuất khẩu phải lấy thời trang bền vững làm định hướng phát triển thay vì thời trang nhanh, rẻ như trước đây. Như vậy, cạnh tranh thị trường xuất khẩu hiện nay không chỉ dừng ở yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng mà tiêu chí phát triển bền vững lại là yếu tố then chốt, đặc biệt là tại các thị trường lớn như EU, Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Chẳng hạn, những sản phẩm may mặc xuất khẩu vào EU bắt buộc phải được sản xuất từ sợi cotton, sợi polyester pha với sợi tái chế được làm từ các sản phẩm thiên nhiên, phế phẩm hoặc sản phẩm dệt may dư thừa.

Theo VITAS, thời trang “xanh” được phát triển từ các nguồn nguyên liệu thiên nhiên và những “rác thải” được tái chế là phù hợp với xu hướng phát triển của ngành thời trang thế giới.

Phát triển ngành dệt may theo hướng xanh và bền vững là yêu cầu tuy nhiên việc chuyển đổi đang diễn ra một cách đơn lẻ và mới được những doanh nghiệp lớn, có khả năng tài chính thực hiện.

Với khoảng 80% sản lượng của ngành dệt may hiện dành cho xuất khẩu, có nghĩa ngành đang phụ thuộc vào thị trường thế giới, vào các nhãn hàng thì việc phát triển xanh, bền vững cần thực hiện một cách thống nhất, có lộ trình. Để thực hiện điều này sự nỗ lực của doanh nghiệp là không thể thiếu nhưng rất cần sự định hướng của các cơ quan quản lý Nhà nước, sự đồng hành mạnh mẽ của hiệp hội ngành hàng.

NỀN KINH TẾ LỚN THỨ BA EUROZONE CÔNG BỐ SỐ LIỆU LẠM PHÁT MỚI NHẤT

Dữ liệu mới nhất của Cơ quan thống kê quốc gia Italy (ISTAT) cho thấy lạm phát giá tiêu dùng trong tháng 2/2024 của Italy tăng 0,8%, giảm nhẹ so với mức 0,9% trong tháng 1.

Mức tăng giá hàng năm đối với các sản phẩm thực phẩm chưa qua chế biến giảm từ 7,5% xuống 4,4%. Lạm phát cơ bản, không bao gồm năng lượng và thực phẩm tươi sống, giảm xuống 2,3% từ mức 2,7% trong tháng trước. Cả giá sản phẩm năng lượng được điều tiết và không được điều tiết đều giảm lần lượt là 17,2% và 18,4%.

Chỉ số lạm phát hài hòa trong tháng 2, cho phép so sánh giữa các quốc gia khu vực đồng euro (Eurozone), đã được điều chỉnh giảm xuống 0,8% từ 0,9% hàng năm và xuống 0% từ 0,1% hàng tháng.

Nhìn chung, lạm phát tại Italy vẫn giảm đáng kể, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 2,6% của Eurozone và thấp thứ hai chỉ sau mức tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái của Latvia trong tháng 2/2024.

Cho đến nay, áp lực giảm giá đã có tác động tích cực đến nền kinh tế Italy, với việc người tiêu dùng cho thấy nhu cầu ổn định trong bối cảnh thu nhập thực tế cao hơn. Tuy nhiên, vẫn còn phải xem liệu áp lực giá tiếp tục giảm có thể cho thấy sự giảm tốc mang tính cơ cấu hơn của nền kinh tế trong những tháng tới hay không.

Dữ liệu chính thức của ISTAT cho thấy doanh số bán lẻ giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 1/2024, bất chấp dự báo của các nhà kinh tế về sự phục hồi. Doanh số bán lẻ trong nước giảm 0,1%, sau khi giảm 0,2% trong tháng 12. Trong khi đó, doanh số bán hàng dự kiến sẽ tăng 0,2%. Giá trị bán hàng của các mặt hàng thực phẩm không thay đổi trong tháng, trong khi giá trị của các mặt hàng phi thực phẩm giảm 0,1%.

So với cùng kỳ năm trước, giá trị doanh số bán lẻ tháng 1/2024 tăng 1,0%, từ mức 0,2% trong tháng 12/2023, đánh dấu tốc độ tăng trưởng hàng tháng cao nhất trong năm qua và vượt qua ước tính tăng 0,2%.

Các chỉ số hiện tại cho thấy lĩnh vực dịch vụ của Italy đang mở rộng, với PMI dịch vụ tăng từ 51,2 trong tháng 1 lên 52,2 trong tháng 2. Hoạt động sản xuất, được đánh giá bởi PMI Sản xuất, đã trải qua một đợt suy giảm rất nhẹ ở mức 49,1, mức thấp nhất trong 11 tháng qua.

HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH AI CẬP-CHÂU ÂU: EU MANG 'GÓI' TÀI TRỢ-ĐẦU TƯ TỚI CAIRO LÀM 'QUÀ', CA NGỢI TẦM QUAN TRỌNG CỦA QUỐC GIA BẮC PHI

Ngày 17/3, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược và toàn diện giữa quốc gia Bắc Phi và Liên minh châu Âu (EU).

Các hãng truyền thông lớn như Reuters, AP đưa tin, tuyên bố chung được ký trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Ai Cập-châu Âu diễn ra ngày 17/3 tại Cairo, với sự tham dự của Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, Thủ tướng Áo Karl Nehammer, Tổng thống CH Cyprus Nikos Christodoulides, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni và Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis.

Cũng tại hội nghị, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen thông báo, EU đã cam kết gói tài trợ và đầu tư trị giá 7,4 tỷ Euro (8,1 tỷ USD) cho Ai Cập.

Gói tài chính này, dự kiến được giải ngân trong 3 năm tới, bao gồm 600 triệu Euro tiền tài trợ (trong đó có 200 triệu Euro cho quản lý di cư), 5 tỷ Euro khoản vay ưu đãi và 1,8 tỷ Euro đầu tư bổ sung trong khuôn khổ kế hoạch kinh tế và đầu tư cho Vùng lân cận phía Nam.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống El-Sisi khẳng định, Hội nghị thượng đỉnh Ai Cập-châu Âu là cơ hội để tăng cường hợp tác trong các vấn đề khu vực và song phương, phản ánh chiều sâu của mối quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại và văn hóa giữa Ai Cập và EU nói chung, cũng như Italy, Hy Lạp, Bỉ, CH Cyprus và Áo.

Hội nghị cũng cho thấy động lực mà mối quan hệ giữa Ai Cập và các đối tác châu Âu đã đạt được gần đây trên các cấp độ chính trị, kinh tế và văn hóa.

Tổng thống Ai Cập và các nhà lãnh đạo châu Âu khẳng định, quan hệ đối tác Ai Cập-EU dựa trên 6 ưu tiên chung, bao gồm quan hệ chính trị, ổn định kinh tế, thương mại và đầu tư, quản lý di cư, an ninh và phát triển kỹ năng.

Trong tuyên bố đăng tải trên X, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhấn mạnh: "Ảnh hưởng chính trị và kinh tế của Ai Cập, cùng với vị trí chiến lược của Cairo trong khu vực, sẽ chỉ làm tăng thêm tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai bên trong tương lai".

Bà Von der Leyen đánh giá cao nỗ lực của Ai Cập trong việc tăng cường đưa viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, nơi người Palestine đang phải đối mặt với nạn đói, đồng thời khẳng định, điều quan trọng hiện nay là phải đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở dải đất này.

Các nhà lãnh đạo châu Âu nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tăng cường quan hệ với Ai Cập trong bối cảnh tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng trên toàn thế giới.

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo kêu gọi giải quyết vấn đề nhập cư bất hợp pháp và các nguyên nhân cơ bản của vấn nạn này.

Tổng thống CH Cyprus Nicos Anastasiades nêu bật vai trò then chốt của Ai Cập trong việc tăng cường an ninh khu vực, nhấn mạnh rằng, quốc gia Bắc Phi là trụ cột cho sự ổn định khu vực. Ông Anastasiades cũng khẳng định, giải pháp hai nhà nước là giải pháp khả thi duy nhất nhằm giải quyết vấn đề Palestine.

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đánh giá cao vai trò quan trọng của Ai Cập đối với sự ổn định của châu Âu và Đông Địa Trung Hải, trong khi Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cho biết, châu Âu mong muốn tăng cường hợp tác với Ai Cập để đối phó với những thách thức chung, bao gồm cả vấn đề nhập cư bất hợp pháp.

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh Ai Cập-châu Âu, Ai Cập đã ký một loạt văn kiện hợp tác với các quốc gia châu Âu trên.

Nguồn: Thanh Niên; VOV; Công Thương; Báo Tin Tức; Báo Quốc Tế

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang