EU: Người dân xuống đường; Trở lại điện hạt nhân; Giáng đòn lên Nga, Belarus; Pháp tăng NK LPG Nga; Thủ tướng Ireland từ chức

POLITICO: NGƯỜI DÂN CHÂU ÂU RẦM RỘ XUỐNG ĐƯỜNG, EU "ĐIÊU ĐỨNG" - NGA ĐẠI THẮNG TRONG CUỘC CHIẾN KHỐC LIỆT

Châu Âu đối mặt với vấn đề nghiêm trọng từ các cuộc biểu tình của nông dân.

Tờ Politico đưa tin, nông dân trên khắp châu Âu đã xuống đường biểu tình vì cho rằng lương thực giá rẻ của Ukraine tràn qua biên giới là nguyên nhân gây ra rắc rối cho họ.

Các cuộc biểu tình rầm rộ đã buộc chính phủ các nước Liên minh châu Âu (EU) phải nhượng bộ, đồng thời khiến mối quan hệ chính trị của Kiev và các đồng minh phương Tây rơi vào tình trạng suy yếu nhất kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt.

Politico cho rằng, Nga là nguyên nhân đứng sau khủng hoảng ở châu Âu.

Nga là nguyên nhân của các cuộc biểu tình của nông dân ở phương Tây?

Theo nhận định của Politico, nguyên nhân chính khiến nông dân EU không thể bán hàng hóa của mình trong năm nay không liên quan gì đến Ukraine và ngành nông nghiệp khổng lồ của nước này.

Thay vào đó, tờ này cho rằng, nguyên nhân chính là Nga - quốc gia có sản lượng nông nghiệp kỷ lục và xuất khẩu nông nghiệp đứng đầu thế giới - đã đẩy giá nông sản xuống mức khiến nông dân khắp nơi bị thiệt hại.

Caitlin Welsh, giám đốc Chương trình An ninh Nước và Thực phẩm Toàn cầu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết: “Chắc hẳn Nga đang sử dụng xuất khẩu lương thực như một hình thức quyền lực mềm”.

Với thời tiết thuận lợi, Nga đã thu hoạch được lượng lúa mì lớn chưa từng có trong 2 năm qua và bán chúng với giá rẻ trên thị trường thế giới.

Điều này đã gây bất lợi cho nông dân các nước như Ba Lan. Họ đáp trả bằng cách phong tỏa biên giới với Ukraine vào đầu năm nay, đổ lỗi cho lương thực giá rẻ của Kiev khiến vụ thu hoạch của họ không có lãi.

Toàn EU vào cuộc

Sau khi Nga hủy bỏ sáng kiến ngũ cốc do Liên hợp quốc làm trung gian nhằm khôi phục khả năng xuất khẩu lương thực của Ukraine qua Biển Đen vào tháng 7 năm ngoái, Kiev đã thành công trong việc thiết lập hành lang xuất khẩu lương thực an toàn của riêng mình, giảm bớt áp lực lên các tuyến xuất khẩu đường bộ xuyên qua EU.

Tuy nhiên, các cuộc biểu tình của nông dân Ba Lan đã gây sức ép lên chính phủ, buộc Thủ tướng Donald Tusk phải tìm cách thuyết phục các nước EU khác về sự cần thiết của việc áp hạn chế nhập khẩu ngũ cốc Ukraine vào khối.

Trong khi đó, một số nước EU tiếp tục tiếp cận các sản phẩm giá rẻ của Nga như Tây Ban Nha, Ý và Pháp.

Nhận lời kêu gọi của Ba Lan, Latvia, Litva và các nước Đông Âu khác, Ủy ban châu Âu đã áp dụng thuế đối với lương thực nhập khẩu từ Nga - điều này khiến giá của mặt hàng này tăng gấp đôi, từ đó giảm nhu cầu.

Tuy nhiên, Polico dẫn ý kiến của các nhà phân tích thị trường cho rằng động thái này không thực sự là một giải pháp do thị phần nhập khẩu ngũ cốc của EU tương đối thấp.

Nga chuyển hướng xuất khẩu

Trong bối cảnh bất ổn chính trị với EU, Nga phần lớn đã tìm cách chuyển hướng xuất khẩu lúa mì sang các khu vực khác trên thế giới. Trong năm vừa qua, Moscow đã gửi hàng trăm nghìn tấn ngũ cốc miễn phí tới các nước châu Phi và châu Á, tăng vị thế địa chính trị.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, Nga cũng tích cực hợp tác với Brazil, Mexico và các nước Mỹ Latinh khác, nơi mùa màng bị tàn phá do thời tiết khắc nghiệt.

Theo Joseph Siegle, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Châu Phi cảnh báo, sẽ xuất hiện những rủi ro lâu dài nếu các nước trở nên phụ thuộc vào hàng hóa Nga. Ông Joseph Siegle cho rằng, để đảm bảo an toàn, những quốc gia này nên tìm cách đa dạng hóa nguồn cung của mình.

CHÂU ÂU MUỐN QUAY TRỞ LẠI VỚI ĐIỆN HẠT NHÂN

Tại Hội nghị thượng đỉnh về năng lượng hạt nhân, nhiều lãnh đạo từ các nước châu Âu ủng hộ hạt nhân và các chuyên gia năng lượng đã lên tiếng kêu gọi phục hồi năng lượng hạt nhân.

Hội nghị thượng đỉnh về năng lượng hạt nhân hôm nay (21/3) đã khai mạc tại thủ đô Brussels, Bỉ. Nhiều nhà hoạt động môi trường đã tổ chức biểu tình để phản đối đảo ngược xu hướng từ bỏ năng lượng hạt nhân bên ngoài hội nghị. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo từ các nước châu Âu ủng hộ hạt nhân và các chuyên gia năng lượng đã lên tiếng kêu gọi phục hồi năng lượng hạt nhân.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Von Der Leyen cho rằng mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau trong các nước thuộc Liên minh Châu Âu về năng lượng hạt nhân, nhưng bà tin rằng công nghệ hạt nhân có thể đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.

Bà Von Der Leyen nói: "Do tính cấp bách của thách thức khí hậu, các quốc gia cần cân nhắc các lựa chọn một cách cẩn thận trước khi từ bỏ nguồn điện có lượng phát thải thấp sẵn có. Mở rộng hoạt động an toàn của các lò hạt nhân có sẵn là một trong những cách rẻ nhất để đảm bảo nguồn điện sạch trên quy mô lớn. Việc này có thể giúp mở ra một con đường hiệu quả về chi phí để đạt được mức phát thải bằng 0.”

Sau sự cố hạt nhân tại Nhà máy điện Fukushima số 1 trong thảm họa kép động đất sóng thần tại Nhật Bản năm 2011, nhiều nước châu Âu đã từ bỏ năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, trước sức ép phải giảm 55% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030, nhiều quốc gia đang suy nghĩ đảo ngược xu thế từ bỏ năng lượng hạt nhân.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Komura Masahiro cho biết nước này sẽ nỗ lực kéo dài tuổi thọ của các lò phản ứng hạt nhân trong khi liên tục suy nghĩ về vụ sự cố hạt nhân tại Fukushima để đảm bảo rằng an toàn luôn là ưu tiên hàng đầu trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân.

Ông Masahiro khẳng định: "Nhật Bản sẽ nỗ lực thúc đẩy việc khởi động các nhà máy điện hạt nhân, kéo dài thời gian hoạt động và thúc đẩy việc phát triển và xây dựng các lò phản ứng tiên tiến thế hệ mới. Ngoài ra, Nhật Bản sẽ thúc đẩy nghiên cứu và phát triển thông qua hợp tác toàn cầu và cố gắng thiết lập chuỗi cung ứng mạnh mẽ".

Ngay trước khi hội nghị diễn ra, các nhà hoạt động môi trường đã tổ chức biểu tình phản đối. Các nhà hoạt động kêu gọi chính phủ các nước tập trung vào các nguồn năng lượng tái tạo thay vì hướng sự quan tâm trở lại năng lượng hạt nhân.

Năng lượng hạt nhân không còn được ưa chuộng ở châu Âu vì những lo ngại về an toàn sau sự cố hạt nhân tại Fukushima, Nhật Bản năm 2011. Chính phủ Đức đóng cửa ngay lập tức 6 nhà máy hạt nhân và loại bỏ dần các lò phản ứng còn lại. Ba cơ sở hạt nhân cuối cùng của Đức đã ngừng hoạt động vào tháng 4 năm ngoái.

Tuy nhiên, nhu cầu tìm giải pháp thay thế cho khí đốt của Nga và cam kết của Liên minh châu Âu nhằm cắt giảm 55% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 đã thúc đẩy xu hướng quan tâm trở lại năng lượng hạt nhân.

EC GIÁNG ĐÒN LÊN NGA, BELARUS

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen hôm 21-3 cho biết họ chuẩn bị đề xuất tăng thuế đối với ngũ cốc, hạt có dầu và các sản phẩm có nguồn gốc từ Nga và Belarus.

Reuters dẫn lời bà von der Leyen xác nhận đề xuất trên sẽ được công bố trong ngày 22-3.

“Chúng tôi đã chuẩn bị đề xuất tăng thuế đối với ngũ cốc, hạt có dầu và các sản phẩm có nguồn gốc nhập khẩu từ Nga và Belarus. Có một số lý do chính đáng để đưa ra đề xuất này” - bà von der Leyen phát biểu tại một cuộc họp báo.

Chủ tịch EC cho biết thêm đề xuất này sẽ giúp ngăn chặn việc ngũ cốc của Nga gây bất ổn cho thị trường Liên minh châu Âu (EU), không cho Nga sử dụng doanh thu từ xuất khẩu các sản phẩm này sang EU và đảm bảo ngũ cốc Ukraine “bị Nga thu giữ” sẽ không nhập khẩu trái phép vào EU.

Trước đó, các bộ trưởng nông nghiệp của Lithuania, Latvia, Estonia, Ba Lan và Cộng hòa Czech kêu gọi EC cấm nhập khẩu ngũ cốc từ Nga và Belarus vào EU.

Bộ trưởng Nông nghiệp Lithuania Kęstutis Navickas nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt hiện tại của EU đối với Nga đang thiếu hiệu lực.

"Chúng tôi yêu cầu EC phân tích khả năng hạn chế nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm từ Nga và Belarus vào EU. Trong khi Nga tiến hành hoạt động quân sự tại Ukraine, ngũ cốc của nước này tiếp tục xâm nhập vào thị trường EU. Chẳng hạn, năm 2023, EU đã nhập khẩu 1,53 triệu tấn ngũ cốc của Nga trị giá 437,5 triệu euro" - Bộ trưởng Navickas cho biết.

Ngoài ra, các bộ trưởng ký đơn đề xuất trên lưu ý Nga sử dụng lợi nhuận từ xuất khẩu ngũ cốc sang EU để tài trợ cho cuộc xung đột với Ukraine.

"Với tư cách là các quốc gia thành viên EU, chúng tôi cho rằng cần phải thực hiện nghĩa vụ đạo đức nhằm ngăn chặn bất kỳ hoạt động thương mại nào có thể tăng cường khả năng của Nga và Belarus. Đặc biệt, một số hàng nhập khẩu của Nga có thể bao gồm ngũ cốc bị lấy từ các vùng lãnh thổ của Ukraine. Hàng nhập khẩu của Nga cũng có thể gây áp lực lên thị trường nội địa EU và cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của nông dân EU” - đơn đề xuất nêu rõ.

PHÁP TĂNG MẠNH NHẬP KHẨU KHÍ HÓA LỎNG TỪ NGA

Bất chấp tuyến bố cứng rắn của Tổng thống Emmanuel Macron nhằm vào Điện Kremlin và kế hoạch triển khai quân tới Ukraine, Pháp vẫn không ngừng nhập khẩu nhiên liệu của Nga và thậm chí còn tăng khối lượng mua hàng.

Theo thống kê của châu Âu, vào đầu năm nay, Paris đã tăng mạnh mua khí hóa lỏng (LNG) của Nga, đạt mức cao mới kể từ tháng 11/2022. Vào tháng 1 năm nay, Pháp đã chi 293 triệu euro mua LNG từ Nga, trong khi vào tháng 12 năm ngoái, số tiền mua hàng lên tới 244 triệu euro.

Các nước EU khác đã tăng nhập khẩu nhiên liệu trên từ Nga ở mức độ thấp hơn, nhưng tổng khối lượng cung cấp đã đạt mức cao trong 10 tháng qua. Tây Ban Nha chứng kiến mức mua hàng cao kỷ lục, khiến giá thành LNG của Nga tăng gấp 1,7 lần. Hà Lan, Bỉ, Thụy Điển, Litva và Phần Lan mua với khối lượng nhỏ hơn.

Tờ Lemonde của Pháp cũng xác nhận rằng châu Âu tăng cường nhập khẩu khí đốt Nga bằng đường biển, bất chấp cuộc xung đột ở Ukraine. Đáng ngạc nhiên hơn, sau khi xung đột bùng nổ và mặc dù Điện Kremlin đã giảm đáng kể việc cung cấp khí đốt tự nhiên qua đường ống, lượng LNG được vận chuyển bằng đường biển vẫn tăng mạnh so với mức trước xung đột.

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu giải thích rằng tình hình đã "thay đổi thực sự đáng kể". Năm 2021, các nước EU đã nhận được hơn 150 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên của Nga, chiếm 45% tổng lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu, hầu hết đều qua đường ống. Theo đánh giá ban đầu, lượng mua khí đốt từ các công ty Nga dường như đã giảm xuống còn khoảng 25 tỷ mét khối trong 7 tháng đầu năm 2023: 15% lượng nhập khẩu – một nửa trong số đó hiện ở dạng LNG.

Dù xuất khẩu thấp hơn Mỹ và Qatar, Nga cũng được hưởng lợi khi Pháp và châu Âu ngày càng dùng nhiều LNG. Một nghịch lý lớn là vào tháng 3/2022, EU đã chuyển sang LNG để đa dạng hóa nguồn cung, nhằm giảm phụ thuộc Nga. Thierry Bros, một giảng viên tại Sciences Po chuyên về các vấn đề năng lượng, đã chỉ trích một số hành vi mơ hồ của Ủy ban châu Âu, trong khi Ủy viên Năng lượng Estonia Kadri Simson thừa nhận: “EU có thể và phải loại bỏ khí đốt của Nga càng sớm càng tốt”.

THỦ TƯỚNG TRẺ NHẤT IRELAND ĐỘT NGỘT TỪ CHỨC: NHỮNG DẤU HỎI LỚN?

Vị Thủ tướng trẻ nhất của Ireland bất ngờ đệ đơn từ chức sau chuyến công du Mỹ, qua đó làm dấy lên đồn đoán về động cơ đằng sau và tương lai chính trường Dublin.

Ông Leo Varadkar, sinh năm 1979, có mẹ là người Ireland và cha là người Ấn Độ. Sau khi người tiền nhiệm Enda Kenny về hưu, ông được bổ nhiệm làm Thủ tướng Ireland ngày 14/6/2017 và trở thành Thủ tướng trẻ tuổi nhất nước này.

Ông Varadkar từ chức năm 2020 sau khi đảng của ông thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội. Hai năm sau, ông quay lại tiếp quản chức Thủ tướng từ ông Michael Martin theo cơ chế luân phiên được thống nhất giữa 2 đảng thuộc liên minh cầm quyền. Ông từng đóng vai trò lãnh đạo trong chiến dịch hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới năm 2015 và bãi bỏ lệnh cấm phá thai năm 2018 tại Ireland.

Dù gặt hái nhiều thành tựu đáng kể trong chặng đường cầm quyền, ông Varadkar đột ngột đệ đơn từ chức Thủ tướng Ireland ngày 20/3. Sự ra đi bất ngờ này đặt ra nhiều dấu hỏi lớn về nguyên nhân từ chức, đồng thời dấy lên suy đoán về tương lai chính quyền Ireland.

Vén màn nguyên nhân

Phát biểu tại buổi họp báo bên ngoài tòa nhà Chính phủ ở Dublin ngày 20/3, ông Leo Varadkar tuyên bố từ chức Chủ tịch và lãnh đạo đảng Fine Gael, đồng thời rời ghế Thủ tướng ngay khi người kế nhiệm có thể đảm nhận vai trò này.

Trong bài phát biểu, ông Varadkar nhấn mạnh những tiến bộ mà Ireland đạt được trong nhiệm kỳ của mình. Dù đất nước đối mặt nhiều thách thức, ông khẳng định niềm tin vào quỹ đạo phát triển của Dublin, đồng thời lưu ý rằng cuộc bầu cử sắp tới là cơ hội để nước này đi lên đổi mới.

Nguyên Thủ tướng Ireland cho biết, lý do từ chức xuất phát từ cả yếu tố cá nhân và chính trị. Ông Varadkar thừa nhận, chính trị gia cũng là con người và có hạn chế của riêng mình, do đó Ireland cần đổi mới lãnh đạo. Ông khẳng định đây là thời điểm phù hợp để nhường lại vị trí Thủ tướng cho ứng viên khác đủ dũng khí và năng lực đảm nhiệm.

Bên cạnh nguyên nhân chủ quan, có ý kiến cho rằng đơn từ chức của ông Varadkar liên quan đến các thất bại trong chính sách đối nội và đối ngoại thời gian gần đây.

Về đối nội, ông không giành được sự ủng hộ trong cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp hồi đầu tháng. Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, đảng cầm quyền Fine Gael đề xuất viết lại ngôn ngữ trong Hiến pháp vốn bị cho là lỗi thời và phân biệt giới tính, song cử tri Ireland bỏ phiếu chống và bác bỏ nỗ lực này.

Về đối ngoại, chuyến công du Mỹ ngày 15/3 của ông đi ngược với quan điểm dư luận nội bộ. Trong bối cảnh sự ủng hộ của cử tri Ireland dành cho Palestine tăng cao, người dân lên tiếng kêu gọi Thủ tướng Varadkar hủy bỏ kế hoạch sang Mỹ do sự hậu thuẫn của Washington cho Israel. Bất chấp dư luận, ông Varadkar vẫn tiến hành chuyến thăm như dự kiến và theo đó làm mất lòng cử tri.

Dấu hỏi người kế vị

Đơn từ chức của ông Varadkar sẽ không tự động kích hoạt cuộc tổng tuyển cử ngay lập tức, mà người thay thế ông có thể là lãnh đạo mới của đảng Fine Gael. Theo kế hoạch, đến năm 2025, Ireland mới tổ chức cuộc bầu cử tiếp theo.

Thực tế này đặt ra câu hỏi về ứng viên sáng giá kế nhiệm vai trò Thủ tướng từ tay ông Varadkar. Nhà lãnh đạo tiếp theo thậm chí kế thừa cả những thách thức và cơ hội mà Ireland hiện đối mặt, bao gồm giải quyết hậu quả đại dịch Covid-19, nguy cơ suy thoái kinh tế và mục tiêu nâng cao vị thế toàn cầu của Dublin.

Hiện có bốn nhân vật tiềm năng có thể thay thế vai trò lãnh đạo đảng cầm quyền Fine Gael và điều hành Ireland: Bộ trưởng Giáo dục đại học Simon Harris, Bộ trưởng Doanh nghiệp Simon Coveney, Bộ trưởng Chi tiêu công Donohoe Paschal và Bộ trưởng Tư pháp Helen McEntee.

Thứ nhất, Bộ trưởng Giáo dục đại học Simon Harris nổi lên trong giai đoạn Dublin ứng phó đại dịch Covid-19, khi ông là người chỉ đạo Ireland thành công vượt qua các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt với tư cách là Bộ trưởng Y tế. Ngoài ra, Tạp chí Irish Tatler từng đưa ông vào danh sách “thế hệ chính trị gia có tiềm năng thay đổi tương lai Ireland”. Song, ông cũng vướng vào các bê bối trong nhiệm kỳ 4 năm làm Bộ trưởng Y tế, điển hình là việc xét nghiệm sàng lọc không chính xác khiến hơn 200 phụ nữ mắc bệnh ung thư cổ tử cung.

Thứ hai, Bộ trưởng Doanh nghiệp, Thương mại và Việc làm Simon Coveney - gương mặt quen thuộc với chính trường Ireland khi ông nhậm chức Bộ trưởng Ngoại giao giai đoạn 2017-2022. Ông là nhân vật nổi bật trong các cuộc đàm phán hậu Brexit và giúp củng cố quyền lực mềm của Ireland ở châu Âu. Ngoài ra, ông từng được biết đến rộng rãi khi vận động dự án Cánh buồm Chernobyl hồi năm 1997-1998, liên quan đến việc chèo thuyền hơn 48.000 km vòng quanh thế giới để làm từ thiện.

Thứ ba, Bộ trưởng Chi tiêu công Paschal Donohoe từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong nội các Ireland và Liên minh châu Âu (EU). Ông làm việc với tư cách Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu năm 2013-2014, trở thành Bộ trưởng Bộ Giao thông, Du lịch và Thể thao giai đoạn 2014-2016 và nắm giữ trọng trách Bộ trưởng Tài chính năm 2017. Trên cấp độ khu vực, ông lần đầu tiên được bầu làm Chủ tịch Eurogroup - Nhóm các Bộ trưởng Tài chính EU tháng 7/2020 và tái đắc cử tháng 12/2022.

Cuối cùng, Bộ trưởng Tư pháp Helen McEntee sẽ trở thành Thủ tướng trẻ nhất và là nữ lãnh đạo đầu tiên của Ireland nếu đắc cử. Bà là người ủng hộ mạnh mẽ quyền và lợi ích trẻ em trên khía cạnh dinh dưỡng và dịch vụ y tế, đồng thời thường xuyên nêu cao vấn đề cải thiện hạ tầng giao thông và viễn thông. Song, với tư cách là Bộ trưởng Tư pháp từ năm 2020, bà từng đối mặt nhiều sự cố, trong đó nổi lên vụ bạo loạn ở Dublin tháng 11/2023 liên quan tới bạo lực gần trường học khiến 3 trẻ em bị thương, phe đối lập kêu gọi bà Helen McEntee từ chức vì thất bại trong việc giữ an toàn cho người dân.

Là Thủ tướng Ireland trẻ tuổi nhất và từng hai lần nắm giữ trọng trách này, đơn từ chức bất ngờ của ông Leo Varadkar khiến dư luận nảy sinh đồn đoán về nguyên nhân đằng sau, liên quan đến các thất bại gần đây trong hoạt động đối nội và đối ngoại. Sự ra đi này còn tạo ra quan ngại về khoảng trống quyền lực trong bộ máy cầm quyền Dublin, trong đó nổi lên bốn cái tên lớn có thể kế thừa vị trí người tiền nhiệm để lại.

Nguồn: Soha; VOV; Người Lao Động; Báo Tin Tức; Báo Quốc Tế

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang