EU: Lạm phát giảm; USD vẫn là 'vua'; Macron nói Nga 'đánh thức' NATO; Cách tiếp cận tăng tốc; TBN đẩy nhanh bầu cử

Lạm phát đồng loạt giảm tại nhiều nền kinh tế lớn của châu Âu

(Ảnh minh họa).

Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn tính toán sơ bộ của Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis) công bố ngày 31/5 cho biết, tỷ lệ lạm phát ở nước này tiếp tục giảm trong tháng 5/2023 khi giá tiêu dùng tăng 6,1% so với cùng tháng năm ngoái.

Vào tháng 4/2023, tỷ lệ lạm phát giảm xuống 7,2%, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2022 và các nhà kinh tế đã dự đoán mức lạm phát sẽ giảm xuống 6,5% trong tháng 5 này. Các số liệu từ Đức là dấu hiệu quan trọng về tỷ lệ lạm phát trong toàn bộ khu vực đồng euro, mà Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) sẽ công bố vào ngày 1/6.

Sự biến động về giá cả ở từng quốc gia trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) có ý nghĩa quyết định đối với chính sách lãi suất trong tương lai của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Đầu tháng 5, ECB đã tăng lãi suất cơ bản trong eurozone lên 3,75% lần thứ 7 liên tiếp. Các chuyên gia kỳ vọng ECB sẽ tiếp tục tăng lãi suất hơn nữa trong thời gian tới.

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp ở Đức cũng giảm trong tháng 5/2023 mặc dù chậm hơn bình thường vào giai đoạn mùa xuân. Theo Cơ quan Lao động liên bang (BA), mặc dù nền kinh tế suy yếu, thị trường lao động nhìn chung vẫn ổn định, tăng trưởng việc làm đang tiếp tục nhưng phần nào mất đà. Số liệu cho thấy có ít dấu hiệu về sự hồi sinh đáng kể vào mùa xuân của thị trường lao động. Số người thất nghiệp ở Đức đã giảm xuống còn 2,544 triệu người trong tháng 5/2023, thấp hơn 42.000 người so với tháng 4, nhưng nhiều hơn 284.000 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ này đã giảm 0,2 điểm xuống còn 5,5% trong tháng 5/2023. Tỷ lệ thất nghiệp thường giảm vào mùa xuân vì các công ty tìm kiếm thêm công nhân sau mùa đông. Tuy nhiên, sự hồi sinh thị trường lao động vào mùa xuân phụ thuộc vào tình hình kinh tế và điều kiện thời tiết, do vậy có thể thay đổi theo năm.

Nền kinh tế Đức rơi vào suy thoái từ đầu năm do người tiêu dùng ít chi tiêu hơn vì lạm phát cao. Nhiều nhà kinh tế cho rằng nền kinh tế lớn nhất châu Âu có sụt giảm trong cả năm 2023.

Các số liệu báo cáo sơ bộ cho thấy tháng 5/2023, tăng trưởng giá tiêu dùng ở Pháp đã chậm lại, còn 5,1%, giảm so với 5,9% của tháng trước đó. Trong khi đó, số liệu công bố 1 ngày trước đó ở Tây Ban Nha cho thấy lạm phát của nước này đã giảm từ 4,1% trong tháng 4, còn 3,2% trong tháng 5 nhờ chi phí nhiên liệu giảm.

Số liệu của Italy công bố ngày 31/5 cho thấy tăng trưởng giá của nước này trong tháng 5/2023 cũng giảm từ 8,2% của tháng 4, còn 7,6%. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn mức mục tiêu 2% đề ra.

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service (Moody's) đã điều chỉnh mức dự báo GDP của Italy trong năm 2023 tăng 0,8%, cao hơn mức dự báo tăng trưởng 0,3% mà cơ quan này đưa ra trước đó vào tháng 2/2023. Ngược lại, Moody đã cắt giảm mức dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2024 của Italy từ 0,6% xuống 0,4%.

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Luis de Guindos, đây là những thông tin tích cực, song còn quá sớm để tuyên bố khu vực này chiến thắng lạm phát. Phát biểu tại buổi công bố báo cáo định kỳ của ECB về bình ổn tài chính, ông cho rằng châu Âu đang đi đúng quỹ đạo và các nước trong khu vực cần xem xét thận trọng diễn biến của lạm phát lõi, không tính giá thực phẩm và năng lượng.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

USD vẫn là 'vua' ở châu Âu

Do quan hệ tài chính và thương mại chặt chẽ nên việc USD tăng giá hay Fed nâng lãi suất tác động đến châu Âu có khi còn lớn hơn tại Mỹ.

Không chỉ người Mỹ lo lắng theo dõi xem liệu Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có tăng lãi suất hay đẩy đất nước vào suy thoái hay không, người châu Âu và nhiều quốc gia khác cũng vậy. Đó là vì bất chấp các cuộc thảo luận về phi toàn cầu hóa và phi đôla hóa, USD vẫn là "vua" tại những nơi này. Các mối quan hệ tài chính và thương mại giữa Mỹ với các đối tác quan trọng hiện mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trong trường hợp của châu Âu, điều này thậm chí còn mạnh hơn.

Đầu năm ngoái, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cố gắng vạch ra một lộ trình khác với Fed. Họ dự định giữ lãi suất ở mức thấp bất chấp Fed tăng. Nhưng sau khi euro trượt giá so với USD, ECB buộc phải nhanh chóng đảo ngược kế hoạch, do lo ngại nhập khẩu lạm phát bởi năng lượng được thanh toán bằng USD.

Giờ thách thức đang ngược lại. Fed đã phát đi tín hiệu sẽ tạm dừng tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách vào tháng 6 để xem liệu mức tăng 5 điểm phần trăm kể từ đầu ngoái có làm chậm lại đáng kể nền kinh tế Mỹ hay không. Điều đó có thể khiến ECB khó tăng lãi suất hơn trong khi họ vẫn đối diện lạm phát đang cao. "USD đóng vai trò thống trị trong nền kinh tế toàn cầu", Maurice Obstfeld, cựu Kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói.

Thảo luận về việc USD mất ưu thế tiền tệ dự trữ ngày càng nhiều khi các nước như Arab Saudi, Trung Quốc và Nga tăng sử dụng các loại tiền tệ khác. Đó là phản ứng trước việc Mỹ "vũ khí hóa" USD, đơn cử như đóng băng dự trữ ngoại tệ của Nga. USD chiếm chưa đến 60% dự trữ ngoại hối chính thức toàn cầu trong quý II/2022, so với 72% vào hai thập kỷ trước. Do đó, nó mất dần sự thống trị.

Mỹ chỉ chiếm khoảng một phần tư sản lượng và chỉ hơn 10% thương mại toàn cầu, nhưng gần một nửa thương mại trên thế giới được lập hóa đơn bằng USD. Đồng bạc xanh tham gia vào gần 90% giao dịch ngoại hối toàn cầu vào năm ngoái, theo báo cáo của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế.

Khoảng một nửa số chứng khoán nợ quốc tế và các khoản vay xuyên biên giới được phát hành trên thị trường nợ nước ngoài cũng được tính bằng USD. Những mối liên kết này truyền lãi suất cao hơn của Mỹ sang các nền kinh tế khác theo nhiều cách. Ví dụ, chúng hút vốn ra khỏi các nền kinh tế, đẩy chi phí vay lên cao và khiến các đồng tiền khác mất giá so với USD.

Theo nghiên cứu của ECB, khoảng một phần ba thay đổi về lãi suất do Fed thắt chặt chính sách tạo ra mức tăng lãi suất tương đương ở Đức. Khi USD tăng giá, các mặt hàng định giá bằng tiền tệ này - như dầu mỏ - trở nên đắt đỏ hơn. Ngoài ra, lãi suất cao hơn sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng của Mỹ, làm giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nước ngoài.

Những điều này có nghĩa là việc Fed tăng lãi suất ảnh hưởng đến nền kinh tế châu Âu nhiều - thậm chí nhiều hơn ảnh hưởng đến Mỹ, theo ECB. Nghiên cứu cũng cho thấy việc thắt chặt của Fed từ năm 1991-2019 đã làm giảm sản lượng công nghiệp, giá cổ phiếu, khoản vay kinh doanh và tỷ lệ lạm phát của khu vực đồng euro, đồng thời gây áp lực lên thương mại thế giới bên ngoài Mỹ. Ngược lại, các hành động của ECB có tác động rất ít đến kinh tế Mỹ.

Các quan chức của ECB theo dõi rất chặt những hành động chính sách của Fed và theo dõi tỷ giá hối đoái giữa đồng euro với USD. "Khi Fed dẫn đầu, những người khác sẽ theo sau mà không do dự", Panicos Demetriades, Cựu quan chức ECB, Cựu Thống đốc ngân hàng trung ương Cyprus, nói.

Tất nhiên, ECB không chỉ đi theo Fed hoàn toàn mà còn có những hành động riêng để đối phó với lạm phát. Chủ tịch ECB Christine Lagarde thừa nhận tiền tệ có tính tác động. Bất kỳ ảnh hưởng lan tỏa nào cũng sẽ được họ tính đến, nhưng bà tuyên bố không phụ thuộc vào Fed. "Chúng tôi có nhiều nền tảng để xoay xở hơn và sẽ không dừng lại", bà nói về đối phó với lạm phát đầu tháng 5.

Dù vậy, những động thái tiếp theo của ECB cũng phụ thuộc lớn vào Mỹ. Chuyên gia Maurice Obstfeld cho biết lãi suất chính sách của ECB đang thấp hơn khoảng 2 điểm phần trăm so với của Fed và họ không có thời gian để theo kịp.

Sắp tới, liệu ECB có tiếp tục thắt chặt tiền tệ hay không sẽ phụ thuộc vào việc Fed có đẩy Mỹ vào suy thoái không. Đối với châu Âu, xuất khẩu - đặc biệt là sang Mỹ - là một trụ cột mạnh mẽ hiếm có khi sức mua nội địa đang suy giảm. Thương mại hàng hóa giữa EU và Mỹ đã tăng lên 86 tỷ USD trong tháng 3, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ 2022, theo Cục điều tra dân số Mỹ.

Nếu Mỹ rơi vào suy thoái những tháng tới, nhập khẩu của nước này có thể giảm, làm châu Âu mất đi một trụ cột tăng trưởng. Bù lại, viễn cảnh đó sẽ khiến USD suy yếu, giúp châu Âu có giá năng lượng rẻ hơn và nhập khẩu lạm phát ít đi. Nghĩa là, việc Mỹ suy thoái có thể khiến cuộc sống của người châu Âu trở nên khó khăn hơn nhưng sẽ dễ cho ECB đối phó hơn.

"Châu Âu nói chung đang ở trong tình trạng khá bấp bên, điều đó sẽ khiến ECB phải thận trọng", Obstfeld đánh giá.

(Nguồn: Vnexpress)

Ông Macron nói Nga ‘đánh thức’ NATO bằng cú ‘sốc điện’ mạnh nhất

(Ảnh minh họa).

Phát biểu tại một diễn đàn an ninh ngày 31/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã “đánh thức” Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bằng chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ông Macron cũng kêu gọi phương Tây mang đến những bảo đảm an ninh “hữu hình và đáng tin cậy” cho Ukraine.

“Tôi đã có những lời lẽ gay gắt về NATO vào tháng 12/2019”, ông Macron nói tại Diễn đàn an ninh toàn cầu GLOBSEC tại thủ đô Bratislava của Slovakia ngày 31/5, nhắc lại tuyên bố của ông trước đây rằng NATO đã “ chết não ”.

“Tôi có thể nói rằng Tổng thống Vladimir Putin đã đánh thức nó bằng một cú sốc điện mạnh nhất”, ông Macron nói.

Cho rằng Ukraine “ngày nay đang bảo vệ châu Âu”, ông Macron nói rằng việc trao cho Kiev bảo đảm an ninh từ NATO cũng là vì lợi ích của phương Tây.

“Đó là lý do tôi ủng hộ, và đây sẽ là chủ đề của các cuộc bàn luận chung trong những tuần tới…để mang lại những bảo đảm an ninh hữu hình và đáng tin cậy cho Ukraine”, Tổng thống Pháp nói.

Ông nói rằng nhiều thành viên NATO có thể cung cấp bảo đảm như vậy trong thời điểm hiện nay, khi Ukraine đang chờ gia nhập liên minh.

“Chúng ta phải tạo nên thứ gì đó giữa bảo đảm an ninh như đã dành cho Israel với tư cách thành viên đầy đủ”, ông Macron nói.

Nhà lãnh đạo Pháp cho rằng không nên có sự phân chia giữa “châu Âu cũ” và “châu Âu mới”, ý nhắc đến những khác biệt giữa các thành viên Đông Âu và Tây Âu trong những vấn đề như quan hệ với Nga.

Sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine, các nước Đông Âu, như Ba Lan, chỉ trích ông Macron vì vẫn trao đổi với Tổng thống Nga Putin.

Các chính phủ Đông Âu cũng chỉ trích phát biểu mà ông Macron đưa ra vào tháng 6/2022 rằng điều quan trọng là không nên “làm mất mặt” Nga.

Pháp thận trọng hơn Anh trong vấn đề cung cấp vũ khí cho Ukraine, nhưng vẫn là nước viện trợ lớn thứ tư cho Ukraine về hỗ trợ tài chính, nhân đạo và vũ khí, đứng sau Mỹ, Đức và Anh.

Bài phát biểu lần này của ông Macron tại Bratislava được đánh giá là thể hiện thay đổi đáng kể trong quan điểm của nhà lãnh đạo Pháp đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine, trong bối cảnh các quan chức Pháp đang nỗ lực xoá bỏ sự hoài nghi và không tin tưởng ở các nước Trung và Đông Âu.

Kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine, các lãnh đạo và nhà phân tích chính trị ở khu vực càng coi Pháp và ông Macron là đồng minh không đáng tin cậy. Nhiều người vẫn chưa quên phát biểu của ông Macron rằng NATO đã “chết não” và cảnh giác khi Paris nhiều lần kêu gọi châu Âu bớt phụ thuộc vào Mỹ về an ninh.

(Nguồn: Soha)

Cách tiếp cận tăng tốc của EU

Văn phòng Tổng thống Kyrgyzstan và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel vừa cho biết, Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) và khu vực Trung Á sẽ diễn ra vào 2.6 tới tại thành phố Cholpon-Ata, Kyrgyzstan nhằm tăng cường liên kết. Đây là Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2 chỉ trong vòng chưa đầy một năm qua giữa Liên minh châu Âu và Trung Á sau lần đầu tiên diễn ra vào tháng 10.2022 tại Kazakhstan.

Trung tâm của nhiều vận động ngoại giao quốc tế

Hội nghị Thượng đỉnh sẽ có sự tham dự của Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Joomart Tokayev, Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon, Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev, Phó Chủ tịch Nội các Turkmenistan Nurmuhammet Amannepesov và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel. Theo người đứng đầu bộ phận chính sách đối ngoại của Phủ Tổng thống Kyrgyzstan - ông Muratbek Azymbakiyev, sự kiện này là dịp trao đổi, thảo luận về “hiện trạng, triển vọng hợp tác chính trị, thương mại, kinh tế, văn hóa và nhân đạo giữa hai khu vực”. Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của AFP, người phát ngôn của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, "mục tiêu chính của cuộc họp thượng đỉnh là để tăng cường các quan hệ song phương’’. Trước đây, trong cuộc gặp đầu tiên với các nhà lãnh đạo Trung Á năm ngoái, ông Michel từng gọi đây là “biểu tượng mạnh mẽ cho hợp tác EU - Trung Á và là tín hiệu mạnh mẽ về cam kết của EU đối với khu vực”. Thực tế, mối quan hệ giữa hai bên là quá trình "động" và đang phát triển. Qua các năm, EU điều chỉnh cách tiếp cận của mình để phản ánh những nhu cầu và ưu tiên thay đổi đối với các quốc gia Trung Á.

Theo giới quan sát, kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, EU dành sự quan tâm ngày càng lớn đối với các quốc gia Trung Á nhằm vận động và lôi kéo các nước này ra khỏi vùng ảnh hưởng của Nga; vì trên thực tế, cho dù ảnh hưởng suy giảm, Nga vẫn tiếp tục là quốc gia có vị thế tại khu vực. EU hoài nghi các nước Trung Á đang giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây dù họ luôn phủ nhận. Hơn nữa, châu Âu cũng sốt ruột khi thấy Trung Quốc đang tăng cường hiện diện ở đây, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Iran ngày càng tích cực thúc đẩy quan hệ và chính sách ngoại giao với Trung Á. Ở chiều ngược lại, đối đầu Đông - Tây đang gia tăng cơ hội cho các nước khu vực Trung Á nâng cao vị thế quốc tế, thu hút các nguồn đầu tư mới và tăng cường hợp tác an ninh từ các đối tác mới.

Cuộc họp cuối tuần này được tổ chức chỉ hai tuần sau hội nghị thượng đỉnh chưa từng có giữa lãnh đạo 5 nước Trung Á và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Tây An, Trung Quốc. Mục tiêu của đất nước gấu trúc muốn đặt khu vực này vào trung tâm của “Con đường tơ lụa mới”, một dự án hạ tầng cơ sở và kinh tế có quy mô đồ sộ. Thực tế, Trung Á đang trở thành tâm điểm của nhiều vận động ngoại giao quốc tế. Ngoài giới lãnh đạo châu Âu, Trung Quốc, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã thăm Trung Á trong những tháng gần đây.

Trung Á là khu vực gồm 5 quốc gia: Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. Họ trở thành các quốc gia độc lập sau sự tan rã của Liên Xô vào năm 1991. Đây còn được biết đến là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên, cũng như đóng vai trò trung tâm trung chuyển, cầu nối thương mại giữa châu Âu và châu Á. Tuy nhiên, khu vực này vẫn còn bất ổn với một số đụng độ nội bộ về biên giới giữa Kyrgyzstan và Tajikistan tháng 9.2022 hay biến động chính trị tại Kazakhstan đầu năm 2023. Bản thân nước láng giềng Afghanistan của họ, dưới sự kiểm soát của Taliban, cũng là nguồn bất ổn.

Động lực thắt chặt quan hệ

EU và Trung Á có mối quan hệ phức tạp và đang trên đà phát triển. Liên minh lá cờ xanh thiết lập quan hệ ngoại giao với 5 quốc gia Trung Á mới độc lập lúc bấy giờ vào năm 1992, nhưng có rất ít tiến triển cho đến năm 2001, khi sự can thiệp của quốc tế vào Afghanistan mang lại động lực mới cho mối quan hệ EU - Trung Á.

Vào đầu những năm 2000, quan điểm của EU là tăng cường liên kết với các quốc gia láng giềng phía Bắc của Kabul sẽ hỗ trợ phát triển ở Afghanistan, trong khi khối có thể giúp các chính phủ Trung Á giải quyết mối đe dọa an ninh từ bên kia biên giới, chẳng hạn như ma túy và tội phạm, có nguy cơ lan rộng xa hơn. Bên cạnh đó, sự giàu có về khoáng sản, trữ lượng khí đốt và dầu mỏ, cũng như trữ lượng vàng, uranium hay kim loại hiếm cũng khiến khu vực này trở nên đặc biệt hấp dẫn đối với các nhà đầu tư châu Âu.

Sự tương tác giữa EU và Trung Á chủ yếu tập trung vào việc thúc đẩy ổn định, an ninh và phát triển trong khu vực. Nền móng quan hệ giữa châu Âu và Trung Á đầu tiên dựa trên chiến lược được EU thông qua vào năm 2007, được gọi là “EU và Trung Á: chiến lược cho đối tác mới”, tập trung chủ yếu vào hợp tác năng lượng. Sau đó, năm 2019, chiến lược mới về Trung Á mang tên “Cơ hội mới cho quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn” tiếp tục được EU bật đèn xanh, nhắm chính vào 3 chuỗi ưu tiên là thúc đẩy khả năng phục hồi, thịnh vượng và hợp tác khu vực ở Trung Á. Các vấn đề môi trường được đưa lên trong số các ưu tiên. Từ năm 2014 đến năm 2020, nguồn tài trợ theo Công cụ Hợp tác phát triển của EU lên tới 1,1 tỷ euro (1,2 tỷ USD) dưới dạng tài trợ không hoàn lại, hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ ngân sách trực tiếp. (EU là một trong số ít các nhà tài trợ cung cấp hỗ trợ như vậy.)

Ngoài ra, EU còn cam kết hỗ trợ các quốc gia Trung Á thực hiện cải cách, tăng cường dân chủ, nhân quyền, pháp quyền và sự độc lập của tư pháp cũng như hiện đại hóa và đa dạng hóa nền kinh tế, bao gồm hỗ trợ khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nền kinh tế thị trường tự do. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, EU phân bổ nguồn lực của mình cho một loạt các ưu tiên quá rộng và tiếp cận Trung Á như một khu vực đơn lẻ chứ không phải là các quốc gia riêng biệt với các nhu cầu khác nhau.

Một trong những lợi ích chính của EU ở Trung Á là vai trò kép của khu vực, vừa là nguồn năng lượng, vừa là tuyến đường trung chuyển cho thương mại Đông - Tây. Trung Á sở hữu nguồn tài nguyên năng lượng quan trọng, đặc biệt là dầu, khí và khoáng sản, và EU quan tâm đến việc đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng. Nhiều dự án cơ sở hạ tầng năng lượng đã được phát triển để tạo điều kiện vận chuyển tài nguyên năng lượng từ Trung Á đến châu Âu, chẳng hạn như Hành lang khí đốt phía Nam và đường ống khí đốt Turkmenistan - Afghanistan - Pakistan - Ấn Độ (TAPI).

EU cũng muốn đầu tư nhiều nguồn lực để biến Hành lang Giữa (Middle Corridor), tuyến thương mại từ Trung Quốc qua Trung Á, vùng Caucasus và Thổ Nhĩ Kỳ để tới châu Âu thành tuyến đường khả thi, nhất là trong bối cảnh chiến sự giữa Nga và Ukraine vẫn diễn ra. Thực sự, hợp tác thương mại và kinh tế là những khía cạnh quan trọng của quan hệ EU - Trung Á. EU là một trong những đối tác thương mại lớn nhất và nhà đầu tư nước ngoài quan trọng trong khu vực. Sự tương tác của EU nhằm thúc đẩy các cải cách kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao quan hệ thương mại giữa hai bên. EU cung cấp hỗ trợ trong các lĩnh vực như nông nghiệp, giáo dục và quản lý công cộng để hỗ trợ phát triển kinh tế. Thực tế, Trung Á đang ngày càng thịnh vượng, không chỉ phục hồi sau đại dịch Covid-19 mà theo dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ tăng nhanh. Theo Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD), GDP ở Trung Á nói chung dự kiến sẽ tăng 4,9% vào năm 2023.

Một lĩnh vực hợp tác đáng kể khác là an ninh. EU làm việc chặt chẽ với các nước Trung Á để giải quyết các thách thức an ninh chung, bao gồm chống khủng bố, ma túy, tội phạm tổ chức và quản lý biên giới. Hợp tác trong các lĩnh vực này nhằm nâng cao ổn định khu vực và đóng góp vào nỗ lực an ninh toàn cầu. Ngoài ra, EU còn tương tác với Trung Á qua nhiều nền tảng đa phương khác nhau. EU là thành viên của Quỹ quốc tế về bảo tồn Biển Aral (IFAS) và hỗ trợ các sáng kiến khu vực để giải quyết các vấn đề môi trường và quản lý nước trong khu vực. Biển Aral nằm giữa biên giới Uzbekistan và Kazakhstan. Chưa hết, EU cũng tham gia vào chương trình Hợp tác Kinh tế khu vực Trung Á (CAREC), nhằm thúc đẩy tích hợp kinh tế và kết nối trong Trung Á…

(Nguồn: Đại Biểu Nhân Dân)

Tây Ban Nha đẩy nhanh bầu cử, các luật quan trọng của EU bị trì hoãn

(Ảnh minh họa).

Các nhà ngoại giao tại Brussels lo ngại cuộc bầu cử quốc gia sớm vào ngày 23/7 tới của Tây Ban Nha sẽ không chỉ gây xao nhãng mà còn làm chậm chương trình nghị sự của EU.

Các luật quan trọng của Liên minh châu Âu (EU) bao gồm cải cách thị trường điện và các mục tiêu về biến đổi khí hậu, đang bị đình chỉ sau khi Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez kêu gọi tiến hành bầu cử quốc gia sớm vào ngày 23/7 tới.

Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, các nhà ngoại giao tại Brussels lo ngại cuộc bầu cử này sẽ không chỉ gây xao nhãng mà còn làm chậm chương trình nghị sự của EU nếu cuộc bầu cử này dẫn đến sự thay đổi chính phủ và chính sách trong thời kỳ mà Liên minh hy vọng ký kết các luật và quy định lịch sử.

Tây Ban Nha sẽ là quốc gia cuối cùng đảm nhận đầy đủ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6/2024, điều này sẽ khiến nhu cầu hoàn thiện luật còn tồn đọng càng trở nên cấp bách hơn.

Văn phòng báo chí của Thủ tướng Sanchez cho biết cuộc bầu cử sẽ không ảnh hưởng đến chức Chủ tịch EU của Tây Ban Nha vì phần lớn công việc chuẩn bị đã được thực hiện.

Ông Sanchez tuyên bố tổ chức bầu cử sớm sau khi đảng Xã hội của ông và các đối tác liên minh cánh tả là Podemos chịu tổn thất lớn hơn dự kiến trong các cuộc bầu cử khu vực ngày 28/5.

Thuận lợi hiện đang nghiêng về đảng Nhân dân (PP) bảo thủ, đảng đã giành quyền kiểm soát tuyệt đối hai chính quyền khu vực và có thể lãnh đạo thêm 6 đối tác nữa nếu thành công trong việc đàm phán liên minh với đảng Vox cực hữu.

Theo nguồn tin châu Âu, một chính phủ PP, đặc biệt là liên minh với Vox, có thể ít coi trọng luật biến đổi khí hậu hơn.

Một số thành viên EU, dẫn đầu là Pháp, muốn EU giảm bớt chương trình nghị sự về khí hậu.

Quan điểm của nhóm này sẽ được củng cố nếu có sự tham gia của Tây Ban Nha. Chính phủ Pháp cũng sẽ cần thời gian để xây dựng quan điểm của mình về luật pháp EU.

Tuy nhiên, đại diện thường trực của Tây Ban Nha tại EU cho biết cuộc bầu cử không làm thay đổi chức năng Chủ tịch và Chính phủ Tây Ban Nha đã tính đến việc sẽ có một cuộc bỏ phiếu trong thời gian này.

Giới nghiên cứu cho rằng cuộc bầu cử sớm có nghĩa là nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Tây Ban Nha sẽ tập trung vào các vấn đề kỹ thuật hơn là chính trị./.

(Nguồn: VietnamPlus)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang