EU: Khuyến khích dùng xe đạp; Phụ thuộc LNG Mỹ; Ý thành cường quốc kinh tế; Pháp bị Nga 'dằn mặt'; Thỏa thuận Ukraine – Phần Lan

CHÂU ÂU KHUYẾN KHÍCH SỬ DỤNG XE ĐẠP

Xe đạp được coi là một phương tiện giao thông bền vững, giá cả phải chăng và lành mạnh.

Đây là tuyên bố được Liên minh châu Âu (EU) thông qua ngày 3/4 nhằm khuyến khích việc sử dụng xe đạp và được xem là một phần quan trọng trong chính sách khí hậu của châu Âu.

Với tuyên bố về sử dụng xe đạp ở châu Âu được ký kết, các nước thành viên Liên minh châu Âu sẽ thúc đẩy cơ sở hạ tầng cho xe đạp, cải thiện sự an toàn và tăng cường đầu tư vào lĩnh vực sản xuất xe đạp. Các công ty được khuyến khích tạo điều kiện cho nhân viên đi làm bằng xe đạp, bằng cách cung cấp xe đạp và chỗ đỗ xe.

Theo đánh giá, đi xe đạp giúp giảm ô nhiễm, giảm ùn tắc giao thông đô thị và thúc đẩy lối sống lành mạnh.

Việc sử dụng xe đạp cũng có tiềm năng đóng góp đáng kể vào quá trình giảm carbon trong giao thông đô thị và đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính ròng trên toàn EU ít nhất 55% vào năm 2030 so với năm 1990, cũng như mục tiêu trung hòa khí hậu vào năm 2050.

THIẾU KHÍ ĐỐT NGA, CHÂU ÂU TĂNG MẠNH NHẬP KHẨU LNG MỸ

Để bù đắp thiếu hụt khí đốt Nga, châu Âu tiếp tục dựa vào khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ, tăng đáng kể công suất nhập khẩu.

Mỹ là nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới trong năm 2023, đánh bại cả Australia và Qatar - theo trang Oilprice.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, trong năm ngoái Mỹ xuất khẩu trung bình 11,9 tỉ feet khối LNG mỗi ngày.

Nhu cầu mạnh mẽ ở châu Âu, việc nhà máy LNG Freeport trở lại hoạt động bình thường sau khi bị cháy nổ và tỉ lệ sử dụng cao đã giúp Mỹ tăng xuất khẩu LNG lên 12% vào năm 2023 so với năm 2022, theo báo cáo hàng tháng của EIA công bố hôm 1.4.

Mỹ, với lượng xuất khẩu LNG trung bình là 11,9 tỉ feet khối/ngày vào năm ngoái, đã vượt xa các đối thủ gần nhất là Australia và Qatar - mỗi nước xuất khẩu dao động từ 10,1 đến 10,5 tỉ feet khối/ngày trong khoảng thời gian từ 2020 đến 2023.

Xuất khẩu LNG của Mỹ lập kỷ lục hàng tháng vào cuối năm ngoái, ở mức 12,9 tỉ feet khối/ngày trong tháng 11, tiếp theo là 13,6 tỉ feet khối/ngày trong tháng 12.

EIA ước tính, xuất khẩu LNG của Mỹ đạt trung bình 104% công suất danh nghĩa và 86% công suất cao điểm ở 7 trạm LNG trong năm 2023.

Tương tự như năm 2022, châu Âu bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ là điểm đến hàng đầu cho xuất khẩu LNG của Mỹ năm 2023, chiếm 66%, hay 7,8 tỉ feet khối/ngày, trong tổng xuất khẩu của Mỹ.

Tiếp theo là châu Á với 26% thị phần, châu Mỹ Latinh và Trung Đông với tổng cộng 8%, theo dữ liệu EIA.

Châu Âu tiếp tục dựa vào LNG của Mỹ để thay thế lượng khí đốt bị mất từ Nga và đã tăng đáng kể công suất nhập khẩu LNG vào năm ngoái.

Các quốc gia nhập khẩu LNG của Mỹ nhiều nhất là Hà Lan, Pháp và Anh, với tổng cộng 35%, tương đương 4,2 feet khối/ngày, trong tổng lượng xuất khẩu LNG của Mỹ.

Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, vị trí dẫn đầu của Mỹ trong xuất khẩu LNG có thể bị thách thức bởi Qatar, quốc gia đang đặt cược lớn vào các dự án mở rộng lớn nhằm nâng công suất xuất khẩu lên 85% vào năm 2030 so với mức hiện tại, trong khi chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tạm dừng cấp phép các dự án LNG mới để xem xét các tiêu chí hiện tại.

ITALY TRỞ THÀNH CƯỜNG QUỐC KINH TẾ MỚI Ở CHÂU ÂU

Trong quý vừa qua, nền kinh tế Italy tăng trưởng 0,6%, trong khi nền kinh tế Đức giảm 0,3% trong cùng kỳ. Ngoài ra, các số liệu khác của nền kinh tế lớn thứ ba châu Âu đều rất ấn tượng, theo hãng tin DW (Đức).

Jörg Krämer, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Commerzbank cho biết: “Nền kinh tế Italy đã tăng trưởng 3,8% kể từ năm 2019”. Con số này "gấp đôi nền kinh tế Pháp và gấp 5 lần nền kinh tế Đức ", ông nói với DW.

Ở Đức, triển vọng kinh tế thực sự có vẻ ảm đạm. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế ( OECD) dự đoán trong năm nay kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 0,3%. Các chuyên gia hàng đầu của Đức chỉ kỳ vọng mức tăng trưởng 0,1% . Mặt khác, Italy dự kiến sẽ tăng trưởng 0,7% trong năm nay.

Thị trường chứng khoán Ý cũng được hưởng lợi từ tâm trạng lạc quan. Chỉ số chuẩn FTSE MIB, bao gồm 40 công ty lớn, đã tăng khoảng 28% trong năm ngoái, nhiều hơn bất kỳ chỉ số thị trường chứng khoán châu Âu nào khác.

Để hỗ trợ nền kinh tế, chính phủ nước này đã tài trợ cho nhiều biện pháp cải tạo nhà cửa khác nhau kể từ cuối năm 2020. Đối với một số biện pháp, họ trả khoảng 50% chi phí, những biện pháp khác thậm chí còn nhận được nhiều hơn.

Phổ biến nhất phải kể đến chương trình trợ cấp "Superbonus 110" nhằm giúp người dân cải tạo nhà cũ và tiết kiệm năng lượng. Theo đó, người dân tham gia chiến dịch này sẽ nhận được toàn bộ chi phí cộng với khoản hoàn lại 10% thông qua chương trình giảm thuế.

Hàng nghìn chủ nhà người Ý và người nước ngoài đã đổ xô để tiếp cận chương trình hào phóng này. Cho đến nay, chính phủ tiêu tốn khoảng 21 tỷ euro (17,5 tỷ bảng Anh) kể từ khi ra mắt vào tháng 7/2020 như một phần trong chiến lược phục hồi sau đại dịch của đất nước.

BỊ “DẰN MẶT” SAU CUỘC ĐIỆN ĐÀM VỚI NGA, PHÁP VẪN ỦNG HỘ UKRAINE TỚI CÙNG

Cuộc điện đàm kéo dài 1 giờ vô cùng hiếm hoi diễn ra giữa một quan chức cấp cao Nga thân cận với Tổng thống Vladimir Putin với một bộ trưởng hàng đầu của một cường quốc châu Âu.

Nga cảnh báo Pháp đưa quân tới Ukraine

Hãng tin AP ngày 4/4 cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã thực hiện cuộc điện đàm hiếm hoi vào ngày 3/4 với người đồng cấp Pháp Sébastien Lecornu.

Theo tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Nga, ông Shoigu cảnh cáo rằng Pháp "sẽ tự mua dây buộc mình" nếu quyết định gửi quân tới Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga tiết lộ, hai ông Shoigu và Lecornu đã thảo luận về khả năng khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.

"Sự sẵn sàng đối thoại về Ukraine đã được ghi nhận. Điểm khởi đầu có thể dựa trên sáng kiến hòa bình ở Istanbul", Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố, đồng thời nói thêm rằng hội nghị thượng đỉnh do Thụy Sĩ đăng cai tổ chức sẽ "vô nghĩa nếu không có sự tham gia của Nga".

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Pháp cho biết, thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine, Bộ trưởng Lecornu tái khẳng định sự ủng hộ của Pháp đối với cuộc chiến chống lại Nga của Ukraine.

"Pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine lâu dài và mạnh mẽ khi cần thiết trong cuộc đấu tranh vì tự do và chủ quyền, nhằm mang lại hòa bình và an ninh cho lục địa châu Âu", bộ này tuyên bố.

Tuy nhiên, theo AFP, một nguồn tin thân cận với Bộ trưởng Lecornu phủ nhận phía Pháp đã thảo luận về các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng liên quan Ukraine. Nguồn tin cho biết: "Pháp không chấp nhận hay đề xuất bất cứ điều gì tương tự".

Pháp bảo vệ Ukraine trong vụ tấn công khủng bố ở Moscow

Cũng theo AP, trong cuộc điện đàm ngày 4/4, Bộ trưởng Lecornu đã gửi lời chia buồn về vụ tấn công xảy ra tại nhà hát ở ngoại ô Moscow hôm 22/3 khiến 145 người thiệt mạng. Đây được coi là vụ tấn công nguy hiểm nhất trên đất Nga trong nhiều thập kỷ.

Trong cuộc điện đàm, ông Lecornu khẳng định, Pháp luôn sẵn sàng đối mặt với "chủ nghĩa khủng bố" và sẵn sàng "tăng cường trao đổi nhằm mục đích chống lại mối đe dọa này một cách hiệu quả nhất có thể".

Ông cũng cố gắng thuyết phục người đồng cấp Nga rằng Ukraine và các đồng minh phương Tây không liên quan đến vụ tấn công nhưng ông Shoigu khẳng định rằng Moscow có "thông tin về dấu vết của Ukraine trong việc tổ chức vụ tấn công khủng bố".

"Kiev sẽ không làm gì nếu không có sự tán thành từ những người 'điều khiển' phương Tây. Chúng tôi hy vọng rằng các cơ quan an ninh Pháp không liên quan đến việc đó", ông Shoigu nhấn mạnh trong cuộc điện đàm.

Được biết, cuộc điện thoại giữa hai bộ trưởng quốc phòng Pháp-Nga kéo dài 1 tiếng đồng hồ và do Paris chủ động liên lạc.

Theo đánh giá của NBC Right Now (Mỹ), đây là cuộc điện đàm vô cùng hiếm hoi giữa một quan chức cấp cao thân cận với Tổng thống Vladimir Putin và một bộ trưởng hàng đầu của một cường quốc châu Âu kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bùng nổ.

THỎA THUẬN AN NINH UKRAINE – PHẦN LAN

Tổng thống Phần Lan hôm 3/4 đã ký một thỏa thuận an ninh 10 năm với Ukraine tại Kyiv, nơi Tổng thống Volodymyr Zelenskyy nói ông tin rằng tới tháng Sáu, Nga có kế hoạch huy động 300.000 binh sĩ mới cho cuộc chiến.

Hiệp ước được ký bởi Tổng thống Alexander Stubb và ông Zelenskyy đã đưa Phần Lan trở thành thành viên NATO thứ tám trong năm nay cam kết hợp tác an ninh lâu dài và hỗ trợ quốc phòng cho Kyiv trong khi nước này chiến đấu chống lại lực lượng Nga.

Phần Lan, quốc gia có chung đường biên giới dài 1.340 km với Nga, đã gia nhập NATO một năm trước.

Ông Stubb nói rằng Phần Lan cũng sẽ gửi 188 triệu euro (203 triệu USD) viện trợ quân sự bổ sung, bao gồm phòng không và đạn dược hạng nặng. Số tiền đó đã nâng tổng đóng góp quốc phòng của Phần Lan lên khoảng 2 tỷ euro trong thời kỳ chiến tranh.

Ông Stubb nói trong một cuộc họp báo chung ở Kyiv: “Chúng tôi không hỗ trợ quân sự này chỉ để Ukraine tự vệ, chúng tôi đang hỗ trợ quân sự này để Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến này”.

Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào các hệ thống phòng không của phương Tây và gần đây phải đối mặt với sự gia tăng các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga khiến hệ thống năng lượng của nước này bị ảnh hưởng.

Trên chiến trường, Ukraine đang ở thế yếu khi sự hỗ trợ quân sự từ Hoa Kỳ bị đình trệ và quân đội Kyiv thấy mình bị áp đảo bởi một kẻ thù lớn hơn và được trang bị vũ khí tốt hơn. Nga đã nhích về phía trước.

Mặc dù không đưa ra bằng chứng nào chứng minh cho khẳng định của mình, ông Zelenskyy nói trong cuộc họp báo: “Tôi có thể nói rằng tới ngày 1/6, Nga đang chuẩn bị huy động 300.000 nhân viên quân sự”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 12 phủ nhận rằng Moscow cần phải tiến hành một làn sóng huy động khác, một điều có thể nhạy cảm về mặt chính trị.

Hôm 3/4, Bộ Quốc phòng Nga cho biết rằng hơn 100.000 người đã ký hợp đồng với quân đội kể từ đầu năm, bao gồm khoảng 16.000 người trong 10 ngày sau vụ tấn công chết người vào nhà hát gần Moscow.

Nguồn: VTV; Lao Động; Công Luận; Soha; VOA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang