EU: Bất cập phân chia tài sản; 'Hết cửa' dựa vào Mỹ; Kinh tế Anh báo động; Ca tử vong ở Anh tăng vọt; Di cư trái phép vào Anh kỷ lục

PHÂN CHIA TÀI SẢN Ở CHÂU ÂU ĐỂ LỘ NHIỀU BẤT CẬP

Một trong những yếu tố quan trọng nhất dẫn đến bất bình đẳng giàu nghèo tại khu vực này là vấn đề sở hữu tài sản, tỷ lệ sở hữu nhà ở góp phần tạo nên sự khác biệt trong phân bổ của cải.

Sự bất bình đẳng về giàu nghèo thể hiện rất rõ ràng trên toàn thế giới và châu Âu cũng không ngoại lệ: 10% người giàu nhất lục địa sở hữu tới 67% tài sản tại khu vực, trong khi nửa dưới của nhóm dân số trưởng thành chỉ sở hữu 1,2%.

Mức độ của cải được phân bổ không đồng đều cũng khác nhau đáng kể giữa các quốc gia, như được thể hiện trong Báo cáo Tài sản Toàn cầu năm 2023 do ngân hàng Credit Suisse và UBS công bố.

Sự phân bổ của cải không đồng đều được đo bằng hệ số Gini: hệ số Gini càng cao thì càng có nhiều sự bất bình đẳng về giàu nghèo, với 0 đại diện cho sự bình đẳng hoàn toàn.

Trong số 36 quốc gia châu Âu được nghiên cứu vào năm 2022, bất bình đẳng giàu nghèo của các nước này dao động từ 50,8 ở Slovakia đến 87,4 ở Thụy Điển.

Ngoại trừ Iceland, tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo ở các quốc gia Bắc Âu là khá cao. Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển đều đứng ở nửa trên của bảng, trong đó Thụy Điển đứng đầu danh sách.

Đức có điểm bất bình đẳng giàu nghèo cao nhất (77,2) trong số bốn cường quốc kinh tế của Liên minh châu Âu (EU). Xếp sau là Pháp (70,3), Tây Ban Nha (68,3) và Italy (67,8).

Vương quốc Anh, cựu thành viên EU và vẫn được coi là một trong bốn nền kinh tế lớn nhất ở lục địa châu Âu có hệ số 70,2.

Bỉ (59,6), Malta và Slovenia (64,4) theo sau Slovakia và thuộc nhóm quốc gia có mức chênh lệch giàu nghèo ít nhất.

Trong số các quốc gia giàu có hàng đầu ở châu Âu, cụ thể là bốn nền kinh tế lớn của EU cùng Vương quốc Anh, tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo thực tế đã giảm ở Đức trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2022, khi hệ số Gini của nước này giảm 4,3.

Tuy nhiên, Đức vẫn có hệ số bất bình đẳng giàu nghèo cao nhất trong số năm nền kinh tế lớn của châu Âu vào năm 2022.

Vương quốc Anh cũng chứng kiến tình trạng bất bình đẳng giảm so với cùng kỳ, mặc dù ít đáng kể hơn (-0,4). Trong khi đó, Italy ghi nhận mức tăng cao nhất với 7,4 điểm, Tây Ban Nha tăng 2,8 và Pháp tăng 0,6.

Theo các nhà nghiên cứu tại Quỹ cải thiện điều kiện sống và làm việc châu Âu (Eurofound), một trong những yếu tố quan trọng nhất dẫn đến bất bình đẳng giàu nghèo tại khu vực này là vấn đề sở hữu tài sản.

Tỷ lệ sở hữu nhà ở giữa các quốc gia là một trong những yếu tố chính góp phần tạo nên sự khác biệt trong phân bổ của cải.

Các nhà nghiên cứu cho hay những quốc gia có tỷ lệ người dân sở hữu nhà cao hơn thường ghi nhận mức độ bất bình đẳng giàu nghèo thấp hơn. Ngược lại, những nước mà người dân dễ tiếp cận các tài sản tài khác hơn thì có xu hướng có bất bình đẳng giàu nghèo cao hơn.

Theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) vào năm 2022, Đức có tỷ lệ sở hữu nhà thấp nhất khi chỉ có 46,5% dân số sống trong nhà riêng.

Mức trung bình của EU là 69,1%. Tỷ lệ này cũng thấp hơn mức trung bình EU ở Thụy Điển (64,2%) và Thổ Nhĩ Kỳ (57,5%).

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng các khoản lương hưu tự nguyện và bảo hiểm nhân thọ cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự bất bình đẳng về tài sản.Họ cho biết ở các nước khu vực Tây Âu, người dân có nhiều khả năng tiết kiệm để nghỉ hưu hơn.

Điều này là nhờ thu nhập cao và vì họ có khả năng tiếp cận với các công cụ tạo thu nhập sau khi nghỉ hưu so với công dân Đông và Nam Âu.

EU KHÔNG CÒN CÓ THỂ MONG ĐỢI MỸ ĐẢM BẢO AN NINH

EU không còn có thể mong đợi Mỹ bảo vệ an ninh cho lục địa này, theo giám đốc tập đoàn quốc phòng khổng lồ Rheinmetall của Đức.

Giám đốc điều hành của Rheinmetall cảnh báo, nếu xung đột xảy ra, Mỹ sẽ tập trung vào châu Á và các thành viên NATO ở châu Âu sẽ “hoàn toàn đơn độc”.

Tờ Financial Times đưa tin, ông Armin Papperger - người đứng đầu tập đoàn quốc phòng khổng lồ Rheinmetall của Đức tuyên bố - Washington đã gửi một thông điệp rõ ràng tới các thành viên NATO ở châu Âu rằng họ không còn có thể dựa vào sự bảo vệ quân sự của nước này nữa.

Trong nhiều thập kỷ, EU coi việc Mỹ sẽ đến giải cứu họ trong trường hợp xảy ra chiến tranh là điều đương nhiên, nhưng “điều đó sẽ không xảy ra nữa” - Giám đốc điều hành Armin Papperger nói với tờ Financial Times. Ông nhận định, việc Quốc hội Mỹ không chấp thuận tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraina là một tín hiệu gửi tới châu Âu rằng Mỹ không sẵn sàng chi trả cho an ninh của lục địa già.

Điều 5 Hiến chương NATO quy định rằng "một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào một hoặc nhiều quốc gia ký kết hiệp ước được coi là một cuộc tấn công đối với tất cả các quốc gia ký kết hiệp ước". Tuy nhiên, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng đặt ra nghi vấn về Điều 5 này, lập luận rằng Mỹ bảo vệ các thành viên NATO chỉ khi họ đáp ứng các nghĩa vụ chi tiêu quân sự.

Ông Trump tuyên bố đã nói như vậy với một nhà lãnh đạo châu Âu khi còn đương chức. Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi những phát biểu này là "nguy hiểm" và "phi Mỹ".

Theo ông Papperger, nếu ông Trump tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024, “áp lực sẽ cao hơn” đối với Đức, nhưng rủi ro vẫn sẽ hiện hữu bất kể ai thắng cử tổng thống.

Ông Papperger nói: “Mỹ tập trung nhiều vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương hơn là châu Âu. Nếu một cuộc xung đột vũ trang toàn diện nổ ra trong khu vực, Mỹ sẽ tập trung vào châu Á và khi đó châu Âu sẽ hoàn toàn đơn độc”.

Papperger cho biết, lời cảnh báo của ông đối với các quốc gia châu Âu bắt nguồn từ nhận thức lâu dài của ông về thế giới là “nguy hiểm”.

Nhận thức đó cũng đã định hình phản ứng của ông đối với cuộc khủng hoảng Ukraina và ý định tăng cường sản xuất vũ khí của EU. Financial Times lưu ý, không giống như những người đứng đầu các nhà sản xuất lớn khác, ông Papperger không ngần ngại đầu tư vào việc mở rộng sản xuất.

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraina nổ ra vào năm 2022, giá cổ phiếu của công ty có trụ sở tại Dusseldorf đã tăng gấp 5 lần. Rheinmetall đã công bố kế hoạch mở các nhà máy sản xuất áo giáp và đạn dược ở Ukraina, bất chấp nguy cơ chúng trở thành mục tiêu của lực lượng Nga.

Ukraina và những người ủng hộ phương Tây tuyên bố, chiến thắng của Nga trong cuộc xung đột sẽ khiến các thành viên NATO ở châu Âu bị Mátxcơva tấn công trong tương lai. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước gọi lập luận này là “đơn giản là điên rồ”, khi xét đến lợi thế lớn về chi tiêu quân sự của khối NATO do Mỹ đứng đầu.

KHÔNG CHỈ SUY THOÁI, KINH TẾ ANH CÒN TỆ HƠN THẾ!

Tình hình kinh tế ở Anh còn nhiều điều đáng thất vọng, thậm chí còn nghiêm trọng hơn nhiều so với một cuộc suy thoái.

Ấn phẩm The Spectator của Anh tin rằng những nỗ lực từ chính phủ nhằm thuyết phục người dân địa phương kiểm soát những gì đang xảy ra không mang lại kết quả như mong muốn.

Theo thông tin được công bố chính thức, tình trạng suy giảm kinh tế đã diễn ra được khoảng 6 tháng, và tốc độ suy giảm GDP còn kéo dài hơn. Đồng thời, mức thu nhập của người Anh thấp hơn so với năm 2019.

Thiệt hại đối với các hộ gia đình do đại dịch và những cú sốc kinh tế sau đó gây ra vẫn chưa được khắc phục.

Đặc biệt, quá trình lạm phát và tăng trưởng kinh tế trì trệ dẫn đến tình trạng suy giảm mức sống.

Tạp chí cũng lưu ý rằng một trong những dấu hiệu cho thấy sự phát triển tiêu cực của tình hình kinh tế và xã hội là khả năng tiếp cận dịch vụ y tế.

Các cuộc khảo sát cho thấy nhiều người dân không hài lòng với công việc của Cơ quan Y tế Quốc gia, bởi vì việc đặt lịch hẹn với bác sĩ đôi khi rất khó khăn.

Trước đó, một báo cáo từ Văn phòng Thống kê Quốc gia cho thấy GDP của Anh giảm 0,3% trong quý 4 năm ngoái. Điều này cho thấy đất nước đang rơi vào suy thoái kỹ thuật - tình trạng xảy ra khi GDP sụt giảm trong hai quý liên tiếp.

Bên cạnh đó theo tờ Daily Telegraph, tất cả những điều này có thể là một đòn giáng mạnh vào Thủ tướng Rishi Sunak - người đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội vào nửa cuối năm 2024.

CẤP CỨU QUÁ LÂU KHIẾN SỐ CA TỬ VONG Ở ANH TĂNG VỌT

Một nghiên cứu mới đây của Đại học Y khoa Cấp cứu Hoàng gia Anh (RCEM) cho thấy, năm 2023, nước này ghi nhận gần 14.000 ca tử vong do thời gian chờ cấp cứu quá lâu.

Theo nghiên cứu này, có khoảng 268 người tử vong mỗi tuần vào năm 2023 do phải chờ tới 12 tiếng để được cấp cứu. RCEM cho biết con số này ít hơn 17 ca mỗi tuần so với năm 2022, thời điểm đang có một đợt bùng phát cúm nghiêm trọng và số ca nhiễm COVID-19 tràn ngập các bệnh viện.

Kết luận trên dựa vào một nghiên cứu đối với hơn 5 triệu bệnh nhân của Cơ quan Y tế Quốc gia. Nghiên cứu cho thấy cứ 72 bệnh nhân phải chờ đợi 8 - 12 giờ trong khoa cấp cứu thì có 1 trường hợp tử vong. Nguy cơ tử vong bắt đầu tăng sau 5 giờ và trở nên tồi tệ hơn khi thời gian chờ đợi lâu hơn.

Nghiên cứu cho rằng việc chờ đợi quá lâu khiến bệnh nhân có nguy cơ bị tổn hại nghiêm trọng mà lẽ ra có thể tránh được.

Tiến sĩ Adrian Boyle, Chủ tịch RCEM, cho rằng: "Việc chờ đợi quá lâu khiến nhiều bệnh nhân không còn sức chống chọi để duy trì sự sống".

Trong tháng 2, số người chờ đợi hơn 12 tiếng tại các khoa cấp cứu, từ khi được phát hiện cho đến khi được bệnh viện tiếp nhận là 44.417 người. Ông Boyle cho biết thêm: "Vào năm 2023, hơn 1,5 triệu bệnh nhân đã phải chờ từ 12 giờ trở lên tại các khoa cấp cứu lớn, với 65% trong số đó đang chờ nhập viện".

Cơ quan Y tế Quốc gia Anh đặt mục tiêu 76% bệnh nhân đăng ký cấp cứu sẽ được nhập viện, chuyển viện hoặc xuất viện trong vòng 4 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy chỉ 70% bệnh nhân được thăm khám trong thời gian như vậy.

Người phát ngôn của Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) chia sẻ: "Chúng tôi nhận thấy nhu cầu về các dịch vụ cấp cứu tăng đáng kể, với số lượng người tăng 8,6% vào tháng 2 so với năm 2023 và tỷ lệ nhập viện khẩn cấp tăng 7,7%. Tuy nhiên, dữ liệu được công bố mới nhất cũng cho thấy dịch vụ chăm sóc các ca bệnh khẩn cấp đang ghi nhận nhiều cải tiến".

NHẬP CƯ TRÁI PHÉP VÀO ANH NGÀY CÀNG TĂNG

Theo phóng viên TTXVN tại London, trong 3 tháng đầu năm 2024, số lượng người nước ngoài nhập cư bất hợp pháp vào Anh bằng những chiếc thuyền nhỏ đi qua eo biển Manche với hy vọng xin tị nạn đã lên tới con số kỷ lục là 5.435 người, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tờ Telegraph của Anh ngày 1/4 dẫn số liệu của Bộ Nội vụ nước này cho biết tổng số người vượt biên theo đường biển vào Anh lần đầu tiên đã vượt con số 5.000 người trong 3 tháng, cao hơn 1/3 so với cùng thời điểm trong năm 2023 và cao hơn khoảng 1/5 so với tổng số người vượt biển vào Anh trong quý đầu của năm 2022, năm có số người vượt biên cao nhất vào Anh.

Cho đến nay, trong số 100 chiếc thuyền đến Anh vào năm 2024, trung bình mỗi chiếc chở theo hơn 47 người, tăng so với con số dưới 42 người trong năm trước.

Phản ứng trước số liệu cập nhật về người nhập cư trái phép vừa được công bố, Phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Anh cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với cảnh sát Pháp, những người đang làm việc không mệt mỏi để ngăn chặn những hành trình nguy hiểm, bất hợp pháp và không cần thiết này.

Trước đó, vào tháng 1/2023, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã đưa ra 5 cam kết với cử tri nước này, trong đó trọng tâm chính là “ngăn chặn những con thuyền chở người di cư”. Để triển khai kế hoạch này, Chính phủ của ông Sunak đã xây dựng một dự luật để đưa những người vào Anh bất hợp pháp từ sau ngày 1/1/2022 đến Rwanda, đồng thời ký một hiệp ước với quốc gia châu Phi này để đảm bảo không có bất kỳ người xin tị nạn nào bị đưa trở lại đất nước mà họ xuất phát ban đầu. Tuy nhiên, dự luật này cho đến nay vẫn chưa được Hạ viện Anh thông qua và quy trình xem xét dự luật dự kiến sẽ được tái khởi động sau khi các nghị sỹ Anh quay lại làm việc sau kỳ nghỉ lễ Phục sinh vào ngày 15/4 tới.

Nguồn: VietnamPlus; Lao Động; Soha; CafeF; Báo Tin Tức

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang