Chính sách mới; Nỗ lực thu thuế TMĐT; Gỡ điểm nghẽn để 1 triệu tỷ chảy vào kinh tế; Dân TP.HCM khổ vì ngập nước

Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6/2023

(Ảnh minh họa).

Từ tháng 6/2023, nhiều chính sách mới có hiệu lực như quy định mới về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; thay đổi về hồ sơ khám sức khỏe; hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được cung cấp bằng bản điện tử; một số trường hợp không được bán hàng đa cấp…

Quy định mới về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức

Có hiệu lực từ ngày 15/6, Thông tư 03/2023/TT-BNV ngày 30/4/2023 của Bộ Nội vụ hướng dẫn việc quản lý và mẫu chứng chỉ chương trình bồi dưỡng; tổ chức bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách nhà nước; tiêu chuẩn giảng viên cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Những nội dung hướng dẫn quản lý, mẫu chứng chỉ chương trình bồi dưỡng và đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được nêu tại Thông tư này áp dụng đối với các khóa bồi dưỡng (bao gồm giảng dạy trực tiếp trên lớp hoặc từ xa).

Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng được cấp cho học viên tham gia học tập đầy đủ theo quy định của chương trình bồi dưỡng. Có đủ các bài kiểm tra, viết thu hoạch, tiểu luận, đề án theo quy định của chương trình bồi dưỡng; các bài kiểm tra, viết thu hoạch, tiểu luận, đề án phải đạt từ 50% số điểm trở lên theo thang điểm quy định của chương trình.

Chấp hành đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; quy chế, nội quy học tập của Học viện Hành chính Quốc gia; cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; cơ sở đào tạo, nghiên cứu. Chứng chỉ chương trình bồi dưỡng được cấp 1 lần cho học viên hoàn thành khóa học, trong ngày bế giảng khóa học.

Những thay đổi mới về hồ sơ khám sức khỏe

Thông tư số 09/2023/TT-BYT quy định về nội dung khám sức khoẻ trong đó có hồ sơ khám sức khỏe của người khám sức khỏe định kỳ sẽ được sửa đổi, bổ sung một số điều và phụ lục của Thông tư 14/2013/TT-BYT, có hiệu lực từ 20/6.

Trong đó, thay đổi mẫu sổ khám sức khỏe định kỳ tại Thông tư 14/2013/TT-BYT cũ đã được thay thế bằng mẫu sổ khám sức khoẻ định kỳ mới tại phụ lục 3a ban hành kèm theo Thông tư số 09/2023/TT-BYT.

Đối với các trường hợp khám sức khoẻ định kỳ được khám theo nội dung ghi trong sổ khám sức khỏe định kỳ. Cụ thể, khám nội khoa (tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, thận - tiết niệu, nội tiết, cơ xương khớp, thần kinh, tâm thần); mắt; tai mũi họng; răng hàm mặt; da liễu; phụ sản…

Cùng với đó, phụ lục 3b quy định lao động nữ sẽ được khám chuyên khoa phụ sản như khám phụ khoa, sàng lọc ung thư cổ tử cung, sàng lọc ung thư vú, siêu âm tử cung - phần phụ.

Kết quả thủ tục hành chính được cung cấp bản điện tử

Quyết định số 13/QĐ-BCĐCCHC của Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ với mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính của các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ (Ban Chỉ đạo), tạo đột phá trong cải cách hành chính năm 2023. Tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính.

Từ 1/6, thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết đối với thủ tục hành chính thuộc phạm vi tiếp nhận của Bộ phận Một cửa cấp xã (trừ các xã vùng sâu, vùng xa, địa bàn đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo); 100% kết quả của các hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được cung cấp đồng thời cả bản điện tử có đầy đủ giá trị pháp lý cho người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, quyết định cũng nêu rõ việc thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công tại các bộ, ngành, địa phương. Định kỳ hàng tháng công khai danh sách, tổ chức, cá nhân chậm, muộn trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trên Cổng Thông tin điện tử, Cổng Dịch vụ công của bộ, ngành, địa phương.

Thêm trường hợp không được bán hàng đa cấp

Cũng có hiệu lực trong tháng 6/2023, từ ngày 20/6, Nghị định số 18/2023/NĐ-CP có hiệu lực, quy định cụ thể về những trường hợp không được tham gia bán hàng đa cấp được nêu tại khoản 23 Điều 1.

Cụ thể, người nước ngoài không có giấy phép lao động tại Việt Nam được cấp gắn với doanh nghiệp mà người đó tham gia bán hàng đa cấp trừ trường hợp được miễn (Quy định cũ chỉ quy định là người nước ngoài không có giấy phép lao động tại Việt Nam trừ trường hợp được miễn).

Bổ sung quy định "Doanh nghiệp không phải thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương trong trường hợp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp trên phạm vi toàn quốc".

Ngoài ra, doanh nghiệp bán hàng đa cấp không cung cấp thông tin về thực phẩm bằng hình thức sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; không cung cấp thông tin về thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.

Các đối tượng còn lại vẫn giữ nguyên như quy định cũ tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

(Nguồn: Soha)

Nỗ lực thu thuế với thương mại điện tử

Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã từng bước hoàn thiện quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính

Ngày 12/11/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2146/QĐ- BTC phê duyệt Đề án Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) và ban hành Kế hoạch tổng thể thực hiện các giải pháp.

Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định số 1741/QĐ-TCT ngày 29/11/2021 về Kế hoạch chi tiết triển khai Đề án TMĐT tại Việt Nam.

Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ có công điện số 889/CĐ-TTg ngày 01/10/2022 về nâng cao hiệu quả thu thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số.

Sau những chỉ đạo đó, Tổng cục Thuế đã khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (Etaxvn.gdt.gov.vn) nhằm hỗ trợ các nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) đăng ký, kê khai, nộp thuế tại Việt Nam; đã chính thức vận hành Cổng dữ liệu thông tin TMĐT từ ngày 15/12/2022 để tiếp nhận thông tin các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn từ các sàn giao dịch TMĐT…

Bộ Tài chính đã ký kết Thỏa thuận phối hợp công tác với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và truyền thông. Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế chủ động làm việc với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công thương để phối hợp cung cấp thông tin về website, ứng dụng TMĐT; làm việc với một số đơn vị thuộc Bộ Thông tin và truyền thông để phối hợp khai thác, truyền nhận, kết nối thông tin doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới, danh sách cá nhân có phát sinh doanh thu từ quảng cáo trên sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số…

Tổng cục Thuế cũng đã phân công nhiệm vụ triển khai công tác kiểm tra đối với người nộp thuế bao gồm: 18 doanh nghiệp trong nước (6 doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn TMĐT, 9 doanh nghiệp là trung gian thanh toán, 3 doanh nghiệp là Công ty đối tác nước ngoài tại Việt Nam) và 6 NCCNN không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam.

Các đơn vị đã tiến hành kiểm tra 15/18 doanh nghiệp trong nước hoạt động liên quan đến TMĐT, trong đó đã hoàn thành và ban hành Quyết định xử lý đối với 13 doanh nghiệp, với tổng số xử lý, phạt, truy thu thuế, lệ phí 129,1 tỷ đồng, giảm lỗ 986 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế GTGT 113,9 tỷ đồng.

Đối với các NCCNN, Tổng cục Thuế đã có công văn gửi 4 nhà cung cấp nước ngoài (Netflix, Spotify, Tinder, Amazon) yêu cầu thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kê khai nộp thuế tại Việt Nam. Đối với Apple, Google, Tổng cục Thuế đã họp với các đơn vị để hướng dẫn kê khai, nộp thuế trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Hiện nay, Tổng cục Thuế đang nghiên cứu phương án xây dựng Quy trình chuẩn hóa, khai thác và sử dụng dữ liệu của các sàn TMĐT cung cấp. Đồng thời, đã kiện toàn Ban chỉ đạo, Tổ triển khai đề án TMĐT để triển khai giai đoạn 2 với mục tiêu phối hợp các Bộ, ngành, tổ chức liên quan để xây dựng cơ sở dữ liệu lớn phục vụ công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.

Thu hàng nghìn tỷ vào ngân sách

Thông qua việc tăng cường công tác quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh TMĐT, cung cấp dịch vụ số trong những năm gần đây, số thu từ hoạt động TMĐT đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Tổng số thu TMĐT từ các tổ chức, cá nhân Việt Nam trên toàn quốc từ 2017 đến nay là 1.380 tỷ đồng, số thu tăng nhanh qua các năm, đặc biệt từ năm 2021 với 261 tỷ đồng, năm 2022 tăng mạnh với 716 tỷ đồng, bằng 274% số thu năm 2021 (tăng 455 tỷ đồng); 3 tháng đầu năm 2023 đạt 102 tỷ đồng.

Quản lý thu đối với NCCNN không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam cũng có bước tiến đáng kể. Từ thời điểm bắt đầu vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN không có cơ sở thường trú tại Việt Nam (21/03/2022) đến nay, đã có 52 NCCNN đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử (trong đó có các NCCNN lớn trên thế giới như: Google, Apple, Facebook, Netflix, TikTok, Microsoft). Đến nay, các NCCNN đã khai, nộp thuế tương đương hơn 7.250 tỷ đồng.

Về thông tin do Sàn cung cấp trên Cổng thông tin TMĐT, Tổng cục Thuế cho hay: Đối với kỳ cung cấp thông tin đầu tiên (Quý 4/2022), tính đến ngày 05/04/2023, đã có 296 sàn cung cấp thông tin trên Cổng thông tin TMĐT của Tổng cục Thuế. Trong các sàn TMĐT cung cấp thông tin có một số sàn chiếm thị phần lớn như: Shopee, Lazada, Sendo, Voso,... .

Các thông tin phải cung cấp theo quy định bao gồm: thông tin chung (tên, MST/ĐKKD/CCCD), thông tin liên hệ (Email, SĐT), địa chỉ kinh doanh, địa chỉ thường trú, nhóm ngành hàng dịch vụ kinh doanh, tài khoản ngân hàng của các nhà cung cấp trên sàn.

Cho đến nay, theo dữ liệu thống kê từ Cổng thông tin TMĐT thì Cơ quan Thuế đã có được danh sách của 146.967 cá nhân và 31.635 tổ chức đăng ký bán hàng trên sàn, với 50.216.889 lượt giao dịch và tổng giá trị giao dịch là 15.231 tỷ đồng.

(Nguồn: Vietnamnet)

Gỡ điểm nghẽn để 1 triệu tỷ đồng 'chảy' vào nền kinh tế

(Ảnh minh họa).

Doanh nghiệp “khát vốn” nhưng ngân quỹ nhà nước không ngừng tăng lên và lên mức 1 triệu tỷ đồng. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ quan chức năng cần gỡ điểm nghẽn thể chế, đẩy nhanh vốn đầu tư công giúp giải phóng dòng tiền, tiếp sức cho doanh nghiệp (DN) phát triển.

Từ cuối năm 2022 tới nay, kinh tế khó khăn, DN luôn khát vốn để phục hồi, phát triển. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Vinh, Giám đốc một DN kinh doanh vật liệu xây dựng tại Thanh Hoá cho biết, từ đầu năm đến nay, tiêu thụ sản phẩm khó khăn dù DN đã hạ giá. Sản phẩm bị tồn kho nhiều.

“Cạn vốn, để duy trì sản xuất, tôi làm thủ tục vay vốn ngân hàng nhưng rất khó tiếp cận. Đơn hàng khan hiếm, dòng tiền về không đều khiến thủ tục vay ngân hàng gần như không được thông qua. Trong khi đó, nhiều khoản nợ dự án xây dựng cơ bản với địa phương chưa kịp thanh toán, DN chúng tôi rơi vào cảnh đói vốn’, ông Vinh chia sẻ.

Trong khi đó, còn gần 1 triệu tỷ đồng tiền ngân sách phải “đắp chiếu”. TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng VEPR - cho rằng: “Chậm giải ngân đầu tư công từ nhiều năm nay khiến cung tiền cho nền kinh tế ngày càng đi xuống. Trong lúc khó khăn, cung tiền phải tăng. Việc tồn đọng gần 1 triệu tỷ đồng phải gửi tại ngân hàng là biểu hiện bên ngoài của hạn chế thể chế. Nếu không giải quyết được việc chồng chéo, mâu thuẫn giữa văn bản pháp luật sẽ không giải quyết được tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công”.

Theo TS Nguyễn Quốc Việt, để giải quyết bài toán giải ngân đầu tư công, giải phóng lượng tiền “đắp chiếu” tại ngân hàng, việc đầu tiên, cơ quan chức năng cần làm là đẩy nhanh quy hoạch tại địa phương. Giải quyết được quy hoạch sẽ giúp dự án đầu tư công và chương trình mục tiêu quốc gia đẩy nhanh.

“Hệ thống pháp luật của chúng ta quá chồng chéo. Thời gian qua, việc phân cấp mạnh mẽ về địa phương cũng dẫn đến vấn đề. Địa phương được trao quyền nhưng không biết dùng quyền như thế nào đã làm chậm việc giải ngân nguồn vốn. Từng có tình trạng trục lợi chính sách ở địa phương và bị truy tố, dẫn đến tình trạng tâm lý không dám làm. Điều này cũng gây ra hệ lụy khiến thực thi dự án chậm trễ”, ông Việt nhìn nhận.

Để giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn, trong một nghiên cứu mới đây, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân kiến nghị, cơ quan chức năng cần có cơ chế và quy định pháp lý rõ ràng để cán bộ các cấp có thể thực hiện mà không lo bị phạm lỗi. Nhanh chóng ổn định nhân sự các địa phương để khâu tổ chức thực thi các chính sách cho DN không bị kéo dài thời gian. Các cơ quan trung ương, cơ quan hành pháp cần nhanh chóng họp cùng các bộ, sở, ban ngành và DN ở nhiều lĩnh vực, lắng nghe những khó khăn, vướng mắc không chỉ của DN mà còn cả cán bộ công chức các bộ, sở, ban ngành đang mắc phải. Từ đó, giải quyết tình trạng cán bộ công chức nói “đứng trước hội đồng kỷ luật cơ quan chịu kỷ luật vì không hoàn thành nhiệm vụ còn hơn đứng trước tòa”.

(Nguồn: Tiền Phong)

TP.HCM: Dân khổ vì ngập nước

Đến hẹn lại lo. Mưa đến làm dịu đi cái nóng hừng hực của những ngày nắng oi ả, nhưng đồng thời cũng khiến cho cuộc sống của người dân trong các khu vực “hễ mưa là ngập” gặp không ít khó khăn.

Tuy nhiều giải pháp và công trình thuộc các dự án chống ngập được triển khai tại Tp.HCM, nhưng lại gặp vấn đề khi chưa giải quyết xong điểm ngập cũ đã phát sinh điểm ngập mới. Đặc biệt, đối với những tuyến đường có lượng xe cộ lưu thông cao như Lê Lợi, Lê Lai, Cống Quỳnh, Bùi Viện, Trần Hưng Đạo, Điện Biên Phủ, Đinh Bộ Lĩnh, Ung Văn Khiêm…, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và kinh tế của người dân.

Sống ở hẻm 2889 Phạm Thế Hiển, phường 7, Q.8, anh Dũng Linh – một người kinh doanh hàng ăn trong hẻm, rất ngán ngẩm mỗi khi trời mưa, dù chỉ là những cơn mưa nhỏ cũng đủ khiến cho con hẻm ngập nước và có khi nước tràn cả vào nhà. Anh cho biết: “Hẻm này rộng, đã nhiều năm rồi vẫn chưa được nâng lên. Mưa xuống cống thoát nước không kịp, cứ mưa là bị ngập, chưa tính triều cường lên kết hợp với mưa, càng ngập dữ dội hơn, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt của người dân nơi đây”.

Theo anh, vào ngày mưa thì y như rằng những hộ kinh doanh trong các con hẻm khóc ròng do khách cũng ngại vào mua đồ, ăn uống trong con hẻm ngập nước. Chưa kể, nước mưa hòa lẫn với rác thải lềnh bềnh cùng chất thải động vật làm cho tình trạng càng trở nên tồi tệ.

Sài Gòn có hai mùa mưa nắng, hết năm này sang năm khác, cứ vào mùa mưa, quang cảnh hỗn loạn với dòng người và xe cộ lội bì bõm trong dòng nước đen ngòm đã không còn xa lạ. Đối với những lúc như thế này, câu nói “Sài Gòn hoa lệ, hoa cho người giàu, lệ cho người nghèo” tưởng chừng vô thưởng vô phạt lại được nhiều người nhắc đến, nghe sao thật xót xa.

Người buôn bán thì lo lắng không bán được hàng, người lao động thì lo không đến được chỗ làm đúng giờ, những người làm cha, làm mẹ thì sợ xe chết máy giữa đường, không kịp đưa, đón con cái. Cuộc sống mưu sinh vất vả, lại chịu thêm cảnh nước ngập đường đi khiến người lao động lại càng thêm nỗi lo toan…

Vấn nạn ngập tại các đô thị vào mùa mưa đã trở thành câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Điều nghịch lý là Tp.HCM có địa hình tự nhiên tương đối thuận lợi, sông rạch len lỏi khắp nơi tạo điều kiện cho nước thoát dễ dàng nhưng cứ mưa xuống là ngập, ngập thì lại gây ra ùn tắc giao thông rồi hư xe, tai nạn…

Không thể phủ nhận rằng, nguyên nhân chính gây ra tình trạng ngập sau mưa ở Tp.HCM là do mưa kết hợp với triều cường, nhưng sự tác động của con người cũng là không nhỏ. Tốc độ đô thị hóa nhanh, các cao ốc cứ mọc lên từng ngày trong khi cơ sở hạ tầng theo không kịp, hệ thống cống thiếu đồng bộ làm giảm tốc độ dòng chảy.

Một trong các giải pháp tạm thời của người dân tại các con hẻm ngập nước là tạo vách chắn bằng các bao tải cát để ngăn nước vào nhà. Bên cạnh đó, một số hộ gia đình còn nâng cốt nền nhà cao hơn mặt đường để chống ngập.

Không chỉ gây khó khăn, mệt mỏi cho người dân, việc đối phó với nước ngập bằng cách nâng cốt nền có thể gây ra nhiều hệ lụy cho đô thị, bởi càng nâng cốt nền cao thì tình trạng ngập lại trầm trọng hơn do hệ thống cống trong khu vực sẽ không còn đồng bộ về kích thước so với cao độ của mặt đường.

“Bao giờ Sài Gòn hết ngập?” là câu hỏi được người dân nhắc đi nhắc lại vào mỗi mùa mưa, nhưng cho đến nay, vẫn chưa tìm được lời giải đáp thích đáng…

(Nguồn: Môi trường & Đô thị)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang