Bao giờ mới tự động gia hạn kiểm định; Vụ biệt thự 'tai tiếng'; Ì ạch dời trụ sở bộ ngành; Vụ án tại Thuduc House

Bao giờ mới tự động gia hạn kiểm định xe?

(Ảnh minh họa).

Giải pháp cấp thiết nhất để giải tỏa ùn tắc đăng kiểm là gia hạn tự động cho những xe không kinh doanh, tới nay vẫn mất hút, dù những ngày cuối cùng của tháng 5 đang trôi qua.

Chỉ có 1,4 triệu ô tô được tự động gia hạn

Trước đó, Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) đã phát đi tín hiệu sẽ có giải pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) ngay trong tháng 5.2023, đó là thực hiện ngay việc tự động gia hạn đăng kiểm cho những xe không kinh doanh dưới 9 chỗ. Dự kiến khoảng 3,1 triệu xe đang có nhu cầu đăng kiểm trong đợt này sẽ được gia hạn tự động bằng các tem kiểm định điện tử.

Giải pháp này đã giải tỏa tâm lý thị trường đăng kiểm bởi tính hiệu quả của nó. Tuy nhiên cho đến lúc này, chuẩn bị bước qua tháng 6, Bộ GTVT mới chỉ đang trong giai đoạn gửi văn bản đến các bộ: Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Tài chính, KH-CN, TN-MT, Công thương và Hiệp hội Bảo hiểm VN để lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT-BVMT) phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo trình tự, thủ tục rút gọn. Như vậy, kỳ vọng của người dân về việc có ngay giải pháp khắc phục ùn tắc đăng kiểm có nguy cơ cao bị trễ hẹn.

Theo Bộ GTVT, giải pháp sửa đổi, bổ sung thông tư về việc cơ quan đăng kiểm tự động cấp xác nhận gia hạn là có thật, tuy nhiên thời gian có thể sẽ không như dự định vì phải lấy ý kiến nhiều bộ, ngành liên quan. Đáng chú ý, dự thảo có một số điểm không giống như kỳ vọng là sẽ tự động gia hạn toàn bộ cho xe không kinh doanh.

Dự thảo nêu rõ: "Đối tượng áp dụng là các ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải hết hạn kiểm định trong khoảng thời gian 1 năm kể từ ngày thông tư được ban hành sẽ được tự động giãn chu kỳ kiểm định theo chu kỳ mới quy định tại Thông tư 02/2023". Ví dụ, quy định này có hiệu lực từ tháng 6.2023 thì chỉ áp dụng cho các xe có hạn kiểm định từ tháng 6.2023 đến hết tháng 6.2024. Như vậy, thời hạn tiếp tục sử dụng của giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định trong mọi trường hợp không vượt quá ngày 31.12.2024.

Đơn cử, 1 ô tô dưới 9 chỗ sản xuất được 5 năm, hết hạn kiểm định chu kỳ hiện tại vào ngày 30.6.2024 (ngày cuối cùng quy định còn thời hạn hiệu lực) vẫn được tự động giãn chu kỳ kiểm định thêm 6 tháng (từ 18 tháng lên 24 tháng theo chu kỳ mới), đến hết ngày 31.12.2024 sẽ hết thời hạn sử dụng Giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định đã cấp. Lúc này chủ xe mới phải đưa xe đi kiểm định để tiếp tục một chu kỳ kiểm định mới.

Điều này đồng nghĩa với việc các phương tiện có hạn kiểm định trước ngày thông tư có hiệu lực (dù có trường hợp vẫn chưa được kiểm định do quá tải đăng kiểm) sẽ không được áp dụng ngay chu kỳ kiểm định mới. Theo tính toán của Cục Đăng kiểm, sẽ có hơn 155.000 phương tiện nằm trong diện này. Bộ GTVT giải thích điều này dựa trên cơ sở kiến nghị của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), các công ty bảo hiểm xe cơ giới và Cục CSGT do lo ngại tồn tại các trường hợp phương tiện đã bị lập biên bản vi phạm hành chính, bị từ chối bồi thường hoặc đã bị cơ quan chức năng xử lý vì hết hạn kiểm định trước ngày thông tư có hiệu lực. Những trường hợp này không thể thực hiện được vì vướng các quy định pháp luật khác.

Theo thống kê của Cục Đăng kiểm, sẽ có gần 1,4 triệu ô tô đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải được lùi thời hạn kiểm định thêm 6 tháng.

Doanh nghiệp bức xúc vì bị "treo" xe

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải Bình Dương, chia sẻ: "Các doanh nghiệp (DN) vận tải đang rất bức xúc vì những thiệt hại mà họ gánh chịu hằng ngày, hằng giờ rất lớn. DN cũng rất hy vọng những giải pháp của cơ quan quản lý sẽ được áp dụng nhanh để giảm bớt khó khăn cho người dân, nhưng cuối cùng đến thời điểm hiện nay đã hơn 6 tháng mà tình hình vẫn chưa chuyển biến. Nhiều DN đã mất niềm tin vào các giải pháp mà cơ quan quản lý đưa ra".

Theo phản ảnh của nhiều DN vận tải, hiện nay việc bốc số lấy phiếu hẹn ngày kiểm định bằng thủ công tại nhiều địa phương đã ngưng trệ do quá tải, các phương tiện muốn đăng ký kiểm định khi đến hạn đều bị từ chối. Việc bốc số lấy phiếu hẹn kiểm định bằng ứng dụng (app), qua trang web (ttdk.com.vn) cũng không đăng ký được do hệ thống thông báo đã đầy. Các TTĐK tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu nhiều nơi không hoạt động, gây áp lực quá tải lên các TTĐK còn lại. Số lượng phương tiện ô tô đến hạn kiểm định quá nhiều trong khi các đăng kiểm viên làm việc theo số lượng hạn mức, trong đó ưu tiên kiểm định các xe không kinh doanh để ít rủi ro hơn.

Ông Đinh Nam Dinh, Giám đốc HTX Vận tải số 9 (TP.HCM), cho biết: "Tình hình đăng kiểm hiện nay giống như "con chim trúng tên" nên luôn lo lắng, thận trọng. Trước đây khi chưa xảy ra sự cố, các xe đến kiểm định rất thuận lợi, thậm chí không có tiêu cực cũng rất dễ đậu. Còn hiện tại các xe kinh doanh gặp bất lợi khi các khâu đăng kiểm siết chặt hơn trước. Xếp hàng chờ đến lượt đã khó, vượt qua kiểm định còn khó hơn.

Thậm chí xe đạt được rồi mà cũng phải chờ đợi vì TTĐK không dám cấp giấy chứng nhận. Năng lực kiểm định hiện nay đã không đáp ứng nổi nhu cầu mà còn có hiện tượng e dè, không dám cấp giấy chứng nhận khiến DN, HTX gặp khó khăn nhiều hơn. Chúng tôi chưa thống kê chính xác nhưng số phương tiện của HTX quá hạn đăng kiểm rất nhiều. Dĩ nhiên khi chưa đạt kiểm định thì xe không dám đưa ra kinh doanh nên mức thiệt hại chưa thể tính toán được".

Các DN thuộc hiệp hội DN vận tải tại TP.HCM và Bình Dương kiến nghị: "Cần tăng thêm thời gian làm việc của các trạm đăng kiểm luôn buổi chiều thứ bảy và chủ nhật (hiện tại các trạm đăng kiểm nghỉ vào cuối tuần); cho phép các TTĐK làm thêm giờ được phụ thu phí để giải quyết chế độ làm thêm giờ cho nhân viên. Các TTĐK xây dựng thêm 1 làn ưu tiên để kiểm định những ô tô đã hết hạn kiểm định".

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, giải pháp tự động giãn chu kỳ kiểm định xe chở người dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải, hay còn gọi là xe gia đình, đã được cấp giấy chứng nhận và tem kiểm định, mà không phải đưa xe đến kiểm định lại cần phải được nhanh chóng thông qua và sớm áp dụng để giải tỏa ùn tắc; nếu kéo dài thì sẽ mất hết thời cơ và đến lúc đó cũng không còn giá trị. Bên cạnh đó, cần cho tất cả phương tiện đang hoạt động dưới 3 năm đối với xe kinh doanh và 5 năm đối với xe không kinh doanh được miễn kiểm định thêm 3 tháng đến 6 tháng khi đến hạn. Họ chỉ cần mang giấy tờ đến để kiểm tra và được cấp tem kiểm định kỳ tiếp theo.

(Nguồn: Thanh Niên)

Vụ biệt thự "tai tiếng": Ban Nội chính Hà Nội chuyển đơn đến Chủ tịch Trần Sỹ Thanh giải quyết

Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội đã chuyển đơn của công dân đến Chủ tịch UBND TP chỉ đạo, giải quyết vụ biệt thự "tai tiếng" vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng ở quận Cầu Giấy.

Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội vừa có văn bản gửi UBND TP về xử lý đơn thư của công dân liên quan đến biệt thự số 09 lô B, khu biệt thự 5,2 ha, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.

Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội cho biết Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận được đơn đề tên bà Nguyễn Thị Vân (địa chỉ số 02 Lô B khu biệt thự 5,2 ha). Theo quy định, Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội đã chuyển đơn của bà Nguyễn Thị Vân đến Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, để xem xét, chỉ đạo giải quyết theo quy định.

Trước đó, bà Nguyễn Thị Vân (SN 1930; cán bộ Tiền khởi nghĩa, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng) đã có đơn gửi Bí thư Thành ủy Hà Nội kiến nghị TP xử lý dứt điểm vi phạm trật tự xây dựng tại số 09 có nhiều vi phạm về trật tự xây dựng.

Bà Vân cho biết đã hơn 1 năm, kể từ ngày UBND TP Hà Nội ban hành văn bản số 803/UBND-ĐT ngày 21-3-2022, việc tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm vẫn chưa được thực hiện. Nhiều văn bản chỉ đạo của UBND TP, của Sở Xây dựng, Sở Nội vụ nhưng vụ việc vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng này vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Sở Xây dựng Hà Nội đánh giá vi phạm tại biệt thự này là "nghiêm trọng". Nhiều cán bộ quận Cầu Giấy, phường Yên Hoà đã bị kỷ luật liên quan đến biệt thự này.

Ngày 28-6-2022, Ban Cán sự Đảng bộ UBND TP Hà Nội có văn bản báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý liên quan đến vi phạm về trật tự xây dựng tại công trình số 9 nhà B (khu biệt thự 5,2 ha, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy).

Theo đó, liên quan đến vi phạm trật tự xây dựng tại công trình số 9, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với Sở Nội vụ và UBND quận Cầu Giấy tiến hành kiểm tra, đánh giá mức độ vi phạm về trật tự xây dựng tại công trình số 9 để từ đó xem xét, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan thuộc UBND quận Cầu Giấy và UBND phường Yên Hòa.

Căn cứ vào báo cáo của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP, Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội nhận thấy đây là "một vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, vi phạm diễn ra trong một thời gian dài liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân". Việc UBND quận Cầu Giấy tổ chức kiểm điểm, đề xuất mức độ chịu trách nhiệm đối với lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy là chưa tương ứng với mức độ vi phạm.

"Ban cán sự đảng UBND TP báo cáo, đề xuất Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo, giao Ủy ban Kiểm tra Thành ủy thực hiện kiểm tra, đánh giá, kết luận mức độ vi phạm, xem xét xử lý trách nhiệm đối với tập thể và cá nhân có liên quan theo thẩm quyền" - Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội đề xuất.

Với tư cách công dân, bà Nguyễn Thị Vân đặt vấn đề: "Công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 9 lô B, khu biệt thự 5,2 ha, phường Yên Hòa đã được xử lý theo đúng quy định của pháp luật chưa? Những cán bộ, công chức, lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy có vi phạm trong công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn quận đã bị xử lý kỷ luật chưa?...".

Theo ghi nhận, mặc dù các vi phạm tại biệt thự này đã được TP Hà Nội xác định là "nghiêm trọng", nhưng đến nay biệt thự này đã hoàn thiện, các vi phạm tại biệt thự này vẫn chưa được xử lý triệt để.

(Nguồn: Soha)

Ì ạch dời trụ sở bộ ngành ra ngoài trung tâm Hà Nội, TP.HCM

https://www.youtube.com/watch?v=1cZkTQJWuH0 Phút 00:23

(Ảnh minh họa).

Di dời trụ sở bộ, ngành, bệnh viện, trường học ra ngoài khu trung tâm của Hà Nội, TP.HCM được thực hiện trong nhiều năm qua, nhưng đến nay số trụ sở, cơ sở đã di dời chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ban Bí thư vừa ban hành chỉ thị yêu cầu khắc phục cơ bản ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. Thực hiện nghiêm lộ trình di dời trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, bệnh viện lớn, khu sản xuất công nghiệp... ra ngoài khu vực trung tâm thành phố theo quy hoạch.

KTS Đào Ngọc Nghiêm - phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - cho rằng cái khó lớn nhất là các bộ, ngành, cơ sở bệnh viện, trường đại học, cao đẳng không thực sự muốn di dời trụ sở ra ngoài trung tâm.

Hà Nội 25 năm chưa di dời xong

Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới sự "ì ạch"?

- Với Hà Nội, từ sau quy hoạch thành phố năm 1998 - cách đây 25 năm, đã có chủ trương di dời. Sau đó, Thủ tướng cũng có quyết định xác định lộ trình di dời một số bộ, ngành, cơ sở công nghiệp, trường đại học, cao đẳng.

Theo quyết định của Thủ tướng thì đến năm 2015 Hà Nội phải hoàn thành việc di dời nhưng đến nay gần như không thực hiện được.

Có nhiều nguyên nhân, thứ nhất việc bố trí trụ sở mới trong quy hoạch đã xác định, gần đây Bộ Xây dựng đã thống nhất quy hoạch.

Nhưng tiền để xây dựng trụ sở mới phải huy động từ ngân sách, trong khi rất khó bố trí cùng lúc đủ tiền ngân sách để xây trụ sở tất cả các bộ, ngành. Đến nay, có sáu bộ đã xây được trụ sở mới.

Thứ hai, huy động nguồn lực xã hội để xây dựng trụ sở các bộ, ngành, trường đại học, bệnh viện cũng gặp khó.

Ví dụ TP Hà Nội xác định sau khi di dời trụ sở các bộ, ngành, bệnh viện, trường học... sẽ dành quỹ đất xây dựng công trình công cộng, phát triển không gian xanh (cái Hà Nội đang rất thiếu, trung bình mới đạt dưới 5m2/người dân, trong khi thành phố đang đặt mục tiêu tối thiểu phải đạt 7m2/người dân và cao hơn...).

Thứ ba là bất cập khung pháp lý, chẳng hạn đất trụ sở cũ sau di dời giao cho ai quản lý. Theo Luật Đất đai, cơ quan được giao, thuê có thời hạn thì toàn quyền khai thác trong thời gian được giao, thuê.

Vì thế, trong sáu bộ ngành đã di dời khỏi trung tâm Hà Nội, chỉ có khu đất trụ sở cũ của Bộ Nội vụ được bàn giao cho Hà Nội phát triển không gian xanh, công cộng. Còn lại một số cơ quan không giao. Vì thế, cần bổ sung cơ chế để Hà Nội, TP.HCM được tiếp nhận đất trụ sở cũ sau di dời.

Đất trụ sở kể trên ở Hà Nội, TP.HCM đa số là đất vàng, đã từng có đề xuất huy động nguồn lực thông qua đấu giá để lấy tiền xây trụ sở mới, theo ông thế nào?

- Đã có những bộ đề xuất cho bán đấu giá đất trụ sở cũ lấy tiền xây trụ sở mới. Nhưng vùng trung tâm của Hà Nội và TP.HCM đã quá tải về giao thông rồi.

Nếu đấu giá đất, rất nhiều doanh nghiệp sẽ vào mua để xây dựng trung tâm thương mại, nhà ở... thì sẽ không đạt được mục tiêu phát triển không gian xanh, công cộng, giảm áp lực giao thông khu trung tâm.

Hà Nội hiện có hơn 8 triệu dân, trong đó gần 1 triệu người là cán bộ, công nhân, viên chức các bộ, ngành, trường học, bệnh viện. Nên việc quy hoạch trụ sở mới cần có chính sách dành quỹ đất phát triển nhà ở cho cán bộ, công chức để họ không phải đi lại xa.

Kinh nghiệm thành công của Malaysia trong di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi khu vực trung tâm là phát triển trung tâm hành chính mới gắn với chính sách ưu đãi về nhà ở cho cán bộ, công chức, phát triển hạ tầng giáo dục, y tế, thương mại gần trung tâm hành chính mới.

Hàn Quốc mất khoảng 10 năm để di dời trung tâm hành chính, cơ sở bệnh viện, trường học ra khỏi trung tâm thủ đô Seoul.

Bộ Xây dựng đã quy hoạch hai trung tâm hành chính quốc gia tập trung tại khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì (TP Hà Nội). Cần làm gì để đẩy nhanh việc dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi trung tâm?

- Quy hoạch hai khu này mới bố trí được chín nhóm công trình để làm trụ sở bộ, ngành, sáu nhóm công trình thương mại - dịch vụ, theo tôi, cần bố trí thêm các khu nhà ở. Phải phát triển các khu chức năng, tiện ích để ổn định cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức.

Bài học vừa qua là TP Hà Nội xây dựng một khu liên cơ (trụ sở tập trung của nhiều sở ngành thuộc thành phố) trên đường Võ Chí Công, xây dựng trụ sở làm việc các sở ngành nhưng lại thiếu chỗ để xe cho cán bộ, công chức, thiếu các công trình dịch vụ, thương mại. Đặc biệt cán bộ, công chức vẫn ở trong nội đô, phải di chuyển rất xa đến nơi làm việc nên rất bất cập.

Các bệnh viện, trường đại học vẫn chưa chịu ra khỏi trung tâm Hà Nội, theo ông, ngoài chuyện thiếu tiền xây trụ sở mới, còn nguyên nhân gì khác nữa?

- Đó là sự thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng tại cơ sở mới. Ngay khu Đại học Quốc gia Hà Nội ở Hòa Lạc, theo quy hoạch bốn trường phải di dời về đây nhưng chưa thực hiện được. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cần xây dựng thêm các ký túc xá, các công trình dịch vụ thương mại, chỗ ở giáo viên. Đặc biệt, phải bố trí mạng lưới giao thông công cộng hợp lý.

Cần tính tới mối quan hệ vùng. Điều đáng tiếc là đang thiếu một cơ chế điều phối vùng hiệu quả nên một mô hình tốt là khu Đại học Phố Hiến lại có rất ít trường đại học, cao đẳng chuyển về. Chỉ quy hoạch bố trí quỹ đất, bỏ tiền xây trường là chưa đủ, mà cần có một cơ chế quản lý, điều phối phát triển vùng hợp lý.

Bệnh viện ra ngoại thành tăng tiện ích, giảm tải nội thành

Cách đây 16 năm, phó chủ tịch UBND TP.HCM lúc đó là ông Nguyễn Hữu Tín đã ký văn bản về việc quy hoạch các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và các bệnh viện theo hướng "rời khu vực trung tâm".

Đây được xem là tiền đề cho TP.HCM hình thành Cụm y tế Tân Kiên nằm ở huyện Bình Chánh. Cụm này quy hoạch quy mô 74ha, chính thức khởi công năm 2015, dành hẳn 19ha cho khu công viên, bãi xe công cộng, sân thể dục thể thao và nhà lưu trú cho thân nhân bệnh nhân...

Từ đó đến nay, nhiều dự án trong cụm y tế này đã dần về đích đưa vào sử dụng như Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM (2018), Bệnh viện Truyền máu - Huyết học (2022). Các cơ sở 2 của Bệnh viện Tai Mũi Họng, Viện Tim, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ngân hàng máu... đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng.

Một dự án khác được đánh giá có cơ sở vật chất "chuẩn quốc tế" là Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 (TP Thủ Đức). Bệnh viện với tổng mức đầu tư gần 6.000 tỉ đồng vừa khánh thành đang từng ngày "chia lửa" cho cơ sở 1 ở quận Bình Thạnh.

Gần đây, người bệnh đã dần quen với việc đăng ký khám, điều trị tại cơ sở 2. Trong tương lai không xa, cơ sở 1 sẽ dần kết thúc sứ mệnh khi được chuyển đổi thành Trung tâm tầm soát và chẩn đoán sớm bằng công nghệ cao.

Theo một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, việc đưa vào vận hành một số bệnh viện ở khu vực ngoại thành đang góp phần "chia" gánh nặng quá tải trong chăm sóc, điều trị cho các bệnh viện nội thành, đồng thời gia tăng tiện ích cho người bệnh.

"Như Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 chẳng hạn, chính không gian rộng rãi cho phép thiết kế khu vực phòng mổ rộng và hiện đại giúp giải điểm nghẽn chờ mổ bấy lâu nay" - lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM nói.

Đại biểu TẠ VĂN HẠ (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục): Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu khi chậm di dời

Theo những nghiên cứu, ùn tắc giao thông mỗi năm tại Hà Nội gây ra thiệt hại khoảng 1,2 tỉ USD, còn tại TP.HCM thì có thể lên tới 6 tỉ USD.

Do đó, việc di chuyển sớm được các cơ quan, đơn vị này, nhất là các trường đại học, cao đẳng sẽ giúp giảm bớt sức ép về mật độ, ùn tắc giao thông trong nội đô. Tuy nhiên cho đến nay, việc di dời vẫn rất chậm. Điều đó thể hiện việc thực hiện chưa nghiêm chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Chưa kể một số trụ sở các cơ quan, đơn vị đã được xây mới nhưng vẫn giữ lại trụ sở, đất cũ. Điều này gây ra sự lãng phí rất lớn.

Do vậy, trong thời gian tới, sau yêu cầu của Ban Bí thư, cần xác định rõ đâu là nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc chậm trễ thực hiện chủ trương và việc không bàn giao lại các cơ sở nhà đất cũ khi đã có trụ sở mới.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần vào cuộc giám sát, nêu rõ hiện tượng, chỉ đích danh. Một vấn đề cũng cần được đặt ra đó là quy hoạch phải đi trước, chuẩn bị các nguồn lực thật tốt để thực hiện việc di dời có hiệu quả.

Lo bị phản ứng hậu di dời

Theo đề án xây dựng khu Đại học Phố Hiến (tỉnh Hưng Yên) năm 2009 thì sẽ có 10 trường đại học được xây dựng tại đây.

Tuy nhiên, sau 13 năm triển khai, hiện tại chỉ có Trường đại học Thủy lợi và Trường đại học Chu Văn An chuyển về.

Với khu giảng đường hiện đại, ký túc xá khang trang nhưng khi đưa 3.000 sinh viên xuống Phố Hiến học thử 1 kỳ năm học 2016 - 2017 thì ngay lập tức Trường đại học Thủy lợi gặp phản ứng gay gắt.

Nhiều sinh viên lo sợ học tại đây sẽ bị tụt hậu, đã chia sẻ cảm xúc lên mạng xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng tuyển sinh của nhà trường năm sau đó.

Tiến sĩ Nguyễn Lương Bằng, trưởng phòng hành chính - tổng hợp Trường đại học Thủy lợi, cho biết trước những diễn biến tâm lý của sinh viên theo chiều hướng xấu, nhà trường xác định để sinh viên chỉ học văn hóa tại cơ sở mở rộng Phố Hiến sẽ không ổn, phải đan xen giữa học giáo dục quốc phòng và an ninh với học kiến thức cơ bản.

Theo đó, cơ sở mở rộng ở Phố Hiến của Trường đại học Thủy lợi trở thành một trong 36 trung tâm đào tạo an ninh và quốc phòng trên toàn quốc.

Tại cơ sở Phố Hiến, Trường đại học Thủy lợi cũng đã đẩy mạnh nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phục vụ sản xuất. Đây là địa điểm để sinh viên đến thí nghiệm, thực hành và thực tập.

Hiệu trưởng một trường đại học khác ở Hà Nội nằm trong diện di dời về khu đô thị Phố Hiến (Hưng Yên) cũng cho rằng nếu nhà trường buộc phải chuyển về khu Đại học Phố Hiến thì sẽ rất khó khăn trong việc tuyển sinh. Sinh viên chỉ muốn ở thủ đô để vừa học tập, vừa làm thêm kiếm thêm thu nhập.

Di dời đại học: chặng đường dài, cần nhiều điều kiện

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết chủ trương di dời các trường đại học ra khỏi nội đô hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, để các trường đại học thực hiện di dời cần phải có nhiều điều kiện.

Thứ nhất, các địa phương xung quanh cũng như TP Hà Nội phải có quỹ đất ở vị trí thuận lợi, đủ, đảm bảo cho các trường đại học di dời.

Thứ hai, các trường đại học phải có nguồn lực, phải có kinh phí ngân sách. "Đây là điều khó khăn nhất. Nếu để các trường tự đi liên hệ tìm đất, tìm địa điểm, tự tìm kiếm nguồn lực thì rất khó", ông Sơn nhấn mạnh.

Di dời 20 năm chưa xong, vì sao?

Ông Sơn cho biết thêm Đại học Quốc gia Hà Nội đã được cấp đất đầy đủ, tuy nhiên quy trình triển khai đã khoảng 20 năm, rất chậm, chưa nói đến các trường đại học chưa có đất, chưa có nguồn lực. Các trường đại học di dời cần có sự hỗ trợ, đầu tư lớn của Nhà nước về quy trình, thủ tục giải phóng mặt bằng, kinh phí thực hiện dự án.

Thông tin từ Đại học Quốc gia Hà Nội, dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc được Chính phủ phê duyệt năm 2003.

Dự án với mục tiêu chính là xây dựng khu đô thị đại học hiện đại, tiên tiến bậc nhất Đông Nam Á gồm 9 đại học thành viên, 8 viện, 13 trung tâm nghiên cứu, 4 trường THPT chuyên với quy mô hơn 41.000 sinh viên học sinh.

Thời gian thực hiện dự án từ 2003 - 2005, mức đầu tư 22.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2020, 17 năm sau ngày khởi công, dự án mới được đầu tư gần 2.000 tỉ đồng chủ yếu cho giải phóng mặt bằng và làm đường. Đây được cho là mấu chốt của sự chậm trễ...

Đến ngày 19-5-2022, sau gần 20 năm, Đại học Quốc gia Hà Nội mới chính thức chuyển trụ sở làm việc tới Hòa Lạc. Tới nay đã có 27/37 đơn vị trong Đại học Quốc gia Hà Nội hiện diện tại Hòa Lạc.

Trước đó, năm học 2022 - 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức lễ khai giảng đầu tiên đón hơn 2.000 sinh viên chính quy của bốn trường thành viên tới học tập. Năm học 2023 - 2024 dự kiến đón 7.000 sinh viên.

Ông Lê Quân, giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết đại học này đào tạo khoảng 60.000 sinh viên/năm. Như vậy, cơ sở vật chất hiện tại ở Hòa Lạc mới đáp ứng được 10% nhu cầu.

TP.HCM: vẫn còn trường ì ạch

Tại TP.HCM, tháng 2-2023 UBND TP.HCM đã có văn bản về quy hoạch các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và các bệnh viện trên địa bàn. Theo đó, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp được phép cải tạo sửa chữa hoặc xây mới theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành nhưng quy mô phải phù hợp quy hoạch, quy định, quy chế quản lý...

Như vậy sau 15 năm chỉ cho phép sửa chữa, nâng cấp, TP đã cho phép xây mới. Tuy nhiên, thời gian qua một số trường đại học khu vực nội thành đã "sửa chữa" hoành tráng bằng các tòa nhà mới như Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM...

Trong khi đó, không ít tòa nhà văn phòng xây mới mọc lên, sau đó chuyển đổi công năng thành nơi dạy học như tại các trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Kinh tế - Tài chính TP.HCM, Hồng Bàng...

Với việc di dời khỏi trung tâm TP, nhiều trường đã chuyển toàn bộ hoặc một phần. Trong đó, các trường thành viên Đại học Quốc gia TP.HCM có cơ sở ở nội thành như Bách khoa, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và Nhân văn đã chuyển toàn bộ sinh viên đại học chính quy xuống đào tạo tại cơ sở Thủ Đức. Cơ sở nội thành chỉ đào tạo hệ chất lượng cao, sau đại học.

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Văn Hiến thì đã đưa vào hoạt động cơ sở Nam Sài Gòn (huyện Bình Chánh). Dự án xây dựng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM cũng vừa được khởi công tại huyện Bình Chánh...

Trong khi đó, dự án xây dựng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM tại quận 12 ì ạch nhiều năm qua. Dự kiến, dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng, với 25,97ha tại quận 12. Do thủ tục kéo dài, giá đền bù giải phóng mặt bằng tăng mạnh, vượt khả năng của trường nên dự án đình trệ nhiều năm qua.

(Nguồn: Tuổi Trẻ)

Vụ án tại Thuduc House: Cựu Phó Cục trưởng Cục thuế TP HCM khai gì với cơ quan điều tra?

Cựu Phó Cục trưởng Cục thuế TP HCM Nguyễn Thị Bích Hạnh được cấp dưới báo cáo các dấu hiệu rủi ro về thuế tại Thuduc House nhưng không chỉ đạo xác minh, bỏ qua các dấu hiệu này.

TAND TP HCM dự kiến đưa ra xét xử 67 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House), Cục thuế TP HCM từ ngày 6-6 đến ngày 10-7.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, Trịnh Tiến Dũng (chủ mưu đã bỏ trốn) phạm các tội: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Buôn lậu" và "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới".

Cụ thể, từ năm 2016 - 2020, Dũng điều hành nhiều công ty ở trong và ngoài nước để sản xuất linh kiện điện tử giả, hàng đã qua sử dụng nhưng mua bán lòng vòng, xuất khẩu ra nước ngoài, để được hoàn 538 tỉ đồng tiền thuế giá trị gia tăng.

Song song đó, Dũng dùng các công ty "ma" để nhập khẩu trái phép 39 lô hàng trị giá hơn 72,5 tỉ đồng, thu lợi bất chính hơn 5,2 tỉ đồng.

Thông qua việc xuất khẩu hàng giả, hàng nhái, Dũng đã vận chuyển hơn 1.760 tỉ đồng ra nước ngoài và ngược lại, thu lợi bất chính 5,3 tỉ đồng phí dịch vụ.

Trong khoảng thời gian từ tháng 2-2018 đến tháng 6-2019, Dũng móc nối với cán bộ, lãnh đạo Thuduc House lập 19 bộ hồ sơ đề nghị hoàn thuế, với tổng số tiền hơn 430,6 tỉ đồng.

Từ đó, Cục Thuế TP HCM ban hành 17 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng cho Thuduc House với tổng số tiền hơn 365,5 tỉ đồng.

Liên quan vụ án, VKS truy tố bà Nguyễn Thị Bích Hạnh (Cựu Phó Cục trưởng Cục thuế TP HCM) về tội "Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí"; 17 cựu cán bộ Cục Thuế TP HCM bị truy tố về hai tội danh: "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí".

Theo cáo trạng, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh được cấp dưới báo cáo các dấu hiệu rủi ro về thuế tại Thuduc House nhưng không chỉ đạo xác minh, bỏ qua các dấu hiệu này.

Từ đó, bà Hạnh ký các quyết định hoàn thuế cho Thudu House trong 15 kỳ (từ tháng 4-2018 đến tháng 6-2019) trái quy định, gây thất thoát cho nhà nước hơn 331,4 tỉ đồng.

Tại cơ quan điều tra, bà Hạnh thừa nhận trách nhiệm, cho rằng bản thân đã thiếu sót, không thực hiện đúng các quy định, quy trình thủ tục giải quyết hồ sơ hoàn thuế.

Trong vụ án này, 7 cán bộ hải quan thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực I bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là: Phạm Duy Bình, Nguyễn Lê Hùng, Hồ Hoàng Hải, Hoàng Trung Kiên, Nguyễn Duy Linh, Trần Văn Thành, Bùi Hữu Trên.

Theo cáo trạng, những cán bộ này không thực hiện nhiệm vụ kiểm tra thực tế 39 lô hàng nhập khẩu theo quy định nên không phát hiện hành vi buôn lậu của Trịnh Tiến Dũng và đồng phạm, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 10,4 tỉ đồng.

Liên quan 7 cán bộ này, 2 đối tượng được xác định giúp sức tích cực cho Trịnh Tiến Dũng trong vụ án là Mạc Văn Nguyện và Mạc Thành Nam còn khai nhận "chi tiền cho công chức hải quan để được tạo điều kiện thuận lợi khi tiến hành kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa".

Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định chưa đủ căn cứ kết luận việc nhận tiền của công chức hải quan trong quá trình thông quan 39 lô hàng.

(Nguồn: CafeF)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang