Chất vấn nhiều Bộ trưởng; 'Siêu dự án' 20 năm vẫn vướng; Dự án cải tạo môi trường TP.HCM; Kỷ luật Bí thư, Chủ tịch 2 tỉnh

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHẤT VẤN NHIỀU BỘ TRƯỞNG

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 31, ngày 18/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. TS. Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương trao đổi với PV Tiền Phong về những vấn đề nóng trong hai lĩnh vực này.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói: “Tôi hoàn toàn nhất trí với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn và tiến hành chất vấn về hai lĩnh vực tài chính và ngoại giao. Đây là hai lĩnh vực rất quan trọng, được cử tri và nhân dân rất quan tâm. Do vậy, việc chất vấn đối với hai Bộ trưởng Ngoại giao và Tài chính có ý nghĩa rất lớn”.

Cần thanh tra diện rộng về bảo hiểm

Nhóm vấn đề chất vấn đối với Bộ trưởng Tài chính lần này tương đối rộng, bao gồm kinh doanh bảo hiểm, xổ số, đặt cược, casino, hải quan, quản lý giá… Cá nhân bà quan tâm nhiều nhất đến lĩnh vực gì trong phần chất vấn “tư lệnh” ngành Tài chính?

Đối với lĩnh vực Tài chính, thời gian qua, có rất nhiều chính sách liên quan đến tài khóa, tiền tệ, được Chính phủ ban hành để vực dậy nền kinh tế bị suy giảm sau đại dịch COVID-19. Hiện nay, chúng ta cũng phải xem xét, đánh giá lại quá trình thực hiện, xem đâu là ưu điểm, đâu là nhược điểm, để từ đó tiếp tục đưa ra những chính sách phù hợp tiếp theo.

Cũng trong lĩnh vực này, có rất nhiều vấn đề nổi cộm, được đông đảo cử tri và người dân quan tâm, như công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Vừa qua, dư luận phản ánh có nhiều hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không rõ ràng, gần như “bẫy” người tham gia, trong đó có những trường hợp tham gia với số lượng tiền rất lớn.

Tôi cho rằng, để đảm bảo quyền lợi của người mua bảo hiểm cũng như làm trong sạch thị trường bảo hiểm nhân thọ, rất cần thiết phải rà soát lại và làm rõ trách nhiệm quản lý, cũng như giải pháp để lập lại kỷ cương cho thị trường bảo hiểm nhân thọ. Bởi lĩnh vực này được đánh giá là có sự phát triển nở rộ, nhưng lại có phần bát nháo.

Theo bà, việc tăng cường thanh tra các công ty bảo hiểm có góp phần làm lành mạnh thị trường này?

Tôi rất muốn có sự thanh tra, vào cuộc mạnh mẽ, thậm chí không chỉ một vài doanh nghiệp mà có thể tiến hành thanh tra trên diện rộng, bởi vì những lùm xùm về thị trường bảo hiểm đã xảy ra đột biến trong thời gian gần đây.

Thứ nữa, khi minh bạch được thị trường này sẽ tạo cơ hội cho các công ty bảo hiểm làm ăn chân chính để phát triển thị trường bảo hiểm ở Việt Nam. Còn hiện nay, từ nhận thức người dân đến việc các công ty bảo hiểm phát triển ở Việt Nam, tôi thấy cũng đang có vấn đề, cần thiết phải được chấn chỉnh.

Tiềm năng du lịch khai thác chưa hiệu quả

Còn trong lĩnh vực ngoại giao, bà quan tâm và muốn chất vấn Bộ trưởng về lĩnh vực gì?

Với lĩnh vực thuộc về Bộ Ngoại giao, vốn rất ít được đăng đàn, và đây là phiên chất vấn đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV này. Chúng ta đều biết, vấn đề ngoại giao đang rất được chú trọng, bởi hiện nay, tình hình địa chính trị trên thế giới diễn biến khá phức tạp. Việt Nam với quan điểm làm bạn với các nước, trên cơ sở hợp tác cùng có lợi và tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau. Vậy chúng ta sẽ ứng xử như thế nào trong bối cảnh thế giới đang phân cực mạnh mẽ như thế này? Mối quan hệ Việt Nam với các nước như thế nào?...

Tôi thấy còn rất nhiều vấn đề chúng ta cần phải nhìn nhận lại để phát triển trong thời gian tới. Ví dụ Việt Nam vẫn được đánh giá là một quốc gia có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn. Tuy nhiên, việc khai thác mảng du lịch lại chưa đạt hiệu quả như mong muốn, chưa tương xứng với tiềm năng.

So sánh giữa Việt Nam với một số nước trong khu vực, như Thái Lan, chúng ta có lợi thế hơn nhiều, nhưng việc khai thác, quảng bá lại chưa thực sự hiệu quả. Nguyên nhân của thực trạng trên, đặc biệt là đối với du khách quốc tế, có lẽ do công tác xúc tiến du lịch trong những năm qua chưa thực sự được coi trọng đúng mức.

Một trong những chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài là xúc tiến du lịch và đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Muốn khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn nữa, khai thác tốt hơn nữa tiềm năng du lịch, thì công tác xúc tiến ở nước ngoài vô cùng quan trọng. Do vậy, tôi cũng mong muốn qua cuộc chất vấn này, Bộ Ngoại giao sẽ đưa ra những cam kết, giải pháp mang lại hiệu quả cho lĩnh vực này.

Còn lĩnh vực bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài thì sao, thưa bà?

Đây cũng là một vấn đề nổi cộm, rất được quan tâm, làm thế nào để người dân Việt Nam ở nước ngoài được bảo hộ một cách tốt hơn nữa. Thời gian gần đây, tôi thấy có không ít trường hợp người dân Việt Nam, đặc biệt là người trẻ bị lừa đi lao động nước ngoài, nhưng lại phục vụ trong các sòng bạc, thậm chí các động mại dâm, gây rất nhiều hệ lụy. Vậy làm như thế nào để khuyến cáo được công dân Việt Nam? Tôi nghĩ, trách nhiệm của Bộ Ngoại giao cũng rất lớn trong lĩnh vực này.

Tôi đọc báo thấy trong thời gian gần đây, liên tiếp có vụ việc học sinh lứa tuổi từ 15 - 18 mất tích một cách bí ẩn. Đấy cũng là một vấn đề vô cùng nhức nhối. Vì thế, Bộ Ngoại giao cũng cần có tiếng nói của mình và có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để có thể tham gia ngăn chặn được tình trạng này.

“SIÊU DỰ ÁN” ĐH QUỐC GIA HÀ NỘI TẠI HÒA LẠC: HƠN 20 NĂM VẪN VƯỚNG MẶT BẰNG

Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) ở Hòa Lạc (huyện Thạch Thất, TP Hà Nội), hiện có hơn 200 hộ được giao đất tái định cư (TĐC) nhưng do nơi TĐC còn thiếu điện, nước nên nhiều hộ dân vẫn sống trong dự án và không bàn giao mặt bằng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến dự án hơn 20 năm vẫn ì ạch, gây lãng phí rất lớn.

Đi không được, ở không xong

Ghi nhận của PV Tiền Phong tại khu TĐC cho Dự án ĐHQGHN tại Hòa Lạc cho thấy, dù đã bàn giao nhiều năm nhưng đường sá và hạ tầng kỹ thuật của khu vực này vẫn chưa hoàn thiện. Một số người dân thôn 5 (xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất) cho biết, họ đã đề nghị hoàn thiện hạ tầng khu TĐC để người dân ổn định cuộc sống nhưng đến nay chưa triển khai thêm gì.

Ông Đông (thôn 5) cho biết, hiện người dân phải mua điện giá cao qua Ban quản lý dự án. Nước sạch chưa có, nước giếng không đảm bảo chất lượng. “Chính vì thế nhiều hộ gia đình đã chọn ở lại chỗ cũ”, ông Đông nói.

Theo tìm hiểu của PV, công tác xây dựng khu TĐC do UBND huyện Thạch Thất làm chủ đầu tư từ năm 2007. Hiện có hơn 200 hộ được giao TĐC, 9 hộ dân đã xây dựng nhà ở khu vực này nhưng do thiếu điện, nước nên nhiều hộ dân vẫn sống trong dự án và không bàn giao mặt bằng, dù đã được cấp đất TĐC. Hiện có khoảng 100 hộ dân còn vướng mắc liên quan đến chế độ TĐC. Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng ĐHQGHN (Ban QLDA) tại Hòa Lạc đã có nhiều văn bản gửi UBND huyện Thạch Thất đề nghị đẩy nhanh tiến độ xét TĐC cho các hộ dân nhưng đến nay chưa có nhiều chuyển biến.

Dự án ĐHQGHN nằm trên đất của huyện Thạch Thất, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km về phía Tây. Năm 2002, Chính phủ phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc với mục tiêu chính là xây dựng khu đô thị đại học hiện đại, tiên tiến bậc nhất Đông Nam Á. Với diện tích hơn 11,13 km2, ĐHQGHN là đại học rộng nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, dự án bị chậm tiến độ và 20 năm sau (năm 2022), 2.000 sinh viên mới được chuyển lên đây học tập. Năm 2023, có 6.000 sinh viên học tập. Dự kiến, năm 2025, có 15 nghìn sinh viên học tập. Theo quy hoạch, ĐHQGHN đáp ứng nhu cầu học tập của 60.000 sinh viên.

Cần cơ chế đặc thù tháo gỡ cho dự án

Theo số liệu từ UBND huyện Thạch Thất, hết tháng 1/2024, dự án ĐHQGHN và các dự án thành phần triển khai trên địa bàn xã Thạch Hòa và xã Tiến Xuân giải phóng được khoảng 1.001,3/1.218,1ha đất các loại (đạt 82%), còn hơn 216,8ha đất chưa giải phóng mặt bằng (GPMB).Trong số diện tích còn lại chưa GPMB, riêng dự án ĐHQGHN còn hơn 109 ha.

Vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ GPMB là việc xác minh nguồn gốc đất của các hộ thuộc diện GPMB dẫn đến tình trạng một số hộ dân không đủ điều kiện giao đất TĐC. Trong trường hợp được xét TĐC còn vấn đề chênh lệch giá đầu đi - đầu đến, dẫn đến các hộ không đồng ý nhận tiền bồi thường hỗ trợ.

Để tháo gỡ, thời gian qua, UBND huyện Thạch Thất đã báo cáo vướng mắc trong công tác GPMB dự án gửi UBND thành phố và Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xin hướng dẫn.

Theo Ban QLDA, đến hết năm 2023, tỷ lệ giải ngân dự án đạt 28,3 tỷ/98,3 tỷ đồng, đạt 24% dự toán. Nguyên nhân khiến công tác giải ngân vốn GPMB chậm do công tác bồi thường, kiểm đếm, chi trả tiền cho các hộ dân chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa tập trung vào các vị trí ưu tiên. Thời gian từ khi kiểm đếm đến lúc các hộ dân nhận được tiền chi trả mất 3-4 tháng, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các công trình.

Ban QLDA kiến nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội trực tiếp chỉ đạo công tác GPMB dự án theo chỉ đạo của Chính phủ, xử lý dứt điểm các nội dung: Trả lời dứt điểm các kiến nghị của UBND huyện Thạch Thất về một số đề xuất, kiến nghị liên quan đến cơ chế, chính sách trong công tác GPMB để làm cơ sở triển khai.

Liên quan đến thu hồi mặt bằng đối với các hộ dân đã nhận đủ chế độ và các hộ dân tái lấn chiếm, Ban QLDA đề nghị các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát thu hồi các phần diện tích này, tránh tình trạng tái lấn chiếm, gây lãng phí tài sản nhà nước và khó khăn khi thu dọn mặt bằng để triển khai thi công các công trình.

2 "SIÊU" DỰ ÁN CẢI TẠO MÔI TRƯỜNG TẠI TP.HCM: SẮP MỜI THẦU NHIỀU GÓI XÂY LẮP LỚN

2 “siêu” dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM làm Chủ đầu tư đang có tiến độ chuẩn bị triển khai cấp tốc để đẩy nhanh công tác lựa chọn đơn vị xây lắp.

Đó là Dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật), quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp và Dự án Nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi trên địa bàn Quận 8.

Theo Chủ đầu tư, Dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật), quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 9.664 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư gần 6.372 tỷ đồng; chi phí xây dựng hơn 2.710 tỷ đồng...

"Trong quý I/2024, Chủ đầu tư đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, tư vấn thẩm tra và hoàn thành công tác khảo sát thiết kế bản vẽ thi công. Hiện nay, Chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán Gói thầu XL-03 (đoạn từ đường Lương Ngọc Quyến đến Sông vàm Thuật) để trình thẩm định trong tháng 3/2024 và phê duyệt trong tháng 4/2024. Qua đó sớm triển khai thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp, giám sát để bảo đảm tiến độ khởi công đoạn trên địa bàn quận Gò Vấp, dự kiến vào tháng 8/2024", đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM chia sẻ.

Tại dự án này, công tác tái định cư có khối lượng việc rất lớn. Theo đó, địa bàn quận Gò Vấp và quận Bình Thạnh đều bố trí căn hộ tái định cư cho người dân. Đến nay, quận Gò Vấp đã bố trí đủ số căn hộ. Riêng quận Bình Thạnh cần bố trí 900 căn hộ tái định cư. Hiện, công trình này đã được HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 190/NQ-HĐND ngày 8/12/2023. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp đang triển khai các thủ tục tiếp theo để thực hiện dự án tái định cư.

Trong khi đó, tiến độ tại Dự án Nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi trên địa bàn Quận 8 cũng rất đáng ghi nhận. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 4.930 tỷ đồng, trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật hơn 3.583 tỷ đồng; chi phí xây dựng hơn 1.041 tỷ đồng.

Dù Dự án được HĐND TP.HCM phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 12/2023 và được UBND Thành phố giao kế hoạch vốn năm 2024 vào ngày 27/12/2023, nhưng Chủ đầu tư đã hoàn tất một số công tác lựa chọn nhà thầu. Cụ thể, đã tổ chức lựa chọn nhà thầu, triển khai các công việc liên quan để trình thẩm định hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi và phối hợp với UBND Quận 8 thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

"Dự kiến trong quý I/2024, Chủ đầu tư sẽ hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu tại bước chuẩn bị đầu tư; hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt; tổ chức khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Chủ đầu tư nỗ lực để phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong tháng 6/2024, phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán trong tháng 9/2024. Đồng thời, bàn giao tạm mặt bằng để triển khai thi công và khởi công công trình trong tháng 12/2024", Chủ đầu tư cho biết.

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND TP.HCM, đây là dự án sẽ tốn nhiều thời gian để hoàn tất khâu bồi thường, tái định cư. "Tổng số trường hợp nhà, đất bị ảnh hưởng là 1.571 trường hợp (giảm 9 trường hợp so với số liệu cập nhật trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do hiện trạng là đất trống). Trong đó, có 1.005 trường hợp ảnh hưởng toàn bộ và 566 trường hợp ảnh hưởng một phần", Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thông tin. Trong khi đó, theo nội dung đề xuất của UBND Quận 8, quỹ tái định cư bố trí cho Dự án gồm có 17 nền đất và 683 căn hộ.

Theo đánh giá của các nhà thầu, việc TP.HCM đẩy nhanh tiến độ 2 dự án nạo vét, cải tạo môi trường dọc kênh trong năm 2024 sẽ tạo cơ hội lớn cho các nhà thầu xây lắp thuộc lĩnh vực công trình kè, cống, giao thông và điện chiếu sáng, cây xanh... Mỗi gói thầu thuộc 2 dự án này đều cần huy động đông đảo nhà thầu tham gia./.

ĐỀ NGHỊ KỶ LUẬT NGUYÊN BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH HĐND TỈNH VÀ CHỦ TỊCH UBND 2 TỈNH

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật các đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Lê Duy Thành, Đặng Văn Minh, Cao Khoa, Hà Hoàng Việt Phương.

Đề nghị kỷ luật nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thúy Lan và Chủ tịch UBND 2 tỉnh

Ngày 18/3/2024, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 38. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp.

Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật 5 đảng viên vi phạm tại các Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc và Quảng Ngãi, gồm:

- Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc;

- Đồng chí Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc;

- Đồng chí Đặng Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi;

- Đồng chí Cao Khoa, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi;

- Đồng chí Hà Hoàng Việt Phương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy các đồng chí nêu trên đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; tiêu cực, nhận hối lộ, gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật các đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Lê Duy Thành, Đặng Văn Minh, Cao Khoa, Hà Hoàng Việt Phương.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ tiếp tục kiểm tra, xem xét, xử lý các tổ chức đảng, đảng viên có liên quan.

Cũng tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung quan trọng khác.

Cho phép khởi tố, bắt tạm giam; tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với bà Hoàng Thị Thúy Lan

Liên quan đến vi phạm của đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Cổng TTĐT Quốc hội cho biết, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã có văn bản số 3387/TTKQH-TT thông cáo báo chí về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Đại biểu Quốc hội khóa XV đối với bà Hoàng Thị Thúy Lan.

Theo đó, ngày 07/3/2024, căn cứ quy định của pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1000/NQ-UBTVQH15 đồng ý đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với bà Hoàng Thị Thúy Lan, Đại biểu Quốc hội khóa XV theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với bà Hoàng Thị Thúy Lan, Đại biểu Quốc hội khóa XV kể từ ngày có quyết định khởi tố bị can.

Khởi tố, bắt Bí thư Tỉnh ủy, 2 Chủ tịch UBND tỉnh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh cùng 5 bị can

Trước đó, Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang mở rộng điều tra vụ án “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” do Nguyễn Văn Hậu và đồng phạm thực hiện xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (viết tắt Tập đoàn Phúc Sơn), Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long (viết tắt Công ty Bất động sản Thăng Long) và các đơn vị liên quan theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 16/QĐ-CSKT-P7 ngày 26/02/2024.

Căn cứ lời khai của Nguyễn Văn Hậu, các bị can, đối tượng liên quan, tài liệu điều tra xác minh tại 03 tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Vĩnh Long và các đơn vị có liên quan; thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước, ngày 07/3/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố bổ sung vụ án và khởi tố các cá nhân.

Cụ thể, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bổ sung vụ án về các tội “Nhận hối lộ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi” xảy ra tại tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Quãng Ngãi, tỉnh Vĩnh Long và các đơn vị có liên quan;

Khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam, khám xét đối với 9 bị can, gồm:

(1) Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc

(2) Ông Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, cùng về tội “Nhận hối lộ”, quy định tại khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự.

(3) Ông Cao Khoa, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi;

(4) Ông Đặng Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi, cùng về tội “Nhận hối lộ”, quy định tại khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự.

(5) Ông Hà Hoàng Việt Phương, Trưởng Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp, nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi.

(6) Ông Phạm Ngọc Thủy, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật & Chất lượng Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi.

(7) Ông Lê Quốc Đạt, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nguyên Trưởng phòng Quản lý Đầu tư Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi.

(8) Ông Phạm Ngọc Cương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Phúc Sơn, cùng về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 3, Điều 222 Bộ luật Hình sự.

(9) Ông Đặng Trung Hoành, Chánh Văn phòng Huyện ủy huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”, quy định tại khoản 3 Điều 366 Bộ luật Hình sự.

Ngày 08/3/2024, sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các Quyết định và Lệnh nêu trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tổ chức thi hành theo đúng quy định pháp luật.

Khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng Tập đoàn Phúc Sơn

Liên quan đến vụ án này, ngày 26/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long và các đơn vị liên quan; khởi tố, bắt tạm giam đối với 06 bị can. Cụ thể:

(1) Nguyễn Văn Hậu (tên thường gọi “Hậu Pháo”), sinh năm 1981, nơi ở hiện nay: Phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội; nghề nghiệp: Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn.

(2) Nguyễn Thị Hằng, sinh năm 1977; nơi ở hiện nay: xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc; nghề nghiệp: Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn;

(3) Đỗ Thị Mai, sinh năm 1985; nơi ở hiện nay: thị trấn Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc; nghề nghiệp: Kế toán trưởng Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn;

(4) Hoàng Thị Tuyết Hạnh, sinh năm 1987; nơi ở hiện nay: xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc; nghề nghiệp: Kế toán viên Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn;

(5) Trần Hữu Định, sinh năm 1981, nơi ở hiện nay: xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc; nghề nghiệp: Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Nam Á Group.

(6) Nguyễn Hồng Sơn, sinh năm 1995; nơi ở hiện nay: xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc; nghề nghiệp: Lao động tự do.

Vì sao các bị cán bị khởi tố?

Cổng TTĐT Bộ Công an cho biết, các bị can trên bị khởi tố vì đã có các hành vi giả mạo, khai man, để ngoài sổ sách kế toán doanh thu, tài sản liên quan... gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước, phạm vào khoản 3, Điều 221 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các Quyết định, Lệnh tố tụng nêu trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt, triển khai thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục khẩn trương điều tra xác minh, củng cố tài liệu chứng cứ để làm rõ hành vi phạm tội của các bị can đã khởi tố, hành vi của các đối tượng liên quan, xác minh tài sản để thu hồi, kê biên triệt để theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Công an tiếp tục điều tra mở rộng vụ án; kêu gọi các đối tượng liên quan khẩn trương đầu thú, tố giác tội phạm

Cổng TTĐT Bộ Công an cho biết, hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang củng cố tài liệu, chứng cứ đối với sai phạm của các bị can đã khởi tố trong vụ án này.

Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, làm rõ các sai phạm khác của Tập đoàn Phúc Sơn tại các địa phương và các đơn vị có liên quan, áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kêu gọi các đối tượng có liên quan trong vụ án này khẩn trương đầu thú, tố giác tội phạm và khắc phục hậu quả để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.

Nguồn: Soha; CafeF; Môi trường & Đô thị; Chính Phủ

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang