Rộng cửa cho Việt kiều mua nhà; Chống thất thu thuế kinh doanh vàng; Khu chế biến đất hiếm hoang lạnh; HN thiếu NƠXH

SẮP RỘNG CỬA CHO VIỆT KIỀU MUA NHÀ

Việc mở rộng quyền sử dụng đất cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong Luật Đất đai có hiệu lực năm sau là một tin đáng mừng cho cộng đồng Việt kiều có mong muốn sở hữu bất động sản tại Việt Nam. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi dòng kiều hối trong năm 2023 đạt mức hơn 16 tỷ USD, tăng mạnh 32% so với năm 2022.

Trong Luật Đất đai 2024 (hiệu lực từ 1/1/2025) đã được Quốc hội thông qua, điểm thay đổi mới nhận được nhiều sự chú ý là chi tiết mở rộng quyền sử dụng đất đối với Việt kiều.

Cụ thể, khoản 3 và khoản 6, Điều 4 về "Người sử dụng đất" quy định người sử dụng đất được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa được nhà nước cấp giấy chứng nhận bao gồm: cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Ông Troy Griffiths - Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam - cho rằng, sự thay đổi này sẽ mang lại nhiều cơ hội đầu tư hơn cho nhóm người mua bất động sản Việt kiều.

“Thay đổi này cũng tạo tiềm năng lớn cho thị trường nhờ nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Việt kiều. Trong quá khứ, người Việt Nam ở nước ngoài muốn đầu tư trở lại Việt Nam phải thông qua người thân hoặc họ hàng, vì thế đã dẫn đến một số tranh chấp không đáng có. Luật mới sẽ giải quyết vấn đề này, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư và giảm thiểu khả năng xảy ra rủi ro giữa các bên trong quá trình đầu tư”, ông Troy Griffiths nói.

Phân tích sâu hơn về chân dung nhóm người mua này, vị chuyên gia cho biết Savills đã có cơ hội hợp tác với nhiều với người Việt Nam ở nước ngoài. Một trong những điểm chính là hiện nay phần nhiều trong số họ đã lớn tuổi. Đây có thể là những người đã di cư ra nước ngoài, sau nhiều năm làm việc chăm chỉ, họ đã sở hữu lượng tài sản nhất định và cân nhắc đầu tư ở Việt Nam, thậm chí có thể tính đến việc quay trở về.

“Cũng cần lưu ý rằng có rất nhiều người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, không chỉ những Việt kiều mà còn cả những người đang lao động tại nước ngoài. Điều này tạo ra một nguồn nhà đầu tư tiềm năng khổng lồ”, ông Troy phân tích.

Theo Phó giám đốc điều hành Savills, rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã làm việc và học tập chăm chỉ, giờ đây họ có vốn và cũng mong muốn trở về quê hương.

Thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho thấy, lượng kiều hối về Việt Nam từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến hết 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng lượng vốn FDI giải ngân trong cùng kỳ. Riêng nguồn kiều hối kỷ lục 19 tỷ USD của năm 2022 đã đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất từ nước ngoài.

“Từ số liệu trên có thể thấy đây là nguồn vốn rất quan trọng đối với Việt Nam. Câu hỏi đặt ra rằng vốn đó sẽ được sử dụng như thế nào khi về đến Việt Nam? Điều này khá thú vị vì nó có sự biến động đôi chút theo tỷ giá tiền tệ. Tất nhiên, nếu được gửi từ Mỹ, đồng USD mạnh đồng nghĩa với sức mua lớn hơn ở Việt Nam. Hầu hết kiều hối đến từ các nước châu Á thông qua người lao động. Không ít nguồn tiền này đã được chảy vào các bất động sản”, ông Troy phân tích.

Nhu cầu về kiều hối đối với lĩnh vực bất động sản đã được ghi nhận. Theo một thống kê từ 2016 của của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, khoảng 15-20% kiều hối được đầu tư trực tiếp vào bất động sản . Nếu tính toán nhanh, con số này t

CHỐNG THẤT THU THUẾ TRONG KINH DOANH VÀNG: PHỤ THUỘC VÀO SỰ 'TỰ GIÁC'

Giá vàng liên tục “nhảy múa”, người dân đổ xô mua vàng với kỳ vọng lướt sóng kiếm lời. Trong khi đó, doanh nghiệp kinh doanh vàng lập lờ trong xuất hoá đơn mua bán. Để ngăn thất thu, cơ quan thuế yêu cầu kiểm tra toàn diện đơn vị kinh doanh vàng trên cả nước.

Hóa đơn mua bán vàng - mỗi nơi một kiểu

Anh Lê Tiến (Long Biên, Hà Nội) cho biết, có tiền nhàn rỗi anh thường chọn mua vàng tích luỹ. Khi mua vàng, mỗi doanh nghiệp vàng có hình thức xuất hoá đơn, giấy đảm bảo vàng khác nhau.

“Tôi mua vàng tại cửa hàng Doji, nhân viên yêu cầu xuất trình giấy tờ tuỳ thân, mã số thuế và gửi kèm hoá đơn. Tuy nhiên, nhiều lần tôi mua bán vàng tại cửa hàng của Bảo Tín Minh Châu chỉ nhận được giấy đảm bảo vàng. Cty này cũng không nhắc gì tới hoá đơn giá trị gia tăng”, anh Tiến nói.

Nhiều khách hàng khi mua vàng tại Bảo Tín Minh Châu cũng cho biết, chỉ nhận được giấy đảm bảo vàng, không có hoá đơn. Chỉ khi nào khách hàng yêu cầu xuất hoá đơn, để lại thông tin cá nhân, mã số thuế, nhân viên của Bảo Tín Minh Châu mới xuất hoá đơn mua bán vàng.

Theo tìm hiểu, việc xuất hoá đơn theo quy định của cơ quan thuế tại cơ sở kinh doanh vàng mỗi nơi một kiểu. Đa số người dân nhận giấy đảm bảo vàng, mua vàng dựa vào uy tín của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp vàng khi mua - bán với giá trị từ 20 triệu đồng/lần trở lên sẽ thanh toán bằng hình thức chuyển khoản. Tuy nhiên, có doanh nghiệp mua bán vàng thanh toán 50-60 triệu đồng/lần vẫn giao dịch bằng tiền mặt.

Trao đổi với PV Tiền Phong , đại diện Tổng cục Thuế cho biết, ngoài đáp ứng điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh vàng chịu 2 loại thuế, gồm: thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Là loại hàng hóa đặc biệt, thuế VAT của hoạt động kinh doanh vàng tính theo phương pháp tính thuế trực tiếp. Theo đó, giá trị gia tăng của hoạt động mua, bán chế tác vàng, bạc, đá quý được xác định bằng giá bán ra trừ đi giá mua vào. Nói cách khác, thuế VAT của hoạt động kinh doanh vàng áp dụng với phần chênh lệch giá vàng mua vào - bán ra.

Góp ý dự thảo Luật Thuế VAT sửa đổi, nhiều địa phương đề xuất tính thuế VAT theo tỷ lệ % với hoạt động kinh doanh vàng để tránh thất thu thuế. Tiêu biểu như tỉnh Quảng Nam đề xuất ban soạn thảo luật quy định mức tỷ lệ (%) trên doanh thu riêng đối với hoạt động kinh doanh mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý (không áp dụng tỷ lệ của các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ).

Tỉnh Quảng Nam cho rằng, vàng, bạc, đá quý là hàng hóa đặc biệt (vừa là hàng hóa, vừa là phương tiện thanh toán), rất khó kiểm soát giá. Các giao dịch mua bán vàng bạc , đá quý thường nhỏ lẻ, không có đủ hóa đơn, chứng từ đầu vào.

“Giá trị gia tăng của vàng, bạc, đá quý giữa giá thanh toán bán ra với giá thanh toán mua vào tại một thời điểm mức chênh lệch không cao. Vì vậy, áp dụng phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng thì khó quản lý, dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước”, tỉnh Quảng Nam đề xuất.

Trả lời đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết, không có cơ sở để đưa ra mức tỷ lệ đối với hoạt động kinh doanh mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý. Bên cạnh đó, doanh thu của hoạt động này rất lớn, theo đó, đề nghị giữ như dự thảo, không thay đổi.

Đang kiểm tra thuế của hoạt động mua bán vàng

Tổng cục Thuế vừa gửi công văn yêu cầu cục thuế địa phương rà soát, kịp thời phát hiện hoạt động mua bán, chế tác vàng bạc, đá quý không kê khai thuế, chênh lệch giữa giá vốn, doanh thu thực tế và số liệu kê khai.

Theo đó, cục thuế chủ động xây dựng kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh, đề xuất phương án, phối hợp với sở ban ngành để tăng cường công tác quản lý doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh vàng bạc, đá quý. Trong quá trình kiểm tra, cơ quan thuế phối hợp chặt chẽ với đơn vị liên quan như công an, quản lý thị trường, ngân hàng , hải quan để giảm thiểu rủi ro trong công tác quản lý thuế.

“Qua công tác thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng, bạc, đá quý có vi phạm pháp luật về thuế và có dấu hiệu tội phạm, cơ quan thuế chuyển hồ sơ sang cơ quan công an. Từ đó, cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, Tổng cục Thuế yêu cầu.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, doanh nghiệp vàng phải thực hiện theo đúng quy định về hoá đơn chứng từ. Khi có hoạt động mua - bán vàng, doanh nghiệp phải xuất hoá đơn theo quy định tại Nghị định 123/2020 về hoá đơn, chứng từ. Trường hợp, doanh nghiệp không xuất hoá đơn, thanh toán tiền mặt lớn không đúng quy định. Người dân, doanh nghiệp phát hiện tình trạng này gửi phản ánh, cơ quan thuế sẽ thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm (nếu có).

“Doanh nghiệp kinh doanh vàng, bạc tự kê khai về hoá đơn, chứng từ, nghĩa vụ nộp thuế. Hiện nay, Tổng cục Thuế đang yêu cầu đơn vị trực thuộc thanh tra kiểm tra đơn vị kinh doanh vàng trên cả nước. Khi phát hiện sai phạm, cơ quan thuế xử lý nghiêm theo quy định”, Tổng cục Thuế cho biết.

DÀN LÃNH ĐẠO 'XỘ KHÁM', KHU CHẾ BIẾN ĐẤT HIẾM HOANG LẠNH

Hàng loạt thiết bị khai thác tại mỏ đất hiếm của CTCP Tập đoàn Thái Dương (xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) nằm phơi mưa nắng sau gần nửa năm dàn lãnh đạo "nhúng chàm".

Giữa tháng 3, khung cảnh bên trong khu vực chế biến quặng đất hiếm của CTCP Tập đoàn Thái Dương tại xã Yên Phú tĩnh lặng, không bóng người.

Cách đây gần 6 tháng, dàn lãnh đạo của Tập đoàn Thái Dương bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam vì khai thác, tiêu thụ hơn 11.000 tấn đất hiếm, có giá trị khoảng 440 tỷ đồng.

Theo thông tin công bố, ông Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc là người chỉ đạo các cá nhân có liên quan tổ chức khai thác, tiêu thụ trái phép số lượng đất hiếm nêu trên.

Ngoài ông Đoàn Văn Huấn bị khởi tố và bắt tạm giam, trong quá trình điều tra, đến nay, đã có 13 bị can bị khởi tố để làm rõ các sai phạm có liên quan.

CTCP Tập đoàn Thái Dương thành lập tháng 9/2002, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, khai khoáng và mỏ xây dựng; sản xuất các sản phẩm từ khoáng chất phi kim loại khác. Đơn vị là chủ dự án đầu tư khai thác và chế biến quặng đất hiếm tại mỏ đất hiếm Yên Phú, xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, với quy mô 6,24ha.

Quá trình hoạt động cho đến lúc bị Bộ Công an phanh phui loạt sai phạm, ước tính, số tiền thu lời bất chính của dàn lãnh đạo Tập đoàn Thái Dương là trên 600 tỷ đồng.

Sau khi vụ án được khởi tố, người dân ở xã Yên Phú cho biết, hoạt động khai thác đã tạm dừng toàn bộ. Ghi nhận của phóng viên bên trong khu vực hoạt động của Tập đoàn Thái Dương mới đây cho thấy, không có hoạt động sản xuất, chế biến quặng. Nơi đây cũng không thấy bóng dáng của bảo vệ làm việc.

Trong khuôn viên Tập đoàn Thái Dương có rất nhiều trang thiết bị nằm phơi nắng mưa, có dấu hiệu han gỉ, hư hỏng. Khu vực chế biến quặng vẫn sót lại một lượng lớn đất được đóng trong các bao tải.

LÝ DO HÀ NỘI RẤT ÍT NHÀ Ở XÃ HỘI

Mặc dù là thành phố có nhu cầu về nhà ở xã hội lớn nhất, nhì cả nước nhưng Hà Nội có số lượng nhà ở chỉ đáp ứng được 9% nhu cầu.

Điều này được chỉ ra trong báo cáo của Bộ Xây dựng tại Hội nghị Tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội là nội dung được Chính phủ họp với các bộ, ngành địa phương sáng 16/3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Tình hình cung ứng nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng cho biết một số địa phương trọng điểm dù có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng việc đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế so với mục tiêu của Đề án đến năm 2025. Ví dụ, Hà Nội chỉ có 3 dự án với 1.700 căn, đáp ứng 9%; TPHCM có 7 dự án với gần 5.000 căn đáp, ứng 19%; Đà Nẵng 5 dự án với 2.750 căn, đáp ứng 43%...

Thậm chí, một số địa phương không có dự án nhà ở xã hội khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay như: Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Kon Tum, Gia Lai, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng...

Về nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng để xây nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết đến nay, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng; trong đó đã có 8 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng. Bộ xây dựng cho rằng việc giải ngân này còn chậm.

Chính sách chưa hấp dẫn

Nêu hạn chế của tình hình cung ứng nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng chỉ ra cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời.

"Trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, xác định điều kiện mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội còn phức tạp và kéo dài; các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn", báo cáo của Bộ Xây dựng nêu và chỉ rõ nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp; chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp…

Cũng theo Bộ Xây dựng, một số thành phố lớn, tập trung nhiều người lao động thu nhập thấp, có nhu cầu về nhà ở xã hội cao nhưng tỷ lệ đăng ký nhà ở xã hội hình thành trong năm 2024 thấp, như: Hà Nội 1.181 căn, TPHCM 3.765 căn, Đà Nẵng 1.880 căn, Cần Thơ 1.535 căn...

Về nguồn vốn hỗ trợ cho phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng lý giải gói 120.000 tỷ đồng chưa được giải ngân hiệu quả do việc công bố danh mục nhà ở xã hội đủ điều kiện vay còn hạn chế.

Đến nay, đã có 129 dự án nhà ở xã hội với quy mô 114.934 căn được khởi công xây dựng, nhưng mới chỉ có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không đủ điều kiện về tín dụng để được vay như: Không đảm bảo điều kiện dư nợ tín dụng; không có tài sản khác để thực hiện đảm bảo tín dụng. Lãi suất và thời gian hưởng lãi suất đều chưa thực sự thu hút người vay, theo nhận định của Bộ Xây dựng.

Đề nghị giảm lãi suất cho gói vay 120.000 tỷ đồng

Tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ ban hành đầu năm 2024, Thủ tướng đã giao trong năm phấn đấu trên địa bàn cả nước hoàn thành khoảng 130.000 căn hộ nhà ở xã hội.

Để hoàn thành mục tiêu được giao, Bộ Xây dựng đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có việc tập tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục đầu tư, miễn tiền sử dụng đất, quy hoạch, dành quỹ đất, phát triển nhà ở lưu trú công nhân…

Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng phù hợp với điều kiện thực tiễn trong từng giai đoạn. Với các địa phương, Bộ Xây dựng đề nghị rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội.

Theo Bộ Xây dựng, cần có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.

Nguồn: CafeF; Soha; Vietnamnet; Tiền Phong

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang