Phiên họp 31 UBTVQH; Nhập khẩu vũ khí giảm kỷ lục; Metro số 1 lại lùi tiến độ; Giải cứu cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ gặp khó

KHAI MẠC PHIÊN HỌP THỨ 31 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Sáng 14/3, Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 31 diễn ra trong 3,5 ngày, dự kiến cho ý kiến, xem xét quyết định các nội dung quan trọng.

Trong đó về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về giải trình, tiếp thu đối với 7 dự án luật trước khi xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sau đó trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, gồm: Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); dự thảo Luật Đường bộ; dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Trong các dự án luật trình lần này đều được các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách ngành và lĩnh vực cùng với cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra làm việc rất kỹ lưỡng, nhiều vòng, nhiều lần tiếp thu ý kiến một cách tối đa những ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học và tiếp tục chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung và cơ bản so với dự thảo đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 được hoàn thiện thêm một bước rất cơ bản.

Theo Chủ tịch Quốc hội, tiến độ chuẩn bị các dự án luật của Chính phủ, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan tích cực và sớm hơn so với kỳ họp trước đây.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tại phiên họp tháng 3, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành thời gian nghiên cứu, cho ý kiến đóng góp chất lượng vào các dự án Luật tốt nhất, nhất là một số dự án luật có những nội dung khó và có ý kiến khác nhau.

Nhóm vấn đề thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét quyết định việc thành lập sắp xếp một số đơn vị hành chính thuộc tỉnh Bình Dương, tỉnh Tiền Giang. Đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm để thực hiện nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị và chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã và cấp huyện; đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về phát triển đô thị trong thời kỳ mới. Cũng trong phiên họp tháng 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, cho ý kiến đối với Báo cáo công tác dân nguyện tháng 2/2024.

Nhóm vấn đề thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến dành một ngày (dự kiến ngày 18/3) thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hai nhóm vấn đề: Nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực tài chính; nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực ngoại giao.

Các nội dung chất vấn này dự kiến sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp và có kết nối với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố; có sự tham gia của một số Phó Thủ tướng và một số Bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trong tháng 3, sẽ còn phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật và phiên họp thường kỳ của tháng 5 sẽ cơ bản hoàn tất các nội dung có liên quan đến chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7

NHẬP KHẨU VŨ KHÍ CỦA VIỆT NAM GIẢM XUỐNG CỰC THẤP BẤT CHẤP CĂNG THẲNG TRONG KHU VỰC

Dữ liệu công bố hôm thứ Hai 11/3 cho thấy, nhập khẩu vũ khí của Việt Nam năm ngoái đã giảm xuống mức cực thấp giữa lúc nước này cố đa dạng hóa nguồn cung ngoài nước Nga ra, trong khi đó, các chuyên gia cảnh báo rằng Việt Nam ở thế mong manh trong một cuộc xung đột tầm cỡ khu vực.

Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), được đưa ra hôm 11/3, mặc dù ngân sách hàng năm để nhập khẩu vũ khí ước tính là hơn 1 tỷ đô la Mỹ, nhưng năm ngoái Việt Nam không có thêm đơn đặt hàng mới nào với giá trị lớn.

Dữ liệu cho thấy đáng kể nhất chỉ là một tàu hộ tống hải quân do Ấn Độ tặng Việt Nam, và như vậy, lượng vũ khí nhập khẩu năm 2023 của Việt Nam rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007 - không tính năm 2020 có đại dịch COVID-19.

Các chuyên gia quốc phòng cho rằng trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Đài Loan, cũng như có các cuộc chạm trán thường xuyên ở Biển Đông giữa tàu Trung Quốc và tàu của các cường quốc khác trong khu vực, Việt Nam bị thiếu vũ khí hiện đại để tự vệ trong một cuộc xung đột quy mô lớn.

Carl Thayer, chuyên gia cấp cao về an ninh Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc ở Canberra, nói: “Sự chênh lệch về sức mạnh của lực lượng quân sự thông thường sẽ gia tăng theo hướng có lợi cho Trung Quốc nếu Việt Nam tiếp tục dậm chân tại chỗ”.

Chính phủ Việt Nam từ chối bình luận về nguyên nhân của tình trạng nhập khẩu vũ khí bị giảm tốc. Một quan chức hàng đầu của Bộ Quốc phòng nói hồi tháng 1 rằng nước này đã đạt được một số thỏa thuận tại hội chợ quân sự vào tháng 12/2022, nhưng Bộ Quốc phòng không đi vào chi tiết.

Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao tại SIPRI nói rằng việc không có mấy thông tin về các thỏa thuận công khai có thể là do các cuộc đàm phán khó khăn vẫn đang diễn ra, trong đó Việt Nam đang xem xét các lời chào hàng cạnh tranh nhau.

Thayer và các chuyên gia khác cho rằng quốc gia Đông Nam Á này chủ yếu cần tàu chiến, máy bay chiến đấu và máy bay không người lái. Theo báo cáo năm 2019 của Bộ Quốc phòng, Việt Nam vận hành các hệ thống phòng không được nhập khẩu từ Nga và Israel, một số hệ thống trong số đó đã được giới thiệu lần đầu tiên cách đây hơn 30 năm.

Nước này đang cố gắng cải thiện ngành công nghiệp quân sự của mình nhưng vẫn chưa thể sản xuất được vũ khí cỡ lớn như máy bay hay tàu chiến.

Dữ liệu của SIPRI cho thấy, Nga, nước cung cấp vũ khí hàng đầu cho Việt Nam trong nhiều thập kỷ, đã giảm đáng kể lượng xuất khẩu vũ khí toàn cầu vào năm ngoái và Việt Nam đã phải vất vả tìm cách thanh toán cho vũ khí của Nga mà vẫn không vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ, theo hai người nắm thông tin về các cuộc thảo luận. Họ từ chối nêu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề.

Theo dữ liệu công khai, Hà Nội đã tổ chức hội chợ vũ khí quốc tế đầu tiên vào năm 2022, công khai tuyên bố rằng họ muốn đa dạng hóa nguồn cung thay vì chỉ dựa vào Moscow, điều này xác nhận một sự thay đổi bắt đầu từ sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Nhưng các cuộc đàm phán với những bên bán tiềm năng khác vẫn chưa mang lại kết quả rõ ràng.

Theo dữ liệu của SIPRI, Israel, nước cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho Việt Nam, đã không bán cho Hà Nội bất kỳ loại vũ khí nào trong hai năm qua, mặc dù xuất khẩu vũ khí toàn cầu của Israel đã tăng lên trong giai đoạn đó.

Các cuộc đàm phán của Việt Nam với các bên cung cấp tiềm năng khác, bao gồm Ấn Độ, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Cộng hòa Séc đã diễn ra dồn dập hơn nhưng không thấy có tin các bên đạt được thỏa thuận lớn nào, ngoại trừ chiếc hộ tống hạm được Ấn Độ tặng, giữa lúc Việt Nam có các vấn đề về chi phí và khả năng tích hợp với kho vũ khí hiện có, mà theo phần lớn các chuyên gia, chúng có nguồn gốc từ Liên Xô.

Hội chợ vũ khí thứ hai dự kiến sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 12.

Trong lúc này, Việt Nam đang dựa vào ngoại giao để duy trì quan hệ tốt đẹp với các siêu cường.

Nhưng nếu không mua vũ khí với giá trị lớn, Việt Nam vẫn "rất mong manh", Nguyễn Thế Phương, chuyên gia về quốc phòng Việt Nam tại Đại học New South Wales ở Australia, nói.

METRO SỐ 1 LẠI LÙI TIẾN ĐỘ

Tuyến metro số 1 TP.HCM (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) lại xin dời kế hoạch khai thác thương mại tới quý 4 vì không kịp hoàn thiện những giai đoạn cuối cùng.

Trước đó, MAUR thông tin sẽ hoàn thiện, chính thức đưa tuyến metro số 1 vào khai thác phục vụ người dân thành phố từ tháng 7 năm nay.

Tuy nhiên, trong công văn vừa gửi UBND TP.HCM, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR - chủ đầu tư) cho biết, trong quý 3 (tháng 7, 8, 9), tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên cần được triển khai nhiều phần việc, gồm: rà soát đánh giá an toàn hệ thống; thực hiện nghiệm thu phòng cháy chữa cháy; hoàn tất đào tạo nhân sự lái tàu, vận hành, quản lý nhà ga, điều độ, bảo dưỡng... Do đó, tuyến tàu điện đầu tiên của thành phố chưa thể chở khách thương mại trong thời gian này.

Dự kiến đến quý 4, chủ đầu tư mới có thể hoàn tất công tác nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, cấp chứng chỉ và thẩm định an toàn hệ thống cho các nhà ga. Sau đó, Hội đồng kiểm tra nhà nước sẽ tiến hành nghiệm thu các hạng mục còn lại và vận hành thương mại toàn tuyến.

Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7 km với tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỉ đồng từ vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách TP.HCM. Đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở TP.HCM, khởi công năm 2012 và đã nhiều lần phải lùi tiến độ vì nhiều khó khăn. Đến nay, toàn tuyến đã hoàn thành khoảng 98% khối lượng.

Sau tuyến số 1, dự án metro số 2, đoạn Bến Thành - Tham Lương, đang được TP.HCM giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật để khởi công các gói thầu chính vào năm sau. Đây cũng là dự án gặp nhiều vướng mắc, được lùi thời gian hoàn thành đến năm 2030, thay vì 2026 như kế hoạch.

THIẾU MẶT BẰNG, DỰ ÁN ‘GIẢI CỨU’ CAO TỐC PHÁP VÂN - CẦU GIẼ NGUY CƠ CHẬM TIẾN ĐỘ

Không có mặt bằng, dự án xây dựng tuyến đường kết nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3 gần như 'đắp chiếu' sau 8 tháng khởi công.

Tháng 7/2023, Hà Nội khởi công tuyến đường nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3 trên cao. Thành phố dự kiến trong năm 2025 sẽ hoàn thành tuyến đường dài 3,4km, rộng 60m (gồm 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp) với tổng mức đầu tư 3.200 tỷ đồng.

Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, tuyến đường trên có vai trò quan trọng trong việc giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao Pháp Vân - Vành đai 3. Bên cạnh đó, dự án còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các quận, huyện phía Nam của Thủ đô.

Tuy nhiên, hơn 8 tháng khởi công, nhà thầu chỉ làm cầm chừng tại một số điểm của dự án. Trên công trường chỉ có vài công nhân vận hành máy móc.

Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội (chủ đầu tư dự án) cho biết, do địa phương chưa bàn giao mặt bằng nên việc thi công chủ yếu thực hiện trên phần đất tiếp giáp với cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Vành đai 3.

Theo phương án vừa được đưa ra giữa các bên, tới tháng 6/2024, huyện Thanh Trì và quận Hoàng Mai mới bắt đầu bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án. Diện tích thu hồi thực hiện dự án của huyện Thanh Trì là đất công và đất nông nghiệp. Trên địa bàn quận Hoàng Mai có hơn 110 hộ dân bị thu hồi đất phục vụ dự án.

Ông Nguyễn Chí Hiếu - Chỉ huy trưởng gói thầu số 1 dự án cho biết, từ ngày khởi công đến nay, do không có mặt bằng nên các nhà thầu chỉ thi công cầm chừng tại các nút giao của dự án.

“Từ tháng 6/2024, nếu không được bàn giao mặt bằng thì toàn bộ máy móc của nhà thầu phải tạm dừng hoạt động”, ông Nguyễn Chí Hiếu lo ngại.

Để tuyến đường ‘giải cứu’ cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ hoàn thành đúng tiến độ, các nhà thầu đã cam kết với chủ đầu tư thời gian thi công dự án trong vòng 760 ngày, với điều kiện phải có mặt bằng.

Do vậy, chủ đầu tư tuyến đường cùng nhà thầu mong muốn UBND TP Hà Nội chỉ đạo huyện Thanh Trì và quận Hoàng Mai sớm giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sạch thực hiện dự án.

Nguồn: Người Đưa Tin; VOA; Thanh Niên; Vietnamnet

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang