Bắt nguyên Bí thư tỉnh Lào Cai; Vụ 'rút ruột' 50 tỷ chia nhau; Liên tiếp cháy ôtô trong nắng nóng; Trâu bò 'ung dung' giữa đường

Bắt nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh

(Ảnh minh họa).

Tối 18/5, hàng chục cảnh sát cùng với phương tiện chuyên dụng đã phong tỏa toàn bộ tuyến đường dẫn vào nhà nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh.

Theo thông tin Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lào Cai đang điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại UBND tỉnh này.

Căn cứ kết quả điều tra, ngày 18/5, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai ra quyết định khởi tố bị can; Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với:

Ông Nguyễn Văn Vịnh (SN 1960, phường Bắc Cường, TP Lào Cai; nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh); ông Doãn Văn Hưởng (SN 1956, phường Bắc Cường, TP Lào Cai), nguyên Phó Bí Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Ngô Đức Hoàng (SN 1974, chuyên viên phòng Kế hoạch – Tài chính Cục Địa chất Việt Nam, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường), để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Các quyết định và lệnh trên đã được Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lào Cai phê chuẩn. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đang phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lào Cai tiến hành điều tra làm rõ theo quy định.

Trước đó, ngày 15/5, tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành kỷ luật Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai.

(Nguồn: Vietnamnet)

Vụ 'rút ruột' 50 tỷ đồng chia nhau: Nhóm tướng lĩnh Cảnh sát biển sắp hầu tòa

Dự kiến ngày 31/5, Tòa án quân sự Quân khu Thủ Đô sẽ mở phiên sơ thẩm, xét xử bị cáo Nguyễn Văn Sơn (Trung tướng, cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam) về tội “Tham ô tài sản”.

Hầu tòa cùng ông Sơn có các bị cáo: Hoàng Văn Đồng (Trung tướng, cựu Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển); Doãn Bảo Quyết (Thiếu tướng, cựu Phó chính ủy); Phạm Kim Hậu (Thiếu tướng, cựu Tham mưu trưởng); Bùi Trung Dũng (Thiếu tướng, cựu Phó tư lệnh); Nguyễn Văn Hưng (Đại tá, cựu Phó tư lệnh) và Bùi Văn Hòe (Thượng tá, cựu Phó phòng tài chính).

Phiên tòa do Thẩm phán, Đại tá Phạm Minh Khôi điều hành; 2 sĩ quan thuộc Viện kiểm sát quân sự Bộ đội Biên phòng giữ quyền công tố tại tòa. Bào chữa cho các bị cáo có 8 luật sư.

Tòa triệu tập Bộ tư lệnh Cảnh sát Biển là bị hại, cùng hơn 40 nhân chứng tham gia tố tụng.

Theo cáo trạng , năm 2019, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển phân bổ 150 tỷ đồng ngân sách Nhà nước cho Cục Kỹ thuật để mua sắm vật tư, thiết bị. Bị cáo Nguyễn Văn Sơn khi đó gặp, yêu cầu Nguyễn Văn Hưng phải rút ra 50 tỷ đồng chuyển lại cho Bộ Tư lệnh sử dụng.

Trước yêu cầu của Sơn, bị cáo Hưng cho rằng, Cục Kỹ thuật chưa bao giờ làm việc này, muốn rút ra 50 tỷ đồng cần có sự thống nhất trong thủ trưởng Bộ Tư lệnh. Nguyễn Văn Sơn sau đó tạo điều kiện cho Cục Kỹ thuật bằng cách chỉ đạo phân bổ thêm 29 tỷ đồng, khiến ngân sách cho cục này tăng lên 179 tỷ đồng.

Tháng 4/2019, tại phòng ăn của thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, ông Sơn cùng các bị cáo Hoàng Văn Đồng, Doãn Bảo Quyết, Phạm Kim Hậu, Bùi Trung Dũng, nói về việc rút 50 tỷ đồng ngân sách phân bổ cho Cục Kỹ thuật. Tất cả đồng ý nên ông Sơn sau đó chỉ đạo Nguyễn Văn Hưng thực hiện.

Nhận được chỉ đạo, ông Hưng lại yêu cầu 6 trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Kỹ thuật phải rút đủ 50 tỷ đồng. Khi bị họ phản ứng là khó, bị cáo Hưng cho rằng “phải xác định việc rút lại 50 tỷ đồng là nhiệm vụ thủ trưởng giao và phải hoàn thành”.

Sau đó, mỗi trưởng phòng dưới quyền ông Hưng được giao chỉ tiêu phải rút ruột từ 50 triệu đồng đến 25 tỷ đồng để đủ mức 50 tỷ đồng do Sơn yêu cầu.

Khi có được số tiền này, bị cáo Nguyễn Văn Sơn chia cho mình và Hoàng Văn Đồng, Doãn Bảo Quyết, Phạm Kim Hậu, Bùi Trung Dũng, mỗi người 10 tỷ đồng.

Sau khi vụ án được phát giác, nhóm các tướng lĩnh Cảnh sát biển nói trên đã nộp lại tiền.

Với 6 trưởng phòng thuộc Cục Kỹ thuật, Viện kiểm sát Quân sự Trung ương xác định họ có mối quan hệ lệ thuộc, thực hiện mệnh lệnh cấp trên, không có động cơ vụ lợi và không biết số tiền 50 tỷ đồng sau đó bị chia cá nhân nên không xử lý hình sự.

(Nguồn: Soha)

Liên tiếp cháy ôtô trong nắng nóng, cảnh sát PCCC khuyến cáo gì

(Ảnh minh họa).

Sau 3 vụ ôtô bốc cháy liên tiếp ở Hà Nội vào ngày 17-18/2, cảnh sát PCCC & CNCH khuyến cáo tài xế và người dân cần đứng tránh xa ít nhất 10 m bởi nguy cơ bình xăng phát nổ.

Ít nhất 3 vụ cháy ôtô xảy ra tại Hà Nội trong 2 ngày qua, khi nền nhiệt tăng cao trong đợt nắng nóng gay gắt nhất kể từ đầu năm.

Theo đại diện Cục Cảnh sát PCCC & CNCH (Bộ Công an), nguyên nhân gây ra các vụ hỏa hoạn trong 2 ngày qua đang được cơ quan chức năng làm rõ. Trước mắt, chưa thể khẳng định ngọn lửa bùng phát hoàn toàn do thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên nền nhiệt cao là một trong những yếu tố cộng hưởng khiến nguy cơ cháy, nổ xảy ra cao hơn và khi lửa bùng phát sẽ dữ dội hơn.

3 ôtô bốc cháy giữa trưa nắng nóng

Hai ngày qua, nhiều khu vực trên cả nước trong đó có Hà Nội xảy ra nắng nóng gay gắt. Nền nhiệt độ trung bình lúc giữa trưa trong lều khí tượng thường xuyên đạt ngưỡng 39-40 độ C. Ở ngoài trời, cộng hưởng với hiệu ứng đô thị và mặt đường nhựa, nhiệt độ ghi nhận được là 50-60 độ C.

Gần 11h ngày 17/5, một chiếc xe BMW 530i đang di chuyển trên đường Huỳnh Thúc Kháng (Đống Đa, Hà Nội) thì đầu xe bốc cháy. Sau đó hơn một giờ, chiếc Toyota Cross đang đỗ ngoài trời, trong khuôn viên của Trung tâm thể dục thể thao quận Ba Đình cũng bùng phát hỏa hoạn.

Tới trưa 18/5, một chiếc xe 7 chỗ tiếp tục bốc cháy dữ dội khi đang lưu thông trên quốc lộ 32 đoạn qua huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Các sự cố trên không xảy ra thương vong nhưng gây thiệt hại về tài sản và đe dọa sự an toàn của nhiều người tham gia giao thông. Điểm chung là 3 ôtô đều đang ở ngoài trời và bốc cháy vào buổi trưa, khung giờ có nền nhiệt cao nhất.

Theo đại diện Cục Cảnh sát PCCC & CNCH về trạng thái vận hành theo thống kê các vụ cháy xe thời gian qua thì có xe bốc cháy khi vừa mới khởi động, có xe bốc cháy khi đang chuyển động trên đường, có xe bốc cháy khi vừa dừng lại hoặc để trong nhà, để ở nơi công cộng... Do vậy, ở bất kỳ trạng thái nào, phương tiện cũng có thể gặp sự cố, nhất là khi nền nhiệt tăng cao.

Để bảo đảm an toàn, chủ ôtô được khuyến cáo không tự ý lắp đặt thêm các thiết bị, phụ kiện có tiêu thụ điện bởi sẽ gây nguy cơ phương tiện bị quá tải nguồn điện. Đồng thời cần tuân thủ quy trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng. Chủ xe cần sớm phát hiện các dấu hiệu khác thường của xe như khó nổ máy, có hơi xăng, có tiếng kêu, nhiệt độ của máy cao, có mùi khét...

Khi để xe trong nhà, nơi trông giữ xe thì tài xế phải tắt khóa điện, đóng khóa xăng và để xa nơi có nguồn lửa, nguồn nhiệt. Ngoài ra, cảnh sát khuyến cáo cần mua xăng dầu ở những địa điểm uy tín, tránh việc xăng bị làm giả hoặc kém chất lượng. “Chủ xe tuyệt đối không để các chất dễ cháy trong xe”, đại diện Cục Cảnh sát PCCC & CNCH nói đồng thời khuyến cáo ôtô từ 4 chỗ ngồi trở lên cần tự trang bị các bình chữa cháy phù hợp.

Đối với các điểm trông giữ ôtô, xe máy, Cục Cảnh sát PCCC & CNCH cho rằng chủ cơ sở phải trang bị đầy đủ các loại phương tiện chữa cháy, có quy hoạch khu vực gửi xe, sắp xếp xe để thuận tiện, dễ dàng sơ tán xe khi có cháy.

Nhân viên làm việc ở khu vực này phải có kiến thức và được huấn luyện thành thạo các phương pháp chữa cháy, xử lý sự cố ban đầu. Chủ các tòa nhà có dịch vụ trông giữ xe ngoài việc thực hiện các quy định trên thì phải lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, chữa cháy tự động theo quy định. Hệ thống này phải được kiểm tra, bảo trì thường xuyên để bảo đảm hiệu quả chữa cháy.

Luôn cảnh giác để phát hiện dấu hiệu xe bốc cháy

Khi đang di chuyển, cảnh sát PCCC & CNCH cảnh báo tài xế luôn cảnh giác để phát hiện dấu hiệu xe có thể bốc cháy. Dấu hiệu này là: Mùi xăng, mùi khét của cao su trong buồng lái hay thấy khói bốc lên từ gầm xe, nắp capô.

Khi xảy ra cháy, nếu trong xe còn người và cửa bị kẹt, cần đập vỡ cửa kính bằng chân, đất đá, bánh xe dự phòng… để nhanh chóng cứu người ra khỏi xe.

Nếu đám cháy xuất hiện bên dưới gầm xe do rò rỉ nhiên liệu, người dân được khuyến cáo sử dụng bình chữa cháy bằng bột hoặc khí phun lần lượt theo hướng từ ngoài vào trung tâm đám cháy. Nếu đám cháy xuất hiện dưới nắp capô, cần mở nắp capô (nên dùng vật cứng nhọn để cạy hoặc đập thủng nắp capô nếu được) và sử dụng bình chữa cháy phun thẳng vào trung tâm của đám cháy hoặc phun vào nơi cháy to nhất.

Cùng với đó, tài xế có thể dùng các tấm phủ tẩm nước bao phủ lên ngọn lửa hoặc sử dụng các vật liệu chữa cháy khác như đất, cát, nước…

“Tuyệt đối không được tiếp cận với ngọn lửa nếu quần áo, người đang dính xăng dầu. Khi chữa cháy phải đứng ở đầu hướng gió để tránh bị lửa tạt vào người”, chuyên gia từ Cục Cảnh sát PCCC & CNCH khuyến cáo đồng thời cho rằng khi cảm nhận không thể dập được ngọn lửa, tài xế cần tránh ra xa vì đám cháy có thể gây ra nổ bình xăng. Những người cách đám cháy khoảng 10 m cũng cần được sơ tán để đảm bảo an toàn.

(Nguồn: Zing News)

Trâu bò "ung dung" giữa đường gây bất an: "Mấy con bò này hiền lắm"

Tình trạng chăn thả gia súc tại một số tuyến đường dân sinh ở TPHCM đang gây trở ngại cho việc lưu thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người đi đường.

Tại một số đường ngoại ô khu vực TPHCM, PV ghi nhận nhiều trâu, bò được thả rông ở các tuyến đường nội bộ khu công nghiệp, gây mất an toàn giao thông cho người đi đường.

"Ở một số khúc cua tôi vừa rẽ thì bất ngờ phải thắng gấp do gặp nguyên đàn bò đi giữa đường. Buổi sáng, tôi thường chạy trên đường nội bộ KCN Tân Bình để đi làm. Đưa con đi học xong nên thường tôi đi làm khá vội, khi gặp nguyên đàn bò đi ung dung giữa đường thì giật mình, hết hồn'', chị Nguyễn Thị Lan, sống ở phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân chia sẻ.

Hỏi một người chăn thả có biết việc để đàn gia súc đi ra đường dân sinh như vậy là sẽ rất nguy hiểm, người này nói: ''Bao nhiêu năm nay tôi thả bò tự đi ăn cỏ như thế có vấn đề gì đâu. Mấy con bò này hiền lắm. Người đi đường thấy nó cũng tự tránh''.

Bán nước giải khát lưu động trên trục đường N1, cắt ngang Quốc lộ 1, nối KCN Vĩnh Lộc với KCN Tân Bình, chị Cẩm Tiên (quê Bạc Liêu) kể: ''Có hôm, tôi bán xong là 8 giờ tối, tôi chạy từ đường CN1 rẽ phải vào đường M1 để về KCN Vĩnh Lộc thì gặp nguyên đàn trâu hơn chục con đang đi giữa đường. Đoạn này ban đêm khá tối mà mấy con trâu thì đen thui nên tôi hơi loạng choạng tay lái, may là không sao''.

Vào cuối tháng 2, mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh bà H. (78 tuổi, quê Tây Ninh) đang đi bộ trên Tỉnh lộ 7 (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TPHCM) bị một con bò chạy từ đường hẻm 9 lao ra húc bất tỉnh. Sau đó, cụ bà đã không qua khỏi và đã được gia đình đưa về quê để lo hậu sự.

Việc chăn thả gia súc ra đường dân sinh tuy không thấy được hậu quả nhãn tiền nhưng khó kiểm soát được nếu đàn gia súc đột nhiên "nổi điên", mất kiểm soát. Người chăn nuôi gia súc cần có phương án tốt hơn cho việc chăn nuôi, chính quyền địa phương cần có sự giám sát tích cực hơn.

Phân tích về góc độ pháp lý trong vụ việc này, luật sư Đỗ Trúc Lâm (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết, theo quy định Điều 603 của Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác.

Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Luật sư Lâm cho rằng, trong vụ việc này, các cơ quan có thẩm quyền cần phải vào cuộc làm rõ nguyên nhân gia súc chạy rông ngoài đường. Bởi theo khoản 2 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định nghiêm cấm hành vi thả rông súc vật trên đường bộ.

Theo đó, nếu chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu, sử dụng súc vật mà chăn thả, dẫn dắt gia súc đi trên đường không phù hợp quy định pháp luật dẫn đến làm chết người thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vô ý làm chết người, quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), với mức hình phạt là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

"Nếu chủ con bò đã dùng mọi biện pháp an toàn và việc con vật lồng lên là mang tính bất ngờ, khách quan, thì sẽ không bị trách nhiệm hình sự", luật sư Lâm cho hay.

Về thiệt hại phải bồi thường trong trường hợp người bị nạn tử vong, áp dụng quy định tại Điều 590, Điều 591 Bộ luật Dân sự thì thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, điều trị; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

Ngoài ra, người chịu trách nhiệm bồi thường vật chất nêu trên, còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Trường hợp các bên thỏa thuận được việc bồi thường thì sẽ ưu tiên kết quả hòa giải thành đó. Ngược lại, bên bị nạn (người đại diện hợp pháp của người bị xâm phạm tính mạng) có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.

(Nguồn: Kenh14)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang