Cụ bà bị chó pitbull cắn tử vong; Osin ngoại ở Sài Gòn; Trấn Thành đang bị lợi dụng

Cụ bà 82 tuổi ở Bình Dương bị chó pitbull cắn tử vong

(Ảnh minh họa).

Chó pitbull đang ăn ở ngoài sân đã lao vào trong nhà cắn vào vùng đầu khiến cụ bà gục tại chỗ và tử vong ngay sau đó.

Tối 17-5, Thượng tá Đàm Bảo Quân, Trưởng Công an TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương, xác nhận trên địa bàn phường Bình Thắng, TP Dĩ An, vừa xảy ra vụ việc chó pitbull tấn công, khiến cụ bà Đặng T. V. (82 tuổi, ngụ phường Bình Thắng, TP Dĩ An) tử vong tại chỗ.

Theo báo cáo ban đầu, vào khoảng 19 giờ cùng ngày, chị Trần T. T. (44 tuổi, con gái cụ V.) dắt chó pitbull được gia đình nuôi trong lồng sắt ra ngoài cho ăn.

Thời điểm này, cụ V. đang ngồi trên võng, cách vị trí cho chó ăn khoảng 15m, nói lớn tiếng vọng ra ngoài, khiến chó hoảng loạn, lao vào trong nhà cắn xé vào vùng đầu khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

Phát hiện sự việc, chị T. chạy tới kéo con chó ra ngoài nhưng do thể trạng chó pitbull to lớn nên không thể kéo ra.

Qua khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra ghi nhận khu vực xảy ra vụ việc là căn nhà cấp 4, phía trước có sân bằng bê tông, trong nhà có chuồng chó với kết cấu khung sắt, nuôi nhốt 2 con chó, pitbull và becgie.

(Nguồn: Kenh14)

Osin ngoại ở Sài Gòn

Đúng 5h sáng mỗi ngày Caren ra khỏi phòng trọ tại phường Thảo Điền, TP Thủ Đức đi bộ sang nhà chủ chừng 300 m để chuẩn bị bữa sáng và đưa trẻ đi học.

Người phụ nữ Philippines 43 tuổi làm giúp việc gia đình ở Việt Nam 8 năm, hai năm đầu cho một gia đình người nước ngoài, 6 năm làm cho các gia đình người Việt. "Mỗi tháng, trừ chi phí sinh hoạt tôi để dành được khoảng 12 triệu đồng gửi về quê cho chồng nuôi con", Caren nói.

Cô cho biết khu trọ ở phường Thảo Điền được gọi là "xóm osin ngoại" bởi tập trung hầu hết người Philippines làm nghề này. Con đường sang Việt Nam của họ khá giống nhau. Ban đầu làm cho một gia đình người nước ngoài. Khi gia chủ đầu tiên về nước, những osin quyết định ở lại, chuyển sang làm việc cho các gia đình Việt.

"Làm cho các gia đình Việt có mức lương gần bằng cho người nước ngoài, khoảng 15-20 triệu đồng mỗi tháng, thậm chí còn hơn", Caren cho biết. Công việc của cô hiện nay là trông nom, chăm sóc một em bé ba tuổi (con gia chủ) và dọn dẹp nhà cửa nhưng không phải nấu ăn.

"Chủ nhà muốn tự nấu để hợp khẩu vị món Việt, tôi chỉ phụ bếp", cô nói.

Không chỉ dọn dẹp, giám sát trẻ, Caren còn là gia sư cho em bé con gia chủ. Cô dạy tiếng Anh, hướng dẫn cách bảo vệ, chăm sóc cơ thể, những phép lịch sự tối thiểu và kèm học bài. Buổi tối trước khi bé đi ngủ, cô có nhiệm vụ đọc sách hoặc truyện cho bé nghe bằng tiếng Anh.

"Cô bé chỉ mới ba tuổi nhưng nói tiếng Anh mỗi ngày với tôi. Những lúc không có mẹ, con bé cứ quấn lấy tôi gọi to 'Caren' rồi chạy tới ôm", cô kể.

Theo Caren, lương giúp việc ở Việt Nam không cao bằng ở Philippines nhưng người Việt rất thoáng, có tháng làm thiếu ngày vẫn trả đủ lương. Thêm vào đó, vật giá ở đây rẻ hơn nên số tiền để dành được cao hơn so với làm ở trong nước.

Anh Nguyễn Thanh Nhật, 35 tuổi, sống gần khu trọ của Caren ở phường Thảo Điền cho biết khoảng 5 năm trở lại đây số người nước ngoài sang Việt Nam làm giúp việc ngày càng đông. "Xóm osin ngoại" gần nhà anh có khoảng 20 người, thuộc nhiều quốc tịch nhưng đông nhất là Philippines. "Cứ buổi chiều cứ dạo ở khu chợ trời trên đường Quốc Hương sẽ thấy họ đi mua hàng hoặc dẫn trẻ đi dạo", anh Nhật nói.

Chị Trần Thanh Phương (30 tuổi) nhà ở phường Thảo Điền cho biết trước đây từng thuê người Việt làm giúp việc gia đình. Khi chị sinh em bé, họ kiếm cớ đặt nhiều yêu cầu ngoài thỏa thuận gây khó chịu và buộc phải cho nghỉ.

"Đa phần osin người Việt đều qua công ty môi giới nên đôi lúc họ không vừa lòng chủ là nghỉ ngang. Tôi phải mất thêm phí dịch vụ một triệu đồng kiếm người khác", Phương kể. Nhiều lần như thế nhưng giúp việc không đảm chất lượng buộc chị phải thuê người nước ngoài.

Theo Phương, osin ngoại rất tự giác trong công việc, không bao giờ phải để chủ nhắc. Họ còn chủ động làm những việc không phải bổn phận của mình. "Đơn cử như khâu giặt đồ, họ phân thành loại màu đậm, nhạt giặt riêng, kỹ lưỡng từ khâu ủi đồ, từ chăn ga, gối nệm và cả nội y", chị nói.

Những osin ngoại có thêm lợi thế tiếng Anh nên thuận lợi hơn trong việc dạy ngoại ngữ từ sớm cho trẻ em. "Hài lòng nhất là họ làm rất chuyên nghiệp, chỉ hết việc chứ không hết giờ và không bao giờ 'buôn chuyện' của nhà chủ với người ngoài", Phương cho biết thêm.

Nguyễn Thu Trang, 35 tuổi, ở khu Phú Mỹ Hưng, quận 7 có trải nghiệm giống chị Phương. "Người Việt qua các trung tâm không chăm chỉ. Họ có tư tưởng dễ dàng bỏ việc vì nghĩ mình có thể quay lại trung tâm tiếp tục kiếm việc khác", chị nói.

Gia đình chị Trang hiện thuê một giúp việc người Philippines với mức lương 20 triệu mỗi tháng. Chị thấy hài lòng với số tiền bỏ ra bởi người giúp việc không chỉ biết làm việc nhà, nấu ăn ngon, chăm sóc trẻ em kiêm gia sư dạy tiếng Anh mà còn biết sơ cứu và lái ôtô. "Họ làm chỉ hai, ba tiếng đã xong hết việc trong gia đình. Cái gì không biết, họ sẽ chủ động lên mạng tìm thông tin", nữ chủ nhà kể.

Theo khảo sát của VnExpress, tại TP HCM, lao động nước ngoài giúp việc gia đình tập trung nhiều ở quận 7 và TP Thủ Đức. Họ sống tại các khu trọ khoảng 20-30 người.

Ông Trần Phương Nam, Phó chủ tịch phường Thảo Điền, cho biết trên địa bàn hiện có hơn 8.600 người nước ngoài, từ 109 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký cư trú. Trong đó, người có quốc tịch Philippines là 376. Tất cả đều đăng ký và có giấy tờ cư trú, giấy phép lao động hợp pháp. "Có 84 người đăng ký làm giúp việc toàn thời gian", ông Nam nói.

Giải thích vì sao người giúp việc Philippines được ưa chuộng tại TP HCM, bà Rosemarie (59 tuổi) cho biết trước khi sang Việt Nam, họ đều phải tham gia một khóa đào tạo gần một năm chuyên về giúp việc nhà, chăm sóc người già, em bé và các kỹ năng như sơ cứu, cứu hỏa.

Rosemarie kể năm 2011 sau khi chồng mất, gánh nặng kinh tế đè nặng lên vai. Một người họ hàng xa rủ Rosemarie sang Việt Nam làm việc. Ban đầu, bà làm trợ giảng tại một trung tâm Anh ngữ ở quận 7, lương 300 USD mỗi tháng. Mức này quá thấp không đủ sống và nhận ra làm bảo mẫu cho các gia đình có thể kiếm được nhiều hơn, bà quyết định đổi việc.

Rosemarie đang giúp việc cho một gia đình Việt Nam ở phường Thảo Điền, lương 15 triệu đồng mỗi tháng.

"Tôi thấy may mắn khi được làm việc tại Việt Nam. Công việc ổn định, thu nhập khá. Nhờ vậy mà cuộc sống các con tôi ở quê nhà cũng được cải thiện", bà nói.

(Nguồn: Vnexpress)

Trấn Thành đang bị lợi dụng

(Ảnh minh họa).

Từ đầu năm đến nay, cái tên Trấn Thành xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội, báo chí. Một người trong ngành truyền thông từng nói Trấn Thành là cái tên "thở thôi cũng có drama". Mọi người chỉ quan tâm đến việc bàn tán về nam diễn viên, đúng sai để bàn sau.

Ngày 15/5, vlogger JVevermind (tên thật Trần Đức Việt) đăng hai video trên kênh với nội dung 13 tiếng ngồi xem tất cả Vlog trên kênh YouTube của Trấn Thành và Mình từng suýt gạt tay trúng má Trấn Thành.

Chỉ sau một ngày đăng tải, video "suýt gạt tay trúng má Trấn Thành" cán mốc 1 triệu lượt xem, đứng thứ 9 trên tab Thịnh hành, con số có thể lên đến vài triệu khi cái tên Trấn Thành được nói đến giữa lúc "người người, nhà nhà nói về Trấn Thành".

Ở đầu video, JVevermind thừa nhận ăn theo sự nổi tiếng của Trấn Thành: "Giống như các bạn, tôi bú fame" (thuật ngữ chỉ cá nhân lợi dụng tên tuổi người khác để đạt mục đích).

Câu hỏi đặt ra là liệu tên tuổi của Trấn Thành có đang bị lợi dụng?

Có gì trong video "đòi gạt tay Trấn Thành"

Trong video hơn 1 triệu lượt xem trên YouTube sau một ngày đăng tải - con số nhiều nghệ sĩ, ca sĩ ao ước khi phát hành sản phẩm, nam vlogger cho biết anh dành hơn 13 giờ đồng hồ để xem mọi vlog đời thường để đánh giá đúng nhất về Trấn Thành.

JVevermind cho biết anh gặp Trấn Thành hai lần. Lần đầu khi cả hai có buổi chụp hình với tạp chí Forbes Việt Nam khi được vinh danh trong danh sách Under 30 châu Á. Trong ấn tượng của vlogger, Trấn Thành đến muộn về sớm, mặt nhăn nhó trong quá trình thực hiện.

Lần thứ hai, vlogger có cơ hội làm việc khi quay quảng cáo với Trấn Thành. Anh tiếp tục có ấn tượng xấu khi nam diễn viên lấy quần áo, đầu tóc của mình ra làm trò đùa dù không thân thiết.

"Sáng hôm sau, Trấn Thành và Hari nói có việc về sớm nên phải quay sớm. Khi tôi quay sai, đạo diễn, khách hàng thấy bình thường nhưng thần tượng (chỉ Trấn Thành) chửi mình giữa trường quay, đại loại là 'Thằng này mày biết diễn không? Làm như này này, có mỗi cái này thôi làm không xong'", JVevermind nói trong video.

JVevermind nói anh là người có cái tôi lớn. Lúc đó, vlogger muốn quay sang "đấm" Trấn Thành nhưng kiềm chế kịp thời và hoàn thành cảnh quay.

"Tôi thấy mình giống Trấn Thành, từng là người có cái tôi lớn, ảo tưởng sức mạnh khi thời gian dài được đề cập trên mạng, kiếm nhiều tiền, mình đặc biệt, bản thân mình là chân lý và lẽ sống, dần thấy những phát ngôn của mình như đúng rồi. Tôi rất thông cảm điều đó", anh nói thêm.

JVevermind nói nếu muốn biết giá trị của bản thân, Trấn Thành chỉ cần biến mất một thời gian. "Từ lúc làm nghề, Trấn Thành không có quãng nghỉ nhận ra bản thân có cái tôi vô cùng lớn. Tôi nghĩ ai cũng xứng đáng được trao cơ hội nhìn lại chính mình", JVevermind nói.

JVevermind là một trong những vlogger đời đầu của Việt Nam (cùng những cái tên được giới trẻ biết đến như An Nguy, Toàn Shinoda, Huyme, Phở Đặc Biệt...). Hiện, YouTube của anh có hơn 2 triệu lượt đăng ký.

Năm 2015, JVevermind xuất hiện trong danh sách Under 30 châu Á của Forbes. Danh sách còn có tên Trấn Thành.

Kênh cá nhân của JVevermind cho thấy nam vlogger chỉ trở lại cách đây một tháng sau hai năm không đăng gì. Trong 4 video gần đây của JVevermind, video nói về "YouTube hết thời trở lại" đạt 1,2 triệu lượt xem.

Nhờ vào sự "bú fame" (như những gì JVevermind nói), anh đã đạt mục đích khi hàng triệu người tò mò vì sao vlogger suýt "gạt tay trúng má Trấn Thành".

Dưới phần bình luận, người đứng về phía JVevermind cho rằng nam vlogger trở lại thành công sau khi ra video nói về Trấn Thành. "Sau hai năm, không ngờ JV lại có màn trở lại ấn tượng như vậy", "Đã lâu rồi mình mới thấy anh quay lại, đã vậy còn nói về Trấn Thành, đáng để xem hai người combat"...

Trên mạng xã hội, ngoài những bình luận đứng về phía JVevermind, nhiều khán giả lại cảm thấy JV đang lợi dụng tên tuổi Trấn Thành. "Chuyện từ năm nào, sao lúc đấy không nói, bây giờ lại nói?", "Cuộc đời giậu đổ bìm leo, thấy người khác gặp chuyện là bắt đầu nhảy vào cấu xé", "Chuyện đã cũ, giờ lại lôi lại nói, còn nói là để bú fame, chuyện gì đang xảy ra"... là những bình luận đứng về phía Trấn Thành.

Trấn Thành thở thôi cũng có drama

Một người trong ngành từng nói với Tiền Phong rằng Trấn Thành là "nhân vật có view". Mỗi chuyện, ồn ào trên mạng về nam diễn viên đều thu hút lượng lớn người quan tâm.

Đầu tháng 3, khi ồn ào "Trấn Thành cần riêng tư, bao rạp" nổ ra, dù chưa biết thực hư, cộng đồng mạng tin vào người tố, hàng loạt bài viết, bình luận trên mạng xã hội công kích nam diễn viên.

Thời điểm đó, một phim Việt vừa ra rạp. Người này nói rằng "không may mắn" khi drama xuất hiện giữa lúc phim phát hành. "Không cần biết thực hư ra sao, điều mọi người quan tâm là chửi Trấn Thành trước đã. Giờ đây người ta chỉ cần biết Trấn Thành, ai quan tâm đến mọi thứ khác", anh nói.

Gần đây, khi Con Nhót mót chồng, Lật mặt 6 ra rạp, cũng là lúc một bài viết xuất hiện tố Trấn Thành, Lê Dương Bảo Lâm và Hiền Hồ đi bar nhưng chưa thanh toán 187 triệu đồng. Cũng như ồn ào bao rạp, dù không có chứng cứ, hình ảnh, thông tin người tố mơ hồ, cộng đồng mạng chỉ dồn vào bàn luận về Trấn Thành.

Trên livestream, khi được hỏi về drama của Trấn Thành liệu có ảnh hưởng đến phim không, Thu Trang nói: "Phim ra sai thời điểm một chút bởi vì lúc này mọi người tập trung theo dõi drama quá nhiều. Mọi người hướng sự chú ý đến drama, họ cũng vô tình quên giá trị mà Nhót muốn truyền tải. Nhưng tôi nghĩ không sao cả, mỗi người mỗi ý. Tôi tin là có người theo dõi drama thì cũng có khán giả lại thích xem phim gia đình", Thu Trang nói.

Phim của Trấn Thành thắng lớn khi ra rạp dịp Tết Nguyên đán. 450 tỷ đồng của Nhà bà Nữ thiết lập kỷ lục doanh thu phòng vé năm 2023 và cả trong lịch sử điện ảnh Việt. Vì vậy, mỗi khi có phim ra rạp, Nhà bà Nữ và Trấn Thành vô tình trở thành tiêu chuẩn so sánh.

Thực tế phim Việt sau đó từ Siêu lừa gặp siêu lầy, Con Nhót mót chồng và đến cả Lật mặt 6 đều một phần hưởng lợi từ Trấn Thành, dù theo hướng so sánh tích cực hay tiêu cực.

"Tôi phải ra rạp xem phim của Lý Hải xem có hay hơn của Trấn Thành không", "Ra rạp xem phim ủng hộ Thu Trang, Lý Hải để vượt kỷ lục của Trấn Thành", "Ủng hộ Lý Hải vượt doanh thu của Thành Cry"... là bình luận xuất hiện dưới những bài đăng về phim của nghệ sĩ Việt ra rạp sau Trấn Thành.

Ngay cả khi phim Lý Hải ra rạp, mạng xã hội tiếp tục đào lại câu chuyện Trấn Thành "dìm phim Lý Hải", PR phim Hàn Quốc trong khi phim của nam đạo diễn ra rạp.

Dù Lý Hải nhiều lần lên tiếng giải thích anh không để ý đến chuyện này, nhưng cộng đồng mạng, fanpage mạng xã hội vẫn lợi dụng điều đó để bàn tán về Trấn Thành. Thậm chí, có người còn cho rằng Trấn Thành như "người chịu trận" để có người vịn vào đó để câu view.

Cũng từ ồn ào bao rạp, thích riêng tư, một nhân vật từng được gọi là "học trò Trấn Thành" trên game show lên tiếng "đá xéo" đàn anh trên trang cá nhân. Trả lời phỏng vấn, anh cho biết bản thân không thấy hối hận, lỡ dại khi đăng dòng trạng thái trên.

Trong cuộc phỏng vấn, người này còn phủ nhận mình là học trò Trấn Thành, chỉ đơn giản là về đội của nam diễn viên theo sự sắp xếp của ban tổ chức.

Sau khi diễn viên hài viết bài đăng được cho là "đá xéo" đàn anh, cùng việc trả lời phỏng vấn phủ nhận gọi Trấn Thành là thầy, mạng xã hội tiếp tục xảy ra tranh luận.

Người ủng hộ Trấn Thành cho rằng diễn viên hài phủ nhận công sức của đàn anh tại game show, một ngày làm việc, dìu dắt cũng nên tôn trọng. Xuất hiện và trả lời phỏng vấn giữa lúc Trấn Thành bị gọi tên, đây được cho là chiêu trò lợi dụng tên tuổi người khác.

Ở đây, không bàn đến tính đúng sai của việc khán giả nói về Trấn Thành, cũng không đánh giá những phát ngôn của nam diễn viên. Chỉ nhìn nhận ở góc Trấn Thành - nhân vật bị gọi tên nhiều nhất mỗi khi có drama. Hay như nam diễn viên từng nói trong một diễn đàn: "Tôi là nghệ sĩ bị chửi nhiều nhất Việt Nam".

Trong tất cả lần bị kéo vào thị phi vô lý, Trấn Thành luôn chọn cách im lặng. Đây được cho là hành xử thông minh để tránh vướng vào bẫy truyền thông từ những người muốn lợi dụng độ nổi tiếng của anh.

(Nguồn: Soha)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang