7 nhóm chính sách đặc thù TP.HCM; Vành đai 2,5 chậm tiến độ; Đường đi của cây xanh nhập lậu; Khai trừ Đảng PCT tỉnh Hà Nam

Chính phủ trình Quốc hội 7 nhóm chính sách đặc thù cho TP. HCM

(Ảnh minh họa).

Chính phủ vừa có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Theo đề xuất của Chính phủ, TP. HCM sẽ được áp dụng 7 nhóm chính sách đặc thù về các lĩnh vực: quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TP. HCM và tổ chức bộ máy thành phố Thủ Đức.

Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Dự thảo nghị quyết này sẽ được soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn để trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 5, theo quy trình một kỳ họp.

Theo Chính phủ, TP. HCM là một đô thị đặc biệt, lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế. Đây cũng là trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung, cửa ngõ quan trọng kết nối khu vực và thế giới.

Các nghị quyết của trung ương xác định mục tiêu đến năm 2030, TP. HCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đây cũng sẽ là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.

Tầm nhìn đến năm 2045, TP. HCM sẽ phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu, đồng thời là nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.

Nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, thực hiện định hướng phát triển TP. HCM, Chính phủ đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM (thay thế Nghị quyết số 54). Việc này nhằm xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu, phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, về phát triển kinh tế - xã hội cho đầu tàu kinh tế của cả nước.

(Nguồn: CafeF)

Vành đai 2,5 Hà Nội thi công ì ạch, 4 đoạn tuyến chưa được đầu tư

Vành đai 2,5 là tuyến giao thông đường bộ quan trọng, phụ trợ tuyến đường Vành đai 2 và Vành đai 3 của Hà Nội. Tuy nhiên, tuyến đường còn 9 đoạn đang trong giai đoạn đầu tư và chờ đầu tư gây chậm tiến độ.

Mới đây, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết về việc phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công của TP Hà Nội.

Trong đó, quy mô đầu tư đường Vành đai 2,5 đoạn Nguyễn Trãi - Đầm Hồng dự kiến dài khoảng 1,6 km, quy mô mặt cắt ngang nền đường khoảng 40m, bề rộng mặt đường 22,5m, với tổng mức đầu tư dự kiến gần 2.570 tỉ đồng.

Đây là dự án nhóm A với nguồn vốn ngân sách thành phố, UBND quận Thanh Xuân sẽ làm chủ đầu tư dự án này. Địa điểm xây dựng dự án tại các phường Thượng Đình, Khương Trung, Khương Đình, quận Thanh Xuân. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 - 2026.

Mục tiêu đầu tư nhằm hoàn thiện, thông suốt tuyến Vành đai 2,5, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống giao thông đô thị, phù hợp với quy hoạch tổng thể chung của TP Hà Nội. Hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông khu vực, tăng khả năng thông hành của các phương tiện tham gia giao thông.

Tại đoạn qua sông Lừ, dự án đường Vành đai 2,5 sẽ xây một cây cầu mới có mặt cắt rộng khoảng 40 mét, nằm sát cầu Định Công hiện nay.

Theo ghi nhận của Lao Động, với vai trò giảm tải cho Vành đai 2 và Vành đai 3, hiện việc thi công dự án đường Vành đai 2,5 đoạn từ Phú Thượng (Tây Hồ) đến Đền Lừ (Hoàng Mai) đã hiện hình hài.

Tuy nhiên, nhiều đoạn thuộc tuyến đường này đang bị chậm tiến độ, thi công ì ạch. Cụ thể, hạng mục tại nút giao với đường Giải Phóng đã khởi công vẫn là bãi đất trống; dự án mới chỉ mới được giải phóng mặt bằng đường một phần từ Nguyễn Hoàng Tôn đến ngách 126/26 Xuân Đỉnh. Từ ngách 126/26 Xuân Đỉnh đến đường Xuân Đỉnh, Vành đai 2,5 vẫn chưa được giải phóng mặt bằng.

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, tuyến Vành đai 2,5 dài 19,41 km, quy mô mặt cắt ngang rộng 40-50 m. Hướng tuyến: Lĩnh Nam - Kim Đồng - Định Công - Nguyễn Trãi - Yên Hòa - Xuân Đỉnh - Phú Thượng.

Tuyến được chia thành 13 đoạn, trong đó 4 đoạn đã đầu tư hình thành theo quy hoạch dài 9,59 km: Ngoại giao đoàn - Khu đô thị Tây Hồ Tây- Hoàng Quốc Việt - Đường 32; đoạn 2 gồm đường Dương Đình Nghệ - Trung Kính. Đoạn 3, Trần Duy Hưng - Ngụy Như Kon Tum; QL 1A - Hồ Vĩnh Hoàng.

Từ nút giao Nguyễn Văn Huyên - Cầu Giấy, Vành đai 2,5 đang được giải phóng mặt bằng. Ảnh: Phạm Đông

5 đoạn tuyến đang triển khai đầu tư dài 5,97km gồm: Khu đô thị Ciputra - Nguyễn Hoàng Tôn - Ngoại giao đoàn (Nhà đầu tư khu đô thị Ciputra và Tây hồ Tây đầu tư); Đường 32 - Khu đô thị mới dịch Vọng (quận cầu Giấy làm chủ đầu tư); Đầm Hồng - Quốc lộ 1A theo hình thức PPP loại hợp đồng BT. Nút giao hầm chui Quốc lộ 1A đầu tư công, Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông làm chủ đầu tư, đoạn 5 trùng với đường Lĩnh Nam do UBND quận Hoàng Mai làm chủ đầu tư.

4 đoạn chưa được đầu tư xây dựng dài 3,85km gồm: Đoạn 1, Khu đô thị mới Dịch Vọng - Dương Đình Nghệ, đoạn 2 Trung Kính - Trần Duy Hưng, đoạn 3 Nguỵ Như Kon Tum - Nguyễn Trãi - Đầm Hồng, đoạn 4 Hồ Vĩnh Hưng - Lĩnh Nam.

Trước đó, công tác giải phóng mặt bằng dự án tuyến đường 2,5 thời gian qua quận Hoàng Mai đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc áp dụng chính sách do ảnh hưởng từ việc thay đổi từ Luật Đất đai 2003 sang Luật Đất đai 2013.

Ngoài ra, quá trình xác nhận nguồn gốc sử dụng đất của người dân cũng gặp nhiều vướng mắc do các hộ tự ý thay đổi mục đích sử dụng đất, thực hiện việc mua bán, chuyển nhượng qua nhiều chủ...

Bên cạnh đó, người dân phản đối rất quyết liệt, gửi đơn kiến nghị, khiếu nại về quy hoạch, chỉ giới, mốc giới, hồ sơ pháp lý của dự án và chính sách giải phóng mặt bằng đi nhiều cấp, khiến quá trình giải quyết, trả lời đơn thư phức tạp, kéo dài.

(Nguồn: Lao Động)

Đường đi của cây xanh nhập lậu từ Trung Quốc về trồng ở Hà Nội

(Ảnh minh họa).

Cây chà là, bàng Đài Loan có nguồn gốc từ Trung Quốc được doanh nghiệp nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam, sau đó tạo hóa đơn giả để bán cho TP Hà Nội.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) vừa hoàn tất bản kết luận điều tra vụ án nâng khống giá cây xanh trồng trên địa bàn TP Hà Nội. Đồng thời, C03 đã đề nghị truy tố 15 bị can với 4 tội danh. Trong đó, ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Gây thiệt hại hơn 34 tỷ đồng

Theo kết luận, sau khi được bổ nhiệm chức Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung đã can thiệp, chỉ đạo toàn diện, xuyên suốt công tác trồng cây trên địa bàn TP Hà Nội. Ông yêu cầu tạm dừng việc đấu thầu trồng cây xanh tại các quận, huyện và thu gọn đầu mối về Sở Xây dựng Hà Nội.

Ông Chung biết việc lựa chọn nhà thầu trong công tác trồng cây xanh phải thực hiện đấu thầu, nên ông chỉ đạo Sở Xây dựng Hà Nội xây dựng tiêu chí, tổ chức đấu thầu công tác trồng cây. Tuy nhiên, ông lại "chỉ đạo miệng" cấp dưới đặt hàng trực tiếp với công ty thân quen của mình. Đây là khởi nguồn cho chiến dịch trồng 1 triệu cây xanh trên địa bàn TP Hà Nội.

Ban Duy tu các công trình kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng được giao là đầu mối, còn Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội (Công ty Cây xanh) và Công ty Sinh Thái Xanh là hai doanh nghiệp được lựa chọn để đặt hàng. Lúc này, các đơn vị lập tức thay đổi cách thức từ đấu thầu sang đặt hàng, khác với cách thức thực hiện từ năm 2016 về trước.

C03 kết luận, công tác trồng cây xanh trên địa bàn TP Hà Nội trong thời gian từ 2016 đến 2018 phải thực hiện theo hình thức đấu thầu, nhưng Nguyễn Đức Chung chỉ đạo thực hiện đặt hàng giao cho Công ty Cây xanh, Công ty Sinh Thái Xanh thực hiện là trái quy định của pháp luật.

Trong quá trình thực hiện đặt hàng Công ty Cây xanh, Công ty Sinh Thái Xanh thực hiện công tác trồng cây theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Chung, các bị can thuộc Công ty Cây xanh, Công ty Sinh Thái Xanh, Ban Duy tu, Công ty VVFC, VFS đã thông đồng nâng khống giá cây xanh, ban hành chứng thư thẩm định giá bằng với giá đã được nâng khống. Từ đó, làm căn cứ để Ban Duy tu thanh, quyết toán, giúp Công ty Cây xanh, Công ty Sinh Thái Xanh chiếm đoạt, thu lời bất chính, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 34 tỷ đồng.

Đường đi của cây nhập lậu

Theo cáo buộc, khi thực hiện mua cây, Tổng giám đốc Công ty Cây xanh Nguyễn Xuân Hanh đã thông đồng với Nguyễn Tuấn Nghĩa - Giám đốc Công ty Vì nhân dân (doanh nghiệp cung cấp cây) nhằm rút ruột ngân sách nhà nước. Bị can Nghĩa được coi là mắt xích quan trọng trong đường dây khi được giao chuẩn bị một số loại cây như chà là, bàng lá nhỏ để cung ứng theo hợp đồng, song phải nâng giá cao gấp nhiều lần.

Cụ thể, Hoàng Đình Văn - Giám đốc Công ty TNHH XNK Hoàng Anh Phát (Công ty Hoàng Anh Phát), chuyên kinh doanh mua bán cây bóng mát từ năm 2009. Trong số khách hàng của Văn có Nguyễn Tuấn Nghĩa. Tháng 12/2016, Nghĩa có hỏi mua cây chà là, bàng Đài Loan của Văn để trồng trên địa bàn Hà Nội.

Sau khi thỏa thuận về đơn giá của từng loại cây, thống nhất cách thức vận chuyển, giao nhận cây (Nghĩa nhận cây tại vườn ươm ở Thạch Thất - Hà Nội). Tại thời điểm này, Công ty Hoàng Anh Phát chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép kinh doanh cây có bầu đất nên không thể tiến hành nhập khẩu 2 loại cây nêu trên về bán cho Nghĩa.

Để có nguồn cây bán cho Nghĩa, Văn sử dụng phần mềm Webchat liên hệ với một người Trung Quốc tên là Lỉ Tài (hiện chưa xác định nhân thân, là khách hàng thường xuyên mua bán cây với Văn từ nhiều năm trước) để trao đổi mua cây chà là và bàng Đài Loan từ Trung Quốc về.

Hai bên thống nhất về đơn giá, từ 2.500.000 - 3.500.000 đồng/cây chà là; bàng Đài Loan có giá từ 800.000 đồng đến 1.600.000 đồng/cây tùy thuộc vào kích thước. Sau đó, Văn yêu cầu Lỉ Tài thuê phương tiện (tàu, đò) vận chuyển cây trái pháp luật từ TP Đông Hưng (Trung Quốc) về địa điểm nhà Vàng, bến Than trên bờ sông Ka Long thuộc phường Hải Hòa, TP Móng Cái (đây là khu vực biên giới giáp ranh giữa Việt Nam và Trung Quốc) để giao cho Hoàng Đình Văn.

Ngay sau khi nhận cây, Hoàng Đình Văn trực tiếp thuê xe tải, xe cẩu, công nhân bốc xếp cây từ phương tiện vận chuyển phía Trung Quốc chở về Hà Nội bán cho Nguyễn Tuấn Nghĩa để kiếm lời.

Trích xuất dữ liệu từ máy tính thu giữ tại Công ty Hoàng Anh Phát từ ngày 12/6/2017 đến 4/5/2018 xác định: Văn đã mua của Lỉ Tài 2.699 cây chà là với số tiền 2.117.050 nhân dân tệ, 2.687 cây bàng Đài Loan với số tiền 793.960 nhân dân tệ. Tổng cộng số tiền nhân dân tệ Văn đã trả cho Lỉ Tài là 2.911.010 nhân dân tệ, quy đổi ra tiền Việt Nam là hơn 9,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, trích xuất dữ liệu tại máy tính của bà Lê Thị Huyền Trang - Kế toán Công ty Vì Nhân dân thể hiện, năm 2017 Nghĩa đã mua của Văn 3.554 cây chà là (trị giá hơn 17 tỷ đồng), 427 cây bàng Đài Loan (trị giá hơn 683 triệu đồng). Năm 2018, Nghĩa mua của Văn 1.327 cây bàng Đài Loan (trị giá 2,82 tỷ đồng). Tổng số Nghĩa mua của Văn trong 2 năm 2017, 2018 là 5.308 cây, với tổng số tiền là hơn 21 tỷ đồng.

Từ tháng 3/2017 đến tháng 4/2018, Nghĩa đã thanh toán tiền mua cây cho Văn tổng cộng hơn 24 tỷ đồng. Vì vậy, Văn phải chịu trách nhiệm về hành vi buôn lậu với số tiền này.

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được xác định: Trong thời gian từ tháng 3/2017 đến tháng 4/2018, Hoàng Đình Văn đã mua số lượng rất lớn cây chà là, bàng Đài Loan có nguồn gốc từ Trung Quốc của Lỉ Tài bất hợp pháp, trái pháp luật trị giá nhiều tỷ đồng bán cho Nguyễn Tuấn Nghĩa để kiếm lời. Hoàng Đình Văn được hưởng lợi số tiền 1,6 tỷ đồng.

Hành vi của Văn đã phạm tội "Buôn lậu", với vai trò người tổ chức. Bị can Văn thành khẩn khai báo, gia đình đã nộp 1,2 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

Nguyễn Tuấn Nghĩa khai, số cây mua từ Văn sau đó đã bán cho Công ty Cây xanh thông qua pháp nhân Công ty Vì Nhân dân và các hộ cá thể với giá 7.500.000 đồng/cây bàng Đài Loan, 9.800.000 đồng/cây chà là.

C03 xác định, Nguyễn Tuấn Nghĩa có hành vi mua cây trôi nổi trên thị trường, không có hóa đơn, chứng từ, sau đó nhờ người thân đứng tên đăng ký hộ kinh doanh, đồng thời liên hệ với các công ty, hộ kinh doanh khác xuất hóa đơn GTGT cho cây đã mua. Nghĩa còn nhờ các người quen ký khống các hợp đồng mua bán cây, thông qua đó các hộ kinh doanh đã xuất 326 hóa đơn bán cây khống với số tiền ghi trên hóa đơn là hơn 202 tỷ đồng. Ngoài ra, Nghĩa còn lấy 15 hóa đơn vận chuyển của Công ty Anh Đức với tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng.

Hành vi của Nghĩa đã phạm vào tội In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ nộp ngân sách Nhà nước.

Hành vi buôn lậu cây xanh do Văn "đạo diễn", Nghĩa không biết việc này. Bởi thế, C03 cho rằng không đủ cơ sở kết tội Nghĩa về hành vi buôn lậu với vai trò đồng phạm. Tuy nhiên với việc mua bán hóa đơn khống, Nghĩa đã hưởng lợi 10 tỷ đồng.

(Nguồn: Dân Trí)

Cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hà Nam Trương Minh Hiến bị khai trừ Đảng

Cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hà Nam Trương Minh Hiến bị khai trừ Đảng do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.

Ngày 28/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật ông ông Trương Minh Hiến, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam và nhiều nhân sự khác.

Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư nhận thấy ông Trương Minh Hiến đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Các vi phạm của ông Trương Minh Hiến gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, gây bức xúc trong xã hội.

Do đó, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với Trương Minh Hiến.

Ngoài ra, 3 nhân sự khác thuộc diện Ban Bí thư quản lý cũng bị khai trừ Đảng gồm: ông Vũ Hữu Song, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam; ông Nguyễn Đồng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Hòa Bình; Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Giám đốc Công an TP Hải Phòng.

Trước đó, ngày 15/2, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Nam ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Trương Minh Hiến (SN 1960, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam) và ông Vũ Hữu Song (SN 1959, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009).

Hai cán bộ trên bị khởi tố vì liên quan vụ án “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” xảy ra tại núi Hang Diêm, xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam từ năm 2017 đến năm 2021.

(Nguồn: Soha)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang