Dự thảo ngân hàng mua trái phiếu DN; Bỏ vân tay quê quán trên CCCD; Mái che vỉa hè; Đuổi tàu TQ khỏi vùng biển VN

Nóng dự thảo ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp: Ai được lợi?

(Ảnh minh họa).

Thị trường đang rất nóng về câu chuyện dự thảo sửa quy định mua bán trái phiếu doanh nghiệp tại ngân hàng giữa lúc các doanh nghiệp bất động sản còn rất khó khăn về thanh khoản. Vậy những điểm sửa đổi trong dự thảo ra sao và ai được lợi?

Câu chuyện Thông tư 16

Từ khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ tại Việt Nam, các ngân hàng đã tích cực tham gia vào thị trường này và trở thành một trong những bên nắm giữ lớn nhất đối với trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Trong đó, MBBank (MBB), VPBank (VPB), Techcombank (TCB) và TPBank (TPB) là các ngân hàng tham gia sâu nhất vào thị trường này.

Theo FiinRatings, ngân hàng cùng với các công ty chứng khoán (financial institutions) đang nắm giữ trái phiếu lớn nhất với 44,33% trái phiếu riêng lẻ trên thị trường thứ cấp.

Trước Thông tư 16, quy định về đầu tư TPDN đối với ngân hàng còn khá lỏng lẻo và có thể gọi là còn "lỗ hổng" trong quản lý rủi ro. Nhiều ngân hàng và doanh nghiệp tận dụng TPDN như một cách "lách" các điều kiện về cho vay (do cho vay đã được quy định chặt chẽ) nhất là các điều kiện về: thẩm định phương án; kiểm tra mục đích sử dụng vốn; và đảo nợ.

Và Thông tư 16 ra đời với sứ mệnh là kiểm soát rủi ro đối với việc đầu tư TPDN của hệ thống ngân hàng. Trong Thông tư 16, nhiều quy định về quy định nội bộ, thẩm định phương án, quản lý mục đích sử dụng tiền phát hành và nhiều điều kiện chặt chẽ về TPDN mà ngân hàng được phép đầu tư.

Bản chất Thông tư 16 nhằm kiểm soát việc đầu tư TPDN của các nhà băng tương tự như các khoản cho vay. Theo đó, phải bao gồm quy định nội bộ và kiểm soát đủ 3 khâu trước, trong và sau khi cho vay/đầu tư TPDN. Việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường TPDN khi nhiều doanh nghiệp sẽ không thể "lách" từ vay sang phát hành TPDN để ngân hàng mua như trước đây.

Do đó, trước nhiều khó khăn của thị trường TPDN, đã có nhiều ý kiến đề xuất sửa đổi Thông tư 16 nhằm giúp cho thị trường TPDN có thể "hồi sinh" và đó là lý do có sự ra đời của dự thảo này.

Những điều cần lưu ý trong Dự thảo sửa đổi Thông tư 16

Ông Huỳnh Minh Tuấn - nhà sáng lập CTCP FIDT cho rằng, dự thảo có vài điểm tích cực.

Những điểm cần lưu ý bao gồm:

Thứ 1, dự thảo tập trung vào việc làm rõ, chi tiết và hoàn thiện nhiều nội dung của Thông tư 16 nhằm tránh những "lỗ hổng" và những điều khoản chưa rõ ràng. Điều này rõ nhất khi dự thảo nêu cụ thể hơn về quy định nội bộ của ngân hàng trong việc đầu tư TPDN. Theo đó, yêu cầu xác định phương án khả thi, nêu rõ việc kiểm tra, giám sát tiền thu từ phát hành TPDN là quyền và nghĩa vụ của ngân hàng.

Thứ 2, bổ sung thêm các quy định như quản lý đầu tư TPDN có mục đích bổ sung vốn lưu động, quản lý chặt dòng tiền liên quan đến TPDN, quy định hệ số nợ của doanh nghiệp phát hành, không cho đầu tư TPDN với mục đích hợp tác đầu tư.

Thứ 3, điểm mở của dự thảo là ở chỗ mua lại trái phiếu đã bán. Theo Thông tư 16, ngân hàng không được mua lại trái phiếu không niêm yết đã bán trong vòng 12 tháng, sau 12 tháng thì được phép mua lại nhưng với các điều khoản khá khắt khe.

Dự thảo sửa đổi cho phép tạm ngừng áp dụng khoản này đến hết ngày 31/12/2023. Nếu quy định này được thông qua thì từ nay đến hết 31/12/2023, các ngân hàng được mua lại trái phiếu đã bán (không cần đợi 12 tháng) nhưng vẫn phải tuân thủ các điều khoản chặt chẽ về điều kiện. Sửa đổi này, theo ông Tuấn, là sẽ khó có tác động đủ lớn.

Theo đánh giá của FIDT, dự thảo mang tính quản lý chặt chẽ và làm rõ các điều khoản hơn là "tháo bỏ" các điều kiện chặt chẽ.

Đơn cử, một trong những điều khoản được các doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng nhiều nhất là sửa đổi điểm a khoản 8 Điều 4 về mục đích phát hành TPDN để cơ cấu lại nợ vốn, vừa được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề xuất sửa đổi hoặc ngưng hiệu lực thi hành đến hết 2024. Nhưng điểm này đã không được nhắc đến trong dự thảo vừa đưa ra lấy ý kiến.

Với bài học "cục máu đông" 2011-2012 còn đó, theo FIDT, NHNN sẽ khó lòng sửa đổi các điều khoản liên quan đến quản lý chất lượng tín dụng và dự thảo này đang phản ánh đúng những quan điểm này của NHNN.

Do đó, với dự thảo này, khó có thể cho rằng có sự đột phá cho thị trường TPDN với trái chủ là ngân hàng. Song, đây mới là dự thảo đầu tiên nên sẽ còn nhiều góp ý, thay đổi trước khi được ban hành chính thức.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì thanh khoản hệ thống ngân hàng và tín dụng đã đỡ căng thẳng hơn cuối 2022 khá nhiều. Các động thái về huy động trái phiếu liên quan bất động sản cũng đã có dấu hiệu nhúc nhích.

Các diễn biến gần đây cũng cho thấy thị trường TPDN đã có các bước phục hồi. Cơ hội phục hồi sắp tới đối với ngành này là có và có thể đến từ các diễn biến thực tế hơn là sự kỳ vọng lớn vào sửa đổi Thông tư 16.

Tương tự, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc FiinGroup cũng chỉ ra một số điểm tích cực của dự thảo.

Điển hình là việc cho phép mua TPDN trong đó có mục đích bổ sung vốn lưu động khi quản lý được nguồn thu từ hoạt động kinh doanh… Điều này sẽ góp phần tạo thuận lợi cho TCTD đầu tư trái phiếu của các doanh nghiệp nhằm bổ sung vốn lưu động, thay vì phải gắn với phương án phát hành cụ thể, thường chỉ được xác định được cho các chương trình, dự án đầu tư tài sản cố định.

Hay việc cho phép TCTD được phép mua lại TPDN chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên UpCOM mà TCTD trước đó đã bán ra cũng rất có ý nghĩa.

Theo ông Thuân, đây có lẽ là vấn đề có ý nghĩa nhất với chính các TCTD trong bối cảnh áp lực mua lại trái phiếu thời gian vừa qua khi nhà đầu tư yêu cầu tất toán trước hạn. Nếu vậy áp lực mà một số TCTD đang gặp phải do trước đó đã phân phối cho nhà đầu tư trong khi tổ chức phát hành gặp khó khăn về dòng tiền và không thể mua lại sẽ phần nào được giải toả.

Bên cạnh đó, dự thảo yêu cầu TCTD phải sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán số tiền mua TPDN cho DN hoặc bên bán TPDN. Ông Thuân cho rằng điều này nhằm kiểm soát giao dịch và mục đích sử dụng vốn của DN thuận tiện hơn trong quá trình giám sát tín dụng và quản trị rủi ro. Nhằm tránh tình trạng giao dịch tiền mặt và do đó mục đích sử dụng vốn khó có thể đảm bảo việc xác minh và đánh giá bởi TCTD hay các bên độc lập như kiểm toán mục đích sử dụng vốn.

Cũng theo ông Thuân, một số quy định bổ sung hoặc sửa đổi mang tính chặt chẽ hơn.

Theo đó, dự thảo bổ sung quy định TCTD chỉ có thể mua TPDN khi hệ số Nợ/ Vốn chủ sở hữu (bao gồm cả khối lượng TPDN dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần dựa trên báo cáo tài chính gần nhất đã được kiểm toán. Điều này có nghĩa là, các DN có mức đòn bẩy cao hơn mức 5x sẽ không thuộc đối tượng được TCTD mua trái phiếu nữa.

Các quy định khác quan trọng đối với từng TCTD vẫn được giữ, theo nguyên tắc: phải có nợ xấu (NPL) < 3%; kiểm soát được mục đích sử dụng vốn; có phương án khả thi trong việc đảm bảo thanh toán gốc và lãi đúng hạn và DN không có nợ xấu (từ Nhóm 3 - dưới chuẩn) trong vòng 12 tháng gần nhất trên Trung tâm Thông tin Tín dụng quốc gia (CIC).

Dù vậy, Chủ tịch FiinRatings cho rằng, một số điểm được kỳ vọng nhưng dự thảo chưa đề cập. Đó là, TCTD vẫn không được mua TPDN của DN phát hành có mục đích cơ cấu lại các khoản nợ. Điều này sẽ hạn chế hoạt động tái cơ cấu lại nợ như tinh thần Nghị định 08 vừa qua.

Dĩ nhiên, để thực hiện được quy định này thì Dự thảo nên quy định các điều kiện cụ thể như đảm bảo tính pháp lý dự án và phương án tái cấu trúc nợ đảm bảo phù hợp với quy định về quản lý rủi ro tín dụng nói chung và và chính sách quản trị rủi ro của mỗi TCTD.

(Nguồn: Vietnamnet)

Vì sao đề xuất bỏ vân tay, quê quán trên CCCD?

Bộ Công an đang soạn thảo dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi. Đáng chú ý, tại dự thảo Luật lần này, Bộ Công an đề xuất nhiều điểm mới nổi bật, trong đó có việc bỏ vân tay, thông tin quê quán trên bề mặt thẻ căn cước công dân.

Dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi do Bộ Công an soạn thảo, có 7 chương, 45 Điều, gồm: Những quy định chung; Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước; thẻ căn cước công dân; thẻ căn cước công dân điện tử…

Cụ thể, về đối tượng áp dụng, dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi lần này đã mở rộng thêm đối tượng là người gốc Việt Nam, nhưng không có quốc tịch và sinh sống tại Việt Nam. Theo đó, họ sẽ được cấp Giấy chứng nhận căn cước, có giá trị chứng minh thông tin về căn cước của người đó để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Về thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước, dự thảo Luật Căn cước công dân quy định gồm 23 thông tin cơ bản của cá nhân, từ họ tên, quê quán, dân tộc, tôn giáo, tình trạng hôn nhân…; Đặc điểm nhân dạng; Nghề nghiệp; Trình độ học vấn… Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình được kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước. Dự thảo Luật Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết việc kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước.

Đặc biệt, dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi cũng quy định lược bỏ một số thông tin thể hiện trên thẻ căn cước công dân. Cụ thể, trên thẻ căn cước công dân sẽ bao gồm 13 thông tin cơ bản như: Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Dòng chữ "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc"; Ảnh khuôn mặt; Số định danh cá nhân; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Nơi đăng ký khai sinh; Nơi cư trú…

Đối chiếu với mẫu căn cước công dân gắn chip hiện nay, thông tin trên thẻ căn cước công dân theo dự thảo Luật sẽ lược bỏ mẫu vân tay, thông tin quê quán (thay vào đó là thông tin Nơi đăng ký khai sinh)…

Dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi cũng quy định, người được cấp thẻ căn cước công dân là công dân Việt Nam; Người từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện cấp thẻ Căn cước công dân. Người dưới 14 tuổi thực hiện cấp thẻ Căn cước công dân theo nhu cầu.

Dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi hiện đang tiếp tục được chỉnh sửa, hoàn thiện theo sự thẩm định, đóng góp ý kiến của Bộ Tư pháp. Dự kiến dự thảo Luật này sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ năm, Quốc hồi khóa XV (dự kiến được tổ chức vào tháng 5 năm 2023).

Vân tay đã được tích hợp vào trong chip

Vì sao Bộ Công an đề xuất bỏ thông tin quê quán, vân tay trên thẻ căn cước công dân tại Luật Căn cước công dân sửa đổi? Phóng viên VOV Giao thông có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế, Bộ Công an – đơn vị chủ trì soạn thảo dự thảo Luật:

PV : Thưa ông, vì sao Ban soạn thảo đề xuất việc sửa một số thông tin in trên thẻ căn cước công dân gắn chíp, chẳng hạn nơi thường trú, quê quán…?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên : Việc sửa thông tin trên bề mặt của căn cước công dân gắn chip tạo sự thuận lợi cho người dân. Thứ hai, nâng cao tính chính xác và xác thực của những thông tin trên mặt căn cước công dân đã cấp cho người dân. Thứ ba nữa là những thông tin đấy đảm bảo tính ổn định lâu dài và phù hợp với những quy định và phù hợp với dịch vụ mà sử dụng thông tin đó trong quá trình giao dịch của công dân.

Thứ hai nữa là bỏ thông tin về quê quán, mà thay vào đó bằng thông tin về nơi đăng ký khai sinh, bởi vì nơi đăng ký khai sinh là thông tin chính xác với bất kỳ con người nào và tính ổn định cao. Còn quê quán thì đấy là cái mà chúng ta khai và chúng ta cũng chưa có quy trình để xác định xem quê quán đó có chính xác hay không.

Có những người sinh ra ở Hà Nội thế nhưng quê bố mẹ, ông bà thì ở địa phương khác, thì quê quán ghi ở địa phương khác. Cho nên là những thông tin này nó có thể gây khó khăn cho quá trình thu thập thông tin, tiến hành đối sánh để xác định một công dân nào đó.

PV: Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo Luật là đề xuất bỏ in dấu vân tay trên căn cước công dân gắn chip. Đâu là nguyên nhân của đề xuất này?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên : Hiện nay thì dữ liệu vân tay đã được tích hợp vào trong chip, được gắn trên thẻ căn cước công dân. Cho nên việc in dấu vân tay trên bề mặt thẻ không còn quan trọng nữa.

PV: Vậy việc nhận dạng sinh trắc học sẽ dựa trên những yếu tố nào?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên : Tất cả những thiết bị sau này chúng ta thu thập dữ liệu sinh trắc học đã được in trên bề mặt của thẻ hoặc thu giữ trong chip của căn cước công dân thì sẽ được các thiết bị chuyên dùng để đối sánh. Và người ta sẽ đưa ra những kết quả xác thực về dữ liệu sinh trắc học là vân tay của người được thu nhận với dữ liệu đã được thu nhận được sẽ có trùng khớp hay không.

PV : Việc thay đổi hàng loạt thông tin như vậy sẽ giải quyết được những mục tiêu gì?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên : Không phải là thay đổi hàng loạt mà chỉ có một số thông tin thôi. Việc chúng ta thay đổi các trường thông tin được in trên mặt thẻ căn cước công dân không làm phát sinh chi phí, cũng như thủ tục của người dân.

Người dân được cấp thẻ căn cước công dân gắn chip hiện nay vẫn sử dụng bình thường, đến khi cần phải thay đổi theo quy định của luật thì người dân mới đi đổi và khi đi đổi thì cơ quan quản lý mới tiến hành thay đổi những thông tin trên mặt thẻ căn cước công dân đã cấp cho người dân. Không phải bây giờ thay mà người dân phải đi đổi lại thẻ căn cước công dân gắn chip.

Những thông tin thay đổi trên thẻ căn cước công dân để đảm bảo tính chính xác hơn, thông dụng hơn và phù hợp với các yêu cầu sử dụng những thông tin đó vào giải quyết các dịch vụ cho người dân.

Tôi lấy ví dụ như hiện nay thì thay đổi nơi thường trú bằng cái nơi đăng ký cư trú. Bởi vì có thể có những người người địa chỉ thường trú không ổn định, thì người ta sẽ có nơi đăng ký cư trú và các thông tin về nơi đăng ký cư trú sẽ được thể hiện trên mặt căn cước công dân.

PV: Xin cảm ơn ông!

Việc bỏ thông tin quê quán, vân tay in trên thẻ căn cước công dân sẽ có những tác động xã hội như thế nào? Phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội:

PV : Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo Luật căn cước công dân sửađổi là việc bỏ mà thông tin về quê quán và vân tay trên mặt căn cước công dân,ông có ý kiến như thế nào về đề xuất này?

Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa : Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo Luật căn cước công dân sửa đổi là việc bỏ mà thông tin về quê quán và vân tay trên mặt căn cước công dân, ông có ý kiến như thế nào về đề xuất này.

Căn cước khi ban hành thì cũng đem lại nhiều tiện lợi cho công dân, vì trong căn cước công dân tích hợp những giấy tờ của cá nhân: bằng lái xe, thẻ bảo hiểm… tạo ra nhiều thuận lợi cho công dân. Đây là cũng là cú đột phá mới về cải cách hành chính.

Nhưng cũng có những băn khoăn, thứ nhất là căn cước công dân mới cấp cho người dân thì liệu chúng ta trình hai nội dung này ra thì chúng ta làm như vậy là chưa căn cơ, chưa toàn diện vì hiện nay căn cước công dân mới đến tay người dân, nhưng mà chúng ta lại vội chỉnh sửa.

Thứ hai là bỏ 2 nội dung này đi thì nó có ảnh hưởng gì không vì trước đây, khi mà chúng ta quản lý công dân bằng quê quán, bằng vân tay.

Thứ 3, nói gì thì nói nó cũng ảnh hưởng đến ngân sách. Hiện nay chúng ta bỏ hai nội dung đó và đồng thời duy trì 3 loại: một là chứng minh nhân dân, hai là căn cước công dân đầy đủ, có quê quán, vân tay; ba là căn cước công dân không có quê quán, vân tay thì nó chưa được thống nhất lắm. Do vậy, nên chăng là cả nước chỉ có một căn cước hoàn chỉnh.

PV : Ông có lưu ý điều gì để việc bỏ những thông tin này nó phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý?

Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa : Quê quán là cái gốc của mỗi con người. Không hiểu tại sao Bộ Công an lại đề nghị bỏ. Còn khai sinh thì có thể là anh ở nơi này, nhưng chưa chắc đã là quê quán. Vì quê quán chúng ta thường lấy theo bố hoặc mẹ.

Ví dụ như là tôi đẻ ở Nghệ An, nhưng quê là Thừa Thiên Huế, thì quê là Thừa Thiên Huế. Hoặc là nơi khai sinh là một nơi nào đó, nhưng người ta lại ra Hà Nội, hoặc về Huế hoặc Tp Hồ Chí Minh, thì ghi nơi khai sinh là chưa chuẩn lắm.

Trường hợp này cũng rất nhiều, từ nhỏ bố mẹ công tác tại Hà Nội thì con sinh ra ở Hà Nội, nhưng bố mẹ ở 5-6 năm thôi, rồi chuyển vào TP. Hồ Chí Minh, chuyển vào Huế hoặc một đơn vị nào đấy, nhưng mà gốc quê ở Ninh Bình hoặc ở Nghệ An… thì cũng phải tính kỹ chuyện này, khi làm căn cước thế nào.

Do vậy thì nên là căn cơ hơn, Chính phủ cũng như cơ quan trình cũng đánh giá, làm thế nào tạo điều kiện, làm một ý căn cước công dân tránh rườm rà, nhưng mục đích của căn cước công dân, đó là cái pháp lý của người dân khi chúng ta đi làm việc, giao dịch thì căn cước công dân này phải như một cái “gậy” của mỗi công dân và cái định danh cá nhân là thể hiện 12 số, là quê ở đâu thì bây giờ quê quán là cái gốc để đối chiếu, chứ còn căn cước công dân càng gọn thì càng tốt.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Bộ Công an đã tiến hành cấp được hơn 71 triệu thẻ Căn cước công dân có gắn chíp cho công dân. Tuy vậy, một số thông tin trên thẻ như mẫu vân tay đã được lưu trữ trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên việc tiếp tục in trên thẻ căn cước công dân là không cần thiết. Trong khi đó, thông tin về quê quán đều là người dân tự khai, ít có khả năng thẩm định gây khó khăn cho công tác quản lý.

Do vậy, tại dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi, Bộ Công an đã đề xuất lược bỏ một số thông tin về quê quán, vân tay nhằm mục tiêu khắc phục những bất cập này.

Bạn kỳ vọng gì vào dự luật này? Nếu được ban hành, các quy định mới của dự luật sẽ có những tác động xã hội như thế nào?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOV Giao thông, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an./.

(Nguồn: Soha)

Tranh luận về cái… mái che vỉa hè!

(Ảnh minh họa).

Câu chuyện “vỉa hè là của ai?” đã nhiều chục năm tốn không ít giấy mực của bàn dân thiên hạ mà đến nay vẫn chưa ngã ngũ.

Có mỗi sự kiện dự định làm mái che cho người đi bộ trên vỉa hè mà đã tạo ra một cuộc tranh cãi nảy lửa không chỉ trên một số phương tiện truyền thông, trong đội ngũ các chuyên gia, các nhà quản lý về quy hoạch và kiến trúc đô thị mà còn cả trên những bàn cà phê, trà đá của những người dân bình thường.

Câu chuyện “vỉa hè là của ai?” đã nhiều chục năm tốn không ít giấy mực của bàn dân thiên hạ mà đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Trong những tháng ra quân đầu năm 2023 này, việc TP Hà Nội quyết tâm giành lại vỉa hè cho người đi bộ vẫn đang trở nên nóng bỏng, bởi vỉa hè đang là nguồn làm ăn sinh sống của hàng vạn gia đình nghèo khó.

Nay chính quyền thành phố nỗ lực dẹp những quán ăn vỉa hè, rồi những gánh hàng rong mà không để ý đến nồi cơm của những gia đình ấy vơi hay đầy thì quả là một chủ trương cần thiết nhưng chưa trọn vẹn.

Còn ở TP.HCM, “cuộc chiến” lập lại trất tự đô thị, kiên quyết xử phạt các hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè cách đây 6 năm vẫn còn ghi đậm dấu ấn nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước hồi đó, và một hậu quả không đáng có đã xảy ra, đó là vị chỉ huy chiến dịch nguyên là Phó chủ tịch UBND quận 1 phải thôi chức và sau đó tự xin thôi việc.

Đấy, lo cái vỉa hè cho người đi bộ đã nan giải như thế, vậy mà mới đây lại có tin, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM đề xuất lắp mái che vỉa hè đường Lê Lợi (quận 1) thì quả là một chủ trương “chu đáo toàn tập”, bởi không những vỉa hè ở con đường này đã rộng 5-6 m mà nay lại được đầu tư nhiều chục tỷ đồng để làm mái che cho người đi bộ nữa thì thật chu đáo đến hoàn hảo.

Tuy nhiên, tranh luận nổ ra không như nhiều dự án khác thường là liên quan đến việc lãng phí đầu tư công mà là tính hợp lý của nó. Một khi sáng kiến của một cơ quan hàng đầu về kiến trúc đô thị của thành phố nêu ra đều phải có cái lý của nó, tức là cái mái che ấy sẽ có nhiều tính ưu việt, không chỉ che nắng che mưa cho khách bộ hành mà còn làm tăng thêm mỹ quan đô thị ở một đường phố rộng và đẹp vào hàng bậc nhất của Sài Gòn.

Thật ra, trên thế giới, mái che cho người đi bộ có rất nhiều và có nhiều thiết kế cực đẹp. Tại đường Lê Lợi của TP.HCM, sau khi metro số 1 trả mặt bằng, đường Lê Lợi đã được tái lập nguyên trạng, giao thông thông thoáng.

Tuy vỉa hè khá rộng nhưng hiện trạng tuyến đường không thể trồng cây xanh kịp lớn để tạo bóng mát cho vỉa hè như trước. Do vậy, việc đề xuất giải pháp lắp mái che vừa che nắng che mưa, vừa được cho rằng sẽ tạo không gian đi bộ thuận lợi cho một khu vực thương mại - dịch vụ sầm uất.

Sau đây là ý kiến của bên ủng hộ được đăng trên báo Tuổi trẻ. Kiến trúc sư (KTS) Khương Văn Mười - nguyên Chủ tịch Hội KTS TP.HCM - cho rằng việc lắp đặt mái che ở tuyến đường Lê Lợi là hoàn toàn hợp lý.

Theo ông, với thời tiết nắng nóng và mưa bất chợt như ở TP.HCM, việc lắp đặt mái che rất hữu ích, người dân và du khách có thể đi bộ không kể nắng mưa. Với cái nắng gắt như hiện nay tại TP.HCM, mái che sẽ giảm bớt cái nắng nóng, người dân cũng đỡ mất sức hơn khi đi bộ. Nếu trồng thêm cây xanh có thể sẽ ảnh hưởng đến kết cấu của nhà ga metro bên dưới.

TS Nguyễn Hữu Nguyên - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - cho rằng cần những phân tích, tư liệu, số liệu chính xác mới có thể đánh giá lợi ích, cũng như hệ quả mang lại. Ông chia sẻ: "Khi thành phố lắp mái che xong, theo tôi, không quá lo các vấn đề về bán hàng rong tại vỉa hè hay người vô gia cư ngủ lại. Vì đây là con đường lớn, thành phố nên có cơ quan quản lý, tránh việc nhếch nhác lộn xộn diễn ra".

Tuy nhiên, bên canh đó là ý kiến phản đối và cho rằng nên trồng lại cây xanh trả lại cho con đường này mới là phương án gốc rễ. TS Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM - cho rằng chưa thực sự cần lắp thêm mái che cho tuyến đường Lê Lợi. Ông nhận định: "Nếu không gian nhỏ thì trồng cây nhỏ, không gian lớn thì trồng cây lớn. Chỉ 3 - 4 năm là đã có được bóng mát và hàng cây xanh trong khu đô thị rồi. Hiện nay, ban công nhà, sân thượng nhiều người còn trồng cây xanh được thì một vỉa hè rộng tại sao lại không?".

Chia sẻ về ý kiến lo sợ rễ cây ảnh hưởng đến các công trình khác, TS Cương gợi ý: "Việc chọn loại cây, đánh giá độ sâu của rễ sẽ có các kỹ thuật viên đánh giá. Có thể sử dụng các loại bồn thấp. Các tuyến đường lớn có vỉa hè rộng trên 5 m như đường Lê Lợi thì việc trồng các loại cây cao 2-6 m như cây bằng lăng, cây móng bò... là hoàn toàn có thể".

Ý kiến tranh luận còn khá nhiều nhưng theo kết quả khảo sát nhanh của Tuổi Trẻ Online từ 12h đến chiều 26/3 cho thấy, có hơn 78% bạn đọc bình chọn phương án không làm mái che, chỉ có 21,5% ủng hộ làm mái che và 0,4% có ý kiến khác.

Thế là đã rõ, cũng là đồng tiền chi ra, cái gì liên quan đến lâu bền và thân thiện với môi trường thường được nhiều người ủng hộ.

(Nguồn: Môi trường & Đô thị)

Tàu hải cảnh của Trung Quốc bị đuổi khỏi vùng biển của Việt Nam

Một tàu của Trung Quốc và một tàu của Việt Nam đã áp sát nhau một cách nguy hiểm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Theo dữ liệu của trang theo dõi tàu thuyền Marine Traffic (Giao thông Hàng hải), một tàu hải cảnh của Trung Quốc và một tàu kiểm ngư của Việt Nam rõ ràng đã có một cuộc chạm trán căng thẳng vào cuối tuần qua ở Biển Đông. Hai tàu này đã áp sát, tới mức chỉ cách nhau 10m.

Một chuyên gia nghiên cứu ở California cho biết, theo dữ liệu dựa trên tín hiệu của Hệ thống Nhận diện Tự động (AIS) từ hai tàu này, tàu Hải cảnh Trung Quốc CCG5205 và tàu Kiểm ngư 278 của Việt Nam đã tiến “gần nhau một cách điên rồ” vào lúc khoảng 7h sáng Chủ Nhật (giờ địa phương hay nửa đêm giờ UTC).

Theo dữ liệu theo dõi, đến khoảng chiều thứ Hai (giờ địa phương), tàu hải cảnh CCG5205 đã đang hoạt động ở vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia sau khi rời vùng biển của Việt Nam - nơi trước đó đã bị tàu Kiểm ngư 278 bám đuổi từ ngày 24/3/2023 mặc dù tàu này của Trung Quốc to hơn tàu Việt Nam một cách đáng kể.

Có thời điểm, hai tàu này chỉ cách nhau chưa đầy 10 mét - ông Ray Powell, người đứng đầu dự án Myoushu (Biển Đông) ở Đại học Stanford – người đầu tiên phát hiện ra vụ việc trên biển này.

“Mặc dù có sự khác biệt về kích cỡ nhưng tàu Việt Nam khá táo bạo. Tàu Trung Quốc to gấp đôi tàu Việt Nam” – ông Powel nói.

“Chắc chắn đã có một cuộc chạm trán rất căng thẳng”.

Vụ việc xảy ra ở vùng biển cách Bãi Tư Chính 50 hải lý (92.6km) về phía nam – nơi được biết đến như một điểm nóng giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông.

Khoảng 90 phút sau, tàu Trung Quốc rời vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nơi nó đã ở đó từ tối thứ Sáu (24/3).

Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của một quốc gia cho phép quốc gia đó có tiếp cận độc quyền đối với tài nguyên thiên nhiên trong vùng biển và dưới đáy biển của nó.

Tháng trước, tàu hải cảnh này của Trung Quốc đã bị lên án vì đã tiến đến gần, chỉ cách tàu hải cảnh của Philippines khoảng 137m và chiếu đèn laser vào thủy thủy đoàn của Philippines, khiến họ bị "mù" tạm thời.

Cảnh sát Biển Philippines vào ngày 6/2/2023 cho biết tàu Trung Quốc đã “rọi đèn laser cấp độ quân sự” hai lần vào tàu BRP Malapascua đang trên đường vận chuyển thực phẩm và nhu yếu phẩm cho quân đội đóng ở Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) ở Biển Đông.

Manila đã gửi công hàm phản đối và Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố ủng hộ “các đồng minh Philippines của chúng tôi”.

Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc, nói rằng tàu Philippines đã “xâm nhập vùng biển” ngoài khơi quần đảo Trường Sa mà “không có sự cho phép của Trung Quốc” và tàu hải cảnh Trung Quốc đã “ứng xử một cách chuyên nghiệm và kiềm chế”.

"Quá gần để cảm thấy thoải mái”

Dữ liệu theo dõi của Marine Traffic cho thấy trong cuộc chạm trán sáng Chủ Nhật, tàu CCG5205 và tàu Kiểm ngư 278 của Việt Nam đã gần đến mức chúng có thể đã va chạm.

“10 mét giữa hai tàu là quá gần để được thoải mái trong di chuyển” ông Collin Koh, một nhà phân tích hàng hải khu vực làm việc tại Singapore nói.

“Tùy thuộc vào trạng thái biển, nguy cơ va chạm là khá cao” – ông Koh nói với Đài Á Châu Tự do (RFA).

Một sĩ quan hải quân cao cấp đã nghỉ hưu của Việt Nam nói với RFA với điều kiện không tiết lộ danh tính do tính nhạy cảm của vấn đề rằng: Hai tàu này chắc chắn đã thoát được một vụ va chạm trong gang tấc nhờ đi ngược chiều nhau và ở tốc độ rất chậm.

“Nếu chúng đi cùng chiều thì đã không thể tránh khỏi va chạm vì khoảng cách giữa hai tàu là quá gần và quá nguy hiểm” – vị sĩ quan này nói.

Trong quá khứ, tàu Trung Quốc đã từng cố tình đâm vào tàu tuần tra của Việt Nam nhưng điều này không diễn ra trong những năm gần đây – ông nói.

Tàu CCG5205 rời Tam Á thuộc đảo Hải Nam để bắt đầu hải trình hiện tại vào ngày 11/3/2023 và đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam lần đầu tiên vào ngày 12/3/2023.

Sau đó, nó di chuyển đến khu vực có tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa các quốc gia ở Biển Đông và vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia trước khi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam một lần nữa vào ngày 21/3 trong vài giờ. Tàu này đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam lần thứ ba vào ngày 24/3 và bị tàu Kiếm Ngư 278 bám đuổi.

Tàu Kiểm ngư 278, tên chính thức là Tàu Giám sát Nguồn lợi Thủy sản Việt Nam KN-278, thuộc quân số tỉnhVũng Tàu, phía nam Thành phố Hồ Chí Minh.

Tàu này rời căn cứ vào ngày 13/3/2023 và đeo bám chặt chẽ theo tàu hải cảnh Trung Quốc kể từ đó.

Trong tháng 7/2021, tàu Kiểm Ngư 278 đã bám theo tàu CCG5202 - một tàu hải cảnh khác của Trung Quốc bị Việt Nam cáo buộc là đã quấy rối các hoạt động thăm dò khí đốt của nước này.

Hiện có sáu bên có tuyên bố chủ quyền đối với các phần của Biển Đông và các nguồn tài nguyên thiên nhiên của vùng biển này trong đó yêu sách chủ quyền của Trung Quốc là lớn nhất. Bắc Kinh đã và đang cố gắng cản trở các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của các nước khác trong vùng biển nằm trong đường chín đoạn mà họ tự tuyên bố chủ quyền.

Theo dữ liệu Maritime Traffic, tàu Hải Dương Địa chất 4 – một tàu khảo sát nặng 2.600 tấn của Trung Quốc – đã lai vãng trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 9/3/2023 cho đến ngày 25/3/2023 khi tàu này tắt Hệ thống Nhận diện Tự động

Hiện chưa có thông tin về hành tung của tàu này.

(Nguồn: RFA)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang