'Mất ngủ' vì lọc dầu Nghi Sơn; Cao tốc Bắc-Nam chưa có trạm dừng; 2.000 nhà vệ sinh công cộng phá sản; 'Ế' gói tín dụng 120.000 tỷ

Bộ Công Thương 'mất ăn mất ngủ' vì nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dọa dừng hoạt động

(Ảnh minh họa).

Dự án lọc hoá dầu Nghi Sơn lại dọa ngừng hoạt động là vấn đề 'nóng' được đặt ra trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương ngày 18/5. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, do chiếm tới 35-40% cho nhu cầu của thị trường nội địa nên mỗi lần Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn gặp trục trặc thì Bộ Công Thương "mất ăn mất ngủ".

Tại họp báo, đại diện Bộ Công Thương xác nhận đã nhận được kiến nghị mới đây của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) về việc đơn vị này cho hay đang đối mặt nguy cơ dừng hoạt động vì thiếu hụt dòng tiền và không đạt được thỏa thuận tái cấu trúc tài chính.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Vụ phó Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) cho biết, hoạt động của Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn có vai trò quan trọng trong cung ứng xăng dầu cho đất nước. Trong 4 tháng đầu năm, Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn sản xuất hơn 2,2 triệu tấn xăng dầu các loại, trong đó riêng tháng 4 sản xuất được hơn 67.000 tấn xăng dầu. Hiện nay, giữa tháng 5, nhà máy vận hành vẫn ổn định. Trong tháng 6 và quý III, quý IV, trong kế hoạch, Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn sẽ triển khai công tác vận hành sản xuất đã đăng ký với Bộ Công Thương.

Về việc thu hút dòng tiền của Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn, đại diện Vụ Dầu khí và Than cho biết, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi doanh nghiệp này và các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào dự án và PVN khẳng định rằng, việc tái cấu trúc tài chính, bộ máy và vận hành nhà máy an toàn, ổn định là vấn đề nội tại của doanh nghiệp, thuộc trách nhiệm giải quyết của Nghi Sơn và các nhà đầu tư tham gia góp vốn dựa trên các thoả thuận liên doanh, các tài liệu của dự án và tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.

Đại diện Bộ Công Thương khẳng định nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn, PVN và các nhà đầu tư nước ngoài, các bên phải chủ động, cùng phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc của Nhà máy này, đảm bảo nhà máy hoạt động hiệu quả, cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, do chiếm tới 35-40% cho nhu cầu của thị trường nội địa nên mỗi lần Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn gặp trục trặc, Bộ Công Thương mất ăn mất ngủ. Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn là liên doanh giữa PVN, Cô-oét và nhà đầu tư Nhật Bản. Phía doanh nghiệp Việt Nam chỉ góp vốn 25,1%, do vậy tiếng nói cũng chỉ có mức độ. Hiện chủ sở hữu là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo ông Hải, phía Bộ Công Thương là cơ quan quản lý ngành trong lĩnh vực dầu khí, việc giải quyết trong nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn là vấn đề nội tại của nhà máy này. Còn Chính phủ, bộ, ngành hoặc bất cứ cơ quan quản lý nhà nước nào cũng chỉ tham gia theo đúng các thoả thuận của các bên đã có cam kết. Đây cũng là điểm khó trong vấn đề xử lý, cái khó nhất là nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn chiếm 35-40% thị phần, nhưng chúng ta không có quyền quyết được. Đồng thời trong quá trình hoạt động mỗi một năm, nhà máy có ít nhất 30-45 ngày bảo dưỡng, chưa kể các trục trặc về kỹ thuật.

(Nguồn: CafeF)

Cao tốc Bắc - Nam chưa có trạm dừng nghỉ: Bộ GTVT nói gì?

Trong quá trình phê duyệt dự án cao tốc Bắc - Nam Bộ GTVT đã hoạch định đầu tư khoảng 39 cặp trạm dừng nghỉ (dự kiến dồn dịch đảm bảo khoảng cách còn 37 cặp trạm).

Hoạch định 39 cặp trạm dừng nghỉ

Bộ GTVT đã đưa hàng loạt tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào khai thác góp phần phát triển kinh tế xã hội của nhiều địa phương nơi có tuyến cao tốc đi qua. Sắp tới, Bộ GTVT sẽ thông xe thêm 2 tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Nha Trang - Cam Lâm vào ngày 19/5.

Tuy nhiên, trên một số đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam đã được đưa vào khai thác chưa có trạm dừng nghỉ, dịch vụ khiến cho nhiều người dân băn khăn thắc mắc vì sao khi thông xe và đưa vào khai thác, vận hành đến nay vẫn chưa có trạm dừng nghỉ dọc tuyến.

Lý giải về việc chưa đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT cho biết, trong quá trình phê duyệt dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT đã hoạch định đầu tư khoảng 39 cặp trạm dừng nghỉ (dự kiến dồn dịch đảm bảo khoảng cách còn 37 cặp trạm).

Trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông nhằm đảm bảo khoảng cách các trạm dừng nghỉ từ 50 - 60km và các trạm dừng nghỉ lớn với khoảng từ 120 - 200km. Trong đó, 5 dự án đã được đầu tư, đưa vào khai thác; 2 dự án đang được đầu tư.

Sẽ sớm lựa chọn nhà đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ

Để đáp ứng yêu cầu khai thác đối với một số dự án thành phần chuẩn bị hoặc đã được đưa vào sử dụng, Bộ GTVT đã chấp thuận vị trí, quy mô 16 trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Bộ GTVT đã yêu cầu các Ban quản lý dự án khẩn trương tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và triển khai đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả.

Trong quá trình đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT đã nhận được đề xuất đầu tư các trạm dừng nghỉ của nhiều doanh nghiệp lớn, có kinh nghiệm đầu tư vận hành đường cao tốc như Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Sơn Hải, Công ty Xây dựng Phương Thành; Công ty Điện máy xăng dầu Trần Phú…

Trước đó, ngày 7/3/2023, Bộ GTVT ban hành Thông tư số 01/TT-GTVT hướng dẫn về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ tại các dự án do bộ quản lý, các chủ đầu tư đã đủ công cụ pháp lý để triển khai đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho 30 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.

Cục Đường cao tốc Việt Namcho biết nếu triển khai theo kế hoạch triển khai tuần tự, thông thường, thời gian hoàn tất thủ tục lựa chọn nhà đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ mất khoảng 10-12 tháng.

Trong trường hợp thuận lợi, không phát sinh các tình huống làm rõ hồ sơ đăng ký thực hiện dự án, hồ sơ đề xuất, hồ sơ dự thầu... khoảng giữa tháng 8/2023 (trường hợp chỉ định thầu) và khoảng giữa tháng 10/2023 (trường hợp đấu thầu rộng rãi) sẽ hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư.

(Nguồn: Dân Việt)

Kế hoạch xây 2.000 nhà vệ sinh công cộng phá sản

(Ảnh minh họa).

Hà Nội và TP.HCM đặt mục tiêu xây dựng thêm 2.000 nhà vệ sinh công cộng từ năm 2016, nhưng đến nay sau gần 7 năm vẫn chưa thực hiện được.

Chỉ làm được 80/1.000 nhà vệ sinh xã hội hóa

Để đáp ứng nhu cầu của du khách, thúc đẩy phát triển du lịch, từ giữa năm 2016, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao hướng dẫn nhà đầu tư xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng (NVSCC).

Dù được xây dựng từ nguồn xã hội hóa, nhưng những nhà vệ sinh này phải đảm bảo thẩm mỹ, phù hợp với cảnh quan; sử dụng các vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường.

Kế hoạch hoành tráng là vậy, nhưng qua 7 năm triển khai, đến nay mới chỉ có hơn 80 NVSCC được đầu tư từ nguồn xã hội hóa. Chưa hết, Hà Nội hiện có hơn 300 NVSCC, trong đó có gần 200 công trình bằng gạch được xây dựng từ trước năm 1990, gần 100 cái vỏ thép được đầu tư trước năm 2010.

Cũng giống như Hà Nội, từ năm 2016, TP.HCM đặt ra mục tiêu xây dựng 1.000 NVSCC. Tuy nhiên, đến nay, thành phố trên 10 triệu dân này mới chỉ có khoảng 255 cái. Trong đó, NVSCC chủ yếu tập trung ở khu vực nội thành như quận 5 với 38 cái; ở trung tâm như quận 1, quận 3 có khoảng 10-18 cái.

Trao đổi với PV VietNamNet, đại diện đơn vị đầu tư NVSCC ở Hà Nội và TP.HCM cho biết, giá thành làm ra một nhà vệ sinh bằng thép chỉ 150- 200 triệu đồng/cái.

“Nếu muốn chúng tôi có thể làm vài trăm cái trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, để tìm được vị trí lắp đặt hàng trăm NVSCC trong nội thành thì không dễ, vì thường bị bà con phản ứng. Chính vì vậy, kế hoạch xây dựng hàng trăm NVSCC không đáp ứng được yêu cầu đề ra”, đại diện đơn vị đầu tư chia sẻ.

Mổ xẻ vấn đề trên, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, do chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của cơ quan chức năng nên mới dẫn đến tình trạng thiếu NVSCC. TP.HCM là đô thị lớn, với 10 triệu dân, nên theo ông Nguyễn Văn Nên, việc thiếu hay người dân khó tiếp cận NVSCC là điều khó chấp nhận.

Còn Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, các sở ngành không bàn tới bàn lui việc này, “không thể chấp nhận việc thiếu NVSCC ở một đô thị lớn như TP.HCM. Đừng để người dân, du khách phản ánh đô thị văn minh, hiện đại lại thiếu NVSCC”.

“Chỉ thiếu quyết tâm, chứ không thiếu tiền”

Ông Trần Anh Tú, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất chia sẻ, hai năm trước khi được điều động về làm lãnh đạo, nơi đầu tiên ông tìm đến quan sát là các nhà vệ sinh.

“Tôi yêu cầu anh em phải lau dọn thường xuyên, không được để nhân dân phản ánh nhà vệ sinh ô nhiễm”, ông Tú nói và cho biết, còn để xây dựng mới thì phải chờ dự án cải tạo công viên này.

Riêng quận Hoàn Kiếm hiện có khoảng 50 NVSCC, phần lớn trong đó được giao cho Công ty Môi trường đô thị (URENCO) chi nhánh Hoàn Kiếm quản lý. Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc URENCO chi nhánh Hoàn Kiếm cho biết: "Các nhà vệ sinh đơn vị quản lý được công nhân lau dọn thường xuyên. Nhưng do các thiết bị đều đã cũ nên nhìn không được sạch”.

Ông Chiến cũng bày tỏ, lãnh đạo TP Hà Nội cũng như quận Hoàn Kiếm nhìn ra bất cập của những nhà vệ sinh nên đã đưa ra kế hoạch cải tạo, sửa chữa. “Thời gian tới, quận và thành phố sẽ tính toán kinh phí nâng cấp NVSCC hiện đại hơn”, lời Giám đốc URENCO Hoàn Kiếm.

Trao đổi với PV VietNamNet, đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) cho rằng, nếu người đứng đầu các cấp, ngành không đủ quyết tâm thì rất khó có được một hệ thống NVSCC đáp ứng được nhu cầu của nhân dân và du khách ở Hà Nội và TP.HCM.

“Hai thành phố lớn nhất cả nước, đầu tàu về phát triển kinh tế - xã hội thì không thiếu tiền để xây dựng vài trăm cái NVSCC. Thậm chí, nếu có cơ chế hợp lý, tư nhân họ cũng sẵn sàng bỏ tiền ra làm”, ông Cừ nói.

Theo đại biểu Trương Xuân Cừ, thực tế nhiều năm qua, chính quyền các cấp của Hà Nội và TP.HCM chưa có sự quan tâm đúng mức nên không dành nguồn lực đầu tư NVSCC. Do đó, rất ít NVSCC được xây mới, những cái có sẵn lại không được chỉnh trang kịp thời dẫn đến xuống cấp.

(Nguồn: Vietnamnet)

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội vẫn chưa có chỗ tiêu

Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết mặc dù gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã được triển khai từ ngày 1/4/2023 nhưng đến nay vẫn chưa phát sinh dư nợ.

Tại hội nghị triển khai đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” do Bộ Xây dựng tổ chức sáng nay (19/5), ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), cho biết đến nay, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư theo Nghị quyết 33 của Chính phủ chưa phát sinh dư nợ.

Về khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, ông cho rằng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn hạn chế do những khó khăn, vướng mắc đã được nêu tại Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội như: vấn đề lựa chọn chủ đầu tư, vấn đề quỹ đất dành cho nhà ở xã hội, vấn đề ưu đãi dành cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn chưa thực sự thu hút hay việc xác định giá bán nhà ở xã hội...

“Những vướng mắc này có thể ảnh hưởng đến nguồn cung nhà ở xã hội cũng như đến tiến độ triển khai dự án. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước chưa nhận được danh mục các dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Do đó, mặc dù được triển khai từ ngày 1/4/2023 nhưng đến nay chưa phát sinh dư nợ thuộc chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng”, ông Bắc nói.

Cũng theo ông Bắc, các quy định về điều kiện được mua nhà ở xã hội cũng đang gặp nhiều ý kiến phản ánh, đơn cử như điều kiện về cư trú và điều kiện về thu nhập thuộc diện không phải đóng thuế thu nhập cá nhân không còn phù hợp trong bối cảnh giá nhà ngày một tăng cao.

Để chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng thực sự đi vào đời sống, góp phần vào mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đến năm 2030, đại diện Ngân hàng Nhà nước đề xuất cần có sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương.

Trong đó, các bộ, ngành rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan để tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý, trình tự, thủ tục trong đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tăng nguồn cung phân khúc bất động sản này cho thị trường, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; sớm công bố danh mục các dự án để các đối tượng thụ hưởng có điều kiện tiếp cận vốn vay tại các ngân hàng thương mại.

(Nguồn: VietnamFinance)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang