Người Việt hải ngoại: Xoay sở ở Ukraine; Thi piano toàn châu Âu; Học tiếng Việt ở HQ; DHS còn cơ hội ở Mỹ

NGƯỜI VIỆT XOAY XỞ VỚI CUỘC SỐNG THỜI CHIẾN Ở UKRAINE

(Ảnh minh hoạ).

Người Việt Nam ở Odessa (Ukraine) tập trung tại làng Sen, làng Staritskogo và các căn hộ ở trung tâm thành phố. Bà con đang sớm thích nghi với điều kiện sống và làm việc trong chiến tranh...

Đã hơn 9 tháng kể từ ngày 24 tháng 2 khi Nga tấn công toàn diện Ukraine, người Việt Nam ở thành phố Odessa đã dần dần quay lại để tiếp tục bám trụ và kinh doanh. Từ chỗ chỉ hơn 100 người vào thời điểm đầu tháng 3/2022, đến nay đã có hơn 400 người Việt trở lại Odessa.

Với đại đa số người Việt tại Ukraine, đây là quê hương thứ 2 của họ. Nơi đây là nhà cửa, cuộc sống và công việc hàng ngày. Dù được Nhà nước Việt Nam quan tâm bảo trợ nhưng đa số bà con khi về Việt Nam đều khó thích nghi với cuộc sống mới, nhất là các cháu ở tuổi đi học.

Khi mà toàn bộ tài sản của người dân vẫn ở trên đất Ukraine, họ phải tính đường quay lại khi chiến sự bớt căng thẳng hơn và nhất là khi quân đội Nga đã rút khỏi đảo Rắn ở ngoài biển Odessa.

Người Việt Nam ở Odessa tập trung tại làng Sen, làng Staritskogo và các căn hộ ở trung tâm thành phố. Để tạo điều kiện cho bà con quay trở lại qua Moldova, Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine và Moldova đã làm việc với Bộ Ngoại giao và Biên phòng nước bạn để việc đi lại được dễ dàng. Văn phòng lãnh sự danh dự Việt Nam tại Odessa cũng làm việc với Lãnh sự quán Moldova tại Odessa để giúp bà con thuận tiện trong việc xin cấp visa quá cảnh tại đây.

Chợ 7km (cây số 7 theo cách gọi của người Việt Nam) vẫn hoạt động, người dân từ các tỉnh vẫn về đây mua hàng. Những hàng hóa các chủ doanh nghiệp nhập khẩu sớm để bán vào mùa Xuân được tung ra với giá cả hấp dẫn nên được giải phóng nhanh. Hàng may mặc phát triển do cảng biển bị phong tỏa, không có tàu chở hàng vào. Mọi người được Ban quản lý chợ thông báo và hướng dẫn khi có báo động và sớm thích nghi với điều kiện làm việc trong chiến tranh.

Để đảm bảo an toàn tài sản tại chợ 7km, Ban chấp hành Hội Người Việt Nam tỉnh Odessa đã giao cho Ban quản lý chợ nhiệm vụ trông coi các cửa hàng; phối hợp Ban giám đốc chợ để mở cửa và di dời hàng của những bà con đi lánh nạn nhưng có ủy quyền cho người mở. Hiện nay việc kinh doanh của bà con tại chợ 7km tương đối thuận tiện.

Để hướng dẫn bà con cộng đồng thực hiện quy định của chính quyền sở tại, Ban chấp hành Hội Người Việt Nam, Văn phòng lãnh sự danh dự tại Odessa luôn thường xuyên theo dõi và nhắc nhở người dân tránh tập trung đông người, không đến gần nơi nhạy cảm hay quay phim chụp ảnh khu quân sự.

Căn cứ vào ý kiến của đa số bà con, Văn phòng lãnh sự danh dự và Ban chấp hành Hội Người Việt Nam tỉnh Odessa quyết định bổ nhiệm Ban quản trị Lâm thời để tiếp tục duy trì các hoạt động và bảo vệ tài sản người Việt tại làng Sen. Ngoài việc ổn định nề nếp trong khu chung cư, Ban quản trị lâm thời còn khắc phục các hậu quả tồn đọng, ký hợp đồng mới về gas và nước cho từng căn hộ.

Kể từ khi Nga chuyển hướng bắn phá vào cơ sở hạ tầng, nhất là các trạm biến áp và truyền tải điện thì việc cắt/mất điện cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt của người dân. Để khắc phục tình trạng này, nhiều gia đình đã mua máy phát điện, bộ ắc quy và truyền tải điện để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt. Mùa đông đến, việc sưởi ấm là vô cùng quan trọng.

Cuộc sống trong điều kiện chiến sự có nhiều vất vả nhưng các gia đình người Việt tại đây đều duy trì việc học hành cho con cái. Các cháu ngoài những buổi đến trường vẫn học online tại nhà. Những cháu sắp đến tuổi nhập học được tham gia các lớp học phổ cập kiến thức cơ bản và làm quen với việc học tập.

Cuộc chiến ở Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc nhưng với cách thích ứng hợp lý và được sự quan tâm của Đại sứ quán, Văn phòng lãnh sự danh dự Việt Nam tại Odessa, bà con đã yên tâm với cuộc sống của mình trong điều kiện mới.

Cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine nói chung và Odessa nói riêng mong chờ hòa bình sớm trở lại để người dân có cuộc sống ổn định, phục hồi tái thiết thành phố và đất nước.

(Nguồn: Dân Trí)

CUỘC THI PIANO VÀ HÁT TIẾNG VIỆT DÀNH CHO TRẺ EM VÀ THANH THIẾU NIÊN NGƯỜI VIỆT TOÀN CHÂU ÂU

Học viện Hà My Academy tại Anh vừa phát động cuộc thi Piano và Hát tiếng Việt dành cho trẻ em và thanh thiếu niên người Việt toàn châu Âu - V-Stella 2023.

V-Stella 2023 nhằm tạo sân chơi âm nhạc chuyên nghiệp, lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển toàn diện về trí tuệ, cảm xúc cũng như gìn giữ văn hóa truyền thống trong các thế hệ trẻ người Việt tại châu Âu.

Trong khuôn khổ hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Anh vào năm 2023, cuộc thi gồm 4 hạng mục: Piano 1 và Thanh nhạc 1 dành cho các thí sinh lứa tuổi từ 5-12, Piano 2 và Thanh nhạc 2 dành cho thanh thiếu niên từ 13-20 tuổi.

Mỗi hạng mục bao gồm 1 giải Nhất, 1 giải Nhì và 1 giải Ba.

Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Phạm Hà My - người sáng lập Hamy Academy, cho biết V-Stella 2023 nhằm tìm ra những tài năng âm nhạc Việt, gìn giữ tiếng Việt trong cộng đồng người Việt tại Anh và châu Âu, đồng thời mang âm nhạc cổ điển tới gần với khán giả Việt ở nước ngoài.

Với việc mời các hiệu trưởng, đại diện hàng đầu của các nhạc viện tại Anh đến thưởng thức các màn trình diễn của thí sinh, cô hy vọng cuộc thi sẽ tạo điều kiện cho các tài năng Việt có cơ hội được đánh giá năng lực và nhận học bổng từ các cơ sở đào tạo âm nhạc Anh quốc và hỗ trợ các thí sinh nhỏ tuổi muốn theo đuổi con đường âm nhạc chuyên nghiệp.

Tốt nghiệp bậc Thạc sĩ chuyên ngành Thanh nhạc cổ điển tại London College of Music, Hà My cho biết cô phải trải qua con đường vòng để đến với âm nhạc chuyên nghiệp do gia đình muốn cô theo học ngành kinh tế thay vì nghệ thuật.

Vì vậy, cô mong muốn cuộc thi sẽ giúp thay đổi nhận thức của nhiều bậc cha mẹ về giáo dục âm nhạc và tạo điều kiện cho con em theo đuổi đam mê nghệ thuật.

V-Stella 2023 dự kiến bao gồm 3 vòng, với vòng sơ loại được tổ chức vào ngày 22/2/2023.

Các thí sinh có thể liên hệ Ban tổ chức tại https://vi.vstella.eu; https://facebook.com/VStellaEU hoặc vstellaEU@gmail.com để tìm hiểu chi tiết về cuộc thi.

(Nguồn: Báo Quốc Tế)

TIẾNG VIỆT VÀ HỌC TIẾNG VIỆT TẠI HÀN QUỐC

(Ảnh minh hoạ).

Năm 2022, Việt Nam và Hàn Quốc kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Mối quan hệ hòa hảo giữa hai quốc gia, cùng những hợp tác trong các lĩnh vực, đã giúp đất nước Việt Nam dần được nhiều người Hàn Quốc yêu thích.

“Làn sóng” học tiếng Việt

Tại Hàn Quốc, việc sử dụng thành thạo tiếng Anh trước nay vẫn luôn là yếu tố cần thiết để có công việc lương cao và cơ hội thăng tiến. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người tìm kiếm theo học một ngôn ngữ ít phổ biến hơn, đó là: tiếng Việt. Thậm chí trước khi dịch Covid-19 bùng phát, tiếng Việt từng có thời gian gây sốt ở Hàn Quốc khi ngày càng có nhiều nhân viên văn phòng tìm đến ngôn ngữ này.

Trong bối cảnh hai nước tăng cường quan hệ, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam, năm 2017 từng đạt tổng giá trị đầu tư kỷ lục 7,4 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc thậm chí cho nhân viên học tiếng Việt ngay trước khi đầu tư vào Việt Nam. Tại đảo Jeju, Sở Giáo dục và Đào tạo có thời gian tổ chức lớp sơ cấp và trung cấp tiếng Việt vào buổi tối cho công nhân viên chức tham gia.

Không chỉ giới văn phòng, rất nhiều bạn trẻ yêu thích tiếng Việt, chọn đó làm ngành học bậc học Đại học của mình. Hiện nay, Đại học Hankuk hay còn được gọi là Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc, đào tạo 30 ngôn ngữ trên thế giới, trong đó tiếng Việt là một trong những khoa khá nổi trội. Đại học Chungwoon là một trong những trường có khoa Việt Nam học, nhiều sinh viên Hàn lựa chọn.

Có rất nhiều lý do khác nhau các bạn trẻ Hàn Quốc chọn học tiếng Việt, có thể vì cơ hội việc làm, có thể vì thích các ngôi sao Vbiz, cũng có thể vì có nhiều người bạn là Việt Nam, thích văn hóa Việt Nam, hoặc quan tâm đến việc học ngôn ngữ và thấy tiếng Việt là một ngôn ngữ có nét đặc sắc…

Yoo Eun Hye (sinh viên Đại học) chia sẻ: “Có rất nhiều bạn Việt Nam đang theo học tại trường mình. Nhưng các bạn đang du học bằng tiếng Anh, không biết tiếng Hàn Quốc. Vì vậy, mình muốn học tiếng Việt để có thể hiểu và nói chuyện cùng các bạn”.

Cầu nối mang tên “tiếng Việt”

Trong kỳ thi hướng dẫn viên thông dịch du lịch tiếng Việt Nam do Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Hàn Quốc hỗ trợ và Hiệp hội Hướng dẫn viên thông dịch du lịch Hàn Quốc chủ trì có nhiều người tham gia. Để có thể lấy được bằng, người học có thể đăng ký khóa học chuyên sâu chuẩn bị cho kì thi.

Khóa học này có hai cấp học. Cấp học cơ bản, hỗ trợ để thi lấy bằng năng lực tiếng Việt, học từ sơ cấp bảng chữ cái, đến trung cấp sẽ có thể đăng ký thi. Cấp học thứ 2 chuẩn bị kiến thức cho vòng phỏng vấn tiếng Việt và tiếng Hàn. Ở vòng thi phỏng vấn tiếng Việt, cần học về lịch sử, tài nguyên du lịch Hàn Quốc, để có thể truyền tải những hiểu biết mang tính chuyên môn về văn hóa và lịch sử các địa danh của Hàn Quốc.

"Mình đang học lớp trung cấp của Khóa Hướng dẫn viên du lịch. Đến lớp mình có môi trường để luyện tập nói cùng cô giáo và các bạn. Mình thấy rất vui khi có thể giới thiệu những điểm du lịch của Hàn với du khách bằng tiếng Việt. Tiếng Việt có 6 dấu thanh, vì vậy phát âm rất khó. Nhưng học tiếng Việt thực sự thú vị”, Kim Seon Yoo (sống tại Seoul) chia sẻ.

Bên cạnh đó, tiếng Việt hiện nay cũng được đưa vào chương trình dạy học ở một số trường phổ thông ở Hàn Quốc như một môn ngoại ngữ. Trường Trung học ngoại ngữ Chungnam, là trường THPT có giảng dạy tiếng Việt đầu tiên ở Hàn Quốc. Trường có 3 khối lớp, mỗi khối có 1 lớp tiếng Việt, mỗi lớp dao động từ 17- 21 học sinh. Học sinh theo học ngành tiếng Việt đa số là các em người Hàn Quốc, có 20% là gia đình đa văn hóa (Hàn – Việt, Trung – Việt, Hàn – Canada).

“Ở trường THPT Chungnam, giáo viên dạy tiếng Việt không được phép sử dụng tiếng Hàn trong lớp, hoàn toàn phải nói tiếng Việt. Ngoài học tiếng Việt cơ bản, các em được học về lịch sử, văn hóa, xã hội Việt Nam. Chính vì thế, học sinh khoa tiếng Việt của trường năng lực nghe rất tốt. Ở các cuộc thi hùng biện, những chương trình ngôn ngữ, học sinh trường đạt giải rất cao”, cô Nguyễn Thị Kim Thư (giáo viên dạy tiếng Việt - trường THPT Ngoại Ngữ Chungnam) chia sẻ.

Trên một số trang xã hội Hàn Quốc, cũng có rất nhiều giáo viên người Hàn Quốc chia sẻ các kiến thức về học tiếng Việt. Như trên trang Naver Cafe, cô giáo Song Yue-ri, một giáo viên người Hàn dạy tiếng Việt, đã từng có hơn 10 năm sinh sống tại Việt Nam. Cô Song Yue-ri cũng là tác giả của cuốn sách “Hướng dẫn cần thiết dành cho kỳ thi lấy bằng hướng dẫn viên thông dịch du lịch tiếng Việt”. Cô cũng là tác giả của các dự án như: Học tiếng Việt qua bài hát, học tiếng Việt 1 tuần 7 phút... được rất nhiều học viên theo học.

Học tiếng Việt để nhớ về cội nguồn

Hiện nay, thế hệ thứ hai ở các gia đình đa văn hóa Việt – Hàn, các em rất có ý thức về một phần dòng máu của mình. Ở các trung tâm dạy tiếng Việt và trường THPT ngoại ngữ có nhiều học viên là con lai Việt – Hàn. Điều này cho thấy cha mẹ và thế hệ sau luôn hướng về quê hương, dành tình yêu cho mảnh đất hình chữ S.

Song Hye Yeon, hiện đang theo học tại trường THPT Ngoại ngữ Chungnam, có mẹ là người Việt Nam, chia sẻ: “Em học tiếng Việt được 8 năm. Hàng năm em luôn cùng mẹ về nhà ngoại ở Việt Nam. Vì thế tình yêu với quê mẹ càng nhiều. Em muốn được tự tin nói chuyện với nhà ngoại và làm quen với các bạn ở Việt Nam, nên đã xin mẹ học tiếng Việt”.

Đồng thời, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc luôn cố gắng giúp đỡ, hỗ trợ con em các gia đình đa văn hóa Hàn – Việt có thể học tiếng mẹ đẻ bằng cách tổ chức các lớp “Tiếng Việt yêu thương”. Đây chính là hoạt động góp phần gìn giữ nét đẹp tiếng Việt, nét đẹp của văn hóa truyền thống của đất nước Việt Nam.

Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc cũng phối hợp với Quỹ Phát triển châu Á để hỗ trợ các học sinh sau khi tốt nghiệp cấp ba, đào tạo tiếng Việt và cấp học bổng cho học sinh đi du học tại các trường đại học ở Việt Nam. Điều này đã tạo động lực rất lớn cho việc học tiếng Việt của thế hệ người Việt thứ hai tại Hàn Quốc. Xa hơn, những lớp trẻ này sẽ trở thành cầu nối, góp phần vào sự phát triển quan hệ hai nước Việt – Hàn trong tương lai.

(Nguồn: Soha)

DU HỌC SINH VIỆT 'CÒN NHIỀU CƠ HỘI' SAU LÀN SÓNG SA THẢI Ở MỸ

Sau làn sóng sa thải ở các Big Tech Mỹ, du học sinh tốt nghiệp năm 2023 có thể bước vào thị trường tuyển dụng sôi động ở nhiều lĩnh vực, theo các chuyên gia.

Những tháng cuối năm 2022, hàng loạt công ty công nghệ ở Mỹ thông báo cắt giảm nhân sự khiến nhiều du học sinh lo lắng về tương lai ảm đạm sau khi tốt nghiệp. Một số chuyên gia cho biết du học sinh mới ra trường bị ảnh hưởng nhiều nhất khi các công ty dừng tuyển dụng, huỷ hoặc hoãn đề nghị làm việc.

Ngày 29/11, trang Intellizence cho hay từ đầu năm đến nay Credit Suisse (lĩnh vực dịch vụ tài chính) sa thải 9.000 nhân viên, United Furniture Industries (lĩnh vực sản xuất chế tạo) sa thải 2.700 nhân viên, JP Mogan Chase (lĩnh vực ngân hàng đầu tư) sa thải 3.000 nhân viên. Trong khi đó, ở lĩnh vực công nghệ, việc sa thải diễn ra ồ ạt, Meta sa thải 11.000 nhân viên; Twitter 4.400; Google thông báo sa thải 10.000 người.

Tuy nhiên, một số phân tích cho thấy thị trường tuyển dụng lao động Mỹ sẽ không đóng băng như lo ngại.

Trả lời VnExpress, Tony Linh Dương, Giám đốc điều hành Học viện hướng nghiệp Career Pass Institute ở Mỹ, từng có 10 năm kinh nghiệm làm tư vấn chiến lược tại nhiều công ty hàng đầu thế giới, nói làn sóng sa thải ở các công ty Big Tech (các công ty công nghệ lớn như Google, Microsoft, Amazon, Meta) gây nhiều chú ý nhưng tổng số việc làm của các công ty nhóm này trên thị trường lao động Mỹ chỉ chiếm 0,3% (theo Goldman Sachs).

Ông Đinh Công Bằng, có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam và Mỹ, nhận định làn sóng sa thải không phải với cả nền kinh tế. Bằng chứng là tỷ lệ thất nghiệp hiện vẫn rất thấp (giữ ổn định ở mức 3,7% - theo Reuters) và tăng trưởng kinh tế quý 3 năm 2022 cao hơn dự kiến. Một số doanh nghiệp vẫn tăng trưởng mạnh về tuyển dụng, theo Bloomberg Tax, EY (thuộc nhóm Big4 về kế toán, kiểm toán) dự kiến tuyển 220.000 nhân viên trên toàn thế giới trong 12 tháng tới.

Tờ Reuters hôm 3/12, cho biết việc tuyển dụng ở nhiều doanh nghiệp vẫn mạnh mẽ bất chấp thông báo cắt giảm hàng nghìn việc làm của các công ty công nghệ. Theo đó, có 10,3 triệu cơ hội việc làm vào cuối tháng 10 vừa qua, mở ra 1,7 cơ hội việc làm cho mỗi người thất nghiệp. Giải trí và dịch vụ khách sạn là hai lĩnh vực dẫn đầu về số việc làm gia tăng khi tạo thêm 88.000 việc làm, hầu hết ở các nhà hàng và quán bar. Có 45.000 việc làm được mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, 20.000 trong lĩnh vực xây dựng, 14.000 trong lĩnh vực sản xuất.

Theo The Wall Street Journnal vào cuối tháng 10, để dự báo thị trường lao động Mỹ năm 2023, Hiệp hội các trường đại học và nhà tuyển dụng quốc gia Mỹ (NACE) đã khảo sát 246 nhà tuyển dụng tại quốc gia này. Kết quả, gần một nửa số này đánh giá thị trường việc làm dành cho sinh viên sẽ tốt nghiệp đại học năm tới là rất tốt đến xuất sắc.

Trong số 246 nhà tuyển dụng tham gia khảo sát, một nửa có kế hoạch tăng cường tuyển dụng cử nhân mới tốt nghiệp năm 2023. Trong khi đó, chưa đến 6% nhà tuyển dụng dự kiến cắt giảm việc thuê sinh viên mới tốt nghiệp đại học với ba lý do, gồm lạm phát, tuyển dụng quá mức vào năm ngoái và không chắc chắn về tình trạng hao mòn nhân sự (do người lao động cũ nghỉ việc).

Shawn VanDerziel, Giám đốc điều hành NACE, cho hay các nhà tuyển dụng ngành tài chính, bảo hiểm, bất động sản, máy tính và sản xuất điện tử "khao khát tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp". Công ty kiểm toán hàng đầu thế giới KPMG trụ sở Mỹ, cho biết có kế hoạch năm 2023 mở rộng tuyển dụng thêm 10% sinh viên mới tốt nghiệp so với năm 2022. Năm nay, công ty này đã tuyển dụng hơn 8.000 sinh viên mới tốt nghiệp và thực tập sinh.

D’avione Milam, sinh viên năm cuối ngành nghiên cứu hệ thống quản lý thông tin tại Đại học Prairie View A&M ở Texas, nộp đơn xin việc sau khi tham dự một hội chợ nghề nghiệp của trường. Nữ sinh đã nhận được một vị trí vào tuần trước tại một công ty tư vấn công nghệ và sẽ bắt đầu công việc vào tháng 6/2023.

"Em rất nhẹ nhõm", Milam, 21 tuổi, nói và cho biết, bây giờ tất cả những gì em phải làm là vượt qua các môn học của mình.

Kevin Grubb, người quản lý Văn phòng phát triển nghề nghiệp ở Đại học Villanova, cho hay nhiều sinh viên ngành Khoa học máy tính của trường thực tập tại Microsoft, Meta - nơi diễn ra tình trạng sa thải hàng loạt, đã nhận được lời mời làm việc cho năm sau. "Có rất nhiều nhà tuyển dụng liên lạc đến sinh viên và sinh viên mới tốt nghiệp của chúng tôi", Kevin nói, cho biết các công ty đang tổ chức nhiều sự kiện quảng bá nhằm thu hút ứng viên tiềm năng.

Ông Đinh Công Bằng cho rằng trong bối cảnh này, nếu du học sinh đã sẵn sàng và có khả năng cạnh tranh, vẫn nên chuẩn bị hồ sơ và đăng ký phỏng vấn những vị trí mong muốn. Tuy nhiên, du học sinh cũng cần có những thay đổi nhất định trong kế hoạch học tập và làm việc.

Điều đầu tiên là có thể cân nhắc đăng ký thêm chuyên ngành chính (second major) hoặc chuyên ngành phụ (minor/second minor) nhằm kéo dài thời gian học tập, vừa tăng cường kỹ năng và kiến thức, vừa để tránh thời điểm mà thị trường tuyển dụng vẫn còn khó khăn. "Tốt nhất, nên học cao học để tăng hẳn cơ hội tuyển dụng vì hiện giờ chính phủ Mỹ đang có chương trình visa 20.000 H1-B (lao động cao cấp nước ngoài) dành riêng cho sinh viên mới tốt nghiệp trình độ sau đại học", ông Bằng nói.

Dù báo cáo của NACE cho thấy bức tranh tuyển dụng 2023 sẽ không mấy tươi sáng hơn ở lĩnh vực công nghệ và bán lẻ, Tony Linh Dương cho rằng vẫn còn rất nhiều cơ hội.

Theo anh Linh, ngoài các công ty công nghệ nổi tiếng, các công ty trong top 500 thế giới cũng là những công ty tốt, đã tồn tại và phát triển lâu đời. Tiếp xúc với đại diện nhiều công ty lớn trong Hội nghị các nhà lãnh đạo châu Á "Ascend - Pan Asian Leaders" ở Philadelphia hôm 9/11, anh Linh cho biết, các nhà tuyển dụng ngoài nhóm Big Tech đang tranh thủ dịp này để "lôi kéo lại nhân tài" vì trước đây rất khó cạnh tranh với các tập đoàn này trong việc tuyển dụng. Ngoài ra, các công ty khởi nghiệp có thể gây quỹ trong thời gian gần đây là những công ty có nền tảng mạnh và có khả năng tăng trưởng trở lại.

Anh Linh cho biết, trong giai đoạn "đỉnh điểm sa thải" một tháng qua, nhiều ứng viên vẫn có lời mời việc làm từ những tập đoàn trong nhóm doanh nghiệp tỷ đô ở Mỹ. Tất nhiên, ứng viên phải nỗ lực hơn trước đây để nhận được việc. Nếu như trước đây, một ứng viên rải hồ sơ đến 100 công ty sẽ nhận được 5-6 lời mời phỏng vấn, từ đó có 1-2 lời mời việc làm. Trong thời điểm này, ứng viên phải tăng lên 150 hồ sơ ứng tuyển thì mới thấy kết quả tương tự.

"Biết khó khăn của thị trường, ứng viên nên chuẩn bị sớm, xây dựng mối quan hệ đa dạng ở các tập đoàn khác thay vì chỉ tập trung vào một số tập đoàn nổi tiếng về công nghệ", anh Linh chia sẻ.

(Nguồn: Vnexpress)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Nỗi nhớ của người xa xứ; Xuân Quê Hương 2023; Cộng đồng DN tại Nhật; Từ thiện gạo ở Angola ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang